. .

Friday, July 15, 2016

Tòa Trọng Tài La Haye (PCA) vừa phán quyến thắng kiện cho Phi Luật Tân

by Phạm Văn Thành, July 2016


Phân tích, nhận định của Blogger Phạm Văn Thành về tình hình chính trị Việt Nam ngay sau Tòa Trọng Tài La Haye (PCA) vừa phán quyến thắng kiện cho nước Phi Luật Tân (Philippines) ngày Jul. 12, 2016: Đường Lưỡi Bò mà Trung cộng tuyên bố độc chiếm biển Đông hoàn toàn vô giá trị và bất hợp pháp.

Kèm các Phụ Lục cần thiết liên quan










PHỤ LỤC TIN BÀI TÀI LIỆU VỀ VỤ KIỆN TRUNG CỘNG

==> Thụy My RFI, REUTERS
==> TS Đinh Xuân Quân - Phán Quyết Về Vụ Tranh Chấp Philippines-Tq Về Biển Đông Hay David Hạ Goliath

Đường lưỡi bò là bất hợp pháp: Đòn quá nặng cho Trung Quốc !


Bản Tin by REUTERS/Romeo Ranoco, Jul. 13, 2016
Nguồn: Thụy My, RFI Jul. 13, 2016


Phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông được nhiều báo Pháp đề cập đến hôm nay 13/07/2016. Đề tài này cũng chiếm khá nhiều giấy mực trên các báo tiếng Anh ở châu Á hoặc Âu, Mỹ.

Thông tín viên Le Figaro trong bài « Tòa án Trọng tài Quốc tế bác yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông » nhận xét đây là một đòn đau cho Bắc Kinh. Les Echos qua bài viết « Đối với La Haye, Bắc Kinh chẳng có quyền gì tại Biển Đông » cho rằng đây là một sự lăng nhục mà Trung Quốc phải chịu đựng.

Le Figaro nhắc lại, Tòa án Trọng tài Quốc tế hôm qua tuyên bố Trung Quốc « không có quyền lịch sử » trên hầu hết diện tích Biển Đông. PCA nhận định các hành động của Bắc Kinh trong khu vực này là « bất hợp pháp », khẳng định đã « làm trầm trọng thêm tranh chấp », và xâm hại đến môi trường. Trung Quốc bác bỏ phán quyết, tiếp tục nêu ra « quyền lịch sử » và chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Thông cáo của Tòa án Trọng tài Quốc tế nêu rõ : « Tòa nhận định rằng không có bất cứ cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc đòi hỏi quyền lịch sử về các nguồn lợi trong các vùng biển bên trong ‘‘đường 9 đoạn’’. Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế », tức khu vực 200 hải lý xung quanh, đặc biệt là việc ngăn trở hoạt động đánh cá và tìm kiếm dầu khí. Tòa án cũng không công nhận các thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền là « đảo », như vậy « không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế xung quanh ».

Trung Quốc không có « quyền lịch sử » tại Biển Đông

Bắc Kinh vốn tẩy chay phiên tòa, ngay lập tức cho rằng phán quyết là « vô giá trị », vi phạm luật quốc tế, « không chấp nhận cũng không nhìn nhận quyết định ». Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhai lại luận điệu là người Hoa đã hoạt động từ hơn hai ngàn năm qua trên Biển Đông, nên có quyền lịch sử trên 90% diện tích vùng biển chiến lược này. Nhưng Les Echos cho biết, đường lưỡi bò trải rộng trên 2.000 km kể từ miền nam Trung Quốc, liếm sát duyên hải Việt Nam, Philippines…đã bị tòa tuyên là « không có bằng chứng nào cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã kiểm soát vùng biển này ».

Manila hoan nghênh phán quyết, nhưng vẫn kêu gọi « kiềm chế và chừng mực ». Tuần trước, chính phủ của tân tổng thống Rodrigo Duterte cho biết hy vọng nhanh chóng mở đối thoại với Trung Quốc sau quyết định của Tòa án Trọng tài Quốc tế, và sẵn sàng chia sẻ các nguồn lợi thiên nhiên tại vùng biển tranh chấp.

Tuy vậy theo Le Figaro, còn phải xem có hội đủ các điều kiện cho một cuộc đối thoại như thế hay không. Bắc Kinh nhấn mạnh « sẵn sàng tiếp tục giải quyết một cách hòa bình những bất đồng thông qua thương lượng và tham vấn trực tiếp với các Nhà nước liên quan », không thông qua trung gian, và « tôn trọng các sự kiện lịch sử cũng như luật quốc tế ». Nhưng Manila khó thể bỏ qua phán quyết trọng tài theo đòi hỏi của Bắc Kinh, và bản án này còn mở ra cánh cửa cho các quốc gia ven biển khác đang lo sợ trước thái độ hung hăng của Trung Quốc.

Bắc Kinh còn toan đối phó với sự hăng hái bảo vệ đồng minh của Washington, khi khẳng định « tôn trọng tự do hàng hải và hàng không » trong khu vực, nơi các chiến hạm của Hải quân Mỹ tuần tra với lý do nhằm bảo đảm các quyền trên. Hoa Kỳ hoan nghênh phán quyết của PCA như « một đóng góp quan trọng cho giải pháp », còn chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk có mặt tại Bắc Kinh hôm qua đã yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật lệ quốc tế.

Tờ báo nhắc lại, để xác quyết các yêu sách, Trung Quốc đã mở rộng các đảo nhỏ và rạn san hô, thiết lập các phi đạo, hải cảng và các cơ sở khác mà mới nhất là bốn ngọn hải đăng trên một rạn san hô cộng với một hải đăng khác đang xây dựng. Tòa án Trọng tài Quốc tế nhận định Trung Quốc đã làm tranh chấp thêm gay gắt, đồng thời « gây ra những thiệt hại không thể hồi phục cho môi trường biển ». PCA khiển trách Bắc Kinh đã để các ngư dân Trung Quốc đánh bắt loài rùa biển khổng lồ và các sinh vật quý hiếm khác, bằng các phương tiện đã xâm hại nghiêm trọng các rạn san hô và hệ sinh thái.

Phán quyết của Tòa Trọng tài làm tăng áp lực ngoại giao lên Bắc Kinh

Trong bài « Tại Biển Đông, Tòa án Trọng tài Quốc tế La Haye tuyên bố Bắc Kinh đã sai trái », nhật báo La Croix ghi nhận không có gì là ngạc nhiên khi phán quyết thuận lợi cho Manila trong hầu hết các vấn đề bất đồng với Bắc Kinh về Biển Đông, bị chính quyền Trung Quốc bác bỏ.

Từ nhiều tháng qua, chính quyền Bắc Kinh đã phản đối thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Quốc tế trong vụ này, đặt dấu hỏi về tính độc lập và khách quan của tòa. Tất cả cho thấy tuy phán quyết mang tính ràng buộc, vẫn có thể không được thực thi.

Trong phán quyết dày đến 501 trang công bố hôm qua, Tòa án Trọng tài Quốc tế khẳng định « đường 9 đoạn » tự vẽ chỉ mới xuất hiện trên các bản đồ Trung Quốc từ năm 1940 « hoàn toàn không có căn cứ pháp lý ». Không có bất kỳ đảo nhỏ, đá, rạn san hô nào ở Trường Sa được công nhận là « đảo » để có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh, theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc có ký kết.

Theo La Croix, phán quyết của tòa đã làm tăng áp lực ngoại giao lên Bắc Kinh.

Dưới triều đại Tập Cận Bình, Trung Quốc theo đuổi chính sách hết sức hung hăng tại Biển Đông. Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo tại khoảng sáu thực thể, thiết lập các cơ sở hạ tầng quân sự như radar, phi đạo…và tuần duyên tăng cường hiện diện tại các vị trí chiến lược, gây căng thẳng với các láng giềng. Lâu nay đứng ngoài quan sát, rốt cuộc Hoa Kỳ đã phải phản ứng vào mùa thu năm 2015 bằng cách gởi các khu trục hạm đến. Từ nay cho đến 2019, 60% hạm đội Mỹ sẽ được bố trí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Để tránh bị cô lập ngoại giao, Trung Quốc đã vận động được Nga và Ả Rập Xê Út ủng hộ, cùng với một số nước châu Phi như Niger, Lesotho, Togo, Angola, Madagascar, Papua-New Guinea. Ngược lại, khối G7 (Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada) hỗ trợ Philippines bằng cách liên tục nhấn mạnh sự quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong an ninh hàng hải.

Khúc ca khải hoàn khiêm tốn của Manila

La Croix nhận xét, cho dù ngay sau phán quyết đã diễn ra một cuộc biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc, chính phủ Philippines vẫn tỏ ra thận trọng trong các tuyên bố chính thức. Phát ngôn viên chính phủ nói rằng mọi việc còn cần phải thảo luận, ngoại trưởng Perfecto Yasay hoan nghênh La Haye nhưng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Ngược lại, báo chí Philippines hân hoan nhấn mạnh « chiến thắng » trước Bắc Kinh và « phán quyết lịch sử » này.

Trang web china.org của Trung Quốc lại có cách diễn giải khác. Trong bài « Phán quyết La Haye : Ôn ào để chẳng đi đến đâu », trang mạng này khẳng định càng gần đến ngày phân xử, trước thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh, quan điểm của Manila bắt đầu lung lay, qua đề nghị chia sẻ nguồn lợi và thương thảo dù có thắng kiện. Ông Rodrigo Duterte dường như nay đã hối tiếc về quyết định kiện ra Tòa án Trọng tài của người tiền nhiệm Benigno Aquino.

Tờ báo đe dọa trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN từ ngày 06 đến 08/09/2016 tại Vientiane (Lào), sau thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) từ 04 đến 05/09, Bắc Kinh sẽ có dịp chất vấn Manila về những bất nhất trong quan hệ song phương từ thời bà Gloria Arroyo cho đến nay. Trung Quốc cũng sẽ giới thiệu một lộ trình hợp tác thực tiễn, và đặt lại vấn đề Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Và trước đó, ASEAN cần đưa ra thông điệp hòa giải rõ ràng trước Trung Quốc nhân hội nghị ngoại trưởng lần thứ 49 của khối này từ 21 đến 26/07.

Theo Le Monde, sự khiêm tốn của Philippines là do thực tế trước mắt : các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp không vì phán quyết mà biến mất, và lực lượng tàu quân sự hùng hậu của Trung Quốc vẫn tiếp tục nghênh ngang, tuy quyết định của La Haye sẽ khiến Hải quân các nước phương Tây sẽ tuần tra thường xuyên hơn tại Biển Đông.

Trung Quốc sẽ hùng hổ hay hòa dịu ?

Bài viết đăng trên trang mạng của Le Monde « Bắc Kinh tức giận sau khi thua cuộc ở Biển Đông » qua phán quyết của tòa trọng tài nhận định, tuy thất bại đã được đoán trước, nhưng năm vị trọng tài ở La Haye đã giáng cho Trung Quốc một đòn quá nặng về tính hợp pháp của « đường 9 đoạn ».

Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng sau cái tát này, Bắc Kinh sẽ ra chiêu trả đũa. Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế của trường đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh khẳng định : « Trung Quốc đã chuẩn bị cho một phán quyết bất lợi, nhưng giọng điệu bản án tệ hại hơn dự kiến. Phán quyết này sẽ được các thế lực nước ngoài sử dụng để đối phó với Trung Quốc, và như vậy Bắc Kinh sẽ tăng cường năng lực quốc phòng ».

Giả thiết được đưa ra nhiều nhất là thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông xung quanh các đảo nhân tạo, và quân đội Trung Quốc nhờ các phi đạo mới có thể cho các chiến đấu cơ xuất kích bất kỳ lúc nào. South China Morning Post cho rằng quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất trước ADIZ Biển Đông sẽ là Việt Nam.

Tuy Bắc Kinh chưa nêu ra một hành động phản công cụ thể nào, nhưng các nhà phân tích lo ngại cơn sốt sẽ tăng lên trong khu vực, nơi Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự, nhất là xung quanh các đảo nhân tạo, để khẳng định quyết tâm không nhượng bộ. Reed Foster thuộc IHS Jane nhận xét : « Việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự giúp Trung Quốc kiểm soát trên thực tế nhiều mảng của Biển Đông ».

Theo Les Echos, về lâu về dài, phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế hôm qua dù sao cũng khiến Bắc Kinh tỏ ra hòa hoãn hơn một chút với các nước láng giềng để tránh vô số các vụ kiện nhục nhã trước các tòa án quốc tế.

Ấn Độ hân hoan, Úc chuẩn bị vào cuộc

Trang mạng indiaexpress.com của Ấn Độ vui mừng nhận định, các chiến hạm Ấn từ nay có thể tự do di chuyển tại vùng biển này theo UNCLOS, không cần phải thông báo cho Bắc Kinh. Hồi tháng 7/2011, tàu chiến INS Airawat của Ấn Độ đã bị tàu hải quân Trung Quốc quấy nhiễu vì cho rằng tàu Ấn đã đi vào vùng biển Trung Quốc.

Phán quyết của PCA là cơ hội cho New Delhi để khẳng định vị thế với các nước bạn bè trong khu vực, như một cường quốc biển, phù hợp với thông báo chung Mỹ-Ấn năm 2014 về tự do hàng hải và hàng không. Thái độ phản đối của Bắc Kinh cũng tương phản với việc New Delhi chấp nhận phán quyết của PCA tháng 7/2014 trong vụ kiện ranh giới trên biển với Bangladesh, tuyên đến gần 4/5 diện tích biển tranh chấp thuộc về Bangladesh chứ không phải Ấn Độ.

Bài viết đăng trên trang mạng của Viện Chiến lược Úc nhận định, Bắc Kinh đã nỗ lực rất lớn và thành công trong việc phá hoại sự đoàn kết giữa các nước ASEAN trong hồ sơ Biển Đông. Nhìn từ phía Úc, phán quyết hôm qua khiến người ta nhớ lại tuyên bố trong Sách Trắng quốc phòng năm 2016 của Úc, khẳng định « lợi ích quốc phòng chiến lược thứ nhì trong một khu vực an ninh gần gũi, bao gồm vùng biển Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương ».

Nói cách khác, lợi ích chủ yếu của an ninh quốc gia lại nằm trong một khu vực hoàn toàn bị Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Tác giả nhắc nhở, đừng quên rằng Úc đang chi ra 89 tỉ đô la để chỉnh đốn Hải quân. Cho dù chưa phê chuẩn UNCLOS, Mỹ không thể khoanh tay ngồi nhìn Trung Quốc hoành hành, và các đồng minh trong khu vực như Úc sắp tới sẽ được cầu viện đến nhằm đảm bảo tự do hàng hải.



TS Đinh Xuân Quân - Phán Quyết Về Vụ Tranh Chấp Philippines-Tq Về Biển Đông Hay David Hạ Goliath

Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ, Thứ Tư, ngày 13 tháng 7 năm 2016


Vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông đã kéo dài từ năm 2013 đến nay. Tòa trọng tài Thường Trực (PCA hay Permanent Court of Arbitration) nay đã ra phán quyết. 
Sau 17 năm đàm phán song phương với Trung Quốc (TQ) về Biển Đông (BĐ)– về chủ quyền các đảo, mỏm đá, hay bãi san hô để đánh dấu chủ quyền khai thác kinh tế mà không đạt được kết quả, Philippines đã nộp đơn cho tòa án PCA nhờ phân giải  để biết ai có quyền khai thác các tài nguyên của BĐ.  
Philippines đã yêu cầu tòa án PCA ra phán quyết về yêu sách lãnh thổ đầy tham vọng của TQ với đường 9 đoạn (lưỡi bò) là không hợp lệ, chiếu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trước tham vọng của TQ Philippines có nguy cơ bị mất một mảng lớn lãnh thổ trên biển. Ông Antonio Carpio của Tòa Thượng Thẩm Philippines tuyên bố: “Sự hung hăng của Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất từ bên ngoài đối với Philippines kể từ Đệ nhị Thế chiến đến nay”. Philippines đã đưa TQ ra Tòa Án Trọng Tài vào tháng 1, 2013. Nay sau 3 năm xem xét, Tòa vừa ra phán quyết về vụ kiện. 

Căng thẳng ở Biển Đông đã diễn trong nhiều thập kỷ qua và gây căng thẳng trong những năm gần đây qua việc TQ dùng sức mạnh xây các đảo nhân tạo. Philippines, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia và Brunei là các bên tranh chấp tại quần đảo Trường Sa - Spratlys và những vùng biển lân cận. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Trường Sa. 
Tranh chấp này làm gia tăng sự đối đầu về chính trị và quân sự trong khu vực giữa một bên là Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, và một nước siêu cường từ trước đến nay là Hoa Kỳ. Hai bên có hai cách nhìn về chủ quyền: TQ qua lịch sử còn HK qua luật quốc tế.
TQ cho là PCA không có thẩm quyền xét xử và nhấn mạnh chủ quyền lịch sử của mình tại vùng biển Đông. Philippines thì muốn Tòa PCA đưa ra những thể trạng địa lý mà các quốc gia có thể tuyên bố chủ quyền, cũng như quy cách hành xử trên biển. Tòa không xét về chủ quyền nhưng sẽ đánh giá – làm rõ về luật biển. 
Bài này chia ra hai phần: Trong phần 1 tác giả trình bày nội dung của vụ Philippines kiện TQ ra Tòa PCA, nhất là biện luận của họ ra sao? Thủ tục ra tòa án trọng tài như thế nào?  Trong phần 2 đề cập đến Phán quyết của toà án PCA và ảnh hưởng đến các nước trong vùng. 
Phần 1: Philippines kiện TQ ra toà và biện luận ra sao? 
Philippines và TQ có tranh chấp trên Biển Đông. Tàu hải giám TQ đuổi ngư dân của Phi, chiếm các bãi ngầm. Vì tòa án trọng tài PCA không có quyền thụ lý về các vụ kiện chủ quyền cho nên Philippines qua luật sư chính của mình là ông Paul Reichler, khéo léo kiện TQ ra Tòa PCA dựa trên các điểm
Thứ nhất, tính bất hợp pháp của bản đồ 9 đoạn được Trung Quốc sử dụng để đòi hỏi chủ quyền với khoảng 80 % diện tích Biển Đông (2 triệu km vuông); 
Thứ hai là phân loại và xác định quy chế cho các thực thể, để qua đó xác định các vùng biển cho 9 thực thể bao gồm Scarborough, Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan và Gaven. Theo Philippines, Scarborough, Chữ Thập, Châu Viên và Gạc Ma là các bãi đá, do vậy, có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý. Ngược lại Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan và Gaven là những thực thể nửa nổi nửa chìm, không có thể dùng làm điểm tựa.
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền 2 triệu km vuông, trong đó có Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. Họ muốn tòa Tòa án trọng tài (PCA) quyết định – làm rõ định nghĩa về các đảo, hòn đá hay đá ngầm theo định nghĩa của luật biển quốc tế (UNCLOS). Việc này coi như không quan trọng nhưng theo luật biển UNCLOS thì mỗi đảo, đá, đá ngầm có chủ quyền khác nhau.  Ví dụ theo luật biển các hòn đảo (người có thể sống được – có nước, vv) có những quyền hạn kinh tế khác nhau và đối với đảo thì có chủ quyền trên 12 hải lý và hơn nữa có đặc quyền kinh tế trên 200 hải lý, cho phép nước chủ có chủ quyền trên tài nguyên cá, dầu khí, vv trong khi thì các đảo nhân tạo thì không có những quyền này.  
Philippines muốn tòa PCA làm rõ - họ có chủ quyền trên BĐ tới mức nào theo luật biển quốc tế.  Việc tòa PCA làm rõ về biển của Philippines sẽ cho thấy những đòi hỏi TQ (đường lưỡi bò) có đúng UNCLOS hay không? 
Thứ ba là những tác động đối với nghề đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí, những quyền lợi kinh tế, môi trường an ninh hàng hải của Philippines. Philippines muốn tòa PCA làm rõ là TQ đã “chà đạp” quyền của họ (bằng cách đuổi ngư dân – không cho ngư dân họ đánh cá, cào các bãi san hô, phá môi trường để lập các đảo nhân tạo) theo luật biển (UNCLOS). 
Nói tóm Philippines không kiện về chủ quyền nhưng muốn Tòa PCA làm rõ quyền của họ theo luật biển (nói cách khác, những gì họ kiện TQ có lý hay không và qua ngõ này bác một cách gián tiếp chủ quyền của TQ).  
Philippines biện luận ra sao?
Theo luật biển thì lãnh hải phải dùng điểm tựa từ đất liền ra 12 hải lý và nước chủ còn có thêm đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa là 200 hải lý. 
Thứ nhất trong hồ sơ kiện 4,000 trang nạp lên Toà Trọng Tài PCA, Philippines chú trọng đến địa lý, địa chất, và địa hình chứ không dùng đến vấn đề quy phạm pháp luật của TQ (sở hữu lịch sử, vv). Philippines không dùng luận chứng lịch sử mà cho rằng số đảo hiện địa tại Biển Đông rõ ràng không có một ‘lượng diện tích đất’ nào đủ để (TQ có thể dựa vào mà dùng làm điểm móc) tuyên bố một diện tích quá to lớn về chủ quyền biển và chủ quyền kinh tế tới 2 triệu km vuông theo “đường lưỡi bò” do TQ tự vẽ ra. 
Thứ hai, theo Philippines thì với một số đảo nhỏ cỏn con và các mõm đá thì làm sao TQ có thể dùng làm ‘điểm tựa” để đòi hỏi một hải bàn 2 triệu km vuông? 
Thứ ba: TQ đang chiếm hữu 7 rặng san hô: Subi, Gaven, Hughes, Johnson South, Fiery Cross, Cuarteron và Mischief. Khi thuỷ triều lên cao, theo Philippines thì đa số các rạng san hô này đều nằm dưới nước. Dựa theo UNCLOS thì làm sao TQ từ đây tính ra lại có một diện tích rộng đến “hai triệu km vuông” biển như đường chín đoạn ‘vẽ’ ra? 
Vậy theo Philippines thì các Đảo, Bãi Cạn hay các Bãi san hô mà TQ cướp của Phi vào năm 2012, nhất là các bãi san hô này tuy còn thấy lúc thuỷ triều lên, nhưng cũng tương tự với các đảo cát ngầm khác thì không có lý do để dùng chúng làm “điểm mốc” biện hộ cho đường chín khúc được?
Quy trình Philippines đưa TQ ra Tòa PCA 
Philippines đưa TQ ra tòa theo một quy trình rất công phu và lâu dài: 
Ngày 22/1/2013 Philippines nộp đơn kiện TQ, và ngay sau ngày 19/2/2013, TQ đã bác bỏ vụ kiện của Philippines.
Ngày 11/7/2013, Tòa PCA (7 tháng sau) họp lần đầu tiên nghe vụ kiện của Philippines trong khi đó vào ngày 1/8/2013 TQ chính thức nói là họ không chấp nhận vụ kiện của Philippines.
Ngày 27/8/2013 Tòa PCA ra quyết định về thủ tục tố tụng số 1 về vụ kiện trong khi đó vào ngày 30/3/2014 nghĩa là hơn 1 năm 2 tháng thì Philippines đưa bản tố trạng (cáo trạng).
Ngày 14-15 tháng 5/2014, Tòa PCA họp chính thức lần 2 tại LaHaye. Ngày 21/5/2014 TQ đánh giá bản dự thảo quyết định về thủ tục tố tụng số 2 và “không chấp nhận trọng tài của tòa PCA” do Philippines đưa ra. Ngày 29/5/2014 Philippines đánh giá bản dự thảo thủ tục số 2.
Sau khi hai bên đánh giá, ngày 3/6/2014 Tòa PCA ra quyết định về thủ tục số 2. 
Sáu tháng sau vào ngày 17/12/2014 Tòa PCA ra quyết định thủ tục tố tụng số 3. 
Ngày 20–21/2015 – Tòa PCA gặp lần thứ 3 và ngày 22/4/2015 – Tòa PCA ra quyết định về thủ tục tố tụng số 4. TQ luôn nhắc lại lập trường là không chấp nhận thủ tục tố tụng trọng tài và không tham gia. Tòa trả lời rằng: “phụ lục VII của công ước UNCLOS đã quy định việc thành lập một toà án cho dù thiếu sự tham gia của một bên và đã ra tuyên cáo rằng, sự vắng mặt của một bên hay việc một bên không tự biện hộ không hề ngăn trở diễn biến tố tụng”. Việc TQ không tham gia, toà cũng dẫn phụ lục VII quy định rằng, trong trường hợp một bên không tham gia quá trình tố tụng, toà án “phải tự mình trả lời không phải chỉ mỗi việc có thẩm quyền đối với vụ tranh chấp, mà còn cả với việc xét xem đơn kiện có hội đủ nền tảng thực tế về pháp luật hay không”. Chính vì vậy mà PCA đã mở phiên điều trần sơ bộ trong thời gian từ ngày 7 đến 13/7/2015 và tòa đã tuyên định có thẩm quyền cũng như chấp nhận các kiện cáo của Philippine. Ngày 29/7/2015 – PCA chấp nhận thụ lý vụ kiện của Philippines và Tòa không hề thụ lý bất cứ điều gì liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và cũng sẽ không phân định bất cứ đường biên giới trên biển nào giữa các bên. 
Vào ngày 29 tháng 10, 2015 Tòa PCA đã quyết định thụ lý vụ kiện của Philippines đối với 7 điểm trong 15 điểm mà Philippines kiện TQ ra tòa PCA. Các điều PCA chấp nhận thụ lý, đặc biệt về các thực thể: 
Điểm số 3 trong vụ kiện của Philippines khi họ yêu cầu Tòa phán về bãi đá ngầm Scarborough Shoal là bãi - hòn đá theo điều 121(3) của luật biển;
Điểm số 4: Philippines cho là Mischief Reef, Second Thomas Shoal và Subi Reef là bãi đá ngầm khi thủy triều thấp do đó không chủ quyền về các vùng biển chung quanh (do not generate entitlement to maritime zones);
Điểm số 6: Philippines hỏi tòa PCA là Gaven Reef và McKennan Reef (kể cả Hughes Reef) là bãi đá khi thủy triều thấp (đá ngầm) do đó không thể có chủ quyền về các vùng biển chung quanh (như 4)
Điểm số 7 Philippines hỏi tòa PCA là Johnson Reef, Cuarteron Reef, và Fiery Cross Reef có hay không có đặc quyền kinh tế?
Điểm số 10 "TQ đã phạm luật biển khi cấm các ngư dân Philippines đánh cá trong vùng biển của (territorial sea) của bãi Scarborough.
Điểm số 11: TQ đã không giữ- bảo vệ môi trường biển tại bãi Scarborough Shoal và Second Thomas Shoal;”
Điêm số 13 Philippines phản đối việc các cơ quan TQ đang phạm luật biển về việc tránh va chạm trên biển (Convention on the International Regulations for the Prevention of Collisions at Sea) do đó phạm UNCLOS”. 
Như vậy 7 trong 15 điểm Philippines kiện được tòa PCA chấp nhận thụ lý. Tòa còn chưa quyết định về 8 điểm còn lại nhưng nhờ biện luận khéo léo dựa trên luật biển, Philippines đã thành công đưa TQ ra tòa mặc dù đây không phải là tất cả các vụ tranh chấp về BĐ.  
Phần 2: Phán quyết của tòa án trọng tài PCA 
Trong một phán quyết dài 479 trang và 11 trang bản trình, Tòa phán quyết một số điểm về vụ kiện:
Tòa ghi rõ “mặc dù các ngư dân và nhà hàng hải của Trung Quốc, cũng như của những nước khác, trong lịch sử đã từng sử dụng các "đảo" ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã từng độc quyền kiểm soát các vùng biển và các nguồn tài nguyên tại đây.” Tòa cũng nhấn mạnh là trước khi có luật biển UNCLOS, thì vùng biển này được coi là “quốc tế - high sea” nơi mà mọi tàu hay ngư dân có thể đến đánh cá.  Do đó Tòa cho là TQ không thể viện cớ là có chủ quyền lịch sử ngoài những quyền mà luật biển cho phép.
Tòa phán quyết rằng không một thực thể nào của quần đảo Trường Sa “có thể tạo các vùng biển mở rộng”, không một thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền (chiếm đóng) “có thể tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế”. Do vậy, Tòa tuyên bố - tuy không xác định ranh giới - rằng một số khu vực nằm (đảo, mõm đá) trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vì những khu vực này không chồng lấn với bất cứ khu vực nào của Trung Quốc.
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cho rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này, vì đã cản trở việc thăm dò dầu khí và đánh cá của Philippines, xây dựng các đảo nhân tạo, cũng như đã không ngăn cản ngư dân Trung Quốc đến đánh cá trái phép ở vùng này. 
Tòa phán quyết rằng các ngư dân Philippines (cũng như ngư dân Trung Quốc) có quyền đánh cá truyền thống ở vùng bãi cạn Scarborough và Bắc Kinh đã cản trở việc thực thi các quyền đó khi hạn chế việc đi vào vùng này. Theo Tòa án Trọng tài Thường trực các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã hành xử trái phép khi họ dùng tàu cản đường các tàu Philippines gây nguy cơ đụng tàu nghiêm trọng.
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực còn cho rằng các hành động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc không phù hợp với nghĩa vụ của một Nhà nước trong tiến trình giải quyết tranh chấp, gây ra những tổn hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển, xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tàn phá môi trường tự nhiên của các thực thể ở Biển Đông. […found that China had caused severe harm to the coral reef environment and violated its obligation to preserve and protect fragile ecosystems and the habitat of depleted, threatened, or endangered species. The Tribunal also found that Chinese authorities were aware that Chinese fishermen have harvested endangered sea turtles, coral, and giant clams on a substantial scale in the South China Sea (using methods that inflict severe damage on the coral reef environment) and had not fulfilled their obligations to stop such activities…]
Xin nhắc lại là phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không phán quyết về chủ quyền biển đảo, mà chỉ xác định là những thực thể nào trên biển có thể tạo ra chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển xung quanh chiếu theo luật quốc tế. 
Trung Quốc đã luôn luôn tuyên bố là không chấp nhận và cũng không tham gia vào vụ kiện “đơn phương” của Philippines. Tuy nhiên, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cho rằng, việc Bắc Kinh từ chối tham gia không ảnh hưởng gì đến thẩm quyền xét xử của tòa và việc Philippines đơn phương kiện không phải là một hành động vi phạm các thủ tục giải quyết tranh chấp theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. 
Kết luận tạm thời 
Việc Philippines kiện Trung Quốc cho thấy khi được tòa án quốc tế xét xử công bằng thì một nước nhỏ (David) vẫn có thể hạ một Goliath như TQ.

* * *

 
Phán quyết của Tòa không giải quyết tất cả vấn đề chủ quyền, nhưng quyết định của Tòa cũng mở ra và làm rõ thêm quyền về luật biển. Sau phán quyết này thì Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Trường Sa sẽ phải xét lại, ngồi điều đình vể chủ quyền chung quanh các đảo.
Việc tranh chấp tại Biển Đông đã kéo dài từ năm 2013 đến nay. Tòa trọng tài Thường Trực (PCA hay Permanent Court of Arbitration) nay đã ra phán quyết.[1]/ (Xin xem bản phán quyết)
Căng thẳng ở Biển Đông đã diễn trong nhiều thập kỷ qua và gây căng thẳng trong những năm gần đây do việc TQ dùng sức mạnh và xây các đảo nhân tạo – hầu dành quyền khai thác các tài nguyên biển.
Tranh chấp này có cả ngụ ý chính trị là một thế giới dựa trên luật pháp quốc tế (Hoa kỳ và các nước) và bên kia là Trung Quốc (TQ) đang trỗi dậy mạnh mẽ, thành một siêu cường đang lên dựa trên “chủ quyền lịch sử” và sức mạnh để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Tòa Trọng tài Thường Trực-PCA tại La Haye chính thức công bố phán quyết về vụ việc Philippines kiện Trung Quốc về đường đứt khúc 9 đoạn vẽ ra tại Biển Đông nhằm tuyên bố chủ quyền ở đó. Phán quyết của Tòa dài 479 trang gồm trong 10 chương và trong đó Philippines thắng 14 điều còn điều 15 thì là dĩ nhiên theo phán quyết chung. 
Đây là một thắng lợi của công lý quốc tế - của David trên Goliath – của nước nhỏ trên nước lớn nhờ Tòa án Trọng Tài – nhờ luật.
Trong phần hai bài này (Xin xem kỳ 1 đã đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ ngày 13 tháng 7, 2016) tác giả cố gắng làm rõ những gì Tòa đã phán quyết và ảnh hưởng (tốt hay xấu) trên TQ và các nước trong vùng, nhất là đối với Việt Nam.

Phần 1: Phán quyết của Tòa PCA
Phán quyết của Tòa dài 479 trang và gồm 10 chương. Philippines kiện TQ 15 điều và phán quyết của tòa cho thấy Philippines thắng 14 điều còn điều 15 thì là dĩ nhiên theo phán quyết chung.
Chương I là phần dẫn đầu
Chương II đưa ra các thủ tục tố tụng của vụ kiện.  Chương này, theo điều 5 của Phụ Lục VII, đã cho thấy là Tòa PCA đã tìm mọi cách nghe tiếng nói của hai bên (Philippines và TQ) và cho phép họ có dịp đóng góp vào quy trình.
Chương III đánh giá đơn kiện với 15 điều của Philippines.  Mặc dù TQ đã không tham gia vào quy trình luật pháp này, Tòa luôn luôn so sánh - đánh giá 15 điều Philippines kiện với phía TQ.
Chương IV Đánh giá việc TQ không tham gia vào đơn kiện của Philippines.
Chương V, Tòa đánh giá đơn của Philippines về quyền và trách nhiệm của hai bên đối với biển, thềm lục địa và các thực thể trên biển kể cả đường 9 đoạn là trái với luật biển.
Chương VI, Tòa phán quyết về đơn của Philippines về các thực thể trên biển như Bãi Cuarteron Reef, Fiery Cross Reef, Gaven Reefs, Johnson Reef, Hughes Reef, McKennan Reef, Mischief Reef, Scarborough Shoal, Second Thomas Shoal, và Subi Reef. Tòa đã đánh giá xem là các thực thể nêu trên ở Trường Sa có phải là đảo hay không theo điều 121(3) của luật Biển và có thể có tranh chấp với vùng độc quyền kinh tế của Philippines. 
Chương VII, Tòa xét theo luật biển các đơn tố cáo của Philippines và cho là TQ đã phạm (a) TQ đã chạm đến quyền của Philippines về tài nguyên (điều 8 của Philippines); (b) TQ đã không ngăn cản các tàu TQ đánh bắt tài nguyên của Philippines (điều 9); (c) TQ ngăn chặn các ngư dân Philippines tại bãi Scarborough Shoal (điều 10 của Philippines); (d) TQ không bảo vệ môi trường biển qua việc (a) cho phép và bảo vệ các tàu TQ đánh bắt các hải sản có nguy cơ tiệt chủng và đánh bắt cá một cách có hại; và (b) xây dựng các đảo nhân tạo làm hư các bãi san hô (điều 11 và 12(b) của Philippines); (e) TQ xây các đảo nhân tạo không được phép của Philippines (điều 12(a) và 12(c) của Philippines); và (f) Các tàu TQ đã không tránh – có thể đưa việc đụng chạm – gây nguy cơ cho tàu Philippines gần bãi Scarborough Shoal trong 2 vụ tháng 4 và tháng 5, 2012 (điều 13 của Philippines). 
Chương VIII, Tòa cho là việc TQ qua các hoạt động tại bãi Second Thomas Shoal và việc xây dựng đảo nhân tạo đã gây thêm tranh chấp giữa hai bên tại quần đảo Trường sa (điều 14 của  Philippines).
Chương IX Tòa xem xét cư xử của hai bên trong việc giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa (điều 15 của Philippines).
Chương X Phán quyết của tòa.
Nói tóm Philippines như vậy có thể nói là Philippines toàn thắng về 15 điểm họ xin Tòa làm rõ.  Việc quan trọng nhất là Tòa đã phán rõ rang là đường 9 điểm (lưỡi bò) không có cơ sở pháp lý trong luật biển của Liên Hiệp Quốc.
Các luật sư của Philippines đã biện luận rất khéo léo – không nói về chủ quyền (vì Tòa không có thẩm quyền) nhưng họ chỉ muốn Tòa làm rõ các quyền lợi của họ theo luật biển. Luật biển không chấp nhận đường 9 đoạn và nay các đảo nhân tạo sẽ không có lãnh hải 12 hải lý và không có thêm đặc quyền kinh tế trên 200 hải lý.
Các rặng san hô: Subi, Gaven, Hughes, Johnson South, Fiery Cross, Cuarteron và Mischief. Khi thuỷ triều lên cao, do đó sẽ không có lãnh hải. Các Bãi san hô mà TQ cướp của Phi vào năm 2012, nhất là các bãi san hô này tuy còn thấy lúc thuỷ triều lên nằm trong vùng độc quyền kinh tế của Philippines.
Về quyền lịch sử (trang 471 của phán quyết) Tòa đã bác (điều kiện 1 và 2 của Philippines). Ở chỗ khác Tòa ghi rõ “mặc dù các ngư dân và nhà hàng hải của Trung Quốc, cũng như của những nước khác, trong lịch sử đã từng sử dụng các "đảo" ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã từng độc quyền kiểm soát các vùng biển và các nguồn tài nguyên tại đây.”  Tòa cũng nhấn mạnh là trước khi có luật biển UNCLOS, thì vùng biển này được coi là vùng “quốc tế - high sea” nơi mà mọi tàu - ngư dân có thể đến đánh cá, thu tài nguyện hải sản.  Dựa trên đó Tòa cho là TQ không thể viện cớ là có chủ quyền lịch sử.  TQ chỉ có chủ quyền do luật biển cho phép – đi từ đất liền ra 12 hải lý và nếu là đảo thì có 200 hải lý.
Tòa phán là quần đảo Trường Sa “không thể coi là một đảo và có thể tạo ra một “vùng đặc quyền kinh tế”.
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cho rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này, vì đã cản trở việc thăm dò dầu khí và đánh cá của Philippines, xây dựng các đảo nhân tạo, cũng như đã không ngăn cản ngư dân Trung Quốc đến đánh cá trái phép ở vùng này.
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực còn cho rằng các hành động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc không phù hợp với nghĩa vụ của một Nhà nước trong tiến trình giải quyết tranh chấp, gây ra những tổn hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển, xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tàn phá môi trường tự nhiên của các thực thể ở Biển Đông. 
Xin nhắc lại là phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không phán quyết về chủ quyền biển đảo, mà chỉ xác định là những thực thể nào trên biển có thể tạo ra chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển xung quanh chiếu theo luật quốc tế.
Phần 2: Hậu quả - Tác động của phán quyết
Phán quyết của Tòa khẳng định công lý, pháp lý quốc tế đã được thực thi một cách rõ ràng; một thắng lợi chung cho các quốc gia chứ không phải một mình Philippines bởi lẽ tác động tiếp theo của phán quyết này là sẽ có lợi cho việc duy trì trật tự pháp luật quốc tế đã định hình.
Tại Biển Đông hiện nay có 6 quốc gia chiếm đóng, giữ Đảo, Đá, Rạng San hô, Bãi, Cồn cát.
Việt Nam kiểm soát Tổng cộng: 21 thực thể địa lý, gồm 7 đảo san hô / cồn / 14 rạng san hô) như: 1) Đảo An Bang; 2) Đảo Nam Yết; 3) Đảo Sinh Tồn;  4) Đảo Sinh Tồn Đông;  5) Đảo Sơn Ca; 6) Đảo Trường Sa Lớn; 7) Đảo Song Tử Tây;  8) Đảo Trường Sa Đông;  9) Đảo Phan Vĩnh: 10) Đá Cô Lin: 11) Đá Đông; 12) Đá Lát; 13) Đá Len Đao; 14) Đá Lớn; 15) Đá Nam; 16) Đá Núi Thị; 17) Đá Núi Le; 18) Đá Tây; 19) Đá Tiên Nữ; 20) Đá Tốc Tan; 21) Đá/Bãi Thuyền Chài.
Trung Quốc kiểm soát Tổng cộng: 7 thực thể địa lý; tất cả đều là rạng san hô bãi ngầm lập lờ thủy triều: 1) Rạng Đá Châu Viên;  2) Rạng Đá Chữ Thập; 3) Rạng Cụm đá Ga Ven; 4) Rạng Đá Gạc Ma; 5) Rạng Đá Tư Nghĩa; 6) Rạng Đá Vành Khăn; 7) Rạng Đá Xu Bi. Theo phán quyết của Tòa thì 7 thực thể này không có lãnh hải hay đặc quyền kinh tế.
Philippines kiểm soát: Tổng cộng: 10 thực thể địa lý: 7 đảo san hô/cồn cùng 3 rạng san hô: 1) Đảo Bến Lạc; 2) Đảo Bình Nguyên; 3) Đảo Loại Ta; 4) Đảo Song Tử Đông; 5) Đảo Thị Tứ; 6) Đảo Vĩnh Viễn; 7) Bãi An Nhơn; 8) Đá Cá Nhám; 9) Đá Công Đo; 10) Bãi Cỏ Mây
Đài Loan kiểm soát Tổng cộng 2 thực thể địa lý, gồm 1 đảo san hô và 1 rạng san hô (trên đó nổi lên 1 cồn cát), đó là 1) Đảo Ba Bình; 2) Bãi Bàn Than
Malaysia kiểm soát Tổng cộng: 7 thực thể địa lý; tất cả đều là rạn san hô nói chung. Nước này cũng xây một ngọn đèn hiệu trên rạn san hô vòng Louisa. 1) Rạn Đá Én Ca; 2) Rạn Đá Hoa Lau; 3) Rạn Đá Kỳ Vân; 4) Rạn Đá Sác Lốt; 5) Đá Suối Cát; 6) Rạn Đá Kiêu Ngựa; 7) Bãi Thám Hiểm
Các hậu quả qua sự phán quyết của Tòa PCA
Hậu quả phán quyết: không chấp nhận quyền sở hữu dựa trên lịch sử và cũng không chấp nhận đường lưỡi bò.  Như vậy TQ không có cớ đòi chủ quyền – lấy đi một cớ mà TQ vẫn dựa lên để ăn hiếp và áp đặt chủ quyền. Việc này sẽ giúp các nước trong vùng đòi hỏi chủ quyền một cách mạnh mẽ hơn;
Hậu quả phán quyết về vùng đặc quyền kinh tế sẽ phải lấy điểm tựa từ đất liền ra biển và chỉ theo luật quy định nghĩa là lãnh hải 12 hải lý và 200 hải lý EEZ (đặc quyền kinh tế).  Hoa kỳ khuyến khích các phía tranh chấp làm rõ yêu sách trên biển của họ phù hợp với luật pháp quốc tế - như được phản ánh trong Công ước Luật biển - và làm việc với nhau để quản lý và giải quyết tranh chấp;
Hậu quả phán quyết thì không có thực thể nào tại Trường sa (Spratly Islands) có thềm lục địa và nhiều thì 12 hải lý mà thôi.  Mặc dù VN chiếm 21 điểm nhưng VN sẽ phải xét lại, điều đình vể chủ quyền chung quanh các đảo cũng như các vùng đặc quyền kinh tế của mình. (xem bản đồ); 
Hậu quả phán quyết đối với VN là có thể thay đổi chính sách về BĐ với TQ.  VN đã thành công quốc tế hóa BĐ và nay Quốc tế đã vào – mang nhiều cách giúp VN.  Bàn cờ không còn dựa trên 16 tốt và 4 chữ vàng của hai đảng CS mà dựa trên quyền lợi đất nước.  VN nay có nhiều cơ hội như kiện TQ về việc đánh chìm – phá hoại các tàu đánh cá của VN – cấm đánh cá tại BĐ dựa trên nhiều lý do vì TQ không có quyền trong đường 9 điểm – tự mình đưa các vùng cấm đánh cá hay dùng tàu hải chính là phi pháp (vì đây là biển quốc tế) trái với luật biển. Phán quyết PCA sẽ cho phép VN mạnh miệng hơn – có chính sách độc lập hơn. 
Hậu quả phán quyết là TQ khó sẽ lập vùng nhận dạng hàng không (ADIZ) vì không có quá 12 hải lý và các vùng TQ chiếm vẫn coi là đá ngầm. 
Hậu quả phán quyết thì vùng trong Biển Đông là vùng Hải phận quốc tế - các tàu Hoa Kỳ, Nhật, vv. sẽ có dịp tuần tra – đi trên biển quốc tế. 
Hậu quả phán quyết thì không có vùng biển chồng lấn giữa Indonesia và các vùng đánh cá của TQ.  200 hải lý chung quanh đảo Natuna là thuộc Indonesia.   
Trung Quốc không chấp nhận phán quyết nhưng họ “không thể một mình một sân, một mình một luật chơi được”. Nếu không chấp nhận trật tự luật pháp quốc tế Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia “côn đồ - rogue state” và mọi nước sẽ rõ và phải xem xét lại đường lối đối ngoại với Trung Quốc về các vấn đề chính trị, ngoại giao và kể cả kinh tế.
Kết luận tạm thời
Việc Philippines kiện Trung Quốc cho thấy qua luật pháp một David (nhỏ) được tòa án quốc tế xét xử công bằng vẫn thắng một Goliath khổng lồ như TQ – một thành viên Hội Đồng Bảo An không coi luật quốc tế ra gì.
TQ có hải quân mạnh và việc đầu tiên là các nước nhất là VN cần tăng hải-không quân để bảo vệ bờ cõi. Nhờ các chính phủ Quốc Gia trước đây và các chính phủ của VNCH, VN có chứng cớ về quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa để thương lượng.  Hơn nữa nay các nước như Hoa Kỳ và Nhật có thể giúp VN vì không còn đường “lưỡi bò tự vẽ.”
Phán quyết của Tòa PCA không giải quyết tất cả vấn đề chủ quyền nhưng nó làm rõ thêm các quyền và trách nhiệm của các nước thành viên UNCLOS.  Nhưng đường còn dài – ít nhất nay con đường đã rõ ràng hơn sau phán quyết.
ĐXQ
[1]http://thediplomat.com/wp-content/uploads/2016/07/thediplomat_2016-07-12_09-15-50.pdf - Bản phán quyết của Tòa PCA dài 479 trang gồm 10 chương




Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ, Thứ Tư, ngày 13 tháng 7 năm 2016 ==> 12


.

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...