. .

Saturday, August 11, 2018

nhạc sĩ Tô Hải giã biệt trần thế

Aug. 11, 2018


tác giả Hồi Ký Của Một Thằng Hèn - nhạc sĩ Tô Hải giã biệt trần thế


Gia đình và thân hữu kính cáo

Nhạc sĩ Tô Hải, tác giả nhạc phẩm tiền chiến "Nụ Cười Sơn Cước" [Bắc Việt 1946], tác giả "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn" [USA 2009] đã về với Chúa lúc 7:40PM ngày 11/8/2018, nhằm ngày mồng 1 tháng 7 năm Mậu Tuất.

dòng Status thay cho CÁO PHÓ của hiền nội nhạc sĩ, Facebooker Lâm Ái

Nhạc sĩ Tô Hải và hiền nội Lâm Ái trong Sinh Nhật lần thứ 90, năm 2017

Các dòng viết Phân Ưu của bạn đọc và thân hữu (từ Facebook)


những dòng văn thay lời Phân Ưu của cựu tù chính trị Phạm Thanh Nghiên, những lời và ý giản dị nhưng cao vợi chất chứa nhiệt huyết và chân tình của một nữ lưu Bắc Kỳ trẻ tuổi trước vận mệnh hung hiểm trước mặt của quê hương


Facebooker Trần Bang

Nhạc sỹ Tô Hải, tác giả của hàng ngàn bản nhạc cách mạng từ năm 1946 đến năm 1990. Sau 1990, ông đã phản tỉnh, và cho rằng hàng ngàn bản nhạc đó là đồ bỏ trừ vài bản như “ Tiếng hát người chiến sĩ biên thuỳ”, “ Nụ cười sơn cước”.

Ở tuổi thất thập trở đi, ông đã viết nhiều bài phản biện chính trị trên Facebook, blog ... và xuất bản cuốn sách "Hồi ký của một thằng hèn", đó là tác phẩm mà ông ưng ý nhất. Đó cũng là tác phẩm được nhiều người biết đến và trở nên yêu quý, kính trọng ông.

read full here
https://www.facebook.com/bang.tran.378/posts/1782360391819582

Blogger Đinh Ngọc Thu

Cụ Tô Hải đã ra đi...

Cụ Tô Hải, tác giả Hồi Ký Của Một Thằng Hèn đã qua đời lúc 19h40 tối 11/8/2018.

Tối qua (tức sáng nay bên VN) sau khi đưa tin cụ Bùi Tín từ trần, thì cô Lâm Ái, phu nhân của cụ Tô Hải báo tin: "Thu ơi, bác Tô Hải chắc cũng không qua khỏi đêm nay".

Cô Ái cho biết, cô đang chăm cụ ở nhà suốt hai tuần qua, không có con cái ở xung quanh. Cô nói rằng, tối nay khoảng 23h, con gái Út của hai người mới bay về tới. Như vậy là con gái của cụ đã không về kịp để nhìn mặt bố lần cuối.

Cụ Tô Hải sinh năm 1927, cùng tuổi với cụ Bùi Tín. Hai cụ sinh cùng năm, ra đi cùng ngày, chỉ cách nhau 15 tiếng. Cũng như cụ Bùi Tín, cụ Tô Hải ra đi trong cô quạnh, không có người thân xung quanh đưa tiễn, mà chỉ có những người bạn cùng chí hướng.

Nhưng cụ Tô Hải may mắn hơn cụ Bùi Tín, là cụ còn có người bạn đời chăm sóc cho cụ nhiều năm qua, nhất là trong mấy tuần qua, cô Ái luôn túc trực bên cụ.

Cụ Tô Hải tự nhận mình là "thằng hèn", mà mọi người gọi cụ bằng cái tên thân thương là "Nhát Sỹ Tô Hải", sau khi cụ xuất bản cuốn sách "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn", kể lại những chuyển biến trong cuộc đời cụ từ năm 1945, lúc cụ đi theo đảng với một niềm tin mù quáng, và nỗi dày vò sau khi biết mình đã đi lạc đường, nhưng không thể dừng lại, cho tới lúc cụ từ bỏ đảng, đứng lên chống lại những cái sai của đảng.
Trong cuốn hồi ký, cụ viết về sự gian trá, tàn bạo và lưu manh của chế độ mà cụ đã từng phục vụ, cũng như nỗi đau khi cụ đã phải sống cuộc sống làm người nhưng không phải là con người. Nỗi đau đó luôn dày vò tâm can cụ, nhất là khi cụ gặp gỡ những "đồng chí", bạn bè cũ, họ luôn vênh váo và tự hào với cuộc sống đó, với những thứ vật chất mà có được do cướp của dân.

Cụ đã thanh thản ra đi sau khi cụ đã viết, đã nói lên thật nhiều những điều cụ muốn nói, trong những năm cuối đời. RIP cụ Tô Hải

read full here
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1872721076154987&set=a.379273792166397.90491.100002513392353&type=3

LỄ NHẬP QUAN NHẠC SĨ PHANXICO ASISI TÔ HẢI
Do Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, DCCT Saigon chủ lễ
view video here:
https://www.facebook.com/suong.quynh.52/videos/2386563314903789/

Blogger Nguyễn Xuân Diện

THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT NHẠC SĨ TÔ HẢI

TIN BUỒN
Chúng tôi vô cùng bàng hoàng và kính tiếc báo tin

Nhạc sĩ TÔ HẢI
(Tô Đình Hải)

Sinh ngày 24 tháng 9 nǎm 1927 tại Hà Nội,
quê gốc Tiền Hải Thái Bình.

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Đợt 1, 2001.

Đã từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam,
gia nhập Công giáo, lấy tên Thánh là Phanxico.

Đã trút hơi thở cuối cùng hồi 19h40 ngày 11-8-2018
(nhằm ngày mùng một tháng 7 năm Mậu Tuất)
tại nhà riêng ở Sài Gòn. Hưởng thọ 92 tuổi.

❆ ❆ ❆

Vậy là người Nhạc sĩ tài hoa và đầy khí phách đã dứt khoát ra đi, không còn nấn ná đợi đến "ngày ấy". Xin vĩnh biệt Ông và dâng lời cầu nguyện linh hồn Phanxico được về Nước Chúa trong hồng ân vĩnh hằng của Thiên Chúa.

Xin nghiêng mình chia sẻ cùng phu nhân nhạc sĩ, gia đình và bằng hữu, thân tộc nội ngoại trước mất mát vô cùng lớn lao này.

view original post here
https://www.facebook.com/nguyenxuan.dien.1/posts/1386749711427966

Nhà văn Nguyễn Quang Lập

Nhạc sĩ Tô Hải vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 19h 40 ngày hôm nay-11/8. Vĩnh biệt tác giả “Nụ cười sơn cước”. Anh sống mãi trong lòng những người yêu nước.

https://www.facebook.com/bienkich.on/posts/416548718869540

Nhà báo LÊ Phú Khải

VĨNH BIỆT TÁC GIẢ "TIẾNG HÁT NGƯỜI CHIẾN SĨ BIÊN THÙY"

by Lê Phú Khải

Nhân dân Sài Gòn không bao giờ quên buổi sáng đẹp trời ngày 16 tháng 12 năm 2007, trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, có ông già 80 tuổi, chống gậy đứng giữa cuộc biểu tình vẻ mặt đầy phẫn nộ khua gậy lên chỉ vào mặt một người đàn bà mặc áo xám hét to: "Con này là chỉ điểm cho công an bắt người…”. Con này" mà Tô Hải chỉ mặt là người phụ nữ cao to, đứng quan sát xem ai la to, ai hăng hái nhất, rồi chỉ cho công an chìm, công an nổi “ẵm" đi! Cái “con này" ấy là Nguyễn Thị Quyết Tâm, sau này được thăng chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân t/p Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội.

Những kẻ chỉ điểm bắt người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam như Nguyễn Thị Quyết Tâm được thăng quan tiến chức, được cộng sản xem là nòng cốt của chế độ phải được ghi rõ họ tên và đã được những người biểu tình hôm đó quay thành phim để lưu giữ đời đời cho con cháu về những gương mặt bán nước hại dân. Còn nhạc sỹ Tô Hải thì đi vào lịch sử biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam.

Tô Hải sinh ngày 24/9/1927 tại Hà Nội, nguyên quán tại Tiền Hải, Thái Bình.

18 tuổi, như mọi thanh niên trí thức yêu nước khác, Tô Hải xung phong vào Vệ quốc đoàn theo tiếng gọi non sông lên đường cứu nước. ông tâm sự, lúc theo Việt Minh đi cứu nước, bố ông là một công chức thời Pháp, có học, có đọc sách đã khuyên ông không nên theo cộng sản, nếu không nghe ông thì cứ đi, nhưng đừng có về nữa! Tô Hải lúc đó đang ở trong thời kỳ “thơ" trong chữ “ngây thơ“ mà Nguyễn Khắc Viện đã viết. Chỉ đến cải cách ruộng đất sau đó hơn chục năm, thì thời kỳ “thơ“ đã hết và chuyển sang thời kỳ “ngây“ như ông Viện đã nhận ra ở cuối đời mình. Lúc Tô Hải nhận ra mình “ngây“ thì đã muộn!
Không có đường về nữa! Ông phải tiếp tục sống như một người cộng sản đích thực (ông vào đảng năm 1949), tức là phải dối trá để tồn tại. Chính vì thế, ông đã viết cuốn hồi ký “Hồi ký của một thằng hèn“ để sám hối! nhà xuất bản “Tiếng quê hương“ ở Virginia, Hoa Kỳ ấn hành năm 2009. Chính tôi là người đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách này. Việc viết giới thiệu cho cuốn Hồi ký này là một chuyện rất khôi hài. Khi những người biên tập cuốn “Hồi ký của một thằng hèn“ yêu cầu người viết giới thiệu nó, tốt nhất, là một người đang ở trong nước. Nhạc sỹ Tô Hải, tác giả của “Nụ cười sơn cước“, “Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy“ đã nhờ tôi viết. Lý do vì tôi là người đầu tiên và duy nhất đã đọc bản thảo nó ở trong nước. Số là tôi ra Nha Trang thăm Tô Hải, thấy ông dành toàn bộ thời gian cho cuốn sách. Và tôi đã đọc nó trong một xóm nhỏ ở thành phố biển Nha Trang. Nhưng các vi biên tập cuốn sách này ở nước ngoài lại cho tôi là “công an của Việt cộng“, nên không muốn lời giới thiệu sách đứng tên tôi. Tô Hải phải email sang nói rõ, tôi là nhà báo, không phải là công an. Các vị đó vẫn không tin, nói rằng, gia đình tôi có nhiều người làm công an nên “cài“ tôi vào để … Cuối cùng thì lời giới thiệu là bài viết của tôi, do sự “cam kết“ của Tô Hải. Hơn nữa, cũng chẳng ai ở trong nước đã đọc "Hồi ký của một thằng hèn" để mà viết, nếu những người in sách muốn người viết phải là một người ở trong nước! Điều đáng buồn từ sự việc này là, cả dân tộc ta nghi kỵ nhau, không ai tin ai nữa … “đấu tranh giai cấp" đã dẫn đến tình trạng đó!

… Trên mạng xã hội ở Việt Nam hơn một thập kỷ qua, nhạc sỹ Tô Hải là một bloger lớn tuổi nhất, ông có cả một trang Web mang tên “ Tô Hải’s blog hàng tuần đều có bài. Ông viết blog trong tình trạng đau yếu của tuổi già, kê lưng vào gối mà gõ máy tính… Nhưng chỉ vắng bóng ông trên mạng ít bữa là các độc giả trẻ Việt Nam trên khắp nơi trong ngoài nước lo lắng, mong mỏi, email đến thăm hỏi… Là một chứng nhân của lịch sử, những chuyện ông viết ra khiến lớp trẻ khao khát sự thật đón đọc say mê. Nhưng không phải Tô Hải chỉ viết cái đã qua, hàng ngày ông đọc Le Monde trên mạng, nắm bắt tình hình thế giới, tình hình trong nước và bình luận kịp thời những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Có lần Đài phát thanh đối ngoại Pháp RFI phỏng vấn ông. Họ ngạc nhiên về những thông tin ông đưa ra. Họ hỏi, tin ấy ở đâu ra? Ông trả lời: Tôi đọc trên Le Monde sáng nay! Tay phóng viên này thú nhận: Từ sáng đến giờ chưa đọc Le Monde!

Công bằng mà nói, với những huân chương mà ông đã được nhận, với giải thưởng về Văn học nghệ thuật đợt 1, ông có thể ngồi rung đùi mà nhận bổng lộc, đến các hộị nghị, kỷ niệm này nọ mà ngồi ghế danh dự trong làng nhạc sỹ Việt Nam mà nhận bao thư, ngậm miệng ăn tiền dài dài như các nghệ sỹ lão thành khác(!)

Nhưng vận nước không để ông ngồi yên. Ông nghĩ đến con cháu, nghĩ đến thế hệ mai sau sẽ sống ra sao nếu bọn Tàu ô gặm dần đất nước mà tiền nhân đã tốn bao nhiêu xương máu để gìn giữ nó đến hôm nay. Ông tâm sự: "Từ ngày tôi viết blog, mấy thằng nhạc sỹ xưa kia nó vô Sài Gòn là nhào đến nhà tôi … Vậy mà khi thấy tôi viết trên mạng, nó lỉnh, nó sợ liên lụy, giới nhà văn của ông còn đỡ chứ giới nhạc cùng thời với tôi chúng nó hèn quá!". Tôi an ủi ông: "Những kẻ ngậm miệng ăn tiền ấy có gì đáng nói, bù lại, hiện anh có hàng vạn bạn đọc trên thế giới, đó chẳng phải là đáng vui hay sao?".

Là người bất đồng chính kiến, nên công an đã đến “hỏi thăm“ cái xe bán bánh mỳ của vợ ông ở đầu phố. Công an và chính quyền phường đã đến tận nhà “khuyên giải“ ông không nên viết blog nữa!

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ năm 1991, tại hội trường Matxcơva, tôi đứng giữa những người già, rất già, râu tóc bạc phơ đang cầm biểu ngữ đứng biểu tình trong tuyết giá … Một người Việt Nam nói với tôi lúc đó: Những người già như thế này đi biểu tình không phải như sinh viên Nam Triều Tiên, Singapore đi biểu tình đòi hỏi một cái gì cụ thể cho ngày hôm sau đâu. Mà họ vì trách nhiệm của lương tâm, vì một tương lai, vì một cái gì cao cả hơn đối với đất nước.

Những gì mà nhạc sỹ Tô Hải đã và đang làm chính vì “những điều cao cả hơn đối với đất nước“ Việt Nam yêu quý của ông.

Hôm nay, người nhạc sỹ đã viết hợp xướng giao hưởng “Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy“ đã ra đi. Ông có thể ngậm cười nơi chín suối vì cái ngày 16/12/2007 ở tuổi 80, ông đã chống ba-toong đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, thì hôm nay ở tuổi 91, ông có thể yên lòng vì hàng chục nghìn đồng bào đã xuống đường theo gót ông năm xưa trên khắp miền đất nước, hô vang những khẩu hiệu yêu nước, chống bè lũ bán nước và cướp nước… ”Quê hương yêu dấu bao người chờ mong“ trong bài “Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy“ của ông vẫn còn đó để tiển ông về nơi an nghỉ.,.

L.P.K

view original article here
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1387413048028299&set=a.220258501410432.31079.100002788524244&type=3

Nhà văn Vũ Thư Hiên [tác giả Hồi Ký ĐÊM GIỮA BAN NGÀY]

TÔ HẢI ĐÃ ĐI XA

Tô Hải đã giã biệt chúng ta!
Chúng ta mất một chiến sĩ can trường đấu tranh không mệt mỏi cho tương lai đất nước tự do và dân chủ. Tôi mất người bạn già với những kỷ niệm không bao giờ quên – những chiều hành quân qua những đồi tím hoa sim: Kim Bôi, Kim Tân, Kiểu, Nho Quan … trong những vần thơ chan chứa buồn đau một thời chinh chiến của Hữu Loan. Nhắc tới anh lại nhớ đến những nụ cười thơ ngây của các nàng sơn nữ bên đường trong tình yêu trong mơ của người lính Tô Hải.

Tô Hải chưa bao giờ là con người chính trị. Anh đã là, và mãi mãi là con người của đời thường. Chính vì là con người của đời thường, anh quằn quại giữa những khái niệm chính trị bị nhồi nhét và tình cảm của con người tự nhiên, để rồi cuối cùng dũng cảm thú nhận mình là Thằng Hèn, một việc không phải ai cũng làm được. Con người đời thường của Tô Hải giúp anh nhìn ra và đau cái đau của người thường khi viết một ca khúc nói lên điều không được phép nói trong tiếng vang rền của điệu kèn chiến thắng:

Ngày về tươi vui
Nhưng giữa thủ đô ai chẳng ngậm ngùi
Bao mái tóc xanh quấn vành khăn trắng
Bao má nhăn nheo lệ cuốn tơi bời
Chờ chồng mong con ngày về chiến thắng
Trông toán quân về đếm thiếu những ai?

Bài hát bị cấm. Nhiều người không biết nó..
Anh viết cho tôi: “Chúng ta đều là những thằng hèn. Chúng ta thấy, chúng ta biết, nhưng chúng ta ngậm miệng. Vì sợ. Tớ gửi cho cậu những lời gan ruột này. Hãy đọc, hãy sắp xếp lại cho gọn giúp tớ, để những thằng hèn như chúng ta đã từng, hiểu ra điều cần phải hiểu để mà sống cho ra Người”. Hồi Ký Của Một Thằng Hèn ra đời đánh dấu một bước ngoặt quyết định của người nhạc sĩ từ bỏ mọi vinh hoa để bước vào cuộc chiến đấu chống lại thể chế độc tài mang nhãn hiệu “chuyên chính vô sản”.
Tô Hải không còn nữa. Thương tiếc anh, chúng ta hãy làm thêm vào phần việc của mình thay cho anh công việc anh đang làm dở.
Thế nhé, các bạn nhé!

12/8/2018
view original article here
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10216885676277982&set=a.10200170791816317.194729.1347076837&type=3

nhà văn Hoàng Hưng

Vĩnh biệt nhạc sĩ Tô Hải, con người trung trực.

Tôi có quen biết nhạc sĩ Tô Hải và theo dõi các bước đường sáng tác âm nhạc cũng như chuyển biến tư tưởng của ông. Ông là một nhân vật khá tiểu biểu cho những trí thức, văn nghệ sĩ trong giới “tiểu tư sản thành thị” có lòng yêu nước, trung thực và tự trọng trong lịch sử VN hiện đại. Do yêu nước mà hăm hở đi theo Việt Minh, vì chỉ biết VM đánh Tây giành độc lập, rồi tiếp tục hăng hái phục vụ công cuộc “đấu tranh giải phóng miền Nam” cũng vì bị bưng bít thông tin, cho miền Bắc là chính nghĩa vì độc lập thống nhất quốc gia. Các ca khúc của ông, từ một “Nụ cười sơn cước” lãng mạn trước 1945 đến những bài kháng chiến vui tếu “trường lục quân đang cần lính đanh Tây”, “nhà sư giết giặc”… và đỉnh cao là “Tiếng hát người chiến sĩ biên phòng”, thể hiện bước chuyển lớn từ anh chàng “tạch tạch xè” mơ màng mây gió qua người chiến sĩ “lạc quan cách mạng” vô tư lự. Cả đến sau Đổi mới những năm 1980, 1990, mặc dù bản thân là một nhạc sĩ hiếm hoi thông thạo ngoại ngữ, biết nhiều thông tin thế giới, ông vẫn viết hàng loạt bài chê trách nền âm nhạc thị trường thoát khỏi truyền thống “yêu nước, cách mạng”. Nhưng đến cuối đời, trước thực tế đất nước và nhờ internet, ông đã có bước chuyển đột ngột về tư tưởng. Nó đã âm thầm trong nhiều năm, và bùng ra công khai khi ông từ bỏ đảng CS và công bố cuốn “Hồi ký của một thằng hèn” mà ông chủ động gửi in ở Mỹ năm 2007. Đó là những hành động thật dũng cảm vào thời điểm ấy. Ông đã mở con đường công khai từ bỏ đảng cho nhiều người, mở đường công bố bản thảo ở nước ngoài cho nhiều cây bút “phản tỉnh”, như Trần Đĩnh, Lê Phú Khải… Và từ đó, cái tên “nhát sĩ” Tô Hải đã nổi bật trên không gian mạng với hàng loạt bài viết sắc bén, có lửa, có thép, tố cáo, phê phán, phản biện rất kịp thời và hấp dẫn bởi lối viết có kiến thức, có tâm huyết, có trải nghiệm bản thân.

Cũng không ít người theo Cộng sản rồi từ bỏ, nhưng Tô Hải ở trong số ít người không bị “phía bên kia” moi móc chê trách quá khứ. Một lý do là ở thái độ quyết liệt, rõ ràng, tự nhận sai lầm một cách dứt khoát, không biện bạch. Thái độ mà ông minh bạch ngay trong lời tựa cuốn hồi ký: “Tôi cũng mong sao mỗi người trong các văn nghệ sĩ sắp giã từ cõi đời nhầy nhụa này hãy để lại một “bản di chúc” nói lên Sự Thật, dù chỉ là 1/1000 Sự Thật, để tạ tội với đồng bào, về những gì mình đã vì miếng cơm manh áo, vì yếu hèn mà phải cúi đầu làm thân trâu ngựa”. Dũng cảm với chính mình là khó nhất, và cần có trước tiên để có thể dũng cảm đấu tranh với bất công, sai trái trong đời!

Trường hợp Tô Hải khiến tôi vững tin và hy vọng: ngày càng nhiều người trong hàng ngũ CSVN “giác ngộ” sự thật, dũng cảm với chính mình để dũng cảm tham gia chuyển hoá đất nước, xã hội theo con đường văn minh tiến bộ.

Kính trọng nhạc sĩ Tô Hải. Vĩnh biệt ông. Tin là ông đã nhắm mắt an lành như một con người trung trực, không “ăn gian” cuộc đời!

Hoàng Hưng 11/8/2018
https://www.facebook.com/hoang.hung.714/posts/10212183763289295


Giáo sư Nguyen Dang Hung

NHẠC SỸ TÔ HẢI VỪA QUA ĐỜI HÔM NAY
####################################

Thành kính phân ưu!
Một nhạc sỹ tài danh, một nhân cách lớn, một chứng nhân lịch sử vô cùng sắc sảo, một ngọn đuốc của sự thưc và lẽ phải...

Cầu mong linh hồn cụ sớm phiêu diêu nơi miền cực lạc...!

https://www.facebook.com/h.nguyendang/posts/10156764379164736


nhà văn Phạm Đình Trọng
Aug. 12, 2018
NHỮNG NGƯỜI CUỐI CÙNG CỦA THẾ HỆ HÀO HOA MÀ LẠC BƯỚC ĐÃ RA ĐI

PHẠM ĐÌNH TRỌNG

Cùng đang học trung học chuẩn bị thi tú tài. Người sinh tháng chín, người sinh tháng mười hai, cùng năm 1927. Cùng 18 tuổi khi cuộc cách mạng tháng tám, 1945 nổ ra. Cùng bị cuốn hút bởi tiêu chí say đắm ngất ngây của cuộc cách mạng tháng tám: Đập tan xiềng xích nô lệ, giành tự do cho nhân dân, giành độc lập cho đất nước. Nhờ tài năng và nền tảng văn hóa của một nền giáo dục nhân văn, cả hai đều trở thành những tên tuổi, những gương mặt văn hóa sáng giá, đóng góp lớn cho cuộc cách mạng, để lại cho lịch sử và nền văn hóa đất nước những giá trị văn hóa bền vững. Hai tên tuổi đó là nhà báo Bùi Tín và nhạc sĩ Tô Hải.

Không phải chỉ có hai tên tuổi Bùi Tín, Tô Hải. Cái hồn tinh tế nhạy cảm của con người mang trong máu nền văn minh sông Hồng, cái vốn liếng của trí lự Việt Nam được tiếp nhận chương trình giáo dục nhân văn của nền văn hóa Pháp, nền văn hóa đã mở ra kỉ nguyên Ánh sáng và cuộc cách mạng Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Con người và nền giáo dục đó đã tạo ra hơn một thế hệ những tài năng, những nhà văn hóa, những trí thức, những nghệ sĩ lớn Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Thanh Tịnh, Thụy An, Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Lê Đạt, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Trần Duy, Trần Văn Cẩn, Sĩ Ngọc . . .

Hơn một thế hệ tài năng đó đã bị cuốn hút bởi tiêu chí say đắm, ngất ngây của cuộc cách mạng mùa thu năm 1945. Họ đi vào cuộc cách mạng mùa thu và cuộc kháng chiến chống Pháp cùng những người cộng sản là để đến cái đích ước mơ từ trăm năm của cả giống nòi Việt Nam: Đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giải phóng giống nòi Việt Nam. Nhưng khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang đi đến kết thúc thắng lợi, những người cộng sản lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp liền bộc lộ cái mưu đồ tội lỗi, độc ác của họ.

Đặt đảng cộng sản lên trên đất nước, lên trên dân tộc Việt Nam, những người cộng sản dẫn dắt cuộc kháng chiến chống Pháp đã vì lợi ích của đảng cộng sản Việt Nam, vì lợi ích của quốc tế cộng sản, thí bỏ lợi ích của đất nước, của dân tộc Việt Nam, vất bỏ mục tiêu độc lập của cả dân tộc Việt Nam để theo đuổi mục tiêu của những người cộng sản: mục tiêu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Họ nhẫn tâm cắt đôi đất nước Việt Nam thành hai trận tuyến, cắt đôi dân tộc Việt Nam thành hai nửa hận thù, biến đất nước Việt Nam thành biên ải của khối cộng sản thế giới, biến dân tộc Việt Nam thành đội quân gác biên ải, lấy máu dân tộc Việt Nam bảo đảm sự an toàn, bền vững và lớn mạnh cho những nhà nước cộng sản đàn anh Trung Cộng, Nga Xô.

Đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, những người cộng sản liền quyết liệt thực thi nền chuyên chế độc tài trên nửa nước, hăm hở lấy máu dân làm chiến tranh áp đặt chuyên chế độc tài trên cả nước. Người dân Việt Nam vừa thoát khỏi thân phận nô lệ của người dân mất nước, xiềng xích nô lệ thực dân vừa rũ bỏ trên cổ, trên chân tay, trong đầu óc người dân thì những người cộng sản lại chụp lên thân phận người dân Việt Nam ách nô lệ mới còn nặng nề, khủng khiếp hơn nhiều lần ách nô lệ thực dân: nô lệ cộng sản.

Nặng nề, khủng khiếp nhưng nô lệ cộng sản tinh vi và giỏi lừa mị đến mức một nhà văn sắc sảo như Nguyễn Khải cũng phải đến cuối đời mới nhận ra “Ở các chế độ toàn trị chỉ có hai cơ quan mà quyền uy bao trùm cả xã hội. Đó là cơ quan tư tưởng, tuyên truyền và cơ quan công an. Một để chăn, một để chống. Còn khi đã có chuyện bất thường xảy ra thì chỉ có một biện pháp: đàn áp, bắt giữ, lập tòa án xét xử những kẻ cầm đầu” (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất)

Trong thể chế nô lệ cộng sản, những trí thức, nghệ sĩ, tinh hoa của dân tộc, những gương mặt văn hóa của đất nước cũng chỉ là những đứa trẻ trong nhà trẻ cộng sản mà thôi: “Tám mươi triệu cái mặt không nhìn thấy mặt / Tám mươi triệu cái mồn tự nguyện bịt mồm . . . / Trí thức cụp tai / Ngòi bút trượt dài sợ hãi / . . . Trí thức cụp tai xin phiếu bé ngoan” (thơ Nguyễn Đình Chính)

Đầu năm 2006, tổng kết một đời nô lệ cầm bút của mình, nhà văn Nguyễn Khải đau đớn nhận ra cả cuộc đời đã mang cả trí tuệ, tài năng ra đóng góp cho một xã hội không có chân móng: “Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có chân móng” (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất)

Thức tỉnh về thân phận “Trí thức cụp tai xin phiếu bé ngoan”, thức tỉnh về một xã hội cộng sản không chân móng, phản con người, phản dân tộc, phản đất nước, những nhân cách trí thức Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần. . . đã lên tiếng và phải chấp nhận sự trừng trị đàn áp, bắt giữ, tù đày man rợ của nhà nước độc tài cộng sản. Không ném cuộc đời vào đau khổ mòn mỏi vô ích trong ngục tù cộng sản như những người đi trước, nhà báo Bùi Tín sang tị nạn chính trị ở nước Pháp của cách mạng Tự do – Bình đẳng – Bác ái để ông viết và công bố với loài người văn minh về sự thật xã hội cộng sản Việt Nam, về sự thật cuộc đời một nhà báo trong xã hội cộng sản. Nhạc sĩ Tô Hải thì lặng lẽ viết về cuộc đời mình để kể với mai sau về thân phận ê chề, tủi nhục của người nghệ sĩ trong nhà nước cộng sản.

“Hoa Xuyên Tuyết” và “Mặt Thật” của nhà báo Bùi Tín, “Hồi Kí Của Một Thằng Hèn” của nhạc sĩ Tô Hải cùng với “Hoa Địa Ngục” của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, “Đêm Giữa Ban Ngày” của nhà văn Vũ Thư Hiên, “Đèn Cù” của nhà báo Trần Đĩnh, “Lời Ai Điếu” của nhà báo Lê Phú Khải, "Đến Già Mới Chợt Tỉnh" của nhà báo Tống Văn Công là những cung oán ngâm khúc về những thân phận đau khổ của người dân, của trí thức trong nhà nước cộng sản, là thiên kí sự về nỗi thống khổ của người dân trong kiếp nô lệ cộng sản, là những trang tư liệu lịch sử chân thực, sinh động về thời cộng sản trị đau đớn của giống nòi Việt Nam, là lời thức tỉnh cho người dân, cho những trí thức đớn hèn đang còn u mê, an phận trong kiếp nô lệ cộng sản.

Ngoài những tác phẩm báo chí kịp thời, sắc sảo của nhà báo Bùi Tín, ngoài những nhạc phẩm còn mãi với thời gian như hợp xướng Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy của nhạc sĩ Tô Hải thì Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật và Hồi Kí Của Một Thằng Hèn là những đóng góp lớn lao, quí giá cho cuộc vật lộn thoát khỏi họa cộng sản của giống nòi Việt Nam.

Cùng có mặt trong cuộc đời vào năm 1927, những năm cuối cùng của kiếp nô lệ mất nước, nhà báo Bùi Tín, nhạc sĩ Tô Hải lại rời bỏ cuộc đời cùng một ngày thứ bảy 11.8.2018, những ngày tháng cuối cùng của kiếp nô lệ cộng sản. Cả cuộc đời hơn chín mươi năm, hai tâm hồn đẹp, hai nhân cách lớn chưa có được một ngày trút bỏ nỗi niềm đau đáu về vận mệnh đất nước, chưa có một ngày thôi canh cánh về thân phận người dân. Nhưng nỗi niềm của hai trí thức sáng, của hai nhân cách đẹp đã thức tỉnh hàng triệu người dân Việt Nam, đã thức tỉnh thế hệ trẻ Việt Nam. Hàng triệu người đã có mặt trong hàng ngũ đấu tranh loại bỏ thảm họa cộng sản tăm tối, đưa dân tộc Việt Nam hòa nhập với loài người văn minh, hòa nhập với thời đại sáng lạn của kỉ nguyên văn minh tin học. Tên tuổi Bùi Tín, Tô Hải cùng những tên tuổi Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, . . . sẽ được khắc ghi vào trang sử vượt qua đêm tối nô lệ đi tới ánh sáng độc lập tự do của giống nòi Việt Nam.

Ảnh
. Nhà báo Bùi Tín khi còn ở trong nước. Người đội mũ nồi đứng giữa.
. Nhà báo Bùi Tín khi tị nạn chính trị ở Pháp.
. Những hình ảnh nhạc sĩ Tô Hải

original article: https://www.facebook.com/kesiviet/posts/904925719708809


No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...