9. CHƯƠNG VI
SAU ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ IX (2001-2006)
Trung tuần tháng 4-2001, đảng CSVN tổ chức đại hội đảng lần thứ IX để kiểm điểm lại thành tích trong năm năm qua, đồng thời xếp đặt lại nhân sự và đề ra những đường lối mới trong vòng năm năm tới.
Thành tích của những năm sau đại hội đảng lần thứ VIII năm 1996 đã không được lạc quan. Do sự tranh chấp giữa hai phe đổi mới và bảo thủ trong đảng nên không có một biện pháp quyết liệt nào được đưa ra khi phải đối phó với những đổi thay của tình hình kinh tế trên thế giới, nhất là đã không có kế hoạch nào để đối phó với cơn khủng hoảng tiền tệ trong vùng Đông Nam Á năm 1997.
Số vốn đầu tư của ngoại quốc vào Việt Nam trong những năm này đã sụt xuống thấp hơn năm 1992, cán cân mậu dịch bị thâm thủng tới 150 phần trăm, nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng vì dân số tăng nhanh chóng, mỗi năm có thêm gần 1 triệu người đến tuổi lao động.
Đại hội đảng lần IX vào tháng 4-2001 được chuẩn bị từ những hội nghị trung ương đảng lần thứ 9 của khóa VIII đầu năm 2000. Cho tới hội nghị trung ương lần thứ 11 vào tháng 2-2001 thì đã có nhiều dấu hiệu chứng tỏ là tổng bí thư Lê Khả Phiêu sẽ bị mất chức dù mới được làm việc có hơn nửa nhiệm kỳ.
Nghị quyết của hội nghị trung ương đảng lần thứ 11 khuyến cáo là những người trên 65 tuổi không nên ra ứng cử để trẻ trung hóa guồng máy lãnh đạo.
Điều này nhắm vào Lê Khả Phiêu (sinh năm 1931, sắp 70 tuổi) và Lê Khả Phiêu đã phải tích cực vận động để được thêm vào câu “trừ vài chức vụ then chốt”. Ngoài ra, để tạo áp lực với những phần tử bảo thủ, Lê Khả Phiêu đã dàn xếp để việc canh giữ an ninh cho đại hội đảng không được giao cho công an phụ trách như mọi lần mà được giao cho quân đội. Trong dịp hội nghị lần thứ 11 này, trung ương đảng cũng cho biết đã có hàng ngàn lá thư góp ý kiến vào bản dự thảo nghị quyết của đại hội đảng. Tuy đảng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những ý kiến đóng góp này nhưng sau đó, bản nghị quyết chính thức vẫn giống y như bản dự thảo.
Hiển nhiên là trong những năm sau đại hội đảng lần thứ VIII (1996), nhiều biến cố không thuận lợi đã xảy ra như sự sa sút của kinh tế Việt Nam, tệ nạn tham nhũng lan tràn, những bất ổn ở Thái Bình, Đồng Nai, Tây Nguyên khiến các ủy viên trung ương đảng không tín nhiệm Lê Khả Phiêu ở trách nhiệm lãnh đạo.
Nhưng cũng nhờ biến cố Tây Nguyên, Lê Khả Phiêu đã cố gắng thuyết phục những ủy viên bộ Chính Trị là không nên có thay đổi lãnh đạo trong khi trong nước đang có rối loạn để có thể ra tái cử. Nhiều ủy viên bộ Chính Trị dĩ nhiên cũng muốn ở lại thêm một nhiệm kỳ nên ít ra đã có 2 phần 3 ủy viên đồng ý. Dù vậy, đề nghị này đã bị hội nghị trung ương đảng lần thứ 12 họp mấy ngày trước ngày đại hội đảng bác bỏ, một điều hiếm hoi ít khi xảy ra.
Sự mất chức của Lê Khả Phiêu ngoài những nguyên nhân khách quan kể trên còn do những vụng về lầm lỗi của cá nhân Lê Khả Phiêu.
Trước hết, tuy không có hậu thuẫn chính trị vững mạnh, kể cả trong quân đội, Lê Khả Phiêu ngoài ý muốn được tiếp tục làm tổng bí thư ít ra là đủ một nhiệm kỳ 5 năm, lại muốn kiêm nhiệm thêm chức vụ chủ tịch nhà nước để được coi như quốc khách khi đi công du các nước khác, giống như Gorbachev hay Giang Trạch Dân. Vì Lê Khả Phiêu vận động chuyện này khá công khai, điều này đã gây bất mãn trong những ủy viên trung ương. Nhưng lỗi lầm lớn nhất của Lê Khả Phiêu là đã mưu toan bãi bỏ chức vụ của ba “cố vấn”.
Trong ba người này, Võ Văn Kiệt dĩ nhiên luôn luôn chống đối với Lê Khả Phiêu. Người mà Võ Văn Kiệt đỡ đầu cho vào ban thường vụ bộ Chính Trị là Nguyễn Tấn Dũng đã bị Phiêu loại ra ngoài ngay sau khi Phiêu được lên chức.
Đỗ Mười và Lê Đức Anh, tuy cùng chung khuynh hướng bảo thủ cũng tức giận khi bị Lê Khả Phiêu mưu toan loại họ ra khỏi phạm vi quyền lực. Trong đại hội toàn quân ngày 4-1-2001, Lê Đức Anh đã khiến các đại biểu quân đội ngạc nhiên khi công khai kết tội Lê Khả Phiêu, người từng được Lê Đức Anh nâng đỡ để thăng tiến.
Đồng thời, trong đảng, Đỗ Mười cũng tích cực vận động loại bỏ Lê Khả Phiêu. Trong hồi ký của Đoàn Duy Thành, Đoàn Duy Thành kể lại là Đỗ Mười đã nói “Nó muốn đá tao, tao đá nó”. Nguyễn Đức Tâm trong thư gửi trung ương đảng kể lại là Đỗ Mười đã cho phổ biến một bản báo cáo tố cáo Lê Khả Phiêu từng giao du thân mật với phụ nữ như Đặng Thị Thu Hà, Vũ Thị Dung…trong đó có người hoạt động tình báo cho ngoại quốc (ám chỉ Trung Quốc). Vì thế, tuy khác khuynh hướng, cả ba đã ký tên chung trong một bức thư gửi các ủy viên trung ương để chê trách khả năng lãnh đạo của Lê Khả Phiêu.
Điều mỉa mai cho Lê Khả Phiêu là khi Nông Đức Mạnh được bầu làm tổng bí thư, ông ta chỉ nhận chức vụ với điều kiện không còn ba cố vấn và cả bộ ba này đã chấp nhận. Một lỗi lầm nữa của Lê Khả Phiêu là đã dùng tổng cục 2 tình báo của quân đội thi hành công tác “A 10”, trong đó có việc sử dụng máy ghi âm nghe lén điện thọai của những ủy viên bộ Chính Trị khác và điều tra trương mục trong ngân hàng ngọai quốc của họ.
Nếu Đỗ Mười muốn loại Lê Khả Phiêu là vì Phiêu có ý phản bội, loại bỏ những cố vấn, Lê Đức Anh muốn loại Lê Khả Phiêu với một thâm ý khác. Tin tưởng là hậu thuẫn của mình còn mạnh, Lê Đức Anh dù đã về hưu và làm cố vấn nhưng vẫn muốn trở lại làm tổng bí thư, nên khi được Phạm Văn Trà và Lê Văn Dũng báo cáo về việc Lê Khả Phiêu dùng tổng cục 2 nghe lén điện thoại từ nhiều tháng trước, đã chờ cho tới khi hội nghị trung ương đảng cuối cùng của khóa VIII họp, lúc mà đảng Cộng sản sắp xếp nhân sự lãnh đạo cho đại hội đảng lần thứ IX, mới cho trợ lý của mình là Nguyễn Bắc Sơn đi khắp nơi báo cáo việc này và nói xấu Lê Khả Phiêu.
Cuối cùng là thái độ qui phục Trung Quốc và việc nhân nhượng đất đai của Lê khả Phiêu đã gây bất bình cho một số đại biểu (1).
Kể từ 1986, sau khi phát động đường lối đối ngoại “đa phương và đa dạng”, Việt Nam đã cố gắng, một mặt kết chặt thân hữu ngoại giao với Trung Quốc, mặt khác cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước khác (như các nước ASEAN, Nhật Bản, Tây Âu, Hoa Kỳ…). Nhưng vì căn bản đều là xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã thiên về Trung Quốc và sự thiên vị trở nên quá đáng trong thời gian Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư, khiến Việt Nam giống như một nước chư hầu. Những thỏa hiệp về ranh giới lãnh thổ hay lãnh hải với Trung Quốc đã không hề được tham khảo ý kiến với trung ương đảng và cũng chưa được sự chấp thuận của bộ Chính Trị hay đưa ra trước quốc hội.
Do đó, vào kỳ đại hội đảng tháng 4-2001, dù có Hồ Cẩm Đào, phó chủ tịch nhà nước và tổng bí thư tương lai của Trung Quốc, sang tham dự và ngồi cạnh, điều này cũng không giúp gì được cho Lê Khả Phiêu. Ngoài ra, ba ngày trước đại hội, khi Hồ Cẩm Đào tới Hà Nội, báo Nhân Dân đã đăng bài xác nhận chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, gián tiếp nhắc đến khuynh hướng bành trướng của Trung Quốc và thái độ cầu cạnh của Lê Khả Phiêu. Trong bản báo cáo kinh tế đọc trước đại hội đảng, có đoạn nói Việt Nam sẽ xây dựng những cơ sở hậu cần ở các hải đảo để phát triển kinh tế cũng như quốc phòng. Sợ mất lòng Trung Quốc, Nguyễn Dy Niên sau đó giải thích đó chỉ là đường lối chung còn việc áp dụng tùy theo địa phương hay trường hợp.
Sau khi đã loại Lê Khả Phiêu, những ủy viên trung ương đảng bắt đầu họp để bầu tổng bí thư vào ngày 17-4-2001, hai ngày trước đại hội chính thức của đảng.
Trong vòng đầu, ba người được đề cử là Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An, Trần Đức Lương. Nông Đức Mạnh dẫn đầu nhưng được chưa tới 60% số phiếu, người thứ hai là Nguyễn Văn An, trưởng ban tổ chức đảng được 35% và Trần Đức Lương được khoảng gần 10%.
Vì tỷ số phiếu 35% của Nguyễn Văn An là một số phiếu vững chắc của những cán bộ hoạt động trong tổ chức đảng (2), Nông Đức Mạnh cảm thấy không an tâm, sợ rằng với tư cách trưởng ban tổ chức đảng, Nguyễn Văn An có thể gây khó khăn hay có thể kiếm thêm được một số hậu thuẫn để lật lại mình. Ngoài ra, với ảnh hưởng sâu rộng của bộ ba “cố vấn”, Nông Đức Mạnh sẽ có thể bị trói tay như Lê Khả Phiêu. Do đó, mới đầu Nông Đức Mạnh đã từ chối không nhận chức.
Sự từ chối của Nông Đức Mạnh gây khó khăn cho ủy ban trung ương, vì trong số những ứng viên, chỉ có Nông Đức Mạnh là có những điều kiện thuận lợi.
Trước hết, từ trước tới nay, Nông Đức Mạnh vẫn là người đứng ngoài những tranh chấp giữa hai phe bảo thủ và đổi mới. Trong gần mười năm Nông Đức Mạnh làm chủ tịch quốc hội, quốc hội này đã chấp thuận hết những đạo luật đổi mới kinh tế lẫn đàn áp chính trị nên được lòng cả hai phe. Uy tín của quốc hội cũng khá hơn khi quốc hội được quyền triệu tập bộ trưởng ra điều trần công khai. Vì chức thủ tướng chắc chắn về tay Phan Văn Khải, một người miền Nam và chức chủ tịch nhà nước là Trần Đức Lương, người miền Trung, chức tổng bí thư phải là người miền Bắc như Nông Đức Mạnh hay Nguyễn Văn An. Ngoài ra, với tin đồn là con rơi của Hồ Chí Minh, cá nhân và đời tư Nông Đức Mạnh sẽ không bị phanh phui (khi được hỏi, Nông Đức Mạnh đã không phủ nhận và cũng không xác nhận tin đồn này). Sau cùng, nhờ là gốc người Tầy, được cử lên làm một chức vụ quan trọng nhất nước sẽ chứng tỏ chính quyền Việt Nam không kỳ thị chủng tộc, xoa dịu bớt sự phẫn nộ của dân thiểu số đang biểu tình gây rối trên vùng Tây Nguyên và làm vừa lòng Trung Quốc
Vì không có ai thay thế và thời giờ quá gấp rút, chức vụ tổng bí thư phải được bầu ngay để có thể đưa ra cho đại hội đảng “nhất trí biểu quyết chấp thuận” vào hai ngày sau, nên trung ương đảng phải tìm biện pháp hòa giải bằng cách thuyết phục để ba “cố vấn” từ chức, không còn dính dáng gì đến việc điều hành của bộ Chính Trị, đồng thời, thuyên chuyển Nguyễn Văn An ra khỏi ban tổ chức, sang làm chủ tịch quốc hội.
Sau khi đạt được nhượng bộ kể trên, Nông Đức Mạnh chính thức nhận lời làm tổng bí thư. Tuy vậy, vây cánh của Đỗ Mười và Lê Đức Anh vẫn còn rất mạnh (như Phạm Văn Trà, Trần Đình Hoan, Phan Diễn, Nguyễn Khoa Điềm…).(3) Hai người này đã ủng hộ Nông Đức Mạnh vì thấy Nông Đức Mạnh là người tương đối không có hậu thuẫn vững mạnh nào để chống lại họ.
Tân tổng bí thư đảng CSVN sinh năm 1940 ở tỉnh Bắc Thái, được du học Nga Xô và tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp, sau đó về làm việc ở ty Lâm Nghiệp Bắc Thái, thăng trưởng ty năm 1977, rồi được bầu làm chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái năm 1986. Năm năm sau, trở nên ủy viên trẻ nhất của bộ Chính Trị và được đề cử làm chủ tịch quốc hội từ năm 1992.
Ngoài chức tổng bí thư, đại hội đảng cũng bầu ra 150 ủy viên trung ương đảng, trong đó đứng đầu là một bộ Chính Trị gồm 15 người sắp xếp theo thứ tự:
1. Nông Đức Mạnh, tổng bí thư.
2. Trần Đức Lương, kiêm nhiệm chủ tịch Nhà nước.
3. Phan Văn Khải, kiêm nhiệm thủ tướng.
4. Nguyễn Minh Triết, bí danh Sáu Phong, là bí thư thành ủy TP.HCM từ 2001. Trước đó, Nguyễn Minh Triết là bí thư tỉnh ủy Bình Dương, đã thiết lập một khu kỹ nghệ hỗn hợp với Tân Gia Ba tương đối thành công.
5. Nguyển Tấn Dũng, phó thủ tướng.
6. Lê Minh Hương, bộ trưởng bộ Công an.
7. Nguyễn Phú Trọng, bí thư thành ủy Hà Nội.
8. Phan Diễn, bí thư thành ủy Đà Nẵng. Hơn một năm sau, được cử làm thường vụ ban bí thư, một chức vụ quan trọng để cùng Nông Đức Mạnh điều hành hoạt động hàng ngày của nội bộ đảng.
9. Lê Hồng Anh, trưởng ban kiểm soát đảng, từng là bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, trong lý lịch khai có bằng cử nhân luật và chính trị.
10. Trương Tấn Sang, trưởng ban kinh tế đảng, quê ở Đức Hòa, Long An. Trương Tấn Sang cũng là anh em vợ của Nguyễn Tấn Dũng và là anh em của Trương Mỹ Hoa, từng là phó chủ tịch nhà nước.
11. Phạm Văn Trà, bộ trưởng bộ Quốc phòng.
12. Nguyễn Văn An, trưởng ban tổ chức đảng, từng là bí thư tỉnh ủy Hà Nam, từ tháng 11-2001 được đổi qua làm chủ tịch quốc hội.
13. Trương Quang Được, trưởng ban vận động của đảng, từng là bí thư thành ủy Đà Nẵng trước Phan Diễn.
14. Trần Đình Hoan, sau này làm trưởng ban tổ chức trung ương đảng.
15. Nguyễn Khoa Điềm, sau này rời chức bộ trưởng Thông tin Văn hóa để thăng làm trưởng ban thông tin văn hóa của đảng.
Xét thành phần bộ Chính Trị khóa IX, số đại diện quân đội chỉ còn một người là Phạm Văn Trà. Phạm Văn Trà được giữ lại vì theo phe Lê Đức Anh chống Lê Khả Phiêu. Nhờ uy tín quân đội giảm sút sau vụ Lê Khả Phiêu cho đặt máy nghe lén, phe công an mạnh hơn lên trong phe bảo thủ, dưới quyền của Lê Minh Hương, sau đó là Lê Hồng Anh. Giữa nhiệm kỳ, Lê Minh Hương chết, Lê Hồng Anh, dù không có kinh nghiệm một ngày trong quân đội hay công an cũng được phong chức đại tướng công an và được cử lên thay chức bộ trưởng. Ban thường vụ bộ Chính Trị năm người của khóa trước bị giải tán và trung ương đảng giành lại quyền bầu cử ban bí thư. Nhờ vậy, Lê Văn Dũng tuy đã bị khiển trách vì để cho tổng cục 2 đặt máy nghe lén nhưng cũng được chọn vào ban bí thư này (xếp hàng thứ 6 trong 9 người).
Số ủy viên trung ương đảng giảm từ 170 xuống còn 150, trong đó 87 là ủy viên cũ, 63 là người mới.
Số ủy viên bộ Chính Trị từ 18 xuống còn 15 người. 7 người trong bộ Chính Trị cũ bị mất chức, trong đó có Lê Khả Phiêu, Phạm Thanh Ngân, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Thị Xuân Mỹ. Nguyễn Thị Xuân Mỹ là nữ ủy viên bộ Chính Trị đầu tiên và duy nhất, được giao phụ trách ban kiểm soát của đảng, bị mất chức vì đã không chận đứng được tham nhũng và hối lộ. (4)
Tinh thần bè phái của Lê Khả Phiêu (nâng đỡ người cùng tỉnh, xây dựng những công thự, cầu cống không cần thiết ở Thanh Hóa…) đã gây bất mãn, nên tư lệnh quân khu 4 cũng như tỉnh ủy Thanh Hóa không được bầu vào trung ương đảng. Người thân cận của Lê Khả Phiêu trong bộ Chính Trị là Phạm Thanh Ngân cũng mất chức ủy viên và mất luôn chức chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội. Hai ủy viên bộ Chính Trị mới là Trần Đình Hoan và Nguyễn Khoa Điềm được bầu do hậu thuẫn còn mạnh mẽ của Đỗ Mười và Lê Đức Anh, sau đó, hai người này còn giúp cho Trần Đình Hoan lên thay Nguyễn Văn An làm trưởng ban tổ chức đảng, một chức vụ quan trọng trong việc sắp xếp nhân sự. Phạm Văn Trà và Lê Văn Dũng còn tại vị là nhờ sự vận động tích cực của Lê Đức Anh.
Lê Hồng Anh, Nguyễn Phú Trọng, Lê Minh Hương, cùng với Trần Đình Hoan, Nguyễn Khoa Điềm tạo nên một khối bảo thủ vững chắc trong bộ Chính Trị. Ngoài ra, dù đã từ chức cố vấn, Đỗ Mười và Lê Đức Anh vẫn tham dự nhiều buổi họp của trung ương đảng và vẫn còn có thế lực rất mạnh.
Ban lãnh đạo của đảng CSVN sau khi được bầu đã đặt ra những mục tiêu hoạt động chính: cải tổ lãnh đạo, lành mạnh hóa bộ máy đảng, cải thiện khu kinh tế quốc doanh và giải quyết bất mãn của những sắc tộc.
Chính phủ mới của Việt Nam sau đại hội đảng lần thứ IX vẫn giữ Phan Văn Khải làm thủ tướng. Phụ tá của Phan Văn Khải gồm có ba phó thủ tướng:
1- Nguyễn Tấn Dũng, phụ trách kinh tế, kỹ nghệ
2- Vũ Khoan, phụ trách ngoại giao và ngoại thương
3- Phạm Gia Khiêm, phụ trách giáo dục, khoa học kỹ thuật, thông tin báo chí.
Các bộ trưởng gồm có:
- Ngoại Giao: Nguyễn Dy Niên (thứ trưởng Nguyễn Văn Ngành, Chu Tuấn Cáp, Lê Công Phụng, Nguyễn Phú Bình, Nguyễn Đình Bin, Lê Văn Bàng). Lê Văn Bàng vừa được Nguyễn Tâm Chiến thay thế trong chức vụ đại sứ ở Hoa Kỳ.
Trong khi đó, tổng thống Bush vừa đắc cử cũng thay thế đại sứ Peterson bằng ông Burghardt. Đại sứ Burghardt tại chức 3 năm thì được Michael Marine thay thế. Thời gian này, một tham vụ ngoại giao của tòa đại sứ Trung Quốc là Tề Kiến Quốc cũng được cử lên thay làm đại sứ Trung Quốc. (5)
- Quốc Phòng: Phạm Văn Trà (thứ trưởng Phùng Quang Thanh, Lê Văn Dũng, Nguyễn Huy Hiệu, Trương Khánh Châu, Nguyễn Văn Rinh,). Tư lệnh hải quân là Đỗ Xuân Công, tư lệnh không quân là Nguyễn Đức Soát.
- Công An: Lê Hồng Anh (thứ trưởng Hoàng Ngọc Nhật, Nguyễn Khánh Toàn, Lê Thế Tiến, Bùi Quốc Huy). Lê Hồng Anh rời chức trưởng ban kiểm sát trung ương đảng qua thay Lê Minh Hương từ 2002, còn Bùi Quốc Huy, Hoàng Ngọc Nhật sau này mất chức vì liên quan vụ Năm Cam.
- Tư Pháp: Uông Chu Lưu (thay Nguyễn Đình Lộc từ 2002)
- Thương Mại: Vũ Khoan, sau đó là Trương Đình Tuyển (bí thư tỉnh Nghệ An)
- Thông Tin Văn Hóa: Phạm Quang Nghị, từng là bí thư tỉnh ủy Hà Nam.
- Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn: Lê Huy Ngọ (thay Nguyễn Công Tấn). Năm 2004, Lê Huy Ngọ bị mất chức vì nhân viên là Lã Thị Kim Oanh tham nhũng, người thay thế là Cao Đức Phát (thứ trưởng: Phạm Hồng Giang, Bùi Bá Bổng, Hứa Đức Nhi, Diệp Kính Tân). Cao Đức Phát đã tu nghiệp ở Harvard hai năm từ 1993 đến 1995.
- Tài Chánh: Nguyễn Sinh Hùng.
- Lao Động, Thương Binh Xã Hội: Nguyễn Thị Hằng (thay Trần Đình Hoan).
- Giao Thông Vận Tải: Đào Đình Bình (thay Lê Ngọc Hoan).
- Khoa Học Kỹ Thuật: Hoàng Văn Phong (thay Chu Tuấn Nhã).
- Xây Dựng: Nguyễn Hồng Quân (các thứ trưởng Nguyễn Văn Liên, Tống Văn Ngà, Nguyễn Tấn Văn, Đinh Tiến Dũng).
- Giáo Dục: Nguyễn Minh Hiền (thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng, Đặng Huỳnh Mai, Trần Văn Nhung, Nguyễn Tấn Phát, Bành Tiến Long).
- Ngư Nghiệp: Tạ Quang Ngọc.
- Nội Vụ: Đỗ Quang Trung.
- Kỹ Nghệ: Hoàng Trung Hải (thay Đặng Vũ Chú)
- Bưu Điện, Viễn Thông và Kỹ Thuật: Đỗ Trung Tá. Trong bộ này, một người con của Lê Đức Thọ là Lê Nam Thắng (có lẽ bí danh vì đúng ra phải họ Phan) được nâng đỡ làm thứ trưởng.
- Tài Nguyên và Môi Sinh: Mai Ái Trực (từng là bí thư tỉnh Bình Định).
- Kế Hoạch và Đầu Tư: Võ Hồng Phúc (thay Trần Xuân Giá từ 2002).
- Y Tế Công Cộng: Trần Thị Trung Chiến.
- Chủ nhiệm Uỷ Ban Sắc Tộc: Ksor Phước, từng là bí thư tỉnh Dak Lak, thay Hoàng Đức Nghi.
- Chủ nhiệm Uỷ Ban Thể Dục Thể Thao: Nguyễn Danh Thái, thay Hà Quang Dự. Nguyễn Danh Thái từng là viện trưởng Đại học Thể Dục Thể Thao số 1.
Dĩ nhiên, về chính trị, đại hội đảng lần thứ IX vẫn duy trì chế độ độc đảng dù lúc đó, một số cựu cán bộ lão thành như Lê Giản (6) — cựu chỉ huy trưởng công an thời 1940 trước Trần Quốc Hoàn — và Trần Đại Sơn, tự vệ thành, chỉ huy trinh sát sư đoàn 308 trước 1954…viết thư cho đại hội đòi mở rộng tự do dân chủ, bãi bỏ nghị định 31/CP về quản thúc hành chánh (đúng ra là bỏ tù không xét xử) mà Võ Văn Kiệt ký mấy năm trước. Với nghị định quản chế này, chính quyền đã bắt giữ hay quản chế những người đòi hỏi tự do dân chủ. Có lẽ để trấn an phe bảo thủ, quân bình “định chế xã hội chủ nghĩa”, sau khi ký thỏa ước mậu dịch song phương với Hoa Kỳ, sau đại hội đảng, chính quyền đã không đếm xỉa đến lời kêu gọi này mà còn bắt đầu một đợt đàn áp mới. Ngoài hành động thường xuyên trong nhiều năm bắt bớ, bỏ tù, quản thúc tại gia, xách nhiễu những người như các hoà thượng Quảng Độ, Huyền Quang… vào tháng giêng 2002, công an lại đến nhà ông Hà Sĩ Phu, một người từng bị bắt giữ hoặc quản chế tại gia nhiều lần, lục soát và lấy đi bộ máy vi tính của ông.
Ngoài Hà Sĩ Phu, nhiều người đấu tranh cho tự do dân chủ khác cũng bị đàn áp, quấy nhiễu, trong đó có:
- Trần Khuê, người đã phổ biến trên mạng chương trình Đối Thoại Năm 2000 và Đối Thoại Năm 2001, gồm những bài kêu gọi cải cách chính trị. Ông bị quản thúc tại gia từ tháng 10-2001. Tháng 3-2002, công an lại trở lại khám nhà ông sau khi ông phổ biến điện thư trên mạng gửi Giang Trạch Dân phản đối thỏa ước biên giới bất quân bình mà hai nước vừa ký kết. Cuối năm 2002 thì Trần Khuê bị bắt giam cùng với cựu đại tá Phạm Quế Dương. Phát ngôn viên chính phủ nói là hai người sẽ phải ra tòa nhưng không nêu rõ tội trạng. Các ông Trần Khuê, Phạm Quế Dương và Trần Dũng Tiến đều bỏ đảng năm 1999 sau khi tướng Trần Độ bị trục xuất.
- Nguyễn Khắc Toàn, một bộ đội phục viên. Vào các năm 2001 và 2002, khi nông dân biểu tình trước quốc hội phản đối chính phủ truất hữu ruộng, Nguyễn Khắc Toàn đã giúp họ viết thỉnh nguyện thư. Ông bị bắt sau khi đi thăm ông Nguyễn Thanh Giang, sau đó bị kết án 12 năm tù về tội “gián điệp”.
- Nguyễn Đình Huy, từng là giáo sư sử địa và ký giả, bị tù từ 1975 đến 1992. Ra tù, ông định tổ chức một hội nghị quốc tế về “Phát Triển Việt Nam” tại Sài gòn ngày 27-11-1993, nhưng ngày 17 thì đã bị bắt và bị kết án 15 năm tù từ 1995 về tội “mưu toan lật đổ chính phủ”. Ông bị giam ở trại Z.30A, Đồng Nai.
- Bùi Minh Quốc, bị quản chế từ đầu năm 2003, sau khi đi điều tra về tình trạng nhường đất ở vùng biên giới. Bùi Minh Quốc là một thi sĩ, một đảng viên, từng là tổng biên tập tạp chí Lang Bian.
- Lê Chí Quang, một luật sư, bị bắt tháng 2-2002 khi ông phổ biến trên mạng bài tham luận Cảnh Giác Đế Quốc Trung Quốc, tiết lộ chi tiết về việc nhường đất và biển. Ông bị kết án bốn năm tù, bị giam ở Nam Hà.
- Phạm Hồng Sơn, bác sĩ, bị bắt ngày 27-3-2002 khi dịch bài viết What is Democracy, gửi đi cho bạn bè và những cán bộ, viên chức chính phủ. Ông bị gán vào tội gián điệp và bị kết án 13 năm tù cộng thêm 3 năm quản chế. Vì dư luận quốc tế, án này được giảm xuống còn 5 năm tù và 3 năm quản chế.
- Nguyễn Vũ Bình, là phóng viên tạp chí Cộng Sản, bị bắt lần đầu năm 2001 vì mưu toan lập một đảng chính trị. Lần thứ hai ông bị bắt vào tháng 7-2002 khi viết thư đòi mở rộng tự do dân chủ. Ngày 25-9-2002, ông bị bắt lần thứ ba sau khi phổ biến trên mạng bài Vài Suy Nghĩ Về Thỏa Ước Biên Giới Việt Trung. Ông bị gán tội gián điệp và bị kết án 7 năm tù, 3 năm quản chế. Ông bị giam ở B14, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
- Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, bị bắt lại đầu năm 2003 khi ông phổ biến Tuyên Ngôn về Tự Do Thông Tin ở Việt Nam. Ông bị giam hơn 1 năm không được xét xử. Tháng 5-2004, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố sẽ trả tự do cho ông nếu ông bằng lòng lưu vong ra nước ngoài. Ông từ chối.
- Linh mục Nguyễn Văn Lý, bị bắt và kết án 20 năm tù khi phổ biến hai bài viết của cố giám mục Nguyễn Kim Điền. Được thả ra sớm nhưng ông vẫn bi bắt lại nhiều lần vào các năm 1983, 2001 rồi 2007.
Ngoài việc bắt bớ những thành phần chống đối, năm 2002, bộ Thông Tin Văn Hóa ra lệnh tịch thu và thiêu hủy những tác phẩm Suy Tư và Ước Vọng của Nguyễn Thanh Giang, Đối Thoại Năm 2000 và Đối Thoại Năm 2001 của Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, Gửi Lại Trước Khi Về Cội của Vũ Cao Quận, Nhật Ký Rồng Rắn của Trần Độ. (Cuốn Chuyện Kể Năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người bị ở tù từ 1968 đến 1973, thì bị tịch thu và thiêu hủy năm 2001). Tướng Trần Độ, bị trục xuất khỏi đảng năm 1999, có xin phép ra một tờ báo tư nhân nhưng bị bác. Ông mất vào tháng 8-2002. Võ Nguyên Giáp có gửi hoa đến phúng điếu, nhưng cũng như trên những vòng hoa khác, bốn chữ “Vô Cùng Thương Tiếc” bị gỡ bỏ do lệnh của Đỗ Mười và Nguyễn Khoa Điềm. Quốc Hội cộng sản đã giành việc tổ chức tang lễ, nhưng trong bài điếu văn, đại diện quốc hội là Vũ Mão lại nói là Trần Độ cuối đời đã phạm lỗi lầm khiến gia đình ông đứng lên tuyên bố không chấp nhận bài điếu văn của ban tổ chức, Vũ Mão phải chạy ra xe bỏ về. Mấy tháng sau cái chết của Trần Độ thì đến lượt Tố Hữu qua đời. Hoàng Cầm được báo chí của đảng mời viết một bài ai điếu. Về sau, ông tâm sự là ông đã cố ý viết “Với đảng CSVN, với gia đình ông, đây là một mất mát to lớn” nhưng khi in ra, tờ báo đã tự động thêm vào mấy chữ “với nhân dân”. (7)
Ngoài việc thiêu hủy những sách báo không đi đúng đường lối đảng, chính phủ còn ra lệnh cấm nhân dân (trừ những cán bộ cao cấp của chính phủ hay của đảng) được coi các đài truyền hình của nước ngoài qua hệ thống vệ tinh. Tư nhân dùng đĩa thu tín hiệu để coi các đài truyền hình này bị coi là phạm pháp. Đài Á Châu Tự Do của Hoa Kỳ phát về Việt Nam bị gây nhiễu loạn sóng để ngăn cản không cho nhân dân trong nước nghe được. Ngay cả trong những vụ án tham nhũng lớn, báo chí cũng được khuyến cáo nên tự kiềm chế để khỏi làm xấu chế độ. Người đứng đầu báo Công Luận (dĩ nhiên cũng là báo nhà nước), bị nghiêm phạt khi loan tin về vụ Năm Cam không đúng đường lối. Mạng lưới TTVV online.com, một mạng lưới được giới trẻ Việt Nam bầu làm mạng lưới hay nhất trong năm 2001, ngày 7-8-2003 bị dẹp bỏ vì có những tin và bài vở liên quan đến hiệp ước biên giới với Trung Quốc. Ba ký giả báo Tuổi Trẻ bị thu hồi giấy phép hành nghề vì “phạm lỗi lầm nghiêm trọng” khi đăng kết quả thăm dò về thần tượng của giới thanh niên trong đó giới lãnh đạo đảng chỉ có Phan Văn Khải được chọn và Phan Văn Khải còn đứng thấp hơn Clinton. Ngoài ra, báo Viễn Đông Kinh Tế — Far Eastern Economic Review số tháng 7 bị tịch thu khi tường thuật vụ án Năm Cam và số tháng 8 cũng bị tịch thu vì có bài viết về cuộc đời tình ái của Hồ Chí Minh. Một sự kiện khác liên quan đến cuộc đời Hồ Chí Minh là ngày 1-8-2002, nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia đã dịch xong cuốn Hồ Chí Minh của tác giả Duiker, nhưng trước khi phát hành, lại đề nghị nhà xuất bản Hyperion cho phép bỏ đi những phần mà Duiker viết về chuyện Hồ Chí Minh đã lấy một bà vợ người Trung Quốc tên Tăng Tuyết Minh và đoạn Hồ Chí Minh quan hệ tình ái với Nguyễn Thị Minh Khai, vợ Lê Hồng Phong…Việc phát hành cuốn sách dịch bị trở ngại vì tác giả Duiker phản đối. (8)
Vì muốn giữ gìn uy tín siêu nhân của lãnh tụ, đảng Cộng sản không bao giờ tiết lộ những chi tiết về cuộc đời tình cảm hay gia đình của Hồ Chí Minh, kể cả việc ông đã có một người con với bà Nông Thị Xuân. Để giải quyết sinh lý cho Hồ Chí Minh, năm 1955, Trần Đăng Ninh lúc đó là tổng cục trưởng tổng cục Hậu cần đã giới thiệu bà Nông Thị Xuân cho ông Hồ, nhưng sau đó vì bà Xuân muốn chính thức hóa chuyện chồng con nên bộ Chính Trị đã cho bộ trưởng công an Trần Quốc Hoàn thủ tiêu để bảo vệ hào quang thuần khiết của Hồ Chí Minh. Người con này, được đặt tên Nguyễn Tất Trung, mới đầu được giao cho Chu Văn Tấn, sau đó là Nguyễn Lương Bằng và cuối cùng thì ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chí Minh nhận làm con. (9) Người đem xe đến đón bà Xuân để đưa đến chỗ chết là Tạ Quang Chiến, một cận vệ của Hồ Chí Minh, sau này được cất nhắc lên làm phó chủ nhiệm ủy ban Thế vận Việt Nam.
Vì tiếp tục công kích chế độ, nhà văn Dương Thu Hương bị báo Công An Thành Phố gán tội “phản quốc” còn tài tử Đơn Dương thì bị gọi là “tay sai cho những thế lực thù địch”. Báo chí đăng tin đụng chạm đến những viên chức lớn cũng có thể bị liên lụy, chẳng hạn trong tháng 1-2005 mạng lưới tintucvietnam bị đóng cửa và tổng biên tập mạng lưới VNExpress Trương Đình Anh bị mất chức vì đăng tin chính phủ phí phạm công quĩ khi mua 78 xe Mercedes dùng trong hội nghị những quốc gia nói tiếng Pháp. Mấy tháng sau, đến lượt, ký giả Lan Anh của báo Tuổi Trẻ bị ra tòa vì viết bài về sự gian lận của công ty dược phẩm Zuellig Pharma. Hãng này được độc quyền bán một số thuốc nên đã tăng giá trái phép những thuốc này. Dù bài viết lấy tài liệu từ một báo cáo của Bộ Y Tế gửi cho Phan Văn Khải, trong đó bộ trưởng y tế đề nghị điều tra hãng thuốc nhưng ký giả Lan Anh cũng bị quản thúc tại gia một thời gian về tội tiết lộ bí mật quốc gia…
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam tệ đến nỗi vào 2 ngày 16 và 17-3-2005, khi Nguyễn Văn An cầm đầu một phái đoàn quốc hội Việt Nam gồm 39 người sang Âu Châu, chủ tịch quốc hội Âu Châu không chịu tiếp và Nguyễn Văn An cũng không được mời thuyết trình trước ủy ban đối ngoại của quốc hội này như phái đoàn của những nước khác.
Về kinh tế, đại hội đảng IX phác họa những kế hoạch phát triển kinh tế ngũ niên (2001-2005) và thập niên (2001-2010) nhằm biến Việt Nam thành một nước kỹ nghệ, tiên tiến vào năm 2020. Vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam là một số lớn công ty quốc doanh kinh doanh bị lỗ lã nhưng vẫn phải duy trì để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ khi phát động “đổi mới” và kinh tế thị trường tới 2000, sản lượng sản xuất của hệ thống kinh tế quốc doanh chỉ còn chiếm 42% sản lượng quốc gia, và số công nhân viên cũng giảm từ 2 triệu rưởi xuống 1.6 triệu. Vì không thể dẹp bỏ, chính quyền phải tìm cách cải thiện những công ty quốc doanh còn lại, nhưng chính Nông Đức Mạnh cũng công nhận việc cải thiện đó là một tiến trình lâu dài và phải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với sự ổn định chính trị và xã hội.
Nhờ thỏa ước thương mại song phương BTA với Hoa Kỳ (ký ngày 10-12-2001 giữa Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Khoan và Zoellick), những nhà đầu tư ngoại quốc lại đổ vào Việt Nam đầu tư, sản lượng thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ dần dần gia tăng từ 1 tỷ rưỡi năm 2001, 2.4 tỷ năm 2002, đến hơn 6 tỷ năm 2004. Kể từ 2001, mức độ phát triển kinh tế của Việt Nam bắt đầu tăng từ 7% đến 8% mỗi năm. Năm 2005, tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam được tính vào khoảng trên 38 tỷ mỹ kim, lợi tức bình quân mỗi đầu người là 470 mỹ kim. Mỗi năm Việt Nam xuất cảng khoảng 24 tỷ mỹ kim gồm dầu thô, hải sản, hàng vải may mặc, gạo, cà phê, trà…và nhập cảng 28 tỷ dầu xăng, thép, đồ điện tử.
Sau khi ký thỏa ước song phương, hàng hóa Việt Nam bán sang Hoa Kỳ được giảm thuế từ 40% xuống còn 3-4% (vì chưa được qui chế PNTR, qui chế tối huệ quốc thường trực, mức thuế quan này cần phải được quốc hội và tổng thống Mỹ phê chuẩn hàng năm).
Tuy nhiên, dù đã ký BTA, giao thương giữa hai nước vẫn có một số trục trặc. Thứ nhất là về hải sản. Bị ngư dân bản xứ phản đối, quốc hội Hoa Kỳ đưa ra đạo luật nói chỉ có loại cá ictaluridae mới đúng là cá catfish, còn cá catfish của Việt Nam đem sang bán phải ghi rõ là cá tra hay cá basa, không được để là catfish. Sau đó, bộ thương mại Hoa Kỳ cũng điều tra thấy cá catfish filet của Việt Nam đem sang Mỹ bán phá giá nên quốc hội ra đạo luật chống phá giá (anti dumping) đánh vào cá catfish đông lạnh của Việt Nam. Ngoài ra, dưới áp lực từ các công ty hàng vải của Mỹ, số lượng hàng vải may mặc của Việt Nam xuất cảng sang Mỹ bị giới hạn. Trung Quốc không bị giới hạn này vì đã gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO.
Cuối năm 2005, vụ đình công đầu tiên của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã xảy ra tại những cơ xưởng ngoại quốc (Đài Loan, Nhật Bản, Tây Âu…) và liên doanh trong khu công nghiệp thành phố HCM, Thủ Đức, Bình Dương, Hải Phòng. Số công nhân đình công đòi tăng lương lên đến trên 40 ngàn. So với lương công nhân tại các nước khác (Trung Quốc, Thái Lan, ngay cả Campuchia…), lương của công nhân Việt Nam tương đối còn rất thấp. Chính thức đại diện công nhân trong xã hội cộng sản đúng ra là những công đoàn, nhưng những công đoàn nhà nước đã không dính dáng gì đến những vụ đình công kể trên, và mới đầu chính quyền địa phương còn khiển trách công nhân (Trần Đức Lương đã công khai xin lỗi ông Hiroshi Okuda, chủ tịch liên hiệp doanh nghiệp Nhật và hứa sẽ ổn định tình thế nhanh chóng), nhưng sau đó, do sự đồng ý của những chủ nhân ngoại quốc, thủ tướng Phan Văn Khải đã phải ký đạo luật tăng lương tối thiểu cho công nhân 40%.
Vì đình công là chuyện hiếm hoi xảy ra tại những nước cộng sản, có dư luận đồn là do chính phủ xúi giục công nhân ở những hãng xưởng Đài Loan để trả đũa vụ Đài Loan cho xây phi trường trên đảo Thái Bình thuộc quần đảo Trường Sa, nhưng không ngờ vụ đình công đã lan rộng. Ủy viên trung ương đảng Cù Thị Hậu, chủ tịch công đoàn toàn quốc, mấy tháng sau mất chức vì tiết lộ là công nhân của một số công ty quốc doanh cũng đình công. Bà cũng phân trần là dù biết công nhân bất mãn, nhưng nếu công đoàn muốn chỉ đạo để đình công thì phải xin phép đảng ủy địa phương rồi đi lên trung ương để xét sẽ mất rất nhiều thì giờ.
Song song với vấn đề cải thiện hợp tác mậu dịch, vấn đề cải thiện quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ cũng được xúc tiến. Sau khi ký xong thỏa hiệp thương mại song phương, nhiều phái đoàn chính phủ của Việt Nam đã sang thăm Hoa Kỳ, trong đó có thứ trưởng Thương Mại Lương Văn Tư, phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Phúc Thành (tháng 4-2004), bộ trưởng Thương Mại Trương Đình Tuyển, bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc, bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 6-2002), bộ trưởng Quốc Phòng Phạm Văn Trà (tháng 11-2003)… và tháng 6-2005, là Phan Văn Khải.
Chuyến đi của Phan Văn Khải vào tháng 6-2005 là chuyến đi Hoa Kỳ của một giới chức Việt Nam cao cấp nhất sau 1975. Trong chuyến đi, Phan Văn Khải dẫn theo một phái đoàn hùng hậu trên 200 người, với mục đích chính là yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ giúp Việt Nam được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Chuyến đi được tổ chức rất kỹ. Do lời khuyên của Hội Đồng Thương Mại Việt-Mỹ, chính phủ Việt Nam bỏ tiền ra thuê công ty giao tế Hill & Knowlton giúp đánh bóng cho chuyến đi, kể cả cố vấn về cách ăn mặc, trang điểm, cách ăn nói trước ống kính…Do sự cố vấn đó, phái đoàn đã mang theo nhiều phụ nữ trong đó có hai bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến (y tế) và Nguyễn Thị Hằng (thương binh xã hội). Ngoài ra, còn có một người đại diện của giáo hội Tin Lành nhà nước đi theo để chứng tỏ là nhà nước coi trọng đạo Tin Lành, một tôn giáo mà chính quyền vẫn coi như một công cụ phục vụ diễn biến hòa bình, chủ mưu những biến động trên vùng Tây Nguyên mấy năm trước.
Sau khi được gặp tổng thống Bush ở Bạch Cung, hai bên ra thông cáo chung trong đó có câu “hai bên trao đổi ý kiến và góc nhìn về hòa bình và an ninh trong vùng Đông Nam Á và sẽ hợp tác song phương hay đa phương với nhau để thực hiện mục tiêu trên”. Phan Văn Khải được hứa là chính phủ Hoa Kỳ sẽ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Sau đó phái đoàn đã đi Boston, nơi có nhiều người Mỹ thiên tả và Seattle, nơi Phan Văn Khải được tiếp đón nồng hậu vì đã đặt mua 4 phi cơ của hãng Boeing.
Dù chuyến đi Hoa Kỳ của Phan Văn Khải đã được cân bằng với chuyến đi Trung Quốc của Nông Đức Mạnh và Trần Đức Lương trong cùng năm, sau khi ở Hoa Kỳ về, Phan Văn Khải vẫn sang Côn Minh ngay để dự hội nghị về phát triển lưu vực sông Cửu Long. Tại đây, Phan Văn Khải đã đồng ý với thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc về việc hợp tác giữa ba nước Trung Quốc, Phi Luật Tân và Việt Nam để thăm dò địa chất và tiềm năng dầu hỏa trong vùng quần đảo Trường Sa. Đây là một nhượng bộ quan trọng vì trước đây, ngày 7-10-2004, Việt Nam đã phản đối vấn đề Trung Quốc hợp tác riêng lẻ với Phi Luật Tân. Lập trường của Trung Quốc là họ có chủ quyền trên toàn thể vùng biển Đông, nhưng trong thời gian hiện tại, họ bằng lòng để các nước khác cùng khai thác tài nguyên trên những vùng biển đang tranh chấp. Việt Nam từng phản đối vì khi ký hiệp nghị này là đã gián tiếp công nhận phần nào lập luận về chủ quyền của Trung Quốc.
Trong quan hệ Việt-Mỹ, ngoài vấn đề tự do tôn giáo cũng như đàn áp nhân quyền ở Việt Nam, còn có một số vấn đề gai góc khác như tác nhân da cam (agent Orange) và cờ. Được sự khuyến khích và tiếp tay của những luật sư Mỹ, một số người ở Việt Nam đã đưa đơn kiện chính phủ Mỹ vì cho là chất độc da cam được dùng trong chiến tranh đã làm cho họ sinh ra những trẻ em bị khuyết tật. Tuy các nhà khoa học Mỹ xác nhận là không có liên quan hiển nhiên nào giữa tác nhân da cam với những khuyết tật và chính phủ Mỹ bằng lòng chịu một số tiền như một giúp đỡ nhân đạo, nhưng vấn đề vẫn còn dùng dằng chưa được giải quyết. Dù những vùng được rải thuốc khai quang là ở miền Nam, nhưng đứng đơn kiện lại là những người ở miền Bắc nhiều hơn.
Ngoài ra còn có vấn đề lá cờ của Việt Nam. Do áp lực của cộng đồng Việt Nam hải ngoại, một số địa phương tại Hoa Kỳ đã dùng cờ Việt Nam Cộng Hòa cũ để tượng trưng cho nước Việt. Tháng giêng năm 2003, quốc hội tiểu bang Virginia biểu quyết dùng lá cờ này. Bộ ngoại giao Mỹ lúc đó gửi một văn thư can thiệp nói là việc đó có thể gây “hậu quả nghiêm trọng cho bang giao Việt-Mỹ”. Do đó dự luật này bị dẹp bỏ, nhưng đến tháng 7-2003, bất chấp chính phủ liên bang, thống đốc tiểu bang Lousiana, sau đó là tiểu bang Washington ký một đạo luật chính thức dùng cờ VNCH trong những trường công lập hay trong những ngày lễ của tiểu bang. Đến ngày 5-8-2006 thì thống đốc Schwarzagger ký sắc lệnh cờ VNCH là cờ chính thức của Việt Nam tại California. Tòa đại sứ Việt Nam có gửi thư phản đối nhưng không hiệu quả.
Ngoài chuyến viếng thăm chính thức của Phan Văn Khải năm 2005, chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Phạm văn Trà vào tháng 11-2003 đã được chú ý nhiều nhất, vì đây là một bước thăm dò sự hợp tác quân sự giữa hai nước. Trên thực tế, cả hai nước đều muốn có một sự hợp tác chặt chẽ hơn. Hoa Kỳ thì muốn có thêm Việt Nam như một đối tác để nếu không ngăn chận Trung Quốc thì cũng giữ an toàn được sự lưu thông tàu bè trên vùng biển Đông, còn Việt Nam cũng muốn có Hoa Kỳ như một chỗ dựa để không bị Trung Quốc lấn ép quá đáng. Do mối lo ngại về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, hội nghị trung ương đảng vào tháng 7-2003 chấp thuận “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, theo đó, ý thức hệ đã bớt quan trọng, và Việt Nam đánh tiếng để Hoa Kỳ nhắc lại lời mời bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà sang thăm Hoa Kỳ của Cohen hơn hai năm trước. Vì hoàn cảnh chính trị và địa dư đặc biệt của Việt Nam, mỗi bước cải thiện hợp tác với Hoa Kỳ đều phải cân nhắc phản ứng của Trung Quốc nên sau chuyến đi của Phạm Văn Trà, sự hợp tác này mới chỉ thể hiện ở phạm vi y tế và huấn luyện Anh ngữ. Trước khi Phạm Văn Trà sang Hoa Kỳ, Việt Nam đã phải cử Phùng Quang Thanh, tham mưu trưởng quân đội sang Trung Quốc gặp Tăng Khánh Hồng, ủy viên ban thường vụ bộ Chính Trị Trung Quốc, để trấn an và báo cáo.
Sau chuyến đi của Phạm Văn Trà, một chiến hạm của hải quân Mỹ, chiến hạm Vandergrift, trở lại viếng thăm hải cảng Sài Gòn vào ngày 19-11-2003 sau 28 năm vắng bóng. Năm 2003 cũng là năm mà lần đầu tiên Việt Nam cử quan sát viên đến tham dự cuộc thao diễn quân sự của Hoa Kỳ, Thái Lan, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân… Năm sau, Việt Nam gửi một tham mưu phó đi họp hội nghị bộ trưởng quốc phòng của Hoa Kỳ và những đồng minh trong vùng Thái Bình Dương.
Trong khi đó, quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vẫn được coi trọng và phát triển, nhưng không còn có vẻ lấy lòng một cách quá lộ liễu như thời Lê Khả Phiêu.
Ngay sau khi được bầu làm tổng bí thư, Nông Đức Mạnh đã gặp Siphadon, chủ tịch nhà nước Ai Lao trước, sau đó mới gặp Hồ Cẩm Đào, lúc đó là phó chủ tịch nhà nước Trung Quốc sang tham dự, có lẽ đúng hơn là thăm chừng, sự thay đổi quyền lực của đảng CSVN trong đại hội đảng. Nông Đức Mạnh đã hứa với Hồ Cẩm Đào là “quan hệ Việt Hoa sẽ tiến triển mỗi ngày một tốt đẹp hơn”. Nông Đức Mạnh chỉ sang Trung Quốc vào cuối năm sau khi đã đi thăm Ai Lao vào tháng 7-2001 và cũng sau chuyến đi của chủ tịch quốc hội Trung Quốc là Lý Bằng, sang Việt Nam do lời mời của Nguyễn Văn An. Trong cuộc viếng thăm Trung Quốc, Nông Đức Mạnh gọi đó là một “chuyến đi lịch sử” vì đã “nâng quan hệ Hoa-Việt lên một tầm cao mới”.
Dù không còn tỏ vẻ cầu cạnh Trung Quốc một cách quá đáng như Lê Khả Phiêu, nhưng nhóm lãnh đạo mới của CSVN vẫn tiếp tục và chính thức chấp thuận những nhượng bộ về biên giới, lãnh hải mà Lê Khả Phiêu đã đồng ý. Trung Quốc rất hài lòng về kết quả của hai thỏa ước về biên giới trên bộ và ngoài biển đã đạt được nên đã đáp ứng thiện chí hòa giải của Việt Nam một cách rất dễ dàng. Vì thế, sau khi Nông Đức Mạnh thăm Trung Quốc trở về, ngày 2-2-2002, khi Giang Trạch Dân sang Việt Nam đáp lễ, ngoài việc gặp các lãnh tụ CSVN mới được bầu lên, Giang Trạch Dân còn đặc biệt đến thăm Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu, hai người đã nhiệt tình chủ trương kết thân với Trung Quốc. Giang Trạch Dân ca ngợi Đỗ Mười đóng góp lớn lao cho việc bình thường hóa bang giao Việt - Hoa và giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề giữa hai nước.
Khi gặp Lê Khải Phiêu, Giang Trạch Dân nhắc lại chuyến đi thăm Bắc Kinh của Phiêu mấy năm trước và khen ngợi Phiêu đã “đặt ra một nguyên tắc chung để phát triển quan hệ song phương giữa hai nước cho một thế kỷ mới”. Đáp từ, Lê Khả Phiêu nói rằng “hai đảng và hai quốc gia phải tin tưởng lẫn nhau. Chỉ có tin tưởng lẫn nhau, cả hai không những trở nên hai láng giềng và hai bạn tốt, mà còn là hai đồng chí tốt và anh em tốt”.
Giống như Clinton năm trước, Giang Trạch Dân cũng đọc diễn văn và nói chuyện ở đại học Hà Nội, mục đích để tạo một hình ảnh thân thiện của Trung Quốc, và không giống Clinton, đi dạo phố Sài Gòn và ăn phở, Giang Trạch Dân đi tắm biển ở China Beach, Đà Nẵng. Chuyến đi của Giang Trạch Dân xảy ra 3 tuần sau chuyến viếng thăm của đô đốc Blair, và sau đó, Việt Nam đã dứt khoát sử dụng Cam Ranh như một thương cảng.
Theo thời gian, mối quan hệ ngoại giao Việt-Hoa càng trở nên một mối quan hệ đa diện và toàn diện, chẳng những giữa quốc gia với quốc gia, đảng với đảng, quân đội với quân đội mà còn bộ của nước này với bộ tương ứng của nước kia, cấp này với cấp kia, tỉnh này với tỉnh kia, đoàn thể này với đoàn thể kia…
Trên thế giới, có lẽ không có hai nước nào có nhiều phái đoàn qua lại viếng thăm và học tập nhau như hai nước Việt, Hoa (mỗi năm, ít ra có trên 300 cuộc tiếp xúc lớn nhỏ giữa hai nước và Nông Đức Mạnh ít ra đã sang thăm Trung Quốc bốn lần). Về thương mại, sản lượng buôn bán mỗi năm giữa hai nước lên tới hàng tỷ mỹ kim, cán cân mậu dịch dĩ nhiên nghiêng về Trung Quốc.
Tiếp tục truyền thống của Lê Khả Phiêu, hai nước tổ chức những buổi hội thảo chính trị hàng năm. Năm 2002 hội thảo về nguyên nhân và bài học từ sự tan rã của Nga Xô và các nước Đông Âu. Năm 2003, về chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường ở Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2004, về việc xây dựng đảng cầm quyền. Do ý hướng coi trọng ý thức hệ, cấp lãnh đạo đảng CSVN đã vô hình chung kết chặt sự liên hệ giữa hai nước và đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng nhân đó tìm cách gia tăng ảnh hưởng để từ từ khiến Việt Nam phải lệ thuộc vào Trung Quốc về tất cả mọi mặt và theo chiều hướng này, có lẽ có ngày sẽ phải nhượng bộ Trung Quốc thêm về vấn đề những hải đảo.
Tháng 11-2005, Hồ Cẩm Đào, với tư cách tổng bí thư và chủ tịch nước sang thăm Việt Nam. Hồ Cẩm Đào trấn an Việt Nam và các nước khác về sự phát triển của Trung Quốc là một sự phát triển trong chiều hướng hòa bình. Trong bài diễn văn, Hồ Cẩm Đào thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước: “hai bên quyết tâm xuất phát từ đại cục và tầm cao chiến lược, áp dụng các biện pháp có hiệu quả, làm sâu sắc và triển khai toàn diện quan hệ hai đảng, hai nước…tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các ngành của đảng và chính phủ, quốc hội, đoàn thể quần chúng và địa phương trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh văn hóa, giáo dục…”.
Trong dịp này, Hồ Cẩm Đào cũng loan báo Trung Quốc sẽ cho Việt Nam vay 1 tỷ mỹ kim để thiết lập 3 nhà máy điện, canh tân hệ thống đường sắt, xây dựng một trường đào tạo công an “cao 15 tầng” và xây dựng một cung “văn hóa hữu nghị Việt Trung”. Việt Nam đã mô tả chuyến đi này “là biểu hiện cao đẹp của tình đoàn kết hữu nghị thủy chung”. Chuyến đi và hành động của Hồ Cẩm Đào, và sau đó của bộ trưởng quốc phòng Tào Cương Xuyên, chủ tịch hiệp chính Giả Khánh Lâm (nhân vật số 4 trong cộng đảng Trung Quốc) thật ra nhằm tác động vào các hội nghị trung ương đảng thứ 13, 14, 15 chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ X của đảng CSVN vì đặc biệt ở kỳ đại hội này, đảng CSVN không mời những phái đoàn đảng hay chính phủ của các nước khác tham dự.
Tuy ban lãnh đạo đảng và chính phủ mới của CSVN tiếp tục muốn thân thiện với Trung Quốc, đã thông qua những thỏa ước về biên giới lãnh thổ và lãnh hải, đã ký thỏa hiệp về đánh cá ở vịnh Bắc Bộ, tình hình trong vịnh Bắc Việt và biển Đông cũng không khá hơn.
Hai bên liên tiếp phản đối nhau vi phạm hiệp định hay công ước ứng xử biển Đông. Chẳng hạn Trung Quốc phản đối Việt Nam tổ chức những chuyến du lịch dân sự ở Trường Sa. Nhưng thường thường những rắc rối xảy ra là do bên phía Trung Quốc.
Tháng 8-2002, Việt Nam đã phải chính thức phản đối khi Trung Quốc ra lệnh cấm ngư phủ Việt Nam đánh cá trong vùng biển mà theo hiệp định là của Việt Nam. Ngoài ra, báo chí nhà nước của Việt Nam cũng đăng tin có nhiều trường hợp ngư phủ Việt Nam bị “tàu lạ” tấn công, giết người và cướp bóc.
Tháng 7-2003, bộ chỉ huy biên phòng Đà Nẵng báo cáo là “trong thời gian gần đây, tàu kiểm ngư và tàu hải quân Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động kiểm soát, đón bắt các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam” và “trong sáu tháng qua, phía Trung Quốc cũng một lần đưa tàu tiến hành thăm dò địa chấn tại các khu vực có nhiều điểm nằm sâu trong vùng biển nước ta…”
Tháng 2-2004, đại tá Lê Thanh Tùng, chỉ huy trưởng biên phòng Quảng Nam cho biết “tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm hải phận Việt Nam”. Chính các giới chức quân sự này cũng công nhận đó là “những động thái nhằm từng bước hợp thức hóa sự có mặt của Trung Quốc tại biển Đông”. (10)
“Động thái từng bước lấn chiếm” biển này tiếp tục diễn ra sau khi quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ Việt — Trung vào ngày 15-6-2004. Năm tháng sau, ngày 19-11-2004, đài phát thanh Trung Quốc loan báo họ sẽ dùng tàu Nam Hải 215 để đem dàn khoan Kantan 3 đến vùng biển tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc thăm dò tài nguyên. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Lê Dũng cực lực phản kháng, nói rằng địa điểm đó (cách Việt Nam 63 hải lý và đảo Hải Nam 67 hải lý) hoàn toàn nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam kêu gọi Trung Quốc sẽ không làm điều đó. Tệ hơn nữa, khi hai thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng (Việt Nam) và Võ Đại Vỹ (Trung Quốc) đang gặp mặt để tiếp tục bàn luận việc thực hiện đường biên giới trên biển trong 2 ngày 27 và 28-12-2004 thì trong cùng ngày, Trung Quốc loan báo bắt giữ 9 tàu đánh cá cùng 80 ngư phủ Việt Nam.
Vụ này chưa giải quyết xong thì hai tuần sau, ngày 13-1-2005, đài BBC loan tin tàu tuần Trung Quốc bắn chết 8 ngư phủ Việt Nam trong đêm 9-1-2005 và các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ cũng đăng tin đó lại nói là những “tàu lạ mang cờ nước ngoài” đã dùng súng bắn xối xả vào ngư dân của xã Hòa Lộc, Việt Nam (11). Phải chờ tới ngày 21-1-2005, Lê Dũng sau khi được bộ Chính Trị cho phép, mới chính thức phản kháng “việc Trung Quốc giết những ngư phủ vô tội Việt Nam mới đây là một vi phạm luật lệ quốc tế nghiêm trọng, vi phạm thỏa ước ranh giới vịnh Bắc Bộ”. Trả lời Lê Dũng, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Khổng Tuyền gán cho những ngư phủ bị giết và bị bắt là hải tặc và còn dọa sẽ đưa những người bị bắt ra tòa.
Cùng thời gian, ngày 14-1-2005, dù Phan Văn Khải có gặp Cổ Tú Liên, phó chủ tịch quốc hội Trung Quốc nhưng đã không đá động đến chuyện này mà chỉ ca ngợi hợp tác thương mại tốt đẹp với Trung Quốc.
Hai bên tiếp tục thương thuyết cho đến tháng 10-2005, Phạm Văn Trà sang Trung Quốc ký thỏa ước tuần tiễu hỗn hợp trên vịnh Bắc Việt, hy vọng giảm thiểu những xung đột. Để củng cố luận cứ về chủ quyền, ngày 24-8-2004, phó giám đốc công ty hàng không Việt Nam Nguyễn Tiến Sâm tuyên bố sẽ tổ chức các chuyến bay du lịch thường xuyên ra đảo Trường Sa Lớn. Do áp lực của Trung Quốc, bốn ngày sau, thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng phải cải chính là chưa có kế hoạch như vậy.
Sau khi ký hiệp ước thương mại với Hoa Kỳ và vì kinh tế những nước ASEAN cũng như Đại Hàn, Đài Loan bắt đầu hồi phục, kinh tế Việt Nam lại tiến triển khả quan (từ 7 đến 8% mỗi năm). Năm 2005, tổng sản lượng quốc gia tăng 8.4%, sản phẩm kỹ nghệ tăng 21%, dịch vụ tăng 25%, nhưng 76% dân số vẫn sống nhờ nghề nông. Nhờ giảm thuế nhập cảng những linh kiện điện tử, việc sản xuất hàng hóa điện tử ở Việt Nam rẻ hơn những nước khác, điều này khiến hãng Intel, vào đầu năm 2006, loan báo sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ mỹ kim để mở một xưởng sản xuất ở thành phố HCM. Sau đó, một tổ hợp công ty của Đại Hàn cũng công bố sẽ mở một công ty thép gần Vũng Tàu với số vốn đầu tư lên đến 1.2 tỷ mỹ kim.
Trước lợi lộc kinh tế, Việt Nam đã bỏ rơi người bạn đồng minh nghèo đói Bắc Hàn. Mùa hè 2004, có lẽ được dàn xếp trước, hơn 400 dân tỵ nạn Bắc Hàn trốn sang Trung Quốc rồi kéo sang Việt Nam để sau đó, được Việt Nam bí mật chở thẳng qua Đại Hàn. Chính quyền Bắc Hàn gọi đó là một hành động “bắt cóc” và ngưng những tiếp xúc hàng tháng với Đại Hàn trong vòng một năm. Dù Bắc Hàn không công khai phản đối việc này với Việt Nam, Việt Nam cũng đền bù cho Bắc Hàn một số lúa gạo. (12)
Kể từ 2003, Việt Nam lại vượt qua Ấn Độ để trở nên nước xuất cảng lúa gạo đứng hàng thứ hai thế giới (sau Thái Lan) dù cho mỗi năm Việt Nam đều phải đối phó với thiên tai (mưa bão lụt lội) và các bệnh dịch. Từ năm 2003, hội chứng hô hấp trầm trọng (SARS) và dịch cúm gà bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Hội chứng SARS tuy được chận đứng nhưng những trường hợp cúm gà thỉnh thoảng vẫn xuất hiện dù hàng trăm ngàn gà vịt đã bị thiêu sống.
Do một thể chế chính trị mà quyền lực chìm trong những dàn xếp bí ẩn của nội bộ đảng cộng sản nên tệ nạn tham nhũng vẫn tràn lan. Giống như Lê Khả Phiêu hay những tổng bí thư trước đó, Nông Đức Mạnh lại kêu gọi tiếp tục phong trào chống tham nhũng và những hiện tượng tiêu cực. Tuy nhiên, những năm sau đại hội đảng lần thứ IX là những năm đã mở ra những vụ án tham nhũng quan trọng nhất. Đầu tiên là vụ Năm Cam.
Vụ án Năm Cam là một vụ án quan trọng làm xôn xao dư luận trong nước vì đây là lần đầu một số đảng viên và viên chức cao cấp trong ngành công an bị phanh phui có dính líu chuyện làm ăn với “xã hội đen”.
Năm Cam, tên thật Trương Văn Cam, là một tay anh chị đứng đầu một tổ chức làm ăn phi pháp như cờ bạc, thu tiền “bảo vệ”, đá gà, cho vay lãi… Bề mặt, Năm Cam cũng có những cơ sở làm ăn hợp pháp như quán karaoke Tân Hải Hà ở quận 4 trong phạm vi thành phố HCM để làm bình phong. Dù được bao che, nhưng Năm Cam cũng bị bắt vào năm 1995. Do hối lộ và chạy chọt, Năm Cam được thả ra sau khi ở tù một thời gian ngắn. Ra tù, Năm Cam tiếp tục làm ăn phi pháp. Công việc làm ăn càng phát triển, tiền kiếm càng nhiều thì Năm Cam càng có quan hệ nhiều với những giới chức đảng viên và công an có địa vị càng cao.
Năm 1998, một tay nữ anh chị là Vũ Hoàng Dung tự Dung Hà xuất xứ từ miền Bắc sau mấy năm tù ở Hải Phòng vào Nam nhờ Năm Cam giúp đỡ. Dung Hà được Năm Cam cho mở một sòng bài ở đường Bùi Thị Xuân. Sau một thời gian, Dung Hà kêu thêm đàn em từ miền Bắc vào và tìm cách cạnh tranh với Năm Cam. Hậu quả đưa đến việc Năm Cam cho người thanh toán Dung Hà vào tháng 10-2000.
Qua điều tra, người ta ngạc nhiên tại sao Năm Cam đã được thả ra quá sớm trong vụ án trước. Nhờ vậy mới lòi ra những liên hệ của Năm Cam không chỉ với ngành công an địa phương mà còn với những cấp lãnh đạo của đảng. Vì những hoạt động phi pháp của Năm Cam đã bành trướng mạnh mẽ và ăn sâu vào bộ máy công an của thành phố HCM, chính quyền trung ương phải đưa công an từ Hà Nội và từ các nơi khác vào điều tra. Kết quả bắt được gần 200 đồng bọn và những viên chức cao cấp, trong đó có hai ủy viên trung ương đảng là Bùi Quốc Huy, thiếu tướng thứ trưởng bộ công an, từng làm giám đốc sở công an thành phố HCM từ 1996 đến 2000 và Trần Mai Hạnh, tổng giám đốc các đài phát thanh Việt Nam. Trần Mai Hạnh bị bắt khi đem 8000 mỹ kim đi tìm cách hối lộ các giới chức thẩm quyền.
Ngoài Bùi Quốc Huy và Trần Mai Hạnh, còn có Hoàng Ngọc Nhật, thứ trưởng công an, Đỗ Năm, cục trưởng cục quản lý các trại giam, Lê Thanh Đạo, phó ban tuyên vận trung ương, Phạm Sĩ Chiến, phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao TP.HCM, thượng tá Dương Minh Ngọc, trưởng phòng hình sự, trung tá công an Võ Công Thắng, phó tổng biên tập báo Công An, Triệu Quốc Kế, cục trưởng cục điều tra bộ công an, Hoàng Linh, phóng viên báo Tuổi Trẻ…(Hoàng Linh dựa thế Năm Cam để đi tống tiền các thương gia)(13)…
Tuy đại cương vụ án là Trần Mai Hạnh nhân danh báo chí viết đơn xin cho Năm Cam giảm án, Lê Thanh Đạo phê chuẩn và Phạm Sĩ Chiến thi hành để ký giấy thả, nhiều cán bộ lãnh đạo đã có dính líu. Vợ của Nguyễn Văn An, chủ tịch quốc hội, bị tố cáo là có giao du thân mật với vợ của Năm Cam và đã tìm cách bảo vệ cho Phạm Sĩ Chiến. Trương Tấn Sang làm bí thư thành ủy lúc Năm Cam được thả sớm cũng bị khiển trách. Lê Minh Hương bộ trưởng công an năm sau mất chức vì không kiểm soát được Bùi Quốc Huy. Viên đại sứ Việt Nam ở Uzbakistan, từng là một phụ tá cho Võ Văn Kiệt, bị triệu hồi để điều tra về những liên hệ với Năm Cam. Do việc này, Võ Văn Kiệt bị phe bảo thủ tố cáo là có liên quan. Võ Văn Kiệt phản ứng lại, nói là trong việc thả Năm Cam, ngoài ông ta, cả Đỗ Mười và Lê Đức Anh cũng biết. Sợ mọi chuyện vỡ lở đến cấp lãnh đạo đảng, Nguyễn Khoa Điềm, nhân danh trưởng ban tư tưởng văn hóa đảng đã khuyến cáo báo chí không nên phanh phui quá nhiều khiến có thể gây chia rẽ nội bộ và làm mất uy tín của đảng.
Ra tòa, Năm Cam bị xử bắn, còn Bùi Quốc Huy bị kêu án 4 năm tù, Trần Mai Hạnh bị 9 năm, Phạm Sĩ Chiến (14) bị 6 năm nhưng tất cả những người tòng phạm này “vì có công theo cách mạng”, trở nên đảng viên cao cấp nên đã được thả ra sau khi chỉ ngồi tù một thời gian ngắn. Riêng thẩm phán Nguyễn Đức Bình bị ngưng chức vào tháng 8-2002 vì đã 4 lần “quên” không ra bản án, trong đó có bản án cho một cộng sự thân tín của Năm Cam, khiến việc thi hành hình phạt khó khăn.
Do ảnh hưởng vụ án Năm Cam, uy tín ngành công an bị giảm sút, đồng thời uy tín tổng cục 2 tăng lên (15). Sự lộng hành của tổng cục 2 nghiêm trọng đến nỗi ngày 3-1-2004, Võ Nguyên Giáp gửi thư cho trung ương đảng tố cáo tội trạng của tổng cục này, theo đó tổng cục đã dựng ra một nhân vật gián điệp giả tưởng bí danh T4 để vu cáo nhiều nhân vật chính trị, trong đó có Võ Nguyên Giáp, nằm vùng cho CIA.
Bộ Chính Trị đã không trả lời thư của tướng Giáp.
Mấy tháng sau, ngày 17-6-2004, đến lượt thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, phó chủ nhiệm tổng cục chính trị cũng gửi một lá thư tương tự (Nguyễn Nam Khánh trước 1975 là chính ủy sư đoàn 3 Sao Vàng hoạt động trong vùng Tuy Hòa, Qui Nhơn, thăng chính ủy quân khu 5 rồi phó chủ nhiệm tổng cục chính trị).
Sau đó nhiều cựu đảng viên cao cấp như các tướng Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài, Nguyễn Quyết, Lê Tự Đồng…cũng gửi thư tố cáo tội lỗi của tổng cục 2 đồng thời nhắc lại việc Lê Đức Anh khai gian lý lịch. Lần này, bộ Chính Trị không thể thoái thác và đã đề cử ủy viên thường trực bộ Chính Trị Phan Diễn giải quyết.
Phan Diễn một mặt gặp riêng Võ Nguyên Giáp để phân trần và đề nghị đừng làm lớn chuyện, sẽ làm đảng mất uy tín. Mặt khác, Phan Diễn công khai giải thích là những sự việc nêu trên xảy ra đã lâu nên sẽ chỉ đươc giải quyết trong phạm vi bộ Chính Trị chứ không đưa ra hội nghị trung ương đảng để bàn cãi. Phan Diễn cũng nói thêm là bộ Chính Trị đã xử lý những bị can Nguyễn Thái Nguyên, Đỗ Ngọc Chấp và Nguyễn Quang Vinh.
Đỗ Ngọc Chấp (đại tá cục phó cục 11, tổng cục 2) và Nguyễn Thái Nguyên (cựu phụ tá của Phan Văn Khải), bị ra tòa vì giả mạo chứng thư vu oan cho Võ Thị Thắng. Nguyễn Quang Vinh, cũng là một đại tá của tổng cục 2, phụ trách công ty mua bán võ khí Toseka của tổng cục đã mua toàn tàu chiến gần như phế thải của Nga Xô.
Ngoài ra, Đặng Diệu Hà, giám đốc công ty xuất nhập khẩu văn hóa phẩm TP.HCM do tổng cục 2 kinh doanh cũng bị tù. Trong một bức thư tố cáo Lê Đức Anh, cựu trưởng ban tổ chức đảng Nguyễn Đức Tâm viết là Đặng Diệu Hà được tổng cục 2 gài làm nhân tình của Lê Khả Phiêu để theo dõi và lấy tin tức.
Trước sự chỉ trích của những cựu tướng lãnh cao cấp cựu trào thuộc phe Võ Nguyên Giáp về sự lộng quyền của tổng cục 2, ngày 24-8-2004, trong một buổi họp quân ủy trung ương, Phạm Văn Trà thuộc phe Lê Đức Anh phản ứng lại bằng cách phổ biến một bản báo cáo nhan đề Âm mưu, ý đồ của Mỹ và các thế lực thù địch chống phá Việt Nam – Đông Dương từ nay đến Đại hội X, trong đó Phạm Văn Trà nhấn mạnh “hiện nay trong đảng có tình hình chống phá quân đội và tập trung mũi nhọn, trước hết là trực tiếp chống phá tổng cục 2 ngày càng quyết liệt hơn, bôi nhọ tổng cục 2, gây mâu thuẫn trong tổng cục 2… Tổng cục 2 là người bảo vệ quân đội trung thành nhất, đánh tổng cục 2 là đánh quân đội, đánh vào chế độ. Kinh nghiệm như ở Nga, chỉ một nhóm người nhưng họ đã làm tan rã chế độ Xô Viết vì bước 1, họ đánh trước vào KGB để dọn đường rồi sau đó đánh sập chế độ Xô Viết”.
Bản báo cáo tố cáo Hoa Kỳ mưu đồ xây dựng một “khu vực Đại Trung Á” chạy từ Bắc Phi đến Afghanistan, thành lập một “NATO Á Châu” và muốn biến Lào, Campuchia thành bàn đạp để chuyển hóa Việt Nam. Bản báo cáo cũng nói về ý đồ Trung Quốc là “đi ngầm, đi sâu, tập trung vào thiết lập ảnh hưởng kinh tế để đặt vững chân vào Đông Dương, đẩy Việt Nam vào thế cô lập buộc phải hợp tác với Trung Quốc”. Năm 2005, Lê Đức Anh còn cho xuất bản cuốn “Đại Tướng Lê Đức Anh” do một đàn em của Lê Đức Anh là Khuất Biên Hòa viết. Cuốn sách được Đỗ Mười đề tựa, hết sức đề cao Lê Đức Anh.
Được Lê Đức Anh và Phạm Văn Trà hỗ trợ và vì Nông Đức Mạnh không dám đụng chạm đến thế lực quân đội, Nguyễn Chí Vịnh vẫn ở nguyên vị trí tổng cục trưởng và tổng cục 2 chỉ giải quyết qua loa những chỉ trích bằng cách giải tán Cục 15 (tình báo công nghệ, bị tố cáo nhũng lạm), nhập vào Cục 16 (tình báo chiến lược). Cục trưởng 15 là Phạm Ngọc Hùng (biệt danh Hùng Tút) được đôn lên làm tổng cục phó. Mấy tháng sau, cuối 2004, Nguyễn Chí Vịnh còn được đề bạt thăng chức trung tướng (tuy mới lên thiếu tướng hơn 2 năm trước) và theo tướng Nguyễn Hòa, được Nông Đức Mạnh đề cử làm ủy viên trung ương đảng, từ đó có thể lên thứ trưởng quốc phòng, nhưng đề nghị này bị hội nghị trung ương đảng bác bỏ.
Sau vụ Năm Cam một thời gian ngắn, một vụ tham nhũng khác lại nổ lớn. Đó là vụ án bà Lã Thị Kim Oanh, giám đốc công ty Tiếp Thị Nông Nghiệp thuộc bộ nông nghiệp, bị tố cáo đã tham ô gần 4.7 triệu mỹ kim và làm thất thoát hơn 2 triệu. Bà bị kết án tử hình nhưng sau đó được khoan hồng thành án tù chung thân.
Hai thứ trưởng bộ nông nghiệp là Nguyễn Thiện Luân và Nguyễn Quang Hà đều bị kết án 3 năm tù. Bộ trưởng Lê Huy Ngọ bị bãi chức, được cử sang làm chủ tịch ủy ban phòng chống bão lụt.
Ngoài vụ Năm Cam và Lã Thị Kim Oanh, Nguyễn Tuấn Minh, chủ tịch ủy ban nhân dân Vũng Tàu cũng bị khiển trách vì liên lụy trong vụ buôn bán xe hơi lậu với Phạm Văn Phương (phó tổng giám đốc công ty liên doanh Vicarrent), một người mà theo bản án đã “dựa vào quan hệ với nhiều cán bộ ở trung ương và địa phương để từ đó khống chế, gây sức ép và lừa đảo”, đối với cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có vụ âm mưu cưỡng đoạt công ty UDEC của Nguyễn Minh Hoàng. Phạm Văn Phương bị kết án 27 năm tù. Ngô Chí Đan, trưởng phòng an ninh tỉnh, em rể Phạm Văn Phương, bị xử lý hành chánh (khai trừ khỏi đảng và ngành công an). Tuy không bị tù tội, nhưng vì Ngô Chí Đan làm ăn với vợ của Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng công an, nên được Nguyễn Khánh Toàn giúp đỡ, gửi thư cho tỉnh ủy Vũng Tàu nói xử lý như vậy là quá mức và đòi cho Ngô Chí Đan được về hưu với cấp đại úy.
Cùng lúc bị khiển trách với Nguyễn Tuấn Minh là Ksor Phước vì không dẹp được những bất mãn của dân chúng vùng Gia Rai, thứ trưởng thể thao Lương Quốc Dũng bị ra tòa vì hiếp dâm bé gái vị thành niên. Rồi đến lượt thứ trưởng thương mại Mai Văn Dậu cùng con là Mai Thanh Hải cũng bị bắt ngày 18-11-2004 vì gian lận khi phân chia số lượng hàng vải xuất cảng.
Cuối năm 2004, giám đốc công ty vận tải đường biển mất chức vì ký khế ước về dầu hỏa trái phép.
Tuy nhiên, vụ án tham nhũng nổi tiếng nhất có lẽ là vụ án Bùi Tiến Dũng. Bùi Tiến Dũng là tổng giám đốc của Đơn Vị Quản Trị Kế Hoạch 18, gọi tắt là PMU 18, thuộc bộ giao thông công chánh. Đây là một trong những cơ quan nhà nước có nhiều tiền nhất, có nhiệm vụ thực hiện khoảng 20 dự án xây dựng cầu cống, đường xá trị giá trong nước với ngân sách chi tiêu khoảng 2 tỷ mỹ kim. Trong số tiền này, ngoài tiền của ngân sách nhà nước còn có tiền viện trợ của Nhật Bản, của những nước Tây Âu và của Ngân Hàng Thế Giới.
Nhờ có thế lực (là con trai của Bùi Thiện Ngộ, từng là bộ trưởng công an) và khéo đút lót, Bùi Tiến Dũng được làm tổng giám đốc cơ quan này từ năm 1998. Với sự tiếp tay của Nguyễn Việt Tiến, đệ nhất thứ trưởng giao thông công chánh, PMU 18 giành được những dự án nhiều tiền, béo bở, sau đó Bùi Tiến Dũng giao cho những công ty tay trong của bạn bè hay họ hàng của mình được thầu để thực hiện, dù cho những công ty này không có đủ khả năng, vốn liếng hay kinh nghiệm. Bùi Tiến Dũng có khoảng hơn một chục công ty tay trong này, trong đó có công ty Hoa Việt (do một người bạn của Bùi Tiến Dũng là Nguyễn Mậu Thôn làm giám đốc), công ty Thái Bình Dương Shareholding Comp (do Tôn Anh Dũng, tự Dũng Huế, một người bạn khác của Bùi Tiến Dũng), công ty Bắc Nam Construction Shareholding (do Vũ Việt Dũng cùng với anh ruột Bùi Tiến Dũng là Bùi Quốc Tiến làm chủ)...
Trong bộ giao thông công chánh, Bùi Tiến Dũng còn được sự tiếp tay của một Dũng khác, Phạm Tiến Dũng (tự Dũng Con, phân biệt với Bùi Tiến Dũng là Dũng Tổng) đang làm trưởng phòng tài chính và kế hoạch là con rể của Nguyễn Việt Tiến, và Phạm Hoàng Hải, con rể Nông Đức Mạnh cũng là một trưởng phòng. Phạm Tiến Dũng được coi như trung gian nhận hối lộ cho ba người là Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Bắc (phó tổng giám đốc công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Viêt Nam). Nguyễn Việt Bắc là con rể của bộ trưởng Đào Đình Bình. Tài sản của Nguyễn Việt Bắc và Nguyễn Việt Tiến mỗi người có hàng trăm triệu mỹ kim. Hai người này cũng cờ bạc nhưng không nhiều như Bùi Tiến Dũng.
Ngoài những thất thoát do gian lận của những công ty tay trong, ngân khoản PMU 18 khi kiểm soát lại thấy bị mất đi khoảng 7 triệu mỹ kim. Cuộc điều tra cho thấy PMU 18 đã mua 150 xe hơi và Bùi Tiến Dũng đã cho người quen hay những người có thế lực mượn 34 xe để dùng trong những việc tư.
Một người mượn xe (mang bảng số “tứ qúi” 9999) là Nguyễn Khánh Trọng, nổi danh công tử ở Hà Nội và là con của Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng bộ công an. Cựu bộ trưởng Bùi Danh Lưu, đang làm phó ban kinh tế của đảng cũng được giao cho một xe.
Vụ án bắt đầu ngày 13-12-2005, khi công an bắt được 2 cầu thủ cờ bạc trong một mạng lưới cá độ đá banh mà người đứng đầu là Bùi Quang Hưng (trước đó 4 tháng, trung vệ Quốc Vượng của đội tuyển Việt Nam khi tranh giải túc cầu Đông Nam Á đã nhận 6300 mỹ kim để “bán độ” tìm cách đá sao cho thua đội tuyển Thái Lan). Khi Bùi Quang Hưng bị bắt, công an xét máy điện toán của Hưng thấy có một danh sách khoảng 200 người cờ bạc, trong đó có một người trong vòng 2 tháng đã đánh cá khoảng 2.6 triệu mỹ kim vào những trận túc cầu bên Âu Châu.
Điều tra thì ra người này là Bùi Tiến Dũng.
Từ đó mới phăng lần ra những tham nhũng và thâm lạm công qũi của Dũng và Nguyễn Việt Tiến, Nguyễn Việt Bắc. Hệ thống cá độ bóng tròn của Bùi Quang Hưng nằm trong một mạng lưới cờ bạc quốc tế rộng lớn, do một người tên Dũng khác đứng đầu. Người này tên Ngô Tiến Dũng tự Dũng Kiều, là một Việt kiều Canada, điều khiển một mạng lưới cá độ bóng tròn trải rộng nhiều nước như Canada, Hồng Kông, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Nga và Đài Loan. Dũng Kiều bị bắt khi đem tiền về Việt Nam làm ăn.
Khi sự việc bắt đầu đổ bể, Bùi Tiến Dũng và đồng bọn tìm cách chạy tội. Người đứng đầu “đường dây chạy tội” là Tôn Anh Dũng (Dũng Huế), lúc đó đang ở Thái Lan. Khi về đến Việt Nam và bị bắt, công an tra xét và thấy ngày hôm trước, ở Thái Lan, Tôn Anh Dũng đã dùng điện thoại cầm tay gọi cho một người 89 lần.
Điều tra thì người được gọi này là thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, cục trưởng cục điều tra C15 của bộ công an, đang được Nông Đức Mạnh đề nghị vào trung ương đảng để lên thứ trưởng. Cao Ngọc Oánh bị ngưng chức sau đó. Việc điều tra được giao cho Phạm Xuân Quắc, một thiếu tướng công an khác đang là cục trưởng cục C14.
Vì quĩ PMU18 có đóng góp của tiền viện trợ, hai chính phủ Nhật và Anh đã cử phái đoàn qua quan sát và tìm hiểu. Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Bắc và đồng bọn đều bị ngưng chức và bị bắt. Riêng Đào Đình Bình, bộ trưởng công chánh, mới đầu phủ nhận mọi trách nhiệm và khi bị chất vấn trước quốc hội, ông ta trả lời “Tôi thuộc diện trung ương quản lý”, có nghĩa ông chỉ trả lời với trung ương đảng. Ông ta chỉ từ chức sau khi bị áp lực của đảng vào mấy tháng sau. Còn Cao Ngọc Oánh, một năm sau được kết luận là “không có liên quan” trong vụ này. Theo báo cáo của Viện Kiểm Sát, “tướng Oánh không chạy án là kết luận của một quá trình điều tra, nghiên cứu, có cơ sở, bằng chứng và nhân chứng...”, nhưng bản báo cáo không đề cập đến việc Dũng Huế gọi điện thoại đến 89 lần và tại sao lại ngồi ăn với nghi can.
Nhân vụ PMU18, ông Lê Đăng Doanh, một chuyên viên kinh tế ở Hà Nội nhận xét “PMU18 xảy ra không chỉ là một trường hợp sai phạm cá biệt của con người mà là một hiện tượng phản ánh những khuyết tật của hệ thống”.
Trong khi vụ PMU18 đang làm xôn xao dư luận thì lại có một chuyện khác xảy ra. Ngày 11-4-2006, công an phi trường Nội Bài tìm thấy một cặp da của một hành khách bỏ quên. Khi cặp da được mở ra, trong cặp có hơn chục bao thư chứa khoảng trên 10 ngàn mỹ kim và 20 triệu đồng Việt Nam. Bao thư ghi rõ là từ những ủy ban nhân dân tỉnh và một số công ty quốc doanh ở miền Nam.
Cuộc điều tra tìm ra chủ nhân chiếc cặp là Nguyễn Văn Lâm, phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ (tương đương cấp thứ trưởng).
Nguyễn Văn Lâm là người có họ hàng với Nguyễn Việt Tiến và báo chí sau đó cũng đăng tải tin của cuộc điều tra là trong thời gian đầu, Cao Ngọc Oánh có ăn trưa với Dũng Huế, người đứng đầu “đường dây chạy tội” của Bùi Tiến Dũng tại một khách sạn sang trọng tại Hà Nội. Trong bữa ăn có cả Nguyễn Văn Lâm, Đoàn Mạnh Giao (chủ nhiệm văn phòng chính phủ, tương đương bộ trưởng) và Nguyễn Hiếu Vinh, vụ phó vụ chống tham nhũng của đảng. Như thế, cuộc điều tra cho thấy “đường dây chạy tội” của nhóm Bùi Tiến Dũng bao gồm bốn mục tiêu: phía chính phủ (Nguyễn Văn Lâm và có thể Đoàn Mạnh Giao), đảng (Nguyễn Hiếu Vinh, có thể có Phạm Hoàng Hải, con rể Nông Đức Mạnh), tòa án (Nguyễn Duy Hồng – vụ trưởng vụ thực hành quyền tố tụng hay công tố viên) và công an (Cao Ngọc Oánh cùng 2 trung tá công an Bùi Huy Kim và Nguyễn Đình Toản). Nguyễn Duy Hồng bị tố cáo là có ngồi ăn với Nguyễn Mậu Thôn và Nguyễn Văn Lâm trong thời gian điều tra. Vì ông Lâm có chức vụ cao trong đảng (thuộc diện trung ương quản lý) nên sự việc được giao cho đảng ủy giải quyết.
Khi trả lời báo chí về vụ này, phó bí thư đảng ủy của văn phòng chính phủ là Nguyễn Văn Trường đã bao che cho ông Lâm là không có văn bản nào cấm cán bộ nhận phong bì và khi được hỏi ông Lâm coi về nội chính tại sao lại có phong bì tiền của công ty thủy điện thuộc về kinh tế, ông Trường nói là “lãnh đạo văn phòng lãnh việc cho nhau để tiết kiệm là chuyện thường”.
Do dư luận rầm rộ và vì có dính líu đến những cán bộ cao cấp nhất của đảng về vụ PMU18 và vụ ông Nguyễn Văn Lâm, Trần Đình Hoan, trưởng ban tổ chức đảng, cho gọi Phạm Xuân Quắc đến nói chuyện về tầm mức của vụ điều tra. Có lẽ nhờ vậy nên những cuộc điều tra chỉ giới hạn tới những cán bộ cao cấp nhất là mức thứ trưởng như Nguyễn Việt Tiến và Nguyễn Văn Lâm. Những giới chức cao cấp hơn như Đoàn Mạnh Giao hay Đào Đình Bình hoặc con rể của Nông Đức Mạnh là Phạm Hoàng Hải đều được che chở và không bị nhắc tới trong cuộc điều tra.
Cuối cùng, vào tháng 10-005, đến lượt một người phụ trách chống tham nhũng là Lương Cao Khải bị bắt về tội ăn hối lộ và hối mại quyền thế. Theo báo Tuổi Trẻ, khi Lương Cao Khải điều tra về những gian lận trong xí nghiệp dầu hỏa và hơi đốt, ông đã nhận tiền và đất đai của một số viên chức để che chở cho họ, đồng thời cũng áp lực với họ để đưa thân nhân của ông ta vào công ty này làm việc. Những viên chức trong công ty đã giả mạo hợp đồng gian lận khoảng 17 triệu mỹ kim khi phụ trách làm đường ống dẫn hơi đốt từ giếng dầu Bạch Hổ về Thủ Đức. Báo chí loan tin là ông Lương Cao Khải đã có đưa tiền cho Quách Lê Thanh, tổng thanh tra nhà nước. Mấy tháng sau, Quách Lê Thanh cũng mất chức. (16)
Những vụ tham nhũng liên quan đến các giới chức cao cấp trở nên một vấn đề quan trọng khi đảng CSVN sửa soạn tổ chức đại hội đảng lần thứ X. Lê Khả Phiêu nói là khi ông ta và Võ Văn Kiệt còn nắm quyền, đã có những người đưa hối lộ. Đồng thời, hai ông cũng biết rõ những vụ hối lộ khác nhưng “không dám nói”.
Tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp này cũng phê bình là đảng đã thành cái mộc che chở cho những cán bộ tham ô. Sau đó, tháng 11-2005, ông lại gửi thư tố cáo tổng cục 2 cùng lúc với thư tố cáo Lê Đức Anh của nhiều cựu tướng lãnh. Bộ Chính Trị tuy có xét lại chuyện khai man lý lịch của Lê Đức Anh hay lạm dụng quyền thế của tổng cục 2, nhưng trong những hội nghị trung ương đảng thứ 12 và 13 (tháng 12-2005), vấn đề hoàn toàn bị “khoanh tròn” (dẹp bỏ), vì theo Phan Diễn “cần bảo vệ sự đoàn kết thống nhất của đảng. Chuyện quá cũ, không còn ý nghĩa quan trọng nữa, không được để cho kẻ thù và bọn xấu lợi dụng…”
Mấy tháng sau, tháng 2-2006, cựu trung tướng Nguyễn Hòa lại gửi thư cho trung ương đảng. Lần này, ông chỉ trích đích danh Nông Đức Mạnh bao che cho Nguyễn Chí Vịnh, Bùi Tiến Dũng, Đào Đình Bình, Nguyễn Việt Tiến (đề cử những người này vào trung ương đảng ở hội nghị 13), nâng đỡ con trai là Nông Đức Tuấn được làm chủ tịch Liên Hội Thanh Niên Sinh Viên và đề cử thân thuộc là Nông Thị Ngọc Minh, Nông Đức Tuấn vào trung ương đảng. Nguyễn Hòa cũng tố cáo Nông Đức Mạnh đã ếm nhẹm những vụ Sáu Sứ, T.4 hay lý lịch của Lê Đức Anh.
Cũng như những tố cáo trước, hội nghị trung ương đảng thứ 14 và 15 đầu năm 2006, không thảo luận về tổng cục 2 và vụ T4, tuy rằng một ban xử lý được thành lập gồm có Lê Hồng Anh, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Hưởng (công an), Trương Vĩnh Trọng (ban nội chính đảng), Hà Minh Trí (kiểm soát)...
Phan Diễn sau đó nói đó là những “vấn đề lịch sử”, xảy ra đã quá lâu. Còn lý lịch Lê Đức Anh thì được Đỗ Mười che chở. Do có quá nhiều bằng chứng, Lê Đức Anh phải nhận là có khai sai lý lịch, nhưng Đỗ Mười đề nghị bỏ qua vì Lê Đức Anh đã có “công lao quá lớn”. Hội nghị trung ương đảng thứ 13 cũng quyết định sẽ thi hành nghiêm túc giới hạn về tuổi đặt ra từ đại hội VIII để trẻ trung hóa guồng máy lãnh đạo. Do đó, những ủy viên lớn tuổi Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, Phạm Văn Trà, Trần Đình Hoan, Trần Quang Được chắc chắn sẽ mất chức. Nông Đức Mạnh được đặc biệt giữ lại. Nguyễn Khoa Điềm cũng hy vọng được giữ lại nhưng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng ủy thông tin văn hóa, Nguyễn Khoa Điềm chỉ được 12 trên 60 phiếu bầu.(17) Trần Đình Hoan quá 65 tuổi, cũng hy vọng được giữ lại, nhưng trong buổi họp thứ 13 trung ương đảng, chỉ được có 20% số phiếu.
Kể từ cuối năm 2005, đảng CSVN lại rộn rịp sửa soạn tổ chức đại hội đảng lần thứ X, dự trù tổ chức vào tháng 4-2006. Hai việc quan trọng nhất cho mỗi đại hội đảng là việc thay đổi nhân sự trong bộ Chính Trị cũng như trong trung ương đảng, và việc hoạch định đường lối cai trị của đảng trong vòng 5 năm tới. Việc thay đổi nhân sự được bắt đầu bàn thảo từ hội nghị trung ương đảng lần thứ 9, còn bản báo cáo chính trị để hướng dẫn chính sách được giao cho Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị trung ương đảng thứ 13 cuối năm 2005. Nguyễn Phú Trọng đã huy động một ủy ban hùng hậu khoảng 70 người có bằng tiến sĩ (?) về chính trị hay lý luận để thực hiện bản báo cáo này. Ngân sách dành cho việc soạn thảo báo cáo này lên tới gần 2 triệu mỹ kim. Sau khi hoàn tất, bản dự thảo được công bố để cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp ý kiến, sau đó sẽ hoàn chỉnh lại để đưa ra cho hội nghị trung ương đảng thứ 15 chấp thuận rồi một tuần sau mới chính thức công bố trong ngày đại hội đảng.
Trước dư luận, hội nghị trung ương đảng thứ 13 đòi hỏi xử lý nghiêm khắc Đào Đình Bình, Nguyễn Việt Tiến, Cao Ngọc Oánh cùng Nguyễn Duy Hồng (vụ trưởng vụ A1 của viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, nằm trong “đường dây chạy tội”). Đào Đình Bình phải xin rút lui khỏi danh sách đề cử vào trung ương đảng, còn Nguyễn Việt Tiến, Cao Ngọc Oánh bị loại. Nông Đức Mạnh là người đã đề cử Nguyễn Việt Tiến.
Trong dịp chuẩn bị đại hội đảng lần này, có lẽ để tránh áp lực của Trung Quốc, đảng CSVN không mời khách nước ngoài tham dự, kể cả đại diện của những đảng cộng sản khác. Tuy vậy, trong thời gian sửa soạn vào dịp những hội nghị trung ương đảng 13 và 14, Trung Quốc đã lần lượt gửi tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, chính hiệp chủ tịch Giả Khánh Lâm và bộ trưởng quốc phòng Tào Cương Xuyên sang để thăm dò và nhắc khéo đảng, chính phủ và quân đội Việt Nam về sự quan tâm của Trung Quốc. Trung Quốc cũng chờ dịp này mới thông báo sẽ cho Việt Nam vay 1 tỷ mỹ kim.
Trong hội nghị lần thứ 14, bí thư tỉnh Lạng Sơn là Hoàng Công Hoàn bị khiển trách vì khuyết điểm về lãnh đạo nhưng một tháng sau, lại được Trần Đình Hoan điều về làm phó trưởng ban quản trị tài chánh trung ương đảng.
Đầu năm 2006, bản dự thảo báo cáo chính trị được công bố để “dân nói, đảng nghe” trong vòng một tháng. Theo báo cáo của đảng, đã có hàng ngàn ý kiến đóng góp gửi về trung ương đảng và được công bố trên những cơ quan nhà nước. Dĩ nhiên chỉ có những ý kiến đi đúng đường lối của đảng là được hoan nghênh và được phổ biến trên các cơ quan truyền thông. Theo báo Nhân Dân ngày 31-3-2006 “đảng trân trọng cám ơn, tiếp thu tối đa những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và xác đáng…Đồng thời, cũng kiên quyết phê phán và dứt bỏ những ý kiến sai trái, chống đối…”. Tờ báo chỉ đăng hai ý kiến đóng góp, một của Đỗ Mười, một của Nguyễn Đức Bình. Mấy báo ngoại vi khác đăng bài của Võ Nguyên Giáp và Lê Khả Phiêu. Bài viết của hai người này không có ý kiến cải cách nào, chủ yếu chỉ công kích tệ nạn tham nhũng trong đảng, có lẽ để gián tiếp chê trách khả năng lãnh đạo của Nông Đức Mạnh.
Thư của Mai Chí Thọ cũng than về tham nhũng nhưng đặc biệt tố cáo“Vợ Trần Đức Lương xây nhà lớn. Con Phan Văn Khải làm ăn đủ kiểu...”. Đoạn kết, Mai Chí Thọ ca tụng đảng “...đã lãnh đạo cả dân tộc đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược Nhật, Pháp, Mỹ, Tàu Tưởng…” nhưng không nói đến Tàu Cộng.
Chu Huy Mân, cựu trung tướng, ủy viên bộ Chính Trị khóa V, bị đại hội đảng lần thứ VI năm 1986 loại ra vì tham nhũng cũng viết bài chỉ trích tham nhũng.
Một số khác có những ý kiến táo bạo hơn như Nguyễn Huệ Chi, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Trung, Nguyễn Trọng Vĩnh… Nhưng đóng góp của những người này chỉ là những cải cách nửa vời nhằm cải thiện lại cơ cấu đảng chứ không thực hiện cải cách dân chủ cho toàn dân, chẳng hạn Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ ở Trung Quốc chê việc làm của ban chấp hành trung ương đảng từ xưa tới nay “thiếu dân chủ”, nhưng phương cách “dân chủ hóa” của Nguyễn Trọng Vĩnh chỉ là “danh sách những người ứng cử trung ương đảng (dù do trung ương chọn lựa hay được cá nhân đề cử) nên xếp chung nhau theo thứ tự A,B,C chứ không để riêng ra”, hoặc “nếu cần 100 người, thì nên đưa ra danh sách 150 hay 200 để chọn chứ không nên 105 hay 110”. Dương Trung Quốc, một đại biểu quốc hội là một sử gia nên lưu tâm nhiều hơn đến tình trạng an ninh của đất nước. Ông nhận xét “văn kiện đề cập nhiều đến nguy cơ “diễn biến hòa bình” song không lưu tâm đến, hình như không có câu chữ nào, đề cập tới nhiệm vụ bảo toàn chủ quyền và lãnh thổ của đất nước…thực tế đang diễn ra cho thấy đang có nguy cơ bị “gậm nhấm” bằng rất nhiều thủ đoạn thâm độc, kiên trì và lâu dài. Không thể không nên làm nhiệm vụ củng cố toàn diện sức mạnh phát triển và phòng thủ biên cương và hải đảo…”. Ông Trần Đình Bút, cựu giáo sư trường đảng Nguyễn Ái Quốc, khẳng định là “không thể duy trì việc bộ máy quản lý nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng cộng sản và đề nghị cần phải xét lại điều 4 Hiến Pháp minh định vai trò lãnh đạo nhà nước của đảng CSVN”, còn ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ ở Thái Lan và Úc thì cho là những lãng phí trong khu vực quốc doanh, văn hóa suy đồi, tệ nạn tham nhũng đều có ít nhiều nguyên nhân sâu xa nằm trong tình trạng “đảng hóa” nhà nước. Để tỏ ra nhà nước đã cởi mở hơn, ý kiến của ông Nguyễn Trung được cho đăng trên báo Tuổi Trẻ. Dù bài của ông Trung đã bị cắt xén nhiều đoạn so với nguyên bản nhưng báo Tuổi Trẻ hôm đó bán hết sạch.
Thư của cựu đại tá Phạm Văn Hùng, nói kỳ đại hội đảng lần trước cũng có cả triệu thư góp ý, nhưng kết quả là báo cáo chính thức so với dự thảo vẫn y nguyên, không sai một chữ. Cuối cùng, ông Võ Văn Kiệt đưa ra nhận xét: “Việt Nam không phải không có nhân tài. Nhưng ở Việt Nam mấy thế kỷ qua, nhân tài chỉ được dùng như những người “điếu đóm” cho lãnh đạo”.
Bị gán là ý kiến của những “phần tử xấu” nhằm bôi bác chế độ, đảng và nhà nước là ý kiến của những người xưa nay vẫn tranh đấu cho dân chủ như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Phan Đình Diệu … Ngoài ra, còn có những ý kiến mạnh dạn của ông Đỗ Nam Hải là chính quyền nên dũng cảm dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê Nin vì nó lỗi thời và xa lạ với truyền thống dân tộc. Ông Lê Hồng Hà đề nghị đảng Cộng Sản nên bỏ từ ngữ định hướng xã hội chủ nghĩa. Riêng ông Đặng Văn Việt (18) nổi danh trong mặt trận Lạng Sơn trước 1954, đặt câu hỏi tại sao bản dự thảo chỉ dám viết về “20 năm đổi mới” mà không dám viết về “30 năm xây dựng kinh tế trong hòa bình”, để thấy là 10 năm đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, chống bóc lột, hoàn thiện kinh tế quốc doanh, nắm vững chuyên chính vô sản, đã đưa kinh tế quốc gia đến một suy sụp toàn diện. Ông Đặng Văn Việt cũng chia ra hai xu hướng chính trị hiện nay của Việt Nam:“xu hướng bảo thủ là những người có chức, có quyền, có thể bỏ tù người khác còn xu hướng tiến bộ là những người chỉ có cái miệng và ngòi bút”. Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng viết nhiều bài công kích đảng “độc quyền chân lý là thủ tiêu chân lý”. Những ý kiến đòi dân chủ kể trên chỉ được biết đến nhờ các tác giả khi gửi cho trung ương đảng còn gửi cho những người quen hay gửi cho những cơ quan truyền thông hải ngoại.
Ngoài những ý kiến đóng góp về vấn đề thực hiện dân chủ, cũng có những ý kiến về việc đảng viên có thể đứng ra kinh doanh tư nhân được không. Nguyễn Đức Bình, cựu chủ nhiệm trường đảng từng là ủy viên bộ Chính Trị phản đối việc này. Ông ta cho rằng kinh doanh thì phải mướn nhân công, trong khi đảng cộng sản là đảng của giai cấp công nhân, nay đảng viên trở nên chủ nhân, đứng vào giai cấp bóc lột thì cái tên cộng sản không còn ý nghĩa nữa. Ông viết nếu chấp thuận chuyện này thì đảng Cộng Sản nên đổi tên. Trần Bạch Đằng, một người xu thời, ủng hộ việc này vì “đó là áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác để “hưởng thụ thực lãi” chứ không phải “bóc lột giá trị thặng dư”. Một đảng viên khác là Hồng Hà, cũng nói không nên lãng phí khả năng của đảng viên trong công cuộc xây dựng kinh tế. Hồng Hà là một đảng viên bảo thủ nhưng từng cùng Lê Đức Anh rất coi trọng khuôn mẫu Trung Quốc cho nên đã ủng hộ việc này, bởi Trung Quốc đã làm năm năm trước (vào tháng 3-2003, Giang Trạch Dân đã đưa ra lý thuyết “ba đại diện” trong đó đảng cộng sản ngoài giai cấp công nhân, còn nhận làm đại diện cho cả doanh nhân và trí thức), còn Nguyễn Đức Bình, sau khi đảng CSVN chấp thuận cho đảng viên kinh doanh kiếm lợi, ông ta vẫn ở trong đảng.
Đại hội đảng lần thứ X vào giữa tháng tư năm 2006 đã chấm dứt nhiệm kỳ năm năm của trung ương đảng và bộ Chính Trị khóa IX của đảng CSVN. Kể từ 2001, sau khi ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ cùng với sự hồi phục của những nước trong vùng, kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng tuy rằng mức sống của người dân Việt Nam vẫn còn thua xa những nước khác trong vùng.
Nhưng tình trạng độc đảng đã giúp cho những cán bộ cao cấp hành động coi thường luật pháp khiến đảng viên dễ dàng tham ô. Để duy trì tình trạng độc tôn, về đối nội, CSVN tiếp tục đàn áp những người khác chính kiến và về đối ngoại, vẫn dựa vào Trung Quốc để làm hậu thuẫn, và cũng như những năm trước, Trung Quốc tiếp tục lợi dụng sự yếu thế của Việt Nam để từ từ lấn át trên vùng biển Đông. Kết thúc nhiệm kỳ của trung ương đảng khóa IX, đảng CSVN đã thành công trong công cuộc kéo dài một chế độ lỗi thời thêm 5 năm.
CHÚ THÍCH CHƯƠNG VI
_________________________________________
(1)— Việc mất chức của Lê Khả Phiêu: The lessons of Le Kha Phieu: Changing Rules in Vietnamese Politics của Dr. Zachary Abuza. Abuza cũng viết là tháng 2-2000, trước khi bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Cohen tới Việt Nam, Lê Khả Phiêu thình lình bay qua Bắc Kinh để trấn an Trung Quốc. Thỏa ước biên giới vịnh Bắc bộ ký được là do nhượng bộ của Lê Khả Phiêu trong cuộc họp thượng đỉnh tháng 12-2000 tại Bắc Kinh, không tham khảo trước với bộ Chính Trị và bộ ngọai giao.
(2)— Nguyễn Văn An có hậu thuẫn mạnh trong đảng nhưng vợ của ông ta nổi tiếng về tham nhũng nên An đã không được lên tổng bí thư. Ngoài ra, Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã ủng hộ Nông Đức Mạnh vì thấy Nông Đức Mạnh yếu thế, dễ bị lung lạc hơn Nguyễn Văn An.
(3)— Theo Trần Đình Hy trong Nhân Sự Trước Đại Hội X ngày 1-14-06: Trần Đình Hoan năm 2001 được thay Nguyễn Văn An làm trưởng ban tổ chức, một chức vụ rất mạnh trong đảng là nhờ “sự can thiệp bố trí áp đặt qúa sâu của anh Mười, anh Lê Đức Anh rất dai dẳng quyết liệt”.
(4)— Nguyễn Thị Xuân Mỹ là ủy viên bộ Chính Trị phái nữ đầu tiên của đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách chống tham nhũng. Một biện pháp chống tham nhũng được nhiều người biết tiếng nhất của bà là trong một bài phỏng vấn của một tạp chí phụ nữ, bà kêu gọi những bà vợ hãy tố cáo chồng nếu biết chồng tham nhũng (Shadows and Wind, Templer)
(5)— Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam: sau Trương Đức Duy là Tề Kiến Quốc rồi Hồ Càn Văn, một cán bộ thuộc sở tình báo Hoa Nam.
(6) - Lê Giản, người đầu tiên chỉ huy bộ máy công an Cộng Sản Việt Nam, bị mất chức vì Trung Quốc không chấp thuận (lý do là sau khi bị bắt đầy đi Phi Châu, năm 1945 được đồng minh thả rồi đưa về nước, như vậy là đã có vấn đề và không còn được tin cậy). Bị loại cùng lý do là Hoàng Hữu Nam, thứ trưởng nội vụ. Sau này, những người bị “tiêm nhiễm văn hóa đế quốc” cũng không được dùng. Gián điệp Phạm Xuân Ẩn chỉ được lãnh lương nhưng không được giữ một chức vụ nào, phi công phản bội Nguyễn Thành Trung chỉ được dùng làm huấn luyện viên nhưng không được bay trong nhiều năm. Cả hai đều phải trải qua những lớp học chính trị.
(7) - Việc tự ý thay đổi, thêm thắt, sửa chữa bài vở, sách báo một cách trắng trợn và thô bạo của Cộng sản là một điều thường xảy ra. Ông Nguyễn Văn Lục, trong website Đàn Chim Việt, ghi lại “Nguyễn Hiến Lê trong hồi ký chê thơ Tố Hữu là kỳ cục khi ca tụng Staline: “ thơ không đáng gọi là thơ khi gọi Nguyễn Du là anh”. Vậy mà khi nhà xuất bản Văn Học Hà Nội in lại hồi ký đó đã biến đổi ra như sau (trang 524):“Tố Hữu là một nhà thơ Cách Mạng, đóng góp rất lớn cho Cách Mạng”
(8) - Theo tác giả Hoàng Tranh (Huang Zheng), thư của Hồ Chí Minh gửi Tăng Tuyết Minh bị mật thám Pháp chặn được ngày 14-8-28 và hiện tang trữ tại C.A.O.M (Aix en Provence). Về chuyện tình cảm và gia đình của Hồ Chí Minh, ngoài bà Tăng Tuyết Minh còn nhiều người nữa, trong đó đáng kể là Nguyễn Thị Minh Khai và Nông Thị Xuân. Về bà Nguyễn Thị Minh Khai, theo bà Sophia Q. Judge, người tra cứu văn khố của đảng Cộng Sản Nga Xô qua tác phẩm Ho Chi Minh, The Missing Years thì hơi khác với cuốn sách về cuộc đời Hồ Chí Minh của tác giả Duiker. Duiker nói là trong khi Hồ Chí Minh ở Hồng Kông, làm đơn gửi Noulens, đại diện của Quốc Tế Cộng Sản, xin phép được cưới Minh Khai và Quốc Tế Cộng Sản đang cứu xét thì Minh Khai bị bắt nên Hồ Chí Minh chưa kịp cưới. Thời gian sau, bà Minh Khai bỏ Hồ Chí Minh và lấy Lê Hồng Phong. Còn bà Judge thấy là Hồ Chí Minh đã cưới bà Minh Khai vì trong danh sách 6 người Việt Nam đi tham dự đại hội 6 của Quốc Tế Cộng Sản năm 1934, có tên Quốc (HCM) và vợ (Minh Khai), cùng Lê Hồng Phong và 3 người khác. Ở Moscow, bà Khai cũng khai là có chồng tên Lin (cũng là HCM). Theo Duiker, trong thời gian này, được gặp Lê Hồng Phong, bà Khai mới bỏ HCM và lấy Lê Hồng Phong.
(9) - Sau hiệp định Genève, bộ Chính Trị định giới thiệu bà Nguyễn Thị Phương Mai, thành ủy viên tỉnh Thanh Hóa cho HCM, nhưng bà Phương Mai không chịu, đòi phải cưới hỏi đàng hoàng. Trần Đăng Ninh, lúc đó là chủ nhiệm tổng cục hậu cần mới giới thiệu bà Nông Thị Xuân. Bà Xuân về cư ngụ tại căn gác số 66 Hàng Bông Nhuộm, bên dưới căn gác là gia đình ông Nguyễn Qúi Kiên, chánh văn phòng phủ thủ tướng.
Sau khi bà Xuân bị giết, người con là Nguyễn Tất Trung lần lượt được các ông Nguyễn Lương Bằng, Chu Văn Tấn và cuối cùng là ông Vũ Kỳ nuôi. Một người em họ người viết đã được gặp ông Nguyễn Tất Trung. Nguyễn Tất Trung mới đầu chỉ là một công nhân viên thường nhưng sau này được Nguyễn Chí Vịnh đưa vào làm ở tổng cục 2.
(10) - Tin tức của Vietnam Express ngày thứ hai 23-2-04
(11) - Tin tức của People’s daily online ngày 28-12-04
(12) - Tin về dân tị nạn Bắc Hàn trong web site của human rights watch
(13) - Theo Vnexpress.net, Hoàng Linh được Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt nằm vùng ở báo Điện Tín trước 1975, đưa vào làm báo Công An, đã nhiều lần dọa cả Phạm Huy Phước, Liên Khui Thìn và nhiều người khác để lấy tiền. Huỳnh Bá Thành cũng có nhiều kẻ thù trong những vụ nhũng lạm chức vụ, chia chác không đều nên sau khi Huỳnh Bá Thành chết, hình như vợ con đã tìm đường sang Mỹ, hiện đang sống ở California.
(14) -Trần Mai Hạnh, ủy viên trung ương đảng, đại biểu quốc hội, tổng thư ký hội nhà báo, năm 1996 gửi thư cho Phạm Sĩ Chiến: “Hội nhà báo Việt Nam có nhận được thư khiếu nại khẩn cấp ngày 2-11-96 của bà Phan Thị Trúc…đề nghị can thiệp cho chồng bà là Trương Văn Cam bị đưa đi tập trung cải tạo sai pháp luật…”. Báo “Nhà báo và Công luận” ngày 21-10-1996 cũng đăng một bài cho là Năm Cam không thuộc diện đi tập trung cải tạo.
(15) - Dù luôn bị chỉ trích và tố cáo, Nguyễn Chí Vịnh vẫn thăng cấp rất nhanh, sau khi lên thay bố vợ Vũ Chính làm tổng cục trưởng tổng cục 2, được thăng thiếu tướng năm 2002, trung tướng năm 2005. Vì tổng cục 2 bị gia đình Vũ Chính kiểm soát hết và lãnh đạo cha truyền con nối nên còn được gọi là “Vương triều Vũ Chính”.
(16) - Quách Lê Thanh trong thư trần tình gửi cho các báo, đặc biệt nhấn mạnh ông là người Mường, không biết gian tham hay nói láo.
(17) - Theo ông Trần Đình Hy (website Đàn Chim Việt): mới đầu, Điềm được 12 trên 60 phiếu. Khi ra trước tiểu ban Văn hóa Thông tin và Khoa giáo của đảng bộ, chỉ còn có 2 trên 103 phiếu. Ngoài ra Nguyễn Khoa Điềm còn bị bố vợ là ông Nguyễn Đức Đạo viết thư cho trung ương đảng tố cáo là đã khai gian về tuổi đảng. Điềm sinh tại Huế, ra Bắc năm 1954, được lén lút đưa trở về họat động nội thành cùng Tô Nhuận Vỹ (sau này làm tờ Sông Hương), và Trần Vàng Sao, tới 1964 bị bắt giam ở Huế, năm 1968 được giải thoát. Trong bưng, Điềm được đề bạt giữ chức tuyên huấn, nhưng bị các cán bộ đảng ủy miền Trung hồi đó bác vì Điềm lúc đó “chưa là đảng viên, trong tù là phần tử phản bội, đầu hàng, khai báo có hại cho cách mạng”. Vì thế ông Đạo đã rất ngạc nhiên về đảng tịch và sự thăng tiến nhanh chóng của Điềm.
(18) - Đặng Văn Việt là con của Đặng Văn Hướng, một cựu bộ trưởng. Trong Cải Cách Ruộng Đất, vợ chồng ông Hướng về quê và vị bắt để đưa ra đấu tố vì là giai cấp địa chủ. Người vợ tức quá treo cổ tự tử.
SAU ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ IX (2001-2006)
Trung tuần tháng 4-2001, đảng CSVN tổ chức đại hội đảng lần thứ IX để kiểm điểm lại thành tích trong năm năm qua, đồng thời xếp đặt lại nhân sự và đề ra những đường lối mới trong vòng năm năm tới.
Thành tích của những năm sau đại hội đảng lần thứ VIII năm 1996 đã không được lạc quan. Do sự tranh chấp giữa hai phe đổi mới và bảo thủ trong đảng nên không có một biện pháp quyết liệt nào được đưa ra khi phải đối phó với những đổi thay của tình hình kinh tế trên thế giới, nhất là đã không có kế hoạch nào để đối phó với cơn khủng hoảng tiền tệ trong vùng Đông Nam Á năm 1997.
Số vốn đầu tư của ngoại quốc vào Việt Nam trong những năm này đã sụt xuống thấp hơn năm 1992, cán cân mậu dịch bị thâm thủng tới 150 phần trăm, nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng vì dân số tăng nhanh chóng, mỗi năm có thêm gần 1 triệu người đến tuổi lao động.
Đại hội đảng lần IX vào tháng 4-2001 được chuẩn bị từ những hội nghị trung ương đảng lần thứ 9 của khóa VIII đầu năm 2000. Cho tới hội nghị trung ương lần thứ 11 vào tháng 2-2001 thì đã có nhiều dấu hiệu chứng tỏ là tổng bí thư Lê Khả Phiêu sẽ bị mất chức dù mới được làm việc có hơn nửa nhiệm kỳ.
Nghị quyết của hội nghị trung ương đảng lần thứ 11 khuyến cáo là những người trên 65 tuổi không nên ra ứng cử để trẻ trung hóa guồng máy lãnh đạo.
Điều này nhắm vào Lê Khả Phiêu (sinh năm 1931, sắp 70 tuổi) và Lê Khả Phiêu đã phải tích cực vận động để được thêm vào câu “trừ vài chức vụ then chốt”. Ngoài ra, để tạo áp lực với những phần tử bảo thủ, Lê Khả Phiêu đã dàn xếp để việc canh giữ an ninh cho đại hội đảng không được giao cho công an phụ trách như mọi lần mà được giao cho quân đội. Trong dịp hội nghị lần thứ 11 này, trung ương đảng cũng cho biết đã có hàng ngàn lá thư góp ý kiến vào bản dự thảo nghị quyết của đại hội đảng. Tuy đảng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những ý kiến đóng góp này nhưng sau đó, bản nghị quyết chính thức vẫn giống y như bản dự thảo.
Hiển nhiên là trong những năm sau đại hội đảng lần thứ VIII (1996), nhiều biến cố không thuận lợi đã xảy ra như sự sa sút của kinh tế Việt Nam, tệ nạn tham nhũng lan tràn, những bất ổn ở Thái Bình, Đồng Nai, Tây Nguyên khiến các ủy viên trung ương đảng không tín nhiệm Lê Khả Phiêu ở trách nhiệm lãnh đạo.
Nhưng cũng nhờ biến cố Tây Nguyên, Lê Khả Phiêu đã cố gắng thuyết phục những ủy viên bộ Chính Trị là không nên có thay đổi lãnh đạo trong khi trong nước đang có rối loạn để có thể ra tái cử. Nhiều ủy viên bộ Chính Trị dĩ nhiên cũng muốn ở lại thêm một nhiệm kỳ nên ít ra đã có 2 phần 3 ủy viên đồng ý. Dù vậy, đề nghị này đã bị hội nghị trung ương đảng lần thứ 12 họp mấy ngày trước ngày đại hội đảng bác bỏ, một điều hiếm hoi ít khi xảy ra.
Sự mất chức của Lê Khả Phiêu ngoài những nguyên nhân khách quan kể trên còn do những vụng về lầm lỗi của cá nhân Lê Khả Phiêu.
Trước hết, tuy không có hậu thuẫn chính trị vững mạnh, kể cả trong quân đội, Lê Khả Phiêu ngoài ý muốn được tiếp tục làm tổng bí thư ít ra là đủ một nhiệm kỳ 5 năm, lại muốn kiêm nhiệm thêm chức vụ chủ tịch nhà nước để được coi như quốc khách khi đi công du các nước khác, giống như Gorbachev hay Giang Trạch Dân. Vì Lê Khả Phiêu vận động chuyện này khá công khai, điều này đã gây bất mãn trong những ủy viên trung ương. Nhưng lỗi lầm lớn nhất của Lê Khả Phiêu là đã mưu toan bãi bỏ chức vụ của ba “cố vấn”.
Trong ba người này, Võ Văn Kiệt dĩ nhiên luôn luôn chống đối với Lê Khả Phiêu. Người mà Võ Văn Kiệt đỡ đầu cho vào ban thường vụ bộ Chính Trị là Nguyễn Tấn Dũng đã bị Phiêu loại ra ngoài ngay sau khi Phiêu được lên chức.
Đỗ Mười và Lê Đức Anh, tuy cùng chung khuynh hướng bảo thủ cũng tức giận khi bị Lê Khả Phiêu mưu toan loại họ ra khỏi phạm vi quyền lực. Trong đại hội toàn quân ngày 4-1-2001, Lê Đức Anh đã khiến các đại biểu quân đội ngạc nhiên khi công khai kết tội Lê Khả Phiêu, người từng được Lê Đức Anh nâng đỡ để thăng tiến.
Đồng thời, trong đảng, Đỗ Mười cũng tích cực vận động loại bỏ Lê Khả Phiêu. Trong hồi ký của Đoàn Duy Thành, Đoàn Duy Thành kể lại là Đỗ Mười đã nói “Nó muốn đá tao, tao đá nó”. Nguyễn Đức Tâm trong thư gửi trung ương đảng kể lại là Đỗ Mười đã cho phổ biến một bản báo cáo tố cáo Lê Khả Phiêu từng giao du thân mật với phụ nữ như Đặng Thị Thu Hà, Vũ Thị Dung…trong đó có người hoạt động tình báo cho ngoại quốc (ám chỉ Trung Quốc). Vì thế, tuy khác khuynh hướng, cả ba đã ký tên chung trong một bức thư gửi các ủy viên trung ương để chê trách khả năng lãnh đạo của Lê Khả Phiêu.
Điều mỉa mai cho Lê Khả Phiêu là khi Nông Đức Mạnh được bầu làm tổng bí thư, ông ta chỉ nhận chức vụ với điều kiện không còn ba cố vấn và cả bộ ba này đã chấp nhận. Một lỗi lầm nữa của Lê Khả Phiêu là đã dùng tổng cục 2 tình báo của quân đội thi hành công tác “A 10”, trong đó có việc sử dụng máy ghi âm nghe lén điện thọai của những ủy viên bộ Chính Trị khác và điều tra trương mục trong ngân hàng ngọai quốc của họ.
Nếu Đỗ Mười muốn loại Lê Khả Phiêu là vì Phiêu có ý phản bội, loại bỏ những cố vấn, Lê Đức Anh muốn loại Lê Khả Phiêu với một thâm ý khác. Tin tưởng là hậu thuẫn của mình còn mạnh, Lê Đức Anh dù đã về hưu và làm cố vấn nhưng vẫn muốn trở lại làm tổng bí thư, nên khi được Phạm Văn Trà và Lê Văn Dũng báo cáo về việc Lê Khả Phiêu dùng tổng cục 2 nghe lén điện thoại từ nhiều tháng trước, đã chờ cho tới khi hội nghị trung ương đảng cuối cùng của khóa VIII họp, lúc mà đảng Cộng sản sắp xếp nhân sự lãnh đạo cho đại hội đảng lần thứ IX, mới cho trợ lý của mình là Nguyễn Bắc Sơn đi khắp nơi báo cáo việc này và nói xấu Lê Khả Phiêu.
Cuối cùng là thái độ qui phục Trung Quốc và việc nhân nhượng đất đai của Lê khả Phiêu đã gây bất bình cho một số đại biểu (1).
Kể từ 1986, sau khi phát động đường lối đối ngoại “đa phương và đa dạng”, Việt Nam đã cố gắng, một mặt kết chặt thân hữu ngoại giao với Trung Quốc, mặt khác cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước khác (như các nước ASEAN, Nhật Bản, Tây Âu, Hoa Kỳ…). Nhưng vì căn bản đều là xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã thiên về Trung Quốc và sự thiên vị trở nên quá đáng trong thời gian Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư, khiến Việt Nam giống như một nước chư hầu. Những thỏa hiệp về ranh giới lãnh thổ hay lãnh hải với Trung Quốc đã không hề được tham khảo ý kiến với trung ương đảng và cũng chưa được sự chấp thuận của bộ Chính Trị hay đưa ra trước quốc hội.
Do đó, vào kỳ đại hội đảng tháng 4-2001, dù có Hồ Cẩm Đào, phó chủ tịch nhà nước và tổng bí thư tương lai của Trung Quốc, sang tham dự và ngồi cạnh, điều này cũng không giúp gì được cho Lê Khả Phiêu. Ngoài ra, ba ngày trước đại hội, khi Hồ Cẩm Đào tới Hà Nội, báo Nhân Dân đã đăng bài xác nhận chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, gián tiếp nhắc đến khuynh hướng bành trướng của Trung Quốc và thái độ cầu cạnh của Lê Khả Phiêu. Trong bản báo cáo kinh tế đọc trước đại hội đảng, có đoạn nói Việt Nam sẽ xây dựng những cơ sở hậu cần ở các hải đảo để phát triển kinh tế cũng như quốc phòng. Sợ mất lòng Trung Quốc, Nguyễn Dy Niên sau đó giải thích đó chỉ là đường lối chung còn việc áp dụng tùy theo địa phương hay trường hợp.
Sau khi đã loại Lê Khả Phiêu, những ủy viên trung ương đảng bắt đầu họp để bầu tổng bí thư vào ngày 17-4-2001, hai ngày trước đại hội chính thức của đảng.
Trong vòng đầu, ba người được đề cử là Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An, Trần Đức Lương. Nông Đức Mạnh dẫn đầu nhưng được chưa tới 60% số phiếu, người thứ hai là Nguyễn Văn An, trưởng ban tổ chức đảng được 35% và Trần Đức Lương được khoảng gần 10%.
Vì tỷ số phiếu 35% của Nguyễn Văn An là một số phiếu vững chắc của những cán bộ hoạt động trong tổ chức đảng (2), Nông Đức Mạnh cảm thấy không an tâm, sợ rằng với tư cách trưởng ban tổ chức đảng, Nguyễn Văn An có thể gây khó khăn hay có thể kiếm thêm được một số hậu thuẫn để lật lại mình. Ngoài ra, với ảnh hưởng sâu rộng của bộ ba “cố vấn”, Nông Đức Mạnh sẽ có thể bị trói tay như Lê Khả Phiêu. Do đó, mới đầu Nông Đức Mạnh đã từ chối không nhận chức.
Sự từ chối của Nông Đức Mạnh gây khó khăn cho ủy ban trung ương, vì trong số những ứng viên, chỉ có Nông Đức Mạnh là có những điều kiện thuận lợi.
Trước hết, từ trước tới nay, Nông Đức Mạnh vẫn là người đứng ngoài những tranh chấp giữa hai phe bảo thủ và đổi mới. Trong gần mười năm Nông Đức Mạnh làm chủ tịch quốc hội, quốc hội này đã chấp thuận hết những đạo luật đổi mới kinh tế lẫn đàn áp chính trị nên được lòng cả hai phe. Uy tín của quốc hội cũng khá hơn khi quốc hội được quyền triệu tập bộ trưởng ra điều trần công khai. Vì chức thủ tướng chắc chắn về tay Phan Văn Khải, một người miền Nam và chức chủ tịch nhà nước là Trần Đức Lương, người miền Trung, chức tổng bí thư phải là người miền Bắc như Nông Đức Mạnh hay Nguyễn Văn An. Ngoài ra, với tin đồn là con rơi của Hồ Chí Minh, cá nhân và đời tư Nông Đức Mạnh sẽ không bị phanh phui (khi được hỏi, Nông Đức Mạnh đã không phủ nhận và cũng không xác nhận tin đồn này). Sau cùng, nhờ là gốc người Tầy, được cử lên làm một chức vụ quan trọng nhất nước sẽ chứng tỏ chính quyền Việt Nam không kỳ thị chủng tộc, xoa dịu bớt sự phẫn nộ của dân thiểu số đang biểu tình gây rối trên vùng Tây Nguyên và làm vừa lòng Trung Quốc
Vì không có ai thay thế và thời giờ quá gấp rút, chức vụ tổng bí thư phải được bầu ngay để có thể đưa ra cho đại hội đảng “nhất trí biểu quyết chấp thuận” vào hai ngày sau, nên trung ương đảng phải tìm biện pháp hòa giải bằng cách thuyết phục để ba “cố vấn” từ chức, không còn dính dáng gì đến việc điều hành của bộ Chính Trị, đồng thời, thuyên chuyển Nguyễn Văn An ra khỏi ban tổ chức, sang làm chủ tịch quốc hội.
Sau khi đạt được nhượng bộ kể trên, Nông Đức Mạnh chính thức nhận lời làm tổng bí thư. Tuy vậy, vây cánh của Đỗ Mười và Lê Đức Anh vẫn còn rất mạnh (như Phạm Văn Trà, Trần Đình Hoan, Phan Diễn, Nguyễn Khoa Điềm…).(3) Hai người này đã ủng hộ Nông Đức Mạnh vì thấy Nông Đức Mạnh là người tương đối không có hậu thuẫn vững mạnh nào để chống lại họ.
Tân tổng bí thư đảng CSVN sinh năm 1940 ở tỉnh Bắc Thái, được du học Nga Xô và tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp, sau đó về làm việc ở ty Lâm Nghiệp Bắc Thái, thăng trưởng ty năm 1977, rồi được bầu làm chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái năm 1986. Năm năm sau, trở nên ủy viên trẻ nhất của bộ Chính Trị và được đề cử làm chủ tịch quốc hội từ năm 1992.
Ngoài chức tổng bí thư, đại hội đảng cũng bầu ra 150 ủy viên trung ương đảng, trong đó đứng đầu là một bộ Chính Trị gồm 15 người sắp xếp theo thứ tự:
1. Nông Đức Mạnh, tổng bí thư.
2. Trần Đức Lương, kiêm nhiệm chủ tịch Nhà nước.
3. Phan Văn Khải, kiêm nhiệm thủ tướng.
4. Nguyễn Minh Triết, bí danh Sáu Phong, là bí thư thành ủy TP.HCM từ 2001. Trước đó, Nguyễn Minh Triết là bí thư tỉnh ủy Bình Dương, đã thiết lập một khu kỹ nghệ hỗn hợp với Tân Gia Ba tương đối thành công.
5. Nguyển Tấn Dũng, phó thủ tướng.
6. Lê Minh Hương, bộ trưởng bộ Công an.
7. Nguyễn Phú Trọng, bí thư thành ủy Hà Nội.
8. Phan Diễn, bí thư thành ủy Đà Nẵng. Hơn một năm sau, được cử làm thường vụ ban bí thư, một chức vụ quan trọng để cùng Nông Đức Mạnh điều hành hoạt động hàng ngày của nội bộ đảng.
9. Lê Hồng Anh, trưởng ban kiểm soát đảng, từng là bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, trong lý lịch khai có bằng cử nhân luật và chính trị.
10. Trương Tấn Sang, trưởng ban kinh tế đảng, quê ở Đức Hòa, Long An. Trương Tấn Sang cũng là anh em vợ của Nguyễn Tấn Dũng và là anh em của Trương Mỹ Hoa, từng là phó chủ tịch nhà nước.
11. Phạm Văn Trà, bộ trưởng bộ Quốc phòng.
12. Nguyễn Văn An, trưởng ban tổ chức đảng, từng là bí thư tỉnh ủy Hà Nam, từ tháng 11-2001 được đổi qua làm chủ tịch quốc hội.
13. Trương Quang Được, trưởng ban vận động của đảng, từng là bí thư thành ủy Đà Nẵng trước Phan Diễn.
14. Trần Đình Hoan, sau này làm trưởng ban tổ chức trung ương đảng.
15. Nguyễn Khoa Điềm, sau này rời chức bộ trưởng Thông tin Văn hóa để thăng làm trưởng ban thông tin văn hóa của đảng.
Xét thành phần bộ Chính Trị khóa IX, số đại diện quân đội chỉ còn một người là Phạm Văn Trà. Phạm Văn Trà được giữ lại vì theo phe Lê Đức Anh chống Lê Khả Phiêu. Nhờ uy tín quân đội giảm sút sau vụ Lê Khả Phiêu cho đặt máy nghe lén, phe công an mạnh hơn lên trong phe bảo thủ, dưới quyền của Lê Minh Hương, sau đó là Lê Hồng Anh. Giữa nhiệm kỳ, Lê Minh Hương chết, Lê Hồng Anh, dù không có kinh nghiệm một ngày trong quân đội hay công an cũng được phong chức đại tướng công an và được cử lên thay chức bộ trưởng. Ban thường vụ bộ Chính Trị năm người của khóa trước bị giải tán và trung ương đảng giành lại quyền bầu cử ban bí thư. Nhờ vậy, Lê Văn Dũng tuy đã bị khiển trách vì để cho tổng cục 2 đặt máy nghe lén nhưng cũng được chọn vào ban bí thư này (xếp hàng thứ 6 trong 9 người).
Số ủy viên trung ương đảng giảm từ 170 xuống còn 150, trong đó 87 là ủy viên cũ, 63 là người mới.
Số ủy viên bộ Chính Trị từ 18 xuống còn 15 người. 7 người trong bộ Chính Trị cũ bị mất chức, trong đó có Lê Khả Phiêu, Phạm Thanh Ngân, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Thị Xuân Mỹ. Nguyễn Thị Xuân Mỹ là nữ ủy viên bộ Chính Trị đầu tiên và duy nhất, được giao phụ trách ban kiểm soát của đảng, bị mất chức vì đã không chận đứng được tham nhũng và hối lộ. (4)
Tinh thần bè phái của Lê Khả Phiêu (nâng đỡ người cùng tỉnh, xây dựng những công thự, cầu cống không cần thiết ở Thanh Hóa…) đã gây bất mãn, nên tư lệnh quân khu 4 cũng như tỉnh ủy Thanh Hóa không được bầu vào trung ương đảng. Người thân cận của Lê Khả Phiêu trong bộ Chính Trị là Phạm Thanh Ngân cũng mất chức ủy viên và mất luôn chức chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội. Hai ủy viên bộ Chính Trị mới là Trần Đình Hoan và Nguyễn Khoa Điềm được bầu do hậu thuẫn còn mạnh mẽ của Đỗ Mười và Lê Đức Anh, sau đó, hai người này còn giúp cho Trần Đình Hoan lên thay Nguyễn Văn An làm trưởng ban tổ chức đảng, một chức vụ quan trọng trong việc sắp xếp nhân sự. Phạm Văn Trà và Lê Văn Dũng còn tại vị là nhờ sự vận động tích cực của Lê Đức Anh.
Lê Hồng Anh, Nguyễn Phú Trọng, Lê Minh Hương, cùng với Trần Đình Hoan, Nguyễn Khoa Điềm tạo nên một khối bảo thủ vững chắc trong bộ Chính Trị. Ngoài ra, dù đã từ chức cố vấn, Đỗ Mười và Lê Đức Anh vẫn tham dự nhiều buổi họp của trung ương đảng và vẫn còn có thế lực rất mạnh.
Ban lãnh đạo của đảng CSVN sau khi được bầu đã đặt ra những mục tiêu hoạt động chính: cải tổ lãnh đạo, lành mạnh hóa bộ máy đảng, cải thiện khu kinh tế quốc doanh và giải quyết bất mãn của những sắc tộc.
Chính phủ mới của Việt Nam sau đại hội đảng lần thứ IX vẫn giữ Phan Văn Khải làm thủ tướng. Phụ tá của Phan Văn Khải gồm có ba phó thủ tướng:
1- Nguyễn Tấn Dũng, phụ trách kinh tế, kỹ nghệ
2- Vũ Khoan, phụ trách ngoại giao và ngoại thương
3- Phạm Gia Khiêm, phụ trách giáo dục, khoa học kỹ thuật, thông tin báo chí.
Các bộ trưởng gồm có:
- Ngoại Giao: Nguyễn Dy Niên (thứ trưởng Nguyễn Văn Ngành, Chu Tuấn Cáp, Lê Công Phụng, Nguyễn Phú Bình, Nguyễn Đình Bin, Lê Văn Bàng). Lê Văn Bàng vừa được Nguyễn Tâm Chiến thay thế trong chức vụ đại sứ ở Hoa Kỳ.
Trong khi đó, tổng thống Bush vừa đắc cử cũng thay thế đại sứ Peterson bằng ông Burghardt. Đại sứ Burghardt tại chức 3 năm thì được Michael Marine thay thế. Thời gian này, một tham vụ ngoại giao của tòa đại sứ Trung Quốc là Tề Kiến Quốc cũng được cử lên thay làm đại sứ Trung Quốc. (5)
- Quốc Phòng: Phạm Văn Trà (thứ trưởng Phùng Quang Thanh, Lê Văn Dũng, Nguyễn Huy Hiệu, Trương Khánh Châu, Nguyễn Văn Rinh,). Tư lệnh hải quân là Đỗ Xuân Công, tư lệnh không quân là Nguyễn Đức Soát.
- Công An: Lê Hồng Anh (thứ trưởng Hoàng Ngọc Nhật, Nguyễn Khánh Toàn, Lê Thế Tiến, Bùi Quốc Huy). Lê Hồng Anh rời chức trưởng ban kiểm sát trung ương đảng qua thay Lê Minh Hương từ 2002, còn Bùi Quốc Huy, Hoàng Ngọc Nhật sau này mất chức vì liên quan vụ Năm Cam.
- Tư Pháp: Uông Chu Lưu (thay Nguyễn Đình Lộc từ 2002)
- Thương Mại: Vũ Khoan, sau đó là Trương Đình Tuyển (bí thư tỉnh Nghệ An)
- Thông Tin Văn Hóa: Phạm Quang Nghị, từng là bí thư tỉnh ủy Hà Nam.
- Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn: Lê Huy Ngọ (thay Nguyễn Công Tấn). Năm 2004, Lê Huy Ngọ bị mất chức vì nhân viên là Lã Thị Kim Oanh tham nhũng, người thay thế là Cao Đức Phát (thứ trưởng: Phạm Hồng Giang, Bùi Bá Bổng, Hứa Đức Nhi, Diệp Kính Tân). Cao Đức Phát đã tu nghiệp ở Harvard hai năm từ 1993 đến 1995.
- Tài Chánh: Nguyễn Sinh Hùng.
- Lao Động, Thương Binh Xã Hội: Nguyễn Thị Hằng (thay Trần Đình Hoan).
- Giao Thông Vận Tải: Đào Đình Bình (thay Lê Ngọc Hoan).
- Khoa Học Kỹ Thuật: Hoàng Văn Phong (thay Chu Tuấn Nhã).
- Xây Dựng: Nguyễn Hồng Quân (các thứ trưởng Nguyễn Văn Liên, Tống Văn Ngà, Nguyễn Tấn Văn, Đinh Tiến Dũng).
- Giáo Dục: Nguyễn Minh Hiền (thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng, Đặng Huỳnh Mai, Trần Văn Nhung, Nguyễn Tấn Phát, Bành Tiến Long).
- Ngư Nghiệp: Tạ Quang Ngọc.
- Nội Vụ: Đỗ Quang Trung.
- Kỹ Nghệ: Hoàng Trung Hải (thay Đặng Vũ Chú)
- Bưu Điện, Viễn Thông và Kỹ Thuật: Đỗ Trung Tá. Trong bộ này, một người con của Lê Đức Thọ là Lê Nam Thắng (có lẽ bí danh vì đúng ra phải họ Phan) được nâng đỡ làm thứ trưởng.
- Tài Nguyên và Môi Sinh: Mai Ái Trực (từng là bí thư tỉnh Bình Định).
- Kế Hoạch và Đầu Tư: Võ Hồng Phúc (thay Trần Xuân Giá từ 2002).
- Y Tế Công Cộng: Trần Thị Trung Chiến.
- Chủ nhiệm Uỷ Ban Sắc Tộc: Ksor Phước, từng là bí thư tỉnh Dak Lak, thay Hoàng Đức Nghi.
- Chủ nhiệm Uỷ Ban Thể Dục Thể Thao: Nguyễn Danh Thái, thay Hà Quang Dự. Nguyễn Danh Thái từng là viện trưởng Đại học Thể Dục Thể Thao số 1.
Dĩ nhiên, về chính trị, đại hội đảng lần thứ IX vẫn duy trì chế độ độc đảng dù lúc đó, một số cựu cán bộ lão thành như Lê Giản (6) — cựu chỉ huy trưởng công an thời 1940 trước Trần Quốc Hoàn — và Trần Đại Sơn, tự vệ thành, chỉ huy trinh sát sư đoàn 308 trước 1954…viết thư cho đại hội đòi mở rộng tự do dân chủ, bãi bỏ nghị định 31/CP về quản thúc hành chánh (đúng ra là bỏ tù không xét xử) mà Võ Văn Kiệt ký mấy năm trước. Với nghị định quản chế này, chính quyền đã bắt giữ hay quản chế những người đòi hỏi tự do dân chủ. Có lẽ để trấn an phe bảo thủ, quân bình “định chế xã hội chủ nghĩa”, sau khi ký thỏa ước mậu dịch song phương với Hoa Kỳ, sau đại hội đảng, chính quyền đã không đếm xỉa đến lời kêu gọi này mà còn bắt đầu một đợt đàn áp mới. Ngoài hành động thường xuyên trong nhiều năm bắt bớ, bỏ tù, quản thúc tại gia, xách nhiễu những người như các hoà thượng Quảng Độ, Huyền Quang… vào tháng giêng 2002, công an lại đến nhà ông Hà Sĩ Phu, một người từng bị bắt giữ hoặc quản chế tại gia nhiều lần, lục soát và lấy đi bộ máy vi tính của ông.
Ngoài Hà Sĩ Phu, nhiều người đấu tranh cho tự do dân chủ khác cũng bị đàn áp, quấy nhiễu, trong đó có:
- Trần Khuê, người đã phổ biến trên mạng chương trình Đối Thoại Năm 2000 và Đối Thoại Năm 2001, gồm những bài kêu gọi cải cách chính trị. Ông bị quản thúc tại gia từ tháng 10-2001. Tháng 3-2002, công an lại trở lại khám nhà ông sau khi ông phổ biến điện thư trên mạng gửi Giang Trạch Dân phản đối thỏa ước biên giới bất quân bình mà hai nước vừa ký kết. Cuối năm 2002 thì Trần Khuê bị bắt giam cùng với cựu đại tá Phạm Quế Dương. Phát ngôn viên chính phủ nói là hai người sẽ phải ra tòa nhưng không nêu rõ tội trạng. Các ông Trần Khuê, Phạm Quế Dương và Trần Dũng Tiến đều bỏ đảng năm 1999 sau khi tướng Trần Độ bị trục xuất.
- Nguyễn Khắc Toàn, một bộ đội phục viên. Vào các năm 2001 và 2002, khi nông dân biểu tình trước quốc hội phản đối chính phủ truất hữu ruộng, Nguyễn Khắc Toàn đã giúp họ viết thỉnh nguyện thư. Ông bị bắt sau khi đi thăm ông Nguyễn Thanh Giang, sau đó bị kết án 12 năm tù về tội “gián điệp”.
- Nguyễn Đình Huy, từng là giáo sư sử địa và ký giả, bị tù từ 1975 đến 1992. Ra tù, ông định tổ chức một hội nghị quốc tế về “Phát Triển Việt Nam” tại Sài gòn ngày 27-11-1993, nhưng ngày 17 thì đã bị bắt và bị kết án 15 năm tù từ 1995 về tội “mưu toan lật đổ chính phủ”. Ông bị giam ở trại Z.30A, Đồng Nai.
- Bùi Minh Quốc, bị quản chế từ đầu năm 2003, sau khi đi điều tra về tình trạng nhường đất ở vùng biên giới. Bùi Minh Quốc là một thi sĩ, một đảng viên, từng là tổng biên tập tạp chí Lang Bian.
- Lê Chí Quang, một luật sư, bị bắt tháng 2-2002 khi ông phổ biến trên mạng bài tham luận Cảnh Giác Đế Quốc Trung Quốc, tiết lộ chi tiết về việc nhường đất và biển. Ông bị kết án bốn năm tù, bị giam ở Nam Hà.
- Phạm Hồng Sơn, bác sĩ, bị bắt ngày 27-3-2002 khi dịch bài viết What is Democracy, gửi đi cho bạn bè và những cán bộ, viên chức chính phủ. Ông bị gán vào tội gián điệp và bị kết án 13 năm tù cộng thêm 3 năm quản chế. Vì dư luận quốc tế, án này được giảm xuống còn 5 năm tù và 3 năm quản chế.
- Nguyễn Vũ Bình, là phóng viên tạp chí Cộng Sản, bị bắt lần đầu năm 2001 vì mưu toan lập một đảng chính trị. Lần thứ hai ông bị bắt vào tháng 7-2002 khi viết thư đòi mở rộng tự do dân chủ. Ngày 25-9-2002, ông bị bắt lần thứ ba sau khi phổ biến trên mạng bài Vài Suy Nghĩ Về Thỏa Ước Biên Giới Việt Trung. Ông bị gán tội gián điệp và bị kết án 7 năm tù, 3 năm quản chế. Ông bị giam ở B14, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
- Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, bị bắt lại đầu năm 2003 khi ông phổ biến Tuyên Ngôn về Tự Do Thông Tin ở Việt Nam. Ông bị giam hơn 1 năm không được xét xử. Tháng 5-2004, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố sẽ trả tự do cho ông nếu ông bằng lòng lưu vong ra nước ngoài. Ông từ chối.
- Linh mục Nguyễn Văn Lý, bị bắt và kết án 20 năm tù khi phổ biến hai bài viết của cố giám mục Nguyễn Kim Điền. Được thả ra sớm nhưng ông vẫn bi bắt lại nhiều lần vào các năm 1983, 2001 rồi 2007.
Ngoài việc bắt bớ những thành phần chống đối, năm 2002, bộ Thông Tin Văn Hóa ra lệnh tịch thu và thiêu hủy những tác phẩm Suy Tư và Ước Vọng của Nguyễn Thanh Giang, Đối Thoại Năm 2000 và Đối Thoại Năm 2001 của Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, Gửi Lại Trước Khi Về Cội của Vũ Cao Quận, Nhật Ký Rồng Rắn của Trần Độ. (Cuốn Chuyện Kể Năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người bị ở tù từ 1968 đến 1973, thì bị tịch thu và thiêu hủy năm 2001). Tướng Trần Độ, bị trục xuất khỏi đảng năm 1999, có xin phép ra một tờ báo tư nhân nhưng bị bác. Ông mất vào tháng 8-2002. Võ Nguyên Giáp có gửi hoa đến phúng điếu, nhưng cũng như trên những vòng hoa khác, bốn chữ “Vô Cùng Thương Tiếc” bị gỡ bỏ do lệnh của Đỗ Mười và Nguyễn Khoa Điềm. Quốc Hội cộng sản đã giành việc tổ chức tang lễ, nhưng trong bài điếu văn, đại diện quốc hội là Vũ Mão lại nói là Trần Độ cuối đời đã phạm lỗi lầm khiến gia đình ông đứng lên tuyên bố không chấp nhận bài điếu văn của ban tổ chức, Vũ Mão phải chạy ra xe bỏ về. Mấy tháng sau cái chết của Trần Độ thì đến lượt Tố Hữu qua đời. Hoàng Cầm được báo chí của đảng mời viết một bài ai điếu. Về sau, ông tâm sự là ông đã cố ý viết “Với đảng CSVN, với gia đình ông, đây là một mất mát to lớn” nhưng khi in ra, tờ báo đã tự động thêm vào mấy chữ “với nhân dân”. (7)
Ngoài việc thiêu hủy những sách báo không đi đúng đường lối đảng, chính phủ còn ra lệnh cấm nhân dân (trừ những cán bộ cao cấp của chính phủ hay của đảng) được coi các đài truyền hình của nước ngoài qua hệ thống vệ tinh. Tư nhân dùng đĩa thu tín hiệu để coi các đài truyền hình này bị coi là phạm pháp. Đài Á Châu Tự Do của Hoa Kỳ phát về Việt Nam bị gây nhiễu loạn sóng để ngăn cản không cho nhân dân trong nước nghe được. Ngay cả trong những vụ án tham nhũng lớn, báo chí cũng được khuyến cáo nên tự kiềm chế để khỏi làm xấu chế độ. Người đứng đầu báo Công Luận (dĩ nhiên cũng là báo nhà nước), bị nghiêm phạt khi loan tin về vụ Năm Cam không đúng đường lối. Mạng lưới TTVV online.com, một mạng lưới được giới trẻ Việt Nam bầu làm mạng lưới hay nhất trong năm 2001, ngày 7-8-2003 bị dẹp bỏ vì có những tin và bài vở liên quan đến hiệp ước biên giới với Trung Quốc. Ba ký giả báo Tuổi Trẻ bị thu hồi giấy phép hành nghề vì “phạm lỗi lầm nghiêm trọng” khi đăng kết quả thăm dò về thần tượng của giới thanh niên trong đó giới lãnh đạo đảng chỉ có Phan Văn Khải được chọn và Phan Văn Khải còn đứng thấp hơn Clinton. Ngoài ra, báo Viễn Đông Kinh Tế — Far Eastern Economic Review số tháng 7 bị tịch thu khi tường thuật vụ án Năm Cam và số tháng 8 cũng bị tịch thu vì có bài viết về cuộc đời tình ái của Hồ Chí Minh. Một sự kiện khác liên quan đến cuộc đời Hồ Chí Minh là ngày 1-8-2002, nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia đã dịch xong cuốn Hồ Chí Minh của tác giả Duiker, nhưng trước khi phát hành, lại đề nghị nhà xuất bản Hyperion cho phép bỏ đi những phần mà Duiker viết về chuyện Hồ Chí Minh đã lấy một bà vợ người Trung Quốc tên Tăng Tuyết Minh và đoạn Hồ Chí Minh quan hệ tình ái với Nguyễn Thị Minh Khai, vợ Lê Hồng Phong…Việc phát hành cuốn sách dịch bị trở ngại vì tác giả Duiker phản đối. (8)
Vì muốn giữ gìn uy tín siêu nhân của lãnh tụ, đảng Cộng sản không bao giờ tiết lộ những chi tiết về cuộc đời tình cảm hay gia đình của Hồ Chí Minh, kể cả việc ông đã có một người con với bà Nông Thị Xuân. Để giải quyết sinh lý cho Hồ Chí Minh, năm 1955, Trần Đăng Ninh lúc đó là tổng cục trưởng tổng cục Hậu cần đã giới thiệu bà Nông Thị Xuân cho ông Hồ, nhưng sau đó vì bà Xuân muốn chính thức hóa chuyện chồng con nên bộ Chính Trị đã cho bộ trưởng công an Trần Quốc Hoàn thủ tiêu để bảo vệ hào quang thuần khiết của Hồ Chí Minh. Người con này, được đặt tên Nguyễn Tất Trung, mới đầu được giao cho Chu Văn Tấn, sau đó là Nguyễn Lương Bằng và cuối cùng thì ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chí Minh nhận làm con. (9) Người đem xe đến đón bà Xuân để đưa đến chỗ chết là Tạ Quang Chiến, một cận vệ của Hồ Chí Minh, sau này được cất nhắc lên làm phó chủ nhiệm ủy ban Thế vận Việt Nam.
Vì tiếp tục công kích chế độ, nhà văn Dương Thu Hương bị báo Công An Thành Phố gán tội “phản quốc” còn tài tử Đơn Dương thì bị gọi là “tay sai cho những thế lực thù địch”. Báo chí đăng tin đụng chạm đến những viên chức lớn cũng có thể bị liên lụy, chẳng hạn trong tháng 1-2005 mạng lưới tintucvietnam bị đóng cửa và tổng biên tập mạng lưới VNExpress Trương Đình Anh bị mất chức vì đăng tin chính phủ phí phạm công quĩ khi mua 78 xe Mercedes dùng trong hội nghị những quốc gia nói tiếng Pháp. Mấy tháng sau, đến lượt, ký giả Lan Anh của báo Tuổi Trẻ bị ra tòa vì viết bài về sự gian lận của công ty dược phẩm Zuellig Pharma. Hãng này được độc quyền bán một số thuốc nên đã tăng giá trái phép những thuốc này. Dù bài viết lấy tài liệu từ một báo cáo của Bộ Y Tế gửi cho Phan Văn Khải, trong đó bộ trưởng y tế đề nghị điều tra hãng thuốc nhưng ký giả Lan Anh cũng bị quản thúc tại gia một thời gian về tội tiết lộ bí mật quốc gia…
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam tệ đến nỗi vào 2 ngày 16 và 17-3-2005, khi Nguyễn Văn An cầm đầu một phái đoàn quốc hội Việt Nam gồm 39 người sang Âu Châu, chủ tịch quốc hội Âu Châu không chịu tiếp và Nguyễn Văn An cũng không được mời thuyết trình trước ủy ban đối ngoại của quốc hội này như phái đoàn của những nước khác.
Về kinh tế, đại hội đảng IX phác họa những kế hoạch phát triển kinh tế ngũ niên (2001-2005) và thập niên (2001-2010) nhằm biến Việt Nam thành một nước kỹ nghệ, tiên tiến vào năm 2020. Vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam là một số lớn công ty quốc doanh kinh doanh bị lỗ lã nhưng vẫn phải duy trì để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ khi phát động “đổi mới” và kinh tế thị trường tới 2000, sản lượng sản xuất của hệ thống kinh tế quốc doanh chỉ còn chiếm 42% sản lượng quốc gia, và số công nhân viên cũng giảm từ 2 triệu rưởi xuống 1.6 triệu. Vì không thể dẹp bỏ, chính quyền phải tìm cách cải thiện những công ty quốc doanh còn lại, nhưng chính Nông Đức Mạnh cũng công nhận việc cải thiện đó là một tiến trình lâu dài và phải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với sự ổn định chính trị và xã hội.
Nhờ thỏa ước thương mại song phương BTA với Hoa Kỳ (ký ngày 10-12-2001 giữa Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Khoan và Zoellick), những nhà đầu tư ngoại quốc lại đổ vào Việt Nam đầu tư, sản lượng thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ dần dần gia tăng từ 1 tỷ rưỡi năm 2001, 2.4 tỷ năm 2002, đến hơn 6 tỷ năm 2004. Kể từ 2001, mức độ phát triển kinh tế của Việt Nam bắt đầu tăng từ 7% đến 8% mỗi năm. Năm 2005, tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam được tính vào khoảng trên 38 tỷ mỹ kim, lợi tức bình quân mỗi đầu người là 470 mỹ kim. Mỗi năm Việt Nam xuất cảng khoảng 24 tỷ mỹ kim gồm dầu thô, hải sản, hàng vải may mặc, gạo, cà phê, trà…và nhập cảng 28 tỷ dầu xăng, thép, đồ điện tử.
Sau khi ký thỏa ước song phương, hàng hóa Việt Nam bán sang Hoa Kỳ được giảm thuế từ 40% xuống còn 3-4% (vì chưa được qui chế PNTR, qui chế tối huệ quốc thường trực, mức thuế quan này cần phải được quốc hội và tổng thống Mỹ phê chuẩn hàng năm).
Tuy nhiên, dù đã ký BTA, giao thương giữa hai nước vẫn có một số trục trặc. Thứ nhất là về hải sản. Bị ngư dân bản xứ phản đối, quốc hội Hoa Kỳ đưa ra đạo luật nói chỉ có loại cá ictaluridae mới đúng là cá catfish, còn cá catfish của Việt Nam đem sang bán phải ghi rõ là cá tra hay cá basa, không được để là catfish. Sau đó, bộ thương mại Hoa Kỳ cũng điều tra thấy cá catfish filet của Việt Nam đem sang Mỹ bán phá giá nên quốc hội ra đạo luật chống phá giá (anti dumping) đánh vào cá catfish đông lạnh của Việt Nam. Ngoài ra, dưới áp lực từ các công ty hàng vải của Mỹ, số lượng hàng vải may mặc của Việt Nam xuất cảng sang Mỹ bị giới hạn. Trung Quốc không bị giới hạn này vì đã gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO.
Cuối năm 2005, vụ đình công đầu tiên của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã xảy ra tại những cơ xưởng ngoại quốc (Đài Loan, Nhật Bản, Tây Âu…) và liên doanh trong khu công nghiệp thành phố HCM, Thủ Đức, Bình Dương, Hải Phòng. Số công nhân đình công đòi tăng lương lên đến trên 40 ngàn. So với lương công nhân tại các nước khác (Trung Quốc, Thái Lan, ngay cả Campuchia…), lương của công nhân Việt Nam tương đối còn rất thấp. Chính thức đại diện công nhân trong xã hội cộng sản đúng ra là những công đoàn, nhưng những công đoàn nhà nước đã không dính dáng gì đến những vụ đình công kể trên, và mới đầu chính quyền địa phương còn khiển trách công nhân (Trần Đức Lương đã công khai xin lỗi ông Hiroshi Okuda, chủ tịch liên hiệp doanh nghiệp Nhật và hứa sẽ ổn định tình thế nhanh chóng), nhưng sau đó, do sự đồng ý của những chủ nhân ngoại quốc, thủ tướng Phan Văn Khải đã phải ký đạo luật tăng lương tối thiểu cho công nhân 40%.
Vì đình công là chuyện hiếm hoi xảy ra tại những nước cộng sản, có dư luận đồn là do chính phủ xúi giục công nhân ở những hãng xưởng Đài Loan để trả đũa vụ Đài Loan cho xây phi trường trên đảo Thái Bình thuộc quần đảo Trường Sa, nhưng không ngờ vụ đình công đã lan rộng. Ủy viên trung ương đảng Cù Thị Hậu, chủ tịch công đoàn toàn quốc, mấy tháng sau mất chức vì tiết lộ là công nhân của một số công ty quốc doanh cũng đình công. Bà cũng phân trần là dù biết công nhân bất mãn, nhưng nếu công đoàn muốn chỉ đạo để đình công thì phải xin phép đảng ủy địa phương rồi đi lên trung ương để xét sẽ mất rất nhiều thì giờ.
Song song với vấn đề cải thiện hợp tác mậu dịch, vấn đề cải thiện quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ cũng được xúc tiến. Sau khi ký xong thỏa hiệp thương mại song phương, nhiều phái đoàn chính phủ của Việt Nam đã sang thăm Hoa Kỳ, trong đó có thứ trưởng Thương Mại Lương Văn Tư, phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Phúc Thành (tháng 4-2004), bộ trưởng Thương Mại Trương Đình Tuyển, bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc, bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 6-2002), bộ trưởng Quốc Phòng Phạm Văn Trà (tháng 11-2003)… và tháng 6-2005, là Phan Văn Khải.
Chuyến đi của Phan Văn Khải vào tháng 6-2005 là chuyến đi Hoa Kỳ của một giới chức Việt Nam cao cấp nhất sau 1975. Trong chuyến đi, Phan Văn Khải dẫn theo một phái đoàn hùng hậu trên 200 người, với mục đích chính là yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ giúp Việt Nam được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Chuyến đi được tổ chức rất kỹ. Do lời khuyên của Hội Đồng Thương Mại Việt-Mỹ, chính phủ Việt Nam bỏ tiền ra thuê công ty giao tế Hill & Knowlton giúp đánh bóng cho chuyến đi, kể cả cố vấn về cách ăn mặc, trang điểm, cách ăn nói trước ống kính…Do sự cố vấn đó, phái đoàn đã mang theo nhiều phụ nữ trong đó có hai bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến (y tế) và Nguyễn Thị Hằng (thương binh xã hội). Ngoài ra, còn có một người đại diện của giáo hội Tin Lành nhà nước đi theo để chứng tỏ là nhà nước coi trọng đạo Tin Lành, một tôn giáo mà chính quyền vẫn coi như một công cụ phục vụ diễn biến hòa bình, chủ mưu những biến động trên vùng Tây Nguyên mấy năm trước.
Sau khi được gặp tổng thống Bush ở Bạch Cung, hai bên ra thông cáo chung trong đó có câu “hai bên trao đổi ý kiến và góc nhìn về hòa bình và an ninh trong vùng Đông Nam Á và sẽ hợp tác song phương hay đa phương với nhau để thực hiện mục tiêu trên”. Phan Văn Khải được hứa là chính phủ Hoa Kỳ sẽ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Sau đó phái đoàn đã đi Boston, nơi có nhiều người Mỹ thiên tả và Seattle, nơi Phan Văn Khải được tiếp đón nồng hậu vì đã đặt mua 4 phi cơ của hãng Boeing.
Dù chuyến đi Hoa Kỳ của Phan Văn Khải đã được cân bằng với chuyến đi Trung Quốc của Nông Đức Mạnh và Trần Đức Lương trong cùng năm, sau khi ở Hoa Kỳ về, Phan Văn Khải vẫn sang Côn Minh ngay để dự hội nghị về phát triển lưu vực sông Cửu Long. Tại đây, Phan Văn Khải đã đồng ý với thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc về việc hợp tác giữa ba nước Trung Quốc, Phi Luật Tân và Việt Nam để thăm dò địa chất và tiềm năng dầu hỏa trong vùng quần đảo Trường Sa. Đây là một nhượng bộ quan trọng vì trước đây, ngày 7-10-2004, Việt Nam đã phản đối vấn đề Trung Quốc hợp tác riêng lẻ với Phi Luật Tân. Lập trường của Trung Quốc là họ có chủ quyền trên toàn thể vùng biển Đông, nhưng trong thời gian hiện tại, họ bằng lòng để các nước khác cùng khai thác tài nguyên trên những vùng biển đang tranh chấp. Việt Nam từng phản đối vì khi ký hiệp nghị này là đã gián tiếp công nhận phần nào lập luận về chủ quyền của Trung Quốc.
Trong quan hệ Việt-Mỹ, ngoài vấn đề tự do tôn giáo cũng như đàn áp nhân quyền ở Việt Nam, còn có một số vấn đề gai góc khác như tác nhân da cam (agent Orange) và cờ. Được sự khuyến khích và tiếp tay của những luật sư Mỹ, một số người ở Việt Nam đã đưa đơn kiện chính phủ Mỹ vì cho là chất độc da cam được dùng trong chiến tranh đã làm cho họ sinh ra những trẻ em bị khuyết tật. Tuy các nhà khoa học Mỹ xác nhận là không có liên quan hiển nhiên nào giữa tác nhân da cam với những khuyết tật và chính phủ Mỹ bằng lòng chịu một số tiền như một giúp đỡ nhân đạo, nhưng vấn đề vẫn còn dùng dằng chưa được giải quyết. Dù những vùng được rải thuốc khai quang là ở miền Nam, nhưng đứng đơn kiện lại là những người ở miền Bắc nhiều hơn.
Ngoài ra còn có vấn đề lá cờ của Việt Nam. Do áp lực của cộng đồng Việt Nam hải ngoại, một số địa phương tại Hoa Kỳ đã dùng cờ Việt Nam Cộng Hòa cũ để tượng trưng cho nước Việt. Tháng giêng năm 2003, quốc hội tiểu bang Virginia biểu quyết dùng lá cờ này. Bộ ngoại giao Mỹ lúc đó gửi một văn thư can thiệp nói là việc đó có thể gây “hậu quả nghiêm trọng cho bang giao Việt-Mỹ”. Do đó dự luật này bị dẹp bỏ, nhưng đến tháng 7-2003, bất chấp chính phủ liên bang, thống đốc tiểu bang Lousiana, sau đó là tiểu bang Washington ký một đạo luật chính thức dùng cờ VNCH trong những trường công lập hay trong những ngày lễ của tiểu bang. Đến ngày 5-8-2006 thì thống đốc Schwarzagger ký sắc lệnh cờ VNCH là cờ chính thức của Việt Nam tại California. Tòa đại sứ Việt Nam có gửi thư phản đối nhưng không hiệu quả.
Ngoài chuyến viếng thăm chính thức của Phan Văn Khải năm 2005, chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Phạm văn Trà vào tháng 11-2003 đã được chú ý nhiều nhất, vì đây là một bước thăm dò sự hợp tác quân sự giữa hai nước. Trên thực tế, cả hai nước đều muốn có một sự hợp tác chặt chẽ hơn. Hoa Kỳ thì muốn có thêm Việt Nam như một đối tác để nếu không ngăn chận Trung Quốc thì cũng giữ an toàn được sự lưu thông tàu bè trên vùng biển Đông, còn Việt Nam cũng muốn có Hoa Kỳ như một chỗ dựa để không bị Trung Quốc lấn ép quá đáng. Do mối lo ngại về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, hội nghị trung ương đảng vào tháng 7-2003 chấp thuận “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, theo đó, ý thức hệ đã bớt quan trọng, và Việt Nam đánh tiếng để Hoa Kỳ nhắc lại lời mời bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà sang thăm Hoa Kỳ của Cohen hơn hai năm trước. Vì hoàn cảnh chính trị và địa dư đặc biệt của Việt Nam, mỗi bước cải thiện hợp tác với Hoa Kỳ đều phải cân nhắc phản ứng của Trung Quốc nên sau chuyến đi của Phạm Văn Trà, sự hợp tác này mới chỉ thể hiện ở phạm vi y tế và huấn luyện Anh ngữ. Trước khi Phạm Văn Trà sang Hoa Kỳ, Việt Nam đã phải cử Phùng Quang Thanh, tham mưu trưởng quân đội sang Trung Quốc gặp Tăng Khánh Hồng, ủy viên ban thường vụ bộ Chính Trị Trung Quốc, để trấn an và báo cáo.
Sau chuyến đi của Phạm Văn Trà, một chiến hạm của hải quân Mỹ, chiến hạm Vandergrift, trở lại viếng thăm hải cảng Sài Gòn vào ngày 19-11-2003 sau 28 năm vắng bóng. Năm 2003 cũng là năm mà lần đầu tiên Việt Nam cử quan sát viên đến tham dự cuộc thao diễn quân sự của Hoa Kỳ, Thái Lan, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân… Năm sau, Việt Nam gửi một tham mưu phó đi họp hội nghị bộ trưởng quốc phòng của Hoa Kỳ và những đồng minh trong vùng Thái Bình Dương.
Trong khi đó, quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vẫn được coi trọng và phát triển, nhưng không còn có vẻ lấy lòng một cách quá lộ liễu như thời Lê Khả Phiêu.
Ngay sau khi được bầu làm tổng bí thư, Nông Đức Mạnh đã gặp Siphadon, chủ tịch nhà nước Ai Lao trước, sau đó mới gặp Hồ Cẩm Đào, lúc đó là phó chủ tịch nhà nước Trung Quốc sang tham dự, có lẽ đúng hơn là thăm chừng, sự thay đổi quyền lực của đảng CSVN trong đại hội đảng. Nông Đức Mạnh đã hứa với Hồ Cẩm Đào là “quan hệ Việt Hoa sẽ tiến triển mỗi ngày một tốt đẹp hơn”. Nông Đức Mạnh chỉ sang Trung Quốc vào cuối năm sau khi đã đi thăm Ai Lao vào tháng 7-2001 và cũng sau chuyến đi của chủ tịch quốc hội Trung Quốc là Lý Bằng, sang Việt Nam do lời mời của Nguyễn Văn An. Trong cuộc viếng thăm Trung Quốc, Nông Đức Mạnh gọi đó là một “chuyến đi lịch sử” vì đã “nâng quan hệ Hoa-Việt lên một tầm cao mới”.
Dù không còn tỏ vẻ cầu cạnh Trung Quốc một cách quá đáng như Lê Khả Phiêu, nhưng nhóm lãnh đạo mới của CSVN vẫn tiếp tục và chính thức chấp thuận những nhượng bộ về biên giới, lãnh hải mà Lê Khả Phiêu đã đồng ý. Trung Quốc rất hài lòng về kết quả của hai thỏa ước về biên giới trên bộ và ngoài biển đã đạt được nên đã đáp ứng thiện chí hòa giải của Việt Nam một cách rất dễ dàng. Vì thế, sau khi Nông Đức Mạnh thăm Trung Quốc trở về, ngày 2-2-2002, khi Giang Trạch Dân sang Việt Nam đáp lễ, ngoài việc gặp các lãnh tụ CSVN mới được bầu lên, Giang Trạch Dân còn đặc biệt đến thăm Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu, hai người đã nhiệt tình chủ trương kết thân với Trung Quốc. Giang Trạch Dân ca ngợi Đỗ Mười đóng góp lớn lao cho việc bình thường hóa bang giao Việt - Hoa và giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề giữa hai nước.
Khi gặp Lê Khải Phiêu, Giang Trạch Dân nhắc lại chuyến đi thăm Bắc Kinh của Phiêu mấy năm trước và khen ngợi Phiêu đã “đặt ra một nguyên tắc chung để phát triển quan hệ song phương giữa hai nước cho một thế kỷ mới”. Đáp từ, Lê Khả Phiêu nói rằng “hai đảng và hai quốc gia phải tin tưởng lẫn nhau. Chỉ có tin tưởng lẫn nhau, cả hai không những trở nên hai láng giềng và hai bạn tốt, mà còn là hai đồng chí tốt và anh em tốt”.
Giống như Clinton năm trước, Giang Trạch Dân cũng đọc diễn văn và nói chuyện ở đại học Hà Nội, mục đích để tạo một hình ảnh thân thiện của Trung Quốc, và không giống Clinton, đi dạo phố Sài Gòn và ăn phở, Giang Trạch Dân đi tắm biển ở China Beach, Đà Nẵng. Chuyến đi của Giang Trạch Dân xảy ra 3 tuần sau chuyến viếng thăm của đô đốc Blair, và sau đó, Việt Nam đã dứt khoát sử dụng Cam Ranh như một thương cảng.
Theo thời gian, mối quan hệ ngoại giao Việt-Hoa càng trở nên một mối quan hệ đa diện và toàn diện, chẳng những giữa quốc gia với quốc gia, đảng với đảng, quân đội với quân đội mà còn bộ của nước này với bộ tương ứng của nước kia, cấp này với cấp kia, tỉnh này với tỉnh kia, đoàn thể này với đoàn thể kia…
Trên thế giới, có lẽ không có hai nước nào có nhiều phái đoàn qua lại viếng thăm và học tập nhau như hai nước Việt, Hoa (mỗi năm, ít ra có trên 300 cuộc tiếp xúc lớn nhỏ giữa hai nước và Nông Đức Mạnh ít ra đã sang thăm Trung Quốc bốn lần). Về thương mại, sản lượng buôn bán mỗi năm giữa hai nước lên tới hàng tỷ mỹ kim, cán cân mậu dịch dĩ nhiên nghiêng về Trung Quốc.
Tiếp tục truyền thống của Lê Khả Phiêu, hai nước tổ chức những buổi hội thảo chính trị hàng năm. Năm 2002 hội thảo về nguyên nhân và bài học từ sự tan rã của Nga Xô và các nước Đông Âu. Năm 2003, về chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường ở Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2004, về việc xây dựng đảng cầm quyền. Do ý hướng coi trọng ý thức hệ, cấp lãnh đạo đảng CSVN đã vô hình chung kết chặt sự liên hệ giữa hai nước và đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng nhân đó tìm cách gia tăng ảnh hưởng để từ từ khiến Việt Nam phải lệ thuộc vào Trung Quốc về tất cả mọi mặt và theo chiều hướng này, có lẽ có ngày sẽ phải nhượng bộ Trung Quốc thêm về vấn đề những hải đảo.
Tháng 11-2005, Hồ Cẩm Đào, với tư cách tổng bí thư và chủ tịch nước sang thăm Việt Nam. Hồ Cẩm Đào trấn an Việt Nam và các nước khác về sự phát triển của Trung Quốc là một sự phát triển trong chiều hướng hòa bình. Trong bài diễn văn, Hồ Cẩm Đào thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước: “hai bên quyết tâm xuất phát từ đại cục và tầm cao chiến lược, áp dụng các biện pháp có hiệu quả, làm sâu sắc và triển khai toàn diện quan hệ hai đảng, hai nước…tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các ngành của đảng và chính phủ, quốc hội, đoàn thể quần chúng và địa phương trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh văn hóa, giáo dục…”.
Trong dịp này, Hồ Cẩm Đào cũng loan báo Trung Quốc sẽ cho Việt Nam vay 1 tỷ mỹ kim để thiết lập 3 nhà máy điện, canh tân hệ thống đường sắt, xây dựng một trường đào tạo công an “cao 15 tầng” và xây dựng một cung “văn hóa hữu nghị Việt Trung”. Việt Nam đã mô tả chuyến đi này “là biểu hiện cao đẹp của tình đoàn kết hữu nghị thủy chung”. Chuyến đi và hành động của Hồ Cẩm Đào, và sau đó của bộ trưởng quốc phòng Tào Cương Xuyên, chủ tịch hiệp chính Giả Khánh Lâm (nhân vật số 4 trong cộng đảng Trung Quốc) thật ra nhằm tác động vào các hội nghị trung ương đảng thứ 13, 14, 15 chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ X của đảng CSVN vì đặc biệt ở kỳ đại hội này, đảng CSVN không mời những phái đoàn đảng hay chính phủ của các nước khác tham dự.
Tuy ban lãnh đạo đảng và chính phủ mới của CSVN tiếp tục muốn thân thiện với Trung Quốc, đã thông qua những thỏa ước về biên giới lãnh thổ và lãnh hải, đã ký thỏa hiệp về đánh cá ở vịnh Bắc Bộ, tình hình trong vịnh Bắc Việt và biển Đông cũng không khá hơn.
Hai bên liên tiếp phản đối nhau vi phạm hiệp định hay công ước ứng xử biển Đông. Chẳng hạn Trung Quốc phản đối Việt Nam tổ chức những chuyến du lịch dân sự ở Trường Sa. Nhưng thường thường những rắc rối xảy ra là do bên phía Trung Quốc.
Tháng 8-2002, Việt Nam đã phải chính thức phản đối khi Trung Quốc ra lệnh cấm ngư phủ Việt Nam đánh cá trong vùng biển mà theo hiệp định là của Việt Nam. Ngoài ra, báo chí nhà nước của Việt Nam cũng đăng tin có nhiều trường hợp ngư phủ Việt Nam bị “tàu lạ” tấn công, giết người và cướp bóc.
Tháng 7-2003, bộ chỉ huy biên phòng Đà Nẵng báo cáo là “trong thời gian gần đây, tàu kiểm ngư và tàu hải quân Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động kiểm soát, đón bắt các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam” và “trong sáu tháng qua, phía Trung Quốc cũng một lần đưa tàu tiến hành thăm dò địa chấn tại các khu vực có nhiều điểm nằm sâu trong vùng biển nước ta…”
Tháng 2-2004, đại tá Lê Thanh Tùng, chỉ huy trưởng biên phòng Quảng Nam cho biết “tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm hải phận Việt Nam”. Chính các giới chức quân sự này cũng công nhận đó là “những động thái nhằm từng bước hợp thức hóa sự có mặt của Trung Quốc tại biển Đông”. (10)
“Động thái từng bước lấn chiếm” biển này tiếp tục diễn ra sau khi quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ Việt — Trung vào ngày 15-6-2004. Năm tháng sau, ngày 19-11-2004, đài phát thanh Trung Quốc loan báo họ sẽ dùng tàu Nam Hải 215 để đem dàn khoan Kantan 3 đến vùng biển tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc thăm dò tài nguyên. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Lê Dũng cực lực phản kháng, nói rằng địa điểm đó (cách Việt Nam 63 hải lý và đảo Hải Nam 67 hải lý) hoàn toàn nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam kêu gọi Trung Quốc sẽ không làm điều đó. Tệ hơn nữa, khi hai thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng (Việt Nam) và Võ Đại Vỹ (Trung Quốc) đang gặp mặt để tiếp tục bàn luận việc thực hiện đường biên giới trên biển trong 2 ngày 27 và 28-12-2004 thì trong cùng ngày, Trung Quốc loan báo bắt giữ 9 tàu đánh cá cùng 80 ngư phủ Việt Nam.
Vụ này chưa giải quyết xong thì hai tuần sau, ngày 13-1-2005, đài BBC loan tin tàu tuần Trung Quốc bắn chết 8 ngư phủ Việt Nam trong đêm 9-1-2005 và các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ cũng đăng tin đó lại nói là những “tàu lạ mang cờ nước ngoài” đã dùng súng bắn xối xả vào ngư dân của xã Hòa Lộc, Việt Nam (11). Phải chờ tới ngày 21-1-2005, Lê Dũng sau khi được bộ Chính Trị cho phép, mới chính thức phản kháng “việc Trung Quốc giết những ngư phủ vô tội Việt Nam mới đây là một vi phạm luật lệ quốc tế nghiêm trọng, vi phạm thỏa ước ranh giới vịnh Bắc Bộ”. Trả lời Lê Dũng, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Khổng Tuyền gán cho những ngư phủ bị giết và bị bắt là hải tặc và còn dọa sẽ đưa những người bị bắt ra tòa.
Cùng thời gian, ngày 14-1-2005, dù Phan Văn Khải có gặp Cổ Tú Liên, phó chủ tịch quốc hội Trung Quốc nhưng đã không đá động đến chuyện này mà chỉ ca ngợi hợp tác thương mại tốt đẹp với Trung Quốc.
Hai bên tiếp tục thương thuyết cho đến tháng 10-2005, Phạm Văn Trà sang Trung Quốc ký thỏa ước tuần tiễu hỗn hợp trên vịnh Bắc Việt, hy vọng giảm thiểu những xung đột. Để củng cố luận cứ về chủ quyền, ngày 24-8-2004, phó giám đốc công ty hàng không Việt Nam Nguyễn Tiến Sâm tuyên bố sẽ tổ chức các chuyến bay du lịch thường xuyên ra đảo Trường Sa Lớn. Do áp lực của Trung Quốc, bốn ngày sau, thứ trưởng ngoại giao Vũ Dũng phải cải chính là chưa có kế hoạch như vậy.
Sau khi ký hiệp ước thương mại với Hoa Kỳ và vì kinh tế những nước ASEAN cũng như Đại Hàn, Đài Loan bắt đầu hồi phục, kinh tế Việt Nam lại tiến triển khả quan (từ 7 đến 8% mỗi năm). Năm 2005, tổng sản lượng quốc gia tăng 8.4%, sản phẩm kỹ nghệ tăng 21%, dịch vụ tăng 25%, nhưng 76% dân số vẫn sống nhờ nghề nông. Nhờ giảm thuế nhập cảng những linh kiện điện tử, việc sản xuất hàng hóa điện tử ở Việt Nam rẻ hơn những nước khác, điều này khiến hãng Intel, vào đầu năm 2006, loan báo sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ mỹ kim để mở một xưởng sản xuất ở thành phố HCM. Sau đó, một tổ hợp công ty của Đại Hàn cũng công bố sẽ mở một công ty thép gần Vũng Tàu với số vốn đầu tư lên đến 1.2 tỷ mỹ kim.
Trước lợi lộc kinh tế, Việt Nam đã bỏ rơi người bạn đồng minh nghèo đói Bắc Hàn. Mùa hè 2004, có lẽ được dàn xếp trước, hơn 400 dân tỵ nạn Bắc Hàn trốn sang Trung Quốc rồi kéo sang Việt Nam để sau đó, được Việt Nam bí mật chở thẳng qua Đại Hàn. Chính quyền Bắc Hàn gọi đó là một hành động “bắt cóc” và ngưng những tiếp xúc hàng tháng với Đại Hàn trong vòng một năm. Dù Bắc Hàn không công khai phản đối việc này với Việt Nam, Việt Nam cũng đền bù cho Bắc Hàn một số lúa gạo. (12)
Kể từ 2003, Việt Nam lại vượt qua Ấn Độ để trở nên nước xuất cảng lúa gạo đứng hàng thứ hai thế giới (sau Thái Lan) dù cho mỗi năm Việt Nam đều phải đối phó với thiên tai (mưa bão lụt lội) và các bệnh dịch. Từ năm 2003, hội chứng hô hấp trầm trọng (SARS) và dịch cúm gà bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Hội chứng SARS tuy được chận đứng nhưng những trường hợp cúm gà thỉnh thoảng vẫn xuất hiện dù hàng trăm ngàn gà vịt đã bị thiêu sống.
Do một thể chế chính trị mà quyền lực chìm trong những dàn xếp bí ẩn của nội bộ đảng cộng sản nên tệ nạn tham nhũng vẫn tràn lan. Giống như Lê Khả Phiêu hay những tổng bí thư trước đó, Nông Đức Mạnh lại kêu gọi tiếp tục phong trào chống tham nhũng và những hiện tượng tiêu cực. Tuy nhiên, những năm sau đại hội đảng lần thứ IX là những năm đã mở ra những vụ án tham nhũng quan trọng nhất. Đầu tiên là vụ Năm Cam.
Vụ án Năm Cam là một vụ án quan trọng làm xôn xao dư luận trong nước vì đây là lần đầu một số đảng viên và viên chức cao cấp trong ngành công an bị phanh phui có dính líu chuyện làm ăn với “xã hội đen”.
Năm Cam, tên thật Trương Văn Cam, là một tay anh chị đứng đầu một tổ chức làm ăn phi pháp như cờ bạc, thu tiền “bảo vệ”, đá gà, cho vay lãi… Bề mặt, Năm Cam cũng có những cơ sở làm ăn hợp pháp như quán karaoke Tân Hải Hà ở quận 4 trong phạm vi thành phố HCM để làm bình phong. Dù được bao che, nhưng Năm Cam cũng bị bắt vào năm 1995. Do hối lộ và chạy chọt, Năm Cam được thả ra sau khi ở tù một thời gian ngắn. Ra tù, Năm Cam tiếp tục làm ăn phi pháp. Công việc làm ăn càng phát triển, tiền kiếm càng nhiều thì Năm Cam càng có quan hệ nhiều với những giới chức đảng viên và công an có địa vị càng cao.
Năm 1998, một tay nữ anh chị là Vũ Hoàng Dung tự Dung Hà xuất xứ từ miền Bắc sau mấy năm tù ở Hải Phòng vào Nam nhờ Năm Cam giúp đỡ. Dung Hà được Năm Cam cho mở một sòng bài ở đường Bùi Thị Xuân. Sau một thời gian, Dung Hà kêu thêm đàn em từ miền Bắc vào và tìm cách cạnh tranh với Năm Cam. Hậu quả đưa đến việc Năm Cam cho người thanh toán Dung Hà vào tháng 10-2000.
Qua điều tra, người ta ngạc nhiên tại sao Năm Cam đã được thả ra quá sớm trong vụ án trước. Nhờ vậy mới lòi ra những liên hệ của Năm Cam không chỉ với ngành công an địa phương mà còn với những cấp lãnh đạo của đảng. Vì những hoạt động phi pháp của Năm Cam đã bành trướng mạnh mẽ và ăn sâu vào bộ máy công an của thành phố HCM, chính quyền trung ương phải đưa công an từ Hà Nội và từ các nơi khác vào điều tra. Kết quả bắt được gần 200 đồng bọn và những viên chức cao cấp, trong đó có hai ủy viên trung ương đảng là Bùi Quốc Huy, thiếu tướng thứ trưởng bộ công an, từng làm giám đốc sở công an thành phố HCM từ 1996 đến 2000 và Trần Mai Hạnh, tổng giám đốc các đài phát thanh Việt Nam. Trần Mai Hạnh bị bắt khi đem 8000 mỹ kim đi tìm cách hối lộ các giới chức thẩm quyền.
Ngoài Bùi Quốc Huy và Trần Mai Hạnh, còn có Hoàng Ngọc Nhật, thứ trưởng công an, Đỗ Năm, cục trưởng cục quản lý các trại giam, Lê Thanh Đạo, phó ban tuyên vận trung ương, Phạm Sĩ Chiến, phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao TP.HCM, thượng tá Dương Minh Ngọc, trưởng phòng hình sự, trung tá công an Võ Công Thắng, phó tổng biên tập báo Công An, Triệu Quốc Kế, cục trưởng cục điều tra bộ công an, Hoàng Linh, phóng viên báo Tuổi Trẻ…(Hoàng Linh dựa thế Năm Cam để đi tống tiền các thương gia)(13)…
Tuy đại cương vụ án là Trần Mai Hạnh nhân danh báo chí viết đơn xin cho Năm Cam giảm án, Lê Thanh Đạo phê chuẩn và Phạm Sĩ Chiến thi hành để ký giấy thả, nhiều cán bộ lãnh đạo đã có dính líu. Vợ của Nguyễn Văn An, chủ tịch quốc hội, bị tố cáo là có giao du thân mật với vợ của Năm Cam và đã tìm cách bảo vệ cho Phạm Sĩ Chiến. Trương Tấn Sang làm bí thư thành ủy lúc Năm Cam được thả sớm cũng bị khiển trách. Lê Minh Hương bộ trưởng công an năm sau mất chức vì không kiểm soát được Bùi Quốc Huy. Viên đại sứ Việt Nam ở Uzbakistan, từng là một phụ tá cho Võ Văn Kiệt, bị triệu hồi để điều tra về những liên hệ với Năm Cam. Do việc này, Võ Văn Kiệt bị phe bảo thủ tố cáo là có liên quan. Võ Văn Kiệt phản ứng lại, nói là trong việc thả Năm Cam, ngoài ông ta, cả Đỗ Mười và Lê Đức Anh cũng biết. Sợ mọi chuyện vỡ lở đến cấp lãnh đạo đảng, Nguyễn Khoa Điềm, nhân danh trưởng ban tư tưởng văn hóa đảng đã khuyến cáo báo chí không nên phanh phui quá nhiều khiến có thể gây chia rẽ nội bộ và làm mất uy tín của đảng.
Ra tòa, Năm Cam bị xử bắn, còn Bùi Quốc Huy bị kêu án 4 năm tù, Trần Mai Hạnh bị 9 năm, Phạm Sĩ Chiến (14) bị 6 năm nhưng tất cả những người tòng phạm này “vì có công theo cách mạng”, trở nên đảng viên cao cấp nên đã được thả ra sau khi chỉ ngồi tù một thời gian ngắn. Riêng thẩm phán Nguyễn Đức Bình bị ngưng chức vào tháng 8-2002 vì đã 4 lần “quên” không ra bản án, trong đó có bản án cho một cộng sự thân tín của Năm Cam, khiến việc thi hành hình phạt khó khăn.
Do ảnh hưởng vụ án Năm Cam, uy tín ngành công an bị giảm sút, đồng thời uy tín tổng cục 2 tăng lên (15). Sự lộng hành của tổng cục 2 nghiêm trọng đến nỗi ngày 3-1-2004, Võ Nguyên Giáp gửi thư cho trung ương đảng tố cáo tội trạng của tổng cục này, theo đó tổng cục đã dựng ra một nhân vật gián điệp giả tưởng bí danh T4 để vu cáo nhiều nhân vật chính trị, trong đó có Võ Nguyên Giáp, nằm vùng cho CIA.
Bộ Chính Trị đã không trả lời thư của tướng Giáp.
Mấy tháng sau, ngày 17-6-2004, đến lượt thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, phó chủ nhiệm tổng cục chính trị cũng gửi một lá thư tương tự (Nguyễn Nam Khánh trước 1975 là chính ủy sư đoàn 3 Sao Vàng hoạt động trong vùng Tuy Hòa, Qui Nhơn, thăng chính ủy quân khu 5 rồi phó chủ nhiệm tổng cục chính trị).
Sau đó nhiều cựu đảng viên cao cấp như các tướng Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài, Nguyễn Quyết, Lê Tự Đồng…cũng gửi thư tố cáo tội lỗi của tổng cục 2 đồng thời nhắc lại việc Lê Đức Anh khai gian lý lịch. Lần này, bộ Chính Trị không thể thoái thác và đã đề cử ủy viên thường trực bộ Chính Trị Phan Diễn giải quyết.
Phan Diễn một mặt gặp riêng Võ Nguyên Giáp để phân trần và đề nghị đừng làm lớn chuyện, sẽ làm đảng mất uy tín. Mặt khác, Phan Diễn công khai giải thích là những sự việc nêu trên xảy ra đã lâu nên sẽ chỉ đươc giải quyết trong phạm vi bộ Chính Trị chứ không đưa ra hội nghị trung ương đảng để bàn cãi. Phan Diễn cũng nói thêm là bộ Chính Trị đã xử lý những bị can Nguyễn Thái Nguyên, Đỗ Ngọc Chấp và Nguyễn Quang Vinh.
Đỗ Ngọc Chấp (đại tá cục phó cục 11, tổng cục 2) và Nguyễn Thái Nguyên (cựu phụ tá của Phan Văn Khải), bị ra tòa vì giả mạo chứng thư vu oan cho Võ Thị Thắng. Nguyễn Quang Vinh, cũng là một đại tá của tổng cục 2, phụ trách công ty mua bán võ khí Toseka của tổng cục đã mua toàn tàu chiến gần như phế thải của Nga Xô.
Ngoài ra, Đặng Diệu Hà, giám đốc công ty xuất nhập khẩu văn hóa phẩm TP.HCM do tổng cục 2 kinh doanh cũng bị tù. Trong một bức thư tố cáo Lê Đức Anh, cựu trưởng ban tổ chức đảng Nguyễn Đức Tâm viết là Đặng Diệu Hà được tổng cục 2 gài làm nhân tình của Lê Khả Phiêu để theo dõi và lấy tin tức.
Trước sự chỉ trích của những cựu tướng lãnh cao cấp cựu trào thuộc phe Võ Nguyên Giáp về sự lộng quyền của tổng cục 2, ngày 24-8-2004, trong một buổi họp quân ủy trung ương, Phạm Văn Trà thuộc phe Lê Đức Anh phản ứng lại bằng cách phổ biến một bản báo cáo nhan đề Âm mưu, ý đồ của Mỹ và các thế lực thù địch chống phá Việt Nam – Đông Dương từ nay đến Đại hội X, trong đó Phạm Văn Trà nhấn mạnh “hiện nay trong đảng có tình hình chống phá quân đội và tập trung mũi nhọn, trước hết là trực tiếp chống phá tổng cục 2 ngày càng quyết liệt hơn, bôi nhọ tổng cục 2, gây mâu thuẫn trong tổng cục 2… Tổng cục 2 là người bảo vệ quân đội trung thành nhất, đánh tổng cục 2 là đánh quân đội, đánh vào chế độ. Kinh nghiệm như ở Nga, chỉ một nhóm người nhưng họ đã làm tan rã chế độ Xô Viết vì bước 1, họ đánh trước vào KGB để dọn đường rồi sau đó đánh sập chế độ Xô Viết”.
Bản báo cáo tố cáo Hoa Kỳ mưu đồ xây dựng một “khu vực Đại Trung Á” chạy từ Bắc Phi đến Afghanistan, thành lập một “NATO Á Châu” và muốn biến Lào, Campuchia thành bàn đạp để chuyển hóa Việt Nam. Bản báo cáo cũng nói về ý đồ Trung Quốc là “đi ngầm, đi sâu, tập trung vào thiết lập ảnh hưởng kinh tế để đặt vững chân vào Đông Dương, đẩy Việt Nam vào thế cô lập buộc phải hợp tác với Trung Quốc”. Năm 2005, Lê Đức Anh còn cho xuất bản cuốn “Đại Tướng Lê Đức Anh” do một đàn em của Lê Đức Anh là Khuất Biên Hòa viết. Cuốn sách được Đỗ Mười đề tựa, hết sức đề cao Lê Đức Anh.
Được Lê Đức Anh và Phạm Văn Trà hỗ trợ và vì Nông Đức Mạnh không dám đụng chạm đến thế lực quân đội, Nguyễn Chí Vịnh vẫn ở nguyên vị trí tổng cục trưởng và tổng cục 2 chỉ giải quyết qua loa những chỉ trích bằng cách giải tán Cục 15 (tình báo công nghệ, bị tố cáo nhũng lạm), nhập vào Cục 16 (tình báo chiến lược). Cục trưởng 15 là Phạm Ngọc Hùng (biệt danh Hùng Tút) được đôn lên làm tổng cục phó. Mấy tháng sau, cuối 2004, Nguyễn Chí Vịnh còn được đề bạt thăng chức trung tướng (tuy mới lên thiếu tướng hơn 2 năm trước) và theo tướng Nguyễn Hòa, được Nông Đức Mạnh đề cử làm ủy viên trung ương đảng, từ đó có thể lên thứ trưởng quốc phòng, nhưng đề nghị này bị hội nghị trung ương đảng bác bỏ.
Sau vụ Năm Cam một thời gian ngắn, một vụ tham nhũng khác lại nổ lớn. Đó là vụ án bà Lã Thị Kim Oanh, giám đốc công ty Tiếp Thị Nông Nghiệp thuộc bộ nông nghiệp, bị tố cáo đã tham ô gần 4.7 triệu mỹ kim và làm thất thoát hơn 2 triệu. Bà bị kết án tử hình nhưng sau đó được khoan hồng thành án tù chung thân.
Hai thứ trưởng bộ nông nghiệp là Nguyễn Thiện Luân và Nguyễn Quang Hà đều bị kết án 3 năm tù. Bộ trưởng Lê Huy Ngọ bị bãi chức, được cử sang làm chủ tịch ủy ban phòng chống bão lụt.
Ngoài vụ Năm Cam và Lã Thị Kim Oanh, Nguyễn Tuấn Minh, chủ tịch ủy ban nhân dân Vũng Tàu cũng bị khiển trách vì liên lụy trong vụ buôn bán xe hơi lậu với Phạm Văn Phương (phó tổng giám đốc công ty liên doanh Vicarrent), một người mà theo bản án đã “dựa vào quan hệ với nhiều cán bộ ở trung ương và địa phương để từ đó khống chế, gây sức ép và lừa đảo”, đối với cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có vụ âm mưu cưỡng đoạt công ty UDEC của Nguyễn Minh Hoàng. Phạm Văn Phương bị kết án 27 năm tù. Ngô Chí Đan, trưởng phòng an ninh tỉnh, em rể Phạm Văn Phương, bị xử lý hành chánh (khai trừ khỏi đảng và ngành công an). Tuy không bị tù tội, nhưng vì Ngô Chí Đan làm ăn với vợ của Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng công an, nên được Nguyễn Khánh Toàn giúp đỡ, gửi thư cho tỉnh ủy Vũng Tàu nói xử lý như vậy là quá mức và đòi cho Ngô Chí Đan được về hưu với cấp đại úy.
Cùng lúc bị khiển trách với Nguyễn Tuấn Minh là Ksor Phước vì không dẹp được những bất mãn của dân chúng vùng Gia Rai, thứ trưởng thể thao Lương Quốc Dũng bị ra tòa vì hiếp dâm bé gái vị thành niên. Rồi đến lượt thứ trưởng thương mại Mai Văn Dậu cùng con là Mai Thanh Hải cũng bị bắt ngày 18-11-2004 vì gian lận khi phân chia số lượng hàng vải xuất cảng.
Cuối năm 2004, giám đốc công ty vận tải đường biển mất chức vì ký khế ước về dầu hỏa trái phép.
Tuy nhiên, vụ án tham nhũng nổi tiếng nhất có lẽ là vụ án Bùi Tiến Dũng. Bùi Tiến Dũng là tổng giám đốc của Đơn Vị Quản Trị Kế Hoạch 18, gọi tắt là PMU 18, thuộc bộ giao thông công chánh. Đây là một trong những cơ quan nhà nước có nhiều tiền nhất, có nhiệm vụ thực hiện khoảng 20 dự án xây dựng cầu cống, đường xá trị giá trong nước với ngân sách chi tiêu khoảng 2 tỷ mỹ kim. Trong số tiền này, ngoài tiền của ngân sách nhà nước còn có tiền viện trợ của Nhật Bản, của những nước Tây Âu và của Ngân Hàng Thế Giới.
Nhờ có thế lực (là con trai của Bùi Thiện Ngộ, từng là bộ trưởng công an) và khéo đút lót, Bùi Tiến Dũng được làm tổng giám đốc cơ quan này từ năm 1998. Với sự tiếp tay của Nguyễn Việt Tiến, đệ nhất thứ trưởng giao thông công chánh, PMU 18 giành được những dự án nhiều tiền, béo bở, sau đó Bùi Tiến Dũng giao cho những công ty tay trong của bạn bè hay họ hàng của mình được thầu để thực hiện, dù cho những công ty này không có đủ khả năng, vốn liếng hay kinh nghiệm. Bùi Tiến Dũng có khoảng hơn một chục công ty tay trong này, trong đó có công ty Hoa Việt (do một người bạn của Bùi Tiến Dũng là Nguyễn Mậu Thôn làm giám đốc), công ty Thái Bình Dương Shareholding Comp (do Tôn Anh Dũng, tự Dũng Huế, một người bạn khác của Bùi Tiến Dũng), công ty Bắc Nam Construction Shareholding (do Vũ Việt Dũng cùng với anh ruột Bùi Tiến Dũng là Bùi Quốc Tiến làm chủ)...
Trong bộ giao thông công chánh, Bùi Tiến Dũng còn được sự tiếp tay của một Dũng khác, Phạm Tiến Dũng (tự Dũng Con, phân biệt với Bùi Tiến Dũng là Dũng Tổng) đang làm trưởng phòng tài chính và kế hoạch là con rể của Nguyễn Việt Tiến, và Phạm Hoàng Hải, con rể Nông Đức Mạnh cũng là một trưởng phòng. Phạm Tiến Dũng được coi như trung gian nhận hối lộ cho ba người là Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Bắc (phó tổng giám đốc công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Viêt Nam). Nguyễn Việt Bắc là con rể của bộ trưởng Đào Đình Bình. Tài sản của Nguyễn Việt Bắc và Nguyễn Việt Tiến mỗi người có hàng trăm triệu mỹ kim. Hai người này cũng cờ bạc nhưng không nhiều như Bùi Tiến Dũng.
Ngoài những thất thoát do gian lận của những công ty tay trong, ngân khoản PMU 18 khi kiểm soát lại thấy bị mất đi khoảng 7 triệu mỹ kim. Cuộc điều tra cho thấy PMU 18 đã mua 150 xe hơi và Bùi Tiến Dũng đã cho người quen hay những người có thế lực mượn 34 xe để dùng trong những việc tư.
Một người mượn xe (mang bảng số “tứ qúi” 9999) là Nguyễn Khánh Trọng, nổi danh công tử ở Hà Nội và là con của Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng bộ công an. Cựu bộ trưởng Bùi Danh Lưu, đang làm phó ban kinh tế của đảng cũng được giao cho một xe.
Vụ án bắt đầu ngày 13-12-2005, khi công an bắt được 2 cầu thủ cờ bạc trong một mạng lưới cá độ đá banh mà người đứng đầu là Bùi Quang Hưng (trước đó 4 tháng, trung vệ Quốc Vượng của đội tuyển Việt Nam khi tranh giải túc cầu Đông Nam Á đã nhận 6300 mỹ kim để “bán độ” tìm cách đá sao cho thua đội tuyển Thái Lan). Khi Bùi Quang Hưng bị bắt, công an xét máy điện toán của Hưng thấy có một danh sách khoảng 200 người cờ bạc, trong đó có một người trong vòng 2 tháng đã đánh cá khoảng 2.6 triệu mỹ kim vào những trận túc cầu bên Âu Châu.
Điều tra thì ra người này là Bùi Tiến Dũng.
Từ đó mới phăng lần ra những tham nhũng và thâm lạm công qũi của Dũng và Nguyễn Việt Tiến, Nguyễn Việt Bắc. Hệ thống cá độ bóng tròn của Bùi Quang Hưng nằm trong một mạng lưới cờ bạc quốc tế rộng lớn, do một người tên Dũng khác đứng đầu. Người này tên Ngô Tiến Dũng tự Dũng Kiều, là một Việt kiều Canada, điều khiển một mạng lưới cá độ bóng tròn trải rộng nhiều nước như Canada, Hồng Kông, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Nga và Đài Loan. Dũng Kiều bị bắt khi đem tiền về Việt Nam làm ăn.
Khi sự việc bắt đầu đổ bể, Bùi Tiến Dũng và đồng bọn tìm cách chạy tội. Người đứng đầu “đường dây chạy tội” là Tôn Anh Dũng (Dũng Huế), lúc đó đang ở Thái Lan. Khi về đến Việt Nam và bị bắt, công an tra xét và thấy ngày hôm trước, ở Thái Lan, Tôn Anh Dũng đã dùng điện thoại cầm tay gọi cho một người 89 lần.
Điều tra thì người được gọi này là thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, cục trưởng cục điều tra C15 của bộ công an, đang được Nông Đức Mạnh đề nghị vào trung ương đảng để lên thứ trưởng. Cao Ngọc Oánh bị ngưng chức sau đó. Việc điều tra được giao cho Phạm Xuân Quắc, một thiếu tướng công an khác đang là cục trưởng cục C14.
Vì quĩ PMU18 có đóng góp của tiền viện trợ, hai chính phủ Nhật và Anh đã cử phái đoàn qua quan sát và tìm hiểu. Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Bắc và đồng bọn đều bị ngưng chức và bị bắt. Riêng Đào Đình Bình, bộ trưởng công chánh, mới đầu phủ nhận mọi trách nhiệm và khi bị chất vấn trước quốc hội, ông ta trả lời “Tôi thuộc diện trung ương quản lý”, có nghĩa ông chỉ trả lời với trung ương đảng. Ông ta chỉ từ chức sau khi bị áp lực của đảng vào mấy tháng sau. Còn Cao Ngọc Oánh, một năm sau được kết luận là “không có liên quan” trong vụ này. Theo báo cáo của Viện Kiểm Sát, “tướng Oánh không chạy án là kết luận của một quá trình điều tra, nghiên cứu, có cơ sở, bằng chứng và nhân chứng...”, nhưng bản báo cáo không đề cập đến việc Dũng Huế gọi điện thoại đến 89 lần và tại sao lại ngồi ăn với nghi can.
Nhân vụ PMU18, ông Lê Đăng Doanh, một chuyên viên kinh tế ở Hà Nội nhận xét “PMU18 xảy ra không chỉ là một trường hợp sai phạm cá biệt của con người mà là một hiện tượng phản ánh những khuyết tật của hệ thống”.
Trong khi vụ PMU18 đang làm xôn xao dư luận thì lại có một chuyện khác xảy ra. Ngày 11-4-2006, công an phi trường Nội Bài tìm thấy một cặp da của một hành khách bỏ quên. Khi cặp da được mở ra, trong cặp có hơn chục bao thư chứa khoảng trên 10 ngàn mỹ kim và 20 triệu đồng Việt Nam. Bao thư ghi rõ là từ những ủy ban nhân dân tỉnh và một số công ty quốc doanh ở miền Nam.
Cuộc điều tra tìm ra chủ nhân chiếc cặp là Nguyễn Văn Lâm, phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ (tương đương cấp thứ trưởng).
Nguyễn Văn Lâm là người có họ hàng với Nguyễn Việt Tiến và báo chí sau đó cũng đăng tải tin của cuộc điều tra là trong thời gian đầu, Cao Ngọc Oánh có ăn trưa với Dũng Huế, người đứng đầu “đường dây chạy tội” của Bùi Tiến Dũng tại một khách sạn sang trọng tại Hà Nội. Trong bữa ăn có cả Nguyễn Văn Lâm, Đoàn Mạnh Giao (chủ nhiệm văn phòng chính phủ, tương đương bộ trưởng) và Nguyễn Hiếu Vinh, vụ phó vụ chống tham nhũng của đảng. Như thế, cuộc điều tra cho thấy “đường dây chạy tội” của nhóm Bùi Tiến Dũng bao gồm bốn mục tiêu: phía chính phủ (Nguyễn Văn Lâm và có thể Đoàn Mạnh Giao), đảng (Nguyễn Hiếu Vinh, có thể có Phạm Hoàng Hải, con rể Nông Đức Mạnh), tòa án (Nguyễn Duy Hồng – vụ trưởng vụ thực hành quyền tố tụng hay công tố viên) và công an (Cao Ngọc Oánh cùng 2 trung tá công an Bùi Huy Kim và Nguyễn Đình Toản). Nguyễn Duy Hồng bị tố cáo là có ngồi ăn với Nguyễn Mậu Thôn và Nguyễn Văn Lâm trong thời gian điều tra. Vì ông Lâm có chức vụ cao trong đảng (thuộc diện trung ương quản lý) nên sự việc được giao cho đảng ủy giải quyết.
Khi trả lời báo chí về vụ này, phó bí thư đảng ủy của văn phòng chính phủ là Nguyễn Văn Trường đã bao che cho ông Lâm là không có văn bản nào cấm cán bộ nhận phong bì và khi được hỏi ông Lâm coi về nội chính tại sao lại có phong bì tiền của công ty thủy điện thuộc về kinh tế, ông Trường nói là “lãnh đạo văn phòng lãnh việc cho nhau để tiết kiệm là chuyện thường”.
Do dư luận rầm rộ và vì có dính líu đến những cán bộ cao cấp nhất của đảng về vụ PMU18 và vụ ông Nguyễn Văn Lâm, Trần Đình Hoan, trưởng ban tổ chức đảng, cho gọi Phạm Xuân Quắc đến nói chuyện về tầm mức của vụ điều tra. Có lẽ nhờ vậy nên những cuộc điều tra chỉ giới hạn tới những cán bộ cao cấp nhất là mức thứ trưởng như Nguyễn Việt Tiến và Nguyễn Văn Lâm. Những giới chức cao cấp hơn như Đoàn Mạnh Giao hay Đào Đình Bình hoặc con rể của Nông Đức Mạnh là Phạm Hoàng Hải đều được che chở và không bị nhắc tới trong cuộc điều tra.
Cuối cùng, vào tháng 10-005, đến lượt một người phụ trách chống tham nhũng là Lương Cao Khải bị bắt về tội ăn hối lộ và hối mại quyền thế. Theo báo Tuổi Trẻ, khi Lương Cao Khải điều tra về những gian lận trong xí nghiệp dầu hỏa và hơi đốt, ông đã nhận tiền và đất đai của một số viên chức để che chở cho họ, đồng thời cũng áp lực với họ để đưa thân nhân của ông ta vào công ty này làm việc. Những viên chức trong công ty đã giả mạo hợp đồng gian lận khoảng 17 triệu mỹ kim khi phụ trách làm đường ống dẫn hơi đốt từ giếng dầu Bạch Hổ về Thủ Đức. Báo chí loan tin là ông Lương Cao Khải đã có đưa tiền cho Quách Lê Thanh, tổng thanh tra nhà nước. Mấy tháng sau, Quách Lê Thanh cũng mất chức. (16)
Những vụ tham nhũng liên quan đến các giới chức cao cấp trở nên một vấn đề quan trọng khi đảng CSVN sửa soạn tổ chức đại hội đảng lần thứ X. Lê Khả Phiêu nói là khi ông ta và Võ Văn Kiệt còn nắm quyền, đã có những người đưa hối lộ. Đồng thời, hai ông cũng biết rõ những vụ hối lộ khác nhưng “không dám nói”.
Tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp này cũng phê bình là đảng đã thành cái mộc che chở cho những cán bộ tham ô. Sau đó, tháng 11-2005, ông lại gửi thư tố cáo tổng cục 2 cùng lúc với thư tố cáo Lê Đức Anh của nhiều cựu tướng lãnh. Bộ Chính Trị tuy có xét lại chuyện khai man lý lịch của Lê Đức Anh hay lạm dụng quyền thế của tổng cục 2, nhưng trong những hội nghị trung ương đảng thứ 12 và 13 (tháng 12-2005), vấn đề hoàn toàn bị “khoanh tròn” (dẹp bỏ), vì theo Phan Diễn “cần bảo vệ sự đoàn kết thống nhất của đảng. Chuyện quá cũ, không còn ý nghĩa quan trọng nữa, không được để cho kẻ thù và bọn xấu lợi dụng…”
Mấy tháng sau, tháng 2-2006, cựu trung tướng Nguyễn Hòa lại gửi thư cho trung ương đảng. Lần này, ông chỉ trích đích danh Nông Đức Mạnh bao che cho Nguyễn Chí Vịnh, Bùi Tiến Dũng, Đào Đình Bình, Nguyễn Việt Tiến (đề cử những người này vào trung ương đảng ở hội nghị 13), nâng đỡ con trai là Nông Đức Tuấn được làm chủ tịch Liên Hội Thanh Niên Sinh Viên và đề cử thân thuộc là Nông Thị Ngọc Minh, Nông Đức Tuấn vào trung ương đảng. Nguyễn Hòa cũng tố cáo Nông Đức Mạnh đã ếm nhẹm những vụ Sáu Sứ, T.4 hay lý lịch của Lê Đức Anh.
Cũng như những tố cáo trước, hội nghị trung ương đảng thứ 14 và 15 đầu năm 2006, không thảo luận về tổng cục 2 và vụ T4, tuy rằng một ban xử lý được thành lập gồm có Lê Hồng Anh, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Hưởng (công an), Trương Vĩnh Trọng (ban nội chính đảng), Hà Minh Trí (kiểm soát)...
Phan Diễn sau đó nói đó là những “vấn đề lịch sử”, xảy ra đã quá lâu. Còn lý lịch Lê Đức Anh thì được Đỗ Mười che chở. Do có quá nhiều bằng chứng, Lê Đức Anh phải nhận là có khai sai lý lịch, nhưng Đỗ Mười đề nghị bỏ qua vì Lê Đức Anh đã có “công lao quá lớn”. Hội nghị trung ương đảng thứ 13 cũng quyết định sẽ thi hành nghiêm túc giới hạn về tuổi đặt ra từ đại hội VIII để trẻ trung hóa guồng máy lãnh đạo. Do đó, những ủy viên lớn tuổi Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, Phạm Văn Trà, Trần Đình Hoan, Trần Quang Được chắc chắn sẽ mất chức. Nông Đức Mạnh được đặc biệt giữ lại. Nguyễn Khoa Điềm cũng hy vọng được giữ lại nhưng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng ủy thông tin văn hóa, Nguyễn Khoa Điềm chỉ được 12 trên 60 phiếu bầu.(17) Trần Đình Hoan quá 65 tuổi, cũng hy vọng được giữ lại, nhưng trong buổi họp thứ 13 trung ương đảng, chỉ được có 20% số phiếu.
Kể từ cuối năm 2005, đảng CSVN lại rộn rịp sửa soạn tổ chức đại hội đảng lần thứ X, dự trù tổ chức vào tháng 4-2006. Hai việc quan trọng nhất cho mỗi đại hội đảng là việc thay đổi nhân sự trong bộ Chính Trị cũng như trong trung ương đảng, và việc hoạch định đường lối cai trị của đảng trong vòng 5 năm tới. Việc thay đổi nhân sự được bắt đầu bàn thảo từ hội nghị trung ương đảng lần thứ 9, còn bản báo cáo chính trị để hướng dẫn chính sách được giao cho Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị trung ương đảng thứ 13 cuối năm 2005. Nguyễn Phú Trọng đã huy động một ủy ban hùng hậu khoảng 70 người có bằng tiến sĩ (?) về chính trị hay lý luận để thực hiện bản báo cáo này. Ngân sách dành cho việc soạn thảo báo cáo này lên tới gần 2 triệu mỹ kim. Sau khi hoàn tất, bản dự thảo được công bố để cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp ý kiến, sau đó sẽ hoàn chỉnh lại để đưa ra cho hội nghị trung ương đảng thứ 15 chấp thuận rồi một tuần sau mới chính thức công bố trong ngày đại hội đảng.
Trước dư luận, hội nghị trung ương đảng thứ 13 đòi hỏi xử lý nghiêm khắc Đào Đình Bình, Nguyễn Việt Tiến, Cao Ngọc Oánh cùng Nguyễn Duy Hồng (vụ trưởng vụ A1 của viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, nằm trong “đường dây chạy tội”). Đào Đình Bình phải xin rút lui khỏi danh sách đề cử vào trung ương đảng, còn Nguyễn Việt Tiến, Cao Ngọc Oánh bị loại. Nông Đức Mạnh là người đã đề cử Nguyễn Việt Tiến.
Trong dịp chuẩn bị đại hội đảng lần này, có lẽ để tránh áp lực của Trung Quốc, đảng CSVN không mời khách nước ngoài tham dự, kể cả đại diện của những đảng cộng sản khác. Tuy vậy, trong thời gian sửa soạn vào dịp những hội nghị trung ương đảng 13 và 14, Trung Quốc đã lần lượt gửi tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, chính hiệp chủ tịch Giả Khánh Lâm và bộ trưởng quốc phòng Tào Cương Xuyên sang để thăm dò và nhắc khéo đảng, chính phủ và quân đội Việt Nam về sự quan tâm của Trung Quốc. Trung Quốc cũng chờ dịp này mới thông báo sẽ cho Việt Nam vay 1 tỷ mỹ kim.
Trong hội nghị lần thứ 14, bí thư tỉnh Lạng Sơn là Hoàng Công Hoàn bị khiển trách vì khuyết điểm về lãnh đạo nhưng một tháng sau, lại được Trần Đình Hoan điều về làm phó trưởng ban quản trị tài chánh trung ương đảng.
Đầu năm 2006, bản dự thảo báo cáo chính trị được công bố để “dân nói, đảng nghe” trong vòng một tháng. Theo báo cáo của đảng, đã có hàng ngàn ý kiến đóng góp gửi về trung ương đảng và được công bố trên những cơ quan nhà nước. Dĩ nhiên chỉ có những ý kiến đi đúng đường lối của đảng là được hoan nghênh và được phổ biến trên các cơ quan truyền thông. Theo báo Nhân Dân ngày 31-3-2006 “đảng trân trọng cám ơn, tiếp thu tối đa những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và xác đáng…Đồng thời, cũng kiên quyết phê phán và dứt bỏ những ý kiến sai trái, chống đối…”. Tờ báo chỉ đăng hai ý kiến đóng góp, một của Đỗ Mười, một của Nguyễn Đức Bình. Mấy báo ngoại vi khác đăng bài của Võ Nguyên Giáp và Lê Khả Phiêu. Bài viết của hai người này không có ý kiến cải cách nào, chủ yếu chỉ công kích tệ nạn tham nhũng trong đảng, có lẽ để gián tiếp chê trách khả năng lãnh đạo của Nông Đức Mạnh.
Thư của Mai Chí Thọ cũng than về tham nhũng nhưng đặc biệt tố cáo“Vợ Trần Đức Lương xây nhà lớn. Con Phan Văn Khải làm ăn đủ kiểu...”. Đoạn kết, Mai Chí Thọ ca tụng đảng “...đã lãnh đạo cả dân tộc đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược Nhật, Pháp, Mỹ, Tàu Tưởng…” nhưng không nói đến Tàu Cộng.
Chu Huy Mân, cựu trung tướng, ủy viên bộ Chính Trị khóa V, bị đại hội đảng lần thứ VI năm 1986 loại ra vì tham nhũng cũng viết bài chỉ trích tham nhũng.
Một số khác có những ý kiến táo bạo hơn như Nguyễn Huệ Chi, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Trung, Nguyễn Trọng Vĩnh… Nhưng đóng góp của những người này chỉ là những cải cách nửa vời nhằm cải thiện lại cơ cấu đảng chứ không thực hiện cải cách dân chủ cho toàn dân, chẳng hạn Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ ở Trung Quốc chê việc làm của ban chấp hành trung ương đảng từ xưa tới nay “thiếu dân chủ”, nhưng phương cách “dân chủ hóa” của Nguyễn Trọng Vĩnh chỉ là “danh sách những người ứng cử trung ương đảng (dù do trung ương chọn lựa hay được cá nhân đề cử) nên xếp chung nhau theo thứ tự A,B,C chứ không để riêng ra”, hoặc “nếu cần 100 người, thì nên đưa ra danh sách 150 hay 200 để chọn chứ không nên 105 hay 110”. Dương Trung Quốc, một đại biểu quốc hội là một sử gia nên lưu tâm nhiều hơn đến tình trạng an ninh của đất nước. Ông nhận xét “văn kiện đề cập nhiều đến nguy cơ “diễn biến hòa bình” song không lưu tâm đến, hình như không có câu chữ nào, đề cập tới nhiệm vụ bảo toàn chủ quyền và lãnh thổ của đất nước…thực tế đang diễn ra cho thấy đang có nguy cơ bị “gậm nhấm” bằng rất nhiều thủ đoạn thâm độc, kiên trì và lâu dài. Không thể không nên làm nhiệm vụ củng cố toàn diện sức mạnh phát triển và phòng thủ biên cương và hải đảo…”. Ông Trần Đình Bút, cựu giáo sư trường đảng Nguyễn Ái Quốc, khẳng định là “không thể duy trì việc bộ máy quản lý nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng cộng sản và đề nghị cần phải xét lại điều 4 Hiến Pháp minh định vai trò lãnh đạo nhà nước của đảng CSVN”, còn ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ ở Thái Lan và Úc thì cho là những lãng phí trong khu vực quốc doanh, văn hóa suy đồi, tệ nạn tham nhũng đều có ít nhiều nguyên nhân sâu xa nằm trong tình trạng “đảng hóa” nhà nước. Để tỏ ra nhà nước đã cởi mở hơn, ý kiến của ông Nguyễn Trung được cho đăng trên báo Tuổi Trẻ. Dù bài của ông Trung đã bị cắt xén nhiều đoạn so với nguyên bản nhưng báo Tuổi Trẻ hôm đó bán hết sạch.
Thư của cựu đại tá Phạm Văn Hùng, nói kỳ đại hội đảng lần trước cũng có cả triệu thư góp ý, nhưng kết quả là báo cáo chính thức so với dự thảo vẫn y nguyên, không sai một chữ. Cuối cùng, ông Võ Văn Kiệt đưa ra nhận xét: “Việt Nam không phải không có nhân tài. Nhưng ở Việt Nam mấy thế kỷ qua, nhân tài chỉ được dùng như những người “điếu đóm” cho lãnh đạo”.
Bị gán là ý kiến của những “phần tử xấu” nhằm bôi bác chế độ, đảng và nhà nước là ý kiến của những người xưa nay vẫn tranh đấu cho dân chủ như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Phan Đình Diệu … Ngoài ra, còn có những ý kiến mạnh dạn của ông Đỗ Nam Hải là chính quyền nên dũng cảm dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê Nin vì nó lỗi thời và xa lạ với truyền thống dân tộc. Ông Lê Hồng Hà đề nghị đảng Cộng Sản nên bỏ từ ngữ định hướng xã hội chủ nghĩa. Riêng ông Đặng Văn Việt (18) nổi danh trong mặt trận Lạng Sơn trước 1954, đặt câu hỏi tại sao bản dự thảo chỉ dám viết về “20 năm đổi mới” mà không dám viết về “30 năm xây dựng kinh tế trong hòa bình”, để thấy là 10 năm đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, chống bóc lột, hoàn thiện kinh tế quốc doanh, nắm vững chuyên chính vô sản, đã đưa kinh tế quốc gia đến một suy sụp toàn diện. Ông Đặng Văn Việt cũng chia ra hai xu hướng chính trị hiện nay của Việt Nam:“xu hướng bảo thủ là những người có chức, có quyền, có thể bỏ tù người khác còn xu hướng tiến bộ là những người chỉ có cái miệng và ngòi bút”. Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng viết nhiều bài công kích đảng “độc quyền chân lý là thủ tiêu chân lý”. Những ý kiến đòi dân chủ kể trên chỉ được biết đến nhờ các tác giả khi gửi cho trung ương đảng còn gửi cho những người quen hay gửi cho những cơ quan truyền thông hải ngoại.
Ngoài những ý kiến đóng góp về vấn đề thực hiện dân chủ, cũng có những ý kiến về việc đảng viên có thể đứng ra kinh doanh tư nhân được không. Nguyễn Đức Bình, cựu chủ nhiệm trường đảng từng là ủy viên bộ Chính Trị phản đối việc này. Ông ta cho rằng kinh doanh thì phải mướn nhân công, trong khi đảng cộng sản là đảng của giai cấp công nhân, nay đảng viên trở nên chủ nhân, đứng vào giai cấp bóc lột thì cái tên cộng sản không còn ý nghĩa nữa. Ông viết nếu chấp thuận chuyện này thì đảng Cộng Sản nên đổi tên. Trần Bạch Đằng, một người xu thời, ủng hộ việc này vì “đó là áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác để “hưởng thụ thực lãi” chứ không phải “bóc lột giá trị thặng dư”. Một đảng viên khác là Hồng Hà, cũng nói không nên lãng phí khả năng của đảng viên trong công cuộc xây dựng kinh tế. Hồng Hà là một đảng viên bảo thủ nhưng từng cùng Lê Đức Anh rất coi trọng khuôn mẫu Trung Quốc cho nên đã ủng hộ việc này, bởi Trung Quốc đã làm năm năm trước (vào tháng 3-2003, Giang Trạch Dân đã đưa ra lý thuyết “ba đại diện” trong đó đảng cộng sản ngoài giai cấp công nhân, còn nhận làm đại diện cho cả doanh nhân và trí thức), còn Nguyễn Đức Bình, sau khi đảng CSVN chấp thuận cho đảng viên kinh doanh kiếm lợi, ông ta vẫn ở trong đảng.
Đại hội đảng lần thứ X vào giữa tháng tư năm 2006 đã chấm dứt nhiệm kỳ năm năm của trung ương đảng và bộ Chính Trị khóa IX của đảng CSVN. Kể từ 2001, sau khi ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ cùng với sự hồi phục của những nước trong vùng, kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng tuy rằng mức sống của người dân Việt Nam vẫn còn thua xa những nước khác trong vùng.
Nhưng tình trạng độc đảng đã giúp cho những cán bộ cao cấp hành động coi thường luật pháp khiến đảng viên dễ dàng tham ô. Để duy trì tình trạng độc tôn, về đối nội, CSVN tiếp tục đàn áp những người khác chính kiến và về đối ngoại, vẫn dựa vào Trung Quốc để làm hậu thuẫn, và cũng như những năm trước, Trung Quốc tiếp tục lợi dụng sự yếu thế của Việt Nam để từ từ lấn át trên vùng biển Đông. Kết thúc nhiệm kỳ của trung ương đảng khóa IX, đảng CSVN đã thành công trong công cuộc kéo dài một chế độ lỗi thời thêm 5 năm.
CHÚ THÍCH CHƯƠNG VI
_________________________________________
(1)— Việc mất chức của Lê Khả Phiêu: The lessons of Le Kha Phieu: Changing Rules in Vietnamese Politics của Dr. Zachary Abuza. Abuza cũng viết là tháng 2-2000, trước khi bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Cohen tới Việt Nam, Lê Khả Phiêu thình lình bay qua Bắc Kinh để trấn an Trung Quốc. Thỏa ước biên giới vịnh Bắc bộ ký được là do nhượng bộ của Lê Khả Phiêu trong cuộc họp thượng đỉnh tháng 12-2000 tại Bắc Kinh, không tham khảo trước với bộ Chính Trị và bộ ngọai giao.
(2)— Nguyễn Văn An có hậu thuẫn mạnh trong đảng nhưng vợ của ông ta nổi tiếng về tham nhũng nên An đã không được lên tổng bí thư. Ngoài ra, Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã ủng hộ Nông Đức Mạnh vì thấy Nông Đức Mạnh yếu thế, dễ bị lung lạc hơn Nguyễn Văn An.
(3)— Theo Trần Đình Hy trong Nhân Sự Trước Đại Hội X ngày 1-14-06: Trần Đình Hoan năm 2001 được thay Nguyễn Văn An làm trưởng ban tổ chức, một chức vụ rất mạnh trong đảng là nhờ “sự can thiệp bố trí áp đặt qúa sâu của anh Mười, anh Lê Đức Anh rất dai dẳng quyết liệt”.
(4)— Nguyễn Thị Xuân Mỹ là ủy viên bộ Chính Trị phái nữ đầu tiên của đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách chống tham nhũng. Một biện pháp chống tham nhũng được nhiều người biết tiếng nhất của bà là trong một bài phỏng vấn của một tạp chí phụ nữ, bà kêu gọi những bà vợ hãy tố cáo chồng nếu biết chồng tham nhũng (Shadows and Wind, Templer)
(5)— Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam: sau Trương Đức Duy là Tề Kiến Quốc rồi Hồ Càn Văn, một cán bộ thuộc sở tình báo Hoa Nam.
(6) - Lê Giản, người đầu tiên chỉ huy bộ máy công an Cộng Sản Việt Nam, bị mất chức vì Trung Quốc không chấp thuận (lý do là sau khi bị bắt đầy đi Phi Châu, năm 1945 được đồng minh thả rồi đưa về nước, như vậy là đã có vấn đề và không còn được tin cậy). Bị loại cùng lý do là Hoàng Hữu Nam, thứ trưởng nội vụ. Sau này, những người bị “tiêm nhiễm văn hóa đế quốc” cũng không được dùng. Gián điệp Phạm Xuân Ẩn chỉ được lãnh lương nhưng không được giữ một chức vụ nào, phi công phản bội Nguyễn Thành Trung chỉ được dùng làm huấn luyện viên nhưng không được bay trong nhiều năm. Cả hai đều phải trải qua những lớp học chính trị.
(7) - Việc tự ý thay đổi, thêm thắt, sửa chữa bài vở, sách báo một cách trắng trợn và thô bạo của Cộng sản là một điều thường xảy ra. Ông Nguyễn Văn Lục, trong website Đàn Chim Việt, ghi lại “Nguyễn Hiến Lê trong hồi ký chê thơ Tố Hữu là kỳ cục khi ca tụng Staline: “ thơ không đáng gọi là thơ khi gọi Nguyễn Du là anh”. Vậy mà khi nhà xuất bản Văn Học Hà Nội in lại hồi ký đó đã biến đổi ra như sau (trang 524):“Tố Hữu là một nhà thơ Cách Mạng, đóng góp rất lớn cho Cách Mạng”
(8) - Theo tác giả Hoàng Tranh (Huang Zheng), thư của Hồ Chí Minh gửi Tăng Tuyết Minh bị mật thám Pháp chặn được ngày 14-8-28 và hiện tang trữ tại C.A.O.M (Aix en Provence). Về chuyện tình cảm và gia đình của Hồ Chí Minh, ngoài bà Tăng Tuyết Minh còn nhiều người nữa, trong đó đáng kể là Nguyễn Thị Minh Khai và Nông Thị Xuân. Về bà Nguyễn Thị Minh Khai, theo bà Sophia Q. Judge, người tra cứu văn khố của đảng Cộng Sản Nga Xô qua tác phẩm Ho Chi Minh, The Missing Years thì hơi khác với cuốn sách về cuộc đời Hồ Chí Minh của tác giả Duiker. Duiker nói là trong khi Hồ Chí Minh ở Hồng Kông, làm đơn gửi Noulens, đại diện của Quốc Tế Cộng Sản, xin phép được cưới Minh Khai và Quốc Tế Cộng Sản đang cứu xét thì Minh Khai bị bắt nên Hồ Chí Minh chưa kịp cưới. Thời gian sau, bà Minh Khai bỏ Hồ Chí Minh và lấy Lê Hồng Phong. Còn bà Judge thấy là Hồ Chí Minh đã cưới bà Minh Khai vì trong danh sách 6 người Việt Nam đi tham dự đại hội 6 của Quốc Tế Cộng Sản năm 1934, có tên Quốc (HCM) và vợ (Minh Khai), cùng Lê Hồng Phong và 3 người khác. Ở Moscow, bà Khai cũng khai là có chồng tên Lin (cũng là HCM). Theo Duiker, trong thời gian này, được gặp Lê Hồng Phong, bà Khai mới bỏ HCM và lấy Lê Hồng Phong.
(9) - Sau hiệp định Genève, bộ Chính Trị định giới thiệu bà Nguyễn Thị Phương Mai, thành ủy viên tỉnh Thanh Hóa cho HCM, nhưng bà Phương Mai không chịu, đòi phải cưới hỏi đàng hoàng. Trần Đăng Ninh, lúc đó là chủ nhiệm tổng cục hậu cần mới giới thiệu bà Nông Thị Xuân. Bà Xuân về cư ngụ tại căn gác số 66 Hàng Bông Nhuộm, bên dưới căn gác là gia đình ông Nguyễn Qúi Kiên, chánh văn phòng phủ thủ tướng.
Sau khi bà Xuân bị giết, người con là Nguyễn Tất Trung lần lượt được các ông Nguyễn Lương Bằng, Chu Văn Tấn và cuối cùng là ông Vũ Kỳ nuôi. Một người em họ người viết đã được gặp ông Nguyễn Tất Trung. Nguyễn Tất Trung mới đầu chỉ là một công nhân viên thường nhưng sau này được Nguyễn Chí Vịnh đưa vào làm ở tổng cục 2.
(10) - Tin tức của Vietnam Express ngày thứ hai 23-2-04
(11) - Tin tức của People’s daily online ngày 28-12-04
(12) - Tin về dân tị nạn Bắc Hàn trong web site của human rights watch
(13) - Theo Vnexpress.net, Hoàng Linh được Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt nằm vùng ở báo Điện Tín trước 1975, đưa vào làm báo Công An, đã nhiều lần dọa cả Phạm Huy Phước, Liên Khui Thìn và nhiều người khác để lấy tiền. Huỳnh Bá Thành cũng có nhiều kẻ thù trong những vụ nhũng lạm chức vụ, chia chác không đều nên sau khi Huỳnh Bá Thành chết, hình như vợ con đã tìm đường sang Mỹ, hiện đang sống ở California.
(14) -Trần Mai Hạnh, ủy viên trung ương đảng, đại biểu quốc hội, tổng thư ký hội nhà báo, năm 1996 gửi thư cho Phạm Sĩ Chiến: “Hội nhà báo Việt Nam có nhận được thư khiếu nại khẩn cấp ngày 2-11-96 của bà Phan Thị Trúc…đề nghị can thiệp cho chồng bà là Trương Văn Cam bị đưa đi tập trung cải tạo sai pháp luật…”. Báo “Nhà báo và Công luận” ngày 21-10-1996 cũng đăng một bài cho là Năm Cam không thuộc diện đi tập trung cải tạo.
(15) - Dù luôn bị chỉ trích và tố cáo, Nguyễn Chí Vịnh vẫn thăng cấp rất nhanh, sau khi lên thay bố vợ Vũ Chính làm tổng cục trưởng tổng cục 2, được thăng thiếu tướng năm 2002, trung tướng năm 2005. Vì tổng cục 2 bị gia đình Vũ Chính kiểm soát hết và lãnh đạo cha truyền con nối nên còn được gọi là “Vương triều Vũ Chính”.
(16) - Quách Lê Thanh trong thư trần tình gửi cho các báo, đặc biệt nhấn mạnh ông là người Mường, không biết gian tham hay nói láo.
(17) - Theo ông Trần Đình Hy (website Đàn Chim Việt): mới đầu, Điềm được 12 trên 60 phiếu. Khi ra trước tiểu ban Văn hóa Thông tin và Khoa giáo của đảng bộ, chỉ còn có 2 trên 103 phiếu. Ngoài ra Nguyễn Khoa Điềm còn bị bố vợ là ông Nguyễn Đức Đạo viết thư cho trung ương đảng tố cáo là đã khai gian về tuổi đảng. Điềm sinh tại Huế, ra Bắc năm 1954, được lén lút đưa trở về họat động nội thành cùng Tô Nhuận Vỹ (sau này làm tờ Sông Hương), và Trần Vàng Sao, tới 1964 bị bắt giam ở Huế, năm 1968 được giải thoát. Trong bưng, Điềm được đề bạt giữ chức tuyên huấn, nhưng bị các cán bộ đảng ủy miền Trung hồi đó bác vì Điềm lúc đó “chưa là đảng viên, trong tù là phần tử phản bội, đầu hàng, khai báo có hại cho cách mạng”. Vì thế ông Đạo đã rất ngạc nhiên về đảng tịch và sự thăng tiến nhanh chóng của Điềm.
(18) - Đặng Văn Việt là con của Đặng Văn Hướng, một cựu bộ trưởng. Trong Cải Cách Ruộng Đất, vợ chồng ông Hướng về quê và vị bắt để đưa ra đấu tố vì là giai cấp địa chủ. Người vợ tức quá treo cổ tự tử.
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...