. .

Thursday, May 14, 2009

UNESCO có vinh danh ông Hồ Chí Minh hay không?

by - Nguyễn An, phóng viên RFA & Sử gia Trần Gia Phụng

Nguyễn An, phóng viên đài RFA 2008-05-19

Trong sách giáo khoa cũng như trên báo chí Việt Nam, một điều luôn đựơc nhắc đi nhắc lại một cách tự hào, là Tổ chức Văn Hóa, Khoa học và Giáo Dục Liên Hiệp quốc, tức UNESCO đã vinh danh ông Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa thế giới nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của ông, vào năm 1990.

Vì thế, trong dịp ấy, sinh nhật của ông Hồ đã được tổ chức trọng thể tại Hà nội cũng như tại trụ sở của UNESCO ở Paris.

Vào khi Internet nở rộ và khá nhiều chi tiết liên quan đến đời sống cũng như sinh họat cuả ông Hồ với những chứng cớ hiển nhiên đựơc phổ biến rộng rãi, khiến một số điều từ trứơc đến nay vốn đựơc tin tửơng tuyệt đối đã đựơc chứng minh ngược lại, giới trẻ trong ngòai nứơc cũng đặt vấn đề về chuyện vinh danh.

Đã có một số vị thẩm quyền lên tiếng trả lời, nhưng thắc mắc vẫn chưa dứt.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, nhân dịp 19 tháng 5 năm nay, biên tập viên Nguyễn An của ban Việt ngữ đài Á Châu Tự do tổng hợp thông tin từ những nguồn đáng tin cậy, để trình bày một lần cho rõ câu chuyện.

Chúng tôi sẽ căn cứ vào bản nghị quyết của Liên Hiệp quốc hiện còn đựơc lưu trữ mà ai cũng có thể tham khảo, và phỏng vấn hai người:

Thứ nhất là nhà báo Bùi Tín, nguyên đại tá quân đội, phó tổng biên tập báo Nhân Dân. Ông từng có mặt tham dự lễ kỷ niệm năm 1990 tại Hà nội và cũng từng đến tận trụ sở UNESCO ở Paris để hỏi chuyện.

Thứ hai là tiến sĩ Nguyễn Văn Trần, người lãnh đạo nhóm phản đối nghị quyết của Liên Hiệp quốc và đấu tranh để hủy bỏ, hay ít nhất vô hiệu hóa nghị quyết ấy. Chúng tôi cũng mong nhận đựơc thêm ý kiến của quý thính giả về chuyện này.

Thông lệ của UNESCO

Câu chuyện bắt đầu với ngày sinh của ông Hồ và thông lệ của UNESCO, là tưởng niệm ngày sinh thứ 100, hay chia chẵn cho 100, của những nhân vật kiệt xuất của các nứơc thành viên, theo đề nghị từ các nứơc ấy, nên trứơc hết, thiết tưởng phải nói về ngày sinh của ông Hồ, mặc dù ai cũng nói rằng ông sinh ngày 19 tháng năm năm 1890. Nhà báo Bùi Tín nói:

“Tôi theo dõi vấn đề này đến 15 năm nay và hiện nay tôi cũng vẫn chưa xác định được ngày sinh đúng của ông Hồ là ngày nào, bởi vì ổng khai đều là chính thức cả đến 5 chỗ, mà 5 chỗ đó là 5 ngày sinh khác nhau. Và ngày sinh gốc thì ngay sổ sinh ở quê ổng là làng Kim Liên cũng là khác, theo ngày âm lịch mà chuyển sang (dương lịch) cũng không phải là Ngày 19-5-1890.

Thế rồi ngày mà ổng sang Moscow đáng lẽ phải khai đúng với Quốc Tế Cộng Sản III (Đệ Tam Quốc Tế) cũng lại khai khác đi là Tháng 4 chứ không phải là Tháng 5.

Thế rồi đến ngày khi ở Pháp khi ổng trả lời phỏng vấn trên tờ Le Paria với tờ L'Humanité cũng lại khác nữa. Cho đến nay thì tôi nghĩ là không ai có thể chứng minh được ngày sinh chính thức của ông Hồ là ngày nào, nhưng chỉ biết đích xác Ngày 19 Tháng 5 là một ngày giả.”

Như vậy là 100 năm ngày sinh của ông Hồ chưa chắc đã là 19 tháng 5 năm 1990, như bức thư của ông Võ Đông Giang, bộ trưởng, chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam viết gửi tổng giám đốc UNESCO, ông Amadou Mahtar M’Bow ngày 14 tháng tư năm 1987.

Phóng ảnh bức thư cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt đựơc đính kèm bài này để tham khảo, nhưng sau đây là phần chính:

“Nhân dân Việt Nam sẽ tổ chức trọng thể kỉ niệm lần thứ100 ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/1990).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng dân tộc, đồng thời là nhà văn hóa xuất sắc của Việt Nam. Do vai trò và cống hiến vô cùng to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, và sự gắn bó cuộc đời họat động của người với sự nghiệp đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; do những đóng góp to lớn của người vào việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng kỉ niệm lần thứ 100 ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế lớn lao.”

Những vận động của Hà Nội

Sau khi đề nghị Đại hội đồng khóa 24 của UNESCO thông qua nghị quyết kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của ông Hồ, và ghi tên ông Hồ vào danh sách danh nhân thế giới sẽ đựơc tổ chức kỷ niệm vào năm 1990.

Đề nghị ấy đựơc đại hội đồng khóa 24 của UNESCO chấp thuận và phần bịên minh của ông Võ Đông Giang được ghi nguyên văn trong bản nghị quyết. Văn bản này đựơc ghi lại trong hồ sơ lưu trữ của đại hội đồng khóa họp thứ 24 tại Paris từ 20 tháng 10 đến 20 tháng 11 năm 1987, ở trang 134, mục 18.65, và phóng ảnh đựơc đính kèm. Đường link dẫn tới hồ sơ này đựơc chép lại ở cuối bài để quý thính giả tiện tham khảo.

Phần cuối bản nghị quyết đề nghị tổng giám đốc UNESCO có các bứơc đi thích hợp để kỷ niệm ngày sinh thứ 100 của chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời hỗ trợ các họat động kỷ niệm đựơc tổ chức nhân dịp này, nhất là với những họat động ở Việt Nam.

Như vậy, nghị quyết vinh danh ông Hồ Chí Minh của UNESCO là có thật, theo đề nghị của phái đòan Việt Nam và dựa trên những điều phái đòan Việt Nam đưa ra để biện minh. Cùng với ông Hồ, còn có một số nhân vật khác, trong đó ở Á Châu, có ông Nehru của Ấn độ.

Vấn đề thứ hai là UNESCO, nhất là ông tổng giám đốc đã thực hiện nghị quyết ấy thế nào, vì từ khi có nghị quyết đến khi dự trù thực hiện, còn gần ba năm nữa.

Cộng đồng người Việt phản đối

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần kể lại: Khi chúng tôi ở Paris hay tin được có cái quyết định vừa được ban hành thì anh em chúng tôi ở Paris lập tức họp lại với nhau và thảo luận cái phương pháp nào, tìm cách chống lại nghị quyết của UNESCO.

Ông Trần nói lý do khiến cộng đồng người Việt phản đối nghị quyết của UNESCO là:

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần : Thì với 2 tư cách : Hồ Chí Minh là một nhà văn hoá, Hồ CHí Minh là một người giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân Pháp, thì chúng tôi vận động dư luận Việt Nam phản đối cả hai điểm đó.

Điểm thứ nhứt, Hồ CHí Minh không phải là nhà văn hoá : Căn cứ vào trình độ học vấn của Hồ Chí Minh thì tất cả tài liệu chúng tôi có đưa ra là Hồ Chí Minh chỉ học qua Lớp 3, không thể là nhà văn hoá được.

Và tác phẩm Ngục Trung Nhật Ký mà nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra cho đó là tác phẩm của Hồ Chí Minh thì được Giáo sư Lê Hữu Mục chứng minh rằng tác phẩm đó không phải là một tác phẩm thật của Hồ CHí Minh.

Vấn đề văn hoá thì chứng mình rõ ràng rồi, tất cả ai cũng thấy, mấy người khác cũng nhìn nhận chuyện đó. Bây giờ chứng minh ông Hồ không phải là nhà giải phóng thì họ cũng nhìn nhận bởi vì Hồ Chí MInh có công đánh đuổi thực dân Pháp nhưng mà để thiết lập một chế độ cộng sản chứ không phải là một chế độ thật sự như người Việt Nam mong muốn. Điều đó họ thấy rõ.

Chúng tôi họp đồng bào ở vùng Paris và tổ chức một uỷ ban để phản đối UNESCO về việc chấp thuận làm lễ cho Hồ Chí Minh ở Paris, tại trụ sở UNESCO. Uỷ Ban đó chúng tôi chọn cái tên là Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh. Anh em bầu tôi làm tổng thư ký.”

Ông Nguyễn Văn Trần cũng cho biết là chủ trương của cộng đồng người Việt hải ngọai và họat động của ủy ban đựơc sự ủng hộ mạnh mẽ của Hội Cựu Chiến Binh Pháp và Quốc Hội cũng như Chính Phủ Pháp, vì một số cựu chiến binh khi đó đã tham chính hay trở thành đại biểu dân cử, và họ biết rất rõ về Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh:

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần : “Và chúng tôi liên lạc được với Hội Cựu Chiến Binh và Hội Những Người Bạn Đông Dương (ANAI) do Tướng Simon làm Hội Trưởng. Ông giới thiệu những người trong quân đội Pháp, những công chức ở đây mà bây giờ họ là dân biểu và thượng nghị sĩ. Chúng tôi viết thư với tư cách là Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh, chúng tôi viết thư cho những vị đó. Tất cả thư từ đều được trả lời rất là thuận lợi, tức là những vị dân cử lúc nào cũng yểm trợ lý do tranh đấu của chúng tôi.”

Quyết định của UNESCO

Đến Tháng 5 Năm 1990, thì tình hình đã rõ, có nghĩa là UNESCO quyết định không thực hiện nghị quyết mặc dù họ không thể công khai hủy bỏ nghị quyết ấy, vì chưa đến kỳ họp đại hội đồng. Cơ duyên đưa đến kết quả này đựơc ông Trần kể lại:

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần : “Đến Năm 1990 thì biến cố Đông Âu đã làm cho tất cả những người có thiện cảm với Hồ Chí Minh, người Pháp có thiện cảm với Hồ Chí Minh thì đều thay đổi hết. Có cái cơ may nữa là ông Tống Giám Đốc M'Bow (người Phi Châu da đen) hết nhiệm kỳ và không được bầu lại, và ông Frederico Meillor (người Tây Ban Nha) được bầu làm tân Tổng Giám Đốc UNESCO. Ông Meillor là người không có cảm tình với cộng sản như ông M'Bow nên đó là một thuận lợ cho chúng tôi. Và yếu tố mà tôi nghĩ là có tính quyết định, đó là chúng tôi chứng minh được Ngày 19 Tháng 5 không chắc là cái ngày sanh thiệt của Hồ Chí Minh, và một tổ chức văn hoá - khoa học thì không thể chấp nhận một điều không chính xác.

Sau đó UNESCO mời chúng tôi lại để trả lời. Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ lúc đó là một người Lào đã trả lời chúng tôi rằng "Chúng tôi không có quyền huỷ bỏ cái nghị quyết. Chúng tôi chỉ làm được một việc là không thi hành cái nghị quyết đó. Và chúng tôi thông báo cho ông biết rằng Thị Xã Paris không tham dự, Chính Phủ Pháp không tham dự, UNESCO không tham dự, và UNESCO không tổ chức cái lễ đó tại trụ sở UNESCO và cũng không thi hành cái nghị quyết là sẽ trợ cấp một khoản cho Hà Nội tổ chức tại Hà Nội". Và họ thông báo thêm rằng Toà Đại Sứ Việt Nam ở Paris thuê 2 phòng ở trong trụ sở UNESCO để tổ chức. Lúc đó chúng tôi phản đối nên họ rút lại chỉ còn 1 phòng thôi."

Nhà báo Bùi Tín lúc đó đang có mặt ở Hà Nội, và có tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Hồ. Đựơc hỏi về sự tham gia và hỗ trợ của UNESCO đối với họat động ấy, như đựơc ghi trong nghị quyết vinh danh, ông nói: “Vâng. Tôi tham dự cái buổi lễ đó vào buổi sáng Ngày 19-5-1990. Tuyệt nhiên không có một đại diện nào của UNESCO tham dự ở đấy cả. UNESCO không có một đại biểu nào đến dự cả.”

Nhà báo Bùi Tín sau đó đã đến trụ sở của UNESCO ở Paris để tìm hiểu thêm và cho biết:

“Tôi đã đến tận UNESCO để tìm và tôi đã gặp bà Elisabeth là người phụ trách thư viện của UNESCO lớn lắm và bà nắm tất cả hồ sơ chính thức của UNESCO, và bà ấy cũng biết ngay và trả lời tôi trong khoảng 40 phút về nội dung của vấn đề này. Bà xác định rõ là lúc đầu có một nghị quyết có thật của UNESCO nhưng mà nghị quyết đó là thông qua cái đề nghị viết sẵn của đoàn Việt Nam.

Thế nhưng trước ngày kỷ niệm hoặc một năm thì cả một phong trào chống đối rất là mạnh mẽ, do đó mà UNESCO chủ trương là không đứng ra để tổ chức cái đó nữa và để cho Việt Nam muốn tổ chức như thế nào thì tuỳ nhưng mà không được lấy danh nghĩa UNESCO. Lúc bấy giờ ông Tổng Thư Ký UNESCO nói rằng nếu muốn xoá bỏ nghị quyết đó thì phải có Đại Hội Đồng UNESCO, mà Đại Hội Đồng UNESCO thì 5 năm mới họp một lần, do đó phải 3 năm nữa mới có thể trình vấn đề đó được.

Cho nên chủ trương của chúng tôi là như thế này, tức là không cung cấp tài liệu và tài chính cho cái kỷ niệm này và cũng không tham dự chính thức cái tổ chức này ở bất cứ đâu, và ngay ở Pháp là trụ sở của UNESCO cũng sẽ không tổ chức gì hết. Nếu phía Việt Nam muốn thì phải thuê một cái phòng nhỏ của UNESCO và cũng không được niêm yết một tài liệu nào nói rõ là UNESCO chủ trương tổ chức lễ kỷ niệm này để coi ông Hồ là danh nhân văn hoá thế giới.

Đó cũng chính là điều mà ông Trần phát biểu và đó cũng chính là điều đựơc ghi lại trong bài báo về lể kỷ niệm này của tác giả Văn Chấn trong báo An Ninh Thế Giới, số 177 ra ngày 18/5/2000, trang 34, nguyên văn như sau:

"Về phần nội dung buổi lễ, ta có thay đổi chút ít. Đồng chí đại sứ của ta không đọc bài diễn văn dài về Bác, mà thay vào đó là đồng chí Nguyễn Kinh Tài, đại sứ bên cạnh UNESCO, đọc diễn văn ngắn nói về ý nghĩa lễ kỷ niệm, đọc quyết định của đại hội đồng UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Chủ tịch Hội đồng người Việt tại Pháp phát biểu ý kiến về công lao của Bác Hồ đối với dân tộc và thế giới; cuối cùng là chương trình xem văn nghệ do đòan cải lương trong nứơc sang phục vụ."

Trên đây là những thông tin do Nguyễn An tổng hợp liên quan đến việc UNESCO vinh danh ông Hồ Chí Minh là danh nhân thế giới. Chúng tôi mong nhận đựơc thêm ý kiến của quý thính giả về chuyện này. Xin cảm ơn quý vị.


Thông Tin liên quan:

==> Nghị quyết của UNESCO về trường hợp ông Hồ Chí Minh

==> Phóng ảnh bức thư tiếng Pháp của Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam gửi tổng giám đốc UNESCO

==> Phóng ảnh bức thư tiếng Việt của Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam gửi tổng giám đốc UNESCO


TỔ CHỨC UNESCO KHÔNG VINH DANH HỒ CHÍ MINH

TRẦN GIA PHỤNG Toronto, CA


Theo tài liệu được đưa lên Internet vào cuối tháng 5-2005 của tiến sĩ Phan Văn Song, hiện cư ngụ tại Paris, thì vào năm 1987, do sự vận động của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và những thành phần thiên tả trong UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc), ông Hồ Chí Minh (1890-1969) được đề cử vào "Danh sách danh nhân văn hóa thế giới“ của tổ chức UNESCO, nhân dịp kỷ niệm một trăm năm sinh niên nhà chính trị nầy (1990). Lúc đó, Tổng giám đốc UNESCO là ông M'Bow, người Phi Châu.
Quyết định đề cử Hồ Chí Minh vào "Danh sách danh nhân văn hóa thế giới“ bị cộng đồng người Việt hải ngoại phản đối khắp nơi trên thế giới. Riêng tại Paris, nơi đặt trụ sở của UNESCO, Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh được thành lập, do ông Nguyễn Văn Trần làm Tổng thư ký. Uỷ ban nầy đã hoạt động tích cực như sau:
1) Vận động người Việt và báo chí Việt ngữ ở hải ngoại (Bắc Mỹ, Úc Châu, Âu Châu, Nhật Bản) viết thư cho UNESCO vạch trần tội ác của Hồ Chí Minh và chế độ cộng sản trong nước, đồng thời phản đối việc đề cử Hồ Chí Minh vào danh sách danh nhân văn hóa thế giới. Ý kiến phản đối lên đến khoảng 20,000 thư, đều được Giám đốc phụ trách vùng Đông Nam Á của UNESCO chuyển cho Đại diện của Hà Nội tại UNESCO. Ngoài ra, có người còn viết sách tố cáo ông Hồ đã ăn cắp thơ (đạo thơ) của người khác làm thơ của mình trong sách Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù). (Lê Hữu Mục, Hồ Chí Minh không phải là tác giả „Ngục trung nhật ký“, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Canada, 1990.)
2) Liên lạc và kêu gọi Uỷ Ban Tương Trợ Việt-Miên-Lào và Hội Cựu Chiến Binh Đông Dương lên tiếng tố cáo Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam đã vi phạm nhân quyền đối với tù binh Pháp sau chiến tranh Đông Dương.
3) Liên hệ với Thị xã Paris và một số dân biểu, nghị sĩ Pháp để đề nghị họ đưa vấn đề ra trước Quốc hội Pháp, nhắm yêu cầu chính phủ Pháp có ý kiến với UNESCO về đề nghị vinh danh HCM, vì trụ sở của tổ chức nầy đặt tại Paris.
Trong lúc cuộc vận động đang diễn tiến, thì vào cuối thập niên 80, có ba sự kiện quan trọng xảy ra:
1) Trong nội bộ UNESCO, ông tổng thư ký M'Bow, thôi giữ chức tổng giám đốc, và ông Frédéric Mayer, người Tây Ban Nha đắc cử chức Tổng giám đốc. Ông Mayer không ủng hộ nhóm thiên tả, và không ủng hộ việc đề cử Hồ Chí Minh vào „Danh sách danh nhân văn hóa thế giới“.
2) Tại Việt Nam, số người vượt biên càng ngày càng cao. Từ năm 1975 đến năm 1989 (trước thời điểm Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ra lệnh khóa sổ các trại tỵ nạn, không nhận người vượt biên), số người vượt biên đến được nơi tạm dung lên đến khoảng 900,000 người, không kể số người tử nạn trên đường vượt biên.(theo thống kê do Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đưa ra năm 2000, được nhà báo Giao Chỉ ghi lại trong bài „Lịch sử 30 năm định cư tỵ nạn 1975-2005“, nhật báo Người Việt o¬nline, ngày 1-4-2005.)
3) Các nước cộng sản Đông Âu bắt đầu lung lay và sụp đổ từ cuối năm 1989.
Cuộc vận động của Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh, phản ứng của Cộng đồng người Việt khắp thế giới, và ba sự kiện trên đây đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến UNESCO và cuối cùng UNESCO quyết định không thi hành việc đề cử Hồ Chí Minh vào „Danh sách danh nhân văn hóa thế giới“. UNESCO cũng thông báo cho nhà cầm quyền Hà Nội biết, đại để như sau:
- UNESCO không tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm sinh niên của Hồ Chí Minh tại Paris, cũng thư tại Hà Nội.
- Thuận cho Tòa Đại sứ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở Paris thuê một phòng tại trụ sở UNESCO để tự tổ chức, nhưng UNESCO không cử đại diện tham dự lễ.
- Trong buổi lễ, ban Tổ chức không được tuyên truyền rằng UNESCO đã đề cao Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới, không được treo ảnh Hồ Chí Minh trong hội trường.
- Thiệp mời chỉ được ghi là "tham dự buổi văn nghệ".
Tuy UNESCO quy định như vậy, nhưng theo cung cách cộng sản, tòa Đại sứ CHXHCNVN vẫn lén lút làm giấy mời có nội dung vinh danh Hồ Chí Minh để gởi cho người Việt, còn in 100 giấy mời chính thức đề là "tham dự buổi văn nghệ" để gởi người ngoại quốc, nhắm tránh bị UNESCO khiển trách.
Trong cuộc nói chuyện trước Cộng đồng Việt Nam tại Montreal, vào ngày Chủ nhật 25-4-2004, bác sĩ Nguyễn Ngọc Qùy, một nhà hoạt động chính trị kỳ cựu tại Paris, đã cho biết rằng sau khi UNESCO quyết định như trên, để vớt vát, tòa Đại sứ CHXHCNVN tại Paris đã thuê một phòng tại trụ sở UNESCO ở Paris để tổ chức buổi trình diễn văn nghệ vào ngày 12-5-1989, đúng một tuần lễ trước sinh nhật của Hồ Chí Minh. Trong buổi trình diễn văn nghệ nầy, có khoảng 70 người hiện diện, bao gồm cả ban tổ chức và nhóm "Việt kiều Yêu nước" là tổ chức do CSVN lập ra. UNESCO và Pháp không cử đại diện đến dự. Chỉ có hai nước gởi người đến tham dự là Cambodia và Lào.
Trong buổi trình diễn văn nghệ nầy, ông Đại sứ CHXHCNVN tại Pháp là Phạm Bình không đọc diễn văn, mà chỉ có ông Nguyễn Kinh Tài, đại diện CHXHCNVN tại UNESCO đọc bài viết ngắn về ý nghĩa buổi lễ, ca tụng sự nghiệp của Hồ Chí Minh, nhưng theo đúng tinh thần quyết định sau cùng của UNESCO, là không đề cập gì đến vấn đề danh nhân văn hóa thế giới.
Tong lúc đó, trong khi phía CSVN đang trình diễn văn nghệ, thì phái đoàn của Uỷ Ban Quốc Tế Trần Văn Bá do ông Trần Văn Tòng, Chủ tịch UBQTTVB, cùng với các học giả Olivier Todd, Jean Francois Revel, thành viên sáng lập UBQTTVB và bà Anne Marie Goussard, Tổng thư ký Hội Quốc tế Nhân quyền, đến gặp ban Giám đốc UNESCO để hỏi rõ mục đích và ý nghĩa của buổi sinh hoạt văn nghệ nầy tại một phòng họp của UNESCO.
Đại diện UNESCO xác nhận với phái đoàn Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá rằng, đây là buổi văn nghệ do Tòa Đại sứ CHXHCNVN tổ chức, chứ không phải là lễ vinh danh Hồ Chí Minh của UNESCO. Sau khi ban Giám đốc UNESCO xác nhận như trên, trong cuộc họp của Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá tại trung tâm Maubert Mutualité (Paris 5ème) vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày 12-5-1989, ông Olivier Todd đã lên diễn đàn tường trình lại cuộc tiếp xúc với Ban Giám đốc UNESCO. Trong khi tường trình, ít nhất ông Olivier Todd đã hai lần nói rõ rằng Ban Giám đốc UNESCO xác nhận rằng UNESCO không tổ chức vinh danh Hồ Chí Minh, và cũng cho biết buổi trình diễn văn nghệ nhân kỷ niệm một trăm năm sinh niên Hồ Chí Minh vào chiều hôm đó, là do sáng kiến của Tòa Đại sứ CHXHCNVN mà thôi.

Như thế, tổ chức UNESCO chưa bao giờ vinh danh Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới. Đó là sự thật của câu chuyện được các người tham dự tại chỗ kể lại. Nếu ai chưa tin, thì có thể liên lạc thẳng với những người trong cuộc, đã từng chứng kiến tại chỗ việc nầy, hiện còn sống ở Paris để hỏi cho rõ. Ngoài ra, hồ sơ của UNESCO vẫn còn đó, rộng mở cho tất cả những nhà nghiên cứu, kể cả những nhà nghiên cứu của CHXHCNVN. Thời đại nầy là thời đại khoa học kỹ thuật thông tin tiến bộ, mọi dữ kiện đều được ghi nhận cụ thể, nên mọi người có thể sưu tra dễ dàng trong các văn khố, nhất là những nguồn tin không thuộc loại bí mật quốc gia như việc vinh danh một nhà hoạt động chính trị, chẳng cần gì phải để thời hạn lâu ngày mới công bố.

Nói thêm cho rõ: Nếu UNESCO quả thật có vinh danh ông Hồ Chí Minh, thì phải có văn bản vinh danh cụ thể, chứ không phải bằng lời nói suông. Trong trường hợp đó, chắc chắn nhà nước CHXHCNVN sẽ tổ chức lễ tiếp nhận văn bản nầy rất long trọng, chứ không im tiếng như lâu nay, và chắc chắn nhà cầm quyền CHXHCNVN sẽ làm ảnh sao (photocopy) văn bản nầy, công bố lên khắp mạng lưới thông tin toàn cầu để thu phục lòng người khắp trên thế giới. Hơn nữa, ảnh sao nầy sẽ được treo khắp hang cùng ngõ hẻm tại Việt Nam, kể cả bắt treo kèm với hình ông Hồ tại nhà của mỗi người dân. Người Việt Nam còn nhớ rõ, mỗi khi một di tích ở Việt Nam được UNESCO thừa nhận là di sản văn hóa thế giới như Mỹ Sơn (Quảng Nam), cổ thành Huế, Vịnh Hạ Long..., nhà nước CHXHCNVN đã làm lễ đón nhận sắc bằng của UNESCO ồn ào cờ trống suốt cả tháng trời, quảng cáo khắp thế giới, huống gì là chuyện ông Hồ.

Tuy nhiên, do hệ quả của việc tuyên truyền giáo dục nếp lang quy mô cứ từ trên xuống dưới như thế nhiều năm, nên người dân Việt Nam và 100% học sinh tiểu học, trung học, đại học ở trong nước đều tin tưởng HCM là danh nhân văn hóa của thế giới thật.

Trong khi đó tất cả người Việt sinh sống ở nước ngoài đều biết rõ đây là trò gian lận. Gần đây Ðài Á Châu Tự Do trong phần hội luận với sinh viên trong và ngoài nước, sáng thứ tư hàng tuần, do cô Trà Mi phụ trách, có nêu vấn đề này. Do có những nghi ngờ sinh viên Nguyễn Thanh ở Sài Gòn đã viết thư cho UNESCO hỏi xem HCM có phải là danh nhân văn hóa thế giới do nghị quyết của UNESCO thực hiện hay không? Anh đã nhận được thư hồi âm của UNESCO trả lời rõ là việc đó rất tiếc chưa hề xảy ra. Nghĩa là họ phủ định.

Theo tôi việc UNESCO trả lời sinh viên Nguyễn Thanh hay cá nhân nào khác chưa đủ, mà họ phải có một văn bản chính thức gửi cho chính phủ CHXHCNVN. Nói rõ cho họ biết là tổ chức UNESCO không hề có một nghị quyết nào như thế cả, và đề nghị chính phủ CHXHCNVN phải rà soát lại toàn bộ những điểm liên quan đến vấn đề này, như các sách sử và những biên soạn sách giáo khoa ở Việt Nam, một cách nghiêm chỉnh đúng với sự thực.

Về phương diện tinh thần nó vô cùng nguy hiểm và độc hại hơn cả bom đạn, nhất là đối với các thế hệ học sinh, sinh viên cũng như nhân dân Việt Nam.

Dùng danh nghĩa UNESCO để lừa dối cả một dân tộc làm cho hàng trăm triệu con người tin tưởng một cách sai lạc, nhất là về mặt lịch sử, văn hóa, giáo dục, đạo đức là một việc không thể làm ngơ. Chính vì vậy mà cơ quan văn hóa, khoa học, giáo dục Liên Hiệp quốc phải có bổn phận và trách nhiệm giải độc cho dân tộc chúng tôi.

Về phương diện pháp lý quốc tế, chính phủ CHXHCNVN và cả cơ quan UNESCO phải có trách nhiệm.

Xét rằng không ai có thể làm thay được UNESCO. Cơ quan có liên hệ đến các quốc gia trên toàn thế giới. Riêng về sự việc trên nó có liên quan trực tiếp đến cả dân tộc Việt Nam, lịch sử Việt Nam.

Nhìn ở góc độ pháp lý khác UNESCO có quyền lợi, họ có danh dự, họ phải tự bảo vệ mình. Khi có cá nhân hoặc quốc gia nào lợi dụng uy tín của mình (nhãn hiệu) (mác) (bản quyền, phát minh) để làm giả thì phải có biện pháp. Vả lại các sáng chế phát minh, đến các bảng hiệu quảng cáo người ta còn giữ bản quyền huống hồ là một tổ chức lớn nhất thế giới như UNESCO.

Chúng tôi mong rằng họ sớm phải có một văn bản chính thức gởi cho Hà Nội, và những biện pháp pháp lý hữu hiệu. Chúng tôi cũng hy vọng các tổ chức của người Việt ở trong nước cũng như ngòai cần có một văn thư gửi cho UNESCO. Ðây cũng là trách nhiệm của các đoàn thể, của mọi người trong vấn đề vô cùng quan trọng này đối với chính con em chúng ta, với lịch sử ..........!

Trần Nhu, Nguyệt San Việt Nam (nsvietnam.com)



Thông tin liên quan:
- Nghị quyết của UNESCO về trường hợp ông Hồ Chí Minh:

- Phóng ảnh bức thư tiếng Pháp của Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam gửi tổng giám đốc UNESCO :

- Phóng ảnh bức thư tiếng Việt của Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam gửi tổng giám đốc UNESCO

__________________

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...