HỒ TRƯỜNG
Nguyễn Bá Trác
Đại trượng phu không hề xé gan, bẻ cật phủ cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương
Trời Nam, nghìn dặm thẳm
Chí chưa thành,
Danh chưa đạt
Trai trẻ bao năm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát,
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang
Ai người tri kỷ ?
Lại đây cùng ta
Cạn một hồ trường !
Hồ trường, hồ trường
Ta biết rót về đâu ?
Rót về Đông phương
Nước biển Đông chảy xiết
Sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương
Mưa Tây sơn từng trận
Chứa chan !
Rót về Bắc phương
Ngọn Bắc phong vi vút
Đá chạy cát tung !
Rót về Nam phương
Trời Nam mù mịt ...
Có người quá chén
Như điên, như cuồng ...
Nào ai tỉnh ?
Nào ai say ?
Chí ta, ta biết
Lòng ta, ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Bá Trác
Đại trượng phu không hề xé gan, bẻ cật phủ cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương
Trời Nam, nghìn dặm thẳm
Chí chưa thành,
Danh chưa đạt
Trai trẻ bao năm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát,
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang
Ai người tri kỷ ?
Lại đây cùng ta
Cạn một hồ trường !
Hồ trường, hồ trường
Ta biết rót về đâu ?
Rót về Đông phương
Nước biển Đông chảy xiết
Sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương
Mưa Tây sơn từng trận
Chứa chan !
Rót về Bắc phương
Ngọn Bắc phong vi vút
Đá chạy cát tung !
Rót về Nam phương
Trời Nam mù mịt ...
Có người quá chén
Như điên, như cuồng ...
Nào ai tỉnh ?
Nào ai say ?
Chí ta, ta biết
Lòng ta, ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
CÁC DƯ LUẬN CHUNG QUANH bài HỒ TRƯỜNG và NGUYỄN BÁ TRÁC
1/ Bài của Vương Trùng Dương (trên xuquang.com)
Nguyễn Bá Trác (1881-1945) & bài thơ Hồ Trường
Vương Trùng Dương
Nhà văn Nguyễn Bá Trác, bút hiệu Tiêu Đẩu đã đóng góp nhiều công trình biên soạn được đăng tải trên báo Nam Phong và xuất bản nhiều tác phẩm vào tiền bán thế kỷ XX nhưng trải qua nhiều thập niên, tên tuổi của ông chỉ được nhắc đến qua bài thơ Hồ Trường.Bước vào năm Ất Dậu, nhân 60 năm ngày mất của ông, chúng tôi đề cập đến hình ảnh người quá cố đã có công đóng góp cho nền văn học và lịch sử đất nước nhưng bị phôi phai theo thời gian. Đây chỉ là bài viết có tính cách tổng quát về tác giả và bài thơ được đăng tải trên tờ Nam Phong vào đầu thập niên 20, được sao chép lại và lưu truyền rộng rãi nhưng được bàn cãi khá nhiều qua nguyên tác của nó, vấn đề nầy xin nhường cho những nhà nghiên cứu văn học, chúng tôi ghi nhận những điều qua sách báo.
Đôi Dòng Về Tác Giả
Nguyễn Bá Trác sinh năm Tân Tỵ, 1881 tại làng Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam. Địa danh làng nầy đã được đề cập trong bài viết về nhà văn Phan Khôi (1887-1959) ở vùng đất Gò Nổi gồm có các làng Tư Phú, Bảo An, La Kham, Xuân Đài, Trường Giang, Đông Bàn, Phú Bông... vùng đất đã mang lại niềm tự hào cho quê hương Quảng Nam vì đã sản sinh ra những nhân vật gắn liền với lịch sử và văn học nước nhà.
Thuở nhỏ ông theo học ở Quảng Nam, năm 1906, ông đỗ Cử nhân ở Huế.
Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà ái quốc trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và Duy Tân của Phan Chu Trinh và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, ông ra Hà Nội học tiếng Pháp và năm 1908, ông tìm cách theo du học sinh sang Nhật. Khi chính phủ Nhật giải tán học sinh du học, ông sang Trung Hoa rồi trở về Việt Nam năm 1914.
Ông làm Chủ Bút phần Hán văn tờ Cộng Thị Báo từ năm 1914 đến 1916.
Năm 1917, dưới sự bảo trợ của Louis Marty, Phạm Quỳnh sáng lập Nam
Phong tạp chí, Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút và Nguyễn Bá Trác đảm trách Chủ Bút phần Hán văn.
Rời tờ Nam Phong, ông làm Tá Lý Bộ Học ở Huế, Tuần Phủ ở Quảng Ngãi và Tổng Đốc Thanh Hóa, Bình Định. Tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, ông bị xử bắn ở Quy Nhơn, Phạm Quỳnh (1892-1945) bị xử bắn ở Huế.
Ngoài nhiều bài viết trên tờ Nam Phong, Nguyễn Bá Trác đã biên soạn
nhiều tác phẩm: Ngoài hai bộ sách Cổ Học Viện Thư Tịch Thủ Sách cùng với Nguyễn Tiên Khiêm gồm 11 quyển, ấn hành năm 1921, và Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu, ấn hành năm 1925, còn có Bàn Về Học Thuật Nước Tàu
(1918), Hạn Mạn Du Ký (1920), Bàn Về Hán Học (1920), Hương Giang
Mộng (1920), Ngã An Nam Dân Tộc Nam Tiến Chi Lịch Sử (1921), Mấy Lời Chung Cáo Của Các Nhà Nho (1921), Nguyễn Bá Học Tiên Sinh Chi Lược Sử Cập Kỳ Di Ngôn (1921), Du Thanh Hòa Ký (19210, Hán Học Văn Học
Khảo (1917-1932)...
Hồ Trường
GS Thanh Lãng nhận định: “Muốn hiểu văn học việt Nam thời kỳ 1913-1932 không gì tốt cho bằng nhìn vào Nam Phong. Nam Phong là một tạp chí có ảnh hưởng sâu rộng, giữ địa vị của một Hàn Lâm Viện, kết nạp tất cả mọi ngành đương thời”. Nhiều quan niệm cho rằng Nam Phong là công cụ do Phủ Toàn Quyền sáng lập nhưng không thể phủ nhận giá trị của nó trong lịch sử báo chí, văn học mà Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác giữ vai trò quan trọng. Tiếc rằng tài liệu về Nam Phong không còn lưu trữ nên khó nhận định, và ngay cả bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác rất nổi danh đã bị tam sao thất bổn.Nguyễn Bá Trác viết thiên ký sự Hạn Mạn Du Ký (HMDK) bằng Hán văn, đăng trên báo Nam Phong rồi tác giả dịch ra Việt ngữ, đăng tải lại trên Nam Phong từ số 38 đến 43 trong năm 1920.
Tác phẩm Hạn Mạn Du Ký, Đông Kinh ấn quán xuất bản, Hà Nội, 1921, gồm 14 chương, dày 294 trang. Bìa sách có in “Lời ký của một người đi chơi phiếm Xiêm – Tàu – Nhật Bản...”. Trong tác phẩm nầy thì cuộc hành trình 6 năm, tác giả khởi hành từ miền Trung VN sang Thái Lan, đến Trung Hoa rồi sang Nhật, trở lại Trung Hoa, ghé Hồng Kông rồi trở về Việt Nam.
Bài thơ Hồ Trường ra đời khi Nguyễn Bá Trác lưu lạc Trung Hoa và đứng trước hoàn cảnh trớ trêu giữa bản thân và đất nước, bắt gặp bài ca phù hợp với tâm trạng tạo thành ý thơ. Nếu có tài liệu từ tạp chí Nam Phong và tác phẩm HMDK để chép lại thì bài thơ Hồ Trường không tốn nhiều bút mực trong những thập niên qua.
Trong quyển Việt Nam Văn Học Sử Yếu Giản Ước Tân Biên của GS Phạm
Thế Ngũ, Sài Gòn 1965, đề cập đến giai đoạn tác giả bài thơ Hồ Trường và bài thơ (xin đánh dấu ngoặc kép những chữ qua các bản văn thay đổi):
Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường,
Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha “phương”,
Trời Nam “ngàn” dặm thẳm, mây nước một màu sương.
Học “chẳng” thành công chẳng lập, trai trẻ bao “lâu” mà đầu bạc, trăm
năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ “tay” mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn
Rót vế Tây phương, mưa Tây “rơi” từng trận chứa chan.
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh nào ai say.
Chí ta cho biết lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Trong tác phẩm Chơi Chữ của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Sài Gòn 1970, một vị thâm nho không nêu tên tác giả Hồ Trường mà dẫn chứng câu chuyện gắn liền với hoàn cảnh với bài thơ vừa khí khái vừa ngông. So với bản của Phạm Thế Ngũ trong vòng kép và bản của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, chỉ khác nhau vài chữ như: chữ hương thay chữ phương, nghìn thay ngàn, không thay chẳng, lăm thay lâu, sơn thay rơi và vài dấu chấm, dấu phảy, dấu chấm hỏi ở cuối câu.
Trong quyển Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại 1880-1965 của Trần Tuấn Kiệt, Sài Gòn 1968, cũng chỉ khác nhau vài chữ trong những câu trên, trong đó có chữ “bẻ cật” mà LN Phùng Tất Đắc cho rằng sai vì tác giả muốn mượn chữ theo điển tích ngày xưa chứ không phải gan cật. Đến phần cuối, ở câu:
“Rót về Nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng” thì bài thơ lại chấm dứt với câu:
“Rót về Nam Phương
Trời Nam nghìn dặm thẳng
Non nước một màu sương
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Có người quá chén như điên như cuồng”.
Sau hai thập niên ở hải ngoại, vào giữa năm 1998, tạp chí Thế Kỷ 21 đề
cập lại bài thơ Hồ Trường. Thế Kỷ 21 số 115 tháng 11-1998, trong mục Bạn Đọc Viết đăng tải bài Hồ Trường do Tôn Thất Hanh ở Canada gởi cuốn băng cassette do chính ái nữ của Nguyễn Bá Trác thực hiện qua giọng ngâm của Lệ Ba. Trong cuốn băng đó có lời của ái nữ Nguyễn Bá Trác nhắn nhủ hai người con: “Bài thơ Hồ Trường là bài thơ chí khí của ông ngoại, nhưng mà đó cũng là chí khí muôn đời của thanh niên”
So với bản của Phạm Thế Ngũ thì khác nhau ở câu đầu thêm chữ đại “Đại trượng phu”, câu thứ 3 “Chí chưa thành danh chưa đạt”, câu 4 với chữ “gươm”, “người”, câu 8 với chữ “biển”, “loạn”, câu 9 với chữ “phương Tây”, câu 9 với chữ “đá chạy cát giương”, câu 13 với chữ “Lòng ta ta biết, chí ta ta hay” và câu cuối với chữ “ư”.
Trên tờ Vietnam Weekly News, ngày 4 tháng 9-1998, bài viết của Nguyễn Đắc Khoa cũng dựa vào các bài vừa được đăng tải rồi đề cập đến bài thơ được nghe để luận bàn.
Trên tờ Khởi Hành Xuân Canh Thìn, số 39 & 40 tháng 1 & 2 năm 2000 có đề cập đến 4 ấn bản bài thơ Hồ Trường (2 ấn bản trước năm 1975 và 2 ấn bản vào năm 1998) trong đó có bài của Đông Trình trên tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 7 tháng 6-1998 mà Đông Trình ghi nhận từ Nguyễn Văn Xuân đọc từ Hạn Mạn Du Ký. Đây cũng là tài liệu nghiên cứu văn học để dẫn chứng và tế nhị vì không kết luận ấn bản nào chính xác.
Nhìn chung, bài thơ Hồ Trường sau nầy chép lại đã ngắt và xuống dòng và dựa vào sự khác nhau đó để diễn giải cho có phần linh động.
Nếu dựa vào những chữ đã để trong ngoặc kép qua các chữ khác nhau, không có gì lệch lạc nhiều, chỉ có chữ “bẻ cật” với “bẻ cột” mà theo Lãng Nhân Phùng Tất Đắc dựa vào điển tích từ thời Trụ Vương ở Trung Hoa “Xé gan là hành động của Tỷ Can, bẻ cột là hành động của Chu Văn” thể hiện hào khí của bậc trung thần không chịu khuất phục dưới bạo chúa do Đắc Kỷ lung lạc.
Nguyễn Bá Trác dựa từ bài hát theo lối biền ngẫu của Trung Hoa, qua tác phẩm khi viết bằng Hán văn không ai đề cập tác giả chỉ nói về ý nghĩa hay sáng tác thành thơ nhưng khi chuyển thành Việt ngữ tác giả dệt thành áng thơ lưu lại tên tuổi của mình. Thế nhưng, còn có sự nhầm lẫn giữa Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác với Tuyết Huy Dương Bá Trạc (1884-1944) vì Dương Bá Trạc (bào huynh GS Dương Quảng Hàm), ông là nhà nho yêu nước, cùng với Tây Hồ Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám và các sĩ phu chống Pháp, bị Pháp kết án 15 năm tù biệt xứ, sau đó bị Nhật đưa sang Singapore. Dương Bá Trạc cũng là nhà văn có các tác phẩm ấn hành giữa thập niên 20 cùng thời điểm với Nguyễn Bá Trác. Theo Vũ ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại:
“Ngay hồi Nam Phong tạp chí mới ra đời, Dương Bá Trạc đã có nhiều bài ký biệt hiệu là Tuyết Huy... ông còn là thi sĩ, tác giả hai tập thơ: Trai Lành Gái Tốt và Nét Mực Tình”. Có lẽ dựa nghiệp dĩ và tâm trạng con người có tài nhưng chán ngán trước cảnh đời, sinh bất phùng thời mới mượn bầu rượu nhập vào ý thơ hào khí ngất trời trước thời thế đổi thay nên tưởng nhầm Dương Bá Trạc là tác giả. Cách đây vài năm, có bài viết “Biến Thể Ngông Bài Hồ Trường”, tác giả dẫn giải và nhầm lẫn bài thơ đó của Dương Bá Trạc rồi chỉ trích, thật oan cho nhà văn ái quốc Dương Bá Trạc!
Tiếc rằng sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Bá Trác không được nhắc nhở, chỉ còn bài thơ rất hay, đóng góp áng thơ tuyệt vời trong kho tàng thi ca Việt Nam nhưng bị tam sao thất bổn mà các nhà nghiên cứu văn học trong cùng thế kỷ chưa minh chứng để lưu lại hậu thế!.
Hồ Trường là nậm rượu, bầu rượu hình dáng như trái bầu mà người xưa thường dùng nó để đựng rượu, bài thơ Hồ Trường có câu “nghiêng bầu mà hỏi”. Trong văn hóa Đông phương, điển hình như Trung Hoa, có nhiều loại cho đồ đựng rượu và uống rượu là nghệ thuật tạo hình trải dài qua mấy nghìn năm. Từ vật dụng đựng rượu có sẵn trong thiên nhiên như gỗ, tre, sừng, vỏ ốc, quả bầu (hồ lô) đến vật dụng được chế biến từ đất nung, sành sứ, kim loại, thủy tinh... theo tiến trình văn minh của con người sáng tạo ra nhiều loại khác nhau và mỗi loại lại có hình dáng riêng của nó.
Ngày nay, có nhiều thứ trở thành đồ cổ quý giá với lai lịch của nó hình
thành trong mỗi triều đại. Hình ảnh bầu rượu được buộc dải lụa ở nước ta được thấy trên các mái đình, miếu, am và trên nóc Tháp Rùa ở Hà Nội, điện Thái Hòa, Thế Miếu, Ngọ Môn ở Huế... còn lưu lại hình ảnh nầy. Từ thời xa xưa, quả bầu được xem như biểu tượng thiêng liêng đựng nước thiêng rồi sau đó đựng thức uống rất quý là rượu. Hình ảnh “bầu rượu túi thơ” được minh họa qua nhân vật nổi danh như Lã Đồng Tân, Lý Thiết Quảng, Lý Bạch, Lưu Linh... trở thành quen thuộc qua nhiều thế kỷ ở Đông phương. Bìa thi phẩm Mây của Vũ Hoàng Chương do Tô Ngọc Vân vẽ bầu rượu đựng túi mây phiêu bồng mô tả tâm hồn thi nhân nơi trần gian.
Trong thi ca Trung Hoa và Việt Nam, có hàng trăm bài thơ đề cập đến
rượu, có bài nhắc đến tên rượu, có bài thể hiện ở nội dung... Nguyễn Bá
Trác dùng vật dụng là tựa đề cho bài thơ, vừa hay về âm điệu vừa gợi hình ảnh đồ dùng của loại men nồng, trở thành nét đẹp trong nghệ thuật tạo hình.
Trong khi đợi nguyên bản bài thơ Hồ Trường để xác minh, tạm thời căn cứ vào bài thơ do ái nữ của người quá cố để khỏi phụ lòng người thân:
Hồ Trường
Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương
Trời Nam nghìn dặm thẳm
Non nước một màu sương
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu
Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như
cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say
Lòng ta ta biết, chí ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Bước vào năm Ất Dậu 2005, đúng vào chu kỳ 60 năm, ngày mất của Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác, với cái nhìn khách quan và vô tư trên lãnh vực văn học, chúng tôi ghi lại để tưởng nhớ bậc tiền bối đã có công đóng góp trong thời kỳ báo chí còn phôi thai và giai đoạn trưởng thành của chữ Quốc ngữ.
Vương Trùng Dương
------------------------------------------------------------
Bài Khác từ Đặc Trưng
Hồ trường! Hồ trường!
( riêng gửi NNA )
Đã nhiều lần, trong nhiều năm, tôi muốn viết về một số chuyện liên hệ đến ông Nguyễn bá Trác, tác giả bài Hồ trường, nhưng tôi ái ngại .( riêng gửi NNA )
Năm 1945,tôi lên chín. Tôi nghe người lớn trong làng chuyền với nhau cái tin "Sáng mai gà gáy hồi một hãy thức dậy, để kịp đi xem xử hình ông Bá Trác ở bải sông Trà khúc, . . . trên tỉnh".
Nhà tôi cách tỉnh lị độ mười cây số.
Rồi tôi nghe chính mẹ tôi bảo anh chị em nhà tôi
--- " đừng đi!" ,đừng có đứa nào đi hết đấy nghe! người ta làm gì, kệ người ta. Mình đừng đi coi, hay ho gì chuyện đó mà đi coi! "
Chiều ngày hôm sau, tôi lại được nghe:
--- người ta đã đem ông ra bải Trà khúc, bịt mắt ông lại, cột ông vào cái trụ trồng sẵn đó. Ông Bá Trác không sợ hãi chi cả. Ông "cãi tội cho mình " . . . Cuối cùng người ta phải tha tội chết chém cho ông.
Tôi cũng được nghe những chuyện kể, được đọc những bài viết của các người lớp lớn hơn tôi , viết lại những chi tiết về cái vụ "xử hình" và vụ "tha tội", và có cả chuyện rằng "người ta thủ tiêu ông Tuần Trác . . . trên đường chính quyền Việt minh Quảng ngãi giải giao ông cho chính quyền Việt minh tỉnh Quảng nam . . . ngay trong năm 1945.
Có người bảo ông bị an trí tại làng quê ông, ở Bến điện (Vĩnh điện, Quảng nam?), sau đó ông chết già, chết bệnh . . .
Sự thực ra sao, có lẽ sẽ phải đợi một người viết sử chân chính cho chúng ta biết, hoặc là thân nhân ngài ghi chép một cách chính xác, khách quan hơn chăng.
Năm 1970, tôi có dịp biết một người làm công chức ở Tòa án Quảng ngãi. Anh là cháu nội cụ Tuần Trác. Anh sưu tập đồ cổ ngọan, hình như cũng là một kế mưu sinh nữa.
Những năm sau hiệp định Paris, 1973, tôi thường được nghe một số bạn trẻ hơn tôi chừng mươi, mươi lăm tuổi ngâm lại bài Hồ trường. Giọng ngâm nào cũng đầy cảm khái, trong những bữa nhậu, ngà ngà say.
Rồi qua Mỹ, tôi lại thấy trên báo chương, trên internet, một số bạn trẻ tiếp tục nhắc đến Hồ Trường . . .
Mỗi lần như vậy, tôi lại thấy như có một tình cảm phức tạp trong tâm tư.
Nay tôi cũng đã gần đất xa trời, tôi nghĩ là mình viết quách "cái chuyện lòng" của mình ra đây. Rồi thì người đọc có thể nghĩ sao thì nghĩ. Mình trả một món nợ với tiền nhân, với mai hậu.
-----------
1/ Cụ Án, Cụ Tuần:
Chị Hai tôi thường kể:
Năm đó (1930/1931) chị đang học lớp ba, lớp nhì. Bạn học của chị có một đứa là con ông Án hay Ông Tuần. Chị quên mất tên nó. Chị hay đi vào "trong Thành " mà chơi với nó. Lính gác cổng quen mặt, cứ cho đi.
Nhiều lần, thấy mẹ lên tỉnh, đến nhà chị ở trọ, gói rất nhiều bạc, bạc giấy, rồi buộc quanh mình chị. Bảo chị mang bạc vào trong thành. Vào nhà bác nào đó, chị quên tên. Bác biết chừng, mở ra và cất đi. Rồi bác ra nhà trọ của chị mà báo cho mẹ biết. Chị nghe nói là "tiền chuộc tội cho cậu đang ở tù, cậu sẽ mau về."
Anh Tám tôi thì nhớ rằng:
Cứ mỗi năm, gần ngày Tết, bà nội hay về mà nhắc mẹ "đi tết Cụ Án, Cụ Tuần".
Anh không biết là Ông Án nào, ông Tuần nào.
Tôi cũng hay hỏi mẹ tôi về ông Tuần Trác. Bà chỉ nhớ rằng:
--- Ông Án người phốp pháp, da mặt hồng hào, cái cổ ông to, trông phía sau giống giống như là... cậu Tú vậy đó.Tiếng nói ông rỗn rãng lắm. Nhiều lần mẹ được ông Thông Tường dẫn vào hầu ở dinh ông Án, và dinh ông Tuần...
Lần sau cùng, mẹ nhớ rằng ông đã dạy:
"Bà gia của chị là đàn bà góa. Không răn dạy con dạy cái được. Chị là vợ, chị phải khuyên răn chồng...
"Chị là em của Thủ khoa Phiên. Có phải vậy không?
"Chị biết chồng chị bị tôi gì không?
--- Bẩm Quan lớn...
--- Tự tư dĩ hậu... chị phải biết ăn ở phải đạo với mẹ chồng, với cô bác trong họ trong hàng nhà chồng. Phải lo nuôi con nuôi cái... Phải khuyên bảo chồng đừng có làm quốc sự...
Ông cho lính dẫn mẹ ra khỏi cổng. Lính đuổi mẹ đi. Đi... đi ! nhanh lên...
Mẹ tôi cũng hỏi tôi:
--- Vậy con có biết ông Tuần à?
Tôi thưa:
--- Con đọc sách. Thấy người ta nói ông Tuần Trác, đậu Cử nhơn trường Thừa thiên.
(Cũng giống giống như mấy cậu. Cậu Thị, cậu Tú thi đậu ở trường Bình Định...Ông Tuần Nguyễn Bá Trác, chắc nhỏ tuổi hơn cậu Thị. Nhưng đâu sớm hơn. Không ra làm quan, mà theo cụ Phan Bội Châu, làm cách mạng. Qua Tàu, qua Nhựt bổn. Rồi sau đó thì về nước, làm ông nhà báo ở ngòai Hà nội. Sau đó ông vô Huế, rồi vô Quảng Nghĩa mình mà làm quan. Trước là Án sát, sau là Tuần vũ...)
--- Hình như mẹ có nghe ông ngọai nói giống giống như vậy...
2/ Hai Bà Tổ Cô (chị của ông nội) của chúng tôi:
Một bà tên là Chinh. Bà là vợ ông Lê văn Phác, người làng Long Phụng. Ông và bà sinh được hai con gái. Ông Phác làm giặc (theo người ta đi chém đầu Tây Thương chánh, Cổ lũy). Rồi biệt tăm biệt tích. Có lẽ là vụ nỗi lọan của Cử Vịnh, Ấm Loan, năm 1895.
Một bà tên là Khuyến. Bà có chồng là Tú tài Cao văn Duy, người làng An mô. Ông bà cũng chỉ sinh ra tòan con gái.
Chính vì thế mà hai bà rất quý cậu (cha tôi), là đích tôn, nối dõi tông đường.
Bấy giờ, nhằm vào các năm 1930/1931. Nghe nói, bà Khuyến phải giả dạng là người bán cá (rong/rổi ) lên tận tỉnh lị, hằng ngày có mặt Trường Tập (lính Sơn đá, lính Lê Dương, lính khố đỏ tập đánh giặc). Bà chờ xem trong đám tù khổ sai ở đấy... có ai quen thân hay không. Trong đó, hôm nay may mà còn thấy có thằng cháu gọi mình bằng cô. Ước gì nó còn được đi làm xâu ở đó hoài hoài.
Mỗi tuần, có người này bị xử bắn, có người kia chết trong tù. Mỗi tuần, có những chuyến đưa tù Chánh phạm đi an trí, đi đày ở ma thiêng nước độc (Gi lăng, Ba tơ, Lao bảo, Kon tum).
Hai bà tổ - cô tôi, đốc thúc bà nội tôi bán ruộng lấy tiền... lo cho quan gia trên tỉnh. Người ta giúp cải đổi cái tôi danh Chánh phạm thành Tòng phạm.
--- Ví tui nói với mợ xã..." Của" cha mẹ làm ra. "Của" cha mẹ để lại. Giữ được của mà mất người thì để làm chi. Bán bớt ruộng mà cứu nó. Nó khỏi tù khỏi tội... Mợ kiếm mối bán ruộng.Ví tui ký tên... Mợ mà không chịu bán ruộng... Ví tui "la làng lên " bây giờ....
Bà nội tôi bán một dãy ruộng Sáu mẫu ruộng sâu / ruộng rộc. Rộc Ông Kèo. Lấy một ngàn hai trăm đồng bạc trắng. Đổi thành bạc giấy, mà bó trên mình cho chị Hai tôi mang vào trong Thành , như đã nói trên.
Thân sinh của tôi là một chánh phạm hai năm rõ mười. Vậy mà lại thoát tù, thóat tội, thóat chết
Mẹ tôi thường nhắc lại cái ơn sâu dày của hai bà Tổ cô này.
3/ Bộ chén ngọc nhà Ông Ngọai tôi:
Ông Trần Phiên, và em là Trần Tuân là hai ông cậu tôi.Trúng đồng khoa Cử nhơn, trường Bình định. Nhờ vây mà ở tỉnh này, người ta biết tiếng.
Ông Thủ khoa Phiên có một thời làm quan Nam triều tại Bình định. Về hưu năm 1931.
Năm 1929, nhân lễ Thất tuần của Ông ngọai tôi, một người bạn,quê quán Bình định đã biếu cậu tôi một món cổ ngọan.
Đó là một bộ chén ngọc, để uống rượu.(hay để uống trà?). Cậu tôi đích thân mang về quê mừng thọ ông ngọai tôi.
Ông ngọai đã cho mẹ tôi "bộ chén ngọc không có trôn". Mẹ tôi, đi Tết cụ Tuần vào một vài năm sau đó. Cha tôi được an trí tại gia cho tới ngày mất.
4/ Bộ Chén ngọc trong tâm trí Ông Vương Hồng Sển
Năm 1958, hay 1959, ông Vương Hồng Sển Giám đốc Viện Bảo Tàng Sài gòn có nhắc đến một bộ chén ngọc ( ngọc trản ),từng có ở phủ Chúa Trịnh hay Cung vua Lê. Nó có một đặc điểm: các chén này, chuốc bằng ngọc thạch. Không có " khu chén". Khi đặt chén xuống bàn, nó có thể " đứng nghiêng nghiêng ". Khi rót nước / rượu vào thì nó "đứng ngay lên "
Bộ chén ngọc này đã thất tung thất tích trong bộ sưu tập ở Hà nôi, ở Sài gòn ngày nay. Cũng không thấy có ở Nhật, ở Pháp hay ở Đài loan.
Ông đề ra một giả thuyết:
"Tây sơn dựng cớ phò Lê diệt Trịnh, Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc cùng ra Bắc năm 1787/1788 Khi trở về có chuyên chở khá nhiều của cải tóm vét được ở phủ Chúa.... Quan quân Tây sơn có thể đã đem bộ chén "ngọc trản" này về Bình định? Có thể tìm lại được nó ở Bình định về sau này chăng?
5/ Cái Chén ngọc trong tủ, nhà ông Võ Lóat, Quảng ngãi:
Năm 1970 hay 1971, nhân có việc liên hệ đến một người bạn, tôi phải đến thăm ông Võ Lóat, ở Thị xã Quảng ngãi. Tôi biết ông có cái thú sưu tập "đồ xưa".
Tôi đem kiến văn vụn của mình về môn sưu tập cổ ngọan để được ông vui vẻ mở lòng mở dạ, và chỉ cho xem bộ sưu tập của ông.
--- Thưa, bác có cái chén... ngọc. Trông lạ quá... Bác có nó... Cơ hội nào mà bác có nó?
--- Năm 1952, tôi lo việc Đào Kênh, phủ Tư Nghĩa. Tôi ghé nghỉ trưa ở nhà một người ở xóm Cửa Đông. Thấy nó ngồ ngộ. Tôi này ( nài nỉ )... được chén này.
--- Chỉ có một cái? Những cái khác... thì sao? Ông ấy... có nói cái lai lịch... của nó không?
Ông Võ Lóat thấy tôi vồn vã, bèn cố nhớ ra thêm vài chi tiết:
--- Tôi nhớ thì... y như rằng lão ta... có bảo: Hồi năm khởi nghĩa ( 8/ 1945 ). dân chúng ở Cửa Đông... ùa vào trong Thành... Mạnh ai nấy lấy... Trong Dinh ông Sứ, trong Dinh Ông Tuần, trong Dinh ông Án... có cái gì họ cũng lấy... Cái chén này... không hiểu vì sao mà nó lại có ở trong nhà mình... y không nhớ... Nhưng thấy nó ngồ ngộ, thì giữ chơi... Cất trên bàn thờ... Có ai đến thì đem ra khoe...
Thú thật, rằng tôi thiếu lương thiện đối với bác Lóat. Tôi dấu nhẹm những ý tưởng, những liên tưởng... những mưu toan mà tôi có trong bụng mình.
--- Sẽ có một ngày nào đó, mình cũng sẽ... tìm ra cách... phỉnh ông già Lóat. Ông để làm gì trong nhà " một cái chén... vô tích sự "Chọn mặt gửi vàng. Tôi sẽ đưa mẹ tôi đến nhà ông cho bà xác định lai lịch của bộ chén ngọc. Bộ chén ngọc làm ông Vương Hồng Sển thao thức. Ông Lóat sẽ hài lòng vì mình đã biết bảo tàng một chứng tích lịch sử.
Khi nào mình có dịp, thì mình sẽ mang cái thành tích khảo cổ này vào Viện Bảo Tàng Sài gòn mà khoe với ông thầy, ông Giám đốc Vương Hồng Sển. Khoe rằng:
Vua Tàu đem bộ chén ngọc không trôn, mà ban cho Vua Lê. Vua Lê dâng cho Chúa Trịnh. Anh hùng áo vải cờ đào, dấy nghĩa ở Tây sơn, phù Lê, diệt Trịnh. Long nhương tướng quân,lấy bà Công chúa... và bộ chén ngọc. Đem chén ngọc dâng vua Thái Đức. Vua Thái Đức, hay là... vua Gia long... đã để lọt bộ chén ngọc vào tay một nhà quan, một nhà dân ở Bình Định. Nhà quan, hay nhà dân ở Bình định đem... tặng biếu nhà Ông ngọai tôi. Ông ngọai tôi có thằng rễ, là cậu/cha tôi làm quốc sự. Ông Ngọai tôi cho mẹ tôi. Mẹ tôi "đi tết" Ông Tuần để cho chồng khỏi tội, khỏi vạ.
Ông Tuần, từng là một nhà nho yêu nước, Đông du. Trở thành danh sĩ với bài Hồ trường trong những ngày còn phiêu bạt ở Nhật bổn.
Ông về nước, làm báo. Làm quan ở Quảng ngãi.
Ông Án, ông Tuần ở trong thành ( Cẩm thành ).Chị Hai tôi mang bạc bán ruộng Rộc ông Kèo vào... để chuộc tôi cho cha.
6/ Rộc Ông Kèo:
Năm 1975, tôi đi trình diện học tập. Bỗng ngồi chung hàng với một người bạn học cũ. thời 1950.Anh Võ Đình Diệp, quê quán ở Vạn an, Tư nghĩa, Quảng ngãi. Anh đi trình diện với tư các là Giáo sư trường Đại học Kiến Trúc, Sài gòn. Anh và tôi sống gần nhau trong suốt sáu tháng cuối năm 1975.
Hai đứa tôi thường rủ với nhau ra bờ ra bụi, quét lá cây mục làm phân, trồng rau cải họat. Và dạy nhau:
" Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
" người khôn, người đến chốn lao xao "
... " hồ hởi phấn khởi "... "thành thật khai báo với Cách mạng "... " trở thành người công dân hữu ích "... Còn lâu! Chớ! Chớ...!
Một hôm tôi hỏi Diệp:
--- Mấy năm 1952, 1954... tui làm ruộng ở xóm Sông, Vạn an. Hồi đó, ông làm gì ở đâu... Sao tui không gặp.
---.ao suốt ngày... vắt đất cho ra nước, thay trời làm mưa, cứu lúa cháy khô ở Rộc Ông Kèo.
---Có phải... dãy ruộng rộc... năm sáu mẫu, liên bờ, sát mé mương nước. Ruộng đó... nước tháo mà. Ruộng đó... là đệ nhất điền...
---... sao mi biết...?
--- Có phải... mẹ con nhà ông Xu Lang... mua sáu mẫu ruộng... của bà nôi tôi không? Hồi năm 1930, 1931?
--- Bà nội mi là bà xã Uyển hả?
--- Sao ông biết? Ủa... hình như ông là con ông Xu Lang có phải không...
--- Sao mi biết tên ông già tao.
--- Sao Ông biết tên bà nội tui?
--- Thì tao nghe bà nội tao nói Rộc Ông Kèo mua của bà Xã Uyển gì đó. Sáu mẫu. một ngàn hai trăm đồng bạc. Bạc bảy quan... Ông già tao... đem tiền ở Đà lạt về cho bà nội tao... mua. Chắc là hồi đó.
--- Mà hồi đó thì ông chưa có mặt trên đời, sao ông biết...
--- Tao nghe bà nội, nghe mẹ tao kể lại, chỉ vì sáu mẫu ruộng đó mà tao hận ông già tao lắm. Vì nó mà bà nội tao thành địa chủ, tao là cháu nôi, cũng thành địa chủ luôn. Mấy năm đó tao làm bật xương sống. Suốt ngày ở Rộc Ông Kèo mà không sao đủ lúa nạp thuế Nông nghiệp.
---... rồi sao nữa, nói nghe coi...
---... sau năm 1954. ông già bán... sạch, cho tao đi học... Mà sao mầy cũng biết Rộc Ông Kèo.
--- Bà Cố tôi ăn mắm mút dòi, mua ruộng của nhà Ông Kèo. Bà nội tôi bán cho nhà bà nội ông. Lấy tiền... mà nạp cho Ông Tuần Trác... Mẹ tôi kể lại như vậy...
7/ Tự cổ Thánh hiền giai tịch mịch.
Những người mà tôi ngẩu nhiên nhắc đến trên đây, từ ông vua bên Tàu, ông quan bên ta đến hai bà Tổ cô của tôi đều là những bậc Thánh hiền... có lẽ.
Họ đều đã đi vào cõi tịch mịch.
Duy chàng trai lưu lạc "Nguyễn Bá Trác" ngây ngất nghiêng rót "hồ trường" vẫn còn lưu kỳ danh.
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.
----------------------------------------------------------
Bài Khác nữa
HỒ TRƯỜNG VÀ NAM PHƯƠNG CA KHÚC
TTO - LTS: Trong văn học VN đầu thế kỷ hai mươi có một bài thơ đăng trên Nam Phong tạp chí và ngay lập tức nổi tiếng trong giới chí sĩ lúc bấy giờ. Đó là bài Hồ trường của Nguyễn Bá Trác (1881-1945) đăng trên tạp chí Nam Phong.
Từ bấy đến nay, rất nhiều người đề cập đến bài Hồ trường như một tác phẩm của Nguyễn Bá Trác, có rất nhiều người vì yêu thơ rượu mà thích thú cái phong vị hào sảng trong bài thơ này.
Thế nhưng, kể cả các nhà nghiên cứu, ai cũng lầm rằng bài thơ trên do Nguyễn Bá Trác sáng tác. Cho đến năm 1998 trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật có đăng một bài của Đông Trình dẫn lời Nguyễn Văn Xuân cho biết bài Hồ Trường do Nguyễn Bá Trác dịch lại từ một ca khúc của Trung Quốc.
Tuy nhiên, về mặt văn bản học, do vì xuất xứ phức tạp của bài thơ (thực ra là lời ca) Hồ Trường, nên các bản đang lưu hành tại VN xưa nay có nhiều điểm khác biệt nhau.
Nay nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân sưu lục được nguồn gốc xuất xứ của nguyên tác lời ca tiếng Trung Quốc (mà Nguyễn Bá Trác đã dịch thoát thành bài Hồ Trường), và dịch sát nghĩa lại để bạn đọc có dịp đối chiếu giữa nguyên tác, bản dịch nghĩa và lời thơ.
Xét về mặt tư liệu, đây là một đóng góp lớn cho việc minh định đâu là xuất xứ của Hồ Trường. Đồng thời, qua bài viết của tác giả Phạm Hoàng Quân, bạn đọc thấy hé mở một phần hành trạng của Nguyễn Bá Trác qua một trước tác khác là tập “Hạn mạn du ký”.
Cho đến nay, có ít nhất 5 bản in lời ca Hồ Trường (1) mà các bản có nhiều chỗ không giống nhau. Để góp một phần tài liệu cho sự tham khảo, đối chiếu được rộng rãi chúng tôi trích lục các văn bản bằng chữ Hán, chữ Việt đã in trên Nam Phong tạp chí - nơi xuất xứ của lời ca này - cách nay đã 86 năm đối với Nam phương ca khúc và 84 năm đối với Hồ Trường.
Trong bài viết này chúng tôi quy ước như sau: Gọi Hồ Trường đối với lời ca tiếng Việt đã lưu hành từ trước tới nay. Nam phương ca khúc là tên tạm đặt cho lời ca mà Nguyễn Bá Trác đã nghe được, chép lại và dịch thành lời ca Hồ Trường.
I. Nguồn gốc lời ca Hồ Trường
Nam phương ca khúc (NPCk) được đăng lần đầu tiên theo thiên ký sự Hạn mạn du ký (HMDK) của Nguyễn Bá Trác trên Nam Phong tạp chí phần chữ Hán số 30, trang 214 năm 1919.
HMDK trước tiên được viết bằng chữ Hán, đăng tải từ số 22 đến số 35 năm 1919, 1920; sau đó thiên ký sự này được chính tác giả dịch sang chữ Việt và đăng tải ở phần chữ Việt của Nam Phong từ số 38 đến số 43 năm 1920, 1921.
Hạn mạn du ký là thiên ký sự gồm 14 chương kể lại cuộc đông du của tác giả trong khoảng 6 năm (1909 - 1914) từ Sài Gòn sang Xiêm La - Hương Cảng - Nhật - Trung Hoa - rồi về VN.
Nam phương ca khúc nằm ở chương 10: “Tại Thượng Hải gặp người đồng hương”. Vào khoảng năm 1912, khi lưu lạc ở Thượng Hải, tác giả gặp một người đồng hương cùng chí hướng, người này có giọng hát hay (giọng Quảng Đông). Một đêm nọ, hai người đi uống rượu, “rượu ngà ngà, Nguyên quân đứng dậy mà hát” (lời Nam phương ca khúc), ở bàn bên cạnh, một võ quan họ Lưu, người Trực Lệ, nghe điệu hát, sang hỏi là điệu gì, được trả lời: “Ấy là một điệu đặc biệt ở phương nam” (2), họ Lưu nói “nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái, nam phương mà có điệu hát đến thế ru?”. Sau đó họ Lưu xin người hát chép ra giấy lời ca ấy để giữ xem.
Về mặt văn bản mà xét, thì bài ca ấy không rõ tựa đề, không biết tác giả, Nguyễn Bá Trác chép lại toàn vẹn Nam phương ca khúc. Và khi Hạn mạn du ký được sang chữ Việt thì lời ca này đã được dịch rất thoát, tuy nhiên nó vẫn là “lời ca” minh hoạ cho văn cảnh ấy chứ không phải “bài thơ hồ trường” như nhiều người từng gọi.
Cũng vì vậy, trong bài viết này, người viết xin gọi theo cách cũ là “Lời ca hồ trường” (3). Hồ trường so với Nam phương ca khúc có nhiều điểm khác biệt. Người dịch đã linh động nương theo âm điệu tiếng Việt và có chỗ thêm tứ có chỗ bớt lời, khéo giữ được cái thần thái hào sảng của nguyên tác.
Hồi ấy Hồ Trường được dịch thẳng từ lời ca chữ Hán sang lời ca chữ Việt mà không có bản dịch nghĩa, nay thấy cần có nguồn tài liệu để dựa vào mà đính chính một số điểm khác biệt của Hồ Trường, nên tôi chụp lại nguyên tác hán văn Nam phương ca khúc từ Nam Phong tạp chí, đồng thời phiên âm dịch nghĩa để bạn đọc tham khảo.
II. Nam phương ca khúc
Phiên âm:
Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường
Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương
Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương
Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thời hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương
Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ (4) hề, , thí lai đối chước hữu dư thương.
Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan
Dư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương
Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương
Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy
Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử
Dịch nghĩa:
Kẻ trượng phu sống mà không vạch gan, bẻ cột lo giềng mối cho đời
Rong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu?
Quay đầu trông về nam, miệt mù vậy hỉ! Trời mây nối màu xanh ngắt
Lập công chẳng được, học không xong, trai trẻ có bao lâu, ngồi ngó trăm năm, thân đuổi cuộc sớm chiều.
Vỗ tay hát khùng, hỏi đời kia, đất trời mờ mịt vậy, một người tri kỷ tìm ở đâu, thử đến giúp ta rót chén rượu này
Ta quăng chén rượu đầy trộn nước biển đông, nước biển đông nổi cuộn vạn lớp sóng
Ta quăng chén rượu đầy vào mưa núi tây, mưa núi tây một trận sao lênh láng
Ta quăng chén rượu đầy đuổi theo gió bắc, gió bắc tung cát lăn đá bay nơi khác
Ta quăng chén rượu đầy vào mây mù trời nam, trong mây mù có người há miệng điềm nhiên say tràn
Trời đất dọc ngang đều mất hết, sao ta không say, chí ta thời ta làm
Từ xưa nam nhi đuổi theo tang bồng, cớ gì sùi sụt sầu cố hương.
Qua bản phiên âm và dịch nghĩa NPCK, chúng tôi thấy cần dừng lại lưu ý một đôi chỗ. Số là trong HMDK đăng tải trên Nam Phong - ở cả phần chữ Hán và chữ Việt - không có phần chú thích các từ khó hiểu thuộc về điển tích đã dùng trong NPCK và Hồ Trường, nay xin nói thêm về các điển ấy.
Ở câu đầu tiên có cụm từ “xé gan bẻ cột”. Trong NPCK ta thấy viết là Bẻ cột - chiết hạm. (Có nhiều người lầm viết là bẻ cật). Theo các từ điển thông dụng Trung Quốc thì điển tích “bẻ cột” xuất phát từ sách Hán Thư – truyện Chu vân: Thời Hán thành Đế, Hòe Lý Lệnh (một chức quan trong hàng Tam Công) là Chu Vấn tâu với vua xin giết An Xương Hầu Trương Vũ, vua nổi giận sai chém Chu vân. Khi bị bắt lôi đi, Chu Vân uất ức bám tay vào vặn cột điện, cột cung điện bị gãy, nhơn lúc lộn xộn ấy, Tân Khánh Kỵ giải cứu Chu Vân. Sau đó Thành đế biết Chu Vân xin giết Trương Vũ là vì lòng trung, bèn tha tội.
Khi sửa cung điện, Thành đế lệnh phải giữ nguyên dạng phần cột bị gãy, lấy hình ảnh đó mà biểu dương lời nói ngay thẳng của Chu Vân. Đời sau thường dùng từ “chiết hạm – bẻ cột” để chỉ hành vi dũng cảm trong việc dùng lời lẽ để can gián vua. Thôi Đồ trong bài thơ Ký cữu (gởi cậu) có câu “trí quân kỳ chiết hạm” (hết lòng vì vua mà bẻ gãy cột).
Chữ “Thương” ở cuối câu thứ năm (được lặp lại nhiều lần trong lời ca) có thể đọc là “trường” hay “tràng” mà Nguyễn Bá Trác đổi thành “Hồ trường”, từ một chữ “thương” biến thành hai chữ “hồ trường” rồi thành hẳn tên bài ca, kể cũng kỳ thú!
Thương có ba nghĩa:
1. Là cái chén uống rượu giống như cái tước, làm bằng sừng, “thương” là chén rót đầy rượu, khi chưa rót rượu vào thì gọi là “chí”;
2. Mời rượu người khác một cách kính trọng gọi là “thương”. Sách Lã Thị Xuân Thu – thiên Đạt Úc có câu “Quản tử thương Hoàn Công” (Quản Từ kính cẩn mời rượu Tề Hoàn Công).
3. Tự uống rượu một mình gọi là “thương”, Phạm Thành Đại trong bài “Túc tư khẩu thỉ văn nhạn” có câu “bá tửu bất năng thương” (nâng ly khó uống một mình).
Khi dịch nghĩa NPCK, chúng tôi dùng nghĩa “thương là chén rượu đầy”. Còn từ “hồ trường” trong lời ca Hồ trường là sự sáng tạo của dịch giả Nguyễn Bá Trác, chúng tôi không dám lạm bàn.
Chữ “phần tử” mà chúng ta thấy ở cuối bài NPCK là một từ chỉ quê hương (mà dịch giả Hồ trường đổi thành “cỏ cây”). Phần và tử là tên hai loại cây. Cây phần là một loại Du trắng nên còn gọi là “Phần du”.
Trong Hán thư - Giao tự chí, quyển thượng có ghi lại rằng: “Trong buổi lễ tế Giao, Hán Cao tổ có khấn mình là người ấp Phong, làng Phần du (làng có trồng cây phần du làm đặc trưng, sau thành tên làng), người đời sau lấy chữ Phần du để chí cố hương. Cây Tử tức là cây Thị, gỗ dùng để đóng đàn, khắc bản in…
Quê cha đất tổ gọi là “tử lý” hay “tang tử”. Kinh thi có câu “duy tang dữ tử, tất cung kính chi” (cây do cha mẹ trồng, ắt phải cung kính vậy); Phạm Thành Đại có câu “thân tu tử lý cung” (cung kính quê nhà mà lo tu sửa thân); truyện Kiều có câu “có khi gốc tử đã vừa người ôm”. “Phần tử” là từ được ghép bởi “Phần du” và “Tử lý” (hoặc “Tang tử”). Nguyễn Du viết: “Đoái thương muôn dặm tử phần; hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” (Kiều).
Các chú thích vừa nêu có thể là dài dòng nhưng qua đó, phần nào bạn đọc có thể thấy những điểm khác biệt giữa NPCK và Hồ Trường, đồng thời có thể xác định bản Hồ trường nào đã theo đúng bản gốc.
III. Lời ca Hồ trường
Nguyên bản trích từ Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920. Trang 400 – 401 (giữ nguyên các lỗi sai so với chính tả ngày nay)
1. Trượng phu không hay sé gan bẻ cột phù cương thường;
2. Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương
3. Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương
4. Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương.
5. Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
6. Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
7. Rót về đông phương, nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn;
8. Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
9. Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;
10. Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng
11. Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay
12. Nam nhi sự ngiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Qua lời ca Hồ trường này, chúng ta thấy các bản in lại có nhiều chỗ khác biệt. Các điểm sai lệch quan trọng có thể kể:
Ở câu 1: có vài bản in là bẻ cật (có lẽ do liện hệ gan - cật nên thành xé gan bẻ cật thay vì bẻ cột). Ở câu 2: nhầm thành tha phương (nguyên bản là “tha hương”).
Ở câu 4: hầu hết các bản in lại đều là “thân thế” (nguyên bản là “thân thể”), tuy nhiên, ở đây có lẽ bản gốc Nam Phong sai vì trong NPCK chữ Hán dùng chữ “thân thế”.
Ở câu 5 có vài bản in “vỗ gươm mà hát” (thay vì “vỗ tay”) và tiếp đó là “nghiêng bầu mà hỏi” (thay vì “nghiêng đầu”). Ở câu 9 hầu hết các bản đều in “ngọn bắc phong vi vút” (thay vì “vì vụt”)…
Như đã nói, bài viết này chỉ dựa vào bản Hạn mạn du ký in lần đầu trên Nam Phong, người viết chưa được đọc bản in thành sách sau đó, cũng có khả năng tác giả HMDK có điều chỉnh đôi chỗ về ý hoặc về lỗi kỹ thuật, đồng thời bản dịch NPCK của chúng tôi nếu có lầm lẫn, xin bạn đọc điều chỉnh giúp cho.
Bến Nghé - tháng 8 năm Ất Dậu
PHẠM HOÀNG QUÂN
Chú thích:
(1) Các bản được biết gồm: 1. Trong tập Hạn mạn du ký - Đông Kinh ấn quán - Hà Nội 1921 (tác giả in lại). 2. Phạm Thế Ngũ - Việt Nam văn học sử giản ước tân biên - Quốc học tùng thư - Sài Gòn - 1965 (bài ca Hồ trường in ở trang 327 - tập 3). 3. Lãng Nhân - Chơi chữ - Nam Chi tùng thư - Sài Gòn - 1960 (in lời ca Hồ Trường theo một giai thoại, trang 94). 4. Đông Trình - (bài báo) - Tuổi Trẻ chủ nhật ngày 7-6-1998. 5. Vương Trùng Dương - Nguyễn Bá Trác và bài thơ Hồ Trường - võng trạm www.xuquang.com - in lại bản của cháu ngoại tác giả công bố.
(2) Phương nam ở đây chỉ miền Lãnh Nam - Trung Quốc
(3) Người sau gọi Hồ Trường là trích lấy chữ trong lời ca mà gọi chứ không phải tựa đề do tác giả Hạn Mạn du ký đặt ra.
(4) Chữ KỶ này ở nguyên bản hán văn in nhầm là chữ DĨ
(5) Các chú thích ở phần dịch nghĩa Nam phương ca khúc được tổng hợp từ các sách Từ Hải, Từ Nguyên, Cổ Hán ngữ từ điển, Hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển.
.
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...