. .

Wednesday, March 18, 2009

NHỮNG QUY LUẬT CHÍNH TRỊ TRONG SỬ VIỆT (2) -Biên Khảo- Vũ Tài Lục

Vũ Tài Lục



NHỮNG QUY LUẬT CHÍNH TRỊ TRONG SỬ VIỆT (2)


VIỆT CHIẾN XUẤT BẢN






ĐẠO ĐỨC TÂM



Ta thà làm quỉ nước Nam còn hơn
làm vương đất Bắc

Trần Bình Trọng


Ở đời muôn sự của chung
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi

Nguyễn Công Trứ



Cá nhân tự do chủ nghĩa của Hy Lạp.
Tổ chức đoàn thể tinh thần của La Mã.
Thế giới tôn giáo tín ngưỡng của giống Hebreu.
cả ba do vận động lịch sử trộn lẫn với nhau mà tạo thành tâm hồn người Tây phương ngày nay.
Tâm hồn Việt trước sau nguyên vẹn là một tâm hồn đạo đức của đạo Nho.
Văn hóa lấy đạo đức làm trung tâm.
Lịch sử diễn tiến với đạo đức.
Nhân vật anh hùng và kẻ sĩ do đạo đức rèn luyện. Không kể riêng vấn đề nào từ chính trị, kinh tế, quân sự, giáo dục, các loại chế độ, các việc xảy ra đều hoàn toàn được đem ra giải thích và phân tích bằng tinh thần đạo đức, đều được phê phán qua lăng kính :
Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ
Trung hiếu, nhân nghĩa, liêm sỉ, tiết tháo
Khác hẳn với Tây phương chỉ nói:
Tự do, bình đẳng, độc lập.
Ai muốn làm cái gì, hành động phải đặt vào trong đạo đức quan niệm và đạo đức trách nhiệm.
Đời Xuân Thu, quan Thượng Khanh nước Lỗ tên là Thúc Tôn Báo sang sứ bên nước Tấn gặp quan Thượng Khanh nước Tấn là Phạm Tuyên Tử. Sau khi bàn việc xong xuôi, hai người đàm đạo sang vấn đề triết học.
Phạm Tuyên Tử hỏi Thúc Tôn Báo rằng:
- Làm thế nào để cuộc sống không mục nát (bất hủ) như cỏ cây?
Thúc Tôn Báo chưa trả lời ngay, hỏi lại:
- Theo ý ngài thì sao?
Phạm Tuyên Tử đáp:
- Nhà họ Phạm tôi từ đời Nghiêu Thuấn đến nay qua thêm ba đời Hạ, Thương, Chu tính ra hơn hai ngàn năm vẫn giữ mãi là một thế gia, kể cũng đáng gọi là bất hủ đấy chứ.
Thúc Tôn Báo nói:
- Theo tôi, đó mới là thế lộc không thể gọi là bất hủ. Nhân sinh chỉ có ba điều bất hủ: Lập đức- Lập công- Lập ngôn.
Lời Thúc Tôn Báo chứng tỏ mọi sự trên đời đều được xét đoán bằng lý luận đạo đức.
- Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu
- Học là học đạo làm người
Làm người phải giữ lẽ trời dám sai
- Ai ơi mang bát cơm đầy
Dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần
- Được mùa chớ phụ môn khoai
Đến năm thân dậu chẳng ai bạn cùng
- Làm trai quyết chí tang bồng
Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam
- Làm trai yêu nước quên nhà
Nước kia có vẹn thì nhà mới xong
Hết thảy đều là những lời thường nói hàng ngày, đạo đức chính trị hóa, xã hội hóa thậm chí cả kinh tế hóa nữa hay nói chung là giáo hóa.
Đạo đức theo quan niệm Việt là sự nói rõ quan hệ giữa con người với con người, quan hệ giữa người với xã hội, mà hình thái cao nhất của xã hội là tổ chức chính trị, vậy điểm cao nhất của đạo đức cũng là đạo đức chính trị từ đấy mà đi chùm xuống dưới. Nếu ở một mình trên hoang đảo như Robinson Crusoe thì chẳng cần nói chuyện đạo đức gì cả.
Trái lại, đạo đức luân lý Tây phương không căn cứ vào xã hội hay chính trị mà lý luận và thường căn cứ vào huyền học, theo nhận thức với bản thể học để hoàn thành một thể hệ lý luận. Tỉ dụ: đạo Gia Tô bảo “Chúng ta sống trong tâm ý của Thượng Đế”, còn người Việt nói “con người sống trong tâm ý của người khác, một người xấu cả bọn mang nhơ”.
Platon phải tưởng tượng ra một thiên quốc, một thế giới trên từng trời, đem cái mơ nhân gian trừu tượng hóa cùng lý niệm hóa đi. Khí đã lý niệm hóa nó rồi tức là cắt đoạn hẳn với hiện thực chính trị, thoát ly hẳn sự khiêm chế của hiện thực xã hội, đến lúc mang nó trở về nhân gian, nó trở thành một mệnh lệnh của Thượng Đế, đạo đức biến ra mệnh lệnh tuyệt đối và vô điều kiện. Do đó thời Trung Cổ mới có những thượng đế luật bắt buộc người ta phải tin theo tuyệt đối chẳng cần “nên hay không nên”, kẻ nào đi ngược lại chống đối tức thì kẻ đó là bọn “phù thuỷe” (sorcier) bắt đem hỏa thiêu.
Gia Tô giáo phân ranh chia cách chính trị và đạo đức, bên giữ phần đời, nên giữ phần hồn. Đọc những sách của Kant, của Hegel, của Locke, của Rousseau thấy rất rõ sự phân ranh do Gia Tô giáo ảnh hưởng lớn đến thế nào. Mãi tới thời kỳ tôn giáo cải cách, văn nghệ phục hưng thì luân lý đạo đức từ tay Thượng Đế mới được đem trả về cho nhân gian, trả về cùng chính trị. Tuy nhiên, nó cũng không vì vậy mà giống đạo đức Đông phương. Đông phương giảng đạo đức theo thuận tự: tu thân- tề gia- trị quốc- bình thiên hạ.
Tây phương thì lý luận đạo đức bằng cách tách rời cá nhân khỏi quốc gia- thiên hạ. Con người bây giờ không sống trong tâm ý của Thượng Đế nữa thì sống trong tâm ý của chính bản thân mình (cá nhân chủ nghĩa). Đạo đức thành tựu do tập tục chứ không vì lòng tin tưởng, con người thiện lương vì sợ xã hội trừng phạt, đạo đức không là tự nguyện mà là tâm lý e dè. Đạo đức được bảo vệ bởi một nghị ước và pháp luật. Cá nhân có quyền làm theo ý mình, nhưng quốc gia sẽ trừng phạt nếu hành động cá nhân phản lại xã hội. Như vậy xã hội giữ vai trò chủ yếu, đạo đức chỉ là thứ yếu.
*
**
Người trồng cây cảnh người chơi, ta trồng cây đức để đời về sau.
Đạo đức Việt hoàn toàn là một sự lựa chọn nguyên ý cái đạo làm người, cái lẽ trời, trên căn bản “dĩ nghĩa vi lợi” và “chỉ ư chí thiện”. Không phải cho đời này thôi mà còn cho đời sau nữa, không phải cho cá nhân mình thôi mà còn cho cả tập thể nữa.
Tại huyện Nam Sang tỉnh Hà Nam, dân đều nhớ truyền thuyết về cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến như sau:
“Hồi còn trẻ, Nguyễn Khuyến cùng với đám đồng môn ra sông tắm gặp đoàn thuyền giấy trên có voi, ngựa và hình nhân của dân cư cúng cô hồn và lễ quan ôn cầu mát, lễ xong bỏ sông trôi vào chỗ anh em tắm. Có người gạt ra thuyền giấy lại trôi vào. Nguyễn Khuyến liền nói đùa: “Thuyền bè lính tráng, voi ngựa oai hùng thế kia sao không vượt sông ra bể phù dân giúp nước trong lúc quốc gia hữu sự này lại luẩn quẩn đây cầu ăn con gà nắm xôi”.
Nguyễn Khuyến vừa nói xong thì đoàn thuyền giấy đó dạt ngay sang phía sông bên kia, sau đó dân làng bị ốm đau như bị ma quỉ quấy nên người ta phái người sang cầu cứu cụ Nghè.
Cụ Nghè liền gọi Nguyễn Khuyến và bọn học trò tắm sông hôm đó hỏi đầu đuôi câu chuyện và bảo phải ra khấn khứa cho đoàn thuyền trôi đi. Ông Nguyễn Khuyến liền tới bờ sông hô to yêu cầu đoàn thuyền trôi đi nơi khác. Sau đấy dân cư đều khỏi ốm đau và được bình an như thường”.
Xem thế đủ biết, con người chết đi vất vưởng mà thành lũ cô hồn còn biết liêm sỉ, cảm thấy đau khổ khi có người nói đến cái thân phận vô dụng của mình, huống nữa là con người lúc đang sống ở trong trời đất.
Phần người sống là Nguyễn Khuyến, sau khi đỗ đầu cả ba khoa thi Hương, Hội, Đình cụ được bổ nhiệm Đốc học rồi Bố chánh. Cụ là một văn quan có tiếng hay chữ, có tiếng liêm khiết lại mẫn cán và thao lược. Mẹ Nguyễn Khuyến càng khe khắt, nghiêm ngặt cùng ông về sự liêm khiết. Mỗi lần thấy ông dâng tặng một chút lễ mọn là bà cụ liền hỏi căn nguyên lễ vật ấy ở đâu mà có. Nếu không chứng minh được rõ ràng thì mặc dầu con có hiếu thảo dâng, bà cũng vẫn từ chối, còn trách mắng nữa là khác. Bà cụ thường bảo: “Con lấy lễ của dân mà tặng cho cha mẹ tức là lấy của cha mẹ mà tặng thì đâu còn lòng hiếu thảo nữa”.
Đức hạnh của ông đã cảm hóa được lòng người. Trong việc chấp đạo an dân, ông đã tỏ rõ một bậc khéo khuyên dân chúng cải tà qui chánh. Triều đình mấy lần cử ông vào những trọng trách lớn hơn, ông đều từ chối vì lúc đó ông nhận thấy có một số quan lại quá mục nát kéo bè kéo cánh làm càn. Can ngăn không được, dân tình than oán, ông liền dâng sớ về nghỉ nhưng vua Tự Đức không cho và bổ nhiệm ông làm Tổng Đốc ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang. Nhưng hồi này, ông thấy bọn thực dân Pháp càng ngày càng bành trướng, một số bọn triều thần bán nước đã a dua với ngoại nhân mưu đồ phú quí chẳng nghĩ gì đến dân đến nước. Nhiều bạn học của ông như các ông nghè Du Lâm, Nguyễn Kham, Nguyễn Xuân Ôn đều đã từ tiết không chịu theo giặc.
Hết sức buồn phiền, ông liền giả đau mắt từ quan rút lui về chốn điền viên để giữ cho trọn vẹn danh tiết.
Sau này thực dân muốn dùng ông để lợi dụng thanh thế ông mà thu phục nhân tâm mới giao cho tên mãi quốc Hoàng Cao Khải tới mời. Ông nhất định chối từ. Biết không thể lấy mồi phú quí lay chuyển được lòng son sắt, bọn thực dân liền bảo Hoàng Cao Khải kiểm soát gắt gao mọi hành động của ông bằng cáh giam lỏng tại tư dinh của quan Kinh lược. (Theo tài liệu của ông Đạm Nguyên trong cuốn “Tam Nguyên Yên Đổ”).
Châu chấu làm sao dám đá voi
Đứng xem ai chẳng bật lên cười
Xun xoe nhảy lại dương hai vế
Ngứa ngáy không hề động tí đuôi
Say tỉnh cuộc này ba chén rượu
Được thua chuyện ấy một trò chơi
Cả gan cũng sợ cho mình nhỉ
Theo đít còn hơn một lũ ruồi.
Đó là bài thơ của ông Nguyễn Khuyến để vịnh cái việc ông nhất định không chịu ra làm quan với Pháp, nó chính là cái tinh thần đạo đức: tri kỳ bất khả vi nhi vi chi, biết rằng không thể chống nổi mà vẫn chống, thế chẳng hơn bọn ruồi nhặng theo đít voi sao? Tuy nhiên, thái độ Nguyễn Khuyến không phải là vô ích vì nhờ tinh thần cấy mà sau này đã xảy ra cảnh:
Nực cười châu chấu đá voi
Châu chấu đá mãi voi lòi ruột ra
Cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã lập đức cũng như cụ Nguyễn Đình Chiểu trong Nam mặc dầu vừa mù vừa điếc vẫn làm thơ giết giặc viết sách để truyền bá đạo đức. Trong lúc nghèo đói cùng cực, cụ Nguyễn Đình Chiểu vẫn một mực từ chối món tiền khá lớn do thực dân đem đến để mua chuộc. Đặc biệt hơn nữa là suốt quãng đời khổ sở khốn đốn của mình, cụ Chiểu chỉ giặt quần áo bằng thứ nước tro chứ không chịu dùng xà phòng mà cụ cho là một thứ sản phẩm của Tây. Cụ cũng không chịu đi trên con đường quốc lộ mà cụ cho là công trình xây đắp của bọn thực dân và phải băng đồng, lội ruộng hết sức vất vả mỗi khi xê dịch.
A. Pazzi viết:
“Đây là một câu chuyện thực dân nói lên ý thức luân lý cố chấp của một sĩ phu, nhưng xét cho cùng trong đó có cái căm thù những kẻ xâm lược hết sức sâu xa, hết sức cảm động và cũng hết sức lớn lao, trở thành một sự khuyến cáo khó lòng phai nhạt đối với bao nhiêu thế hệ đến sau. Những thứ tinh thần cứng rắn như thếh không thể đem ra bình phẩm hời hợt và xem là một bảo thủ lỗi thời. Thực ra phải đứng vào vị trí dân tộc cùng cái nhu yếu tự vệ khẩn thiết của dân tộc ấy mới nhận định đúng cái giá trị ấy. Đó là một thứ tinh thần kết tinh của nhiều thế hệ chống đối, một loại kim cương đọng lại từ lớp đá than sinh hoạt của bao nhiêu đời. Và các ảnh hưởng phá hoại từ bên ngoài đến dù có khả năng quyến rũ, lung lạc bao nhiêu đã thành vô dụng như cơn gió cuồng dội vào núi đá lớn hay nói theo thành ngữ V.N “nước đổ lá khoai”. Có thể nói rằng hầu hết các tác phẩm cổ điển V.N đều chan chứa những tinh thần đạo đức cương thường, và tuy xã hội đổi thay nó không hẳn còn phù hợp, nhưng tinh hoa ấy vẫn là nòng cốt tinh thần dân tộc, cái tinh hoa ấy là sống sao cho hợp lẽ phải, hợp với đạo lý làm người trong một xã hội, là sự hướng về điều thiện và những giá trị cao đẹp.
Đạo đức tâm chan hòa trong máu người Việt, nó đi vào chính trị bằng đòi hỏi để phẩm đức lãnh đạo, nhân vật trung tâm của chính trị trước hết phải là con người có phẩn đức đã, bởi vì chính trị đến từ yêu cầu tự nhiên thuận với nhân đạo, thuận với nhân tâm. “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, giai dĩ tu thân vi bản”, từ vua cho đến dân đều phải lấy sự tu thân làm gốc. Không phải vua có quyền làm gì thì làm, vua cũng cần tu thân như dân. Lịch sử Việt chưa bao giờ xuất hiện những chính trị gia có cái phong cách múa may quay cuồng, hò hét, chứa chất nhiều ý lòe nạt như: Mussolini, Krouthehev, Hitler, Clémenceau, Soekarno v.v… Phần lớn, những người lãnh đạo chính trị đều có cái vẻ chân thật nhưng tinh anh, thân ái như trong gia đình với nhau, trông bề ngoài hết sức bình dị.
*
**
Đạo đức tâm đi vào kinh tế bằng đòi hỏi tính cần kiệm.
Làm người phải biết tiện tần
Đồ ăn thức mặc có ngần ấy thôi
Những người đói rách rạc rời
Bởi phụ của trời làm chẳng nên ăn
Sách “Đại học” có câu: “Sinh tài hữu đại đạo, sinh chi giả chúng, thực thi giả quả, vi chi giả tật, dụng chi giả thư”, nghĩa là : Phép sinh tài có con đường lớn; làm ra cho nhiều, ăn ít thôi, làm ra cho nhanh, tiêu chậm thôi.
Làm nhanh, làm nhiều là chăm chỉ, cần mẫn.
Ăn ít, tiêu ít là tằn tiện, tiết kiệm.
Lấy chăm chỉ, cần mẫn mà đuổi kịp người trên mọi lãnh vực kinh tế những gì mình còn kém. Lấy kiệm, tằn tiện để khỏi có một sinh hoạt kinh tế xoay sở, lọc lừa lường gạt, vay mượn. Dù cá nhân hay một quốc gia đều phải hiểu rằng: “Ngã tử sự tiểu, thất tiết sự đại” (chết đói là việc nhỏ, thất tiết mới là chuyện to). Một khi đã rơi vào cái thế cơ hàn sở bách (đói rét đe dọa) và phùng nhân tất hữu cầu (gặp ai cũng xin xỏ) là lập tức mọi sự hỏng.
Đạo đức đi vào tổ chức xã hội bằng sự gây dựng tình nghĩa cho quan hệ giữa người với người, như đời xưa có ngũ luân:
“Giáo nhân dĩ luân, phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín” (Dạy người nhân luân, cha con thâm tình, vua tôi có nghĩa, vợ chồng ai nấy làm tròn bổn phận, già trẻ thứ tự, bạn bè trung tín. - Lời Mạnh Tử)
Có sự đoàn kết nội bộ để chống với địch quốc:
- Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
- Một giọt máu đào hơn ao nước lã
Trong các làng xã tôn trọng bậc cao niên tuổi tác chẳng kém gì người chức tước. Chức tước là quyền uy về thân phận, tuổi tác là quyền uy về niên linh. Thầy Mạnh Tử nói rằng:
“Thiên hạ hữu đạt tôn tam, tước nhất, sỉ nhất, đức nhất. Triều đình mạc như tước, hương đẳng mạc như sỉ, phụ thế trưởng dân mạc như đức” (Có ba điều đáng tôn trọng thiên hạ: chức tước là một, tuổi tác là hai, đạo đức, đạo đức là ba. Nơi triều đình không gì quan trọng bằng chức tước, ở làng xã không gì quan trọng bằng tuổi tác, giúp đời chăn dân không gì quan trọng bằng đạo đức).
*
**
Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi: “Con phải trở về mà lo trả thù cho cha rửa nhục cho nước, chứ đi theo khóc lóc mà làm gì?”.
Lập công là một điều quan trọng của tinh thần đạo đức Việt. Người Việt thường nói: công đức và công ơn của ai, tỉ dụ: công ơn cha mẹ, công đức của tiền nhân. Theo triết lý hành động thì công là một hành động vào thực tế của đạo đức. Lòng yêu nước là đức, cầm súng đánh giặc là công. Nếu cầm súng đánh thuê cho giặc thì hành động ấy không thể lấy danh từ lập công cao đẹp kia mà định nghĩa. Triết lý hành động của Tây phương chú trọng vào phương pháp còn triết lý hành động của Đông phương ngoài phương pháp phải có cả đạo đức.
Tây phương nói: “Agir c’est transformer volontairement par des destes, le monde extéricur”.
Đông phương nói: “Lập công để lưu danh thiên cổ” trước khi hành động cần xem hành động có hợp với đạo đức không đã, một khi đã chấp nhận đó là điều “đạo đức” thì làm cho đến chết mới thôi mặc dù đứng trên phương pháp mà xét nó không hề có một khả năng thành công nào cả. Không thành công thì thành nhân của Nguyễn Thái Học là vậy.
Ở Pháp, nếu người nào chấp nhận chính phủ Vichy, họ mang cờ đi đón thống chế Pétain như vị anh hùng cứu nước Pháp.
Ở Việt Nam, dân chúng sống trong khu vực Pháp chiếm đóng khi đi đón vị “thủ tướng” Việt do Pháp đưa ra, đã ngấm ngầm bảo nhau căng bốn chữ “đại điểm công thần” trong cuộc lễ đón rước chính thức bằng hình thức ẩn dấu, dân Việt đã chửi công khai vị thủ tướng kia bằng hai chữ đại điểm kết với nhau thành chữ “khuyển” ý bảo là tên chó săn của giặc, tuy hình thức bên ngoài nó mang nghĩa là “công to” cho đất nước.
Tây phương rất tán thưởng câu Machiavel nói: “Le succès fait le mérite” (Thành công sẽ làm thành người xứng đáng).
Việt Nam đòi thành công phải đi đôi với xứng đáng, nếu xứng đáng thì dù là kẻ thù người Việt cũng lập đền thờ như đã thờ Sầm Nghi Đống bên gò Đống Đa vì hắn là người trung liệt với nước của hắn. Công lớn nhất là công thuộc về chính trị. Thấp hơn một tầng nữa là công về kinh tế, các làng xã thường thờ vị thành hoàng nào dạy dân một nghề để sinh sống, đa số hằng năm tế ông Thần Nông, sự thờ cúng tế tự này trên quan niệm ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn.
*
**
Trần Bình Trọng thấy quân nhà Nguyên đã đến bãi Đà Mạc (Hưng Yên) liền đam binh ra đánh nhưng chẳng may bị vây phải bắt. Quân Nguyên đưa Bình Trọng về nộp cho Thoát Hoan. Hoan biết Bình Trọng là tướng khỏe mạnh muốn khuyên dỗ về hàng, thết đãi cho ăn uống, nhưng Bình Trọng không ăn, dỗ dành hỏi dò việc nước, Bình Trọng cũng không nói. Sau Thoát Hoan hỏi rằng: “Có muốn làm vương đất Bắc không?”. Bình Trọng quát lên: “Ta thà làm quỉ nước Nam chớ không thèm làm vương đất Bắc. Tao đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì phải hỏi lôi thôi”.
Thoát Hoan thấy dỗ không được, sai quân đem Trọng đi chém.
Lời nói của Trần Bình Trọng đã trở thành lời nói của dân tộc cho mãi mãi.
Một lời nói một đọi máu. Người Việt thường bảo như thế. Câu phương ngôn trên không chỉ áp dụng vào phong tục ăn thề thôi đâu mà nó chính là một triết lý lập ngôn.
Nguyễn Hoàng vào hỏi kế, cụ Trạng Trình dạy rằng: “Hoàng Sơn nhất đái vạn đại dung thân”. Nguyễn Hoàng làm theo Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tạo thành công nghiệp vĩ đại cho lịch sử, mở mang bờ cõi xuống phía Nam. Khi vua Trung Tôn mất không có con, Trịnh Kiểm muốn tự xưng làm vua nhưng lại lưỡng lự chưa quyết, mới sai người ra Hải Dương hỏi Trạng Trình. Cụ không nói gì cả, chỉ ngoảnh lại bảo đầy tớ rằng: “Năm nay mất mùa thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ”. Nói rồi lại sai đầy tớ ra bảo tiểu quét dọn chùa mà đốt hương để ông ra chơi chùa, rồi bảo chú tiểu rằng: “Giữ chùa thờ phật thì được ăn oản”.
Lịch sử chính trị Việt chịu ảnh hưởng rất lớn của hai lời nói trên. Chắc chắn không phải tin vào tài tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà vì phục nhận thức chính trị sắc bén của cụ. Và cũng chắc chắn rằng Trạng Trình trước khi nói hai lời đó, cụ đã suy nghĩ kỹ về sự cần thiết của chính trị thời ấy.
Lập ngôn được chia ra làm hai loại:
Một là giáo dục tâm lý, nung đúc tinh thần,
Hai là huấn luyện tri thức.
Từ một câu hát dạy trẻ em hát chơi như:
Băm bầu, băm bí, băm chị thằng Ngô
đến một câu vè chế giễu như:
Em ơi anh dạy tiếng tàu
Tỉu nhà ma nị đâm đầu lấy Ngô

hay

Muốn coi lên núi mà coi
Kìa kia chú khách mọc đuôi đằng đầu

đến một bài ru em ngủ như:

Chớ chơi, chớ có đi chơi
Dạy em em phải nghe lời
Đắp cao núi Thái, tát vơi sông Thù
Em em em, chị yêu em
Nẻm nèm nem, nắm nem không thèm
Một nhà đằm thắm ơn trên
Khơi dòng hào kiệt, rạng nền tổ tông

đến một bài thi ca yêu nước như:

Hồn cố quốc biết đâu mà gọi
Thôi khóc than rồi lại xót xa
Trời Nam xanh ngắt bao la
Ngàn năm cơ nghiệp ông cha còn gì
Thôi đừng trách kẻ kia rằng tệ
Ngẫm mà xem thôi thế không oan
Dân ta là chủ nước non
Ta không biết giữ thôi còn trách ai.
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
Người Việt lúc nào cũng tìm cơ hội để lập ngôn, nung đúc tinh thần và giáo dục tâm lý. Chỉ tiếc một điều, người ta thấy ít quá loại lập ngôn để huấn luyện tri thức như Vạn Kiếp Bí Truyền, Phương Đình Dư Địa Chí v.v… đến nỗi ông Lê Quí Đôn phải tuyệt vọng mà kêu:
“Tôi đã từng đọc mấy tập “Nghệ Văn Chí” của các đời Hán, Tùy, Đường, Tống thấy tên sách vở ghi ở trong đó kể có hơn trăm vạn cuốn, giàu thịnh biết chừng nào. Những sách vở ấy, ở kho chứa sách của các vị vua chúa cất chứa cực kỳ tề chỉnh, rồi ở nhà các sĩ phu thâu lượm, tàng trữ càng cẩn thận, sự truyền bá của nó cũng rất rộng rãi cho nên dù có trải qua mấy cơn binh lửa cũng không tan lạc bao nhiêu”.
Nước ta gọi là nước văn hiến, trên từ các bậc đế vương, dưới đến kẻ thần thứ, phần nhiều đều có trứ thuật. Vậy mà gom góp cả lại chẳng qua độ hơn trăm pho, so với sách vở của Tàu chưa bằng một phần trăm.
Theo tín ngưỡng của Gia Tô thì thế giới loài người là căn bản tội ác vì tổ tiên loài người đã phạm tội khiến cho chúa Jésu phải xuống trần đại diện cho ý chí của Thượng Đế mà truyền giáo đem đạo đức đến cho nhân gian.
Đạo đức Việt không hàm chứa một ý chí của Thượng Đế bao giờ, tất cả vấn đề đạo đức chỉ là một mênh lệnh của lương tâm tức là cái năng lực thâm biện mọi hành vi tự kỷ có trong mỗi con người từ khi sinh ra đời, nó mừng vui với điều thiện và xấu hổ trước điều ác. Mọi người đều y cứ theo lương tâm để hành động, nếu làm trái mệnh lệnh của lương tâm thì lòng bất an khiến cho cuộc sống kém thoải mái.
Thời Pháp thuộc có một vị tổng đốc chí sĩ trở về quê dưỡng già, ông vốn là nhà nho xu thời theo Pháp, nhân ngày giỗ Henri Rivière, ông làm bài văn tế có câu khen nịnh: “Nhất nhật nhi hạ ngũ thành”. Ý nói Rivière là tướng tài trong một ngày hạ liền năm thành trì của An Nam. Nhờ bài văn tế đó, chức tước của ông lên rất mau, đổi lại ông cũng phải chịu miệng tiếng cười. Càng về già ông càng cảm thấy cái quá vãng nhục nhã của mình. Một hôm, vào buổi chiều ông đang đứng chơi mát ở cổng nhà, bỗng có thằng đánh dậm đuổi con mèo, vừa chạy qua mặt ông vừa chửi: “Đ.M. mày, nhất nhật mày lại hạ ngũ ngư của ông à?”, (ý nói con mèo một ngày dám vồ của hắn năm con cá). Biết tên đánh dậm đó chửi xỏ mình, đau quá, đêm ấy vị tổng đốc chí sĩ về uống thuốc độc chết, làng nước khinh, lương tâm bất an, ông không còn thiết sống để ngày ngày phải hứng chịu mãi sự sỉ nhục.
Người đời hữu tử hữu sanh
Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm
Lương tâm chính là một lực lượng thiên phú sách động con người hướng thượng, nhờ lương tâm mà nhân thế hỗn loạn, hắc ám một ngày kia sẽ lại hồi phục quang minh.
Người Việt luôn luôn tin như vậy.
*
**





TRÍ THỨC PHẦN TỬ


Trị loạn cách mạng, hòa bình, chiến tranh có nhiều nguyên nhân: địa dư, kinh tế, văn hóa, chính trị v.v…
Nhưng quyết định đều lở nơi kết quả vận chuyển của phần tử trí thức. Phần tử ưu tú (élite) trong xã hội không bao giờ nằm im, trái lại nó luôn luôn vận động, đấu tranh nắm quyền bính để đưa vận mạng chính trị vào con đường mới.

Viltredo Pareto



Lịch sử có phải là một khoa học khả dĩ giảng được bằng một phép tắc? nghĩa là đoán trước những gì sẽ xảy ra hay lịch sử chỉ là một mớ hoang thoại?
(lời Henri Ford)

Người Ấn Độ xưa, người Hy Lạp và Henreu cổ thời nghĩ lịch sử biến hóa theo luật tắc luân hồi. Một vài giống người nói lịch sử giống như cái thang, leo từng nấc tức là từng giai đoạn sử. Cho đến cận đại, hai sử gia danh tiếng Spengler và Toynbee đưa ra thuyết lịch sử văn hóa biến hình theo phép tắc: sinh-trưởng-suy-vong. Trong lúc nhiều tôn giáo cho rằng lịch sử do Thượng Đế an bài, lại có những người khác lập luận lịch sử là một chuỗi liên tiếp những sáng tạo anh hùng, chứ chẳng chịu phép tắc nhất định nào cả, chỉ có bọn nô lệ mới chịu làm bù nhìn trước lịch sử.
Lịch sử biến động, điều ấy ngày nay không còn ai dám chối cãi, nhưng vấn đề đặt ra là hoàn cảnh quyết định lịch sử hay ý chí con người quyết định? Người Việt không hỏi tách ra là hai như vậy vì cho rằng lịch sử là tác dụng tương hằng (interaction) giữa người với hoàn cảnh. Nhờ tác dụng đó mà sản sinh ra văn hóa. Ảnh hưởng vào tốc độ và phương hướng của văn hóa đến từ kết quả của tác dụng tương hằng giữa ý chí con người với hoàn cảnh. Chiếc gậy mang đầu sinh đầu tử trong tay thần Tản Viên, quay trở trong vòng càn khôn là hoàn cảnh.
Kể từ khi loài người rời bỏ tự nhiên sử đi vào nhân loại sử thì loài người trở thành một động vật văn hóa, dùng văn hóa để mở đầu lịch sử. Văn hóa đem cho loài người một năng lực mới chiến đấu với hoàn cảnh, văn hóa làm tăng trưởng nhân lực. Trong văn hóa, sự đối lập tâm với vật đã mất hết ý nghãi. Từ hòn đá mài dùng như một khí cụ đến quả bom nguyên tử chẳng có vật nào khả dĩ phân biệt đâu là tinh thần đâu là vật chất. Do hoàn cảnh khác biệt, văn hóa khác biệt. Những nền văn hóa ấy tiếp xúc với nhau mà thành ra hiện tượng văn hóa giao lưu. Lịch sử thông qua văn hóa mà biến động.
Vận hành lịch sử không đi theo một vệt thẳng và cũng không có giai đoạn nhất định. Chỉ những nhân tố lợi và những nhân tố bất lợi làm cho lịch sử tăng hay giảm, thừa hay trừ. Tình thế trước sau, hoàn cảnh trong ngoài có thể ảnh hưởng đến sự sáng sủa hay đen tối của lịch sử.
Nếu văn hóa lịch tích súc, nội bộ đoàn kết tất quốc lực mạnh, xã hội tiến bộ. Nếu tự mãn cô lập tất quốc lực bạc nhược, xã hội trì trệ. Tính theo thế lớn thì lịch sử là kết quả tối hậu của quá trình tiêu diệt và lớn lên của các lực lượng, hiện lên qua một sự thế nhất định. Tuy nhiên, nhân lực hay ý chí một dân tộc kể cả một sức cá nhân chẳng phải vì vậy mà mất hết địa vị. Ngược lại là khác.
Lịch sử còn có một vấn đề nữa: cá nhân với xã hội ai trọng yếu hơn? Anh hùng với thời thế ai làm chủ thể?
Đấy là vấn đề quả trứng với con gà, đặt trong quá trình liên tỏa phản ứng. Một xã hội giả thử không những kẻ sĩ biết sớm, biết rộng đương nhiên văn hóa sẽ không tiến bộ, tuy nhiên, kẻ sĩ ấy là người tiền phong chăng nữa thì cũng không thể không là là con đẻ của một hoàn cảnh văn hóa nào đó, nếu kẻ sĩ ấy nổi lên, cô lập thiếu hậu viên sẽ bị bóp chết ngay (trường hợp Nguyễn Trường Tộ đời Tự Đức). Vậy muốn thành việc chuyển động lịch sử cần phải có cả một đội ngũ trí thức. Cho nên khả dĩ nói được rằng phần tử trí thức chính là động lực cho tiến bộ lịch sử. Phần tử trí thức là những người ngôn ngữ Việt xã hội cũ thường nhắc đến: thánh hiền, nhà nho, văn nhân học sĩ, cụ đồ nho, thầy khóa, ông cử ông tú, nói chung là những người đọc sách.
Vì văn hóa tăng trưởng sức mạnh nhân loại nên trí thức tức là quyền lực. Phần tử trí thức nắm quyền lựa ấy. Người Việt quan niệm phần tử trí thức phải đảm nhiệm việc sáng tạo văn hóa, giáo dục nhân dân và duy trì đạo nghĩa. Ở vào đời suy vi, sa đọa thì tìm cách cổ vũ lương tâm, ở vào thời loạn vong thì tìm cách bảo vệ ngọn lửa văn hóa.
Phong trần lặn lội xót hoa hường
Tìm người đồng tình dạ vấn vương
Buồn theo gió đông gửi bốn phương
Lân ẩn trong nội
Phượng ẩn trong ngàn
Rồng ẩn trong ao
Lều tranh cỏ rậm vùi anh hào
Tìm người đồng chí dạ khát khao
Trông theo cánh buồm hỏi mây sao
Mấy câu thơ trên là hình ảnh cô quạnh của người trí thức cách mạng Việt thời Pháp.
*
**
Theo những nghiên cứu của sử gia Arnorld Toynbee viết trong “A study of History” và “Civilization on Trial” thì văn minh thế giới tự cổ đại tới giờ có chừng 19 tôn phái, nhưng đã nhiều tôn phái suy vong, nay chỉ còn sống được 5:
a) Văn hóa Trung Quốc
b) Văn hóa Ấn Độ
c) Văn hóa Hồi Giáo
d) Văn hóa Slave (Nga)
e) Văn hóa tây phươong
Đời sống văn hóa Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Bởi vậy khi đề cập đến phần tử trí thức tất không thể không có một nghiên cứu đối chiếu Trung Quốc và Việt Nam. Phần tử trí thức Việt trải mấy ngàn năm lịch sử cũng có những đặc điểm chung với phần tử trí thức Trung Quốc nếu mang so sánh với phần tử trí thức của các quốc gia khác, những đặc điểm chung đó do Nho đạo mà ra.
Những đặc điểm ấy là:
1) Lấy tinh thần nhân văn làm hạch tâm lãnh đạo giải phóng khỏi kìm hãm tôn giáo rất sớm cho nên phần tử trí thức không là những giáo sĩ tu sĩ, kiểu Hồi giáo, Gia Tô giáo hay Rabbis của Do thái giáo hay Bà La Môn của Ấn Độ giáo.
2) Đối tượng trí thức tập trung vào hiện thực nhân sinh trên các mặt xã hội, chính trị, giáo dục, văn nghệ.
3) Thiếu hẳn khuynh hướng tìm biết về tự nhiên khoa học.
4) Không có cái say mê cuồng tín của tôn giáo tính.
5) Khác hẳn với phần tử trí thức Hy-La, đa số là nô lệ chủ, phần tử trí thức Nho là đại biểu của bình dân đem trí lực ra để chống với vũ lực và kim tiền lực.
Người trí thức đạo Nhi tuân theo truyền thống xem chính trị là con đường duy nhất để cho mình phát triển lý tưởng và hoài bão đối với xã hội nhân sinh.

Vũ trụ chức phận nội
Đấng trượng phu một túi kinh luân
Thượng vi đức hạ vi dân
Nên nỗi phải xuất thân mà gánh vác
Có sự nghiệp đứng cùng trời đất
Không công danh nát với cỏ cây
Trí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuấy
Phải tùy thế mà ra tay kinh tế
Người đời thế trả nợ đời là thế
Của đồng lân thiên hạ của chung
Hơn nhau hai chữ anh hùng
(Nguyễn Công Trứ)

Khổng Tử chỉ về giảng học viết sách khi thấy mình đã về già, cũng như cụ Phan Bội Châu than thở: “lập thân tối hạ thị văn chương”. Tuy nhiên, không ai quên cho được chính trị. Vì say mê chính trị, vì chỉ chú trọng đến các vấn đề quốc gia bình trị, kinh tế mãn túc và giáo hóa sương minh nên các loại trí thức khác như thiên văn, y họa, âm nhạc v.v… đều được coi làm một nghệ, một kỹ, thì giờ dư dả mới xem xét đến cho rộng đường kiến thức mà thôi, cho nên đa số trí thức đã không phát triển.
Toàn bộ trí thức Nho đạo “không quên được chính trị” như vậy, tại sao tư tưởng chính trị nho cũng không được đa hình đa dạng, không phồn vinh như tư tưởng chính trị Tây phương hiện đại?
Giáo sư Tiền Mục, một sử gia Trung Quốc viết: “Ấy là tại phần tử trí thức trong lý tưởng của họ không vì chính trị mà làm chính trị, không đem chính trị thoát ly khỏi trung tâm nhân văn”.
Giáo sư Hồ Thu Nguyên viết: “Ấy là tại phong độ nho và hiệp của phần tử trí thức đã tìm mọi cách gạt bỏ cái mặt ác của chính trị mà đẩy mạnh lý tưởng hóa chính trị. Nếu không làm được như thế thì chính trị cũng chỉ là nhất nghệ nhất kỹ mà thôi chứ chẳng hay đẹp gì nữa mà đáng trọng”.
Trong lịch sử đời Trần có vụ sau khi nhà Nguyên thất trận hai lần nên phải chịu hò hiếu bang giao với nước ta. Vua Nhân Tôn liền sai quan đưa bọn tướng tá tù binh Mông Cổ về Tàu như Tích Lệ, Cơ Ngọc, Phàn Tiếp. Riêng tướng Ô Mã Nhi là tên đã giết hại nhiều người Việt, để rửa hận cho nhân dân Việt nên vua mới dùng mưu của Trần Hưng Đạo đem ra giữa bể rồi sai người đánh đắm thuyền cho chết đuối. Về sau vua Dực Tôn xem hồ sơ vụ này có phê bốn chữ “Bất nhân phi nghĩa”. Giết kẻ thù tàn ác mà còn bị phê phán là bất nhân phi nghĩa trong khi tư tưởng Machiavelli bên Tây phương nổi bật bằng sự ca tụng các việc làm thật tàn nhẫn của César Borgia.
Học trò ông Khổng Tử có lắm người tài giỏi: Tử Lộ giỏi dùng binh, Nhiêm Cầu giỏi tài chính, Công Tây giỏi ngoại giao, thế nhưng Khổng Tử lại chịu nhất Nhan Hồi lẵng cơm bầu nước ôm ấp lý tưởng cửu đức: khoan nhi túc, như nhi lập, nguyện nhi cung, loạn nhi kính, nhiễu nhi nghị, trực nhi ôn, giản nhi liêm, cường nhi nghĩa.
Không vì chính trị mà làm chính trị, chính là vì dân, vì lý tưởng của toàn thể nhân văn mà làm chính trị cho nên trí thức chuyên tài không được chuộng bao nhiêu. Cổ nhân nhất định không chịu để chính trị thoát ly toàn thể con người đem chính trị độc lập hóa, như thế ý nghĩa nguyên hữu của chính trị sẽ mất đi.
Ở sách Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Hiếu hồ duy hiếu, hữu ư huynh đệ thi ư hữu chính, hề kỳ vi chính” nghĩa là: “Hành động hiếu nghĩa với cha mẹ, thân mật với anh em cũng kể là chính sự cứ gì phải làm chính trị mới là chính trị?”. Ý bảo rằng sinh hoạt thường ngày trong gia đình chính là sinh hoạt chính trị vậy. Cổ nhân mang chính trị tan hòa với toàn thể đời sống con người. Nếu ai có chuyên ý để đưa mình thành một chính trị gia tức thị người ấy khó thành một chính trị gia theo lý tưởng nho đạo. Lý tưởng ấy nhằm đem thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ xâu vào một chuỗi. Hành động với phương châm nội thánh ngoại vương. Nội thánh là thánh ý, chính tâm, tu thân, ngoại vương là trị quốc bình thiên hạ. Thánh đây hoàn toàn chỉ là một nhân cách phổ thông ai cũng có thể thành thánh nhân nếu người ấy có:
- Trách nhiệm tâm tu thân để yên trăm họ (quân tử tu kỷ dĩ an bách tính)
- Tự tôn tâm không lo, không sợ và không lầm lỡ (bất ưu, bất cụ, bất hoặc)
- Phong độ nho gia trang, cung kiệm nhượng nhưng rất uy nghiêm, cương nghị.
*
**
Phần tử trí thức quên không được chính trị nên chính trị sinh mệnh với trí thức phần tử gắn liền với nhau.
Nhìn vào lịch sử Việt, sự quan hệ giữa phần tử trí thức với chính quyền bình thường là hợp tác, nếu mâu thuẫn là biến thái.
Hợp tác tạo thành thịnh trị như đời Lý, đời Trần và đời Lê.
Mâu thuẫn gây thành suy đồi như đời Trịnh, đời Nguyễn (triều Tự Đức).
Khi phần tử trí thức phấn phát hoạt động thì chính trị chuyển động như đời Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Gia Long với Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngô Thời Nhiệm, Đặng Trần Thường v.v…
Khi phần tử trí thức tuyệt vọng với thời đại thì chính trị bại vong như lúc phong trào Cần vương thất bại, đô hộ thực dân được củng cố.
Cho đến lúc phần tử trí thức sau thời gian mai danh ẩn tích, sự nghiệp rèn luyện giáo hóa thành thì chính trị phục hưng.
Nếu phần tử trí thức hèn hạ từ bỏ tự tôn tâm trách nhiệm trở nên hư nhược và tì ô thì chính trị nô lệ.
Ở chính trị Việt, sĩ khí với dân tâm quan trọng ngang nhau. Sĩ khí một khi đã trụy lạc thì tài trí cũng tiêu ma.
Muốn cho xã hội băng hoại không gì bằng tiêu tự tôn tâm của phần tử trí thức, muốn cho quốc gia diệt vong thì hãy chinh phục văn hóa của quốc gia đó rồi thay vào đó một đội ngũ trí thức bán nước. Vào cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, đế quốc luôn luôn áp dụng chính sách trên. Hình ảnh này đã được tác gỉ Nam Xương tả trong vở kịch “Ông Tây An Nam”.
Vở kịch kể chuyện: “Cửu ông cho con đi Pháp học mới đỗ cử nhân trở về nước. Cửu ông bảo vợ đi đón. Cử Lân đã quên hết tiếng mẹ đẻ phải dùng thông ngôn, đã nhờ cảnh sát bỏ bót mẹ vì cái con mụ đàn bà bản xứ bẩn thỉu này cứ theo nó lẽo đẽo để ăn cắp. Hai ông bà rất khổ tâm về cái ngây ngô mất gốc của thằng con. Bị lạc lỏng, cử Lân đâm hối tiếc việc trở về An Nam của mình và nó nhất định về Pháp để làm cái luận án tiến sĩ về những thủ tục của dân An Nam thấp hèn, rồi sẽ ở hẳn bên đó”.

Xin trích dẫn một đoạn:

Cử Lân : C’est ici ma maison?
Cửu ông : Ấy kìa con, con đã về, con đã về!
Cử Lân : (cau mặt) Quel est ce vieux fou là?
Cửu ông : Thầy ra đón con không được, thật là bất đắc dĩ. Nhưng mẹ con đâu? Mẹ con ra đón con đó mà.
Cử Lân : Que signifie?
Cửu ông : Vậy con ngồi xuống, xuống đây.
Cử Lân : Veut-il par hasard me manger?
Khiếu (thông ngôn) : Me xừ lúy điếc papa me xừ.
Cử Lân : Monn père? Oh hơ hơ!
Khiếu : Có thật cụ là bố quan cử tôi không?
Cửu ông : Chao ôi, con quên thầy rồi hay sao? Hồi con đi Tây, thầy đưa con xuống tận Hải Phòng đấy mà. Tháng tháng thầy vẫn gởi tiền cho con ăn học đấy mà.
Cử Lân : (hơi nhận ra) Possible (rồi ôm lấy Cửu ông mà hôn) Excuse-moi papa, je ne trí thức’avais pas reconnu.
Khiếu : Quan tôi xin lỗi cụ vì trước không nhận ra.
Cửu ông : (cũng bá chặt lấy cổ Cử Lân và ấn xuống ghế bảo ngồi). Con đi lâu về thường quên thật. Thôi thầy chả bắt lỗi con đâu.
Cử Lân : (sẽ đẩy ông Cửu ra). Oh pouf! Il m’étouffe avec son odeur indigène. Dis-lui de ne plus recommencer, je te prie (cầm mùi soa phe phẩn trước mũi).
Khiếu : Cụ ạ, cụ làm quan tôi suýt chết ngạt về cái mùi bản xứ của cụ. Bận sau chớ thế nữa nhé.
Cửu ông : (ngạc nhiên) Con nói thế ấy ư con (rồi ngoảnh lại nhìn Khiếu). Hay là mày nói láo?
Khiếu : À cái nhà ông cụ này cho tôi là ai?
Cử Lân : Qu’est-ce?
Khiếu : Moa lúy điếc moa anh tê dét me xừ moa ba bồi lúy (ngoảnh lại Cửu ông nói) Tôi chẳng gì cũng là thông ngôn cho quan Cử.
Cửu ông : Thì mày cũng là đày tớ con tao chứ gì?
Khiếu : Đày tớ con cụ chớ đày tớ cụ à? San vi ơ.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Trí thức nô lệ kiểu “Ông Tây An Nam” qua kinh nghiệm sử Việt chỉ có thể xóa bỏ đi bằng một phong trào thư sinh hào kiệt khi loạn thế, đã tạo cơ hội cho anh hùng khai quốc, chỉ có thể ngăn chặn bằng đấu tranh thường trực của phần tử trí thức yêu nước chưa bị đế quốc tiêu diệt bằng vũ lực hay bằng dụ dỗ hay bằng văn hóa.
*
**
Theo truyền thống, phần tử trí thức Việt là đại biểu của quần chúng bình dân. Họ có nhiệm vụ phải đem lý trí tự giác của họ phổ biến hóa vào đại chúng. Công năng trí thức biểu hiện trên thân phần tử trí thức, nhưng mục tiêu tối hậu và đối tượng của trí thức là đại chúng.
Nhà Nho có câu: “Môn sắt đàm chính” nghĩa là vừa bắt rận vừa nói chuyện lớn trong thiên hạ. Xin chớ đứng trên quan điểm “vệ sinh” kiểu “Ông Tây An Nam” mà phê phán câu này vì nó thực là một hình ảnh đẹp của người trí thức đại chúng hóa chứ chẳng phải vấn đề sạch hay dơ, nó cũng là con đường cứu nước quen thuộc mỗi khi dân tộc ta rơi vào tay thống trị ngoại bang, con đường đi đến đồng ruộg ngun ngút với đông đảo nông dân, nó cũng là nơi dụng võ của anh hùng mỗi lần quốc biến.
Em khôn em ở trong hồ
Chị dại chị ở kinh đô chị về
Kinh đô thì mặc kinh đô
Chị đi chỗ ấy thì đồ chị tan
Câu ca dao trên nói lên tình cảnh khôn dại của kinh đô với “trong hồ” khi nước ta bị đặt dưới đô hộ nhà Minh, cuộc sống kinh đô phè phỡn thật đấy nhưng nhục nhã ê chề.
Trên phương pháp, đành rằng phần tử trí thức thường phải từ thượng tầng chính trị để ảnh hưởng xuống hạ tầng xã hội, có thế hiệu quả mới dồi dào. Nhưng có nhiều thời kỳ phần tử trí thức mong theo khoa cử tới với lợi lộc mà quên hẳn trách nhiệm đại chúng hóa. Những thời kỳ ấy thảy đều là những thời kỳ chính trị đen tối, như hồi Trịnh làm chúa ở xứ Bắc và triều đại Tự Đức gây thành xung đột đối kháng giữa phái khoa cử lợi lộc với phái đọc sách giảng học sống cùng đại chúng. Điển hình là vụ Cao Bá Quát chống nhóm thi xã của Tùng Thiện Vương Tuy Lý Vương đẩy bọn giả sĩ sang một bên, tự mình trương cờ lập trận tuyến cho bọn chân sĩ. Ở những cuộc xung đột này, bọn giả sĩ lúc nào cũng dùng đủ mọi thủ đoạn để đoạt thắng lợi, còn nhóm chân sĩ chỉ có tấm lòng cao thượng gây dựng lực lượng tại hạ tầng xã hội.
Cao Bá Quát uất hận về sự hủ bại của triều đình và cảnh lầm than cơ khổ của dân chúng, ông liền cùng Lê Duy Cự mưu khởi nghĩa, khôi phục Lê triều đánh đổ một chế độ thối nát. Việc không thành, Cao Bá Quát bị bắt và bị kêu án tử hình.
Ngán cho cái mũi vô duyên
Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An
Mùi thối đây chẳng những là thối của văn chương mà còn là mùi thối của cả tập đoàn trí thức khoa cử lợi lộc nữa. Ông Cao Bá Quát đã từng nhiều lần đi thi nhưng vốn là một chân sĩ mong dùng chính tài để suy tấn xã hội, khác hẳn bọn giả sĩ chuyên dựa vào chế độ khoa cử để lẩn vào chính trị mong kiếm tước vị. Vì vậy, Cao Bá Quát không lần nào thi đỗ cả. Ông cũng biết như vậy nên khi học trò tiễn đưa ông vào kinh thi hội, ông có nói mấy lời tạm biệt, những lời đó cho thấy người chân sĩ thời ấy cô đơn nhường nào:
Xa xa từ đất cũ
Thăm thẳm lên đường dài
Ngoài thành trời lành lạnh
Lấm tấm hạt mưa mai
Học trò tiễn ta đi
Bước theo không nỡ rời
Nam nhi mà thế ư
Nước mắt đầm đìa rơi
Nhớ xưa ta đã từng
Đường xa rong ruổi hoài
Chuyến này lại lẽo đẽo
Nào đã chắc hơn ai
Vào đời có văn chương
Thì đem mà góp chơi.
Cổ nhân bảo nước ta là một nước văn hiến chi bang, câu nói thông thường của các nhà sử học là bốn ngàn năm văn hiến. Nếu chỉ chấp nhận ý nghĩa văn hiến để làm biện luận đầu lưỡi thì văn hiến chi bang sẽ dễ trở nên khôi hài trong cái đầu óc nông cạn của bọn tân học. Văn hiến mà cổ nhân nói đây không phân biệt tân cựu, tổ tiên chỉ muốn dạy con cháu rằng sinh mệnh đặt trong tay văn hóa học thuật. Câu đó cũng cho chúng ta một quy luật chính trị lưu cữu cả bốn nồan năm: sinh mệnh lực đất nước đặt trong tay phần tử trí thức, đặt trọng trách nhiệm tâm và tự tôn tâm của phần tử trí thức. Đấu tranh của trí thức làm chính trị phục hưng, trí thức đi xuống làm chính trị trì trệ, suy vong.
Giáo sư Hồ Thu Nguyên viết: “Cái tội lớn nhất, ác độc nhất của bọn thống trị là tìm cách phá hoại liêm sỉ của người đọc sách, nó còn ghê gớm gấp bội sự phá hoại văn hóa học thuật. Có người hỏi rằng đạo đức và trí thức là hai vấn đề khác hẳn, liêm sỉ với văn hóa đâu có liên quan gì với nhau. Kỳ thực đạo nghĩa là rễ của văn hóa bởi vì nguồn gốc tội ác do nơi vô tri. Người sở dĩ thành người chỉ ở điểm ngoài mình ra còn tưởng nghĩ đến tha nhân, ngoài ngày hôm nay còn biết nghĩ đến ngày mai. Từ đó mới gắng sức dùng trí lực giao cảm cùng nhân quần mà phát triển đức tính và tài trí để sáng tạo văn hóa.
Vô liêm sỉ tức là mất trách nhiệm tâm, mất tự tôn tâm chỉ biết dùng trí để kiếm ăn cho thân, thu trí hẹp vào trong bản năng sinh kế, mọi việc xã hội, giang sơn coi như việc lạ thì chuyện vong quốc làm sao tránh được? Bởi vậy mới nói rằng quốc vận luân lạc trước tiên lỗi ở bọn trí thức hèn hạ, sau đến lỗi ở bọn trí thức vô năng rồi mới đến lỗi ở các nguyên nhân khác”.
Khi quốc gia ở cửa ngõ của loạn vong mà nước không mất là nhờ ở phần tử trí thức đấu tranh chống xâm lược, cự tuyệt hợp tác với thối nát, bồi dưỡng, bảo trì và cổ động sinh cơ của dân tộc xã hội.
Nguyễn Cao, thủ khoa năm Đinh Mão (1867) làm tán lý quân vụ. Khi triều đình ký hòa ước với Pháp, ông bất mãn xin treo ấn từ quan. Năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn xuống chiếu cần vương, Nguyễn Cao tìm đến khu Bãi Sậy phụ lực với Nguyễn Thiện Thuật chuyên giữ việc huấn luyện du kích thường đánh phá các đồn Pháp. Sau Pháp phải dùng đại binh hợp cùng quân Hoàng Cao Khải và Lê Hoan thắt chặt vòng vây Bãi Sậy. Nguyễn Thiện Thuật phải chạy lên Thái Nguyên vượt biên sang Trung Hoa. Nguyễn Cao về nương náu tại làng Kim Giảng mở trường dạy học. Vốn người đạo đức nên Nguyễn được khắp vùng kính nể. Ngày kia, một nhà nho đến xin đôi câu đối mừng một ông tiến sĩ đang làm quan to, Nguyễn Cao viết cho. Không dè khi ông tiến sĩ kia đọc câu đối, ngờ tác dụng mỉa mai mình bất trung vì đã ra hợp tác với Tây, bèn ngầm báo cho quan trên cho bắt Nguyễn Cao. Khi giải Nguyễn đến trước mặt quan Tây và Nam trong số có Hoàng Cao Khải, Lê Hoan, chúng dụ dỗ Nguyễn Cao ra làm quan. Ông từ chối. Chúng dọa nạt tra tấn. Ông thản nhiên nói: “Tôi đâu có sợ chết, tôi sẽ có cách tự tử khỏi phiền đến ai”.
Nói xong, ông thò tay vào trong áo lấy mảnh sành đã dấu sẵn, mạnh tay khoét rốn, rút ruột ra vứt lên mặt Hoàng Cao Khải mà chửi rủa thậm tệ. Lát sau, miệng Nguyễn Cao trào máu ra, ông đã cắn lưỡi tự tận.
Phan Văn Trị, 20 tuổi đỗ cử nhân nhưng tính khí phóng khoáng không chịu ra làm quan, ở nhà dạy học hốt thuốc độ nhật. Lúc Pháp sang chiếm Gia Định, Phan Văn Trị là người hăng hái cổ động chống Pháp. Đồng thời với Phan Văn Trị có Tôn Thọ Tường hợp tác cùng Pháp muốn lôi cuốn bằng hữu vào một đường với mình, chẳng ngờ các bạn từ đó đều quay mặt đi, ai cũng mỉa là tên bán nước. Tôn bị cô lập lại bị mạt sát dữ dội, tự thấy hối hận và bởi trót mắc vào vòng rồi, mới làm 10 bài thơ chữa cho tội của mình và thanh minh với dư luận. Mười bài thơ ấy khi đem phổ biến ra liền bị Phan Văn Trị họa lại gây thành một cuộc bút chiến sôi nổi.
Kế đấu tranh của phần tử trí thức thường biểu hiện trên bốn phương diện:
- Tại trung ương chính quyền dùng cái chết tuẫn đạo để noi gương trung liệt.
- Rút lui về các địa phương làm công tác giáo hóa bảo vệ quốc gia chính khí.
- Vũ trang chống nhau với giặc.
- Tìm cách phục hưng chủ lực bằng tìm một phương hướng mới cho đấu tranh, trở về cùng dân gian xây dựng phong khí tiến bộ và ái quốc.
*
**
Giữa triều Minh bên Tàu, có vị danh nho làm bài thơ chất phác sau đây để giáo hóa dân tộc:
Mỗi nhật thanh thần nhất chú hương
Tạ thiên tạ địa tạ tam quang
Đản nguyện xứ xứ điền hòa thục
Hựu nguyện nhân nhân thọ mạnh trường
Quốc hữu hiền thần an xã tắc
Gia vô nghịch tử não già nương
Vạn phương bình tĩnh can qua tức
Ngã túng bần cùng dã bất phương
nghĩa là:
Mỗi buổi sáng sớm thắp một nén hương
Tạ ơn trời đất, tạ ơn tam quang
Cầu nguyện nơi nơi đầy đồng lúa chín
Lại cầu cho mọi người sống thọ trường
Giúp nước có hiền thần an xã tắc
Trong nhà không nghịch tử phiền mẹ cha
Bốn phương yên ổn, lửa chinh chiến tắt
Thì dù tôi nghèo tôi cũng chẳng buồn
Bài thơ đó diễn tả tâm lý thiện lương của sĩ đại phu đương thời. Nhưng đồng thời nó cũng nói lên cái nọa tính của chính trị “nhân nghĩa”. Nọa tính của chính trị “nhân nghĩa” đã khiến cho phần tử trí thức thường ôm chặt lấy lý tưởng chính trị mà không tích cực thỏa hiệp với hiện thực chính trị. Đám sĩ phu Việt dưới triều Nguyễn đã chiêm nhiễm vào trong máu huyết cái nọa tính của chính trị “nhân nghĩa” này. Do đó, họ thiếu hẳn chuyên tài chính trị cần thiết. Hãy nhìn những hoạt động của Phan Thanh Giản và cả triều đình Tự Đức trong việc thương thuyết với Pháp thì thấy rõ.
“Sứ bộ Phan Thanh Giản gồm có Trần Tiến Thành, Phan Huy Vinh với hai thông ngôn Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Văn Sang cùng 62 tùy viên đem sang cái kiệu lớn sơn son thếp vàng, 4 cái lọng làm tặng phẩm cho hoàng đế Napoléon III và nữ hoàng Isabelle. Vào thời gian này, Pháp đang theo đuổi chiến tranh với Mễ Tây Cơ, một cuộc chiến làm cho Pháp kiệt quệ, nội bộ phản đối lung tung. Phe phản đối chống chính quyền Pháp đã để bị lôi cuốn vào những cuộc chiến tranh tại những nơi quá xa chính quốc. Lẽ đương nhiên Napoléon III bấy giờ rất sợ chiến tranh An Nam bùng nổ. Vua Pháp chưa biết tìm cách gì trấn áp nội bộ thì vừa dịp sứ bộ Phan Thanh Giản tới đặt vấn đề bỏ tiền ra chuộc 3 tỉnh về. Napoléon liền vin vào vụ chuộc này cho báo chí loan tin sẽ có 100 triệu đồng vàng để lấp lỗ hổng công quỹ này.
Khi đến gặp vua Pháp ở điện Tuileries, triều đình Pháp dựng lên cả một lễ nghi long trọng để đón tiếp. Ông Phan Thanh Giản dâng quốc thư lên. Pháp hoàng bước xuống một bước để tiếp nhận. Rồi Ông Phan Thanh Giản vẻ mặt ủ dột, nước mắt đầm đìa bày tỏ mục đích của sứ bộ ta.
Kết quả, Phan Thanh Giản chuộc được 3 tỉnh nhưng lại dâng cho Pháp quyền cai trị Sài Gòn, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Vũng Tàu, đảo Côn Lôn. Phan Thanh Giản vừa dâng tiền vừa mất thêm đất. Cả chì lẫn chài đều tiêu ma.
Thuận thiên ứng dân (lời thánh hiền dạy) nay phải chạm trán một loại xâm lược mới của văn minh thương công nghiệp, của khoa học với thủ đoạn tàn nhẫn vũ khí mới lạ với phương pháp tổ chức, tương quan chính trị khác hẳn thì sự tai hại của nọa tính do chính trị “nhân nghĩa” hiện lên. Thuận thiên ứng dân không tuyệt đối hiệu lực như trước kia nữa vì bọn cướp nước có thuyền kiên pháp lợi, súng đạn nổ như sấm sét”.
Học thuật, văn hóa và phần tử trí thức dưới thời Tự Đức chúi mũi vào từ chương thi phú bỏ mặc hiện thực xã hội:
Nhai văn nhá chữ buồn ta
Con giun còn biết đâu là cao sâu
Giật mình khi ở xó nhà
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.
(Cao Bá Quát)
Nay thấy người da trắng trong một ngày trời, bằng một số quân ít ỏi , đã hạ của ta năm thành thì hoảng hồn không hiểu ất giáp gì nữa. Cụ Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị có tả tình trạng hỗn loạn ấy trong bài “Phú kể lại giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần đầu”, xin trích một đoạn dưới đây:
“Vua sẵn tính cao
Tôi sum tài lạ
Văn thì ông cử, ông nghè, ông hoàng, ông bảng khoa trước khoa sau
Võ ròng ông quản, ông lĩnh, ông thống, ông đề phẩm kia phẩm nọ
Có mũ, có xiêm, có cờ, có biển rõ ràng khoa mục phong lưu
Nào phủ, nào việt, nào ủng, nào hia chĩnh chện triều đình danh giá
Gươm bạc tô đầu hổ, dàn trước mặt cũng oai linh
Lọng xanh kéo cổ gà, che trên đầu càng nghiêm nhã
Kẻ ở ngoài phiên ra sức chi gác Tôn Ngô
Người vào trong các bày mưu, mắt không Đổng Giả
Văn võ ấy mà giang sơn ấy, dẫu hùng binh Ô Mã có làm gì
Thành quách này lại giáp binh này, dẫu cường lỗ Hoàng Sao coi chẳng sá
Quái nhỉ Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nội thành vàng áo nóng mấy lần
Kìa như tổng đốc, bố chánh, án sát, lãnh binh tiền bổng, gạo lương bao tá
Sao thấy thằng trọc đầu răng trắng, gối run như chứng kinh phong (chỉ bọn cờ đen)
Sao thấy thằng mũi lõ, tóc quăn, mặt xám như hình lôi đả?
Nghe cửa tiền rầm pháo nổ, ngọn cờ theo gió phất xuôi
Mở nẻo hậu cho quân lui, bỏ giáo rơi đường tơi tả…
*
**
Tiếng súng thần công của Tây đã đẩy phần tử trí thức từ trong đống giấy từ chương chui ra ngoài rồi hoảng nhiên bảo nhau: “Vì chúng ta không có tân học thuật nên không có tân nhân tài mà thành ra không ứng phó được với tân cục diện”. Loại bọn trí thức đem đầu “lạy Tây mà chẳng hổ bảng vàng bia đá” ra bên ngoài không kể, còn lại phần tử trí thức vẫn hoài bão kháng Tây thì một số lớn chủ trương bất hợp tác để vẹn toàn danh tiết:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ
Ấy hồn Thục Đế chết bao giờ
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ
(Nguyễn Khuyến)
Mợ vẫn bảo vần Tây chẳng khó gì
Cho tiền đi học để chờ thi
Thôi thôi lạy mợ “xanh căng” lạy
Mả tổ tôi không táng bút chì
Một số khác chủ trương tìm học văn minh phương Tây để đánh Tây:
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si
Nguyên trục trường phong Đông hải khư
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi
(Phan Bội Châu)
nghĩa là:
Non sông mất rồi chỉ là nhơ nhuốc
Sách vở thánh hiền tẻ ngắt đọc chỉ mụ người
Ta muốn đuổi theo gió đi qua biển Đông
Cùng bay nhảy với muôn ngàn sóng bạc.
Ông Phan Châu Trinh làm bài phú “Danh sơn lương ngọc” có những câu:
Nguyên nước ta từ khi dựng nước
Ở vào miền Đông Á một phương
Dưới đến Trần Lý
Trên tự Hồng Bàng
Lòng người thuần phúc
Khí dân quật cường
Đuổi Tô Định ở Lĩnh Biền
Bắt Mã Nhi ở Phú Lương
Vừa vẫy cờ mà Chiêm Thành đã mất nơi hiểm yếu
Mới rung kiếm mà Châu Lạp đã phải mở biên cương
Mạnh thay nước tổ
Dễ ai dám đương
Chỉ vì một phen thất sách
Nên để muôn đời tai ương
Tục chuộng văn chương
Người ham khoa mục
Vế lớn vế nhỏ, suốt tháng dùi mài
Ngũ ngôn thất ngôn, quanh năm lăn lóc
Ngóng hơi thở của quan trường để làm văn sách
Chích có thể cho là phải, Thuấn có thể cho là trái
Nhặt cặn bã của Trung Quốc để làm phú từ biền thì nhất định phải tứ, ngẫu thì nhất định phải lục
Nhâu nhâu phường danh lợi chợ Tề đánh cắp vàng
Lơ thơ kẻ hiền tài, sân Sở buồn dâng ngọc
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
*
**
Văn hóa là gì?

Hãy để ra ngoài những giá trị và ý nghĩa trừu tượng, giản đơn ta có thể trả lời như sau: “Văn hóa là tổng hòa tất cả những sáng tạo trong trường kỳ lịch sử và sinh hoạt của một dân tộc. Giản đơn hơn nữa để mà giảng thì văn hóa là một thủ đoạn để tranh sống”.
Bởi vậy cho nên ngày nào văn hóa không mãn túc nổi yêu cầu căn bản là tranh sống thì văn hóa đó cần được cải biến nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới.
Hãy đọc lại những ý của ông Phan Chu Trinh:
Trần Lý Hồng Bàng khí dân quật cường; đuổi Tô Định, bắt Mã Nhi, vẫy cờ chinh phục Chiêm Thành vung kiếm mở cõi biên cương, nói lúc văn hóa Việt đang thời rạng rỡ. Rồi chỉ vì một phen thất sách nên để muôn đời tai ương, nói thời kỳ nọa tính tạo thành khuyết hãm của văn hóa Việt khi chạm trán với Tây phương.
Nguyên nhân của một cuộc thất sách là tục chuộng văn chương người ham khoa mục do chính sách thư lại từ đời Gia Long lưu lại. Vì khổ nhục với Quang Trung nhiều phen nên Nguyễn Gia Long rất thù ghét những bộ óc sáng tạo và chính sách khai phóng rực rỡ của văn hóa đầy cách mạng dưới triều đại Nguyễn Tây Sơn để thay vào đấy một bộ máy thư lại chặt chẽ bảo thủ. Do đó, Nguyễn Gia Long tuy là người rất sớm có những liên hệ mật thiết với Tây phương nhưng lại là người không học hỏi được gì ở văn hóa của văn hóa Tây phương mặc dầu ông đã cho hoàng tử Cảng sang Pháp, mặc dầu bên cạnh ông có những người Pháp giữ việc huấn luyện quân sự, làm tàu, đúc súng cho ông. Rút cục cái chuyện “nhờ Tây” của ông thành ra một đại tội với lịch sử cõng rắn cắn gà nhà sau này. Bọn Pháp mà đặt ông làm quan tại triều đã trở thành con ngựa thành Troie (Cheval de Troie nghĩa là tổ nội phản) của việc đánh chiếm nước Việt Nam.
Khi Gia Long chết đi, vua Minh Mệnh có một đôi lần nói với triều thần về chính sách văn hóa thư lại rằng: “Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm. Trẫm nghĩ văn chương vốn không có qui củ nhất định mà nay những văn cử nghiệp chỉ câu nệ cái hủ sáo khoe khoang lẫn nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó. Học như thế thì trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày mỗi kém đi. Song tập tục đã quen rồi khó đổi ngay được, về sau nên dần dần đổi lại”.
Nói bỏ đấy nhưng vì chính trị thư lại đã ăn sâu bén rễ chắc quá lắm rồi khó lòng nhổ bật lên được. Phải chờ đến lúc nước mất nhà tan mới phản tỉnh và trách nhiệm vận động cứu nước lại được trao vào tay phần tử trí thức.
*
**
Vấn đề dân tộc là vấn đề lịch sử và văn hóa.
Vấn đề lịch sử là vấn đề của dân tộc và văn hóa.
Vấn đề văn hóa là vấn đề của lịch sử và dân tộc.
Chỉ có lịch sử và dân tộc mới tạo thành văn hóa. Chỉ có dân tộc và văn hóa mới tạo thành lịch sử.
Cả ba không tách rời. Trong đó chính trị là bộ môn trọng yếu nhất của văn hóa, dân tộc và của lịch sử. Chính trị vấn đề không giải quyết, lịch sử văn hóa và dân tộc sẽ theo đó đi vào ngõ bí. Như trên đã nói: “Nọa tính của chính trị nhân nghĩa khiến cho phần tử trí thức thường ôm chặt lấy lý tưởng chính trị mà không tích cực thỏa hiệp với thực tiễn chính trị. Đến lúc phải đương đầu với thực tiễn chính trị đám sĩ phu như chim chích lạc vào rừng. Tỉ dụ: trường hợp cụ Phan Bội Châu mắc vào lưới đế quốc, qua Nhật bị Nhật bắt tay với Pháp đuổi đi, sang Tàu bị bọn Long Vân, Đường Kế Nghiêu nhận tiền của Pháp bắt giải về cho Pháp. Tỉ dụ: trường hợp Nguyễn Thái Học khởi nghĩa ở Yên Bái bằng những quả bom ném nổ nhưng không chết người mà sau này một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng khai trước tòa án Tây đó là những quả bom “nhân nghĩa”.
Trải qua nhiều thất bại, đám sĩ phu chết dần mòn hoặc đã gì không còn sức tiếp tục đấu tranh nữa thì chủ trương học tập Tây để đánh Tây do phần tử trí thức “kinh đô” chuyển dần thành Tây hóa, từ vầu biến để thích ứng đổi sang phủ nhận văn hóa chế giễu bọn nhà quê Lý Toét, Xã Xệ. Vì thiếu chuyên tài chính trị, nhóm vận động Tây hóa đã lọt bẫy đế quốc bằng việc cắt đoạn sinh mệnh xã hội Việt ra làm hai, tỉnh thị và nông thôn, cành tự lìa bỏ gốc để sống “tháp” vào sinh hoạt luân hãm. Người trong nước bị phân ra hai thế giới, hai hệ thống, hai tâm trạng cách nhau như hai hành tinh. (Les deux systèmes, les mentalités Suzanna’écartaient sur place d;une distance interplanétaire-Paul Mus).
Người nông dân dai dẳng chống Pháp để dành quyền làm dân Việt trong khi trí thức phần tử tranh đấu cố bắt chước sao cho giống Tây (Paul Mus).
Bọn thực dân không mong gì hơn, sau vụ nông dân nổi dậy chống thuế ở Trung Kỳ, chúng đã hiểu chúng không thể nào kiểm soát mãi cái lực lượng làng xã mênh mông lũy tre xanh ngắt, khu vực tiềm ẩn của quốc lực Việt.
Jean Chesneaux viết:
“Ce sont les paysans sur qui pèse le plus lourdement l’occupation qui vont prendre l’initiative d’un mouvement d’émancipation. Contre les garnisons chinoises, la résistance Suzanna’organise spontanément dans là vieille, la résistance Suzanna’organise spontanément dans la vieille région de paysannerie pauvre d’òu partiront par la suite bien d’autres mouvements”. (Chính nông dân là áp lực đè nặng lên chế độ chiếm đóng, nó cũng là lực lượng phát động phong trào giải phóng. Để chống quân đội chiếm đóng Tàu, cuộc kháng chiến được tổ chức ở các vùng đồng ruộng nghèo nàn cũ kỹ nơi khởi sự cho cả nhiều phong trào khác nữa).
A. Pazzi viết:
“Có một số trí thức vong bản không hề nhìn thấy giá trị đích thực của dân tộc họ, họ không nhìn thấy sức mạnh chứa đựng nơi vùng đồng ruộng Việt Nam. Nói về xứ sở của họ sẵn có những thành kiến nguy hại, thiên về chỉ trích để chứng tỏ biết nhiều về các nước ngoài, hoặc đã được các nước ngoài giáo dục. Dù nước ngoài ấy là kẻ muốn làm ô nhục nòi giống của họ, họ không có tấm lòng gắn bó thiết tha để nhìn thấy mảnh xương phơi trên núi, giọt mồ hôi tưới trên luống cày của bao nhiêu đời cay đắng gây dựng”.
Truyền thống đấu tranh của văn hóa Việt là văn hóa “hóa”, tìm học người đem hóa làm của mình, chứ không học người để phủ nhận tất cả những gì của mình. Tự chủ và nô tính nằm ở ranh giới đó. Chính trị nhân nghĩa gây ra nọa tính cần trừ khử nhưng dân tộc, tinh thần lại cần phải giữ. Nếu nhận thức chính trị sai, nếu học vấn không được điều khiển bằng trí tuệ thì cuộc đấu tranh cho dân tộc, văn hóa lịch sử sẽ đi vào tử địa.
*
**





GIÁO DỤC


Giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị.
Thái Địch Lý Đông A

Pour bâtir il faut savoir.
Mikhail Kalinine

La vraie politique de l’Ecole, c’est l’histoire de la Patrie, du long effort par lequel elle Suzanna’est constitué, c’est l’intelligence de ses traditions de sa culture, de son rôle dans le monde.
Gabriel Séailles



Chính trị, kinh tế, quốc phòng đương nhiên là ba vấn đề trọng yếu, nhưng giáo dục lại căn bản và trọng yếu hơn vì muốn xây dựng, muốn chiến đấu thì trước hết phải biết đã.
Nuôi con chẳng dạy chẳng răn
Thà nuôi lợn béo mà ăn bộ lòng
Người nông dân mộc mạc nơi điền dã mà còn đặt nặng vấn đề giáo dục đến thế huống hồ một quốc gia.
Trước hãy nói qua về tình hình giáo dục trong lịch sử Tây phương để chúng ta có một ý niệm khái quát mà so sánh.
Giáo dục Tây phương ở đây bắt đầu từ Hy Lạp, lúc ấy xã hội Hy Lạp có những người được gọi là triết nhân hoặc ngụy biện gia thường đi đấy đi đó dạy cho đám thanh niên nhiều loại biện luận về các vấn đề gây thành một phong khí học vấn đầy tranh cãi sôi nổi, tư tưởng không thể khơi thành một chính lưu. Về sau mới nổi bật lên hiền triết Socrate đánh bạt tệ hại của các phái ngụy biện bằng lý luận chân lý cho cộng đồng nhân sinh. Tuy nhiên, ở Socrate, người ta vẫn còn thấy rất đậm sắc thái của phương thức ngụy biện dùng để dạy học. Người học trò giỏi của Socrate là Platon có viết một cuốn sách nhan đề: “Lý tưởng quốc”, bên trong có đoạn khá dài nói rõ về một chế độ giáo dục của cái lý tưởng quốc như sau:
“Đứa bé sinh ra đời phải được giao cho quốc gia và quốc gia sẽ nuôi nó trong một cơ quan chuyên giữ nhiệm vụ giáo dục. Đứa bé không cần phải biết cha mẹ nó là ai, nó chỉ biết nó là công dân của quốc gia mà thôi”.
Cũng theo chủ trương của Platon, con người được chia ra làm nhiều loại trong lý tưởng, như: triết học gia, quân nhân, thương nhân, nông dân. Chính phủ căn cứ vào thi cử trắc nghiệm rồi phân định rõ rệt đào tạo, tạo thành những nhân vật tuyệt đối khác hẳn nhau. Lãnh tụ trị quốc đặt vào tay triết học gia. Như vậy, quốc gia trở nên một hiện thực của lý tưởng triết học. Toàn bộ công tác giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với lý tưởng triết học ấy. Sách lý tưởng của Platon còn một thiên nói về chế độ vợ chung và chủ nghĩa tài sản chung.
Thật là cuốn sách khá kỳ quặc, thế nhưng tư tưởng Platon rất có ảnh hưởng đối với Tây phươong sau này.
Học trò Platon là Aristocrate khi đặt vấn đề giáo dục, ông đã loại bớt những ý tưởng quá khích của thầy và nhận rằng: giáo dục phải phối hợp với chính trị. Chính thể là trụ cột, giáo dục chỉ là công cụ của chính thể. Aristocrate nói: “Loài người là một động vật chính trị, người chỉ khác loài vật ở điểm người hiểu chính trị, tham gia chính trị, bởi thế giáo dục mới cần phải gắn liền với chính thể”.
Qua sách đời Trung Cổ, nền giáo dục Tây phương hoàn toàn ở trong tay giáo hội Cơ Đốc. Cơ Đốc là tôn giáo xuất thế nhìn nhân gian như một nơi chứa chất tội lỗi, tất cả nên nhìn về nước Chúa và Thượng Đế.
Cận đại quốc gia, trải qua thời gian khá dài của Trung Cổ, thời kỳ tranh đấu để thoát ly giáo dục giáo hội gây dựng quốc dân giáo dục, chính phủ dành lại quyền giáo dục dân chúng từ tay giáo hội đem giáo dục quay về lý thuyết của Platon và Aristocrate xưa kia.
Đại đế nước Phổ nói, trong buổi diễn thuyết về giáo dục: “Những điều mà đại tướng Molke cống hiến cho nước Phổ không bằng vị giáo sư tiểu học của chúng ta”.
Đúng thế, nước Đức lúc đó, giáo dục được phối hợp chặt chẽ với quốc sách của chính phủ. Từ bực tiểu học đã có quân sự giáo dục. Dân tộc chủ nghĩa được đặt làm mục tiêu tối cao của công tác giáo dục tinh thần.
Sau này, Hitler lên nắm chính quyền còn đẩy mạnh hơn nữa kế hoạch và phương châm giáo dục của Phổ trước đây. Ông nói với Herman Rauschning: “Chúng ta giáo dục mộtt hế hệ thanh niên Đức sẽ làm đảo lộn thế giới, một thế hệ thanh niên tàn bạo, kiên quyết và lạnh lùng… Tôi muốn thanh niên phải là những con thú dữ hung hăng”. (Nous formerons une jeunesse qui fera trembler le monde: une jeunesse brutale, exigeante et cruelle… Je veux qu’elle soit pareille à de jeunes fauves).
Hitler đã thực hiện tất cả những gì mà Platon ước mơ trong lý tưởng quốc về phương diện giáo dục.
Ngoài giáo dục, giáo hội và quốc giáo dục, Tây phương còn có giáo dục tự do cá nhân cà chủ nghĩa hưởng lạc (hédonisme), trí thức và chân lý qua kỹ thuật và chức nghiệp đều đuổi theo một mục tiêu tối hậu là cá nhân chủ nghĩa cùng hưởng lạc tại hiện thế.
Nói gọn lại giáo dục Tây phươngngày nay có ba đại loại:
- tôn giáo giáo dục
- quốc gia giáo dục
- cá nhân tự do giáo dục
Tuy trên lịch sử ba loại giáo dục này chống đối thay thế nhau nhưng trên thực tế, cả ba vẫn phối hợp với nhau tồn tại.
*
**
Nền giáo dục Việt chính thức có hệ thống hẳn hoi bắt đầu từ đời Đinh-Lý do Phật giáo nắm giữ. Phật giáo đại thừa sang Việt Nam qua ngã Trung Quốc.
Sách Lĩnh Nam trích Quái ghi: “Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ sau này, khi tuổi mới lên tám học ông sư ở chùa Tiêu Sơn”.
Người Việt Nam làm quen với Phật giáo bằng những sách vở từ chữ Hán vào giữa lúc mà tôn giáo này đang phát triển mạnh tại Trung Quốc. Rồi tự đó có tác dụng ngược lại, Phậtgiáo sang Việt Nam làm cho Hán học ở đây rực rỡ thêm lên.
Lý Công Uẩn gốc gác chùa chiền nay lên ngôi thiên tử, lẽ đương nhiên Phật giáo phải được chuộng, phải được giữ phần vụ lãnh đạo tư tưởng.
Ngay lúc mới lên ngôi vua, Thái Tổ đã ban áo mặc cho tăng lữ. Sang năm sau lại trích ra hai vạn quan tiền để cất lên tám ngôi chùa ở phủ Thiên Đức. Rồi ở trong và ngoài thành Thăng Long cũng dựng lên mấy chùa lớn như chùa Hưng Thiên, Vạn Tuế, Thắng Nghiêm, Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, Thiên Quang v.v…
Sang năm thứ tám, Thái Tổ lại sai sứ thần sanga Tàu xin kinh Tam Tạng. Khi được vua Tống ban cho ông lại bắt một người Thiền sư tên là Phi Trí đi đến tận Quảng Tây đón về. Cách hai năm sau, Thái Tổ lại độ hết bàn dân thiên hạ làm sư và phát vàng bạc đúc mấy quả chuông để đem treo ở các chùa Hương Thiên, Đại Giáo Thắng Nghiêm. Đến năm Thuận Thiên thứ 15, ngài lại xây chủa Chân Giáo ở trong thành và bắt các sư vào đó tụng kinh rồi ngài thân hành đến nghe.
Vua Thái Tôn nhà Lý trong năm Thiên Thành thứ tư xây dựng vừa chùa cừa quán tất cả chín trăm rưỡi sở. Đến năm Thiền Thụy thứ nhất lại đúc tượng Phật ở Đại Nguyên đặt ở thềm rồng. Sang năm Kiều Phú thứ hai, vừa vẽ vừa tạo mỗi đằng hơn một ngàn pho tượng và may hơn vạn lá phướn để đem phân phát cho các chùa. Qua năm Sùng Hưng đại bảo thứ hai lại dựng lên chùa Diên Hựu và cho sư vào tụng kinh. Rồi năm Long Thụy thứ ba lại cất ngôi chùa ở phường Báo Thiên và xây lại một ngọn tháp 12 tầng cao vài chục trượng và phát hai vạn cân đồng đúc một quả chuông.
Đối với Phật giáo thì như thế, đối với Nho giáo nhà Lý chỉ có một lần xây Văn Miếu, đúc tượng Chu Công và vẽ tượng 72 học trò của Khổng Tử rồi bắt thờ cúng quanh năm và bắt Thái Tử tới đó mà học.
Chủ ý của Lý triều là muốn mượn Phật giáo để tổ chức hóa, làm “xi măng” tư tưởng cho lực lượng chính trị. Khốn nỗi Phật giáo phươong nam Trung Quốc bấy giờ vào đời nhà Tống đã suy vi, chỉ phát triển qua chủ nghĩa cá nhân dùng tôn giáo Phật trọn vẹn bằng không tịch tinh thần, khác hẳn với Phật giáo phương bắc Trung Quốc lấy đau khổ phấn đấu mà đón nhận. Thành thử Phật giáo đời Lý vì tiếp cận với tinh thần không tịch nên không đáp ứng được với chủ ý của Lý triều, quan trọng hơn nữa là không đáp ứng được lịch sử phấn đấu của dân tộc. Bởi vậy, tới lúc Phật học đời Lý thiên hẳn về tinh thần không tịch thì nhà Lý mất, nhà Trần lên thay cho phục hưng và phát huy Nho giáo. Kể từ đấy, giáo dục Việt chuyển sang Nho phái lãnh đạo. Triết lý Phật trở thành một phần của sinh hoạt văn hóa khắp dân gian, còn thành phần tăng lữ thì không được trọng vọng như trước nữa.
*
**
Khổng Tử nói: “Đại chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sĩ thả cách”. (Lấy chính trị mà dẫn dắt, dùng hình phạt mà sai khiến, dân tuy sống trật tự nhưng lòng vô sỉ. Lấy đức mà dẫn dắt, dùng lễ mà tổ chức dân vừa sống khuôn phép lại biết liêm sỉ).
Nho gia nói chính trị chỉ có mục đích duy nhất là đề cao dân cách, chỉ có thủ đoạn duy nhất là giáo dục. Chính trị ở đâu giáo dục ở đó. Điều kiện căn bản cho một lãnh tụ nhân tài là học thức phải tương xứng với địa vị. Thực tế, chính trị đều phải được giải quyết với ý nghĩa và giá trị giáo dục “Sĩ nhi ưu tắc học, học nhi ưu tắc sĩ”.
Khổng Tử đề ra chữ “Nhân” để trộn đạo đức vào chính trị mà nung luyện, tiến hành kế hoạch mà gắn liền cá nhân vào xã hội. Giáo dục truyền thống đặt trên ba cơ sở văn hóa:
a) Tôn tộc và gia tộc xã hội. Sống với quá khứ tổ tiên, sống với hiện tại gia đình họ hàng, làng xóm.
b) Dân tộc và sự thân thân giữa người trong một nước:
Nay ta hát một thiên ái quốc
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta
Trang nghiêm bốn mặt sơn hà
Ông cha ta để cho ta chum vàng
Trải bao lớp tiền nhân dựng mở
Bốn ngàn năm dãi gió dầm mưa
Làm trai đứng ở trên đời
Sao cho xứng đáng giống nòi nhà ta
Ghé vai gánh đỡ sơn hà
Sao cho tỏ mặt mới là trượng phu
c) Kinh tế nông nghiệp:
Qui hồ nhiều lúa là tiên
Rõ ràng phú túc bình yên cả nhà
Giáo dục Nho có những đặc tính:
1) Tư tưởng luân lý
2) Tinh thần khoáng đạt
3) Trung dung chi đạo
4) Cần thực tế
5) Tôn sùng tình cảm
Triết gia Mỹ Dewey nhận định rằng Nho học dạy con người: biểu hiện thuần tự nhiên, tri túc, an phận, khoan dung, hòa bình, trọng thế lực đạo đức văn hóa, coi thường thế lực vật chất.
Luân lý tư tưởng là trung tâm vấn đề của triết học. Chính trị triết học, nhân sinh triết học, giáo dục triết học đều có một xuất phát điểm chung là luân lý.
Làm trai nết đủ trăm đường
Trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay
Sách “Hiếu Kinh” viết: “Phù hiếu thiên chi kinh dã địa chi nghĩa dã, dân chi hạnh dã, đức chi bản dã giáo chi sở do sinh” (Hiếu là luật tắc của trời đất, nết của người dân, gốc của đạo đức, nguồn của giáo dục).
“Dĩ hiếu sự quân tắc trung” (Lấy hiếu đạo mà thờ vua là trung).
Sách “Đại học” viết: “Hiếu giả sở dĩ sự quân dã, đễ giả sở dĩ sự trưởng dã, từ giã sở dĩ sử chúng dã”. (Hiếu để trung quân ái quốc, đễ để tin cậy nơi huynh trưởng, từ ái để lãnh đạo dân chúng).
Nho gia rất trọng chữ “Thứ”, trung rồi tiếp ngay đến thứ. Thứ là tinh thần rộng rãi khoáng đạt nhìn mọi sự, mọi vật trên đời như của công, “ông nhi phi tư”. Đem áp dụng chữ thứ vào chính trị thành ra chính sách “tuyển hiền dụng năng” và chế độ thi cử. Thứ cũng là thái độ dễ dung nạp ý kiến người khác, tuyệt đối không cố chấp, chủ trương tín ngưỡng tự do. Câu tục ngữ: “Của đời người thế nước non tiên” biểu thị cái tinh thần khoáng đạt đó.
Tâm hồn Việt là tâm hồn trung dung
“Đứng thắm chớ phai, thoang thoảng hoa nhài (lài) mà lại thơm lâu”.
Chiến đấu dai dẳng bền bỉ đời này qua đời khác do tinh thần trung dung mà có.
Một mặt tri thiên mệnh, một mặt tin nhân định thắng thiên. Nghĩ rằng miếng ăn quá khẩu thành tàn nhưng cũng nghĩ luôn rằng có thực mới vực được đạo.
“Chấp kỳ lưỡng đoan dụng kỳ trung ư dân” (Nhìn hai cực đo lấy điểm giữa mà thi hành). Bởi vậy, chính trị cũng như đãi nhân tiếp vật, sử thế của người không bao giờ quá khích, không có những nhân vật bị quỉ ám như nhà văn Dostoievsky tả trong cuốn “Les Possédés).
Học hành thì ích vào thân
Chức cao, quyền trọng dần dần theo sau
Lòng hiếu học chủ yếu là để mở rộng hiểu biết, chuyện chức cao quyền trọng là chuyện phụ. Đi học biết chữ là một ích lợi thiết thực.
Nghèo mà hay chữ thì hơn
Giàu mà hay chữ như sơn thếp vàng
Giàu hay nghèo đều cần phải biết chữ. Những kẻ dốt nát bao giờ cũng bị khinh miệt bất kể kẻ đó giàu hay nghèo.
Dốc một lòng lấy chồng hay chữ
Để ra vào kinh sử mà nghe
*
**
“Hà tự hữu tình duyên sắc hữu, hà duyên tạo sắc vị tình sinh; như hoàn tình sắc thành thiên cổ, diệm diệm huỳnh huỳnh họa bất thành” (Thế gian vì có sắc nên có tình và có lẽ sắc sinh ra cũng vì tình, đã có tình sắc là cái vòng bất tận của thiên cổ mãi mãi sáng rỡ mà không thể vẽ nên hình).
Cảnh như vẽ, khéo ai bày. Hoa đào mỉm miệng liễu dương mày. Bướm nhởn nhơ bay, oanh vàng líu lo trong bụi, én đỏ ríu rít trên cây. Buồng xuân dìu dặt mối tình ngây (Xuân từ).
Trời đất nhiều phần nóng người ẫu. Đầu cành rức giọng ve, bãi cỏ vang tiếng chẫu, vò võ cuốc kêu sầu, eo éo oanh hót ngẫu. Dường bảo nhau chúa xuân đi rồi thôi cũng hảo. Cảnh sắc dường kia, ngao ngán cầm lòng khôn đậu. May đâu thần Chúc Dong gảy một khúc nam huân, hương sen thoảng đáo một trận gió bay, sạch lòng phiền não (Hạ từ).
Mặt nước trong veo non tựa ngọc, gió vàng hây hẩy khua khóm trúc. Hoa lau muốn dậm trắng phau, cây cối vẻ hồng pha vẻ lục. Cung Thiềm sáng quắc ả Hằng ngủ, dạo bước thềm giao tình rạo rạc. Chi bằng đến thẳng dưới giậu hoa cúc thơm thảnh thơi dạo đàn gẩy một khúc (Thu từ).
Khí đen mờ mịt tỏa non sông, hồng về nam xong, nhạn về nam xong. Gió bấc. Gió bấc căm căm tuyết giá như đồng, ngồi chẳng yên lòng, nằm chẳng yên lòng. Dậy xem phong cảnh lúc trời đông, hoa quên lạnh lùng, người quên lạnh lùng (Đông từ).
Bốn bài từ của Liễu Hạnh công chúa mà dân Việt tôn thờ làm Thánh Mẫu cho thấy người Việt trong việc giáo dục nhìn nhận thế giới của “tình” cũng quan trọng ngang với thế giới của pháp. Phải đem tình vào thực tế thì cuộc sống mới có ý vị, mới thăng hoa. Tuy nhiên, không để “tình” nặng quá kéo pháp xuống thành nhu nhược, cũng không để pháp tung hoành quá diệt tình đi mà thành tàn nhẫn hung bạo. Trong đấu tranh tình với pháp cùng nhau tiến bước. Nếu không có “tình” làm sao nghe thấy những tiếng của đời xưa theo cái dòng sóng người, ngược lại cái dòng sử ngược vang vọng lại hiện tại để mà cảm lấy những tiếng vi nang đó ở trong mỗi động tác, mỗi cái tầm thường, mỗi cái ngây ngốc si mê tức là hứng lấy Quốc hồn và Sử hồn qua những tiếng ai oán, ước vọng, hằn học, hò hét và thúc giục.
Dùng tình để bù đắp chỗ yếu của pháp, dùng pháp để thực hiện những mơ ước của tình. Sự giáo dục đều đặn Tình và Pháp đã làm cho dân tộc Việt thành một dân tộc vừa yêu hòa bình, chịu nhẫn nhục lại vừa chiến đấu dũng mãnh và dai dẳng.
Giáo dục Việt có những ưu điểm:
A) Nhân cách cảm hóa. - Rất trọng đức dục cho nên chính sách giáo dục là thực hiện cảm hóa, hóa dân thành tục tất do ư học. Nhiệm vụ của thầy là cảm hóa, nguyên tắc cho công tác cảm hóa là dĩ thân tác tắc, lấy bản thân mình ra để làm gương. Không phải giảng mà vẫn dạy (bất ngôn nhi giáo).
B) Nhân văn chủ nghĩa được phát huy cao độ. - Những điều răn dạy đều thuộc khoa học nhân văn. Thảo luận toàn là các vấn đề chính trị xã hội, luân lý, đạo đức.
*
**
Lịch sử giáo dục Việt có thể chia ra làm ba đại thời kỳ:
- Đệ nhất thời kỳ bao quát từ Văn Lang đến nhà Đinh. Chính trị từ bộ lạc tổ chức sang phong kiến tổ chức, rồi từ phong kiến tổ chức sang trung ương tập quyền thống nhất. Kinh tế do du mục chài lưới chuyển thành nông nghiệp. Giáo dục từ chính giáo hợp nhất sang quan biện giáo dục, chưa có thầy dạy, chỉ có người cai trị, giáo dục đi thẳng vào dân gian.
- Đệ nhị thời lỳ bao quát từ Lý, Trần đến Nguyễn Tự Đức. Tuy lịch sử có nhiều biến động chính trị lớn nhưng trên văn hóa, ngoại trừ sự rực rỡ đời Lý, Trần càng về sau càng tĩnh chỉ không thấy những biến cách to tát, một thời gian rất ngắn vụt sáng lên là đời Quang Trung rồi tắt ngay. Tư tưởng Nho vẫn là trung tâm. Chế độ chính trị vẫn là xã hội của bản vị gia tộc. Kinh tế vẫn là kinh tế nông nghiệp. Về mặt giáo dục vẫn tiếp tục chính sách đào tạo sĩ quân tử, phong túc tập quán, tín ngưỡng vẫn theo xưa.
- Đệ tam thời kỳ bắt đầu từ lúc tiếp sức với văn hóa Tây phương, chiến sự thảm bại, chịu sự áp bách vủa vũ lực, chính trị kinh tế đến mất nước. Xã hội bàng hoàng, dao động gây thành phong trào Tây học, tôn phục văn minh, đòi hỏi duy tân.
Đông Kinh Nghĩa Thục cho phổ biến một bài văn xuôi nghị luận bằng chữ Hán nhan đề “Văn minh tân học sách”. Bài này có thể xem là căn bản cương lĩnh hành động của Đông Kinh Nghĩa Thục. Đã được dịch ra như sau:
“Thiết nghĩ văn minh là một danh từ đẹp đẽ không phải do sự hào nhoáng, màu mỡ mà làm nên. Các món học văn minh là những phúc tốt lành, không phải chuyện một sớm một chiều có thể lấy được. Muốn làm nên và lấy được là nhờ có một chủ nghĩa lớn. Chủ nghĩa gì thế? Ấy là chủ nghĩa mở trí khôn cho nhân dân.
Kể các nước trên quả địa cầu này, nước này còn là dã man, nước kia đã bán khai, nước nọ thì văn minh. Ấy là tùy theo chỗ dân trí từng nước thông hay tắc, nhiều hay ít, chóng hay chậm mà khác nhau.
Câu nói của học giả phương Tây: Văn minh không phải là có thể mua được bằng giá trị mà thôi mà còn mua bằng đau khổ nữa. Giá trị là gì? Tức là tư tưởng. Đau khổ là gì? Là cạnh tranh. Càng tư tưởng thì càng cạnh tranh, càng cạnh tranh thì càng tư tưởng. Rồi do đấy, hết thảy các khoa thanh học, quang học, trọng học, điệin học, khoáng học, thủy học, khí học, địa dư, thiên văn, toán pháp và cơ khí, không món học nào mà không phừng phực nảy ra. Lý do để đi tới chỗ cực điểim của văn minh là bởi thế đó.
Văn minh với dân trí hai đàng cũng làm nhân quả lẫn nhau. Nhưng muốn mở dân trí, trước hế phải tìm cho thấy bế tắc là ở chỗ nào và sự phát đạt bắt đầu từ đâu, bấy giờ mới có chỗ hạ thủ được. Bằng không thì chỉ có thể nhìn biển cả mênh mông rồi than thở mà thôi.
Từng xét thánh nhân đời thượng cổ đã chế được đủ đồ vật để dùng, lập thành khí cụ cho thiên hạ tiện lợi. Khoa học, cách trí đã thấy tản mác ở bộ Chu Quan, các sách Quản Tử, Mặc Tử. Á châu vẫn là ngọn nguồn văn minh đấy. Nước Đại Nam ta vốn là một nước lớn văn minh. Nói về vị trí thì ở vào khoảng giữa miệt nhiệt đới và ôn đới. Đất tốt, khí hậu điều hòa, thóc lắm, tằm nhiều, các nguồn lợi miền núi, miền biển hơn cả thiên hạ. Dân trong nước làm ăn dễ dàng. Trải các triều đại vua thánh tôi hiền cùng nhau làm cho thịnh vượng, rực rỡ thêm to tát ra. Trong Lao Sứ tinh tự, Phong Nhã thống biên có nói ta được các nước trong, nước ngoài đều khen là nước thanh danh văn vật. Cái đó đã đành rồi.
Nhưng nay thì sao? Của báu núi rừng, nguồn lợi đó ta không được hưởng. Trăm thứ hàng hóa, quyền lợi đó ta không được nắm. Cho đến các hàng vóc nhiễu, nhung len, vải lụa, giày dép, khăn tay, mục kỉnh, dù che, dầu hỏa, đồ sứ, đồ pha lê, đồng hồ, phong vũ biểu, hàn thử biểu, ống nói, kính hiển vi, kính ảnh, bút giấy, son tàu, mực tàu, kim chỉ, khuy cúc, phẩm nhuộm, xà bông, nước hoa, diêm, bánh sữa, kẹo mứt, dược phẩm, thuốc lá, chè rượu v.v… không mua của Tàu thì mua của Tây cả. Thử lấy cái bảng kê số xuất khẩu, nhập khẩu trong một năm mà tính thì sẽ thấy rằng một khi gánh nặng vàng đi đổ ra ngoài rồi thì không sao mong châu về hiệp phố nữa. Của nước như thế thật đáng tiếc.
Nông học có hội, người ta đương cạnh tranh về nghề nông đấy. Còn ta thì vẫn như cũ. Hỏi ta có cày máy để giúp việc cày, điện khí để làm cho lúa tốt, các phương pháp mới để cứu hạn hán trị sâu keo không?
Thương chính có sở, người ta đang tranh cạnh về nghề buôn đấy. Còn ta thì vẫn như cũ. Hỏi có hạm đội để hộ thương, thị trường để thông thương, công ty lớn do chính phủ và nhân dân góp cổ phần lại để lập nên không?
Công tác có xưởng, người ta đương tranh cạnh về công nghệ đấy. Còn ta thì vẫn như cũ. Hỏi trong công nghệ có ai trổ khéo, phô tài ngày một mới, tháng một lạ như bọn Watt và Edison không? Tài của nhân dân như thế, thật đáng hãi hùng.
Kìa những kẻ ham mê đàn sáo, đầu hồ, bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ số tướng địa lý, phù thủy ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say chết mộng thì chả kể làm gì. Những hạng cao hơn, đỗ đạt lên một tí, được cái tiếng quèn đã vội khủng khỉnh ta đây là kẻ cả tự xưng là bực giữ gìn thế đạo, ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết thảy học mới văn minh. Hạng kém hơn nữa thì chỉ nghe có vấn đề thăng quan lên mấy bực, cất nhắc mấy người, chứ không hề biết đến vấn đề nào khác. Có một ông nào đã nói với các bạn hậu tiến: “Các thầy muốn ra làm quan thì phải cẩn thận, đừng đọc sách mới, xem báo mới”. Ôi nếu không biết đến sách báo mới thì thôi chứ một khi đã biết đến mà lại bưng bít che lấp đi khiến cho không nghe, không thấy chuyện gì để tự mình lại củng cố một căn tính nô lệ, nhân cách như thế thiệt nên lấy làm đau đớn.
Nghĩ lại văn minh nước ta còn một đặc tính luôn luôn tĩnh như vậy, văn minh Âu Châu thì có tính luôn luôn động mãi như thế kia. Cái đó ai cũng biết. Nhưng vì sao lại như thế? Ấy là do cái ảnh hưởng tương phản và nguyên nhân khởi điểm đấy. Nay xin lần lượt kể ra.
Thế nào là ảnh hưởng tương phản? Xét ra các nước châu Âu, trên có nghị viện duy trì quốc thị, dưới có báo quán để đạo đạt hạ tình. Đại trước tác thì có Dàn ước luận của Lư Thoa, Tiến hóa luận của Tư Tân Tắc, Dân quyền thiên của Mạnh Đức Tư Cưu. Suy rộng ra nào diễn thuyết, nào thi ca đều cốt để phát huy cái chủ nghĩa yêu nước, yêu nòi giống? Nước ta có thế không? Làm văn cách thì chỉ sợ phạm húy, dâng thơ cho người trên thì chỉ e mang tiếng vượt phận nói leo, chỉ chừng đó đã khác hẳn với các nước. Huống chi nào chuyện trích quái, nào chuyện truyền ký, thơ bao nhiêu quyển văn bao nhiêu tập, văn hoa lòe loẹt thì có, còn nói về mở mang trí khôn cho dân thì không hề có gì. Đó là điều ta trái với người về giới tư tưởng.
Người châu Âu đặt giáo dục chia ra làm bực: tiểu học, trung học và đại học cứ bốn năm một kỳ. Khi vào học lấy những món văn tự nước nhà ngày nay, cổ văn La Mã, văn tự tiếng ngoại quốc, toán học, địa dư làm những môn học đầu tiên. Khi học đã mãn khóa, lần bực tiến lên thì cứ tùy theo năng khiếu của học sinh hợp cho môn học nào thì dạy cho môn học ấy, chia ra luật học, thiên văn học, võ bị học, y học, cách trí học v.v… Học thành tài rồi mới dùng, dùng làm có được việc thì sau mới thăng chức. Nước ta có thế không? Những món ta học và nhớ ấy chỉ là sách Tàu, những bài ta thi ấy chỉ là kinh nghĩa, thơ ngũ ngôn văn biền ngẫu tứ lục. Đó là điều trái với người về giới giáo dục.
Người Âu Châu họ tổ chức chính quyền trong nước có chính thể lập hiến, có chính thể quân dân cộng hòa. Cứ số bao nhiêu người đấy thì cử một người làm nghị viên. Hễ bàn đến một việc gì thì trước phải khai hội, kẻ bàn người nói, sớm sửa đi chiều sửa lại cốt làm cho đúng chân lý hợp với tình hình. Nước ta có thế không? Hành chánh thì cấm thay đổi, sửa sang, dùng người thì quá im lìm lặng lẽ, chiếu theo lệ cũ nhưng lệ không nhất định, luật cũng có thể ban bố đấy nhưng dân gian không được đọc luật. Đó là điều trái nhau về giới kinh tế.
Người Âu cho nước và dân là có quan hệ mật thiết với nhau, cho nên có chính thể cộng hòa mà quốc thể tức là gia thể; có tục thượng võ mà quốc hồn tức là gia hồn; có lệ hỗ trái mà quốc mạch tức là gia mạch; có lối kiêm biện mà quốc sự tức là gia sự; có phái tự do mà quốc quyền tức là gia quyền. Nước ta có thế không? Ngoài văn chương không có gì là quí, ngoài áp chế không có gì là tôn chỉ, ngoài phục tòng không có gì là nghĩ xa. Đó là sự trái nhau về giới tình hình.
Người Âu trọng du lịch, xem thường hiểm trở gian nan. Mà Tây (Moise) dời đi Già Nam có 40 năm. Kha Luân Bố bàng hoàng ở Đại Tây Dương cũng có đến vài mươi năm. Lợi Mã Đậu (Mattéo Ricci) lặn lội ở Tàu cũng đến 19 năm. Ngoài ra đi thám hiểm Băng Dương, đi vòng quanh địa cầu đều là những việc thường thấy. Nước ta có thế không?
Môn học thực dân ta chưa hề nghĩ đến, thị trường hàng hóa chưa hề đi tìm. Lìa nhà mươi dặm đã bùi ngùi những mưa gió hoa vàng. Nói gì đến Tiêm La, Diến Điện, Nam Chưởng (Lào), Cao Man là đất nước hẻo lánh quê kệch không ai chịu đặt chân tới, nhưng đến ngay Trung Hoa đối với ta vẫn là chỗ cùng tộc loại, cùng đạo giáo, cùng lễ giáo, văn học cho đến phương diện giao tế cái gì cũng giống nhau, thế mà người Tàu thì ở nhan nhản khắp nơi kinh đô đô hội bên ta còn nước ta thì chưa một ai đến thành Ngũ Dương cả. Đó là sự trái ngược nhau về phong tục.
Thế nào gọi là người nguyên nhân khởi điểm?
Một là khởi ở cái điểm nội hạ ngoại di, không thèm hỏi đến chính thuật và kỹ năng của nước khác. Hai là khởi ở cái điểm quý đạo vương khinh đạo bá không thèm giảng đến cái học phú cường cơ xảo của nước ngoài. Ba là khởi ở cái điểm lấy xưa làm phải, nay là quấy, không chịu xét xem kiến thức và những suy nghĩ bàn luận của người sau. Bốn là khởi ở cái điểm trọng quan mà khinh dân, nên không thèm kể đến tình hình hay dở ở chốn hương thôn.
Bốn điểm này chính là mở đầu cho năm giới và năm giới ấy cũng tức là kết quả của bốn điểm. Thành thử mấy ngàn năm nay, văn minh tiến hóa của ta mới có cáo tĩnh mãi mà không có cái tính động mãi. Thiệt cũng đáng ngậm ngùi buồn bã vậy!
Vậy thì sống ở đời mà muốn cầu cho văn minh không thể không lo mở mang dântrí. Nay dân mà có trí là cái công lệ thiên diễn. Người da vàng chúng ta có kém gì người da trắng đâu. Có điều là tai mắt chưa thấy qua thì chưa thể phát triển, hình thức có cái còn thiếu thì không biết bắt chước vào đâu, vốn liếng chưa dồi dào thì không thể làm nên được. Vậy nếu không nhờ người đại biểu để mở mang cho thì quyết là không thể được”.
Đông Kinh Nghĩa Thục cũng cho phổ biến nhiều bài ca, bài phú như: Cáo hủ lậu văn, Cần phải học đúng, Bài hát khuyên nhà nho, Hú hồn thiếu niên, Dạy con, Khuyên con, Vợ khuyên chồng v.v… Tất cả đều đã hô hào duy tân giáo dục.
Nhất sự bất tri nho sở sỉ
Nông công hay mà thương sĩ cũng hay
Trên cõi đời nào ai dở ai hay
Vẫn viết có kẻ gầy người béo
Nhà Nho hủ vẫn cậy mình khôn khéo
Đem văn chương mà vênh váo với đời
Năm ba câu hát cổ dông dài
Trừ cử nghiệp, chuyện ngoài chi nỏ biết
Những văn phẩm của Đông Kinh Nghĩa Thục đưa ra 4 nhược điểm của giáo dục Việt:
A) Tôn cổ quan niệm. - Cổ đại học giả thiếu hẳn một quan niệm tiến hóa, đối với bất cứ sự vật nào cũng cứ cho cổ là tốt, lấy bất biến làm nguyên tắc. Giáo dục cũng thế. Chế độ khảo thí, chính phủ trước sau chỉ chú trọng việc bạt thủ nhân tài, nhưng không hề lưu tâm mấy đến vấn đề phải giáo dục nhân tài như thế nào? Về mặt khóa trình giảng học chỉ lấy kinh thư, tác văn, tập tự, chữ tốt văn hay làm trọng yếu. Quanh đi quẩn lại mấy cuốn kinh, sử, tử, thi từ là hết. Giáo tài không bao giờ thay đổi.
B) Thiên trọng ký ức (cứ nhớ là được) ưa bắt chước hơn là tư khảo độc lập, thiếu sáng tạo. Mục đích của giáo dục là làm sao cho người đời nay “theo kịp” người đời xưa, muốn thế phải nhớ lời nói và hành động của cổ nhân, hoặc cố tìm hiểu cổ nhân. Cổ thánh hiền, cổ học thuyết bao giờ cũng đúng bất khả phê bình, bất khả hoài nghi như Hàn Dũ từng nói: “Tàng kinh thánh nhân thủ, nghị luận an cảm đáo” (đã từng qua tay thánh nhân thì còn bàn cãi thế nào được).
C) Thiên trọng văn nghệ, bỏ quên khoa học và thực dụng. Kể từ triều Nguyễn thống nhất, tinh thần người đi học hoàn toàn bị tiêu mòn vào văn từ học tập, ngoài mấy quyển sách ra chẳng còn giáo dục nào khác. Đọc sách với vầu học mục đích chỉ khoanh vào trong việc hiểu ý nghĩa và tìm cách vắt chước văn thể, cố làm văn cho hoa mỹ bất cần tri thức thực tế. Thư sinh dần dần thành con người vô dụng dài lưng tốn vải.
D) Không có tổ chức và kế hoạch giáo dục. - Sĩ tử cứ học thế nào cho đủ bài, có khả năng làm văn trúng ý khảo quan là xong. Không có trường chính thức cho người theo học. Trường học do các bậc danh nho tự mở ra để dạy văn cũng như võ.
*
**
Đông Kinh Nghĩa Thục là phong trào yêu nước hô hào cầu học duy tân để tìm khả năng hiện đại hóa mà đánh Tây, bị thực dân chuyển thành phong trào theo Tây bằng cách một mặt phá vỡ tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục dùng chính sách khủng bố bắt bớ, mặt khác đưa tay sai ra với chủ trương có đồng bằng mới bình đẳng để củng cố cho chính sách giáo dục bảo hộ, thuộc địa nhằm đào tạo một số nô tài và gây một tinh thần chủ bại cho người Việt, chia dân Việt ra thành ba loại:
a) loại mù chữ
b) loại biết đọc biết viết chữ Việt (Quốc ngữ), biết thêm chút ít tiếng Pháp để làm thông ngôn cạo giấy cho guồng máy cai trị.
c) và thiểu số có giáo dục về Pháp ngữ mà Pháp dùng làm tay sai thống trị. Đồng thời, thực dân tìm đủ mọi cơ hội, đủ mọi phương thức để đào hố sâu ngăn cách ba loại trên. Về phương diện giáo tài, sách vở đều hướng về khuynh hướng phỉ báng văn hóa dân tộc và đề cao ngoại nhân xứng đáng làm thầy.
Giáo sư K. M. Panikkar, người Ấn, viết:
“Faire maitre un défaitisme moral parmi le peuple semble avoir été un des buts de l’éducation coloniale” (Làm sinh sôi nảy nở chủ nghĩa chủ bại trong dân chúng là một trong những mục tiêu của giáo dục thựa dân).
“Promouvoir une éducation incitant à l’agitation intellectuelle người’est pas l’intérêt d’un gouvernement étranger” (Đẩy mạnh một nền giáo dục để mở mang trí thức không bao giờ là điều quan tâm của chế độ ngoại nhân).
Kết quả học Tây để tìm đến dân chủ, khoa học đâu chẳng thấy, chỉ thấy thanh niên, học sinh đua nhau viết thiệp chúc tết, thiệp giáng sinh bằng tiếng Pháp: “Bonne Année- Parfait amour- A toi seul- A toi pour toujours”, hoặc thuộc lòng bài Hành Vân bằng tiếng Pháp:
Chers enfants
Vous êtes des jeunes gens
Travaillez
Et rappelez-vous…
(Là sẹ cái dâng phần,
Vu dét đờ jơ nớ jâng
Trờ ra mà ra vây dế
Ê ráp cái pờ lê vu…)
Thật đúng là một lũ điên dại cuồng chữ, học lếu láo.
Giáo dục sẽ hoàn toàn phá sản nếu nó không gắn liền với sinh mệnh dân tộc lịch sử.
Học vấn là để đấu tranh, giải quyết những vấn đề thực tiễn chứ không phải học vấn chỉ là đi học và cầu học.
Giáo dục phá sản và học vấn vô dụng đã hiện nguyên hình trông thật thê thảm qua thiên chuyện kể của nhà văn Nguyễn Vỹ trong cuốn “Tuấn chàng trai đất Việt”:
“Một buổi tối, Tuấn đến nhà thầy Đông Sĩ Bình, thầy ở một mình một căn nhà mướn trong một ngõ hẻm gần bờ sông. Thầy chỉ cho Tuấn bài thơ bằng chữ nho ký tên Phan Chu Trinh do tự tay thầy chép ra bằng nét chữ đậm và thật đẹp lồng trong khung kính treo trên tường. Tuấn không biết bài thơ này do thầy chép ở đâu nhưng Tuấn học thuộc lòng ngay:
Thế sự hồi đầu dĩ nhất không
Giang sơn hòa lụy khắp anh hùng
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương túy mộng trung
Trường thử bách niên cam thóa mạ
Bất tri hà nhật xuất lao lung
Chư quân vị tất vô tâm huyết
Thỉnh bả tư văn khán nhất không
Tuấn đã được học chút ít chữ Hán nhưng lần đầu tiên nghe nhiều tiếng mới là: anh hùng nô lệ, cường quyền lao lung, tâm huyết nên chưa hiểu rõ nghĩa cho lắm. Thầy Bình ngâm từng câu, giảng từng ý rồi thầy ngâm đi ngâm lại nhiều lần. Thầy giảng rộng ra và nói:
- Nước An Nam đã mất, nhà An Nam đã tan, dân An Nam bị làm nô lệ. Đồng bào như người ngủ mê chưa tỉnh ngộ để cho Tây nó đè đầu, đè cổ, nó áp chế. Một trăm năm nữa cũng đành chịu hay sao?
Thầy nói bằng tiếng Tây rất hăng hái, rất say mê. Thầy đập tay xuống bàn, thầy dậm chân xuống đất, thầy hét lên:
- Trời ơi! Trời ơi! nước An Nam là con Rồng cháu Tiên mà dân An Nam ngày nay là tôi tớ, là mọi, là rợ bị xiềng xích, gông cùm, áp chế. Thế có tủi nhục cho hồn thiếng đất nước này không?
Bỗng thầy òa ra khóc, thầy gục đầu xuống bàn. Tuấn bị quá cảm xúc, cũng rưng rưng nước mắt ngồi khóc ngây ngô. Tuấn nhìn bài thơ đóng khung treo trên tường, càng nhìn càng khóc. Mỗi câu thơ mà thầy Bình đọc đi đọc lại, kêu gào lên rồi khóc làm trò Tuấn có cảm tưởng như đấy là tiếng nói đau khổ, tiếng rên xiết bi thương của một hồn thiêng hiện về kêu gọi con cháu bằng giọng ai oán, lâm ly.
Không khí bi thảm ấy kéo dài một lúc lâu. Rồi thầy Đông Sĩ Bình ngước đầu lên, mắt còn đẫm lệ, bảo trò Tuấn:
- Tuấn ơi, chúng ta là con cháu của Hùng Vương, của Lạc Long Quân ta phải làm thế nào chứ? Làm thế nào để phá tan cái xiềng xích nô lệ để đòi lấy độc lập, tự do chứ?
Tuấn chỉ biết cúi đầu nghe.
Thầy Đông Sĩ Bình đứng dậy, đôi mắt thầy đỏ ngầu, tay thầy run lên, thầy chỉ ngón tay lên bài thơ chữ nho của cụ Phan Chu Trinh và nói bằng tiếng Pháp có vẻ căm hờn, oán than nhấn mạnh từng câu:
- Notre grand patriote Phan Châu Trinh a dit: “Nous sommes des esclaves! Nous sommes des esclaves!”
Rồi thầy nói liên tiếp bằng tiếng Pháp, nói thao thao bất tuyệt, nói cho đến trào nước miếng hai bên mép, đổ mồ hôi trên trán, trên má. Thầy hô hào: “Cách mạng! Phải làm cách mạng! Phải làm cách mạng! Il faul faire la Révolution. Il faul faire la Révolution”.
Đúng thế, giáo dục dân chủ, khoa học thực nghiệp sẽ chẳng bao giờ có nếu nó không được mở đường bằng một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
*
**
Những chủ trương “Giáo dục phải thuần túy nhân loại”- “Giáo dục sự điều hòa phát triển của bộ óc, con tim và bàn tay”- “Giáo dục là đào dã phẩm tính” đều là những điều nói để mà nói. Vào thực tế, không làm gì có giáo dục thuần túy nhân loại bởi lẽ dân tộc bất đồng, quyền lợi bất đồng, đấu tranh thường trực thì nội dung phẩm tính, bộ óc, con tim làm sao có thể qui định thành một tiêu chuẩn phổ biến giữa người Việt với người Pháp, người Ấn Độ với người Anh, người Tàu với người Nhật?
Chủ trương giáo dục thuần túy nhân loại của Jean Jacques Rousseau chỉ là một chủ trương muốn thoát khỏi sự trói buộc của hiện thực, muốn biến thế giới hiện thực thành thế giới lý tưởng. Nó sẽ là một câu chuyện khôi hài trước thực tiễn tàn nhẫn. Cơ sở giáo dục không thể không kiến trúc trên một tổ chức xã hội nhất định, trên một cuộc đấu tranh nhất định. Nếu như giáo dục mà mất cơ sở xã hội dân tộc, mất cơ sở đấu tranh thì chẳng có gì đáng gọi là giáo dục nữa.
Đương nhiên ngoài dân tộc ra còn có những xã hội khác trong một hoàn cảnh nào đó đã thành những lực lượng chi phối dân tộc. Tỉ dụ như phục hưng văn nghệ (la renaissance) phát khởi bởi tinh thần Ý Đại Lợi rồi lan tràn ảnh hưởng ra toàn Âu Châu, như cải cách tôn giáo của Luther phát khởi bởi tinh thần Đức rồi lan tràn ảnh hưởng ra toàn Âu Châu. Tuy nhiên, mỗi nước ở Âu Châu đều đã tiếp thụ ảnh hưởng đó bằng quyền lợi và tinh thần dân tộc của mình trong công cuộc đấu tranh thời đại, tiêu diệt sinh hoạt tối tăm của đời Trung Cổ và chống sự cai trị thần quyền của trung tâm tôn giáo Roma.
Nhà triết học Kant nói: “Nhân loại do giáo dục mới thành nhân loại”.
Một triết gia khác của Đức đã nói lại: “Giáo dục có thông qua quốc gia mới thành giáo dục, một dân tộc chỉ sau khi đã qua giáo dục quốc gia mới thành dân tộc đầy đủ sinh lực”.
Muốn hiểu thấy ý nghĩa của dân tộc tinh thần thì phải tìm về lịch sử. Nội dung xã hội dân tộc có: ngôn ngữ, đạo đức, chính trị, kinh tế, nghệ thuật và niềm tin, tất cả thường được gọi chung là tài sản văn hóa truyền từ đời nọ sang đời kia và không ngừng phát triển.
Quá trình phát triển hay lịch sử đã đào tạo cho mỗi dân tộc một cộng đồng tri thức tình tự, ý chí, hành động truyền thống. Bởi thế, hoạt động giáo dục chỉ có giá trị chân thực khi nó được đặt vào cơ sở dân tộc xã hội.
Lịch sử là do sự đối lập giữa dân tộc này đối với dân tộc khác hoặc do sự xung đột gây nên bởi tình trạng bất bình hành giữa các thế lực nội bộ của dân tộc. Bởi thế, hoạt động giáo dục chỉ có giá trị thực tiễn khi nó được đặt vào một trong hai đấu tranh đó.
Nhớ những thuở cầm Hồ, đoạt sao
Nhạc Bình Ngô, ca Quỳnh uyển rập rình
Vàng chảy, bạc sinh, gió to mưa lúa
Cờ Vạn Thắng, công Thái Bình
Hội rồng mây cỏ hiển thánh
Cực vũ công, văn trị cảnh vinh quang
Há một ngày nên được nghiệp vương hoàng
Bao gan nát óc lầy, đan thành hàng huyết lệ
Thuở Hồng Bàng rẽ nước rạch hoang
Vận nhiễu nhương nằm gai nếm mật
Thái Tổ nhân như trời đất
Thánh Tông trị đọ đời vàng
Dám khoe khoang công giá huy hoàng
Trước xã miếu hãy ưng đường tông tổ
Vạn ngôn thư
Thất trảm sớ
Chúc Hưng Đạo
Sử Lê Hưu
Khóc quỉ thần oanh liệt khi xung tiêu
Lòng sáng thủ ấy bao nhiêu lao khổ
Cành Nam chim đỗ
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nếu giáo dục Việt mà quay lưng lại với những điều trên thì đâu còn là giáo dục Việt nữa mà chỉ là thứ giáo dục mất nước đấy thôi.
Văn hào Lâm Ngữ Đường (bên Trung Quốc) đã nói về nỗi tủi nhục đó vì hồi nhỏ ông chỉ được theo học giáo hội công giáo, sống tách biệt hẳn với các trẻ em khác, không được vô hí viện Trung Hoa, không được nghe hát Trung Hoa, không biết chút gì về lịch sử và truyền thuyết Trung Hoa mà lại thuộc làu làu đời của nữ thánh Maria, Chúa Ki Tô, Abraham, David.
Ông viết: “Chưa tới mười sáu tuổi tôi đã biết rằng kèn đồng của Josné đã làm sụp đổ tường ở Jéricho nhưng tới hồi tôi ba mươi tuổi mà vẫn chưa biết chuyện nàng Mạnh Khương, chồng chết vì xây Vạn Lý Trường Thành, nàng lặn lội tới nơi tìm được hài cốt của chồng khóc nức nở tới nỗi nước mắt làm trôi một khúc thành vĩ đại đó. Những người Trung Hoa dù vô học cũng không đốt sử như tôi hồi đó”.
*
**


VĂN HÓA NÔNG NGHIỆP



Họ là những người quê mùa non nước Việt
Sống cần lao bên ruộng lúa đồng khoai
Lúa xanh rờn nhờ họ đổ mồ hôi
Nước Việt sống vì mồ hôi họ đổ

Bàng Bá Lân


A la société vietnamienne- qu’on saisit avec lui dans son fondement- il người’a cessé de procurer au cours de l’histoire une raison d’être, une structure stable et une discipline pour ses travaux et ses célébrations collectives: contracts avec ellémême, le sol et le ciel.
Paul Mus



Tìm trong non một thế kỷ luân hãm, chiến tranh và hỗn loạn, người ta vẫn thấy tất cả đều hàm chứa tinh thần văn học Việt trong chứng minh rằng tinh thần văn hóa Việt vẫn tiếp tục làm chủ tể con đường lịch sử của dân tộc, mọi âm mưu nhằm phủ nhận hoặc triệt để cải tạo nó đều thất bại.
Văn hóa Việt thế nào?
Nói đến văn hóa Việt tức là nói đến văn hóa nông nghiệp.
Trên thế giới, chỗ nào chẳng có nghề nông nhưng văn hóa nông nghiệp thực sự thành thế hệ vững chắc trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn học, giáo dục, quốc phòng, sinh hoạt, xã hội thì ngoài Trung Quốc ra, phải kể ngay đến Việt Nam.
Văn hóa nông nghiệp là văn hóa của sự kết hợp chân chính giữa người với đất, là văn hóa của sự khai phát đất ruộng đi cùng với sự khai phát tâm linh. Trong đó nông dân là lực lượng cốt cán và sĩ nhân là đầu não.
Kinh thánh của Gia Tô giáo chép chuyện Thượng Đế sáng tạo thế giới trong thời gian bảy ngày. Thần thoại Hy Lạp cũng chép chuyện thần nhân tạo ra thế giới. Nhưng ở Việt Nam cũng như Trung Quốc qua thần thoại Bàn Cổ khai thiên tị địa thì tin rằng thế giới này do chính bàn tay người khai phá sáng tạo và gìn giữ. Thần thoại Hy Lạp bảo sở dĩ thế giới có lửa là bởi Prométhée đã ăn trộm lửa của trời mang xuống. Trong khi dân gian Việt và dân gian Trung Quốc bảo là có lửa nhờ Toại Nhân khi cọ gỗo vào nhau mà lấy ra. Phục Hi thì dạy kết thừng làm lưới đánh cá. Ông Vũ Tắc chế cày bừa trồng thóc lúa. Bàn Cổ với hình ảnh vạm vỡ, tay cầm búa đá là sức mạnh lao động của nông dân. Toại Nhân, Phục Hi, ông Vũ Tắc với vẻ văn nhã là sức mạnh của tâm linh khai phát.
Nông nghiệp không chỉ đơn thuần là một trạng thái kinh tế mà còn là một đạo, nông nghiệp chi đạo. Đạo nông nghiệp đại biểu cho sự sống bao la, đại biểu cho đất ruộng vườn, rừng mênh mông cà đại biểu cho thời gian, khi tiết mưa thuận gió hòa hay giông tố bão lúc nào tốt, lúc nào xấu.
Công việc chủ yếu của nghề nông là trồng trọt, cày bừa, vun bón gặt hái thực vật (cây cỏ, hoa trái), đồng thời nuôi dưỡng động vật (gà, vịt, heo, trâu bò).
Kể việc làm ruộng mọi đường
Tôi xin kể được rõ ràng hử ai
Tháng Chạp là tiết trồng khoai
Tháng Giêng tưới đậu, tháng Hai cấy cà
Tháng Ba cày bửa ruộng ra
Tháng Tư bắc mạ thuận hòa vui thay
Tháng Năm cắt lúa vừa rồi
Tháng Sáu mưa xuống nước trôi đầy đồng
Tháng Bảy cày cấy đã xong
Tháng Tám thấy lúa tốt dòng vui thay
Tháng Chín tôi kể lại nay
Bắc mạ xem được mới hay trong lòng
Tháng Mười lúa chín đầy đồng
Cắt về đổ cót để phòng năm sau
Tháng Mười là tiết cấy sâu
Một năm kể cả tự đầu đến đuôi
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nhờ trời mưa thuận gió hòa
Nào cày nào cấy trẻ già khuyên nhau
Chim gà cá lợn cành cau
Mùa nào thức ấy giữ màu hương quê
Vừa tài bồi (vun tỉa), vừa dưỡng dục sự sống, vừa để nuôi mình sống. Hiện tượng “sống” có ba loại:
- Sinh liễu hựu sinh (sinh sôi nảy nở)
- Do chủng nhi sinh (bởi trồng cấy mà sinh)
- Do tính nhi sinh (do tình yêu mà sinh)
Vũ trụ là một dòng “sông” dài vạn cổ đời đời kiếp kiếp. Sông nọ tiếp nối sông kia là do cơ bản nguyên tắc của dịch lý, sinh sinh chi vi dịch. Một gọng cỏ, một cành cây đâm chồi nẩy lộc mà sinh ra cây cỏ khác.
Sách có câu “Nhất dương sơ động xứ, vạn vật thủy sinh thời” (ánh dương vừa động, vạn vật sống dậy) cũng như ca dao ta có câu: “Lúa chiêm phơ phất đầu bờ, hễ nghe sấm động phất cờ lúa lên. Một hạt giống gieo xuống đất qua sự điều hòa của trời đất, hạt giống tự tách ra nẩy mầm thành một cơ thể mạnh sống và lớn lên. Cho nên mới nói: “Thiên hạ chi đại đức viết sinh” (Đức lớn torng thiên hạ là cho sự sống). Nông nghiệp thường trực hành động để thực hiện đức lớn đó.
Hoa nhờ phấn đực mà kết thành trái, động vật do tinh trùng mà sinh đẻ đều là những điều tốt rất thường thấy trong nghề nông, nhưng nó lại hàm chứa một triết lý gốc “nhất âm nhất dương chi vi đạo”, hay “càn khôn chi đạo”. Âm dương tuy cực khác nhau mà rất tương ái tương thành. Cho nên nông nghiệp văn hóa mới là thứ văn hóa trong sự hòa hợp tự nhiên. Nhiệm vụ của càn hay dương là tự cường bất tức lúc nào cũng dũng mãnh chiến đấu. Nhiệm vụ của khôn hay âm là hậu đức đới vật bao giờ cũng trải tâm tình rộng rãi. Làm trai phải anh hùng, làm gái phải hiền thục, chăm chỉ và chịu đựng.
*
**
Đại biểu cho đất ruộng mênh mông, cái đất đai yêu quí đã từng nuôi sống ta, từng để yên nghỉ ông cha và sinh sôi con cháu, cái đất đai mà đầu mày cuối mắt ta đều nhớ, đều quen, đều từng ghi nhớ mỗi cái khổ, cái vui, cái hy vọng, cuộc sống cuộc chết, cuộc bể dâu của đời đời nó đã nói ra bao ý nghĩa và gồm bao nhiêu giá trị. Trên tinh thần, văn hóa và đại biểu cho trạng thái vững chải và bình tĩnh và quyết ý không dời đổi, lay chuyển.
Nông nghiệp là sự nghiệp kinh tế, đồng thời cũng là sự nghiệp đạo đức, như Hiếu kinh viết: “Dụng thiên chi đạo, phân địa chi nghi, cận thân tiết dụng dĩ dưỡng phụ mẫu” (Dùng đạo trời, lựa nơi đất tốt, cần cù chăm chỉ, tiết kiệm mà nuôi cha mẹ).
Nông nghiệp là một sự nghiệp sinh sản nhưng đồng thời cũng là một sự nghiệp nghệ thuật như ca dao ta hát: “Cô kia tát nước bên đàng. Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Như một thi sĩ Trung Quốc muốn tả hương thơm của cánh đồng, đã hạ bút viết: “Đạp hoa qui khứ mã đđề hương” (Con ngựa trở về dẫm lên hoa mà bước khiến móng ngựa còn thơm). Chính cái tinh thần nông nghiệp bàng bạc khắp vườn tược, đồng rừng đã khiến cho văn nhân, thi sĩ làm thành thơ văn dạy cho người thích nghe giọt mưa lộp độp trên tàu lá chuối, dạy cho cảm thấy cái đẹp của ngọn khói từ mái nhà tranh tỏa lên lẫn với mây chiều ở lưng chừng ngọn đồi, dạy cho biết ngắm cái vẻ trắng nuột của hoa thỏ tí ở bên đường, nghe tiếng tu hú hót mà nhớ tới lời than thở của kẻ tha hương nhớ mẹ, mến yêu cảnh các cô thôn nữ hái trà, dạy cho biết hòa đồng với mọi vật núi sông hoa cỏ, xuân tới thì lòng dào dạt hương xuân, hè tới thiu thiu nghe tiếng ve sầu như gõ nhịp thời gian qua, thu tới thì bâng khuâng nhìn lá vàng rơi rụng và đông tới thì ngâm thơ tuyết bay.
Nông nghiệp là một sự nghiệp lao động nhưng đồng thời còn là một sự nghiệp thờ phượng và tin tưởng. Khôn ngoan nhờ ấm cha ông, làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ. Phương ngôn ta có câu: “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”. Cha đây là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người có công đánh giặc Nguyên giữ vững bờ cõi, mẹ đây là thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa, người đàn bà dung nhan tuyệt thế, thông minh dị thường, lúc chết hiển linh thường giáng bút bảo cho dân biết về quốc sự.
Lao động sự nghiệp không chỉ để kiếim bát cơn ăn mà còn để tạo dựng giang sơn đất nước. Bàn tay với đất đai, sức lao động và chí cần cù đem mồ hôi ra trộn với nước mắt của lòng yêu, tất cả để không dứt mở mang đất đai, xây đắp cõi sống, đem máu đào rỏ ra vì lòng yêu từ người thân với những con người mà máu chảy ruột mềm đã bén tới, máu đào đã rỏ ra để sống và thờ phụng cuộc đấu tranh với quân thù, cùng tẩm nhuần với quân thù trong đồng ruộng của xứ sở qua các thời gian. Cho nên, nói đến kinh tế nông nghiệp thì phải nghĩ ngay đến một nền tảng kinh tế, đến chính sách kinh tế hàm chứa đạo đức, không lọc lừa tranh giành để thủ lợi như kinh tế thương nghiệp và tàn bạo đổ máu như kinh tế du mục. Nói đến sinh sản nông nghiệp với vẻ đẹp của khóm cúc bên dậu, của ao thu lạnh lẽo nước trong veo, một chiếc thuyền con bé tẻo teo. Nói lến lao động nông nghiệp thì phải nhớ đến việc dồn sức vào sự nghiệp yêu nước.
Trải qua bao biến cố, sức đất vẫn bình tĩnh, vững chãi mà ứng phó, cả mấy ngàn năm tinh thần bình tĩnh vững chãi đó đã vượt hết các khó khăn, trở ngại để đẩy mạnh dòng sông chảy đời đời sinh sôi nảy nở. An thổ đôn hồ nhân, bám chắc lấy đất, dựng dụng tinh thần lạc quan chiến đấu. “Bất năng an thổ, tiện hội thắng không, tức bất trước địa, diệc bất trước thiên, chung ư hôn mê, chung ư nhuyễn nhược, chung ư hoành bạo, chung ư đảo hạ” (nếu không bám chắc lấy đất tất không có đất chiến đấu lại thiếu cả thiên thời tất sẽ hôn mê, nhuyễn nhược sinh ra làm rông rỡ mà sụp đổ).
*
**

Dịch hệ từ viết:
“Nhật vãng tắc nguyệt lai, nhật lai tắc nhật vãng, nhật nguyệt tương di nhi minh sinh yêu. Hàn lai tắc thự vãng, thự lại tắc hàn vàng, hàn thự tương suy nhi thế thành yên” Mặt trời lặn, mặt trăng lên, mặt trăng lặn mặt trời lên chuyển đổi nhau. Giữa hai vầng nhật nguyệt mà có ánh sáng. Lạnh hết đến nóng, nóng hết lại đến lạnh, lạnh nóng đuổi nhau mà thành bốn mùa năm tháng…)
Nông nghiệp gần với sinh vật, đất ruộng và cũng không lúc nào rời khí tượng tứ thời.
Tháng Giêng chân bước đi cày
Tháng Hai vãi lúa ngày ngày siêng năng
Thuận mưa lúa tốt đằng đằng
Tháng Mười gặt lúa ta ăn đầy nhà
Như vậy là cái lý “dữ thời giai hành” trong kinh Dịch.
Nông nghiệp không đi ngược với lẽ sống, không làm trái với ý muốn của đất và thứ nhất phải cho đúng thời không trái mùa. Quả nào, hoa nào kết thực khai hoa có thời gian nhất định, lúc nẩy mầm, lúc sinh trưởng và lúc chín để gặt hái. Không thể cưỡng ép thời gian sớm hơn, cũng không thể trễ nải thời gian muộn hơn.
Do lý đó đem vào chính trị mà thành nguyên tắc “thời trung”, “quân tử thời trung”, linh hoạt thích ứng với bốn điểm: Thời-Vị- Trung-Chính.
Thời là thời gian lúc nào có thể và lúc nào không thể.
Vị là không gian hay vị thế chiến lược.
Trung là giao điểm của thời gian và không gian.
Chính là hành động cho thích đáng.
*
**
Nông nghiệp đối với sinh mệnh là thuận, không đi trái lý thiên nhiên: nông nghiệp đối với quốc gia là gốc, là căn bản. Thuận cho nên cái học của nông nghiệp có tiết điệu tình tự như bài thơ. Gốc và căn bản cho nên cái học của nông nghiệp là thực học phác tố ít viển vông.
Bất thị nhất phiên bàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phác tị hương
là một câu dân dao rất đẹp của nông dân Trung Quốc ý nói: nếu không có cơn gió lạnh buốt tận xương thì làm sao có hương hoa mai thơm ngát cả vầu trời? Gió lạnh ai không sợ, nhất là nông dân sống dầm mưa dãi tuyết? Nhưng vì thuận theo thời tiết trời đất thì gió lạnh buốt tận xương vẫn là điều cần thiết vì nhờ có mai mới nở đem hương ướp đượm cả trời đông. Vậy chẳng có gì đáng buồn, đáng trách. Cơn gió lạnh ví như một thời kỳ đánh đuổi giặc trăm ngàn gian khổ, đắng cay nhưng nhờ thế mới có ngày thanh bình, chiến thắng đẹp như mai nở.
Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng quản lâu lâu
Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng
Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu
Thiên địa thuận nhi tứ thời đương, dân hữu đức nhi ngũ cốc sương (Trời đất thuận bốn mùa mưa nắng đúng cộng với sự chăm làm của người nên ngũ cốc nhiều). Nông nghiệp lấy thuận làm chủ lao động hòa nhịp với tứ thời để xây dựng một đời sống no ấm.
Dĩ nông lập quốc và quốc dĩ nông vi bản chuyển sang chính trị thành chính trị dĩ nhân di bản. Một thể chế chính trị xưa đặt dưới tay Thương Ưởng áp dụng chính sách “trọng nông” thế mà dân đã đuổi bắt và giết Thương Ưởng. Nhà Tần nhờ chính sách của Thương Ưởng thôn tính được lục quốc rồi cũng vì chính sách ấy chịu diệt vong. Tại sao? Tại Thương Ưởng chỉ biết cái gốc nông nhưng lại không nhìn đến gốc dân, đã xem nông như một thủ đoạn, kết quả nước giàu thịnh mà dân lại nghèo khổ, binh lực lớn mạnh mà dân lại yếu cực, tạo thành tình trạng mâu thuẫn giữa dân sinh với quốc phòng đưa đến sự đối lập của nhân dân với quân đội. Bởi vậy nông dân đã nghiến răng thề không đội trời chung với bạo chính: thời nhật yết táng dư dữ nhữ giai vong (tao sẽ cùng chết với mày).
Pháp gia Thương Ưởng và chính sách trọng nông quá chuyên chú vào lãnh vực kinh tế cốt để xây dựng một chính sách tài chính thuần túy và một chính sách quân sự tuyệt đối đã không hướng tới sự bón gốc nữa, ngược lại còn hy sinh nông dân và phá hoại nông nghiệp khiến cho gốc nước lung lay, chính quyền pháp gia phá sản đẩy đến việc nhà Tần vong. Nông nghiệp như thế là đi vào nghịch đạo trái với ý chí của văn hóa nông nghiệp vốn vẫn không ngừng đề cao chính trị dân bản và chống đối bạo chính thống trị.
Khai phát đất ruộng phải đi đôi với khai phát tâm linh, trên quốc sách thì dân sinh phải hợp nhất với quân đội, sinh hoạt phải hợp nhất với chiến đấu, ch phải hợp nhất với kinh tế. Đó là căn bản của nông nghiệp chi đạo vậy.
Khai phát thổ địa đi đôi với khai phát tâm linh đã trở thành một khúc anh hùng ca tiến xuống miền Nam của dân tộc Việt.
Bài “Chuyến du khảo vào nông trại Thới Sơn” đăng trong tập san Sử Địa số 22, tác giả Nguyễn Văn Hầu đã cho độc giả một hình ảnh tuyệt đẹp của khúc anh hùng ca đấy. Tác giả viết:
“Xin hãy lùi về hơn trăm năm trước để tưởng lại cảnh vật của miền rừng núi bao la này. Xa xa một vài sóc thổ mỗi sóc thổ thì đâu lối năm bảy mái tranh, còn bao nhiêu là rừng. Cọp beo, rắn độc cùng những muỗi mòng, con ve, con vắt cùng nhau ngự trị như một giang sơn riêng. Vậy mà có người đã hướng dẫn quần chúng vào đây để khai hoang lập ấp. Người ấy là thầy Đoàn Minh Huyền tức đức Phật thày Tây An. Chính Phật thày đã thực hiện giáo lý tự tu, tự độ để gắng gổ độ tha cho nên mới hướng dẫn môn đệ khai hoang nhiều chỗ mà trước hết là ở đây giang sơn của ác thú. Thêm vào đó, một nỗi đe dọa khác nữa là phải sống bên cạnh người Mên đầy gồng ngải bùa thư, thù hằn và giận dữ.
Phật thày đã làm cách nào để động viên nhân lực mà làm nổi việc phi thường này?
Với giáo lý Tứ Ân (Ân Tổ Tiên cha mẹ- Ân Đất Nước- Ân Tam Bảo- Ân Đồng Bào Nhân Loại), Phật thày đã đưa vào lòng người một niềm tin vô biên. Qua huyền diệu của đức Phật và khả năng tu tỉnh của con người, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương không còn biết sợ một thế lực tà mị nào khác. Do đó mà họ rất tích cực và nhờ vậy thày Tây An đã thành công.
Có hai đệ tử của Phật thày là Đình Tây tên thật là Bùi Văn Tây và cụ Tăng chủ Bùi Văn Thân đã góp tay đắc lực cho Phật thày trong việc mở ruộng và lập làng ở vùng này. Hai cụ có đức lớn, đạo pháp uyên thâm, võ dũng cũng phi thường nên rất được nhân dân tòng phục. Những người dân lam lũ, chất phác cần phải được hướng dẫn chân chính, hai cụ Tăng chủ và Đình Tây là những người có đủ tác phong đạo đức để làm nên việc đó. Ban ngày người tín đồ đi khai hoang, đêm về thì làm lễ niệm Phật, tham thiền và lĩnh hội những lời hay ý đẹp của các cụ. Những ngày sóc vong, các cụ thuyết pháp giảng kinh.
Ngôi chùa của Bửu Sơn Kỳ Hương không có tượng Phật. Ngay đại điện cũng chỉ thờ một khung vải đỏ gọi là Trần Điều mà thôi. (Vuông vải màu điều này mang ý nghĩa nhiễu điều phủ lấy giá gương, còn có thuyết nói Đức Phật thày là dòng dõi Tây Sơn đổi tên, chạy ẩn vào Nam cho nên vuông vải điều đó mang ý nghĩa non tây áo vải cờ đào).
Đi thăm chùa chúng tôi (lời tác giả) được cụ trưởng ban Quản trị của nhà chùa tiếp đãi. Cụ giảng: Nơi này xưa kia là trại ruộng của đức Phật Thày Tây An. Ngài di dân đến đây vào khoảng năm Tân Hợi để vừa mở cơ hoằng pháp vừa khai phá rừng hoang. Hồi đó, cọp beo dữ lắm mà đường sá không có. Cụ còn kể cho chúng ta nghe chuyện tăng chủ Bùi Văn Thân trị cọp như sau:
Một lần cọp về xóm vào chập tối, người ta rút lên trên gác đóng cửa kín mít, đánh mõ tre báo động vang trời. Ông Tăng một mình cầm mác trèo xuống thang rượt cọp. Dưới ánh trăng mờ, cọp nhào tới phủ lên mình ông Tăng. Ông Tăng lẹ làng ngồi xuống, một tay dựng đứng cây mác lên, một tay thủ thế chờ cọp rơi xuống. Cọp hoảng hồn khi gặp tọa bộ của ông Tăng cùng ánh sáng lấp lánh của ngọn mác, liền né sang một bên. Trong lúc cọp mất thăng bằng chao mình trên lưng chừng thì ông Tăng đấm vào hông nó một quả đấm thôi sơn và thuận chân bồi thêm vào hạ bộ nó một cú đá nặng đòn. Cọp rống lên một tiếng vang rồi ngã lăn bất tỉnh.
Ông Tăng không giết cọp, bước tới giựt nó dậy miệng lẩm bẩm: “Tao tha cho mày, từ nay phải bỏ tánh ngang tàng đừng tới đây nữa mà mất mạng”.
Cọp gầm mặt xuống đất kéo la lết cái chân què vào rừng và từ đó không còn dám bén mảng đến xóm nữa.
Ông Tăng không muốn sát sanh mà chỉ muốn tâm phục lũ thú dữ. Việc đánh cọp vừa nói không chỉ một lần mà cả năm ba lần nữa. Lần nào ông cũng tha cho chúng. Riết rồi con nào con ấy chạy mặt lùi xa.
Cụ Quản còn dẫn chúng ta đi một vòng nội điện rồi đưa ra ngoài đến một gốc cổ thụ ở cạnh chùa, nơi một khoảng đất trống bằng phẳng, cụ trỏ tay nói: “Đây là di tích của ông Sấm ông Sét tức là đôi trâu của Phật thày. Trâu có công lớn trong việc vận tải và khai phá vùng này. Hồi Đức Phật Thày viên tịch, đôi trâu vẫn chưa già nhưng người ta quá ngưỡng mộ ngài và nhớ ơn trâu nên không bắt làm những việc nặng nề nữa. Cho đến khi trâu già người ta vẫn nuôi hoài rồi khi chết, đem chôn cất cẩn thận tại đây và xưng gọi như thế để tỏ lòng ghi nhớ”.
*
**
Tinh thần nông dân của dân tộc Việt là:
a) Biết sâu xa những ưu hoạn
b) Không sợ khó nhọc, gian khổ
c) Không có quan niệm về sự chết
Tại sao lại phải lo lắng sâu xa?
Gần cận với thiên nhiên nên người nông dân hiểu rằng: Khi một đứa bé chào đời, mang tiếng khóc ôm đầu mà ra, nó cần biết bao nhiêu ngoại duyên để được sinh ra. Tục ngữ có câu mang nặng đẻ đau là thế. Khi một chú gà nhỏ bé thoát vỏ trứng, kêu chiêm chiếp đau đớn, nó phải cẩn thận biết bao để chui ra ngoài vỏ trứng.
Khi một hạt giống nẩy mầm, cái mầm mềm yếu, nó pahỉ cần vô số điều kiện mới nhô lên khỏi mặt đất.
Nhất nhất đều khó khăn, nhất nhất đều phải trải qua một quá trình ưu hoạn, nào mong sao cho được mưa thuận gió hòa, mong sao cho khỏi tật bệnh tử vong.
Người nông dân do tinh thần biết sâu những ưu hoạn tích lũy mà có một tâm hồn bình dị để nhìn mọi sự, mọi vật trong trời đất rồi chọn thái độ bình tĩnh lo toan vằng lý tính.
Người nông dân do tinh thần biết sâu những ưu hoạn tích lũy mà có một tâm hồn siêu việt để chuyển thành ý thức tôn giáo nhưng là ý thức tôn giáo lý tính hóa không có tín điều giáo chỉ và hệ thống tăng lữ và giáo chủ.
Người nông dân tế trời, kính trời một cách thân mật chứ không sợ sệt như bị hầm hè đe dọa, đem đến cho tôn giáo tình vị và thi vị.
Trời mưa cho lúa chín vàng
Cho anh đi gặt cho nàng đem cơm
. . . . . . . . . . . . . . .
Chàng ơi, đi trẩy kẻo trưa
Cửa nhà cậy mẹ, nắng mưa nhờ trời
Em đi khấn Phật cầu trời
Biết than cùng trời biết thở cùng ai?
Trời ơi trời ở chẳng công
Người ba bốn vợ người không vợ nào
. . . . . . . . . . . . . . .
Lạy trời, lạy Phật, lạy vua
Cho tôi sức khỏe tôi xua con ruồi
Do biết sâu những ưu hoạn mà tinh thần nông dân mới không sợ khó nhọc gian khổ, với một tâm hồn kiên cươòng vô tỉ.
Cày sâu cuốc bẫm khai phá đất hoang tất phải khó nhọc, gian khổ, sự nghiệp của đất vốn là kết tinh của những nỗi tân khổ. Sách có câu: “An thổ đôn hồ nhân cố năng ái” (Vỡ đất xây dựng điều nhân cho nên biết thương yêu). Trải tân toan cay đắng nước mắt trộn mồ hôi mới thương người đồng cảnh. Nỗi khổ ấy giống như nỗi khổ trong bài “Thảo Từ” của Tân Giá Hiên:
Nhân gian bất thức tinh thành khổ
Tham khán thanh xuân vũ
(Nếu nhân gian chưa biết đến nỗi khổ của tấm lòng tinh thành xin hãy nhìn mưa xuân). Càng khổ bao nhiêu càng chân thành bấy nhiêu.
Khó khăn thay công việc nhà quê
Cùng năm khó nhọc dám hề khoan thai
Tháng Chạp thì mắc trồng khoai
Tháng Giêng trồng đậu tháng Hai trồng cà
Tháng Ba cày vỡ ruộng ra
Tháng Tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
Tháng Năm gặt hái xong rồi
Bước sang tháng Sáu nước trôi đầy đồng
Nhà nhà, vợ vợ, chồng chồng
Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
Tháng Sáu tháng Bảy khi vừa
Vun trồng giống lúa, bỏ chừa có gianh
Tháng Tám lúa rỗ đã đành
Tháng Mười cắt hái cho nhanh kịp người
Khó khăn làm mấy tháng trời
Lại còn mưa nắng vất thời khổ trông
Cắt rồi nộp thuế nhà công
Từ rày mới được yên lòng ấm no.
Càng tân khổ nên sự đối xử thập phần thân thiết, tìm mọi cách đùm bọc lẫn nhau, sự thân thiết đùm bọc chuyển thành luân thường. Lòng tinh thành đối với luân thường chuyển thành lý tưởng. Lý tưởng ấy là đạo đức và lo khai hoang trồng cấy.
Trong tinh thần không sợ tân khổ, đạo đức luân thường dung hợp với lao động khai phá khẩn thực nên toàn dân chỉ là một người, đấu tranh thường trực tự cường bất tức.
Trong tinh thần không sợ tân khổ, khai phá khẩn thực đi đôi với lý tưởng, người nông dân đã xây dựng cho mình một xã hội làng xã chi chít và bát ngát trên rừng, dưới biển, vừa đoàn kết chặt chẽ, vừa tự do bình đẳng. Mỗi cá nhân đều có ruộng vườn, giang sơn và nhân cách riêng biệt. Chức vị chú mõ làng thấp nhất nhưng vào hội hè đình đám, chú được trọng vọng ngồi ăn một mình một chiếu.
Trong tinh thần không sợ tân khổ, đạo đức kết hợp với luân thường, người nông dân xây dựng cho mình một nếp sinh hoạt gia tộc vững chãi.
Bằng tinh thần không sợ tân khổ, người nông dân đã bằng hai bàn tay trắng chuyển rừng thành ruộng, biến núi thành vườn suốt từ ải Nam Quan đến mỏm Cà Mau.
Chỉ vì không sợ tân khổ, mỗi người nông dân chịu đói rét nhưng vẫn canh cánh bên lòng ý niệm: “Chớ để nhà tan, nước mất, chớ để lê dân đói rách”.
Với tinh thần không sợ tân khổ, người nông dân mặc áo tơi nón lá vẫn cảm thấy mình chẳng thua kém chi kẻ mặc áo lông cừu.
Với tinh thần không sợ tân khổ, người nông dân tuy chẳng biết một chữ nhưng vẫn đường đường là con người đầy đủ nhân cách. Nhất sĩ nhì nông hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ.
Thiên địa có khai phá được hay không?
Đồng ruộng có được xanh tốt màu mỡ hay không?
Đất nước có được bảo vệ hay không?
đều tùy thuộc tinh thần không sợ tân khổ.
Một con người khả dĩ đường đường chính chính ấy cũng nhờ tinh thần không sợ tân khổ. Hình ảnh đi dép cỏ vào nói chuyện với thiên tử, áo rách hở hai khuỷu tay là hình ảnh nhà thơ nông dân Đỗ Phủ. Thật là khí khái đại biểu cho lớp người mang tinh thần không sợ tân khổ.
Chỉ vì tinh thần không sợ tân khổ nên mọi hành động cướp nước trên đất Việt thường thất bại.
Nếu không nhìn thấy sức mạnh của cải tinh thần “bất yểm tân khổ” của dân Việt, người ta sẽ không hiểu tại sao người Việt với những điều kiện chiến đấu cực kỳ thiếu thốn mà vẫn hăng hái, dai dẳng vô cùng.
Nông dân bằng một tinh thần thâm hậu và một sinh mệnh cực độ kiên cường, đứng trước tình thế trời xoay đất đảo, loạn lạc lưu ly nhưng vẫn tin rằng: thế giới này từ trạng thái hoang vu đã do hai bàn tay người sáng tạo, vậy thì tất cả mọi việc đều cũng có thể do hai bàn tay người giải quyết được hết, chắc chắn trời xanh chẳng phụ khổ tâm nhân. Đời sau kế tiếp đời trước. làm mãi phải xong. Người nông dân trông trời trông đất quanh năm ngày tháng, đem tự kỷ chi tâm hòa vào với thiên địa chi tâm. Vái trời khấn đất có nghĩa là thần thánh hóa tự kỷ chi tâm, thần thánh hóa tinh thần chịu tân khổ chiến đấu. Vì đời sau tiếp đời trước nên phải lễ tổ kính tổ, không quên ông bà, cha mẹ, tổ tiên chuyển thành tổ quốc, thờ kính tổ tiên là thờ kính tổ quốc.
Một tấc đất một tấc vàng, tấc đất được bàn tay lao động tân cần canh tác trở nên tấc vàng, nguồn sống không bao giờ kiệt. Một mẫu ruộng tượng trưng của bao công lao “tân khổ” nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho sự quang vinh của công lao tân khổ đó.
*
**
Tinh thần không sợ tân khổ khiến cho nông dân bước vào đấu tranh lịch sử bằng ý chí kiên cường. Không có quan niệm về sự chết khiến cho nông dân tin tuyệt đối vào sự bất hủ của tâm linh. Ngạn ngữ có câu “sống gửi thác về”. Quá trình của mỗi sinh mệnh, khởi đầu bằng sinh, trong sinh đã tiềm phục “tử”. Nó chẳng khác chi ngày với đêm, hoàn toàn là chuyện rất thường. Sống thì tận nhân lực lo toan ưu hoạn, không sợ khó nhọc, chết thì về cõi khác. Người phương Tây lúc chết, thân nhân để tang bằng khăn đen, linh sàng toàn một màu đen vì họ nghĩ chết là đen tối, tuyệt vọng bi ai. Người Việt lúc chết thân nhân để tang bằng khăn trắng, linh sàng bày biện màu sắc rực rỡ, màu trắng đại biểu cho quang minh, thuần khiết đem mọi nỗi thê thảm trong trắng hóa khiến cái chết không còn là một điều đen tối tuyệt vọng nữa.
Gậy thần của Tản Viên có một đầu sinh một đầu tử để sinh sinh hóa hóa, tử để hóa chứ không tiêu diệt. Các cụ già cứ đến tuổi 60 là bảo con cháu mua cái hòm để sẵn trong nhà làm cỗ hậu, ngày ngày các cụ sáng tối vừa uống trà vừa lau cho bóng cỗ hậu như luôn luôn săn sóc nhà mới mà mình sắp tới ở.
Vương Long Khê đời Tống viết trong sách “Long Khê ngữ” rằng: “Sinh tử như trú dạ, nhân sở bất miễn tứ thời chi tự thành công giả thoái, nhân sinh thiên địa gian, thử thân đồng ư đại hư, nhất nhật diệc khả bách niên diệc khả”, nghĩa là: Lẽ sống chết ở đời như ngày với đêm, như bốn mùa thay đổi, hoàn thành nhiệm vụ rồi đi, con người sinh ra trong trời đất cái thân này đồng với đại hư không, một ngày cũng tốt mà trăm năm cũng xong. Câu nói ấy bắt nguồn từ triết lý nghề nông mà ra vì nông nghiệp vốn là sự nghiệp gắn chặt với chữ thời. Thiệu Nghiêu Phu (danh nho đời Tống) lúc sắp chết còn nói chuyện hài hước vui như pháo nổ.
Lục Tượng Sơn (danh nho đời Tống) biết mình sắp chết, ông đi tắm gội mặc quần áo tề chỉnh xong ngồi nghiêm trang chờ phút lâm chung. Chu Hối Âm (danh nho đời Tống) trước khi thở hơi cuối cùng thấy bốn phương trời sáng rực. La Cận Khê (danh nho đời Tống) lúc chết bảo học trò: “Thần thông biến hóa là chuyện dị đoan, thầy đây chỉ bình bình một người thường và thầy thích như thế”. Cao Bá Quát vươn cổ cho đao phủ chém mà vẫn còn làm thơ rồi ngâm vang lên.
Do tinh thần không có quan niệm về sự chết nên người nông dân Việt lập bàn thờ tổ tiên phụng dưỡng như lúc ông bà, cha mẹ còn sống và đời đời kiếp kiếp nối nghiệp tiên tổ. Nỗi đau khổ nhất của người sắp từ bỏ cõi trần là không thấy có ai nối dõi, chứ không đau khổ vì bản thân mình.
*
**
Nhà Nho nước ta thường áp dụng chính trị gốc ấy là liên kết và giáo hóa tinh thần nông dân của dân tộc để thực hiện 4 công tác:
- Dĩ nông dân vi thiên địa chi tâm (Lấy nông dân làm con tim của trời đất).
Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa có lời hiếu trung
- Dĩ nông dân vi đại địa chi tử (Lấy nông dân làm con yêu của đất lớn).
Lạy trời mưa thuận gió đều
Cho đồng lúa tốt cho chiều lòng em
- Dĩ nông dân vi tinh thần chi thực thể (Lấy nông dân làm thực thể của tinh thần)
Nhác trông sao Đẩu về Đông
Chị em ra sức cho xong ruộng này
Lấm lem tay cắm chân cày
Hay trồng cây ngọc có ngày hữu thu
- Dĩ nông dân vi an định chi lực lượng (Lấy nông dân làm lực lượng nền móng)
Nông nghiệp là cái gốc của một nước.
Sách “Luận Ngữ” chép:
Ông Tử Lộ theo thầy học là Khổng Phu Tử, gặp một ông lão nhà quê đứng bên đường, mới hỏi: “Cụ có trông thấy Phu Tử không?”.Ông lão đáp: “Chân tay chẳng chịu làm việc, ngũ cốc chẳng biết phân biệt, có gì đáng gọi Phu Tử?”. Nói rồi chống gậy đi. Ông Tử Lộ chắp tay vái.
Ý “Luận Ngữ” muốn bảo người đọc sách không thoát ly sản xuất.
Nông dân Âu Châu từ xưa đã tập trung vào những nông trường lớn mà thời Trung Cổ gọi là lãnh thổ của quí tộc hay tăng lữ (manoir) để chịu cái kiếp nông nô. Nông nô nếu không được lãnh chúa cho phép thì không bao giờ có thể bỏ thái ấp này sang thái ấp khác. Nông nô chỉ được làm những gì lãnh chúa ra lệnh. Tất cả tài sản của nông nô từ cái bàn, cái ghế, cái giường đến thúng thóc đều là của lãnh chúa. Còn người nông dân Việt sống với mảnh đất, mảnh vườn nhỏ tự canh tác mà ăn, làm chủ mảnh đất mảnh vườn đó để đại biểu cho cái tâm của đất trời, làm con của đất ruộng cha ông đóng góp vào thực thể tinh thần dân tộc và đoàn kết, chung đúc nên lực lượng an định cho đất nước, hàng triệu mảnh đất, mảnh vườn nhỏ này chính là một pháo lũy quốc phòng hàng hàng lớp lớp vững mạnh cả mấy ngàn năm.
Giặc định phá hoại nông thôn?
Nông dân đã có quá nhiều kinh nghiệm với mọi nỗi ưu hoạn.
Giặc định khống chế sinh hoạt?
Nông dân vốn không bao giờ sợ tân khổ, sẽ chiến đấu dù hoàn cảnh ngặt nghèo đến mấy.
Giặc định đem cái chết ra dọa nạt bằng khủng bố, tàn sát tập thể?
Nông dân chẳng hề có mảy may quan niệm về sự chết thì đâu có sợ chết, đã không sợ chết thì đem cái chết ra đe dọa sao được.
Chống với mọi loại giặc, nông dân luôn luôn có thái độ thật lì:
Dù ai nói đông nói tây
Lòng ta vẫn vững như cây giữa rừng
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
Lòng ta đã quyết thì đánh
Đã đẵn phải đẵn cả cành lẫn cây
Pierre Gourou nhận xét:
“Hãy nhìn sự bành trướng mở mang của dân tộc Việt trong lịch sử, với ruộng lúa xanh ngắt, làng xã khắp nơi với những con người quen bám chặt lấy đất cùng nền văn hóa nông nghiệp kiện toàn. Giống như loài hà ngoài biển tới đâu là sinh sôi nẩy nở gắn chặt lấy đó, xúm xít lại không cách gì làm cho nó rời ra. Rồi một lối sống được xây dựng chặt chẽ. Bởi vậy, dân tộc Việt, mặc dầu đã nhiều lần trong quá khứ bị giống Chàm thiện chiến, hung tợn đánh bại, nhưng kết cuộc dân tộc Việt đã tiêu diệt giống nòi Chàm. Đến nay, vết tích Chàm gần như mất hẳn, trong khi lối sống Việt đã tràn ngập, chỉ còn lại ít khác biệt còn có thể nhận thấy trên hình thù phần mộ, kiểu mái nhà ở và các loại cây mang tính chất địa phương mà thôi”.
Sức mạnh của nông dân vốn tiềm ẩn như sức mạnh của đất, trông ngoài có vẻ vô lực mà kỳ thực lại là địa lực, có vẻ yếu mà rất khỏe, có vẻ nhát mà rất gan, xưa nay chiến sĩ thường 80% thuộc thành phần nông dân. Trong khi dân du mục tác chiến trông thật là cuồng phong bạo vũ nhưng chỉ được lúc đầu, không có sức chịu đựng bền bỉ. Lý tất thắng là thế, chỉ còn chờ thêm cái thế thắng nữa thôi.
*
**
Đạo nông nghiệp, văn hóa nông nghiệp nay đứng trước sự thách đố của văn minh Âu Mỹ và cái đạo công thương nghiệp với tinh thần cạnh tranh bất cố nhân nghĩa thì sao?
Vấn đề đặt ra là:
Đừng để đạo công thương nghiệp phá hoại nền móng văn hóa nông nghiệp và cái đạo nông nghiệp bằng sự phủ nhận hoàn toàn giá trị cũng như ý nghĩa. Nhưng ngược lại, không nên độc tôn văn hóa nông nghiệp mà bài xích mọi giá trị cũng như ý nghĩa cần thiết của công thương nghiệp. Hãy tận lực mà học cho kỹ phương pháp tính và tổ chức tính của văn hóa công thương nghiệp để có thể khai thác tối đa những khả năng vật chất cho sinh hoạt.
Đa số khi nói đến ruộng đất thường nghĩ ngay đến danh từ lạc hậu, khi nói đến nhà máy kỹ nghệ thường nghĩ đến danh từ tiến bộ. Sự thực lạc hậu hay tiến bộ không quá đơn sơ sốc nổi như vậy. Ở văn minh công thương nghiệp tiến bộ, người ta tìm thấy nào khoa học, số học và “logique học” rồi đến vật lượng, lực lượng và tốc xuất. Nhưng quả tình là người ta không sao tìm thấy vẻ trang nghiêm trong “logique học”, âm tiết hòa trong số học và tính tình ôn hậu trong khoa học. Ở văn minh công thương nghiệp tiến bộ, sinh mệnh bị vật lượng, lực lượng và tốc xuất chèn ép đến nỗi ngộp thở. Quay cuồng vào cơn lốc sản xuất thật nhiều, tiêu thụ thật nhiều, sản xuất thật nhanh, tiêu thụ thật nhanh. Lẽ ra vật lượng phải làm cho sinh mệnh sung túc thảnh thơi trái lại vật lượng quay cuồng vào cơn lốc kia lại làm cho sinh mệnh dễ lâm vào khủng hoảng và luôn luôn khẩn trương. Sau một thế kỷ say văn minh, các kinh tế gia, triết gia và trí giả bây giờ đang phản tỉnh để đặt lại toàn bộ mọi vấn đề, hết cả tin tưởng lạc quan như trước đây. Họ cảm thấy nỗi lo âu (angoisse), họ chán ngấy sự vội vã và mong mỏi được có những phút thảnh thơi, ninh tĩnh.
“Logique học” của văn hóa công thương nghiệp đang cần có cái lý “dị giản” của văn hóa nông nghiệp để cho nó được trang nghiêm, để nó tự giảm bớt sự quá chuyên chú vào việc theo đuổi vật chất mà quay về với việc di dưỡng và tác nhân.
Toán số học của văn hóa công thương nghiệp đang cần có con tim của đạo nhân, của văn hóa nông nghiệp để nó thành âm tiết (điều độ nhịp nhàng cho con người trở lại cùng tâm linh và tình cảm).
Khoa học của văn hóa công thương nghiệp đang cần cái đạo trung thứ của văn hóa nông nghiệp để cho đời sống có tính tình ôn hậu.
Chính trị học của văn hóa công thương nghiệp đang cần triết lý được lòng người thì thắng, mất lòng người thì bại, không lấy người làm đối tượng thù hận để cho chính trị bớt tàn nhẫn.
Những danh từ “lạc hậu, chậm tiến” chỉ nhằm mục đích gây mặc cảm nhiều hơn là đánh giá thực trạng một cách tuyệt đối khách quan, rơi vào mặc cảm đó tức là rơi vào bẫy.
Theo sử gia Oswald Spengler: “Mỗi nền văn hóa đều có riêng văn minh của nó”. Vậy thì nếu phải cần một biến đổi nào thì chỉ là sự thích ứng với thời đại thôi.
Cuối thế kỷ 19, nước Việt thua Pháp trước sức hùng mạnh của máy móc, súng ống tối tân. Tuy nhiên, cái thua đó giống như thành Rome xưa kia đã bị đàn voi của Hannibal dầy xéo. Rome thua chẳng phải vì voi là một sức mạnh không có gì chống lại được mà là tại người thành Rome đã không hề có một quan niệm rõ rệt nào để chống lại sự bất ngờ này. Chỉ có thế thôi.
*
**


LỊCH SỬ VÀ CHÍNH TRỊ


Việc muôn năm trước lắm người đương
Việc muôn năm sau nhiều kẻ nối
Non sống không thiếu khách trì trương
Vận mệnh phần tay ai giềng mối
Thái Địch



Tư tưởng chính trị không thể hoàn toàn độc lập với thực tiễn cũng như không hoàn toàn là một tên nô lệ cho thực tiễn, vậy thì hành động chính trị phải gắn liền với thực tiễn nhưng tuyệt đối không chỉ là tay sai của thực tiễn.
Làm sao có thể cứ nhất định muốn xây dựng một chế độ mà chẳng thèm ngó ngàng đến những điều kiện khách quan của một vị thế, của một thời đại nói chung là toàn bộ một thực tiễn trước mắt. Tuy nhiên, nếu chịu bó tay qui hàng thực tiễn thì chính trị tất sẽ mất luôn sinh mệnh.
Hãy dấn thân vào trong cuộc và hãy chọn cái đạo trung dung, vừa “thời trung” là nhận thức chính xác thực tiễn lại vừa “doãn chấp quyết trung” là chấp nhận thựa tiễn để biến thực tiễn thành có lợi cho cuộc đấu tranh. (C’est dans la zone intermédiaire que se développe la pensée politique qui exprime à la fois le conditionnement et la liberté de la réflexion humaine- Raymond Aron).
Mỗi hoàn cảnh đều dành ra một khoảng trống cho sự chọn lựa và khoảng trống đó rất hạn chế. (Une situation laise toujours une marge de choix et la marge n’est jamais illimitée). Hạn chế bởi những yếu tố khách quan.
Ngô Thời Nhiệm trả lời Đặng Trần Thường rằng: “Gặp thời thế thế thời phải thế”. Một câu ấy là đủ để nói rõ mối liên hệ giữa lịch sử và chính trị.
Lịch sử là một cuộc đối thoại bất tận giữa quá khứ và hiện tại. Hiện tại, chính trị còn gọi là thời thế đúng như cái nghĩa thời thế thế thời phải thế. Thời thế như Tibor Mende viết: “Ce monde n’était plus le mème que celui où ils étaient nés, un autre avait pris sa place”. (Thế giới này không còn là thế giới của lúc họ mới sinh ra, một thế giới khác đã thay nó rồi). Thời thế chẳng những phải hiểu là hiện tại sự thực mà còn cần được nhìn vào vị lai biến hóa nữa.
Thời thế như kinh Hoa Nghiêm nói là “cái võng cảnh Đà La” trùng trùng điệp điệp mỗi loại sự vật trên thực tế có một cái thế, rồi tất cả họp lại thành một đại thế.
Sách “Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa” mở đầu bằng câu: “Phù đại thế trong thiên hạ” ngụ ý chỉ trạng huống của thế giới thực tế trong một thời nào đó.
Thời Nghiêu Thuấn thì ấp nhượng, chắp tay lại nhường ngôi cho nhau, nhưng thời Thang Vũ lại vũ trang chu diệt để lật đổ một triều chính.
Bởi vậy tư tưởng chính trị cần linh hoạt như Trình Minh Đạo nói:
Tâm thông thiên địa hữu hình ngoại
Tư nhập phong vân biến thái trung
Chính trị cũng như gió như mây thươòng trực biến thái, nếu tư mà không nhìn thấy những biến thái đó thì làm sao hành động cho đúng.
Dịch Kinh viết: “Dữ thời giai hành” (đi kịp với mọi biến chuyển của thời)
Vận mệnh phần tay ai giềng mối có nghĩa là nắm được giềng mối của vận động lịch sử. Muốn nắm được giềng mối ấy thì phải biết cái thế chính trị thời đại.
Triết lý về “thế” thật rất thâm ảo, bao la quán triệt. Người ta nói: “Thế nó phi như vậy”, lý cố nhiên là như thế, thế đấy, cái thế của tôi rất khó và còn rất nhiều câu có liên quan đến chữ thế nữa, thật khó lòng mà tìm thấy ngôn ngữ của dân tộc nào lại quan tâm đến vấn đề thế như dân tộc Việt.
Có lý cũng không bằng có thế, mặc dầu lý với thế vẫn phải đi đôi với nhau. Có lý rồi đấy nhưng sự vật trên thực tế chưa chắc đã có, phải đợi đến lúc có cả thế nữa rồi sự vật mới sản sinh. Tỉ dụ: cái lý của chiếc máy bay người ta đã nghĩ đến từ lâu rồi, tuy nhiên, cả bao năm phi cơ mới được thực hiện nhờ cái thế kết hợp bởi chất kim khí nhẹ để làm thân phi cơ, nhờ nhiên liệu mới khám phá ra máy nổ v.v… Rồi khi đã hội đủ khí thế thì ngành hàng không phát triển thật mau chóng từ cánh quạt sang phản lực, từ bé nhỏ chở chừng vài trăm ký sang đến cả trăm tấn. Tỉ dụ: Kháng chiến Algérie đánh Pháp trải nhiều lần thất bại phải chờ đến lúc Ai Cập có cách mạng và Pháp thất trận ở Đông Dương cộng với phong trào giải phóng thuộc địa trên thế giới, lại nhờ vào Đông Dương còn tiếp tục chìm ngập thêm một cuộc chiến tranh khác, nên Algérie từ giành độc lập chuyển rất nhanh sang một trung tâm hội nghị của các quốc gia chống đế quốc và không liên kết.
Hegel bảo: “Tất cả những gì tồn tại được đều phải hợp lý”. Câu này có thể nói thêm rằng: “Tất cả những gì tồn tại được không những phải hợp lý mà còn phải hợp thế, chỉ hợp lý mà không hợp thế thì khó lòng tồn tại”.
Trên thế gian này có biết bao nhiêu loại xã hội, mỗi xã hội đều mang cái lý của nó. Nếu nói phần lý không thôi thì lý bất quá chỉ là lý, trên thực tế nó chưa đủ những yếu tố cần thiết để tồn tại, nó còn cần được gắn liền hoặc liên quan đến một cái thế nữa mới xong. Chế độ của Fidel Castro chỉ có thể tồn tại cô đơn ở Châu Mỹ La Tinh nhờ cái thế sống chung hòa bình Nga-Mỹ. Ngày nào cái thế sống chung chấm dứt tất chế độ xã hội hiện tại của Cuba sẽ phải biến thành một chế độ xã hội khác cho hợp với thế mới. Chế độ Allendé tại Chí Lợi đã chuyển vào thế khác kể từ sau cuộoc thử thách thành công của phe “Peronist” tại Á Căn Đình khi người ta không còn lo sợ những biến đổi ở Chí Lợi có thể làm tình hình ở Á Căn Đình ung thối luôn, khi người ta tin chắc chế độ Péron đã có khả năng giữ vững Á Căn Dình không để lợi thế rơi vào tay tả phái.
Lão Tử nói: “Vi giả bại chi, chấp giả thất chi”. Câu này nghĩa rộng của nó là: Một cái thế chưa đến chỉ dựa vào nguyện vọng của một số người để cầu thực hiện một sự vật tất bất năng thành công, tức là vi giả bại chi. Thế đã đi, thế đã mất, chỉ dựa vào nguyện vọng của một số người để mong ngăn không cho một sự vật tiêu diệt thì cách gì mà ngăn nổi, tức là chấp giả thất bại.
Việc làm của Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi cùng việc Cần Vươnh của đám văn thân khả dĩ gọi là “chấp” vì muốn xây dựng lại những gì mà cái thế đã hoàn toàn mất. Cũng như tài phiệt thực dân Đông Dương năm 1945 muốn Đông Dương lại trở về chế độ thuộc địa cũ.
Việc làm của Nguyễn Thái Học trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái và việc làm của Nguyễn An Ninh khả dĩ gọi là vi giả bại vì lẽ thế chưa đến. Trước sau chỉ là một hành động yêu nước anh hùng, lý thì thừa mà thế không đủ.
Xã hội hảo hay hoại đều tồn tại bằng lý và bằng thế của nó. Nếu chưa thay đổi được cái thế thì dù trên lý và trên thực tế nó là hoại rồi đấy nhưng nó vẫn tồn tại. Ấy hễ mà thế biến thì chỉ sớm chiều là thay.
Trang Tử nói: “Phù thủy hành mạc như dụng châu nhi lục hành mạc như dụng xa, dĩ châu chi khả hành ư thủy dã, nhi cầu suy chi ư lục tắc một thế bất hành”, nghĩa là: Đi dưới nước không gì hơn thuyền, đi trên bộ không gì hơn xe, nay mang thuyền lên trên bộ mà kéo thì nó chẳng đi. Thế cũng ví như trên bộ hay dưới nước đối với thuyền hay xe vậy. Không có thế tất nhiên bất thành. Thế ở đâu mà tới? Ở hoạt động lịch sử đó.
Lịch sử là bộ phận chủ yếu để tạo thành thế. Trong lịch sử có nhiều sự việc, mỗi sự việc đều dựng nên một cái thế. Đành rằng sự việc lịch sử đã qua đi không hiện trở về nữa nhưng không tái hiện không có nghĩa là vô hữu, nó còn mang bất khả cải và mang sức ảnh hưởng lớn nữa.
Cuộc kháng chiến chống Pháp, từng chi tiết đều có dấu tích của quá vãng lịch sử kể từ Gia Long sai con là Hoàng tử Cảnh qua cầu cứu Pháp với cố Bá Đa Lộc.
Người xưa nói: “Phát tự cổ chi u tình” nghĩa là: Phát hiện những tình u uẩn của lịch sử.
Đất đỏ trời xanh, giữa một ta
Chung quanh vẫn của nước non nhà
Theo đưởng tiên mở đem chiêng xuống
Vạch lối rồng xây lấy ngọc ra
Tim óc xoay vần được tuế nguyệt
Tay chân tạo tác nổi sơn hà
Đấy ai suốt hết thần cơ nhỉ
Tảng đá đầu ghềnh chốc nở hoa
Phát hiện những tình u uẩn của lịch sử để làm gì? Để hoàn thành sứ mạng: “Thừa bách đại chi lưu nhi hội hồ đương kim chi biến” (Thừa kế việc của trăm đời để mà đương đầu với cái biến trước mắt).
*
**
Lịch sử và cái thế chính trị hiện tại thế nào?
Chúng ta hãy mở lại những bản đồ của tổ tiên, của cận đại và của hiện đại để mà tìm câu trả lời.
Trước hết nó bắt đầu bằng cuộc cách mạng công nghiệp (révolution industrielle) tại Âu Châu. Với cơ khí và phương pháp tổ chức các lực lượng sản xuất, người Tây Âu một giờ làm việc sản xuất gấp 20 lần một giờ làm việc của người Nga, người Ấn, người Trung Hoa. Nhờ thế, dân Tây Âu đã có đủ số thời gian nhàn rỗi để thực hiện ít nhiều tự do chính trị. Sức máy và sản xuất càng mạnh lên, Tây Âu phát triển thế lực ra bên ngoài, ban đầu là các quốc gia lân cận rồi lan đi khắp thế giới. Từ đời Louis 13 (1643) đến trận đánh Trafalgar (1803), dân số Âu Châu chỉ tăng thêm 60 triệu thêm vào 100 triệu đã có. Nhưng từ ngày Robert Fulton thí nghiệm máy hơi nước lần đầu tiên trên sông Seine đến khi anh em nhà Wright thử máy bay (1903) thì dân số Âu Châu được tăng vọt gấp ba lần hơn 400 triệu. Trong khi dân số Á Châu tuy vẫn nhiều gấp đôi dân số Âu Châu nhưng vì không có những phương tiện kỹ thuật để cải tiến kinh tế nên Á Châu trở thành mồi ngon nguyên liệu cho kỹ nghệ Âu Châu. Kỹ thuật mới lúc chiến tranh “Napoléon” chấm dứt chỉ mới phồn thịnh ở Anh Quốc, tiếp tới nó truyền vào lục địa thay đổi Đức Quốc, Bắc Âu lần lần tới biên giới Nga và qua Bắc Mỹ Châu, âm vang của nó còn khuấy động cả Nhật Bản nữa.
Nguyên liệu mỗi ngày mỗi thiếu, xâm lược và thực dân địa là những gì kỹ thuật mới đòi hỏi phải cung cấp cho nó. Thế là Phi Châu vỏn vẹn trong thời gian 20 năm của cuối thế kỷ 19 bị người da trắng chia nhau cắt từng miếng như chiếc bánh ngày sinh nhật. Sau đấy là Á Châu, việc Nhật dễ dàng đánh bại Trung Hoa (1894) đã ngậy lên mùi xác chết lôi kéo lũ kên kên ào ào vào đây đòi quyền đoạt lợi, tác oai tác phúc. Người da trắng là vua của trái đất khi thế giới chuyển vào thế kỷ 20 (Le sìecle approchait de son terme et l’homme blance était toi - Tibor Mende). Họ bàn bạc và chia chác với nhau cả trái đất. Anh Quốc cai trị đất đai rộng gấp 140 lần chính quốc. Bỉ Quốc cai trị vùng đất lớn gấp 80 lần nước Bỉ. Đế quốc Hòa Lan cai trị khu vực to gấp 60 lần nước Hòa Lan. Lá cờ Bồ Đào Nha cắm trên vùng đất rộng gấp 20 lần so với chính quốc. Tổng cộng cả Anh, Pháp, Nga của triều đại quân chủ Tsar chiếm hết quá nửa hoàn cầu. Dân bản xứ bị đạp dẹp dưới gót giày đế quốoc, nhất là Anh Quốc với thái độ cao ngạo khinh rẻ bậc nhất, đến nỗi chính báo chí Âu Châu còn phải lêu lên: “L’arrogance et la mauvaise foi des Anglais l’ont rendu intolérable à tous” (Trích “Liberté” ngày 3-11-1899).
Nhưng sự lạ kỳ về mức lớn mạnh do kỹ nghệ thúc đẩy phải dành cho Hợp Chủng Quốc. Trong vòng non một thế kỷ, dân số Hợp Chủng Quốc vọt lên từ 4 triệu đến 76 triệu vào đầu thế kỷ 20. Kỹ nghệ có sức mạnh như hơi nổ, ồ ạt một cách rất Mỹ.Thành thị mọc lên như nấm làm mất hẳn bộ mặt chủ nghiệp trước đây lúc mới di dân khiến cho Hợp Chủng Quốc rất nhanh chóng bước lên hàng đầu thế giới về mặt kỹ nghệ và đứng vào hạng cường quốc bậc nhất bỏ lại đàng sau đế quốc to lớn Tây Ban Nha vốn là quốc gia khai thác châu Mỹ trước tiên. Tuy nhiên, Hợp Chủng Quốc vẫn chưa tranh được ngôi bá chủ của Âu Châu. Năm 1890, nông phẩm Mỹ mới có 3% và dụng cụ chế tạo Mỹ mới có 6% đem xuất cảng.
Ở Âu Châu, nội bộ đế quốc bắt đầu bất ổn. Nước Anh dầu vẫn mạnh nhất nhưng có nhiều nước khác trên đà phát triển đe dọa ngôi tôn ấy. Đức Quốc do chính sách sắt máu của Bismarck đã thống nhất, thêm với hệ thống đường sắt nối liền các quốc gia châu Âu thành ra mối lo ngại của Anh, Pháp. Xa hơn nữa về phía Đông, dưới sự điều khiển của nội các Witte, Nga Quốc khởi sự áp dụng kỹ thuật vào kinh tế, thứ kỹ thuật từng đưa Tây Âu nắm bá quyền thế giới. Báo chí Anh tỏ vẻ lo ngại sự bành trướng của Nga sang Á Châu. Tuy nhiên, Tây Âu vẫn còn là trọng tâm của sinh hoạt kinh tế và chính trị. Pháp quốc sản xuất 1,7 tiệu tấn thép, Anh quốc sản xuất hơn 5 triệu tấn, Đức quốc riêng nhà máy Krupp sản xuất 7,3 triệu tấn. Cách ít lâu sau, Mỹ quốc sản xuất 13,4 triệu tấn. Rõ ràng trong tương lai, Mỹ sẽ là quốc gia khổng lồ có nhiều triển vọng nhất. Nhưng khả năng kỹ thuật, khả năng nắm quyền kiểm soát nhiên liệu và khả năng thương trường Anh-Pháp vẫn dẫn đầu. Năm 1900, tỷ lệ xuất cảng Anh cho mỗi đầu người là 7 đồng liu (livres), Pháp 4 đồng liu, Đức hơn 3 đồng liu, Mỹ chỉ mới 3 đồng liu thôi. Hàng Anh còn là hàng tốt nhất. Anh bán ra ngoài nước một số máy móc nhiều gấp hai lần rưỡi Pháp. Mỹ gần ngang với Anh về xuất cảng cơ khí nhưng về thương thuyền thì Anh lại vượt trội hơn tất cả bằng 10 triệu tấn trọng tải của thuyền bè được ghi nhận chính thức so với 2 triệu của Đức, 1 triệu của Pháp. Mỹ thì chưa có gì. Việc chuyên chở trên hoàn cầu gần như ở trong tay Anh quốc bao thầu hết. Gia súc, lúa mạch Á Căn Đình, bông của Ai Cập, mía của Java đều theo tàu Anh sang Âu Châu. Tập đoàn tài chính Âu Châu nắm giữ mọi then chốt thương mại quốc tế. Họ muốn bóp chết khu vực nào tất khu vực ấy phải chết. Tất cả để phụng sự người da trắng, từng giải đất rộng mênh mông chịu đói, chịu khổ, chịu chết bệnh tật để cho Âu Châu phồn thịnh huy hoàng. Nơi nào nổi dậy chống cự, khối da trắng liền cấu kết với nhau dập tắt ngay. Tỉ dụ: vụ Nghĩa Hòa Đoàn bên Trung Hoa giết vài người Âu ở Bắc Kinh. Lập tức các nước Âu họp lại tiến hành tức khắc một cuộc hành quân trừng phạt mà báo Times của Anh thời đó đã viết như sau: “Trong những điều kiện hiện thời, đường lối của chúng ta phải thật rõ ràng. Dĩ nhiên chúng ta không trừng trị bọn tiểu lại để cho chúng biết sự khủng bố của người Âu ghê gớm như thế nào mà hãy lôi mấy tên to đầu ra hỏi tội, in vết tích khủng bố lên đầu chúng để cho cả nước Trung Hoa biết từ nay chẳng có thứ quyền hành nào của nước họ có thể cứu họ khỏi bị trừng phạt một khi họ dám hỗn hào với người Âu Châu”.
Những việc làm tương tự được nhà văn Ruyard Kipling xưng tụng là: “Sứ mạng khó nhọc của người da trắng” (The white men ‘Suzanna burden). Phần người dân Anh, toàn thể đều mang niềm tự hào: “Thật là hạnh phúc cho chúng ta được sinh ra làm con dân Anh quốc” (Quel bonheur pour nous d’être nés sous l’égide de ce nom).
Tóm lại, lịch sử cận đại của nhân loại là lịch sử của Âu Châu phát triển làm cho thương nghiệp càng phồn thịnh. Âu Châu trở nên quá bé nhỏ với sự phồn thịnh ấy tất nhiên thế lực của nó phải tràn ra ngoài xâm chiếm các thị trường mới ở Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu kiến lập nên những thực dân địa ở khắp nơi trên thế giới. Âu Châu hoàn toàn làm chủ tể sinh hoạt thế giới được non một thế kỷ. Thời kỳ này được các nhà văn, nhà báo Pháp mệnh danh là “Thời Vàng Son”. Các cơ sở tài chính của Anh Pháp chỉ hơi rức đầu thôi cũng đủ làm cả thế giới hỗn loạn.

*
**
Thời vàng son không kéo dài bất tận. Thủ tướng Bulow của Đức điều trần trước Quốc Hội có nhắc đến một tình thế mới mẻ đang hiện lên: “Anh em trong gia đình Tây phươong không còn thuận hòa được với nhau nữa” (Les membres de la famille occidentalle commencait à plus s’entendre entre eux).
Đây là một lời cảnh cáo cho biết bão tố sắp nổi dậy. Sự bành trướng thế lực thuộc địa không còn thênh thang nữa thì cuộc đấu tranh giành quyền ảnh hưởng bắt đầu xảy ra giữa các cường quốc Âu Châu, nó âm ỉ tự sắp xếp thành chiến tuyến. Chẳng những chỉ có xung đột giữa các nước mà còn có cả xung đột nội bộ.
Tháng 8 năm 1914, thế chiến thứ nhất bùng nổ tạo ra mấy biến động lớn:
a) Chấm dứt độc quyền bá chủ của Âu Châu đưa Hoa Kỳ lên ngôi minh chủ.
b) Cuộc cách mạng xã hội thành hình tại Nga năm 1917.
c) Một đế quốc Á Châu xuất hiện: Nhật Bản.
Thế chiến thứ hai chấm dứt, Âu Châu chỉ còn là hình hài của một lão già trác táng ốm yếu. Mỹ quốc thừa kế hết vinh quang của Âu Châu lúc trước. Nga Sô viết đứng vai trò lãnh đạo của đám quần chúng bất mãn trên toàn thế giới.
Ở kinh tế có một luật tắc áp dụng cho cả anh bán hàng xén lẫn quốc gia đó là nếu tiêu thụ nhiều, sản xuất ít, ăn quá số tiền kiếm ra ắt hẳn lụn bại.
Bằng hai trận chiến tổng cộng kéo dài hơn mười năm tốn phí, tàn hoại, các quốc gia Âu Châu cơ hồ kiệt quệ. Sau đệ nhị thế chiến, Âu Châu chi nhiều hơn thu, ngân quỹ đầy những lỗ hổng rất lớn. Trước kia oai hách bây giờ phải vượt Đại Tây Dương ăn mày đô la mong che lấp tình cảnh bệ rạc. Họ như kẻ tàn phế khập khễnh chống vào đôi nạng viện trợ Mỹ. Trong khi kỹ nghệ Hợp Chủng Quốc phát triển thật sấm sét, khoảng năm 1950, theo thống kê, tỷ lệ cứ một người sống ở thôn quê thì phải có hai người sống ở thành thị. Chiến tranh đã làm lực lượng sản xuất kỹ nghệ và mức sống của Hoa Kỳ vọt lên như tên bắn, mức sống của dân Mỹ cao nhất thế giới. Với sức mạnh của Samson, Hoa Kỳ có thể dễ dàng gây khủng hoảng kinh tế cho toàn trái đất bất cứ lúc nào.
Taạihội nghị Yalta, Staline đã nói với tổnt thống Hoa Kỳ Rooveselt: “Dù Hiệp Chủng Quốc có muốn hay không, họ bây giờ là một đại cường quốc của thế giới, họ phải chấp nhận trách nhiệm chính trị trên cái cỡ thế giới của họ. Nếu không có họ can thiệp vào hai cuộc thế chiến thì có lẽ Đức không thua. Nói trắng ra, lịch sử trong vòng 30 năm trở lại đây, nước Mỹ đã vượt xa các nước khác để làm quen với thế cường quốc thế giới của mình”.
Câu nói ấy nay đã trở thành một sự thật hiển nhiên. Với 200 triệu so với gần 3 tỷ con người trên trái đất, dân số Mỹ chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng Mỹ đã có một sức mạnh trên mọi lãnh vực, thứ nhất là kinh tế và quân sự. Đô la Mỹ là một thứ quyền lực tại bất cứ đâu. Quân đội Mỹ có mặt ở nhiều nơi, với không lực mạnh nhất. hạm đội thứ 7 của Mỹ làm bá chủ toàn vùng biển Thái Bình Dương và hạm đội 6 vô địch ở Địa Trung Hải.
Chẳng khác chi một phép lạ, suốt cả thế kỷ 19 tư bản Âu Châu đổ vào đầu tư ở Bắc Mỹ để mở mang xứ này. Bước sang thế kỷ 20, với hai trận thế chiến, tình hình đảo ngược hẳn, thứ nhất là sau trận thế chiến thứ hai, vốn Mỹ tràn ngập khắp thế giới. Kinh tế của Mỹ ở hải ngoại kiểm soát gần hết những ngành kỹ nghệ quan trọng, chẳng thế mà tháng 10-1966 đại hội đảng Tự Do của Gia Nã Đại đã phải hô hào: “Chúng ta phải làm gì để ngăn cản sự kiểm soát của Hoa Kỳ?” Lúc ấy, một nửa kỹ nghệ và hơn nữa tài nguyên quặng mỏ Gia Nã Đại đang nằm trong tay người Mỹ.
Tháng 6 năm 1066, ông Geoge C. Mc. Ghee, đại sứ Mỹ ở Tây Đức phải làm bản nhận định chống lại những lời phản kháng của chính khách và phần tử trí thức Tây Đức cho rằng sự đầu tư của vốn Mỹ là một mối đe dọa cho nền độc lập kinh tế Đức. Rồi đến Bỉ, Pháp và Anh, đâu đâu cũng kêu ca lo sợ vì vốn Mỹ đầu tư, bằng cùng một luận điệu e ngại cho chủ quyền quốc gia hoặc cho rằng Mỹ chỉ biết thủ lợi không cần biết đến chính trị.
Tại nước Anh, rất nhiều nhà máy sản xuất xe hơi đã sát nhập vào những hãng Mỹ khiến cho công nhân phẫn nộ. Một người Thụy Sĩ giàu có với rất nhiều cổ phần trong các hãng Mỹ đã nói rằng: “Chỉ trong vòng mươi năm mà nhóm áp phe Mỹ đã chiếm hết tài nguyên Âu Châu”.
Tác giả cuốn sách “L’ Amérique impériale”, ông Armaury de Riencourt viết: “Le fait est que l’expansion monde est irrésistible”. (Sự thực là sự bành trướng thế lực kinh tế của Mỹ trên thế giới không có gì chống lại nổi).
Từ năm 1960, số vốn đầu tư Mỹ ra ngoài chừng 30 tỷ đô la, đến năm 1965 số tiền ấy tăng lên 106 tỷ, ấy mới chỉ là con số có ghi chính thức còn những con số đi đường ngang ngõ tắt chưa kể loại và sau này cũng nhiều khủng khiếp. Mọi trung tâm quyết định kinh tế của thế giới tự do bằng cửa này hay cửa khác, đều chuyển về Hoa Kỳ. Một nửa số xe hơi sản xuất ở Âu Châu do vốn Mỹ, phần ba kỹ nghệ dầu hỏa Anh quốc và thị trường chung Âu Châu nằm trong tay Hoa Kỳ. Hàng chục ngành khác như vỏ ruột xe, dao cạo, máy khâu, hóa chất v.v… do tư bản Mỹ điều khiển.
Dù tức giận vì tự ái quốc gia bị thương tổn nhưng các tay tư bản Âu Châu vẫn phải luôn luôn xin Mỹ tiếp tay, kinh tế vẫn theo quy luật khách quan mà!
Ngày 17 tháng 1 năm 1967, bộ trưởng bộ thực nghiệp Anh Anthony Wedgood Benn ,báo cho Hạ viện biết rằng vấn đề hãng Rootes Motors (sản xuất xe hơi) lâm vào tình trạng bế tắc không giải quyết được và sự bế tắc này do lỗi chương trình khắc khổ của chính phủ Anh. Ông cũng cho hay chính phủ bảo thủ trước đây đã trói tay chính phủ lao động kế tiếp bằng việc đã để cho hãng Chrysler của Mỹ bỏ vốn một phần vào hãng Rootes. Việc ấy đưa đến chỗ cả hai hãng phải tổ hợp với nhau trên những lãnh vực quan trọng: quản trị thị trường và làm cho hãng Rootes không trí thức hể tổ hợp với các công ty khác của Anh.
Các dân biểu đưa ý kiến: Chính phủ Anh sẽ mua lại những gì mà Chrysler đã mua của Rootes.
Bộ trưởng Benn đáp: “Nay đã muộn quá rồi, các kế hoạch của Rootes phát triển hiện giờ hoàn toàn tùy thuộc vào thỏa hiệp năm 1965 về trao đổi thực nghiệp với hãng Chrysler.Chrysler tuy chỉ có một phần hùn nhỏ nhưng họ đã nắm trọn quyền tài chính to tát. Chính phủ Anh không thể ngăn cản sự thắng lợi đã quá rõ rệt của Chrysler”.
Cuối năm ấy, báo Sunday Telegraph, khi viết về hãng Rootes đã kết luận: “Hãng Rootes trở lại hoạt động mạnh sau khi qua sự giải phẫu của Mỹ”.
Bá quyền kinh tế Mỹ làm cho Hoa Kỳ phải can thiệp vào nội chính của nhiều quốc gia. Chỉ có lục trong hồ sơ ngoại giao mới khả dĩ kể hết được những vụ can thiệp ấy, sách vở hay báo chí mới chỉ ghi được phần nào thôi.
Đế quốc Mỹ là đế quốc lớn nhất lịch sử từ ngàn xưa đến nay, nó bao la không ranh giới, khác hẳn với đế quốc Anh, Pháp trước thế lực rất hạn chế với từng khu vực, từng lãnh thổ. Còn đế quốc Mỹ, thế lực lan tràn suốt Tây Âu, Phi Châu, Á Châu, Trung Đông và Nam Mỹ Châu, Úc Châu. Đi bên cạnh đế quốc, kinh tế, chính trị là một đế quốc quân sự (empire militaire) đã khiến cho Mỹ mạnh hơn bao giờ hết so với tất cả các đế quốc đã có trong lịch sử. Một quốc gia có thể cho đến phút này hạn chế được sự xâm nhập của đế quốc kinh tế Mỹ nhưng vẫn không thể thoát được chuyện phụ thuộc vào kho vũ khí của đế quốc quân sự Mỹ. Bởi vậy, khi nói đến Mỹ, người ta không thể quên mặt đế quốc quân sự của nó.
Ngót 1/4 thế kỷ, Mỹ quốc đã hoàn thành một đế quốc quân sự và kinh tế, và đang có tham vọng tiến đến một đế quốc văn hóa (empire culturel). Ngày xưa khi tổng thống Monroe lên diễn đàn nói câu lịch sử: “Xin đừng đụng đến nước Mỹ” (Ne touchez plus l’Amérique) để thiết lập chủ nghĩa cô lập thì ngày nay lời nói bất hủ ấy lại mang ý nghĩa khác “Chớ có đụng đến nước Mỹ” để chứng tỏ sức mạnh đế quốc.
*
**
Liên bang Sô viết Nga bằng một hệ thống kinh tế và xã hội riêng biệt, đã lần từng bước để leo lên hàng lãnh đạo những nước sinh sau đẻ muộn vào thế giới kỹ nghệ.
Cuối thế kỷ 19, đế quốc Nga hãy còn xác xơ chẳng hơn Ấn Độ bao nhiêu về mặt kỹ nghệ. Vài hầm mỏ để tìm các loại kim quí như vàng ngọc hay mặt đá chứ chưa phải để lấy nguyên liệu cho kỹ nghệ. Chuyên chở còn cổ lỗ, mức sống rất thấp.
Năm 1903, sức mạnh máy móc Nga chỉ bằng 1/8 của Đức, 1/15 của Anh hay Mỹ. Trái lại, Nga đứng đầu nhiều nước về xuất cảng ngũ cốc với sức cáng đáng một phần ba hay hơn nữa tổng số nhập cảng thực phẩm của Tây Âu. Nga phải nhập cảng tất cả các sản phẩm kỹ nghệ. Một vài kỹ nghệ tiêu thụ nhẹ như dệt vải đã được thiết lập nhưng đều do vốn ngoại quốc cai quản. Trước năm 1914, Anh, Pháp, Đức nắm giữ quá nửa số ngân hàng mở tại Nga.
Bốn mươi năm sau, Nga nhảy lên địa vị cường quốc kỹ nghệ lớn bậc nhì. Số sản xuất thép ngang của Anh Đức cộng lại. Tuy nhiên, vẫn chỉ bằng một phần ba của Mỹ. Số sản xuất than nhiều hơn Anh Pháp Bỉ cộng lại, tuy nhiên vẫn chỉ bằng một nửa của Mỹ. Số sản xuất điện lực vượt xa của Anh Pháp cộng lại, tuy nhiên vẫn chỉ bằng một phần tư của Mỹ.
Cùng một lúc với phát triển kinh tế, Nga cho gấp rút xây dựng một nền kỹ nghệ chiến tranh vĩ đại. Với thời gian 30 năm Nga đã có thể cung ứng đầy đủ cho một trong những bộ máy chiến tranh lớn nhất hoàn vũ và xây dựng một hạm đội tiềm thủy đĩnh lớn gấp mười lần của Đức trước đây.
Nhà văn Fénélon, trong bức thư gửi cho Louis 14, có nói: “Bất cứ quốc gia nào lớn lên quá độ đều có một chính sách xâm chiếm các lân bang”. Nga cũng không đi ra khỏi thông lệ này, mặc dầu văn hào Dostoievski viết:
“Cái ý nghĩa của người Nga rõ ràng là vừa Âu Châu lại vừa toàn thế giới. Là một người Nga thật sự, là một người Nga đầy đủ thì phải thấy mình là người cha của tất cả mọi người. Nêu ra chủ nghĩa Nga Tư lạp phu (Slavophilisme) để phân biệt với chủ nghĩa Tây phương (Occidentalisme) chỉ là một sự hiểu lầm giữa chúng ta cần thiết cho giai đoạn lịch sử. Với một người Nga chân thực thì Âu Châu cùng số phận của chủng tộc “Aryen” cũng quý báu như dân tộc Nga vậy. Bởi vì số mạng chúng ta là số mạng chung của nhân loại, chúng ta sẽ không thu gom bằng gươm giáo mà bằng tình huynh đệ toàn thể loài người vào làm một”.
Nước Nga đã bành trướng thế lực của mình bằng tất cả các phương thức tàn bạo của một đế quốc và giải thích chính sách của mình bằng quyền lực luận (Power interpretations).
Staline trong bàn hội nghị tay ba ở Yalta, đã tuyên bố một cách nóng nảy khi hội nghị đề cập đến vấn đề quyền bình đẳng của mọi quốc gia trong Liên Hiệp Quốc, ông nói: “Cái nước Albanie nhỏ bé ấy quyền chi mà ngang với đại cường Nga sô. Con đại bàng phải cho bọn chim nhỏ hót nhưng nó không cần phải lo ngại về việc chúng hót cái gì?”.
Ít lâu sau, ngoại trưởng Vichinsky đập bàn quát lên với chính phủ Roumanie: “Yalta hả, Yalta là tôi” và quốc gia Roumanie từ đấy rơi vào khu vực chư hầu Nga sô cùng với một số nước khác của vùng Đông Âu như Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung Gia Lợi.
Nhìn bao quát thì đế quốc Sô viết cũng lớn lao ghê gớm, nó bao trùm một đại lục chạy liền 25% đất đai hoàn cầu, kiểm soát 38% dân số và nguyên liệu và 1/3 sản lượng kỹ nghệ của thế giới.
Để kiểm soát cho được chặt chẽ ngay từ lúc đầu, Nga đã ngăn chặn khuynh hướng quốc gia bằng cách làm cho các nước chư hầu trong khối Sô viết không liên kết được với nhau, do đó, Nga khôn ngoan áp dụng phương pháp ký tay đôi khiến cho bất cứ chuyện gì của quốc gia chỉ có thể nói riêng với Nga thôi, nếu Nga không chịu là kể như hết bàn cãi.
Sở dĩ minh ước Bắc Đại Tây Dương hoàn thành năm 1949 mà mãi đến tháng Năm 1955 Nga mới hoàn thành minh ước Varsovie cũng chỉ vì Nga không muốn vội vã kiến tạo một phòng tuyến chính trị, quân sự khiến cho các nước chư hầu có thể mượn cớ mà đòi thêm quyền hạn, ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Nga. Cho nên, tất cả những hội nghị của minh ước Varsovie chỉ là chiếu lệ chứ không tích cực cho lắm. Trên thực tế, Nga vận dụng lề lối trực tiếp song phương trên hàng lãnh đạo chính trị, quân sự của hai nước, như thế Nga bao giờ cũng giữ ưu thế và vẫn nắm trọn quyền chi phối hệ thống đồng minh.
Quân đội Nga đóng trên lãnh thổ các nước thuộc khối Nga được hưởng những đặc quyền có thể đem so sánh với quân đội chiếm đóng. Về mặt kinh tế chính phủ Nga cũng được hưởng những đặc lợi đối với các nước không kém gì mẫu quốc đối với các thực dân địa.
*
**
Hai nước Nga, Nỹ nắm trọn quyền bá chủ làm cho thế giới chính trị trở thành lưỡng cực hóa (bipolarisation) và quyền lực chính trị quốc tế đi vào khuynh hướng tập trung.
Thủ đoạn để thực hiện bá quyền ấy mang những đặc điểm sau đây:
a) Ngụy trang và gian tạo
b) Ẩn nấp hành động xâm lược dưới hình thức tự vệ
c) Ẩn nấp hành động xâm lược dưới những lý do bất vụ lợi
d) Dùng những hiệp ước thân thiện cốt để ru ngủ đối phương
e) Khu vực hóa xung đột và chiến tranh
f) Khai thác mâu thuẫn nội bộ đối phương
g) Khai thác những mâu thẫun quyền lợi và mâu thuẫn chủng tộc
h) Ngầm xúi giục phe bên kia nổi dậy chống bá quyền
i) Đe dọa và khủng bố
j) Bảo vệ các nước yếu để lấy cớ thực hiện chính sách xâm lược
Một mặt thỏa thuận chia nhau khu vực ảnh hưởng nhưng một mặt Nga Mỹ vẫn dùng đủ mọi cách để bành trướng thế lực tại những nơi mà sự thỏa thuận hãy còn lờ mờ hay trên những lãnh vực còn mới mẻ.
Tác giả nhiều sách chính trị nổi tiếng, ông James Burnham, đã nói về mấy nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ như sau:
1) Hòa bình không phải và không thể là mục tiêu của chính sách đối ngoại
2) Hoàn toàn hủy bỏ cái chính sách mệnh danh là chính sách bất can thiệp vào nội bộ các nước vì chính sách đó là một chính sách rỗng tuếch. Đối phó với những vấn đề chính trị của thế giới phải áp dụng lề lối can thiệp nhanh, mạnh, đủ.
3) Hoa Kỳ phải dùng sức mạnh, sức mạnh quân sự.
Quốc tế chính trị đã lấy chiến tranh làm trung tâm thì mọi hoạt động ngoại giao phải chịu chi phối của chiến lược. Chiến lược là biểu thị quân sự cho một đường lối chính trị nào đó. Dĩ nhiên do ảnh hưởng này mà tất cả những khu vực nào đó có liên hệ đến chiến lược quân sự quốc tế là những nơi bị nhiều tranh chấp chiến lược nhất (trường hợp điển hình Việt Nam). Đôi khi, những hoạt động ngoại giao, hòa bình hoặc ký kết đồng minh ở những khu vực này chỉ còn là tính cách thủ tục thôi, vì nhu cầu chiến lược các nước lớn có thể làm đại bất chấp dư luận cũng như bất chấp pháp lý quốc tế. Nhà ngoại giao có thêm một nhiệim vụ quan trọng khác là dẫn những ông tướng và bộ đội của nước nhà đến đóng ở một quốc gia khác với sự tiếp đón vui vẻ. Nếu không thì đã có những biện pháp bạo lực như kiểu Santo Domingo hay như số phận thủ tướng Lumumba ở Congo, vụ Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc.
*
**
Quan hệ chính trị lưỡng cực kéo dài gần hai chục năm, thế giới chịu sự chi phối của hai nước siêu cường Nga Mỹ.
Sau đệ nhị chiến, mở đầu là ngũ cường sắp xếp công việc. Rồi Pháp, Trung Hoa (Dân Quốc) và Anh bị gạt ra ngoài. Chính trị quốc tế lưỡng cực hóa. Mỹ đứng đầu một khối, Nga đứng đầu một khối, mỗi khối bao gồm các nước nhỏ yếu hơn, ở cùng một đường lối chính trị. Bề ngoài của nó chỉ là sự thành lập đồng minh chẳng khác chi những hiện tượng đồng minh đã từng có trong lịch sử như liên minh chống Napoléon, hiệp ước Anti-Komintern v.v… để nhằm mục đích làm cân bằng lực lượng (diplomatie d’équilibre). Nhưng có điểm khác là liên minh với đồng minh xưa kia thường chỉ là những cam kết giúp đỡ về quân sự khi xung đột xảy ra và chỉ lúc nào chiến tranh đã thực sự bùng nổ thì những lời cam kết đó mới thi hành. Còn khối liên minh liên kết bây giờ là nhảy luôn vào cuộc tranh chấp bất kể hòa bình hay chiến tranh. Một khi hiệp ước đã ký kết là tức khắc tất cả mọi hoạt động quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội phải áp dụng theo đường lối chung của khối đồng thời tiêu diệt hết thảy những ảnh hưởng của khối kia.
Nhưng kể từ 1962 trở đi, quan hệ chính trị lưỡng cực bị đánh phá dữ dội, một là do tranh chấp Nga Mỹ phải luôn luôn muốn lấn vòng ảnh hưởng của thế lực bên này qua phía bên kia, hai là nội bộ từng khối đã có nhiều quốc gia lớn mạnh lên và muốn tránh khỏi sự lệ thuộc.
Về phía Mỹ, các đồng minh Âu Châu tìm mọi cách chống lại những quyết định của Mỹ về tiền tệ cũng như về chính trị, gay gắt đến độ tổng thống De Gaulle đã buộc trụ sở minh ước Bắc Đại Tây Dương do Mỹ làm minh chủ phải rời khỏi nước Pháp.
Ông Henry A. Kissinger đã viết như sau:
“Vào năm 1949, các quốc gia Âu Châu có hai mối lo sợ: a) Nga tấn công- b) Quân Mỹ rút đi”.
Nhưng đến những năm 60 thì ám ảnh về một cuộc tấn công của Nga đã giảm thiểu rõ rệt, ngay cả đối với vụ Nga mang quân vào Tiệp cũng không khơi lại nỗi lo sợ đó nữa. Mặt khác với 20 năm đóng quân bên Âu Châu và tham dự vào mọi kế hoạch của minh ước Bắc Đại Tây Dương, Âu Châu không còn lo Mỹ bỏ rơi Âu Châu nữa vì quyền lợi Mỹ đã mắc míu khá nhiều. Khi mới bắt đầu thành lập minh ước Bắc Đại Tây Dương, mối đe dọa chủ yếu cho hòa bình thế giới khởi từ cuộc xâm lăng của Nga qua Âu Châu. Nhưng bây giờ chính Hoa Kỳ đã chứng minh cho thấy mối đe dọa ấy có thể xảy đến tại bất cứ đâu chẳng riêng gì Âu Châu. Cho nên, quan niệm Âu Châu đối với vấn đề cũng thay đổi, họ không thấy liên quan gì đến họ nếu mối đe dọa không trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh và độc lập của xứ sở họ. Trước kia, trong những năm 50, dân Âu Châu kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ giải quyết những vấn đề Á Châu và Trung Đông để bảo vệ những quyền lợi tối thượng của Tự Do. Mỹ đã giúp họ, đồng thời cũng cho họ biết là những quyền lợi tối thượng ấy đòi hỏi họ hãy rút ra khỏi các vùng đó. Bây giờ thì tình trạng ngược hẳn lại, Âu Châu hoàn toàn làm ngơ trước lời kêu gọi của Hoa Kỳ cho một hành động chung. Người Âu Châu thấy chẳng dính dáng gì đến họ đối với các việc mà Hoa Kỳ bị khó khăn ở bên ngoài Âu Châu.
Âu Châu ngày nay đã lấy lại khá nhiều sức mạnh kinh tế, Âu Châu ngày nay tự tin vào sức mạnh khác hẳn những năm 50. Dĩ nhiên vấn đề thay đổi cơ cấu trong quan hệ quốc tế phải được đặt ra. Khi Âu Châu còn phải nhờ Hoa Kỳ bảo vệ kinh tế cũng như trên quân sự thì Âu Châu không thể không để Hoa Kỳ giữ địa vị bá chủ. Quan hệ của Âu Châu với Hoa Kỳ lúc đó là quan hệ của kẻ cầu cạnh hơn là quan hệ ngoại giao. Nhà ngoại giao Âu Châu phải gây được cảm tình cá nhân cho mình hơn là trông cậy vào thế lực quốc gia. Nay thì khác hẳn, Âu Châu đã phục hồi lại sức mạnh kinh tế thì chính trị phải biến đổi…
Về phía Nga, tất cả mọi hy vọng khối cộng sản là đồng nhất (monolithique) nay đã vỡ bét. Chuyện Tito ly khai từ năm 1948 chỉ là dấu báo hiệu hãy còn xa. Nay thì Albanie cũng lớn tiếng chửi Nga là lũ phản bội chủ nghĩa ấy mới thật là rối loạn. Việc tối quan trọng là quan hệ anh em Nga Hoa bị cắt đứt. Nó khởi sự kể từ ngày Krouthchev kế vị Staline và đề ra đường lối mới đấu tranh bảo vệ hòa bình. Đường lối này là kết quả của bức thư mà thống chế Boulganine gửi cho tổng thống Eisenhower cùng lúc với các nguyên thủ Tây phương đề nghị họp hội nghị thượng đỉnh. Trung Quốc phản kháng ra mặt đường lối mới của Krouthchev.
Tháng 9-1959, Krouthchev từ Mỹ về ghé viếng thăm Bắc Kinh. Trung Quốc nhìn ông bằng con mắt lạnh nạht và nghi ngờ. Trung Quốc đã thất vọng với người anh em Nga sô. Hội đàm giữa Mao-Krouthchev rất gay gắt. Hai bên dùng những lời lẽ không mấy đẹp để nói chuyện với nhau đến nỗi chẳng bao giờ bắt tay nhau lần nào khác nữa.
Đến Đại hội cộng sản Bucarest thì tranh chấp bước vào giai đoạn quyết liệt. Ba tuần sau đại hội, chính phủ Nga báo cho Trung Quốc biết quyết định rút các chuyên viên Nga ở Tàu về nước, thời hạn rút rất nhanh. Đồng thời 343 giao kèo, 257 kế hoạch hợp tác khoa học, kỹ thuật Trung-Nga bị hủy bỏ. Nga chấm dứt cung cấp các vật dụng quan trọng để trang bị kỹ nghệ cho Trung Quốc. Vụ này cả Nga lẫn Tàu đều giữ kín bưng. Trung Cộng cắn răng chịu Nga muốn áp dụng chính sách mà Staline trước đây trừng phạt Nam Tư để buộc Trung Cộng phải khuất phục đi theo đường lối Nga. Thật là một đòn nặng cho Trung Cộng về mặt kinh tế cũng như về mặt tìm tòi khoa học. Thứ trưởng Bạc Nhất Ba trả lời ký giả Anne Louis Strong về câu hỏi liên quan đến vụ trên với giọng buồn bã:
“Chúng tôi đang tiến hành hơn 300 kế hoạch đã mấy năm trời. Bây giờ trong một tháng tất cả đều ngưng, các chuyên viên Nga về nươcó mang theo họa đồ, dụng cụ không được gửi đến nữa. Tình trạng không khác gì người ta đã lấy hết đĩa bát trên bàn ăn”.
Ký giả Robert Guillain qua thăm Trung Cộng (1964) tả lại cảnh thê lương đó:
“Nhiều cơ xưởng chết, trông rõ rệt vết hoang phế từ lâu, phòng ăn công nhân trống huếch trống hoác. Nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng nên vắng vẻ, tám phần mười ống khói lò không thấy khói bay lên, những xây cất bỏ dỡ nửa chừng không có cửa sổ, không mái che, không sự sống”.
Các nhà lãnh đạo đỏ của Trung Quốc quyết định thà kỹ nghệ hóa chậm còn hơn van nài. Không những thế, họ còn gửi sang Nga nhiều văn thư đòi xét lại tất cả mọi thỏa ước đã ký kết giữa hai nước về việc hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và hủy bỏ luôn quan hệ mậu dịch Nga-Hoa.
Quyết định này là một đòn trả miếng khá đau cho Nga vì nó ảnh hưởng lớn đến kinh tế Tiếp Khắc và Đông Đức.
Tiến xa hơn nữa, Trung Cộng tìm mọi cách làm giảm uy thế của Nga ngay trong các nước cộng sản, thứ nhất là các nước Á Phi để mong thay thế Nga lãnh đạo hay nói khác đi là Trung Quốc cũng muốn tự mình trở thành một đế quốc nữa. Nếu đọc bài thơ mà Mao Trạch Đông làm trước khi đánh trận Trường Sa thì thấy rõ tham vọng đế quốc hiện lên rõ ràng:
Hỡi dãy núi trùng trùng điệp điệp
Cao vòi vọi và trên đỉnh đầy tuyết phủ
Ta vung kiếm lên, đứng giữa trời bao la
Chặt người ra làm ba khúc
Một khúc ta cho Âu Châu
Một khúc dành cho Mỹ
Ta giữ lại một cho Trung Quốc
Thế giới sẽ sống yên bình
Và trái đất điều hòa nơi mưa nắng
*
**
Cho đến 1914, phần lớn các nước ở Á Châu và Phi Châu đều trực tiếp hoặc gián tiếp dưới sự kiểm soát của Âu Châu. Sau đệ nhị thế chiến thì tất cả đã phá vỡ xiềng xích thuộc địa (domination coloniale). Lực lượng nào là chủ chốt cho phong trào giải phóng đó?
Năm 1950, một trong những vị lãnh tụ, ông Jawahrlal Nerhu nói: “Những nét chính của bộ mặt Á Châu ngày nay là sự phản kháng chế độ thuộc địa, sự phục sinh chủ nghĩa ái quốc, niềm hy vọng một cuộc cải cách ruộng đất, lòng nhiệt thành muốn kinh tế tiến bộ và say mê tự do. Đấu tranh giải phóng của các nước Á Phi tất nhiên là qua nhiều gian khổ vì giải phóng khỏi chế độ thuộc địa Âu Châu là một chuyện và đương đầu với những đế quốc mới là một chuyện khác. Tỉ dụ: lúc cuộc chiến Thái Bình Dương vừa bước vào giai đoạn khốc liệt, tướng Mc Arthur đã tuyên bố:
“Âu Châu bây giờ là một hệ thống chết. Nó sẽ tàn lụi rồi rơi vào quyền thống trị kinh tế và kỹ nghệ Sô viết. Những đất đai vùng Thái Bình Dương và hàng tỷ người sẽ là yếu tố quyết định lịch sử trong tương lai cả ngàn năm”. (Europe is a dying system. It is worm out and run down and will become an economic and industrial hegemony of Soviet Russia. The lands touching the Pacific with their billions of inhabitants will determine the course history in the next ten thousand years).
Nga cũng quan tâm tới Á Châu chẳng kém, vì Lénine, ngay từ khi mới ngồi vào chính quyền đã bảo các đồng chí của ông rằng: “Con đường đi tới Paris vòng qua ngả Bắc Kinh”.
Không phải chỉ có Nga và Mỹ có tham vọng tại khu vực Á Phi, ngày nay còn có thêm cả Trung Cộng và tàn dư của thế lực đế quốc Âu Châu trước đây.
Đại sứ Joseph Grew (Mỹ) thật đã rất sai lầm với nhận định: “Sau khi phá hủy được lực lượng xâm lăng Nhật, chúng ta không còn địch thủ nào ở Thái Bình Dương nữa. Nhật Bản là kẻ thù duy nhất của các dân tộc hiền hòa vùng Thái Bình Dương”.
Vì 24 năm sau, bộ trưởng Mc Namara đã nhận định trái ngược hẳn: “Mục tiêu dài hạn của cộng sản Trung Quốc là tìm cách ảnh hưởng vào các nước Á Phi và Châu Mỹ La Tinh để phá hoại hết thảy mọi thể thức tiến hóa hòa bình của các quốc gia trên con đường mở mang”.
Bây giờ thế giới cần phải phân biệt giữa sự bành trướng của cộng sản với bành trướng của Trung Quốc (expansion chinoise). Trung Quốc cũng như Nga sô 20 năm trước, đầy tham vọng và đe dọa với chính sách đòi tiêu hủy nguyên trạng để thiết lập một trật tự quốc tế mới.
Hiện tại, Mao Trạch Đông đang sửa soạn thực hiện tất cả những gì viết trong cuốn “Minh Di Đài Phỏng” của Hoàng Lê Chân (cuốn sách cổ nói về chính sách đế quốc Trung Hoa).
Năm 1958, bình luận quốc gia chính trị tiếng tăm, ông Tibor Mende viết:
- Những điều kiện cho một nước để trở thành cường quốc hiện đại gồm có:
Thứ nhất: phải có chủ quyền trên một lãnh thổ hết sức rộng lớn.
Thứ hai: phải có những tài nguyên thật lớn lao về nguyên liệu và những tay thợ lành nghề.
Thứ ba: phải có khả năng chế tạo được những vũ khí đắt tiền ghe gớm và có khả năng cung cấp những sản phẩm tiêu thụ, máy móc để tranh thủ các quốc gia nhỏ yếu hơn đứng về phe mình.
Tóm lại, một siêu cường quốc ngày nay là một nước có đủ khả năng tổng hợp sức mạnh sản xuất để giúp đỡ và gây ảnh hưởng đến thái độ của nhiều nước khác. Hiện tại chỉ có Nga và Mỹ là hội đủ những điều kiện ấy thôi.
Nhưng trong tương lai không xa, sẽ còn có nhiều nước khác có thể trở nên cường quốc với đủ những điều kiện trên (Trích “Entre la peur et l’espoir).
Mười năm sau, lời tiên đoán của Tibor Mende đã thành sự thật.
Trước tình thế mới, vị cố vấn của tòa Bạch Cung, ông Kissinger (hiện là ngoại trưởng Mỹ) đưa ra chủ trương phải chấp nhận một quan hệ đa cực cho chính trị quốc tế (multipolarité politique). Ông viết:
“La multipolarité politique nous interdit de songer à implanter partout le modèle américain. Nous devons aboir pour tâche essentielle d’éveiller la créativité d’un univers pluraliste et de fonder l’ordre international sur la multipolarité existante même si les deux super-puis-sances gardent leur supériorité écrasante en matière de force militaire” (Đa cực chính trị không cho phép chúng ta cứ giữ mãi cái chính sách đi trồng cấy chế độ chính trị theo kiểu Mỹ ở khắp nơi. Chúng ta hãy khơi dậy tính chất phong phú của sinh hoạt chính trị đa diện và xây dựng trật tự quốc tế trên nền tảng đa cực chính trị dù rằng hai siêu cường vẫn còn nắm ưu thế tuyệt đối về mặt quân sự).
Như vậy, theo Kissinger thì quan hệ quốc tế hiện thời đặt trên cái thế lưỡng cực quân sự (bipolarité militaire) và đa cực chính trị (multipolarité politique) nghĩa là về quân sự, thế giới vẫn chỉ có hai nước khỏe nhất Nga-Mỹ, về chính trị đã có thêm nhiều nước hoặc khối mạnh.
Ronald Steel, trong cuốn “Pax Americana” cũng công kích chính sách lỗi thời của những năm 1950-60 qua trường hợp tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á viết tắt theo tiếng Anh là O.T.A.S.E.
“Nó chẳng phải là một tổ chức đồng minh có cùng chung một kẻ thù, nó cũng không cùng một lý tưởng. Có thể gọi là một loại đồng minh đã lỗi thời, trong đó các hội viên lại ký kết với nhau thỏa thuận cứu đỡ nhau trong trường hợp bị tấn công. Ai tấn công? Vấn đề hết sức mơ hồ và mỗi nước giải thích theo tình thế riêng của nước đó. Theo Mỹ thì kẻ tấn công đích thị là cộng sản điều khiển bởi Mạc Tư Khoa hoặc Bắc Kinh. Nhưng với Phi Luật Tân thì kẻ thù là Cao Miên. Với Hồi Quốc kẻ thù địch là Ấn Độ. Thử hỏi ngày nào Ấn với Hồi vác quân đánh nhau, Mỹ sẽ vận động tổ chức O.T.A.S.E để cứu ai?
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, tất cả các quốc gia đều có chính sách đối ngoại trong một xã hội quốc tế. Trước kia, mỗi lục địa biệt lập với các lục địa khác và hoạt động ngoại giao thu vào từng khu vực. Sang thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20, những quyết định quan trọng lại tập trung vào mấy thủ đô lớn của mấy cường quốc.
Kisssinger kể đại lược ra 3 vấn đề về cơ cấu của quan hệ quốc tế ngày nay như dưới đây:
a) Số nước tham dự vào trật tự quốc tế nhiều lên và tính chất hoàn toàn thay đổi
b) Bởi phát triển của kỹ thuật nên ảnh hưởng ràng buộc cũng như chống đối giữa các nước tăng gia đáng sợ.
c) Phạm vi hoạt động cho những mục tiêu quốc gia mở rộng (cả về mâu thuẫn lẫn hợp tác).
“Tình trạng ngược nhau về cơ cấu nội trị đủ mở ra một hố sâu ngăn cách không cho các quốc gia có thể thỏa thuận ngay từ đầu về những mục tiêu và phương pháp hợp lý”
Cái hố sâu ấy càng trở nên nguy hiểm nếu một vài quốc gia lớn muốn mở rộng thể thức nội trị của mình nghĩa là tìm cách bắt các nước khác áp dụng khuôn mẫu thể chế (chính trị, kinh tế) giống mình. Sự kiện này chẳng những không làm ổn định tình thế mà chính nó lại là đầu mối tranh chấp gay gắt.
Vào thời đại cách mạng 1789 ở Pháp, người bênh vực cho thể chế vương quyền là Edmond Burke đã nói về tình thế lúc bấy giờ như sau:
“Tôi không thể nào nghĩ rằng chúng tôi khả dĩ hòa bình với họ, với hệ thống chính trị cuảa họ, bởi lẽ chúng tôi không chiến tranh, không thù nghịch nhau trên một mục tiêu nào mà cả chúng tôi lẫn họ muốn tranh đoạt, chúng tôi chỉ chống nhau vì tính chất hai hệ thống, hai thể chế chính đôi bên hàn toàn khác biệt”.
Lời của Burke nếu đem đối chiếu với tình thế bây giờ thì chuyện lịch sử tái diễn chẳng phải là câu nói viển vông.
Nội trị là nền tảng của ngoại giao. Chiến tranh giữa các vua chúa phong kiến dù khốc liệt đến đâu chăng nữa cũng có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nhưng chiến tranh giữa hai hệ thống, thể chế vương quyền và dân chủ tư sản thì phải một mất một còn. Ngoại giao ảnh hưởng dội lại nội trị. Không xã hội nào không ít nhiều chịu ảnh hưởng của những sinh hoạt chung quanh. Nếu để cách mạng Pháp lan rộng, đương nhiên vương quyền các quốc gia ở bên cạnh Pháp phải sụp đổ.
Tuy nhiên, lời nói của Burke chỉ đúng đối với hoàn cành lịch sử cùng thời đại mà Burke đang sống, thời ấy quan hệ quốc tế chỉ thu hẹp vào trong phạm vi Châu Âu và ngày ấy chưa có thứ vũ khí giết cả trăm ngàn người trong vài ba phút.
Còn bây giờ, khuôn khổ quan hệ gĩưa các nước mở ra khắp trái đất kể cả vùng Nam và Bắc cực, lại thêm các loại vũ khí hạt nhân thì thái độ cũng như nhận định để đặt thành chính sách đòi hỏi phải tế nhị, mềm dẻo hơn với nghiên cứu kỹ càng những yếu tố truyền thống lịch sử, giá trị xã hội, sinh hoạt và hệ thống kinh tế, hoàn cảnh chính trị để có thể tiến hành đấu tranh cho thật khôn khéo.
*
**
Gặp thời thế thế thời phải thế.

Vận động lịch sử Việt trong gần một thế kỷ qua tiến hành trong diễn biến của những cái “thế” vừa kể trên, đòi hỏi chúng ta lăn vào thực tiễn trước mắt, đồng thời cũng không bỏ quên biến hóa trong tương lại.
Tất cả mọi cái “thế” quốc tế đều phải được coi là những cần thiết để hoàn thành cuộc đấu tranh dân tộc.
Tân u hoài dám rắp tiếng thề xưa
Dội ngàn trùng muôn sóng gọi hò đưa
Chuyển giang sơn hình thế laị cho vừa
Chuyển giang sơn hình thế laị cho vừa tất phải trở lại tiếng thề xưa tức là tìm về sức mạnh dân tộc, có vậy mới có sức nắm vững vận động của tất cả mọi cái “thế” quốc tế để biến nó thành những cần thiết cho cuộc đấu tranh dân tộc, nếu không thì tất cả mọi cái thế quốc tế chỉ là những tai họa trút lên đầu.
Biến hóa trong tương lai là tiếp tục theo con đường mà cách đây một thế kỷ đã bị người Pháp cắt ngang ấy là việc mở rộng hậu phương quốc phòng, phá bỏ sự trói buộc trên vị trí địa dư, đồng thời đi tìm một sự quân bình lực lượng để đối phó phương Bắc, ấy là bắt tay một cường quốc đại dương mà chống với đe dọa từ đại lục.




- HẾT -




SÁCH THAM KHẢO


Regards sur L’hisroire de demain Tibor Mende
Entre la peur et l’espoir Tibor Mende
L’homme devant le jugement de l’histoire Reinhold Schneider
L’Europe et l’âme de l’Orient Walter Schubart
Dimensions de la conscience historique Raymond Aron
Nationalisme et internationalisme Ramsay Muir
Problèmes des Etats nouveaux K.M. Panikkar
Sociologie d’une guerre Paul Mus
Bandoung tournant de l’histoir Arthur Conte
Pour une nouvelle politique étrangère américaine Henry A. Kissinger
L’Amérique impérial Amanry de Riencourt
Chine – U.R.S.S. Francois Fejto
Nuclear weapon and foreign policy Henry A. Kissinger
Pax Americana Ronal Steel
International Politics Holsti
The war business George Thayer
Asia awakes Dick Wilson
Polémiques Raymond Aron

***
Trung Quốc Thái Bình Yếu Nghĩa Trình Triệu Hùng
Trung Quốc Văn Hóa Đại Nghĩa Trình Triệu Hùng
Tây Trào Tưởng Mộng Lân
Đông Tây Văn Hóa Đạo Luận Tiền Mục
Trung Quốc Tư Tưởng Nghiên Cứu Pháp Sái Thương Lư
Tân Thế Huân Phùng Hữu Lan
Luân Lý Vân Đề Mao Dĩ Hanh
Dân Tộc Tự Cứu Vận Động Lương Nộn Minh
Việt Nam Sử Lược Trần Trọng Kim
Quân Sử Lê Văn Dương
Huyết Hoa Thái Dịch Lý Đông A
Thiết Giáo Thái Dịch Lý Đông A
Đao Trường Ngâm ( thơ) Thái Dịch Lý Đông A
Tư Tưởng Việt Nam Nguyễn Đăng Thục
Cơ Cấu Việt Nho Kim Định
Căn Bản Triết Lý Trong Văn Hóa Việt Nam Kim Định
Người Việt Cao Quý A. Pazzi
( bản dịch : Hồng Cúc )
Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp ở Việt Nam Nguyễn Văn Trung
Tục Ngữ- Phong Dao Nguyễn Văn Ngọc
Nam Hải Dị Nhân Phan Kế Bính
Đại Việt Sử Ký Ngô Sỹ Liên
Hòang Lê Nhất Thống Chí Ngô Thời Sỹ
Lịch Triều Hiến Chương Phan Huy Chú
Phương Đình Địa Dư Chí Nguyên Siêu
Tuấn, Chàng Trai Nước Việt Nguyễn Vỹ

---------------------------------------------------------------------------------------------------------

CÙNG MỘT TÁC GIẢ



ĐÃ XUẤT BẢN


- Nói chuyện Tam Quốc
- Quốc tế chính trị
- Thân phận trí thức
- Thủ đoạn chính trị
- Mưu kề chính trị
- Adolf Hitler

(do nhà xuất bản VIỆT CHIẾN)
- Tướng Mệnh khảo luận
- Tử Vi đẩu số toàn thư (dịch và bình chú)

(do nhà xuất bản NGÂN HÀ)

SẮP XUẤT BẢN

- Một trật tự quốc tế mới
- Đấu tranh thương thuyết
- Tài phiệt trong chính trị thế giới

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------



VIỆT CHIẾN ĐÃ XUẤT BẢN:


• MƯU KẾ CHÍNH TRỊ ( của VŨ TÀI LỤC)
• TƯỚNG MỆNH KHẢO LUẬN ( của VŨ TÀI LỤC )
• TỬ VI ĐẨU SỐ TÒAN THƯ ( của VŨ TÀI LỤC)
• HITLER VÀ ĐẢNG QUỐC XÃ ( của VŨ TÀI LỤC)
• KISSINGER VÀ VẤN ĐỀ VIỆT NAM (của PHẠM VŨ DƯƠNG)
• NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ LÀM GIÁN ĐIỆP (của VƯƠNG THÁI HUYỀN)
• QUÁI ĐẢN ( của VƯƠNG THÁI HUYỀN)
• NGHỆ THUẬT ĐIỆN ẢNH (của VƯƠNG THÁI HUYỀN)

------------------------------------------------------------------------------------------------------

In lần thứ nhất
Số luợng : 2000
Phát hành ngày 4.1.1974

Nhà in Phong Phú 156 Bùi Thị Xuân – Saigon.
KD. Số 5041/ PTUDV/KSALP/TP, ngày 29.11.1973.
------------------------------------------------------------------------------------------------------
................ Có một điểm không ai nói tới vì nó có cả ngàn năm đó là nền kinh tế tản mát vào một hệ thống thôn xã mênh mông khắp lãnh thổ khiến cho tòan bộ kế hoạch tập trung để dễ bề kiểm sóat của địch, không một lúc nào đạt được kết quả ngòai nhũng hành động khơi sâu căm thù óan ghét.
Đói thì thèm thịt thèm xôi
Hễ no cơm tẻ thì thôi mọi đường.
Cũng thèm thịt thèm xôi nhưng quan trọng nhất vẫn chỉ là no cơm tẻ.Với nếp sống kinh tế tước giảm tối đa nhu cầu và chối bỏ hẳn mọi thèm muốn thừa đã phá tan âm mưu địch dùng kinh tế để tiêu diệt chiến chí, dùng đặc quyền kinh tế để hủ hóa và dĩ di diệt di.
Người Việt có tự hào về tổ chức xã hội của mình đã dùng dùng dược ý chí dân tộc mà lãnh đạo và khống chế kinh tế và không để cho vấn đề kinh tế lãnh đạo và khống chế xã hội.
Trong cuốn “Hitlers zweites buck” viết :”Chính sự chiến đấu chứ không phải kinh tế bảo tồn đời sống. Một dân tộc lành mạnh luôn luôn tìm cách thỏa mãn nhu cầu sinh sống ngay tại xứ sở và trong lòng đất của mình. Mậu dịch quốc tế, kinh tế thế giới, xuất cảng v.v...và v.v...hết thảy đều chỉ là phương tiện tạm bợ để nuôi dân. Những phương tiện đó đều không tùy thuộc vào ý chí và sức mạnh của dân tộc. Vì thế chỉ có ruộng vườn mãi mãi là nguồn cung cấp bất tận cho sự sống của một dân tộc”.
Điều Hitler nói trên đây, người Việt đã áp dụng nó từ ngày mới lập quốc.
Kinh tế Việt là nền kinh tế nông nghiệp, cả văn hóa Việt cũng là nền văn hóa nông nghiệp. Canh nông là chín phần mười của sinh họat kinh tế. Sức mạnh của nước Việt đặt tất cả trên tinh thần nông dân của dân tộc:
a) không sợ gian khổ
b) biết rõ những nổi lo
c) không quan tâm đến sống chết.

Với tinh thần như thế, kinh tế là một nền kinh tế bền bỉ, chăm chỉ,không nhiều thị dục càn rỡ và rất thiết thực..............


-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
VIỆT- CHIẾN XUẤT BẢN.

Bản đánh máy thực hiện tại Biên Hòa tháng 4 – 2008 bởi Lê thị Thanh Nguyệt

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...