Sự Kiện Tháng Tư: Triển Lãm Về Eddie Adams
ĐINH TỪ BÍCH THÚY
ĐINH TỪ BÍCH THÚY
Một chuyện chiến tranh xác thực không
bao giờ có luân lý. Nó không dạy người,
không khuyến khích chuyện đạo đức,
không làm gương, hay kìm hãm con
người để họ đừng làm những chuyện
họ vẫn làm từ trước. Nếu một câu chuyện
về chiến tranh có vẻ như tiềm ẩn một
bài học, đừng tin tưởng vào nó. Nếu
đoạn kết của một câu chuyện về chiến
tranh làm bạn cảm thấy phấn khởi, hay
nhận ra rằng một điều chính trực nào
đó đã được cứu vớt từ những suy bại,
thì bạn đã trở thành một nạn nhân của một
sự dối trá kinh khủng và trường kỳ.
Không có một sự chính trực nào hết.
Không có một sự đạo đức nào hết.
nhà văn Hoa Kỳ Tim O’ Brien
[trong tiểu thuyết The Things They Carried
(Hành Lý của Người Lính)]
bao giờ có luân lý. Nó không dạy người,
không khuyến khích chuyện đạo đức,
không làm gương, hay kìm hãm con
người để họ đừng làm những chuyện
họ vẫn làm từ trước. Nếu một câu chuyện
về chiến tranh có vẻ như tiềm ẩn một
bài học, đừng tin tưởng vào nó. Nếu
đoạn kết của một câu chuyện về chiến
tranh làm bạn cảm thấy phấn khởi, hay
nhận ra rằng một điều chính trực nào
đó đã được cứu vớt từ những suy bại,
thì bạn đã trở thành một nạn nhân của một
sự dối trá kinh khủng và trường kỳ.
Không có một sự chính trực nào hết.
Không có một sự đạo đức nào hết.
nhà văn Hoa Kỳ Tim O’ Brien
[trong tiểu thuyết The Things They Carried
(Hành Lý của Người Lính)]
Sự kiện Tháng Tư: Triển lãm về Eddie Adams, lần đầu công bố đủ loạt ảnh
Đặc Công VC Và Tướng Loan
Đặc Công VC Và Tướng Loan
Truyền thông Mỹ kỷ niệm 30 Tháng Tư 1975 bằng triển lãm và chiếu phim tài liệu về cuộc đời Eddie Adams, người chụp tấm ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử tử đặc công Việt Cộng tại mặt trận Tết Mậu Thân.
Tạp chí văn chương trên mạng: http://damau.org/ vừa có bài viết của nhà văn Đinh Từ Bích Thuý về sự kiện này, với tựa đề “Oan/Nghiệp: Nghệ Thuật Nhiếp Ảnh của Eddie Adams”, kèm theo nhiều hình ảnh đặc biệt. Sau đây là một số trích đoạn từ bài viết.
Oan/Nghiệp: nghệ Thuật Nhiếp Ảnh của Eddie Adams
Đinh Từ Bích Thúy
Tháng 3 vừa qua, phòng triển lãm nhiếp ảnh Umbrage ở Nữu Ước đã có một cuộc triển lãm ảnh của cố nhiếp ảnh gia Eddie Adams, người đã đoạt giải Pulitzer với bức ảnh iconic mà người Mỹ gọi là Hành Quyết ở Sài Gòn (Saigon Execution), ghi khắc mãi mãi vào trí nhớ thế giới bức hình tướng Nguyễn Ngọc Loan xử tử một sĩ quan Việt Cộng trong biến cố Mậu Thân.
Cuộc triển lãm hình ảnh của Eddie Adams (kết thúc ngày 30 tháng 4), được đi liền với dịp ra mắt của tuyển tập nhiếp ảnh Eddie Adams: Vietnam (Umbrage: 2009), trong đó có những ảnh đen trắng chưa bao giờ được xuất bản về chiến tranh Việt Nam của ông. Sau khi Eddie Adams qua đời năm 2004 vì bệnh Lou Gehrig (bệnh teo cơ bắp), vợ ông, bà Alyssa Adams, đã tuyển chọn những tấm ảnh này từ kho ảnh nhiều năm bỏ xó "trong một bao plastic dùng để đựng rác" kiếm thấy tại phòng làm việc của ông.
Đồng thời, vào ngày mùng 10 tháng Tư vừa qua, Đại Hội Liên Hoan Phim Ảnh của thành phố Nữu Ước đã chiếu phim tài liệu An Unlikely Weapon: the Eddie Adams Story (Một Vũ Khí Lạ Lùng: Cuộc Đời Eddie Adams). Phim có sự xuất hiện và lời phát biểu của những bạn đồng nghiệp và thân hữu của ông như phóng viên nhiếp ảnh Nick Út, Bill Eppridge, các nhà báo Peter Arnett, George Esper, Tom Brokaw, Morley Safer, v.v.... Trong phim, nhà báo Morley Safer đã có sự nhận xét sau đây về Eddie Adams: "Eddie không phải là một nhiếp ảnh viên bình dị, hay cân nhắc. Hắn là tên tay chân, thích xông xáo. Hắn làm tròn nhiệm vụ của mình trong cách luôn sục sạo tìm kiếm "những vấn đề," lúc làm việc cũng như lúc nhàn rỗi."[1]
Thật ra, vì không phải là một nhiếp ảnh gia chỉ hành động theo trực giác hay phản xạ khi đánh hơi "những vấn đề," như lời của Morley Safer, trong lúc còn sống Eddie Adams đã trải qua nhiều thăng trầm trong cách ông tự đánh giá bức ảnh nổi tiếng nhất của mình. Thời trẻ, ông là một phóng viên nhiếp ảnh nhiều tham vọng, và đã lập sự nghiệp bằng cách "nhập ngũ" với Associated Press sang Việt Nam làm phóng viên chiến tranh thời điểm 1965-1968. Nhớ lại quãng đời xưa, ông đã nói, "Ai ai trong [hàng ngũ phóng viên] cũng muốn làm kẻ xuất chúng. Tôi không hiểu tạị sao ... Toàn là chuyện cứt ... Chả có nghĩa gì cả. Chả có ai ngoài chúng tôi tha thiết. Chúng tôi vẫn say mê nghề dù cả bọn có thể chết như chơi."[2]
Vì trách nhiệm nghề nghiệp, và có lẽ cũng thúc đẩy bởi tham vọng "được xuất chúng," Eddie Adams, vào buổi sáng ngày Tết (ngày mùng Một tháng Hai năm 1968), vừa trở về Sài gòn sau chuyến công tác ở Nha Trang, đã quyết định "đi bộ theo sát tội phạm" (tiếng lóng chuyên môn gọi là perp walk -perpetrator walk- cách một phóng viên thời sự theo sát nghi phạm cho đến khi nghi phạm bị còng tay và dẫn lên xe chở về sở cảnh sát).
Trong lúc phóng viên Võ Sửu của đài NBC quay phim, Eddie Adams chụp lia lịa một loạt ảnh, từ lúc sĩ quan Việt Công Nguyễn văn Lém bị quân lính VNCH kéo ra từ một tòa nhà gần chùa Ấn Quang cho đến giây phút Thiếu tướng Loan rút súng bắn người này, và chỉ dừng lại trong một khoảng khắc: "tôi quay đi vì tôi tránh không muốn chụp điều mà tôi vừa nhìn thấy ... một tia máu khoảng 3-4 gang tay vọt lên như vòi phun nước ... không có lý do gì để chụp cái cảnh đó. Tôi nhắc mọi người, -cho biết chừng nào xong.- Sau đó tôi chụp một vài bức khi cái xác đã ngã xuống ....[3]
Vào thời điểm 1968, ảnh chụp của Associated Press về chiến tranh Việt Nam được phổ biến nhanh hơn phim thời sự, vì phim chụp có thể được rửa ngay, trong khi phim quay phải gửi sang Nhật hay Hồng-Kông để rửa rồi mới được xuất hiện trên đài truyền hình Hoa Kỳ. Sau khi chụp loạt ảnh này, Eddie Adams về văn phòng Associated Press để nộp phim. Lúc đó đã giữa trưa. Theo lời tường thuật của những nhân chứng, ông hứng thú thông báo với mọi người rằng ông đã chụp được những ảnh đặc sắc.[4] Sau đó, như thường lệ, ông đi ăn cơm trưa và chỉ trở lại để duyệt lại ảnh -lúc đó đã được rửa và in ra từ phòng tối- trước khi những tấm ảnh này được phổ biến khắp thế giới.
Eddie Adams đã nhận định rằng, "tôi có quan niệm riêng về chuyện sống còn. [Trong thời chiến], người ta chỉ chú tâm đến những điều trước mắt, và chỉ những điều trước mắt. Cho dù người ta có vợ, có người yêu, trong những lúc căng thẳng không ai nghĩ đến người thân yêu của họ."[5] Eddie Adams đã linh cảm chuyện ông "trúng sổ số" vì ông đã có mặt đúng lúc tại địa điểm lịch sử. Ông không ngờ vực và phán đoán hành động của mình trong lúc chụp bức ảnh hành quyết, hay ngay sau đó. Ông đã đi ăn cơm trưa sau khi nộp phim. Ông đã làm xong nhiệm vụ phóng viên nhiếp ảnh thời chiến.
Những dằn vặt và phán xét đến sau đó. Có một thời gian Eddie Adams kết án bức ảnh như là một oan khiên/đầy đọa của mình:
Khi tôi nhìn tấm hình lần đầu tôi đã chả thấy nó có gì đặc sắc. Ngay bây giờ nó cũng không phải là tấm hình có nhiều nghệ thuật nhiếp ảnh. Thứ nhất, thời điểm chụp không lý tưởng. Đó là một tấm hình thời sự. Cấu trúc ảnh quá xấu. Nhưng có lẽ [nó ghi lại] một giây phút quan trọng. Cho đến bây giờ tôi không hiểu sao nó lại quan trọng như vậy. Tôi nghe nhiều chuyện người ta kể về tác dụng của bức ảnh này ...như chuyện nó giúp kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Tôi không hiểu nhiều về chuyện này. Nhưng hai mạng người, hai cuộc đời đã bị kết thúc ngày hôm đó. Cuộc đời tướng Loan, cuộc đời người Việt cộng. Tôi không muốn phá hại đời ai cả. Đó không phải là trách nhiệm của tôi.[6]
Trong buổi ra mắt triển lãm những bức ảnh của ông ở Nữu Ước, bà Alyssa Adams nói rằng nếu Eddie Adams còn sống, chắc ông sẽ không bao giờ cho phép chuyện bức ảnh Hành Quyết ở Sàigòn làm hình bìa quyển sách Eddie Adams: Vietnam. Bà nói, "hình ảnh này đã ám ảnh chồng tôi trong nhiều năm. Ông ấy lúc nào cũng vật lộn với trách nhiệm và hậu quả của nó. Ông ghét chuyện [sự nghiệp] ông đã bị định nghĩa bởi duy nhất một hình ảnh, trong khi khả năng của ông hẳn vượt ra ngoài khuôn khổ của bức ảnh ấy."[7]
Vì cảm thấy có trách nhiệm trong việc gây dư luận xấu cho cuộc đời về sau của tướng Loan, Eddie Adams đã tìm gặp tướng Loan sau đó, và cũng đã tường thuật về những thành quả Tết Mậu Thân của tướng Loan trong những bài báo cho Associated Press để làm thăng bằng dư luận đằng sau bức ảnh. Dù với những nỗ lực từ phía Eddie Adams, tướng Loan vẫn mãi mãi là một nhân vật huyền bí.
Trong suốt thời gian sau khi bức ảnh được xuất bản, và cho đến lúc qua đời năm 1998 vì bệnh ung thư, tướng Loan không bao giờ thảo luận chuyện ông xử tử Nguyễn văn Lém. Eddie Adams cho rằng tướng Loan đã "tha thứ" việc chụp ảnh của mình. Hai tuần sau khi bức ảnh xuất hiện trên báo chí Sàigòn và quốc tế, Eddie đến tìm gặp tướng Loan tại văn phòng làm việc của ông. Khi nhìn thấy người phóng viên Mỹ, tướng Loan nói, "tôi biết được tên phóng viên người Việt đã chụp tấm ảnh này," và cho Eddie Adams hiểu rằng nếu ông (Eddie Adams) không có ở đó, một phóng viên khác vẫn có thể chụp tấm ảnh này. Người ta có thể kết luận rằng tướng Loan đã có một cái nhìn định mệnh về tính chất "không thể tránh được của bức ảnh" khi ông kết luận với Adams:
Anh làm việc của anh, tôi làm việc của tôi ...
Theo Eddie Adams, tướng Loan đã tiết lộ rằng sau khi bức ảnh được phổ biến khắp thế giới, ông đã bị vợ mắng rằng sao ông không tịch thu cuộn phim của người chụp ảnh. Tướng Loan đã than phiền với Eddie Adams, "Vợ tôi nghĩ rằng tôi chỉ phải lo chuyện tịch thu phim từ phóng viên là xong ...Bà ấy không có một khái niệm gì cả...."[8]
Mấy chục năm sau buổi gặp gỡ đầu tiên với tướng Loan, Eddie Adams đã giận dữ khi nhớ lại lúc ông sang Hòa Lan nhận giải thưởng nhiếp ảnh của World Press, một người trong khán giả đã hỏi tại sao ông đã không ngăn cản chuyện tướng Loan bắn sĩ quan Việt Cộng. Ông coi đó là "một câu hỏi ngu xuẩn," vì "người ta không hiểu gì về chiến tranh và những điều xảy ra trong chiến tranh."
Về sau, Eddie Adams lại "tu sửa" nhận định của mình, đặt vị trí của nhiếp ảnh lên trên văn chương:
Một tấm ảnh không nói lên hết mọi khía cạnh của một câu chuyện. Khi người ta nhìn một tấm ảnh, người ta chỉ nhìn thấy 1/500 của một giây và đó chỉ là một khoảnh khắc. Nó không tiết lộ cho người xem tại sao khoảnh khắc đó đã xảy ra. Nó không nói lên nhiều điều ... nhưng những tấm ảnh rất quan trọng vì người ta tin vào những bức ảnh..... Cho dù Norman Mailer, [sử gia] David Halberstam, có viết một câu chuyện hay nhất thế giới ...và [câu chuyện đó] có thể hoàn toàn chính xác từng chữ, từng dấu đánh, nhưng ai đó trong quần chúng sẽ đọc câu chuyện đó và sẽ bắt đầu hoài nghi rằng không biết nó có thực sự xảy ra. Người ta sẽ phân vân, "Ừ có thể. Ừ, nhưng mà cũng chả biết thế nào là thế nào ...." Nhưng khi có một tấm ảnh đi sát với câu chuyện, thì chính đó là nhân chứng ... nó sẽ khẳng định niềm tin của một cá nhân vào câu chuyện. Tuy bức ảnh vẫn là một sự dối trá, người ta sẽ nhìn thấy nó là sự thật. Vì vậy hình ảnh rất quan trọng. Người ta thường nói, "chữ viết toàn là láo toét." Vì vậy, hình ảnh là trên hết! [9]
Vì hình ảnh chiến tranh thời sự vừa có khía cạnh lịch sử, vừa có tác dụng nhiều về cảm tính gây ra những hậu quả không lường trước, đối với Eddie Adams nó đòi hỏi nhiều ở một nhiếp ảnh gia hơn là những chân dung chụp theo kiểu thời trang, hay đã được "bố trí" sẵn với kỹ thuật, ánh sáng. Ông tuyên bố (với tay đặt trên tim),"tim tôi đã bị chà đạp vì thời sự, còn những nhân vật nổi tiếng, họ không cướp đoạt gì ở tôi.[10]
Eddie Adams không để quan niệm chính trị của ông ảnh hưởng việc chụp những nhà lãnh đạo độc tài quốc tế như Fidel Castro, Zia ul-Haq, vì vậy qua nhiếp ảnh ông đã có dịp khai phá khía cạnh "nhân bản" của những con người bi Hoa Kỳ hay thế giới coi là tham quyền, độc ác hay thiển cận. Ông đã ngạc nhiên khi gặp Indira Gandhi lần đầu tiên. Bà không "cứng cỏi hay mập ú," mà rất "nhỏ nhẹ, quyến rũ, lôi cuốn."[11] Eddie Adams ăn nhậu và đi săn vịt với Castro. Eddie Adams chụp ảnh Zia-ul-Haq -lãnh đạo quân phiệt độc tài của Pakistan- qua guồng máy của bộ Tư Pháp đã ra án treo cổ Thủ Tướng Zulfikar Bhuto vào năm 1979. Eddie Adams kể lại buổi chụp ảnh Tổng Thống Zia:
Zia muốn tôi chụp ảnh của ông với con gái. Rồi ông mang con bé xuống, nó bị bệnh chậm tiến. [Nhưng] ông hãnh diện vì nó. Rõ ràng ông thương nó lắm. Đối với tôi chuyện đó chứng tỏ ông là một con người tốt -tôi bất cần đường lối chính trị của ông.[12]
Có lẽ Eddie Adams đã bị xâu xé chính vì tính chất cố hữu của nghệ thuật nhiếp ảnh thời sự: nhiếp ảnh thời sự không phải là hội họa hay văn chương. Trên lý thuyết nó chụp lại một khoảnh khắc của hiện thực và vì vậy nó khó bị tách rời ra khỏi hiện thực. Như Eddie Adams đã nhận xét, một bức ảnh thời sự thường được coi như một tang chứng của lịch sử, thường được xem "chính xác" hơn văn chương và chữ nghĩa. Một nhiếp ảnh gia thời sự vì vậy cảm thấy mình phải có "trách nhiệm" với dư luận. Hội họa và văn chương, vì không cần phải "chụp" thẳng từ hiện thực, trên lý thuyết -it nhất ở những nước tư bản tự do- độc lập và phóng khoáng hơn nhiếp ảnh. Qua những lời phát biểu của Eddie Adams, người ta có thể đoán rằng ông coi nhiếp ảnh thời sự là loại nghệ thuật đòi hỏi những phản ứng liên hệ đến trách nhiệm và luân lý, còn nhiếp ảnh thời trang/nhiếp ảnh chân dung gần hơn với nghệ thuật của hội họa và văn chương vì khi chụp chân dung của một nhân vật nổi tiếng, người chụp ảnh tạo tác và đồng thời dự trù vị trí của người được chụp ra ngoài khuôn khổ của thời gian, với cái nhìn về thiên thu. Người chụp ảnh chân dung là người chủ động dàn cảnh, họ không bị đối tượng trong ảnh "tước đoạt" tâm hồn của họ, như Eddie Adams đã tự thú. Trái lại, người chụp ảnh thời sự thường bị thời sự áp chế. Dù có "chụp" ảnh, nhiếp ảnh gia thời sự cũng không đóng vai chủ động.
Nhưng những lập luận này chỉ đúng một nửa.
Trong tiểu thuyết The Things They Carried (Hành Lý của Người Lính), nhà văn Hoa Kỳ Tim O’ Brien đã nhận xét như sau:
Một chuyện chiến tranh xác thực không bao giờ có luân lý. Nó không dạy người, không khuyến khích chuyện đạo đức, không làm gương, hay kìm hãm con người để họ đừng làm những chuyện họ vẫn làm từ trước. Nếu một câu chuyện về chiến tranh có vẻ như tiềm ẩn một bài học, đừng tin tưởng vào nó. Nếu đoạn kết của một câu chuyện về chiến tranh làm bạn cảm thấy phấn khởi, hay nhận ra rằng một điều chính trực nào đó đã được cứu vớt từ những suy bại, thì bạn đã trở thành một nạn nhân của một sự dối trá kinh khủng và trường kỳ. Không có một sự chính trực nào hết. Không có một sự đạo đức nào hết.[13]
Tuy vậy, Tim O’ Brien, ở vị trí của một nhà văn, đã lập luận rằng văn chương hư cấu (fiction) diễn tả chiến tranh xác thực và đầy đủ hơn những bài báo, hình ảnh chụp, hay phim thời sự về chiến tranh, vì "sự thực của hư cấu ("story-truth") chính xác hơn sự thực của diễn biến (happening-truth). Sự thực hư cấu là sự thực từ cảm tính."
Thật thú vị khi ta thấy một nhà văn, khi định nghĩa "sự thực" của văn chương, cũng không khác một phóng viên nhiếp ảnh khi định nghĩa "sự thực" của một bức ảnh thời sự. Tuy cá nhân mỗi người nghĩ rằng nghệ thuật của họ "cao" hơn của người kia, Tim O Brien và Eddie Adams đều công nhận "sự thực từ cảm tính" khi mọi khái niệm khác về "sự thực" đã bị chất vấn hay lật đổ. Eddie Adams cho rằng một bức ảnh thời sự chỉ tiêu biểu 1/500 của một giây trong đời người, nhưng vẫn có thể sống động và "thực" hơn chữ nghĩa vì nó tạo ra một niềm tin, nó khẳng định một lối nhìn cá nhân từ phía người xem ảnh. Tương tự, Tim O Brien không muốn khẳng định một chân lý gì trong những tiểu thuyết chiến tranh của ông. Ông nhận định trong hồi ký, "Có thể nào một binh sĩ quèn biết dạy người đời những điều quan trọng về chiến tranh chỉ vì hắn có mặt ở chiến trường? Tôi không nghĩ như vậy. Hắn chỉ có thể kể những câu chuyện về chiến tranh."[14]
Trong Hành Lý của Người Lính, qua cách pha trộn thể Ký với cấu trúc hư cấu, Tim O’ Brien khai triển những mâu thuẫn về cách người lính Mỹ tiếp nhận "hiện thực" trong chiến tranh Việt Nam. Hành lý của lính Mỹ: la bàn, bản đồ, những lá thư từ những người thân yêu, hòn sỏi, chân thỏ làm bùa hộ mạng .v.v..... tượng trưng cho lý lịch, hoài bão, tình yêu, và những sự sợ hãi thầm kín của họ. Nhưng những hành lý này không giúp người Mỹ thoát khỏi cái chết, mà chỉ cho người đọc thấy sự thiếu chuẩn bị về tinh thần của họ. Ở một khía cạnh nào đó, người ta có thể đối chiếu Hành Lý của Người Lính -một tác phẩm metafiction- với Nhật Ký Đặng Thùy Trâm. Khác với những người lính Mỹ trang bị "hơn 20 pao nào vũ khí, thức ăn, giấy vệ sinh, thuốc an thần nhưng khi bị bắn thì chỉ ngã nhào như một khối nặng mà không kịp dẫy,"[15] người lính Bắc Việt khi di chuyển thì có vẻ "nhẹ nhàng" hơn, "với những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai."[16]
Nhưng thật ra, sự "nặng nề" của người Mỹ, và sự "nhẹ nhàng" của lính Bắc Việt cũng chỉ là một ảo tưởng. Hành lý và vũ khí của lính Mỹ không cứu được họ, hay giúp họ thắng chiến tranh Việt Nam, cũng như lòng nhiệt huyết của Đặng Thùy Trâm, qua những trang nhật ký của người con gái như lên cơn sốt trong sự cô đơn, mong mỏi, trong những tình cảm hỗn độn giữa tình yêu, tình bạn, và tình thương dành cho những bệnh nhân thời chiến, chỉ phản ảnh một khoảnh khắc của quá khứ. Đặng Thùy Trâm không được may mắn để sống qua chiến tranh. Nhiếp ảnh thời sự, nhiếp ảnh chân dung, văn chương hư cấu, hồi ký -tất cả là những phương tiện chụp lại/dừng lại thời gian, để duy trí ký ức, để xua đẩy cái chết của thể xác, để thách thức sự biến chuyển của cuộc đời. "Sự thực" của những tài liệu nhiếp ảnh, văn chương hư cấu, hay hồi ký được hiện hữu ngay trong những gì nó đã được chụp lại, không hơn, không kém. Tất cả những điều khác ngoài khung là cảm tính, là những câu chuyện, là khuynh hướng, là luận bàn, là những nỗ lực tiếp nối ảo tưởng với cuộc sống ở ngoài khung.
Trong những bức ảnh của Eddie Adams, người ta thấy sự mong manh, gần như lõa lồ của tất cả những mạng người trong bối cảnh chiến tranh. Trong tấm ảnh Hành Quyết, nghi phạm Nguyễn Văn Lém giống như vừa bị lôi dậy từ một giấc ngủ, khuôn mặt sưng múp, thân người xốc xếch trong "ngụy trang" là chiếc áo ca-rô và quần đùi, đi chân đất. Tấm ảnh chụp các lính Mỹ rảo bộ đi tắm trên một con đường làng xế nắng, trên người quấn vỏn vẹn tấm khăn tắm dưới cây súng dắt bên hông -hình ảnh này cho ta thấy một tension thâm trầm- nỗi sợ bị đột kích của lính Mỹ -của nhóm người phải biết cách ứng biến trong hoàn cảnh xa lạ- đi liền với những sinh hoạt riêng tư, thường nhật.
Người xem ảnh thấy gần gũi với những đối tượng trong ảnh. Chiến tranh và cái chết ở khắp mọi nơi, ở chiến trường, ở khu dân sự, rình rập ở ngoài chỗ tắm, chỗ ngủ. Bức ảnh một lính Việt Công bị thương, với bộ quần áo như bộ pyjama trĩu xuống vì bùn đất, cánh tay bị thương băng bó một cách cẩu thả. Người xem tự hỏi: Đây có phải là một trò chơi của trẻ con? Máu, trong những hình ảnh đen trắng chụp từ hơn 40 năm trước, không giống máu thật. Màu máu trông quá tự nhiên, như một cách ngụy trang, nó chìm vào bức ảnh, không khác gì lời than, cũng rất "nhẹ nhàng," và thắm thiết, sâu xa của Đặng Thùy Trâm, "Chết quá dễ dàng, không có cách nào đề phòng được những tổn thất ấy cả. Buồn làm sao!"[17]
Ở một phương diện nào đó, Eddie Adams gần như muốn chối bỏ tính chất "không sạch/nhất thời" của khung ảnh thời sự. Sau khi đã dãi dầu qua 13 cuộc chiến, ở thời tạm gọi là yên ắng, Eddie thiết lập Barnstorm, khóa dạy học miễn phí hàng năm về nhiếp ảnh cho những nhiếp ảnh gia có triển vọng. Trong lúc dạy học, ông thường nhấn mạnh về bố cục -coi như sự tự hãm mình- của một bức ảnh: một bức ảnh phải có cấu trúc sạch (clean composition), không làm người xem bị chia trí vì những thứ vụn vặt kéo cặp mắt ra ngoài cái bố cục đã tạo nên "tâm hồn"của bức ảnh.
Eddie Adams nói ông chỉ có hai bức ảnh mà ông ưa chuộng nhất trong suốt cuộc đời chụp ảnh. Ông không nói rõ là bức nào nhưng những đồng nghiệp thân thiết của ông đoán đó không phải là những tấm ảnh thời sự về chiến tranh mà là hai bức chân dung chụp kiểu classic: tấm ảnh chụp Louis Armstrong và tấm chụp người thợ mỏ ở West Virginia.
Trong tấm thứ nhất, Eddie Adams chụp nhạc sĩ jazz Louis Armstrong ngồi một mình trong phòng sửa soạn (dressing room) với cái saxophone đã đánh bóng. Trong bức hình đen trắng, chụp vào năm 1970 ở Las Vegas, người nhạc sĩ cúi nhìn chăm chú dụng cụ âm nhạc như đang suy niệm, tĩnh tâm về nó. Người xem không thấy Louis Armstrong trong bức ảnh -hay đúng hơn, chỉ thấy Louis Armstrong khi ngắm nhìn cái saxophone. Mọi vật chung quanh bố cục "nghệ sĩ và saxophone" như chìm lắng xuống, sạch, gần như khổ hạnh, austere.
Tấm thứ nhì là tấm chân dung chụp năm 1969, cũng đen trắng: người thợ mỏ da trắng -một cựu chiến binh Việt Nam- đứng trước miệng mỏ, bên cạnh con lừa của ông, với ánh mắt đầy nghi ngờ, chất vấn nhìn thẳng vào ông kính ("cái mông con lừa trầy xơ xác vì ngày ngày phải cọ vào thành tường cái mỏ thấp nghẹt," Eddie Adams kể lại). Chân dung người thợ mỏ làm người xem nghĩ đến những bức tranh với ánh sáng vừa mờ vừa rực của Delacroix, hình như nó cố nén lại sự uất ức yên phận của người cựu chiến binh bị bạc đãi sau khi trở về quê quán.
Chính ra, trong những bức ảnh Việt Nam của Eddie Adams, các chi tiết "chia trí" ở một góc ảnh, hay ở một chỗ nào ngoài trung điểm của bức ảnh, chụp vội trong một khoảnh khắc, cũng tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ, kinh khiếp và bất ngờ. Trong loạt ảnh Hành Quyết, ở bức cuối, phía trái khung ảnh là một đứa bé trai, khoảng 7, 8 tuổi, nhìn xuống xác người Việt Cộng. Người xem không biết đứa bé có phải đã đứng xem cuộc xử tử từ lúc đầu, hay chỉ nhìn thấy xác người nằm dài trên đất sau đó? Là một trong những nhân chứng đầu tiên của hình ảnh này khi nó chưa được "chụp" thành một bức hình lịch sử, đứa bé đó đã nghĩ gì trong đầu? Cuộc đời về sau của nó sẽ ra sao? Rõ ràng hậu quả của chiến tranh đã bắt nguồn -dưới mắt người trong cuộc- từ một trạng thái gần như ngẫu nhiên, quen thuộc, thờ ơ, từ một biến cố nào đó trước cuộc hành quyết, mà không cần đến sự can thiệp của nhiếp ảnh thời sự hay của bất cứ một nghệ thuật nào? Có phải kinh nghiệm, ký ức có từ trước buổi hành quyết ngày mùng Một tháng Hai năm 1968 đã tạo ra cái nhìn bình tĩnh của đứa bé -cả một bối cảnh quá bình tĩnh- trước xác người? Có phải sự phẫn nộ của người Hoa Kỳ, và quốc tế ngay sau đó, vẫn là phản ứng của những con người, tuy có thể lớn tuổi hơn đứa bé trong ảnh, là những phản ứng còn "trong trắng"?
Ở một bức ảnh khác, chụp mùng 8 tháng 5 năm 1968, trong cuộc tấn công lần thứ nhì của Việt Cộng vào phía Nam Sàigòn, người ta nhìn thấy một người đàn ông chỉ mặc vỏn vẹn quần xà-lỏn cõng người vợ bị thương nhẹ ở chân. Gương mặt khắc khổ nhưng vương vấn hy vọng, sự kiên nhẫn của người đàn ông hướng nhìn về một quãng trống ngoài khung ảnh, thế đứng của ông, với chân phải bước chéo trước chân trái -có một cái gì thật cảm động và uyển chuyển trong toàn bức hình. Người xem ảnh bỗng chợt nghĩ đến huyền thoại Chử Đồng Tử chia khố mặc với bố. Hình như tình nghĩa vợ chồng của người tị nạn trong ảnh cũng gắn bó như tình phụ tử trong huyền thoại của một nước Việt Nam tiền sử.
Tương tự, vẻ đẹp bất ngờ cũng phát hiện trong bức ảnh chụp cảnh cầu sập ở Huế vào biến cố Mậu Thân. Người xem nhận ngay ra nét duyên dáng, lãng mạn ... gần như thách thức hoàn cảnh của cô gái Huế mặc áo dài trắng với đôi chân trần ở góc cầu gẫy, đôi guốc cao gót xếp gọn ghẽ phía trước cô trong khi cô nghiêng người người duyên với ai đó ngoài khung ảnh. Hình như cô biết cô đang được chụp ảnh. Xung quanh cô những người dân và người lính Cộng Hòa lặng lẽ, trầm mặc, vác, dắt xe đạp bước qua những đoạn cầu còn lành lặn.
Tương phản với sự đỏm dáng giữ kẽ của gái Huế là sự vô tư tươi trẻ của gái Sàigòn thời loạn. Ở bức ảnh "Đợi Mưa Tạnh," chụp ngày 30 tháng 5 1968, với đám con gái Sàigòn mặc váy đầm ngắn đứng trên vỉa hè nhìn cơn mưa đang xối xả chảy ở ngoài khung, chi tiết "chia trí" ở đây là những vết sẹo và mụn ghẻ trên những cặp đùi được phô trương một cách tự tin, bất cần. Miền Nam thời chiến là một miền Nam không đắn đo miền Nam ngoái lại thấy bùi ngùi vì nó tàng chứa một tương lai không bao giờ có. Người miền Nam hồn nhiên, hết mình, trong hiện tại, không màng đến những vết sẹo và mụn ghẻ trên da thịt để hở làm chia trí cho người xem ảnh từ một tương lai khác, ở một chân trời khác.
* * *
Vào năm 1977, vẫn còn dằn vặt vì dư luận sau bức Hành Quyết, Eddie Adams sang Thái Lan để chụp ảnh những thuyền nhân tị nạn Việt Nam bị chính quyền Thái Lan từ chối việc nhập cảnh. Ông dùng 100 đô-la mua xăng, gạo, rồi xin phép được leo lên một chiếc tàu đánh cá đang lênh đênh ở hải phận Thái Lan. Ảnh chụp người tị nạn, từ đứa bé sơ sinh, đến người già hơn 70 tuổi, ngồi lả mệt, nhồi ép trong khoang thuyền, được ông đính kèm với bản tin Associated Press với tựa đề Con Thuyền Không Nụ Cười (The Boat of No Smiles). Eddie Adams giải nghĩa tựa đề này như sau:
Tôi gọi con thuyền ấy là Con Thuyền Không Nụ Cười vì ở thời điểm đó, trải qua bao nhiêu chiến tranh [là phóng viên nhiếp ảnh], tôi đã có mặt ở hầu hết những trại tị nạn trên thế giới. Khi giơ máy ảnh chụp hình trẻ em ở các trại tị nạn, thường tôi thấy là tự động chúng nó cười, cho dù đằng sau chúng người ta có thể thấy hàng chục cái xác chết nằm chồng chất lên nhau. Nhưng khi tôi chụp hình các thuyền nhân Việt Nam trên con thuyền đánh cá đó, thì không có ai cười, cả những đứa bé cũng không cười, cho dù tôi đứng kè kè đó với cái máy ảnh ...và vì thế tôi gọi nó là Con Thuyền Không Nụ Cười.[18]
Trích từ quyển sổ tay của Eddie Adams:
Boong tàu và dưới mặt boong chật đến nỗi chỉ có một vài người có thể nằm xuống, còn số đông phải ngủ ngồi. Không có một mặt cười nào trên con thuyền đánh cá không tên, 1977.
Sự nhận định của Eddie Adams về "những con người không biết cười"-dưới con mắt một dân tộc đã thấm nhuần những nỗi đau đến lúc gần như chai đá, bình tĩnh- coi bộ cũng khá lạ lùng, nó có tính cách áp chế hoặc gần như ngây ngô, nhưng thật ra là một lời kêu gọi cứu tế sắc sảo và hiệu quả khi nhắm vào xã hội Mỹ.
Vào cuối thập niên 70-đầu thập niên 80 ở Hoa Kỳ, trước một dư luận chưa hoàn toàn hồi phục lại sau cuộc chiến Việt Nam, trong thời điểm mà ngay cả Tổng Thống Carter, một vị Tổng Thống về sau được tôn vinh qua những thành quả về nhân quyền, đã thốt, "Chúng tôi không nợ Việt Nam điều gì cả, vì sự sát hại đã là chuyện tương đồng," không ai muốn nhắc nhở đến "vấn đề Việt Nam" hay mổ xẻ hậu quả của nó. Nhưng nước Mỹ vẫn là một xứ sở còn trẻ -một xứ sở yêu nụ cười của trẻ thơ, một xứ sở lúc nào cũng tin tưởng vào một tương lai khả quan- bức ảnh Con Thuyền Không Nụ Cười của Eddie Adams đã đánh trúng tâm lý "nghĩa hiệp" của người Mỹ. Nhờ bức ảnh này, Quốc Hội Mỹ, dưới thời Carter, đã ra luật giúp hơn 200,000 người tị nạn Việt Nam được định cư ở Hoa Kỳ.
Trong quyển Eddie Adams: Vietnam, thành quả của bức Con Thuyền Không Nụ Cười được viết lại như lời kết (epilogue), đối chiếu và "đóng lại" bức Hành Quyết. Eddie Adams cảm thấy ông đã có dịp "giải oan"- cá nhân ông đã có một "đoạn kết" mà người Mỹ gọi là "closure" cho vấn đề Việt Nam.
Thật ra, sau nửa buổi trên Con Thuyền Không Nụ Cười, Eddie Adams đã bị cảnh sát Thái Lan ép phải rời thuyền, và con thuyền này bị bỏ mặc ở ngoài khơi. Sau đó không ai tìm thấy dấu vết nó.
Eddie Adams không ưa chuộng những "điều chia trí" ở ngoài khung nghệ thuật. Ông nghĩ rằng nhiếp ảnh, như hội họa, phải có không khí tĩnh lặng, phải vượt ra ngoài sự áp chế của thời gian, phải trở thành classic theo nghĩa truyền thống của nó. Nhưng trong thâm tâm, ông cũng hiểu rằng khái niệm bất diệt của nghệ thuật không ở trong một cấu trúc gọn ghẽ, mà được khai thác vừa từ động cơ tự phát/không kềm chế của một khoảnh khắc trong đời người, vừa từ cảm tính đa hóa của những con mắt bên ngoài khoảnh khắc đó. Một bức ảnh bất diệt, như một tác phẩm văn chương bất diệt, thường không có đoạn kết.
Đinh Từ Bích Thuý
________________________________________Chú thích:
[1] Paul Brenner, "Điểm phim An Unlikely Weapon."
[2] Như trên.
[3] Eddie Adams, trong Eddie Adams: Vietnam, (Umbrage:2009), tr. 144.
[4] Như trên.
[5] Phỏng vấn với Eddie Adams, http://www.pbs.org/speaktruthtopower/hr_eddie.htm
[6] Eddie Adams, trong Eddie Adams: Vietnam, tr. 147.
[7] Tin thuật lại buổi ra mắt cuộc triển lãm nhiếp ảnh của Eddie Adams, http://www.nypost.com/seven/03102009/gossip/pagesix/defining_image_158804.htm
[8] Eddie Adams, trong Eddie Adams: Vietnam, tr. 147.
[9] Như trên.
[10] Phỏng vấn với Eddie Adams, xin xem tại đây
[11] Như trên.
[12] Như trên.
[13] Tim O Brien, "How to Tell a True War Story," trích từ The Things They Carried (nxb Houghton Miflin: 1990), tr. 76. Nguyên văn: "A true story is never moral. It does not instruct, nor encourage virtue, nor suggest models of proper human behavior, nor restrain men from doing the things men have always done. If a story seems moral, do not believe it. If at the end of a war story you feel uplifted, or if you feel that some small bit of rectitude has been salvaged from the larger waste, then you have been made the victim of a very old and terrible lie. There is no rectitude whatsoever. There is no virtue."
[14] Tim O Brien, If I Die in a Combat Zone, Box Me Up and Ship Me Home (Delacorte Press: 1973).
[15] Tim O Brien, "How to Tell a True War Story, tr. 7.
[16] Nhật Ký Đặng Thùy Trâm, ngày 10-4-68, link
[17] Nhật ký Đặng Thùy Trâm, ngày 17-05-68.
[18] Eddie Adams, trong Eddie Adams: Vietnam, tr. 203.
------------------------------
Cái “đề từ” (epigraph) của bài này được dịch không rõ nghĩa lắm, tôi xin dịch lại như sau:
Một chuyện chiến tranh chắc chắn không bao giờ có luân lý. Nó không dạy người,không khuyến khích chuyện đạo đức,không làm gương, hay kìm hãm thú tính của con người để họ đừng làm những chuyện mà đồng loại từng mắc phải.
Nếu một câu chuyện về chiến tranh có vẻ ngầm nói lên một bài học nào đó, đừng tin !!! Nếu đoạn kết của một câu chuyện chiến tranh làm bạn cảm thấy phấn khích hay nhận ra rằng một điều công chính nào đó đã được chắt lọc ra từ những băng hoại, thì bạn đã trở thành một nạn nhân của một sự dối trá khủng khiếp và trường kỳ.
Không có một chút chính trực nào hết.
Không có một chút đạo đức nào hết.
-Tim O’ Brien-
“A true war story is never moral. It does not instruct, nor encourage virtue, nor suggest models of proper human behavior, nor restrain men from doing the things men have always done. If a story seems moral, do not believe it. If at the end of a war story you feel uplifted, or if you feel that some small bit of rectitude has been salvaged from the larger waste, then you have been made the victim of a very old and terrible lie. There is no rectitude whatsoever. There is no virtue. As a first rule of thumb, therefore, you can tell a true war story by its absolute and uncompromising allegiance to obscenity and evil.” ― Tim O'Brien, The Things They Carried
“A true war story is never moral. It does not instruct, nor encourage virtue, nor suggest models of proper human behavior, nor restrain men from doing the things men have always done. If a story seems moral, do not believe it. If at the end of a war story you feel uplifted, or if you feel that some small bit of rectitude has been salvaged from the larger waste, then you have been made the victim of a very old and terrible lie. There is no rectitude whatsoever. There is no virtue. As a first rule of thumb, therefore, you can tell a true war story by its absolute and uncompromising allegiance to obscenity and evil.” ― Tim O'Brien, The Things They Carried
Lê Tùng Châu
----------------------------------------------------------
Bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy
" Oan/Nghiệp: nghệ Thuật Nhiếp Ảnh của Eddie Adams - 30.04.2009
" Chuyến Hành Hương Man Dã - 19.03.2009
" Nâng Cao Xà Nhà, Hỡi Những Nhà Phê Bình Nghệ Thuật: Đọc "Là Con Người" của Lê thị Thấm Vân - 11.03.2009
" "tri thức" về một bài thơ: Nói Chuyện Với Nhà Thơ Nguyễn Đức Nguyên - 12.12.2008
" Em Không Mềm Không Trong Không Thẳng Không Trắng (2/2) - 04.11.2008
" Em Không Mềm Không Trong Không Thẳng Không Trắng (1/2) - 03.11.2008
" Văn Chương Nobel 2008: Chìa Khóa và Nhà Tù - 09.10.2008
" Trung Thu 2008, 1928, 1968 - 30.09.2008
" café diem - 04.06.2008
" Đinh Từ Bích Thúy: Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài - 19.04.2008
----------------------------------------------------------------------------------
4 bình luận
" Thái" viết:
Trong bài viết trên, tác giả Đinh Từ Bích Thúy ghi quân hàm của ông Nguyễn Ngọc Loan khi vụ hành quyết hồi Tết Mậu Thân xảy ra là Thiếu Tướng. Điều này phù hợp với một số hồi ký đăng trên mạng Internet. Nhưng tôi nhớ- cũng như một số người ghi lại trên Internet- là ông Loan lúc đó chỉ là Chuẩn Tướng.
Nhưng ông phó nhòm Eddie Adams thì lại giáng chức ông Loan thành Đại Tá! Xin ghi lại đoạn văn sau ghi lại lời của Adams trích trong cuốn To Bear Any Burden của Al Santoli (1985):
Every day for at least a week I d go to Loan s office. I d knock on the door and some colonel would answer. I d say, "Can I see Colonel Loan?" [His rank at the time.] And the response would be, "No, he s all tied up. He doesn t have any time."
At the end of the week they said, "Okay." So I go in. And the first thing Loan says to me is, "The only reason I m seeing you is because you re so persistent. Sit down." So I sat down. I never mentioned the picture at all. And I hoped he didn t know that I took it. I said, "Colonel, I d like to do a story on you for the AP, and live with you and go around with you for a while." And he walks over to me. Pushed his nose up against mine. He said, "I know the Vietnamese who took that picture."
It was too much, man. He said, "Vietnamese." In other words, he wasn t blaming me. Then he sat down and said, "You know, after that happened, wife wife gave me hell for not taking the film from the photographer. She thinks that all I had to worry about was some photographer s film." (p. 185)
- 30.04.2009 vào lúc 9:54 pm
" Ba Bàm viết:
Bài viết công phu và hay, nhưng thiếu những chi tiết để người đọc hiểu thực sự cái gì đã hành hạ Eddie Adams suốt bao nhiêu năm quanh bức ảnh "Hành quyết ở Sài Gòn". Mời đọc thêm ở đây:
"...Sau khi giết người tù nhân bị bắt, viên cảnh sát trưởng đã nói với các nhà báo, "Nhiều người Mỹ đã bị giết trong ít ngày qua và nhiều bạn bè người Việt Nam thân thiết nhất của tôi nữa. Giờ các ông có hiểu không? Đến Đức Phật cũng sẽ phải hiểu."
Bức ảnh đã giúp cho Eddie Adams nổi tiếng, song ông đã ước mong sao ông chưa bao giờ chụp bức ảnh đó. Bởi vì tai tiếng của nó, bức ảnh đã hủy hoại cuộc đời của viên cảnh sát trưởng, đẩy ngược ông ta thành ra một kẻ tội đồ đáng ghét (và bị hiểu lầm) trên bình diện quốc tế suốt từ đó tới nay. Adams không bao giờ tha thứ cho bản thân mình về điều này..."
(Có nghĩa trước đó nhiều đồng đội của tướng Loan đã bị Lém giết)
- 30.04.2009 vào lúc 10:20 pm
" Đinh Từ Bích Thúy viết:
Kính thưa ông Ba Bàm,
Cám ơn ông đã đọc và gửi lời nhận xét. Khi tra cứu trước khi viết bài bình luận về phóng viên Eddie Adams, tôi cũng đã đọc được những chi tiết ông đã đề cập ở trên. Theo lời tường thuật của chính Eddie Adams, Thiếu tướng Loan, sau khi bắn Nguyễn văn Lém, đã nói: Hắn giết nhiều người lính của tôi và của các anh." ("He killed many of my men and many of your people"), Eddie Adams cũng kể thêm rằng, "Và [sau đó] ông tiếp tục rảo bước ... ông chỉ nói có thế thôi." ("And he just kept walking ... and that s all he said.") Những tài liệu tôi tham khảo không đề cập điều Thiếu tướng Loan nói thêm, "Giờ các ông có hiểu không? Đến Đức Phật cũng phải hiểu." Nếu có thể, xin ông cho biết nguồn tài liệu này.
Những bài báo Việt trên mạng có đề cập đến lý do tại sao Thiếu tướng Loan đã bắn chết Nguyễn văn Lém ngay trên đường phố mà không xử người này như một tù nhân chiến tranh trước tòa án VNCH, nhưng những tài liệu này thường đưa ra những chi tiết mâu thuẫn và hầu hết vẫn chưa được kiểm chứng theo nguyên tắc khoa học. Tôi thiết nghĩ nếu ai nhìn thấy bức ảnh này, và đã sống qua những thập niên 60-70 và biến cố 1975, đều có thể đoán tại sao sau đó ông Eddie Adams đã bị dằn vặt, mà không cần đưa ra những chi tiết mà ngay trong lúc này vẫn chỉ là những "luận bàn."
- 01.05.2009 vào lúc 5:01 am
" Ba Bàm viết:
Trong phần nhận xét, tôi đã đưa đường dẫn để tham khảo thêm tư liệu, nhưng có lẽ tác giả bài báo chưa kịp coi hết. Vậy xin dẫn tư liệu gốc
Nhưng dù có xem đó là "tư liệu gốc", cũng chỉ là một "tham khảo" mà thôi, để chúng ta cùng nhau ý thức mạnh mẽ hơn về thực trạng quá nhiều sự kiện lịch sử bị che đậy hoặc bóp méo mà không được công khai trao đổi, được đối chiếu kỹ càng; nhất là "lời nói gió bay", và lại về những vấn đề hệ trọng. Mong rằng tác giả bài báo không coi quá nặng nề việc có hay chưa có được vài tư liệu này.
***
I do not understand what you write, I'm Brazilian.
ReplyDeleteThank for your visiting!
ReplyDeleteIf you can read on English, please finding a lot of Commentaries about Eddie Adams on the Net, it's easy to understand what I wrote here!
I think that's best way for you.
(you're . . . .nice!!!)