HIỆN TƯỢNG “BẠO LỰC TRÁI PHÉP” CỦA CÔNG AN-thống kê tạm của Tạ Phong Tần
Nguồn: https://taphongtan.wordpress.com/2010/08/31/1168/
31/08/2010
Nguồn: https://taphongtan.wordpress.com/2010/08/31/1168/
31/08/2010
Thời gian gần đây, báo chí thỉnh thoảng phản ánh các vụ Cán bộ chiến sĩ lực lượng Công an sử dụng với dân trái pháp luật, năm 2004, năm 2005, năm 2006 đều có vụ này hoặc vụ khác được chỉ tên điểm mặt đích danh, và vô duyên nhất là vụ Thượng sĩ Nguyễn Trọng Vũ, cán bộ Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội và ma túy đã dùng súng hơi bắn bị thương em Nguyễn Minh Cảnh, 11 tuổi vì nghi em này ăn trộm điện thoại di động (Tiền Phong ngày 20/10/2006).
Tuy nhiên, trong năm 2007, 2008, hiện tượng bạo lực hóa trái pháp luật này càng lúc càng nhiều, không ít vụ làm dư luận phẫn nộ, bức xúc, nhất là những tháng đầu năm 2008 lại “rộ” lên
Trong phạm vi bài này không đề cập đến các vụ trấn lột, vòi tiền hối lộ… vì nó thuộc một phạm trù khác. Có thể liệt kê một số vụ “bạo lực hóa Công an” tiêu biểu được báo chí Nhà nước đăng tải như sau:
1- Đánh người toạc cả đầu
Ngày 11/6/2007, anh Tăng Hồng Hà trên đường về Nam Đàn, khi chạy xe qua địa bàn Hưng Nguyên đã bị Đại úy Trương Như Đạt (CSGT công an huyện Hưng Nguyên) dùng gậy đánh toạc cả đầu. Sau vụ việc này, lãnh đạo công an huyện đã họp và xét kỷ luật đối với anh Đạt. Tuy nhiên, mức kỷ luật mà Công an Nghệ An đưa ra là… cảnh cáo (?!). (Vietnamnet ngày 10/4/2008).
2- Đánh vì có “râu thấy ghét”(!)
Tối ngày 7/9/2007, một nhóm 9 người đến xã Ngũ Lão hát karaoke và đã xô xát với chủ quán. Cả nhóm bị CA huyện tạm giữ. Chiều hôm sau, các đối tượng này chỉ bị xử phạt hành chính.
Lập tức có 4 CA (mặc thường phục), xông vào đánh Long. Long đã xin lỗi nhưng vẫn bị số CA này đánh. Sau khi đánh Long ở phòng tạm giữ, Phạm Văn Hải còn gọi những CA khác đưa Long sang phòng ngủ của các điều tra viên, đóng cửa phòng vào đánh tiếp. Gần 1 tiếng sau, Long mới được đưa ra ngoài, sau khi đã ký biên bản. Gia đình lập tức đưa Long đi BV cấp cứu. (Lao Động ngày 11/9/2007).
3- Vi phạm Luật Giao thông là đánh
Khoảng 23h40 ngày 9/11/2007, một cán bộ CSTT tên Phan Văn Yến cầm dùi cui đuổi đánh tới tấp vào người dân vi phạm luật giao thông. Đồng thời, lúc này 2 CSGT (gồm 1 chiến sĩ làm nhiệm vụ lập biên bản xử phạt hành chính, 1 lái xe chở phương tiện vi phạm) lao vào đánh người dân.
Cảnh xô xát giữa lực lượng tuần tra giao thông với người dân cũng đã được anh Nguyễn Đức Trung, phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam chứng kiến ngay từ đầu. Nạn nhân là anh Trương Văn Đông.
Sau đó, phóng viên Đức Trung đã bị nhóm “côn đồ” ép ngã xuống lề đường, lao vào đánh tới tấp… Các đối tượng này vừa đánh vừa la lớn: “Mày là nhà báo à. Tao mà sợ nhà báo à…”. Sau đó, 4 thanh niên khác chạy xe tới nhặt gạch, gậy gộc trước công trường xây dựng ném và đánh tới tấp vào đầu, mạng sườn của phóng viên Đức Trung rồi cả nhóm nhanh chóng lên xe tẩu thoát về hướng cầu Bình Triệu 1, quận Thủ Đức. (Vietnamnet ngày 10/11/2007).
4- Được tăng cường cũng “khoái” bạo lực
Trong lúc ra quân giám sát việc thực hiện đội mũ bảo hiểm xe máy, một chiến sĩ thuộc Đội cảnh sát Kinh tế Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã giật chìa khoá xe máy của người không đội mũ bảo hiểm rồi cho anh này một cú… bạt tai.
Đây là chiến sĩ được tăng cường cho lực lượng cảnh sát giao thông. Sự việc xảy ra lúc 9h sáng 17/9, tại thị trấn Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Trong số những người có mặt tại hiện trường, có ông Nguyễn Thanh Bo, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh; ông Đào Văn Bính, Trưởng Công an huyện Kỳ Anh và một số vị lãnh đạo cấp tỉnh. (Dân Trí ngày 27/11/2007)
5- Có dùi cui không dùng để làm gì
Tối 6/1/2008, tại đường Bình Thuận, thị xã Tuyên Quang, anh Vũ Khắc Thưởng, trú tại xã Nông Tiến, thị xã Tuyên Quang đã bị một cảnh sát giao thông dùng dùi cui đánh liên tiếp vào đầu và lưng khi đang trên đường về nhà. (Dân Trí ngày 17/1/2008).
6- Công an viên cấp xã cũng lộng quyền
Rạng sáng 22-1, trong lúc say rượu, ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1956, ngụ tại xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) đã giẫm lên vườn rau của bà Hồ Thị Nga ngụ cùng ấp, lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát giữa hai bên.
Theo TTXVN, do nghi ông Tuấn hiếp dâm bà Nga(?) nên một số người dân xung quanh đã gọi điện báo công an xã. Ông Tuấn được mời lên làm việc. Thời điểm đó đang là ca trực của Huỳnh Văn Keo.
Tại trụ sở công an xã, ông Keo đã dùng gậy đánh ông Tuấn khiến ông Tuấn bị chấn thương nặng và phải vào bệnh viện điều trị. Sự việc đã gây bất bình cho nhiều người. (Người Lao Động ngày 23/1/2008).
7- Phó Công an xã giết người ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán
Ông Nguyễn Văn Đoạn (nguyên phó công an xã Tân Phước, Gò Công Đông) nhằm vào ba người bắn tiếp ba phát. Sự việc xảy ra khiến một người chết do vỡ tim, một trường hợp khác bị thương nặng. Riêng người cuối cùng do đội mũ bảo hiểm nên thoát chết. (VnExpress ngày 12/2/2008).
8-“Trời đánh tránh bữa ăn”, CA xã Phương Thủy thì… không tránh
Ai ăn Tết cổ truyền thì ăn, riêng CA xã Phương Thủy không thích ăn Tết. Ngày 11/2 (mùng 5 Tết), anh Nguyễn Đình Chương, trú tại xã Thuỷ Phương, Hương Thuỷ, TT-Huế đã bị CA xã đánh phải đi bệnh viện cấp cứu. Lý do “Bị đánh vì dám quay cảnh công an xã “hành” dân!” (Vietnamnet ngày 14/2/2008).
9- Không đội mũ bảo hiểm là ăn đòn
Trưa 14/2/2008, tại ngã tư Đại Cồ Việt (Hà Nội), Dương Trung Hiền điều khiển xe máy chở 2 người bạn, đều không đội mũ bảo hiểm. Theo các nhân chứng, Hiền bị một cảnh sát giao thông chặn lại, dùng dùi cui đánh gây đa chấn thương. (Báo Tuyên Quang ngày 15/2/2008).
10- Ngồi chơi bên lề đường cũng bị đánh
Tối 11-2, thiếu tá Ngô Văn Một trong lúc đi tuần tra đã ngang nhiên dùng dùi cui đánh em Nguyễn Thanh Nhựt (14 tuổi, tạm trú khu nhà trọ gần trụ sở UBND phường 6, TP Mỹ Tho) đang cùng bạn ngồi chơi trên lề đường Lê Thị Hồng Gấm, phường 6, TP Mỹ Tho, làm em Nhựt bị thương ở gáy và đùi. Theo thượng tá Lưu Văn Bình, Trưởng Công an TP Mỹ Tho, trong buổi làm việc với Ban chỉ huy Công an TP Mỹ Tho chiều 14-2, thiếu tá Ngô Văn Một đã thừa nhận hành vi dùng dùi cui đánh em Nhựt bị thương. (SGGP ngày 16/2/2008).
11- Chưa trộm cũng đánh để…. phòng ngừa
Nghi ngờ trộm cắp, 2 CA phường An Phú, thị xã An Khê, Gia Lai đánh làm 4 thanh niên nhập viện (Tiền Phong ngày 23/2/2008).
12- Con nít bày đặt gắn biển số xe đạp là bị đòn
Trên đường đi học về, em Nguyễn Anh Đức, học sinh lớp 11, trường THPT Nguyễn Khuyến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị cảnh sát giao thông Vũ Nguyên Thái yêu cầu tháo biển số xe tự chế. Sau đó, Đức đã bị ông Thái đấm đá phải nằm viện. (VnExpress ngày 29/2/2008).
Luật đâu có quy định xe đạp phải gắn biển số, ai biểu em Đức tự chế rồi gắn vô xe mình làm chi cho hại cái thân.
13- Nghi ngờ là đánh luôn trên đường
Vì nghi ngờ là đối tượng buôn bán ma tuý, anh Phạm Văn Quyết, nhân viên Xí nghiệp xe buýt 10-10 bị 3 công an thuộc Đồn 1, Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội liên tiếp đánh đập trên đường đưa về trụ sở, anh này ngất ngay tại khuôn viên trụ sở Đồn 1. Tuy nhiên, chỉ vài giờ đồng hồ sau khi kiểm tra nước tiều (kết quả dương tính cũng như không thu giữ được ma túy như nghi ngờ, anh này mới được đưa đi cấp cứu) anh Quyết đã được trả tự do (VnMedia ngày 1/3/2008).
14- Lương Tài: Nhiều lực lượng cùng tham gia hạ dân “đo ván”
Thực thi nhiệm vụ, 2 chiến sỹ công an người thì hùng hổ bẻ quặt tay một phụ nữ, kẻ thì dúi thẳng một người dân xuống đất rồi dùng còng số 8 đe dọa… Kết thúc màn “thực thi công vụ”, một người dân bất tỉnh nhân sự phải nhập viện…
Sự việc xảy ra tại thôn Bồng Lai, xã Lai Hạ (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) và đã được một người dân ghi lại. (Dân Trí ngày 5/3/2008, xem video ở đây).
15- Ra hiệu lệnh dừng xe bằng cách dùng ma trắc đánh người
Một số người dân chứng kiến tại hiện trường cho biết khoảng hơn 5g ngày 16-3, hai em Trần Vũ Phương (18 tuổi) và Trần Vũ Linh (15 tuổi) chạy xe máy từ TP.HCM đến tham quan núi Bà Đen, Tây Ninh.
Khi đi qua ngã ba Ngân hàng huyện Trảng Bàng (thị trấn Trảng Bàng) khoảng vài trăm mét thì bị hai CSGT huyện Trảng Bàng vượt qua, dùng cây ma trắc đánh vào người Phương, yêu cầu dừng lại. Bị đánh bất ngờ, Phương quay ngược xe bỏ chạy, hai CSGT đuổi theo và cúp đầu xe tại ngã ba Ngân hàng huyện Trảng Bàng. Tại đây, hai CSGT đã đánh và đá hai em Phương, Linh, gây nhiều vết thương bầm tím trên người Phương. Khi người dân đến can ngăn, hai CSGT mới thôi đánh. Công an huyện Trảng Bàng “làm việc” với hai em Phương và Linh từ sáng đến chiều nhưng cuối cùng chỉ giao biên bản vi phạm hành chính về giao thông. (Tuổi Trẻ ngày 18/3/2008).
16- Mới ra trường đã dùng súng thị uy
Ngày 31-3, Thượng tá Đỗ Quang Bích – Trưởng công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) – xác nhận đang tạm giữ một sỹ quan công an có hành vi dùng súng bắn bị thương một thường dân. Nạn nhân là Tạ Quang Anh. (Tuổi Trẻ ngày 1/4/2008).
17- Dừng xe người dân bằng cách ép và đạp cho té
Lúc 17h 15’ chiều 8/4, đoạn đường tránh TP. Vinh, địa phận xóm 5, xã Hưng Mỹ (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), nhiều người dân chứng kiến cảnh một CSGT dùng chiếc xe phân khối lớn ép một người đi đường rồi dùng chân đạp từ phía sau khiến người và xe bất ngờ ngã nhào xuống ruộng…
Một thanh niên có mặt tại hiện trường đã kịp bấm máy điện thoại ghi lại họ tên và số hiệu của chiến sỹ công an này. Đó là chiến sỹ Trần Văn Thái, số hiệu: 226-754 thuộc Công an Hưng Nguyên. Nạn nhân là anh Nguyễn Hồng Vịnh (SN 1981) trú tại xã Nam Lĩnh (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), hiện làm việc tại Công ty cổ phần 482 có trụ sở tại 155 đường Trường Chinh, TP Vinh. (Vietnamnet ngày 8/4/2008).
18- Đánh dân đến bất tỉnh ngoài đường
Tối 11/4, một sinh viên đã bị một cảnh sát giao thông đánh bất tỉnh ngay giữa đường phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Theo lời kể của những người chứng kiến, sau khi nạn nhân ngã xuống, công an này lên xe định bỏ đi thì bị người dân ngăn lại.
Sáng 12/4, anh Đoàn Phước Tuấn (sinh 1987 trú tại xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam), hiện là sinh viên lớp điện khóa 32 Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Quảng Nam, vẫn đang nằm điều trị tại khoa ngoại chấn thương (Bệnh viện đa khoa Quảng Nam). (Dân Trí ngày 12/4/2008).
19- Bị dân bao vây vì đánh người
Một sự vụ khác thường đã xảy ra tại Phú Yên. Cả trăm người dân tại xã Hòa Hiệp Trung đã bao vây tạm giữ xe của CSGT thay vì CSGT tạm giữ xe của đối tượng tham gia giao thông.
Sự việc đã kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, có rất nhiều người dân hiếu kỳ kéo đến, tụ tập rất đông gây mất trật tự cả một khu vực dân cư đông đúc.
Trong khi tổ công an thì đang phân trần giải thích rằng: “Anh em chúng tôi rượt đuổi nó chạy ra bờ ruộng nó té, chứ không ai đánh nó mà bà con làm ầm lên như thế”, thì phía bà con bức xúc: “ Các ông đánh nó vậy mà bảo không đánh”…
Tại hiện trường, ruộng lúa gần bờ vùng có vết ngã đổ theo hình người, có dấu chân dậm lúa. Hiện trường này khớp với lời khai của những người chứng kiến, thể hiện hạ sĩ Lê Tấn Dũng có hành vi đánh cháu Văn Tấn Linh. (Báo Bình Dương ngày 17/4/2008)
20- Phụ nữ cũng không tha
Sáng 23.4, đang giờ cao điểm, tại ngã tư Lê Hồng Phong – Ba Tháng Hai (P.12, Q.10, TP.CM), nhiều người đi đường chứng kiến một cảnh sát giao thông (CSGT) dùng gậy điều khiển đánh tới tấp vào đầu, tay một phụ nữ. Nạn nhân là chị Ngô Thị Ngọc Phượng – 45 tuổi, ngụ P.9, Q.10, Thành phố HCM. (Lao Động ngày 24/4/2008).
21- Xe máy không gương chiếu hậu cũng bị còng tay và đánh dập mặt
Sáng 29-4, do điều khiển xe máy không có gương chiếu hậu, Lữ Anh Tuấn (sinh 1988, thường trú tại số nhà 19, đường Trần Phú, phường Điện Biên, TP.Thanh Hóa) đã có xô xát với các công an xã Đông Hương (TP Thanh Hóa). Nhiều người dân chứng kiến sự việc đã tập trung trước trụ sở công an xã này để bày tỏ bất bình, bức xúc.
Theo biên bản làm việc, Lữ Anh Tuấn bị đánh ba vết bầm tím hình tròn đường kính khoảng 4cm ở vùng bụng; vai phải có vết xước rách dài khoảng 15cm, rộng khoảng 1cm; hai gò má sưng tím có đường kính khoảng 4cm; môi trên sưng dập; mũi chảy nhiều máu… (Tuổi Trẻ ngày 29/4/2008).
22- Lái xe 4 bánh cũng bị “chơi” luôn
Sáng 15/4, anh Nguyễn Đình Thành, lái xe của Công ty Cổ phần xây dựng Miền Trung đã bị CSGT thành phố Vinh (Nghệ An) đánh ngất xỉu, phải nhập viện trong trạng thái nguy hiểm. (SGGP ngày 5/5/2008).
23- Đỉnh điểm là đánh người tham gia giao thông chấn thương sọ não
Vụ việc mới nhất về 2 chiến sĩ CSGT Công an tỉnh Nghệ An rượt đuổi và đánh một người tham gia giao thông bị chấn thương sọ não ngày 30/4 tại thị xã Cửa Lò chỉ như “đổ thêm dầu vào lửa” về nỗi bất xúc, phẫn nộ của người dân khi tham gia giao thông.
Một số người dân ở thị xã Cửa Lò vẫn nhớ rõ vụ việc xảy ra: 16h chiều ngày 30/4, hàng trăm du khách và người dân chứng kiến hành động côn đồ của 2 chiến sỹ CSGT đối với một nam thanh niên. Nạn nhân là anh Hoàng Quyền, sinh năm 1988 (ở xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh ), hiện đang là sinh viên của Trường Cao đẳng giao thông vận tải (Hà Nội).
Những người dân có mặt đã tỏ ra hết sức phẫn nộ, bức xúc trước hành động bạo lực và vô văn hoá của chiến sỹ CSGT nói trên.
Quyền và 2 người bạn chở nhau trên xe máy ở đại lộ Bình Minh, thị xã Cửa Lò, không đội mũ bảo hiểm (MBH). Quyền quay xe định đi vòng đường khác.
Bất ngờ, một chiến sĩ CSGT túm lấy đuôi xe và tung gậy đánh thẳng vào đỉnh đầu Quyền khiến anh này ngất xỉu.
Rất nhiều người dân có mặt tại hiện trường đã kịp ghi lại tên và số hiệu của CSGT đã trực tiếp ra đòn với nạn nhân là chiến sỹ Nguyễn Văn Dũng, số hiệu 226-717, thuộc Đội tuần tra kiểm soát giao thông 1-46 (Công an tỉnh Nghệ An ), người còn lại tên Nam.
Anh Lê Duy Hồng, một du khách ở TP. Vinh chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối, bức xúc: Tôi cùng vợ và con gái đang dạo chơi thì thấy 2 anh CSGT chặn xe người thanh niên, một anh tay kia túm lấy đuôi xe, một tay giơ gậy tung hết sức phang thẳng vào đầu người thanh niên, ngất xỉu, người nằm gục trên xe. Đây là hành động mang tính côn đồ, bạo lực, điều không thể chấp nhận được”.
Điều đáng nói là nhiều người dân thấy sự bất bình hô lên: “CSGT đánh người, anh làm thế thì chết nó rồi”, thì nhận được cái trợn mắt từ anh CSGT “biết gì mà nói, nó giả vờ đấy”. Nói rồi hai anh CSGT cầm tay anh Quyền lôi tuồn tuột lên vỉa hè.
Đối với nạn nhân Quyền, sau khi “dính đòn” đã được một số người xe ôm đã vội đưa vào Bệnh viện đa khoa thị xã Cửa Lò cấp cứu, nhưng do tình trạng sức khoẻ quá nguy kịch, 18h25 phút cùng ngày, Quyền được chuyển lên Khoa Chấn thương, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.
Trong biên bản nhập viện của Bệnh viện hữu nghị Đa khoa Nghệ An ghi rõ: “Bệnh nhân Hoàng Quyền bị chấn thương sọ não do bị đánh”. (Truyền Hình Số Việt Nam ngày 6/5/2008)
….
Ông Nguyễn Đình Phúc, bố đẻ của nạn nhân Nguyễn Đình Thành bức xúc: “Không biết con tôi có sai hay không, nhưng tôi rất bất bình trước việc hành xử của một số vị cán bộ CSGT. Họ coi tính mạng con tôi không bằng loài súc vật. Cách giải quyết đó chỉ có ở bọn xã hội đen mà thôi”.
Tôi được biết quy định tuyển người vào ngành Công an đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao và khắt khe, ngoài đòi hỏi về trình độ văn hóa, phẩm chất đạo đức, còn có yêu cầu về lý lịch con giòng cháu giống, giai cấp tiên phong, hạt giống đỏ, v.v… và v.v… Tiêu chuẩn này theo thời gian ngày càng nâng lên chớ chẳng hề hạ xuống chút nào. Nhưng không hiểu sao lại có những “gương mặt đen” khoái hành xử bạo lực và trái pháp luật trong lực lượng đặc biệt này càng lúc càng nhiều.
Điều này làm cho tôi phải suy nghĩ:
1- Có sự xuống cấp, thoái hóa, sa đọa về trình độ văn hóa, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất, lối sống, đạo đức của Cán bộ chiến sĩ Công an tỷ lệ thuận với thời gian?
2- Lực lượng CA từ trước đến nay vẫn thế, bây giờ là khá hơn trước rồi đó, có điều hiện nay báo chí không bị cấm viết về những vụ ấy như hồi trước nên mới thấy “bạo lực trái phép” “nở rộ” trên mặt báo nhiều thôi?
3- Dân trí ngày càng nâng cao, người dân không cam chịu nhẫn nhục nữa mà đã biết đoàn kết tự đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình bằng cách tố cáo sai phạm, công khai trước công luận?
Tạ Phong Tần
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...