Một nữ phát ngôn viên cho Văn phòng Ðông Á của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư nói với đài VOA rằng chính phủ Mỹ đã gửi một kháng thư chính thức đến cho nhà cầm quyền Hà Nội và cho đại sứ Việt Nam tại Washington, ông Lê Công Phụng, liên quan đến vụ tấn công nhà ngoại giao Mỹ, ông Christian Marchant...
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phản đối công an VN hành hung viên chức Tòa đại sứ Mỹ
RFA 05.01.2011Trong một văn bản phổ biến tại thủ đô Washington chiều thứ Tư 5-1, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã chính thức lên tiếng phản đối việc công an Việt Nam hành hung viên chức Tòa đại sứ Mỹ, khi người này đến Huế thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý.
Ông Christian Marchant trong một lần đến thăm dự án Cocoa do Hoa Kỳ tài trợ ở Tây Nguyên Việt Nam hồi đầu tháng 6-2010. Photo courtesy U.S. Embassy.
Như tin chúng tôi đã loan tải vào chiều hôm qua linh mục Nguyễn Văn Lý mô tả lại việc ông Christian Marchant, tùy viên chính trị thuộc Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã bị công an hành hung, cản trở khi ông đến thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Nhà Chung, Tổng Giáo Phận Huế.
Theo LM Lý kể lại thì ông Christian Marchant đã đi máy bay từ Hà Nội vào Phú Bài, rồi từ Phú Bài, thuê xe để đến cổng 69 Phan Đình Phùng, vào thăm LM Lý. Trước khi ông Christian Marchant dến thì đã có sẵn công an tai dây, họ ngăn cản không cho ông Christian Marchant vào.
Cũng theo LM Lý kể lại thì ông Christian Marchant bị xô đẩy, bị công an đánh trong khi có sự chứng kiến của hàng trăm người dân tại đây.
Tại Washington DC vào lúc 1 giờ trưa tức 1 giờ khuya Việt nam, Bộ Ngoại Gao Hoa Kỳ đã chính thức đưa ra tuyên bố với nội dung sau đây:
“Chúng tôi nhận thức và quan ngại sâu sắc về vụ việc xảy ra và đã chính thức phản đối mạnh mẽ với chính quyền Việt Nam tại Hà Nội và đồng thời chúng tôi dự định sẽ đưa vụ việc lên Đại sứ Lê Công Phụng tại Washington vào ngày hôm nay. Các nhà ngoại giao được hưởng luật pháp quốc tế trong việc được bảo vệ đặc biệt để chống lại sự tấn công. Chính phủ Việt Nam có trách nhiệm phải có các bước thích hợp để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công về người, tự do và nhân phẩm của các nhà ngoại giao”.
Mời quý vị theo dõi toàn bài phỏng vấn LM Nguyễn Văn Lý của Đài Á Châu Tự Do:
Viên chức Tòa đại sứ Mỹ bị công an hành hung khi đến thăm LM Nguyễn Văn Lý
2011-01-05Ông Christian Marchant, tùy viên chính trị thuộc Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã bị công an hành hung, cản trở khi ông đến thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Nhà Chung, Tổng Giáo Phận Huế.
Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do sáng thứ Tư 5-1-2011, Linh mục Nguyễn Văn Lý thuật lại những chi tiết mà ông chứng kiến tận mắt.
Đỗ Hiếu: Thưa Linh Mục, đài chúng tôi vừa nhận được tin cho hay là ông Christian Marchant, thuộc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội bị cản trở khi ông đến thăm Linh Mục tại Nhà Chung ở Huế, sáng hôm nay thứ tư, 5 tháng Giêng, Linh Mục có thể kể lại những chi tiết liên quan đến sự việc này?
LM Nguyễn Văn Lý: Tôi được ông Christian Marchant hẹn đến thăm vào sáng hôm nay, lúc 10 giờ, về sau ông xin đổi qua chiều mai lúc 14 giờ. Cách đây mấy ngày, ông xin đổi lại là sáng nay, lúc 10 giờ.
Theo tôi biết thì ông đã đi máy bay từ Hà Nội vào Phú Bài, rồi từ Phú Bài, ông thuê xe để đến cổng 69 Phan Đình Phùng, vào thăm tôi. Trước đó 10 phút, xe của ông đến đó, nhưng đã có sẵn công an , đông rồi, ngăn cản không cho ông vào.
Bên trong phòng, tôi không biết chuyện gì xảy ra bên ngoài, nhưng đợi mãi, quá giờ rồi, thì tôi hồ nghi, bước ra coi thì tôi thấy cổng Nhà Chung bị cột chặt lại, có công an đứng lố nhố canh gác. Một số người giúp việc trong nhà chung đang theo dõi và tường thuật lại.
Đỗ Hiếu: Khi thấy ông Christian Marchant xuất hiện thì các nhân viên công lực phản ứng ra sao thưa Linh Mục?
LM Nguyễn Văn Lý: Ông Christian Marchant bị xô đẩy, theo lời những người này thì nói ông ta bị đánh nhiều, nhưng mà tôi đóan là vì dân chúng nhìn xa, thấy có xô đẩy chứ có lẽ ông không bị đánh đâu. Tôi vào trong nhà lấy sợi dây trợ lực chân của tôi, đội thêm cái mũ rồi tôi đi ra.
Bước khập khiểng ra cổng thì tôi nhìn rõ hơn, thấy các ông công an đang ngăn cản, không cho ông Christian Marchant bước tới gần cổng Nhà Chung, hai bên giằng co nhau, rồi nói với nhau cũng lớn tiếng. Ông Marchant cao to, có lẽ trên 1m8, dễ thấy, nên dân chúng tụ tập càng lúc càng đông, nhất là ở phía bên kia bờ sông An Cựu, là một con sông nhỏ, phụ lưu của Sông Hương, chạy ngang trước cổng Nhà Chung của Huế.
Ông Christian Marchant, tùy viên chính trị Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, trong chuyến viên thăm các sinh viên Đại học Tây Nguyên VN hối đầu tháng 6-2010.
Dân chúng đứng bên kia sông là đường Phan Chu Trinh, nhìn thẳng qua cổng Nhà Chung là đường Phan Đình Phùng, dân chúng đông lắm, có lẽ hơn cả trăm, họ quan sát và thấy công an đối xử thô bạo với ông Christian Marchant. Những người dân đó thuật lại rằng, ông bị vật xuống, nằm giữa đường, áo quần dơ nhớp, ông ta phải đứng lên.
Đỗ Hiếu: Chính mắt Linh mục thấy điều gì?
LM Nguyễn Văn Lý: Khi đi ra tôi thấy ông đứng đó chứ không bị vật, nhưng thấy ông vất vả lắm, ông đưa máy hình lên chụp hình, nhưng người ta cản trở, có một công an, cản trở ông bằng tiếng Anh, theo như tôi nghe được, hình như họ nói, tôi là một người tù, cho nên ông ta không được thăm.
Trước đây khi tôi ra khỏi tù, chính bà Phó Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội, vào thăm thì không thấy cản trở gì cả.
Lần này thì họ nói tôi là một người tù, ông không được thăm. Rồi ông ta phản đối, thì họ dùng bạo lực khiêng ông ta vào xe, ông giẫy giụa, chống đối đến cùng, nhưng vì họ đông, cho nên họ cũng khiêng ông ta vào được.
Ông ta rống lên phản đối một cách rất giận dữ và phẫn uất.
Đỗ Hiếu: Dù phản đối mạnh mẽ, tuy nhiên theo bản tin mà đài chúng tôi nhận được, ông Christian Marchant cũng bị công an áp giải lên xe đưa đi, điều đó có đúng không, thưa Linh Mục?
LM Nguyễn Văn Lý: Sau cùng, tôi thấy họ cũng khiêng ông ta vào được trong xe, họ đóng cửa xe lại, nhưng vì ông ta giẫy giụa, chống trả cho nên có lẽ họ thấy chạy xe trong tình trạng đó thì nguy hiểm, vì vậy mà có nhiều công an cũng vào xe đó, một loại xe của công an, không phải xe Jeep, mà loại gì tôi cũng không rành lắm, không thuộc loại xe du lịch mà là xe công quyền.
Thấy công an vào xe đó cùng ông ta, họ dùng biện pháp gì để khống chế ông ta, tôi không rõ.
Dân chúng bên ngoài cũng không thấy rõ vì loại xe này có kính phản quang, bên trong nhìn ra được mà bên ngoài nhìn vào không được. Khoảng chừng 10 phút, hình như họ khống chế được ông ta, cho nên chiếc xe bắt đầu lăn bánh.
Đỗ Hiếu: Việc ông Christian Marchant bị ngăn chặn, sau đó có xô xát, rồi bị công an mang lên xe, chở đi, kéo dài chừng bao lâu, thưa Linh Mục?
LM Nguyễn Văn Lý: Xô xát như vậy xảy ra kéo dài cũng gần một giờ đồng hồ, gần 11 giờ chiếc xe đó chạy đi rồi, bầu khí trở lại yên tỉnh dần dần. Công an còn đứng canh gác, trước công Nhà Chung, cũng khỏang 20 người, câu chuyện đó chỉ như thế thôi.
Đỗ Hiếu: Xin cám ơn Linh mục Nguyễn Văn Lý đã dành thời giờ cho RFA chúng tôi.
LM Nguyễn Văn Lý: Xin cám ơn quý đài. Cám ơn tất cả những người đã nghe đài. Chúc mừng năm mới!
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-embassy-officer-got-beaten-by-police-in-vietnam-dhieu-01052011113036.html
------------------------
Tin Liên Hệ
Hoa Kỳ phản đối vụ công an VN tấn công nhà ngoại giao Mỹ
VOA, Thứ Tư, 05 tháng 1 2011
Hoa Kỳ đã gửi kháng thư với lời lẽ thật mạnh đến Việt Nam phản đối vụ công an Việt Nam tấn công một nhà ngoại giao Hoa Kỳ làm việc ở Hà Nội.
Một nữ phát ngôn viên cho Văn phòng Ðông Á của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư nói với đài VOA rằng chính phủ Mỹ đã gửi một kháng thư chính thức đến cho nhà cầm quyền Hà Nội và cho đại sứ Việt Nam tại Washington, ông Lê Công Phụng, liên quan đến vụ tấn công nhà ngoại giao Mỹ, ông Christian Marchant.
Phát ngôn viên này không cho biết rõ chi tiết về vụ việc, nhưng hôm thứ Tư, đài Á Châu Tự Do loan tin ông Marchant bị tấn công trong lúc đến thăm một nhân vật bất đồng chính kiến hàng đầu, linh mục Nguyễn Văn Lý.
Linh mục công giáo này đã được phóng thích khỏi nhà tù vì lý do sức khỏe sau một thời gian dài bị giam cầm và hiện nay linh mục đang cư trú tại giáo phận Huế.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc nhở Việt Nam rằng nước này bị ràng buộc bởi công pháp quốc tế phải bảo vệ các nhà ngoại giao, tránh cho họ khỏi bị tấn công thân thể, bảo vệ quyền tự do và phẩm giá của họ.
Các nhóm nhân quyền và các chính phủ tây phương liên tiếp nhắc nhở Việt Nam ngưng sách nhiễu những nhà bất đồng chính kiến và các đoàn thể tôn giáo.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã cải thiện kể từ sau cuộc chiến, nhưng Washington liên tiếp cảnh báo chế độ cộng sản ở nước này rằng tương lai của các quan hệ song phương tùy thuộc vào mức độ Việt Nam tôn trọng nhân quyền.
---------------------------
Chính quyền CSVN muốn bịt miệng thế giới
Tháng Một 6, 2011 Ông Christian Marchant, Tùy viên Chính trị,Đại diện Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, bị hành hung và cưỡng bức không thể thăm Lm TNLT Nguyễn Văn Lý sáng 5-1-2011
FNA 11:00 5 Jan 2011 : Sáng nay, lúc 9g50, như đã báo trước, Ông Christian Marchant, Tùy viên Chính trị, Đại diện Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội và Anh Đào Công Đức, thông dịch viên, đi xe taxi đến cổng 69 Phan Đình Phùng, Huế để thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý, người tù nhân lương tâm đang bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não vì rối loạn huyết áp và đang bị quản chế tại Nhà Hưu dưỡng Nhà Chung Tổng Giáo phận Huế.
Ông Christian Marchant, cao to hơn 1,8m, khoảng 45-50 tuổi, và Anh Đức là 2 người đã cùng các đoàn chính khách Hoa Kỳ vào trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam thăm Lm Lý nhiều lần trong những năm 2004, 2008 và 2009.
Lẽ ra cuộc thăm gặp bình thường sáng nay sẽ bắt dầu lúc 10 g 00 như dự kiến. Nhưng …
Khu vực chung quanh Nhà Chung Tổng Giáo phận Huế từ ngày 15-3-2010, khi Lm Lý được đưa về điều trị tại đây thì vẫn có Công an canh gác khi lộ liễu, khi kín đáo, nhưng họ chưa cản trở hay gây phiền nhiễu cho bất cứ khách viếng thăm nào, dù trong hay ngoài Nước, dù người Việt hay người nước ngoài trong gần 10 tháng nay. Chỉ thi thoảng có vài dịp Lễ lớn, CA tăng cường đông hơn, có lẽ đề phòng Lm Lý đi Dâng Lễ đâu đó.
Nhưng trong vài ngày này, lực lượng CA đông hẳn lên, đến vài chục, hình như họ muốn ngăn chặn Lm Lý đi hành hương La Vang, dịp Đại hội đặc biệt năm 2011 này, là Đại Lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam, ước tính khoảng 500 ngàn Tín hữu tham dự với trên 30 Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục, cả ngàn Linh mục. Khách vào ra thăm Lm Lý vẫn bình thường, không ai bị khám xét bất cứ gì.
Tình hình nóng hẳn lên, khi xe chở Ông Christian Marchant và Anh Đức vừa đến cổng 69 Phan Đình Phùng thì 30-40 CA xông đến, vừa tự ý đóng cổng sắt Nhà Chung lại, vừa dùng bạo lực quyết tâm ngăn cản Ông Marchant và Anh Đức bước vào. Cuộc giằng co trở nên náo loạn khi 2 bên cùng lên tiếng to, nhiều CA đã vật Ông Marchant xuống đất, không cho ông chụp hình. Dân chúng 2 bên bờ sông An Cựu tụ tập xem càng lúc càng đông lên đến hàng trăm.
Lm Lý lê chân ra cổng đã bị đóng chặt, lớn tiếng gọi chào và cảm ơn Ông Marchant chỉ cách nhau khoảng 5m, nhưng Ông Marchant không nghe được vì các CA la hét lớn quá. Ông Marchant phẩn uất đến cực độ, rống lên như một con vật to lớn bị siết họng.
Cuối màn, vào khoảng lúc 11 giờ cùng ngày, CA đã khiêng Ông Marchant vứt lên xe không khác gì con bò lớn, gần như bị buộc bốn chân và bịt mõm.
Xe muốn chạy ngay, nhưng vì Ông Marchant vùng vẫy phản đối dữ dội, nên các CA phải vất vả tìm cách khống chế Ông cách nào đó bên trong xe chúng tôi không quan sát được. Phải mất # 10 phút sau, xe mới chạy được, đưa Ông Marchant và Anh Đức về Sở Ngoại vụ của tỉnh Thừa Thiên-Huế cách đó gần 1km.
Tuy cuộc thăm gặp đã không thể diễn ra xuôi thuận. Nhưng những gì xảy ra thì đã giúp nói lên nhiều điều hữu ích thay cho Lm Lý rất nhiều rồi, chắc chắn giúp Ông Marchant hiểu thấm thía, sâu sắc và rất sinh động về Nhân quyền, Tự do, Dân chủ và CSVN bằng hàng ngàn bài viết.
(Tình hình này xem ra Lm Lý muốn lê chân tham gia Biểu Tình trong những ngày tới với Đồng bào các giới, khó bước chân ra khỏi cổng Nhà Chung).
Theo chương trình, Ông Marchant và Anh Đức sẽ đi La Vang, Quảng Trị chiều nay.
Tại đây, từ chiều mồng 3, mồng 4 và cả sáng mồng 5 này, nhiều thanh niên, kể cả lương dân không Công giáo, không rõ do ai tổ chức, đã phát tán các tài liệu nóng do Lm Lý viết như : Người Chiến Sĩ Dân Chủ Hòa Bình Việt Nam hôm nay phải ưu tiên làm gì ? Đơn tố cáo Đảng CSVN trước Tòa Án Nhân Dân Tối Cao về 2 tội Phản Quốc và Bán Nước, Triển khai LỜI KÊU GỌI TIẾN HÀNH GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ CSVN để Thiết Lập Chế Độ Dân Chủ Đa Nguyên Đa Đảng VN Thăng Tiến Hòa Bình,Hướng Dẫn Biểu Tình Kiên Định Ôn Hòa…
Huế và Việt Nam đang nóng lên từng ngày. @@@
Hoa Kỳ phản đối công an Việt Nam hành hung một nhà ngoại giao Mỹ đến thăm cha Nguyễn Văn Lý
RFI Thứ năm 06 Tháng Giêng 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 06 Tháng Giêng 2011Thanh Phương
Người bị công an hành hung là ông Christian Marchant, tùy viên chính trị Tòa Đại sứ Mỹ. Ông Michael Michalak, đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã thông báo tin này hôm nay (6/1) và cho rằng đây là một vụ rất "nghiêm trọng", vì Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao quy định rất rõ là là các chính phủ phải bảo đảm an ninh cho các nhà ngoại giao ngoại quốc.
Đại sứ Michael Michalak cho biết chính phủ Hoa Kỳ, ở Hà Nội, cũng như ở Washington, đã chính thức phản đối chính phủ Việt Nam. Ông Michalak không cho biết chi tiết về vụ này, mà chỉ nói là một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Ông Christian Marchant, tùy viên chính trị Tòa Đại sứ Mỹ, hôm qua định đến thăm linh mục Nguyễn Văn Lý tại Nhà Chung, Tổng Giáo phận Huế thì bị công hành hung và cản trở. Linh mục Nguyễn Văn Lý, bị kết án 8 năm tù giam vào năm 2007 với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước », hiện đang được tự do tạm trong một năm để chữa bệnh. Trả lời RFI hôm nay, cha Nguyễn Văn Lý kể lại chi tiết vụ này.
Vụ hành hung nhà ngoại giao Mỹ xảy ra trong khi chỉ còn chưa tới một tuần nữa là khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 11 để bầu ra ban lãnh đạo mới và vạch ra những đường lối chính trị trong tương lai cho Việt Nam.
Cũng đúng ngày hôm qua, dân biểu Cộng hòa Ed Royce vừa đệ trình lên Quốc hội Mỹ một dự thảo luật nhắm vào những quan chức chính phủ Việt Nam bị coi là vi phạm nhân quyền. Những quan chức này sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và bị cấm hợp tác kinh doanh với các công ty Mỹ. Dự thảo luật này, còn chờ được thông qua ở cả hai Viện trước khi đưa lên tổng thống Obama để phê chuẩn, chỉ trích Việt Nam là một quốc gia độc đảng vẫn cưỡng lại những cải tổ dân chủ.
Ngoài ra, dân biểu Ed Royce còn đệ trình một dự thảo nghị quyết yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, tức là danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về những vi phạm tự do tôn giáo. (Hoa Kỳ đã xóa tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC vào năm 2006).
----------------------------
tin BBC,
Báo chí đưa tin gì về vụ ông Marchant?
Bà nói rằng "Các nhà ngoại giao nước ngoài cũng có nghĩa vụ tuân thủ Công ước Viena và tôn trọng luật pháp nước sở tại" và về "hành vi" của ông Marchant, gợi ý rằng trách nhiệm phải thuộc về nhà ngoại giao Hoa Kỳ.
Sang ngày thứ Sáu (7/1), báo Thanh Niên ở TP HCM chạy tựa ''Một nhân viên Đại sứ quán Mỹ gây rối trật tự'', trích nguồn tin của báo kể về sự cố xảy ra trên đường Phan Đình Phùng, Huế, rằng ''một người đàn ông ngoại quốc, tay xách cặp tự xưng là nhân viên ngoại giao tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội quát tháo ầm ĩ bằng cả tiếng Mỹ và tiếng Việt.''
Sự việc xảy ra khi ông Marchant cùng người phiên dịch tới thăm Linh mục bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý tại Huế.
Ngược lại, các báo ở nước ngoài đồng loạt đăng tải vụ họ cho là "nhân viên ngoại giao Mỹ bị tấn công" tại Việt Nam.
Ngoài các cơ quan truyền thông quốc tế, từ RFA, RFI, VOA, BBC cả tiếng Anh và tiếng Việt, nhiều báo lớn (New York Times, Wall Street Journal, Washington Post) và các trang báo địa phương tại Hoa Kỳ đều chạy tin và bài về chuyện này.
Bản tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đánh đi từ Washington hôm 6/1 cũng viết rằng "Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Năm nói họ gửi lời phản đối tới chính phủ Việt Nam về vụ đánh một nhà ngoại giao Mỹ tại nước này".
Một nhân viên Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhẹ nhàng khuyên giải nhưng người đàn ông ngoại quốc vẫn hùng hổ nói ông ta là nhân viên ngoại giao có thể đi bất cứ đâu, gặp bất cứ ai mà không cần phải xin phép. Tiếp đó, ông này còn gạt người nhân viên ngã dúi dụi, sau đó đấm vào mặt một người dân đứng gần đó, xô đẩy cả một số người đang đứng xem.. (báo Thanh Niên)
'Người con của Kentucky'
Đặc biệt, báo Richmond Register từ bang Kentucky, nơi cha mẹ ông Christian Marchant sinh sống, đã hỏi chuyện gia đình này và được bố ông, Giáo sư Marlow Marchant từ Đại học Eastern Kentucky University cho hay về con mình.
Theo Giáo sư Marlow Marchant, con trai ông nói thạo các ngoại ngữ Tiệp, Slovakia, Trung và Việt.
Được biết gia đình này từng sống ở Phoenix, (Arizona), Arkansas, Texas và Utah trước khi đến Kentucky.
Người cha cũng cho biết con trai ông, sau khi tốt nghiệp Đại học Brigham Young ngành chính trị học đã có hai năm đi truyền đạo Mormon ở Cộng hòa Czech.
Trường đại học của ông mang tên một trong số giáo chủ sáng lập ra đạo này, ông Brigham Young (1801-1877).
Tuy nhiên, theo báo Kentucky, ông Marlow Marchant được con trai đề nghị không bình luận về vụ việc xảy ra tại Huế.
Trước đó, hôm 3/1, vẫn báo Richmond Register loan tin ông Christian Marchant trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Hà Nội trước đó nói ông luôn "quan tâm đến chủ đề khiếu điện đất đai tại Việt Nam".
Bài của Bill Robinson khi đó khen ngợi các hoạt động không ngừng nghỉ của ông Marchant từ khi sang Việt Nam công tác tháng 9/2007, nhất là trong việc bảo vệ những người bất đồng chính kiến.
Tác giả mô tả rằng ông Marchant đã từng "lấy thân mình chắn công an Việt Nam để bảo vệ cho một phụ nữ đấu tranh bất đồng chính kiến".
Theo lời ông Marchant thì những chuyện như vậy "chỉ là một phần bình thường của công việc", và cho rằng "chế độ ở Việt Nam là toàn trị".
Ông là người có nhiệm vụ nêu ra các chủ đề cho đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt vốn được bắt đầu từ 1993.
Ông Marchant cũng cho báo từ bang Kentucky hay khi Ngoại trưởng Hillary Clinton sang thăm Việt Nam trong năm 2010, bà nói với ông rằng bà muốn đưa quan hệ Mỹ - Việt lên một tầm cao mới nhưng nhân quyền là "điều cản trở" (nguyên văn - stumbling block).
Được biết tới đây, ông Marchant sẽ về Washington để nhận giải thưởng ' Human Rights and Democracy Award' cho các hoạt động vì nhân quyền của ông.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng "phản đối mạnh mẽ" vụ ông Christian Marchant, tùy viên chính trị của Đại sứ quán Mỹ, bị tấn công khi tiếp cận linh mục bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý ở thành phố Huế.
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...