Cảm nghĩ gì về một bản kiến nghị?
Nghiêm Văn Thạch
(TL 258) Nghiêm Văn Thạch
Đăng bởi Trọng Khiêm
Thông Luận, Thứ hai, 23 Tháng 5 2011 13:21
Một người bạn chuyển cho (tôi) bản "Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ", do nhóm Bauxite Việt Nam soạn thảo. Quả thực là dù rất nể anh bạn, tôi rất phân vân.
Bênh vực Cù Huy Hà Vũ thì chắc chắn là điều phải làm rồi. Anh Vũ hoàn toàn vô tội và đã bị bắt giam và xử án một cách thô bạo. Hơn nữa tôi còn dành cho Cù Huy Hà Vũ một cảm tình đặc biệt vì anh là một trong số ít người dũng cảm dám ngẩng cao đầu trước bạo lực, dù đôi khi tôi ngạc nhiên trước những hành động không bình thường của anh, nhất là nơi một người có kiến thức về luật. Thí dụ như khi anh làm đơn xin ứng cử chức bộ trưởng văn hóa, hay khi anh làm đơn kiện ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về dự án Bôxit Tây Nguyên. Dù vậy tôi vẫn phân vân.
Trước hết là một vấn đề nguyên tắc. Người ta chỉ kiến nghị với một chính quyền chính đáng. Nhưng chính quyền cộng sản Việt Nam không chính đáng, nó tự áp đặt bằng bạo lực chứ không xuất phát từ bầu cử lương thiện. Kháng thư (thì) đúng hơn.
Sau đó là một sự bất công, không biết vô tình hay cố ý nhưng trong trường hợp này sai lầm vô ý nghiêm trọng hơn sai lầm cố ý, vì nó tố giác một tâm lý bệnh hoạn. Tại sao lại chỉ bênh vực một mình Cù Huy Hà Vũ trong khi có rất nhiều người đang bị bách hại chỉ vì nói lên lập trường của mình không khác gì anh Vũ? Những Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh v.v. không vô tội hay sao ?
Bản kiến nghị được tung ra giữa lúc Vi Đức Hồi, một người dân chủ đặc biệt đáng quý trọng, đang chờ xử phúc thẩm sau một bản án sơ thẩm cực kỳ thô bạo. Tất cả những anh em này không đáng kể hay sao ? Phải chăng chỉ có một mình Cù Huy Hà Vũ đáng bênh vực vì là con ông cháu cha, quen biết lớn và có bằng tiến sĩ ? Chắc chắn không phải là vì lý do bản kiến nghị phải cô đọng bởi vì nó đề cập đến cả những việc không liên quan gì tới vụ án như vật giá leo thang, đạo đức suy thoái, bất ổn xã hội v.v. Cũng không thể nói rằng nhóm Bauxite Việt Nam chỉ quan tâm tới Cù Huy Hà Vũ vì anh là một cộng tác viên vì bản kiến nghị không hề nhắc tới tư cách này mà chỉ nói tới "công dân Cù Huy Hà Vũ".
Bản kiến nghị cũng không hề nói tới tính vi hiến của điều 88 được dùng để cáo buộc Cù Huy Hà Vũ. Điều 88 này là một xúc phạm đối với các công dân và cũng chà đạp lên cả chính hiến pháp của chế độ. Quyền lợi của mình bị tước đoạt mà mình không dám lên tiếng đòi lại thì hy vọng ai ban cho mình ? Nó cũng không dám nói thẳng rằng đây là một vụ án chính trị, bản án đã được quyết định từ trước, các thẩm phán chỉ đọc. Đây là một vi phạm luật pháp từ gốc rễ, các thẩm phán nếu có lương tâm và danh dự cũng phải xấu hổ. Người ta không thể mỉm cười khi đọc câu "vì bản án quá nặng nề được tuyên một cách vội vã khiến dư luận nghĩ rằng nó đã được quyết định từ trước khi xét xử". Ai còn nghi ngờ điều này ?
Đây là một vụ án chính trị của một chính quyền hung bạo với mục đích đàn áp những tiếng nói phản kháng. Một chính quyền không có gì để hứa hẹn và thuyết phục thì chỉ còn vũ khí đàn áp. Nó chỉ ngưng tay đàn áp nếu gặp phản ứng đủ mạnh. Tâng bốc nó như là "một nhà nước đang xây dựng nền pháp quyền của dân, do dân, vì dân" để hy vọng kiến nghị sẽ được cứu xét không chỉ trơ trẽn mà còn chứng tỏ sự ngây thơ. Các tác giả của kiến nghị vẫn theo tinh thần XIN-CHO mà xin tha cho Cù Huy Hà Vũ, nhưng trong chính trị đòi hỏi có khi được khi không tùy theo tương quan lực lượng, còn xin thì thường là người ta không cho.
Tôi còn đang phân vân thì anh bạn gửi thư bảo đừng ký nữa, kèm theo thông báo của Bauxite Việt Nam, theo đó "bảng danh sách đăng ký vào Kiến nghị của BVN chưa mở rộng ra phạm vi những người nằm trong các tổ chức bị Nhà nước Việt Nam coi là “chống phá nước CHXHCN Việt Nam”. Nếu tôi ký chắc cũng bị gạch tên đi.
(Nếu vậy thì) Phải nói thẳng là quá tệ. Việc chính quyền cộng sản "coi là chống phá nước Việt Nam", một số người bất đồng chính kiến - và bách hại họ nếu bách hại được như chính trường hợp Cù Huy Hà Vũ - đáng lẽ phải lên án như một sự xấc xược thô bỉ thì lại tự nguyện tuân hành để hy vọng được đoái thương. Như thế thì xin tha cho Cù Huy Hà Vũ chẳng khác gì chỉ muốn cứu một cây trong khi bỏ cả khu rừng ?
Đến đây tôi cũng xin có ý kiến về một điều thường được nghe từ một số trí thức trong nước, và có thể nhiều người sẽ nhắc lại khi đọc những điều tôi vừa viết, đó là có một khoảng cách giữa trong và ngoài nước. Khoảng cách đó là sự kiện nhiều trí thức ở nước ngoài không hiểu được thực tại trong nước và những khó khăn mà anh em dân chủ trong nước phải đối đầu.
Nhưng quan sát và suy nghĩ kỹ thì "khoảng cách" này chỉ là lý cớ giả tạo. Giữa những người dân chủ trong và ngoài nước không hề có một khoảng cách nào trong suy nghĩ và lý luận. Dĩ nhiên dù theo đuổi cùng một mục tiêu với cùng một con đường bao giờ cũng có những điều mà người này có thể làm và người khác không thể làm, nhưng khoảng cách không hề ở chỗ đó. Khoảng cách thực sự ở chỗ có những việc không nên làm và không bắt buộc phải làm nhưng một số người vẫn làm. Thí dụ như gia nhập đảng đối lập cuội Nhân Dân Hành Động do công an thành lập để gài bẫy những người dân chủ nhẹ dạ, để đổi lấy ân huệ được xuất ngoại nghiên cứu tại William Joiner Center ; hay khẳng định "đóng góp ý kiến không ngoài mục đích mong cho đảng mạnh lên", hay như viết trong bản kiến nghị này rằng nhà nước cộng sản là "một nhà nước đang xây dựng nền pháp quyền của dân, do dân, vì dân". Những điều đó chỉ "cần thiết" nếu người ta muốn có được, hoặc giữ được một đặc ân nào đó của chế độ. Và nếu như vậy thì quả là có một khoảng cách rất lớn, khoảng cách giữa những người đấu tranh cho dân chủ và những người phục tùng chế độ. Sự chọn lựa phục tùng chỉ có thể cảm thông chứ không thể cho phép ai nói một cách cao ngạo rằng người trước mặt mình không hiểu.
Tôi nghĩ rằng giữa những người dân chủ với nhau cũng phải có sự phê phán thẳng thắn. Ở trong nước cũng như ở ngoài nước, và ở ngoài nước nhiều hơn ở trong nước, vẫn có những hành động gian trá, hoặc hời hợt vô ý thức cứ tái diễn một cách dai dẳng khiến quần chúng và những người thiện chí nhưng thiếu thông tin tiếp tục bị lầm lạc. Những người nhận thức được thì không chịu phê phán vì nể nang, và vì nghĩ rằng "những người tranh đấu không có bao nhiêu miễn có đóng góp là quí rồi".
Tâm lý nể nang đó gần đây đưa đến khuynh hướng chấp nhận không điều kiện và không phê phán những người được coi là "dân chủ trong nước", và ngược lại thái độ kẻ cả của một số người trong nước (điển hình là một sự kiện quá quen thuộc đến nỗi với thời gian tôi bắt buộc phải nhìn nhận dù không muốn là phần lớn các trí thức xuất phát từ chế độ cộng sản trong các bài viết của họ chỉ ca ngợi lẫn nhau thôi chứ không hề nhắc tới những người ở nước ngoài). Nhưng tại sao nếu chúng ta thực sự coi nhau là anh em chúng ta lại cần "giữ một khoảng cách" và không phê phán nhau một cách thành thực ?
Phê bình kiểm điểm là cần thiết để đừng lặp lại những sai lầm và để nhận diện những người thực sự là đồng hành trong cuộc vận động dân chủ. Không biết bao nhiêu người và tổ chức đã quá nhàm chán tại hải ngoại vẫn đánh lừa được người trong nước và ngược lại cũng không thiếu những người không xứng đáng ở trong nước vẫn được coi là "chiến sĩ dân chủ" và gây ảo tưởng cho người ở nước ngoài. Hàng ngũ dân chủ đã mỏng, phương tiện lại ít, nếu chúng ta lại hành động hỗn độn và không biết ai thực ai giả, ai quyết tâm ai tài tử, thì có hy vọng gì ?
Quyết định của nhóm Bauxite Việt Nam gạt những người bị coi là đối lập ra khỏi kiến nghị của họ có điều đặc biệt đáng chú ý là nó không cần thiết, ngay cả nếu đặt tiêu chuẩn an ninh lên hàng đầu. Với một kiến nghị lễ phép như thế, chính quyền cộng sản chẳng có lý do gì để truy bức. Hơn nữa đã lấy chữ ký trên mạng thì ai ghi danh chẳng được, dù có những người đối lập ký tên vào cũng chẳng ai nỡ bắt lỗi. Cần gì phải lên tiếng "mời quí vị đi chỗ khác" ? Đúng là có những trường hợp mà sự nhút nhát quá đáng khiến người ta trở thành khiếm nhã. Nhóm Bauxite Việt Nam đã chứng tỏ họ không muốn có một quan hệ nào với những người dân chủ cả. Họ không phải là những người dân chủ.
Thực ra những người khởi xướng nhóm Bauxite Việt Nam chưa bao giờ là những người dân chủ cả. Họ chỉ phản đối một dự án kinh tế sai lầm và có hại. Sự phản đối này đúng và đáng được ủng hộ nhưng không phải vì thế mà họ tự động là những người dân chủ. Dự án này cũng bị ngay chính một thành phần đông đảo trong đảng và nhà nước cộng sản phản đối. Có thể là trong thâm tâm họ cũng thích dân chủ nhưng điều này chẳng có gì là lạ, trong thâm tâm ai chẳng muốn có tự do và dân chủ, trừ những người cầm đầu các chế độ độc tài và một thiểu số được hưởng đặc ân.
Có người bình thường nào muốn (sống trong) một chế độ (mà) trong đó mình không được nói những điều mình nghĩ, không được bầu những đại biểu mình muốn, và có thể bị bắt, bị kết tội và bỏ tù một cách tùy tiện ? Chẳng ai thích một chế độ độc tài cả, người ta chỉ có thể vì những quyền lợi cá nhân mà chấp nhận nó. Trong một nước dưới ách độc tài chỉ có thể coi là dân chủ những người dám công khai phản đối chế độ và bày tỏ nguyện vọng dân chủ. Đây không phải là thái độ của nhóm Bauxite Việt Nam ; đối với họ nhà nước cộng sản Việt Nam là "một nhà nước đang xây dựng nền pháp quyền của dân, do dân, vì dân". Dưới một chính quyền bạo ngược có những người vẫn chấp nhận trả giá đắt để ngẩng cao đầu và cũng có những người chấp nhận cúi đầu. Bauxite Việt Nam không thuộc loại thứ nhất.
Nhóm Bauxite Việt Nam đã không muốn quan hệ gì với những người dân chủ thì chúng ta cũng chẳng có giải pháp nào khác là chiều ý họ và đừng mong đợi gì ở họ. Phong trào dân chủ sẽ không mất mát gì đâu. Trái lại khi hàng ngũ dân chủ chỉ gồm những người dân chủ thực sự nó sẽ có sức thu hút lớn hơn nhiều. Có thể lúc đó Bauxite Việt Nam sẽ đến với hàng ngũ dân chủ, và được hoan nghênh.
Nghiêm Văn Thạch
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...