. .

Sunday, September 4, 2011

Cách Mạng Libya 'truyền lửa' ra khắp thế giới Arab

Libya chưa yên, đến lượt Bahrain chìm trong bạo loạn

Đất Việt,  5:56 AM, 03/09/2011

Hàng nghìn người vừa xuống đường tại Bahrain sau cái chết của một thiếu niên được xác định là thiệt mạng trong khi đụng độ với cảnh sát.

>> Phe nổi dậy Libya 'truyền lửa' ra khắp thế giới Arab

Theo nguồn tin của nhiều nhân chứng có mặt tại hiện trường, nhóm người Hồi giáo Shiite tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ đòi cải cách chính trị tại Sitra, phía Tây Nam Thủ đô Manama vào ngày 31/8.

Đến rạng sáng ngày 1/9, đụng độ xảy ra giữa những người biểu tình và cảnh sát. Trong khi xung đột xảy ra, một thiếu niên tên Ali Jawad al-Sheikh bỗng đổ sụp xuống đường và tắt thở sau khi cảnh sát xịt hơi cay vào anh ta cũng như những người biểu tình khác.

Cái chết của Ali Jawad al-Sheikh khiến làn sóng người biểu tình càng thêm tức giận và tổ chức những cuộc tuần hành quy mô hơn.

Zainab Alkhawaja, nhà hoạt động vì dân chủ tại Bahrain cho hay, sự phẫn nộ có thể thấy rõ trên khắp các đường phố khi dòng người biểu tình hô vang và giơ cao khẩu hiệu lật đổ chế độ của Vua Hamad. “Mọi người hết sức phẫn nộ trước sự mạnh tay của cảnh sát. Ali Jawad al-Sheikh còn quá trẻ”, Zainab Alkhawaja nhấn mạnh.

Nabeel Rajab, giám đốc Trung tâm nhân quyền Bahrain nhận định, mọi người mất hết niềm tin về một giải pháp chính trị hợp lý cho những vấn nạn quốc gia. Vì vậy, những cuộc biểu tình đòi thay đổi chế độ chắc chắn sẽ diễn ra rầm rộ với quy mô lớn hơn trong những ngày tới.

Cái chết của Ali gây phẫn nộ trong những người biểu tình.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Bahrain khẳng định không xảy ra bất cứ cuộc giao tranh nào giữa lực lượng biểu tình và cảnh sát vào thời điểm thiếu niên này thiệt mạng.

Cảnh sát trưởng của Manama thì cho hay, rạng sáng ngày 1/9, một số nhóm bác sĩ gọi điện đến đường dây nóng của cảnh sát thông báo về cái chết của một thiếu niên. Tuy nhiên, những bác sĩ này không đưa ra bất cứ thông tin nào về thiếu niên này cũng như địa điểm tìm thấy xác chết.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, nguyên nhân cái chết là do bị thương sau gáy, gây mất máu quá nhiều. Cảnh sát trưởng này khăng khăng,  các xét nghiệm máu cho thấy không có bất cứ dấu hiệu nào về việc bị xịt hơi cay.

Vì vậy, Bộ Nội vụ Bahrain sáng nay tổ chức một cuộc họp báo để khẳng định lại thông tin này. “Sau khi khám nghiệm tử thi, các bác sĩ đã khẳng định, vết thương sau gáy gây ra cái chết của Ali không phải do bị bình xịt hơi cay hay gậy cảnh sát đập. Vết thương rất lớn nên khả năng Ali bị ai đó sử dụng vật to hơn nhiều để đập. Quan trọng hơn nữa là xét nghiệm máu cho thấy trong phổi của thiếu niên này không có chút hơi cay nào”, đại diện Bộ Nội vụ khẳng định.

Ông này cũng kêu gọi những người biểu tình hết sức bình tĩnh và treo giải thưởng 26.400 USD cho ai cung cấp được thông tin về hung thủ thực sự gây ra cái chết của Ali. 
 
Trà My (theo CNN)
 
----------------------------

Phe nổi dậy Libya 'truyền lửa' ra khắp thế giới Arab
 
Đất Việt, 7:07 AM, 24/08/2011
 
Sau khi xem cảnh ăn mừng của hàng nghìn người Libya ở quảng trường Thủ đô Tripoli hôm qua thông qua các phương tiên thông tin đại chúng, cộng đồng thế giới Arab thực sự bị kích động. Những gì đang diễn ra ở Libya bắt đầu khuấy đảo vùng đất này.
Cảnh những quân nổi dậy và người Libya ăn mừng ở Quảng trường trung tâm của Tripoli thực sự đang kích động toàn bộ thế giới Arab.

“Tôi ngồi ở nhà xem tình hình chiến sự ở Libya và dù không có mặt ở đó, tôi vẫn cảm nhận được không khí phấn chấn, hân hoan lan tỏa ra từ màn hình TV, máy tính và điện thoại. Tôi nghĩ rằng Tổng thống Assad nên xem những gì đang diễn ra ở Tripoli để thấy tương lai của ông ta”, Naseem Tarawnah, một blogger người Jordan chia sẻ cảm xúc.

Phản ứng của cộng đồng thế giới Arab chứng tỏ ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ của cuộc chiến ở Libya đối với nền chính trị Arab.
Công chúng Arab chứng kiến bạo loạn ở Libya hồi tháng 2 - một tuần sau khi Tổng thống Tunisia Mubarak bị lật đổ. Tiếp bước theo Tunisia và Libya, hàng loạt các quốc gia Arab khác như Algeria, Ai Cập, Yemen, Jordan, Bahrain, Oman, Sudan, Syria hay Morocco cũng chìm trong cảnh bạo loạn, biểu tình đòi thay đổi chế độ. Làn sóng cách mạng này được phương Tây đặt cho cái tên là “Mùa xuân Arab”.
Cũng giống như chế độ Gaddafi, chế độ của các Tổng thống tại Bahrain, Yemen hay Syria không hề tỏ ra nao núng trước các đợt tấn công, biểu tình rầm rộ của quân nổi dậy, thậm chí kể cả các chiến dịch không kích của NATO. Họ nhìn chung cũng bỏ qua hoặc không màng đến phản ứng của cộng đồng Arab, những người theo dõi cuộc chiến thông qua kênh truyền hình al-Jazeera và internet.

Cần nhớ lại rằng, sự leo thang bạo lực ở Syria, Bahrain và Yemen trùng khớp với thời điểm bạo loạn xảy ra ở Libya. Đây rõ ràng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Tính chất nền chính trị Arab là có tính kết nối cao. Đó là ý thức cùng chia sẻ một số phận chung và một tình cảnh chung. Cộng đồng Arab từng cảm nhận điều này hồi tháng 2 và tháng 3 khi bạo loạn mới bắt đầu bùng phát ở một vài quốc gia trong khu vực nhưng chẳng bao lâu sau đó lại kéo theo sự leo thang bạo lực trên toàn khu vực, đủ sức làm rung chuyển cả thế giới Arab.
Bạo loạn ở Syria thực sự bắt đầu âm ỉ và bùng nổ vào ngày 18/3 nhưng liên tục chìm trong các đợt đàn áp của chế độ Assad. Cộng đồng quốc tế lên án, các biện pháp trừng phạt cũng được thảo luận và tòa án tội phạm quốc tế cũng đang lên kế hoạch chống lại chế độ Assad giống như những gì làm với chế độ Gaddafi.
Còn ở Yemen, ngày 18/3 cũng là “ngày thứ 6 đổ máu” khi quân đội của Tổng thống Ali Abdullah Saleh xả súng vào những người biểu tình ở ĐH Sanaa, châm ngòi cho các cuộc biểu tình diễn ra ở khắp đất nước những ngày sau đó.
Tổng thống Saleh cũng như Tổng thống Gaddafi đều không chịu từ bỏ quyền lực và Yemen rơi vào thế bế tắc chính trị cho đến nay. Chỉ vài tuần trước, Libya mất đi sự chú ý của cộng đồng Arab bởi sự ảm đảm, dấu hiệu của một cuộc chiến còn kéo dài không biết bao giờ kết thúc.
Hơn nữa, cộng đồng Arab lúc bấy giờ còn mải mê bận tâm tới vụ đàn áp dã man những người biểu tình ở Bahrain, thế bế tắc không thể thoát ra nổi ở Yemen cho tới bạo lực leo thang ở Syria.
Hình ảnh trong một vụ leo thang bạo lực đẫm máu mới đây ở Syria.
Tuy nhiên, chỉ trong hai ngày gần đây, Libya thực sự có sự thay đổi thần kỳ và thu hút toàn bộ sự chú ý của cộng đồng Arab trở lại. Từ người Yemen, Syria, đến người Morocco đều coi sự sụp đổ của chế độ Gaddafi như là cái kết sẽ đến với họ. Điều đó làm cho họ phấn kích và tràn đầy sinh lực.
Được kích động bởi sự kiện ở Libya, người Syria hiện nhất loạt biểu tình và hô vang khẩu hiệu "Gaddafi bị hạ bệ rồi, bây giờ đến lượt ông, Assad!"
Và tại quảng trường trung tâm của Yemen, những người biểu tình cũng hô to những khẩu hiệu tương tự. Một khẩu hiệu trong số đó là “Yemen và Syria sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh, bạn bè Libya sẽ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang tiến gần đến đích chiến thắng hơn là chúng ta nghĩ".

Tuy nhiên, ai cũng hiểu vẫn còn một chặng đường dài cần đi và một đất nước Libya mới sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong tương lai. Và cũng không ai ảo tưởng rằng tinh thần nhiệt huyết từ Libya sẽ giúp mang đến một kết thúc kỳ diệu thay thế bế tắc ở Yemen hay ngừng đổ máu ở Syria.
Song, những gì đang diễn ra ở bên trong Tripoli thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ ra ngoài phạm vi Libya, tới những quốc gia khác trong khu vực cũng đang đấu tranh hòng lật đổ chế độ và khích lệ tinh thần của họ.
Và Yemen, Syria hay bất cứ quốc gia Arab nào đang đấu tranh cho một chế độ mới dân chủ và khoan dung cần tạo ra sự thay đổi thực sự ngay thời khắc này giống như những gì mà Libya làm được. 

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Arab như Assad hay Saleh hãy nên xem thay đổi để tránh kịch bản Gaddafi.

 
Lê Dung (theo Foreign Policy)

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...