. .

Tuesday, September 20, 2011

Vĩnh biệt anh, nguời tù bất khuất Trương Văn Sương-Lê Minh

Sydney, ngày 19/09/2011

Lê Minh


Tin anh Trương Văn Sương đột ngột qua đời hôm 12/09/2011 tại trại giam Nam Hà, chỉ hơn 3 tuần sau khi bị buộc quay trở lại trại giam, đã làm xúc động biết bao lòng người. Mấy năm trước khi anh mất đã có một số bài viết nói về anh của một số bạn tù như Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Văn Thành. Nay anh ra đi để lại biết bao thương tiếc đã khiến một số bạn tù khác bộc lộ những cảm xúc về anh như bài viết của các tác giả Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Quang, Hoàng Ngọc Tuấn.


Tên tuổi của anh Sương được gắn liền với bản tính kiên cường bất khuất và chiều dài năm tháng tù tội mà anh phải hứng chịu. Tính đến ngày anh mất,sau khi trừ đi 1 năm được nhà cầm quyền VC “tạm tha” để ra ngoài chữa bệnh thì anh đã phải ngồi tù hết 33 năm chẵn. Một kỷ lục mà ông Nelson Mandella cũng phải chào thua, bởi không chỉ là người tù thâm niên lâu năm nhất, mà nói theo tác giả Hoàng Ngọc Tuấn thì còn có một cái “nhất” nữa không thể không nhắc đến: anh là tù nhân gian khổ nhất, bất hạnh nhất.

Ls.Nguyễn Văn Đài, người cựu bạn tù với anh cho chúng ta biết về những năm tháng tù đày gian khổ của anh trong các trại tù ở miền Nam, vì khi đó nhiều lúc anh và các bạn tù khác phải kéo cày thay trâu! Ls. Đài cũng cho biết, thay vì phải viết bản kiểm điểm nhận tội hằng tháng, thì anh viết vào đó là “yêu cầu xoá bỏ Điều 4 Hiến Pháp”.

Anh Sương còn cái nhất nữa là bản tính bất khuất mà nhà báo Nguyễn Khắc Toàn từng thuật lại rằng mỗi khi bị quản giáo trại giam đánh đập, cùm chân, anh Sương đã nhiều lần hô to:

“Đả đảo CSVN đàn áp tù nhân chính trị, các cán bộ công an có giỏi thì hãy bắn tôi đi,... Trương Văn Sương này suốt đời chiến đấu cho lý tưởng tự do...”

Nhà thơ Trần Đức Thạch cũng xác nhận “anh Sương là một anh hùng” và “tinh thần của anh Sương là tinh thần cực kỳ bất khuất”. Ông cũng có ý muốn tìm gặp anh Sương sau khi ra tù để tìm tư liệu viết một cuốn sách về con người bất khuất này.

Cực khổ là thế vậy mà anh vẫn tồn tại trong suốt 33 năm tù cay nghiệt. Thế nhưng, chỉ sau hơn 3 tuần lễ quay trở vô nhà tù Nam Hà, anh đã thành người thiên cổ.


Đồng ý rằng khi được “tạm tha” để ra ngoài chữa bệnh, anh đã mang sẵn trong người một số thứ bệnh như bệnh gan và tim. Nhưng trong thời gian một năm ở bên ngoài, anh đã được thân nhân, bằng hữu chăm sóc tận tình nên sức khoẻ đã khả quan hơn nhiều. Thậm chí, Ls. Nguyễn Bắc Truyển còn cho biết, trước khi quay trở lại tù, anh Sương còn đủ sức khỏe để lái xe gắn máy. Vậy vì lý do gì mà anh đã đột ngột qua đời chỉ 3 tuần lễ sau khi quay trở lại trại tù Nam Hà.

Nhà tù có thể đưa ra nhiều lý do về sức khỏe cho cái chết của anh, nhưng chắc chắn là họ không thể lý giải được tại sao anh lại đột tử nhanh như vậy. Chưa hết, cho đến nay nhà tù Nam Hà cũng chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào chứng minh được nguyên do anh Sương đột tử, dù là một bản giảo nghiệm tử thi viết nguệch ngoạc giả dối.

Cái chết bất ngờ của anh Sương khiến người ta đưa ra nhiều suy luận, trong đó có giả thuyết cho rằng anh bị tra khảo đến chết, hoặc là lên cơn đau tim trong khi bị tra tấn. Điều này có thể lý giải tại sao nhà tù Nam Hà đã cho mổ thi mà không có sự hiện diện của thân nhân và nhanh chóng tẩm liệm thể xác của anh vào quan tài để phi tang các dấu vết trên cơ thể của anh. Chính vì vậy trại tù đã thẳng thừng từ chối cho thân nhân đem xác anh về an táng tại quê nhà Sóc Trăng. Trong cuộc phỏng vấn mới đây của Quỹ Tù Nhân Lương Tâm, nhà thơ Trần Đức Thạch, người vừa mới ra tù cũng đã xác nhận sự suy đoán này.

Cũng như thân phận của ông Nguyễn Văn Trại, thân xác của anh Sương đã phải nằm lại trong khuôn viên nghĩa địa chôn cất tử tù dưới chân núi, ở phía sau trại Nam Hà.

Nhà cầm quyền CSVN lo sợ một đám tang của Trương Văn Sương ở bên ngoài sẽ tụ tập nhiều thân hữu, cựu bạn tù và những người mến mộ anh. Thân nhân xin được hỏa táng thân xác anh để đem tro cốt về quê nhà cũng bị từ chối bởi vì nhà cầm quyền lo sợ rằng sự yêu thương quý mến của bạn bè thân hữu sẽ biến nấm mộ của người bất khuất Trương Văn Sương thành một “thánh địa”, nơi có nhiều người đến thăm viếng, hương hỏa cho anh.

Anh đã chết nhưng thân xác anh vẫn phải tiếp tục bị giam cầm trong nghĩa địa của khuôn viên trại tù. Giờ đây anh phải nằm trong lòng đất lạnh, tại một nơi xa xôi trên đất Bắc. Liệu sau 3 năm nữa họ có giữ lời hứa sẽ cho phép thân nhân mang hài cốt của anh về Nam để đoàn tụ với vợ và con gái không? Hay lại tiếp tục giam thân xác anh suốt đời trong trại giam Nam Hà?



Anh Sương mất đi, giờ đây còn một người tù lương tâm lâu năm, không kém phần bất khuất khác là cựu Đại Úy QL VNCH Nguyễn Hữu Cầu, một số phận nghiệt ngã. So anh Sương, thì anh Cầu là tù nhân thâm niên hơn bởi vì trừ đi đúng một năm tù được thả ra vào cuối năm 1981, thì cho đến nay anh Cầu đã ngồi tù suốt hơn 35 năm qua.

Ngoài anh Cầu còn có nhiều tù nhân thâm niên khác như:

- Ông Vũ Đình Thụy: cựu sĩ quan BĐQ VNCH xuất thân Thủ Đức bị án 30 năm tù vì tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” và “làm thơ phản động gởi ra nước ngoài”.

- Ông Trần Quang Đô

- Ông Bùi Thúc Nhu: bị án chung thân từ khoảng năm 1989. Quê Phú Yên, người xuất thân từ Đảng Đại Việt (Phú Yên).

- Ông Nguyễn Đình Văn Long (bị bắt khoảng năm 1985)

- Ông Trần Tư, về từ Hoa Kỳ, bị bắt 1993, án chung thân.

- Ông Lê Văn Tính (20 năm tù)

- Ông Nguyễn Tuấn Nam, tức Bảo Giang (19 năm tù)

- Ông Bùi Đăng Thủy (18 năm tù

- Ông Nguyễn Văn Trại (15 năm tù. Đã chết trong tù vào tháng 7 vừa qua, chỉ 5 tháng truớc khi mãn hạn tù).

Tác giả Hoàng Ngọc Tuấn cũng đã cung cấp thêm danh sách một số tù nhân chính trị khác như:

- Ông Lê Văn Tiến (đảng Việt Tân)

- Ông Nguyễn văn Trung (dưới cái nhìn của tác giả Hoàng Ngọc Tuấn là “một anh hùng thực sự”) – (án chung thân)

- Ông Trần Nam Phương – (án chung thân)

- Ông Dương văn Sỹ (án chung thân)

- Ông Hoàng Xuân Chinh

- Ông Nguyễn Đình Oai

- Ông Nguyễn văn Sạch và Danh Bảo (thuộc tổ chức ông Hoàng cơ Minh).

Vĩnh biệt người tù bất khuất Trương Văn Sương, chúng ta cũng không quên số phận nghiệt ngã của những tù nhân chính trị thâm niên trong danh sách bên trên, cũng như hàng trăm hàng ngàn tù nhân lương tâm khác.

Xin mượn lời thơ góp nhặt của một số tác giả thay lời tiễn đưa anh Sương chặng đường còn lại.
Ôi hào hùng ý chí Trương Văn Sương
Vì tổ quốc, thà chết cho quê hương

(Trích từ bài thơ “Thương tiếc người hùng Trương Văn Sương” của Trường Kim)



Anh đã đến, rồi đi tựa như áng mây trôi
Nhưng bóng dáng muôn đời lưu giữ mãi
(trích từ bài thơ của tác giả Nguyễn Ngọc Quang)

Xin vĩnh biệt anh, nguời tù bất khuất Trương Văn Sương!

Sydney, ngày 19/09/2011

Lê Minh

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...