. .

Friday, March 23, 2012

'Đảo chánh' giữa Bắc Kinh, và những tin động trời khác - Người Việt Online

...Như hầu hết những xã hội khép kín, việc chính quyền Trung Quốc bưng bít tin tức về hoạt động nội bộ nhóm cầm đầu đảng Cộng Sản trở thành mồi ngon cho các loại tin đồn...

Vũ Quí Hạo Nhiên, Người Việt, Friday, March 23, 2012 6:57:24 PM

Những lời đồn đãi về một cuộc đảo chánh cung đình chiếm ngự mạng Internet trong nước, và khi bị an ninh mạng xóa thì lại rộ lên ở các trang hải ngoại.
Chu Vĩnh Khang trong buổi lễ khai mạc cuộc họp Quốc Hội Trung Quốc hôm 5 tháng 3 ở Bắc Kinh. (Hình: Liu Jin/AFP/Getty Images)

Như một trò chơi rượt bắt, lời đồn đảo chánh rộ lên rồi bị xóa. Bị xóa xong, những tin đồn lại rộ lên lại, rồi lại bị xóa tiếp. Trang mạng Weibo, một trang microblog lớn tương tự như một thứ Twitter của Trung Quốc, dồn dập lên xuống chuyện đảo chánh, có rồi xóa, có rồi xóa.

Tuy có nhiều chi tiết khác nhau, đại khái ý chính của những tin đồn này là: Trong chóp bu đảng có phe Thượng Hải và phe Ôn Gia Bảo, hai phe đấu đá nhau về người kế vị Hồ Cẩm Ðào. Bí thư Bạc Hi Lai (Bo Xilai) thành phố Trùng Khánh nằm trong phe Thượng Hải đối nghịch với Tập Cận Bình (Xi Jinping), người được xem là đã thắng trận đấu truyền ngôi.

Việc cách chức Bạc Hi Lai được đồn là một nước đi của phe Ôn đá phe Thượng Hải. Phe Thượng Hải bèn đấu lại, và chuyện đá lại, là nội dung chính của vụ “đảo chánh” đang được đồn đãi. Hiện nay phe nào đang thắng thì có tin nói thế này có tin nói thế khác.

Ðại gia cũng quan tâm

Những loại tin đồn này không phải chỉ là mối quan tâm của những người rảnh rỗi. Trong xã hội Trung Quốc, chuyện làm ăn nhiều khi gắn liền với cái “gốc bự dù to,” và sự long dù trốc gốc ở trong nội bộ chóp bu Bộ Chính Trị, gắn liền với nồi cơm của nhiều tỷ phú.

Vì vậy, nhiều doanh gia cũng thấp thỏm xem chuyện gì đang xảy ra. Một trong những đại gia này là Pan Shiyi, một nhà đầu tư địa ốc nổi tiếng của Trung Quốc, với 9.2 triệu người đọc trên Weibo. Sau khi chứng kiến mạng Weibo xóa bài và kiểm duyệt tin, Pan Shiyi viết vào tối 19 tháng 3:

“Weibo tối nay rất lạ, có nhiều chữ bị cấm. Tôi thấy có những bài bị xóa nhiều lần trên Weibo, làm tôi rùng mình? Hay có khi là ma quỷ? Thôi tắt máy đi ngủ đi.”

Chỉ trong một ngày, bài microblog bóng gió này được chuyền đi hoặc trả lời gần 3000 lần. Cũng có thể vì nó mập mờ, an ninh mạng không xóa bài này của Pan Shiyi.

Phe phái

Shiyi phải viết mập mờ bóng gió, là vì những điều nói đang nghĩ, nằm trong phần hậu trường sâu thẳm nhất của chính trị Trung Quốc. Hai vai chính trong bi hài kịch này là hai vị chúa tể trong ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng Sản.

Với đảng Cộng Sản Việt Nam, Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên, là cơ quan cao nhất của đảng này. Ðảng Cộng sản Trung Quốc thì khác. Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc có 25 ủy viên, và chưa phải cơ quan cao nhất.

Bên trong Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc có một bộ phận 9 người gọi là Ban Thường vụ Bộ Chính trị, và bộ 9 này mới là cơ quan quyền lực cao nhất trong đảng. Chín người này mới là người quyết định mọi chuyện cho quốc gia 1.3 tỷ người, và đó là nơi người ta đang đồn vụ đấu đá và đảo chánh xảy ra.

Bạc Hi Lai là một ủy viên Bộ Chính trị, nhưng không nằm trong Ban Thường vụ. Ðàn anh của họ Bạc trong Bộ Chính trị được cho là Zhou Yongkang (Chu Vĩnh Khang), bộ trưởng Bộ Công an. Họ Chu đã sẽ phải hưu trí sau nhiệm kỳ này, và họ Bạc từng được xem là sẽ lên thế.

Họ Chu, đứng hạng 9 trong số 9 nhân vật Ban Thường vụ, được xem là thuộc phe Thượng Hải. Phe này gồm những người hoặc xuất thân từ Thượng Hải hoặc từng nắm chức vụ lãnh đạo thành phố kinh tế phát triển hàng đầu Trung Quốc này.

Phe Thượng Hải có tới 4 ghế trong Ban Thường vụ hiện nay, kể cả 3 ghế trong top 5: ghế số 2, 4, 5. Ghế số 1 là của Tổng bí thư Hồ Cẩm Ðào và số 3 là của Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Nhóm Thượng Hải được cho là không ủng hộ cho Tập Cận Bình lên kế vị, nhưng họ Ôn và họ Hồ tích cực vận động cho ông này. Các tin đồn đảo chánh quay quanh mâu thuẫn giữa Ôn và Chu.

Tin rằng Ôn đánh Bạc


Ngày 14 tháng 3, một ngày trước khi họ Bạc bị cách chức, Thủ tướng Ôn Gia Bảo lên tiếng báo động về sự trở lại của cách mạng văn hóa.

“Cải cách đang đến giai đoạn cấp thiết,” họ Ôn nói. “Nếu không cải cách chính trị thành công, Trung Quốc không thể thực hiện thành công cải cách kinh tế, những thành tựu chúng ta đạt được có thể mất đi và nếu những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội không được giải quyết cơ bản, thì những thảm kịch lịch sử như ‘cách mạng văn hóa’ có thể lặp lại.”

Trước đó, ngay lúc phái đoàn Trùng Khánh tới Bắc Kinh, họ được/bị bí thư Ban Kiểm tra Kỷ luật chào bằng một lời báo động giấu bên trong một câu nói về thời tiết:

“Khí hậu Trùng Khánh rất khác Bắc Kinh... Lúc này đang là thời điểm giao mùa. Tôi hy vọng mọi người chú ý giữ ấm, chống cảm lạnh, lưu ý giữ sức khỏe.”

Ban Kiểm tra Kỷ luật cũng là cơ quan của đảng đứng đầu cuộc điều tra viên công an Wang Lijun (Vương Lập Quân), cựu giám đốc công an Trùng Khánh bị tố âm mưu tỵ nạn chính trị.

Hầu hết các nguồn tin đều đồng ý với nhau là họ Bạc mất chức là do họ Ôn. Cùng lúc đó, tin đồn cho rằng họ Chu tranh đấu cho tới phút chót để cứu nhân vật này.

Tin rằng Bạc kiếm lính


Mọi nguồn tin đều cho rằng lý do họ Bạc bị thất sủng là vì vụ họ Vương đi tỵ nạn. Tuy nhiên, trên Internet còn loan nhiều tin nặng nề hơn.
Hồ Cẩm Ðào (trái) với Chu Vĩnh Khang (Zhou Yingkang) tại một buổi họp Quốc Hội năm 2010. Tin đồn đảo chánh Bắc Kinh cho rằng hai người này chống nhau, thậm chí mang quân tới bắn nhau giữa Trung Nam Hải, Bắc Kinh. (Hình: Liu Jin/AFP/Getty Images)

Ðài truyền hình NTDTV, do một nhóm tín đồ Pháp Luân Công lập ra, loan tin rằng sau khi họ Vương bị bắt, Bạc Hi Lai cùng một phái đoàn Trùng Khánh đi thăm một quân đoàn ở Vân Nam. NTDTV dựa trên tin tức của báo chí địa phương Trùng Khánh, và cho biết đạo quân này do chính cha Hi Lai, Bạc Nhất Ba, lập ra.

Trang mạng Mingjing News, trụ sở ở Mỹ, loan tin họ Bạc qua trung gian họ Vương và sở công an thành phố Trùng Khánh, đặt mua 5,000 súng trường và 50,000 viên đạn.

Ðiều này được cho là lý do tại sao Bạc Hi Lai bị cách chức ở Bắc Kinh. Báo L.A. Times trích lời Zhang Ming, một giáo sư ngành chính trị tại Ðại học Nhân dân: “Họ muốn bắt ông lúc ở Bắc Kinh để không bị rắc rối. Trong lịch sử đó là cách họ bắt các sứ quân khi có quân đội riêng.”

Nhưng không phải vậy là xong. Báo Times of India tường trình từ Bắc Kinh cho biết ở đó có những tin đồn rộ lên là nếu họ Bạc bị truy tố thì sẽ có nhiều một bộ phận quân đội sẵn sàng đứng lên bảo vệ ông.

Tin này lại càng được nhiều người tin tưởng hơn, sau khi báo đảng đăng một loạt bài kêu gọi quân đội trung thành với sự lãnh đạo trực tiếp của đảng.

Xe tăng tiến vào Bắc Kinh, và v.v.

Trong khi đó, hình ảnh và tin đảo chánh quân sự bị trộn lẫn với tin tức thật, khiến mạng Internet cháy với tin đồn.

Một biên tập viên tạp chí chuyên đề về thị trường chứng khoán chuyển lên Weibo một tấm hình xe tăng đứng chắn ngang đường Trường An, là con đại lộ lớn đi băng qua khu vực Trung Nam Hải - trụ sở trung ương đảng ở Bắc Kinh.

Phải tới hôm sau, người ta mới tìm thấy bản gốc bức hình là cuộc diễn tập cho tuần hành Quốc khánh 2010.

Trong ngày 20 tháng 3, đường Tràng An bị cấm, khiến người ta lại càng nghi có biến động. Báo chí phải nói cho rõ là hôm đó thứ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn tổ chức họp báo ngay bên ngoài tòa nhà khách chính phủ trên đường này.

Trang mạng Epoch Times, một tờ báo đối lập do Pháp Luân Công lập ra, nói rằng trang mạng Tân Hoa Xã trong suốt đêm từ 19 tới 20 tháng 3 chỉ có tin thế giới, không có một tin nào quốc nội, và cho biết lý do là vì lực lượng vũ trang do Chu Vĩnh Khang cầm đầu chiếm đoạt trụ sở thông tấn xã này nhưng sau đó bị quân đội chính quy chiếm lại.

Epoch Times cho rằng hai phe đem lính ra đánh nhau gồm họ Hồ họ Ôn một bên, và họ Chu với Cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân một bên.

Báo Want China Times ở Ðài Loan thì đưa tin ngược lại. Báo này cho rằng họ Giang muốn việc kế truyền được suôn sẻ nên chống lại họ Chu mặc dù cả hai cùng ở trong nhóm Thượng Hải. Báo này nói họ Giang gọi họ Chu là “phản tặc” vì dám bênh vực Bạc Hi Lai.

Ai thua?

Tin đồn đảo chánh chạy được chưa bao lâu thì bắt đầu có dấu hiệu là nếu có sự tranh chấp, thì phe họ Chu, họ Bạc đã thua.

Bắc Kinh loan tin triệu tập 3,300 viên chức an ninh và tư pháp về Bắc Kinh để học tập. Không chỉ có công an, mà tòa án, viện kiểm sát, cũng bị gọi vào để được huấn luyện, ngay trong tuần tới.

Ðây không những là lần đầu tiên nhân viên an ninh và tư pháp bị triệu tập một cách cấp bách như vậy, mà lạ hơn nữa, bản tin không nhắc gì tới Bộ trưởng Bộ Công An, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Chu Vĩnh Khang.

Như thể người ta triệu tập thầy cô của một trường mà không nói gì tới hiệu trưởng. Ðiều này được xem là dấu hiệu Chu Vĩnh Khang đang mất vị thế.

Báo Financial Times, trích lời một nhân vật “có quan hệ mật thiết với an ninh Trung Quốc,” nói họ Chu đã bị lệnh cấm xuất hiện trước công chúng và cấm họp với nhân viên cao cấp.

Ðêm 18, một chiếc xe Ferrari bị tai nạn. Lập tức có tin đây là một sự ám sát một nhân vật con ông cháu cha, liên quan tới vụ án họ Bạc. Tin trên mạng được Financial Times trích dẫn cho rằng người thiệt mạng là con trai ngoại hôn của một ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, và hai phụ nữ trẻ bị thương nặng.

Ðêm hôm sau chính là đêm mà đại gia Pan Shiyi mập mờ đặt câu hỏi tại sai mạng Weibo bị xóa nhiều vậy.

Một trong những người khác trả lời Shiyi chỉ bằng một chữ vỏn vẹn: “Ferrari.”

-

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...