Nước chảy qua vết nứt đập chính thủy điện Sông Tranh 2 thành dòng như suối. Ảnh: Trí Tín. |
Còn nhớ năm 2010, nhà văn Võ Thị Hảo đã viết bài "Miền Trung ơi! Người đã bị thí mạng?!" trong đó nêu lên lời cảnh báo nguy cơ treo bom nước trên đầu dân đồng bằng. Vì đâu? xin trích:
Cục trưởng Cục đê điều và phòng chống lụt bão Nguyễn Xuân Diệu công bố: tổng lượng mưa năm 2009 nhỏ hơn tổng lượng mưa năm 1999 tại miềm Trung nhưng đỉnh lũ năm 09 lại vượt đỉnh lũ năm 99 tới cả 1,5 m.Mời bạn đọc lại bài viết của Nhà Văn Võ Thị Hảo và những nguy cơ từ lời báo trước ấy đã bắt đầu xuất hiện dưới đây...
Ngày 24/11/2009, một đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết, thực tế lũ năm 2007 cho thấy, chỉ một trận mưa 330 mm tại tỉnh này, mà thiệt hại lớn hơn mức lũ “lịch sử” năm 1991 với lượng mưa 1.300 mm, bởi vì nhà máy thủy điện Sông Ba hạ ở đây đã xả lũ hết công suất với vận tốc 11.400 m3/s!
Sau trận lũ lụt thảm khốc tại miền Trung hồi tháng 11/2009, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn chính phủ về nguyên nhân lũ lụt miền Trung. Một số nhà chuyên môn có uy tín đã phát hiện là “do yếu tố con người” – do những nhà máy thuỷ điện vì lợi ích cục bộ của mình, không thực hiện quy trình đã cam kết về vận hành hồ chứa phòng lũ, cứ tích đầy nước để chạy máy phát điện tối đa, đến lúc mưa lớn tràn về, liền mở cửa xã lũ ào ạt để bảo vệ đập và nhà máy, bất kể hậu quả cho dân vùng hạ lưu.
Về cơ bản, ngành thủy điện và thủy lợi cam kết khi xây dựng rằng các hồ chứa có thể chống hạn và cắt lũ, nhưng trên thực tế khảo sát đã được công bố từ cơ quan chức năng thì việc vận hành hệ thống hồ xả lũ ở đây là tùy tiện, không hề có một “nhạc trưởng”...
Nhiều ngày qua, hàng nghìn người dân vùng hạ lưu công trình thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) lo lắng vì phát hiện nhiều vết nứt, rò rỉ nước ở thân đập chính của công trình này. Ngoài vết nứt toác lún sâu bên trái gần đập chính, chính quyền địa phương cùng người dân ở huyện Bắc Trà My phát hiện nhiều vết nứt, rò rỉ nước từ lòng hồ xuyên qua thân đập chính công trình thủy điện sông Tranh 2.
Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỷ đồng, xây dựng từ tháng 3/2006 gồm hai tổ máy (tổng cộng 190MW), dự kiến khánh thành trong năm 2012 này.
Cuối năm 2010 cả hai tổ máy này đều chính thức phát điện. Dung tích hồ chứa nước của thủy điện Sông Tranh 2 thuộc hàng lớn nhất miền Trung, vị trí bờ đập chính nằm sát tỉnh lộ 616 là hồ chứa nước thuộc 2 xã Trà Tân và Trà Đốc với khoảng 730 triệu mét khối nước, cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100 m.
Những phản hồi mâu thuẫn
Từ EVN
Trần tình về vết nứt thủy điện Sông Tranh 2, Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 (thuộc EVN) có công văn thông báo khẩn giải thích về hiện tượng "có dòng nước chảy ra phía hạ lưu đập dâng, tràn" ở Công trình Thủy điện sông Tranh 2, đã khẳng định, dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đập và toàn bộ lưu lượng thấm qua là khoảng 30 lít một giây nên không ảnh hưởng đến an toàn, ổn định của công trình.
"...Tổng lượng thấm của đập đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Hội đồng nghiệm thu cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội đồng nghiệm thu cơ cở, cơ quan thiết kế đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình.
Ban quản lý cho rằng, hiện tượng nước chảy ra ở 3 vị trí hạ lưu đập là các vị trí khe nhiệt chứ không phải khe nứt. 30 khe nhiệt được thiết kế bố trí và thi công đều trên toàn tuyến đập. Mục đích bố trí các khe nhiệt này là nhằm triệt tiêu ứng suất nhiệt gây nứt bê tông trong quá trình thi công và vận hành công trình. Các khe nhiệt này xuyên suốt từ phía thượng lưu về hạ lưu.
Đơn vị thi công là Tổng công ty xây dựng Thủy lợi 4- CTCP và Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 đã và đang tiếp tục xử lý thấm của đập để làm giảm tổng lượng thấm nêu trên để chất lượng công trình tốt hơn. Ban quản lý dự án khẳng định vấn đề kỹ thuật này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến an toàn ổn định của dự án.
Từ "Viện Vật lý Địa Cầu"
Giáo sư Cao Đình Triều cho rằng thân đập chính của công trình thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) xuất hiện đến 4 điểm nứt, rò rỉ nước từ lòng hồ xuyên qua đập là đáng lo ngại. Các cơ quan chuyên môn cùng đơn vị chủ đầu tư cần khẩn cấp vào cuộc kiểm tra các vết nứt, rò rỉ này để tránh gây thảm họa cho vùng hạ lưu.
Giáo sư Triều nhận định, thân đập thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên đới đứt gãy đang hoạt động mạnh nên gây ra những vết nứt, rò rỉ. Do vậy, trước mắt, các cơ quan chuyên môn cần sớm thăm dò, đo đạc mức độ nguy hiểm của vết nứt để có giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp.
"Nếu để lâu ngày, vết nứt lan rộng, thân đập bị đứt gãy thì hàng trăm triệu mét khối treo ở độ cao 100 mét so với vùng hạ lưu ào xuống thì hiểm họa thật khó lường"
Hiện 4 điểm nứt ở phần thân trái đập rò nước khá mạnh từ khu vực lòng hồ chảy thấm qua thân đập tuôn xuống hệt như khe suối.
Theo ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 2, những vết nứt trên đều ở vị trí các khe nhiệt của khối bêtông bờ đập. Ông Hải cho rằng, hiện tượng thấm nước qua khe nhiệt bị nứt nằm trong tầm kiểm soát, rò thấm nước với cường độ 30 lít một giây xuất hiện từ tháng 11/2011 trong phạm vi yêu cầu thiết kế, không thể gây nguy hiểm gì.
Còn ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Bắc Trà My phản đối, vào chiều 19/3/2012: "Lãnh đạo Ban quản lý thủy điện Sông Tranh 2 bảo rằng vết nứt trong mức cho phép thiết kế, không gây nguy hiểm gì là vô lý. Nước từ khu vực lòng hồ rò rỉ qua thân đập bê tông cốt thép tuôn chảy mạnh như dòng suối mà nói bình thường thì thật đáng ngờ. Tôi đã điện thoại yêu cầu Ban quản lý báo cáo bằng văn bản, thế nhưng đến chiều nay vẫn chưa thấy trả lời".
Thân đập chính công trình thủy điện Sông Tranh 2, nơi xuất hiện 4 vết nứt, rò rỉ nước. Ảnh: Trí Tín. |
"Nếu trong vòng hai ngày tới, Ban quản lý công trình thủy điện Sông Tranh 2 không báo cáo về việc đập bị rò rỉ và giải pháp khắc phục, chính quyền huyện sẽ báo cáo tỉnh can thiệp", ông Phó Bí thư thường trực huyện ủy Bắc Trà My nhấn mạnh.
Giữa năm ngoái, lòng đất Bắc Trà My phát ra nhiều tiếng nổ bất thường làm rung chuyển nhà cửa đồ đạc khiến người dân lo lắng. Tháng 12/2011, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận nguyên nhân tiếng nổ trong lòng đất là động đất kích thích do hoạt động hồ chứa tích nước công trình thủy điện Sông Tranh 2. Các chuyên gia cũng đã đề xuất Bộ Khoa học công nghệ giúp địa phương này lắp đặt trạm quan trắc động đất phòng ngừa nguy hiểm cho người dân, thế nhưng đến nay vẫn chưa có sự hỗ trợ nào.
Từ sau tết Nhâm Thìn đến nay, lòng đất ở vùng hạ lưu công trình thủy điện sông Tranh 2 vẫn còn xuất hiện những đợt dư chấn gây rung chuyển mặt đất nhưng nhẹ hơn so với trước.
-
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...