. .

Tuesday, January 15, 2013

Người lính Nhảy Dù lâm nạn - HUY PHƯƠNG/Người Việt

Người lính Nhảy Dù lâm nạn
Người Việt, Monday, January 14, 2013 5:33:26 PM

Ai là thân nhân của TSI Nguyễn Văn Bảy, số quân 59/182638, thuộc Trung Ðội 2, ÐÐ15, Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù?

Bài: HUY PHƯƠNG/Người Việt

Trong những ngày cuối cùng của trận chiến, Tháng Tư 1975, trong khi Cộng Sản tràn ngập mặt trận Bà Rịa, cắt đường từ Saigon ra Vũng Tàu với chiến xa yểm trợ, những người lính Nhảy Dù thuộc Trung Ðội 2-Trung Ðội 15 thuộc Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù vẫn còn cố thủ để cho đơn vị rút đi. Toàn trung đội đã hy sinh vào những phút cuối cùng của cuộc chiến, trong đó có người lính Dù linh hiển mang tên Nguyễn Văn Bảy, nằm lại trong khu vực gần cầu Cỏ May.



Theo lời kể của người lính Dù, hiện nay sinh sống tại Bà Rịa mang danh hiệu MÐ.90, thân xác người thất trận nằm chơ vơ, lạnh lẽo, thỉnh thoảng vài người chăn bò và dân chúng qua lại xót thương đắp đổi cho anh vài nắm đất, qua thời gian, nơi anh nằm xuống trở thành một ụ đất cao. Sau trận chiến người chiến sĩ xả thân vì đất nước nằm lại, không một manh chiếu, một mảnh poncho, chỉ được vùi bằng đất cát quê hương.

Mãi đến năm 1995, theo phong trào đưa dân phía Bắc di dân vào Nam làm ăn sinh sống rầm rộ, một người lính Bắc Việt giải ngũ là anh Phạm Văn Kiên, cùng gia đình vào Bà Rịa, mua lại một mảnh đất hoang dã giữa rừng cây tràm, cây cừ, cỏ dại, có ụ đất cao, mà một người dân địa phương là ông Hai Lì cho biết đó là nấm mộ chôn một người lính Dù không rõ họ tên từ năm 1975.

Những điều linh hiển

Cám cảnh cho thân người chiến sĩ bị vùi thân nơi này, và cũng để dọn dẹp lại nơi canh tác, năm 1996, vợ chồng anh Phạm Văn Kiên quyết định cải táng hài cốt người lính miền Nam vào một góc vườn và lập trang thờ để hương khói.

Về việc cải táng này, anh Phạm Văn Kiên đã bàn bạc cùng với một vài anh em lối xóm, cũng là bộ đội giải ngũ từ ngoài Bắc vào đây sinh sống một đợt, là sẽ tiến hành vào ngày mai. Bỗng dưng tối hôm đó vào khoảng 10 giờ đêm, cô em gái của anh Kiên mới ngoài Bắc vào thăm, đang ngủ, ngồi bật dậy chỉ mặt vào anh Kiên nói:

- Ngày mai mà mày đào, mày sẽ chết!

Xương cốt và thẻ bài của TSI Nhảy Dù Nguyễn Văn Bảy

Nói xong câu đó, cô em lại nằm xuống ngủ bình thường. Gia đình anh Kiên cũng không hiểu sao cô em gái anh lại có thái độ hỗn hào như thế? Tại sao phải chết khi đào ụ đất?

Trời sáng, hai vợ chồng người lối xóm đến phụ giúp việc cải táng, bỗng dưng cô em gái của anh Kiên mặt mày đỏ gay, tay cầm một nhánh cây chỉ mặt anh Kiên nói với một giọng khác thường:

- Coi chừng chết nhé!

Nói xong cô ấy cầm nhánh cây cắm xuống chỗ gần ụ đất và sau đó té xuống bất tỉnh. Mười phút sau, cô tỉnh dậy mà cũng không biết mình đã nói gì. Hồ nghi, anh Phạm Văn Kiên đến chỗ nhánh cây, nơi cô em gái vừa cắm xuống, nhẹ nhàng dùng cái bay thợ hồ cào nhè nhẹ trên lớp đất thì thấy một trái M79 hiện ra. Nếu không có sự cảnh báo của cô em, có thể với nhát cuốc đụng trái đạn, sẽ phát nổ và gây chết chóc cho những người đứng gần.

Rất nhẹ nhàng, cẩn thận, anh Kiên cào đi những phần đất trên ụ đất cao, tìm thấy thân hình của một người lính, thân xác và quân phục đã rã mục, di cốt chỉ còn lại 2 ống xương đùi, một sọ người, vài đốt xương nằm vương vãi. Lẫn lộn với xương cốt là một dây đạn M16 đã bị hoen rỉ, 4 trái đạn M.79, 2 trái lựu đạn M26, một dây kim khí màu trắng có hình thánh giá, một ít đạn M16, đôi giày đã mục nát nhưng còn đôi vớ, và một ít đồ lặt vặt, và quí nhất là một thẻ bài có khắc tên: Nguyễn Văn Bảy, SQ: 59/182638 - LM: B.

Anh Phạm Văn Kiên đã bỏ tất cả vào một cái lu nhỏ và chôn ở góc vườn. Trước khi chôn xuống, anh Kiên đã cẩn thận ghi lại những chi tiết về tên họ, số quân và loại máu B trên thẻ bài vào cuốn sổ gia phả của gia đình mình.

Trong cuộc nói chuyện với anh Phạm Văn Kiên qua điện thoại vào tối Thứ Sáu 11 Tháng Giêng từ Mỹ, anh Phạm Văn Kiên, người lính Bắc Việt giải ngũ, gốc gác Ðồ Sơn, Thanh Hóa đã cho chúng tôi biết, anh nguyên là bộ đội, đã tham gia trận đánh năm 1979 với Trung Quốc và sau khi giải ngũ, vào Nam lập nghiệp năm 1989. Anh Kiên cho biết năm 1998, khi gia đình làm ăn khấm khá, vợ chồng anh Kiên bàn bạc xây lại căn nhà lớn hơn để ở. Trong ngày chở gạch cát, xi măng về để khởi công xây dựng, thì buổi tối cả hai vợ chồng đều thấy trong giấc mơ, một người lính to cao, đen, bận đồ rằn ri về nói:

- Hai vợ chồng chú thím tính xây lại nhà thì nhớ xây nhà cho tôi với nhé! Tôi là Bảy đang ở góc vườn nhà chú thím đây!
Ngôi mộ người lính Nhảy Dù trong khu vườn người lính Bắc Việt giải ngũ.

Vì vậy, vợ chồng anh Kiên sau đó, xây nấm cho ngôi mộ và bàn trang để thắp nhang. Mỗi năm vào ngày lễ, Tết, giỗ Chạp gia đình đều cúng bái thắp hương cho anh Bảy như là một thành viên trong gia tộc.

Những tấm lòng chiến hữu

Cho mãi đến ngày 19 Tháng Tám 2011, qua những câu chuyện, và sự tìm tòi, nhóm “bốc mộ” của anh em Nhảy Dù đã tìm được 4 quân nhân hy sinh tại vườn nhà ông Hai Lì. Từ đó, nhóm tìm mộ mới biết câu chuyện hài cốt của anh Nguyễn Văn Bảy chôn trong vườn gia đình ông Phạm Văn Kiên. Về cấp bậc TSI của anh Kiên là do một đồng đội của anh cùng trung đội cho biết.

Nhiều anh em trong gia đình Mũ Ðỏ đã có dịp ghé lại nhà anh Phạm Văn Kiên đều được anh Kiên cho xem tấm thẻ bài cũng như những dòng chữ anh đã ghi rõ trong gia phả của dòng họ anh. Bà con lối xóm đều tin vào sự linh hiển nên thường vẫn hương khói cho anh Nguyễn Văn Bảy. Anh Phạm Văn Kiên cũng cho biết khi xây ngôi mộ cho anh Bảy, gia đình anh cũng bị đàm tiếu là “xây mộ, thắp nhang cho lính Ngụy!”

Nhóm anh em Nhảy Dù đã đến thăm và cảm ơn vợ chồng anh Kiên đã cải táng, xây mộ cho TSI Nguyễn Văn Bảy, và ngỏ ý muốn đem anh Bảy về nhà thờ giáo xứ Long Hương vì theo lời kể, người ta tìm thấy giây thánh giá bên cạnh hài cốt của anh Bảy.

Sự cải táng không thể tiến hành ngay vì sự quyến luyến của gia đình anh Phạm Văn Kiên là người đã chăm sóc ngôi mộ này hơn 20 năm. Trong thời gian này, các chiến hữu Mũ Ðỏ còn ở lại trong nước hay đã ra nước ngoài như Mỹ, Canada có lòng đều tạo cơ hội thăm viếng, giúp đỡ hai gia đình của ông Hai Lì cũng như Phạm Văn Kiên. Một Mũ Ðỏ ở Canada đã tài trợ cho chuyến thăm viếng của anh em đến Bà Rịa và một chiến hữu BÐQ khác đã có lòng chịu lo toàn bộ chi phí để cải táng và đem anh Bảy về nhà thờ Long Hương, mà trong trang báo này, anh em không muốn nêu rõ danh tánh.

Cho đến ngày 28 Tháng Mười Hai 2012 gia đình Mũ Ðỏ mới cải táng di cốt của anh Nguyễn Văn Bảy từ một chiếc lu đã chôn trước đây qua một chiếc quách nhỏ vào nhà hài cốt giáo xứ Long Hương (Bà Rịa).

Hiện nay trong 4 hài cốt gởi tại chùa Bửu Thiền, một hài cốt đã được người thân nhận đem về quê là TSI Võ Quang Hàng, còn lại 3 quân nhân là: Trần Văn Hà, Trương Vi Cử và một Vô Danh. Nếu quý vị nào có lòng nhang khói cho các anh gởi tại đây xin vui lòng liên lạc với Đại Đức Thích Trung Thông, chùa Bửu Thiền, đường Lý Thái Tông, khu Cầu Xéo, huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai.

Hài cốt của TSI Nguyễn Văn Bảy hiện để tại giáo xứ Long Hương, liên lạc qua Linh Mục Phạm Minh Tân, giáo xứ Long Hương, thành phố Bà Rịa, Vũng Tàu.

Chúng tôi, người viết bài này mong mỏi bản tin được phổ biến, để gia đình các chiến hữu Nguyễn Văn Bảy, Trần Văn Hà, Trương Vi Cử... thuộc TÐ 1ND có thể nhận ra thân nhân của mình.

Chúng tôi xin ghi số điện thoại của những người trong cuộc để gia đình các tử sĩ có thể liên lạc tìm thân nhân hoặc giúp đỡ:

- Phạm Văn Kiên Tổ 1, khu phố 1, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Số Phone: 01666496797, người đã có công cải táng, xây mộ và chăm sóc mộ phần của TSI Nguyễn Văn Bảy trong suốt hơn 20 năm.

- Anh Hai Lì, nhân chứng tại địa phương 0984748392.

- Anh Viên, danh hiệu MÐ.90, người kể chuyện 0903721529.

-

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...