. .

Saturday, June 7, 2008

CSGT đánh người ngã vật xuống đường, An Giang, 6/6/2008

An Giang:

CSGT đánh người ngã vật xuống đường


Nguồn: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=125317&ChannelID=12


TP - Vụ hành xử hung bạo của một CSGT đường bộ giữa “thanh thiên bạch nhật” tại trung tâm thị trấn Cái Dầu (Châu Phú, An Giang) vào lúc 9 giờ sáng ngày 5/6 đã làm hàng trăm người dân chứng kiến bất bình, phẫn nộ.

Nguyễn Văn Chính bị CSGT đánh ngã vật xuống đường
Một nữ phóng viên địa phương tác nghiệp đã bị CA ngăn cản và  yêu cầu làm việc.
Nhiều nhân chứng cho biết:
Khoảng 9 giờ sáng ngày 5/6, tại đoạn đường trên, từ hướng TP. Long Xuyên lên thị xã Châu Đốc, một chiếc mô tô 2 bánh chuyên dùng cho lực lượng CSGT đi tuần tra, kiểm soát đuổi theo chiếc xe gắn máy biển số 17F5 4030 do Nguyễn Văn Chính (SN 1989, ngụ tại phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, An Giang) điều khiển.
Đến tại địa điểm gần cửa hàng bán thuốc thú y và thức ăn thủy sản Chí Huệ (tổ 7, ấp Vĩnh Lộc, thị trấn Cái Dầu) thì chiếc mô tô của CSGT vượt lên chặn ngang đầu xe em Chính yêu cầu dừng lại. Ngay lập tức một CSGT nhảy xuống xe dùng tay đánh túi bụi vào người em Chính.
Những người chứng kiến thấy cán bộ công an đánh em Chính khiến Chính mất thăng bằng đổ vật người về phía xe của CSGT. Một CSGT liền dời xe né ra ngoài khiến em Chính choáng váng ngã lăn xuống nằm sóng xoài trên mặt đất.
Thấy sự việc bất bình, anh Nguyễn Tự Cường (cán bộ Chi cục Thuế huyện Châu Phú) đang ngồi trong quán nước gần đó liền chạy ra bảo: “Mấy anh không được đánh người”, thì một người công an đòi bắt anh Cường, vì anh này có hành vi chống người thi hành công vụ (?!)
Sẽ xử lý nghiêm
Cuối chiều, trao đổi với Tiền phong qua điện thoại, Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Phó phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh An Giang, cho biết: “Chúng tôi đã có những thông tin ban đầu về vụ việc.
Người CSGT điều khiển chiếc mô tô, anh Trần Thanh Sương đã thừa nhận chiến sỹ cảnh sát (người ngồi sau) là La Văn Vô đã có hành vi đánh em Chính.
Bất luận sự việc như thế nào nhưng khi người dân đã dừng xe lại rồi thì anh không thể đánh người như vậy, làm vậy là sai hoàn toàn.
Tuy hành vi sai trái của một cá nhân nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu cả tổ tuần tra về phòng làm tường trình, kiểm điểm.
Sau đó sẽ xử lý kỷ luật nghiêm khắc, căn cứ theo pháp luật và qui định của ngành. Tuy nhiên chúng tôi cũng phải điều tra vụ việc kỹ càng, rõ ràng.
Tôi đã cho người gặp nạn nhân nhưng em Chính kêu đầu bị đau nên chúng tôi chưa thể yêu cầu Chính hợp tác trình bày sự việc”.
Lúc này, hàng chục, rồi hàng trăm người dân địa phương, người đi đường kéo đến vây kín mặt đường và bày tỏ thái độ phản đối quyết liệt việc làm của hai cán bộ công an này.
Người điều khiển xe mô tô của CSGT đeo bảng tên là Nguyễn Thanh Sương, người trực tiếp đánh em Chính không đeo bảng tên, chỉ mặc quân phục ngành. Sau khi đánh em Cường nằm bất tỉnh trên đường, 2 CSGT gần như bỏ mặc. Khi người dân phản ứng, thì họ mới đến chở em Chính đi.
Tuy nhiên thay vì chở em Chính vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe thì họ lại chở về trụ sở Công an thị trấn Cái Dầu làm việc, lập biên bản. Sau khi Công an thị trấn Cái Dầu làm việc với em Chính xong thì công an tiếp tục chở em Chính lên ô tô chở đi, nhưng không biết đi đâu.
Tại Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang (thị xã Châu Đốc), em Nguyễn Văn Chính kể cho PV: “Em đang chạy xe bình thường thì có một CSGT đứng ra chỉ lệnh dừng xe. Em chạy chậm rồi từ từ tăng ga vì sợ bị phạt do không có bằng lái, nên cán bộ CSGT này dùng cây điều khiển quất theo trúng vào bả vai em.
Liền sau đó là xe của CSGT đi hai người rượt theo và chặn đầu đánh em. Sau khi họ đưa em đến Công an thị trấn Cái Dầu lấy lời khai khoảng một giờ đồng hồ thì Công an tiếp tục chở em đến Đội CSGT số 2 ở Mỹ Đức rồi họ bỏ đi ăn cơm. Khoảng một giờ sau em mới được họ chở đến bệnh viện và bỏ mặc em ở đấy”.
Phóng viên Đài truyền thanh huyện Châu Phú, chị Phan Thị Phụng Tiên kể: “Khi tôi đang chụp hình thì có một số CSGT và công an khác đến ngăn cản không cho chụp ảnh và đòi lấy máy. Có một CSGT đã chạy đến chụp tay tôi kéo đi nói là mời về trụ sở công an làm việc.
Trong lúc lộn xộn tôi quyết không chịu về trụ sở công an và đông nghẹt người dân đi theo bảo vệ tôi, nên họ không dám làm gì. Khi tôi đến dắt xe của tôi định chạy về cơ quan ở gần đó thì tiếp tục có hai CSGT ngồi trên xe chạy đến và khống chế tôi, dắt chiếc xe tôi xuống lề đường định giữ lại.
Nhưng hàng trăm người dân kéo đến bảo vệ tôi và họ nói nếu bắt phóng viên đến công an làm việc họ sẽ kéo theo biểu tình. Lúc này tôi móc điện thoại di động ra định báo tin cho một số đồng nghiệp ở các báo thì mấy cán bộ CSGT kè theo tôi mới chịu dạt ra ngoài và đi chỗ khác”.
Hồng Lĩnh

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...