. .

Monday, February 2, 2009

SAU BỨC MÀN ĐỎ 2-3 -Lược Sử CSVN- Hoàng Dung-

CHƯƠNG II

SAU ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ V (1982-1986)

Đại hội đảng lần thứ V của đảng CSVN được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 31-3-1982 để đưa ra những biện pháp đối phó với tình trạng khó khăn đang gặp phải trên tất cả mọi phương diện: chính trị, ngoại giao, kinh tế… Thật ra đại hội này được triệu tập chỉ nhằm củng cố thêm quyền hành của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.


Lúc đó là những năm cuối của chiến tranh lạnh. Cục diện thế giới trên thực tế chỉ có hai phe, Cộng Sản và Tư Bản. Trung Quốc lúc đó vẫn mò mẫm trong chính sách mở cửa. Các lãnh tụ CSVN lúc đó còn chói ngợp với thành tựu bề ngoài của Nga Xô nên vẫn kiên định đứng hẳn về phía Nga Xô và nhất tâm học tập theo mô thức Nga Xô để tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Về nhân sự lãnh đạo, đại hội đảng CSVN lần thứ V năm 1982 bầu ra một Bộ Chính Trị mới gồm 13 ủy viên, chính thức xếp theo thứ tự:

1. Lê Duẩn, tổng bí thư.

2. Trường Chinh, kiêm chủ tịch quốc hội.

3. Phạm Văn Đồng, thủ tướng.

4. Phạm Hùng, phó thủ tướng.

5. Lê Đức Thọ, ban tổ chức đảng.

6. Văn Tiến Dũng, bộ trưởng quốc phòng.

7. Võ Chí Công, phó thủ tướng đặc trách nông nghiệp

8. Chu Huy Mân, chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội.

9. Tố Hữu, phó thủ tướng đặc trách kinh tế (1)

10. Võ Văn Kiệt, chủ nhiệm Uỷ Ban KHNN.

11. Đỗ Mười, phó thủ tướng.

12. Lê Đức Anh, tư lệnh “quân tình nguyện” ở Campuchia.

13. Nguyễn Đức Tâm, phó ban tổ chức đảng.

Hai ủy viên dự khuyết là Nguyễn Cơ Thạch và Đồng Sĩ Nguyên.

Trong số 13 người của bộ Chính Trị, có 5 người mới, nhưng ba người là Tố Hữu, Lê Đức Anh và Nguyễn Đức Tâm từng là thân cận của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Ở kỳ đại hội này, có một nhân vật đặc biệt là Trần Xuân Bách, tuy không được vào bộ Chính Trị nhưng được cử vào ban bí thư, có lẽ nhờ Lê Đức Thọ biết khả năng khi cùng làm việc ở Campuchia. Võ Nguyên Giáp đã bị loại khỏi bộ máy chính quyền sau khi mất chức ủy viên bộ Chính Trị và phải nhường chức bộ trưởng Quốc Phòng cho Văn Tiến Dũng.

Trong những ủy viên mới, chỉ có Võ Văn Kiệt tương đối có đầu óc cấp tiến, còn tất cả đều rập khuôn theo quan niệm giáo điều của Lê Duẩn và xa xôi hơn là của Brezhnev bên Nga Xô. Năm ủy viên bộ Chính Trị bị loại gồm Võ Nguyên Giáp (2), Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương và Nguyễn Văn Linh.

Trong số năm người không còn ở trong bộ Chính Trị, chỉ có Nguyễn Văn Linh là tự ý xin ra. Vì đã họat động nhiều năm trong Nam cho nên khi được đề cử vào bộ Chính Trị năm 1976, Nguyễn Văn Linh được giao trách nhiệm cải tạo kinh tế miền Nam. Vì không thi hành những biện pháp cải tạo khắt khe như những ủy viên bảo thủ thuộc phe cánh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ mong muốn nên chỉ một thời gian ngắn sau đó, Nguyễn Văn Linh bị Đỗ Mười thay thế, và bị chuyển qua làm những công tác không quan trọng như ban dân vận rồi công đoàn, sau cùng là ban kiểm tra trung ương. Đến cuối năm 1982, gần đến ngày đại hội đảng lần thứ V, chịu đựng không nổi sự chèn ép, Nguyễn Văn Linh xin được rút ra khỏi bộ Chính Trị, trở về thành phố HCM làm bí thư thành ủy, thay thế cho Võ Văn Kiệt về trung ương. Ba mươi năm sau, Võ Trần Chí, bí thư thành ủy năm 1986, có hỏi Nguyễn Văn Linh về việc này thì Nguyễn Văn Linh trả lời là “ Mấy anh ấy không muốn thấy mình ở đó”.

Khác với Nguyễn Văn Linh, một ủy viên khác là Võ Nguyên Giáp, dù không muốn từ chức nhưng lại bị ép phải rút lui. Trong một bài phát biểu tại hội nghị trung ương đảng gần mười năm sau (ngày 27-5-1991), ông ta đã tiết lộ là dù trong năm 1982, ông được đa số đại biểu đề cử để ở lại bộ Chính Trị, nhưng bị Lê Đức Thọ ép phải rút lui cùng bốn ủy viên già nua khác, lấy cớ là phải nhường chỗ cho lớp người trẻ. Võ Nguyên Giáp đã phải chờ đến khi Lê Đức Thọ chết mới dám công khai bày tỏ những oan ức nhục nhằn phải gánh chịu trong nhiều năm là vì Lê Đức Thọ, với cương vị trưởng ban tổ chức đảng nắm giữ hồ sơ của tất cả đảng viên, đã biết được nhiều yếu điểm trong lý lịch Võ Nguyên Giáp, chẳng hạn như hồi nhỏ, Võ Nguyên Giáp từng được Marty, chánh mật thám Pháp ở Hà Nội coi như con nuôi, việc Võ Nguyên Giáp viết một lá đơn xin Pháp cho đi du học với lời lẽ thành khẩn qụi lụy...

Ngoài việc quyết định thành phần nhân sự, đại hội đảng lần thứ V năm 1982 cũng thông qua một bản hiến pháp, được soạn thảo từ năm 1980, gần giống hệt như hiến pháp của Nga Xô.

Quyết tâm theo khuôn mẫu Nga Xô, năm 1985, cộng sản Việt Nam dựng tượng Lê Nin cao khoảng 5 thước tại Hà Nội, không biết rằng những tượng như vậy chỉ mấy năm sau đã bị lật đổ ở khắp nơi kể cả Đông Âu lẫn Nga Xô (3). Cách tổ chức chính quyền cũng theo Nga Xô lập ra Hội Đồng Nhà Nước, giống như Chủ Tịch Đoàn Tối Cao Xô Viết và chức Thủ Tướng được thay bằng chức Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng. Câu “học tập tư tưởng Mao Trạch Đông...” trong lời mở đầu của Hiến Pháp trước bị loại bỏ. Thay vào đó, lời mở đầu của Hiến Pháp và cuốn Điều Lệ Đảng được thêm vào câu “Trung Quốc là kẻ thù lâu đời và nguy hiểm nhất”. Bản tu chính Hiến Pháp còn ghi rõ “Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hòa bình để xây dựng tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Campuchia”.

Điều 67 của Hiến Pháp ghi là bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp…nhưng, những quyền này hoàn toàn bị chi phối bởi câu “không ai có thể lạm dụng những quyền này để vi phạm quyền lợi của nhân dân và nhà nước”. Suy diễn về “vi phạm quyền lợi của nhân dân và nhà nước” rất tùy nghi và độc đoán nên một cá nhân bị một tội rất nhẹ cũng có thể bị qui thành những tội chính trị và ở tù rất lâu. Ngoài ra, về đối ngoại, CSVN gọi quan hệ với Nga Xô là “hòn đá tảng” và việc chiếm đóng Campuchia là một điều “không thể đảo ngược”.

Vì tàn binh của Khmer Đỏ được Trung Quốc viện trợ vẫn có thể tiếp tục một cuộc chiến tranh du kích và phá hoại, Việt Nam đã phải đồn trú tại Campuchia một quân số khoảng gần 200 ngàn quân, lấy từ những quân khu miền Nam (4) nhằm ngăn chận sự xâm nhập, Lê Đức Anh cho lập một phòng tuyến gồm những bãi mìn, hầm chông dọc theo biên giới Thái gọi là khóa “K5” (5).

Trong khi đó, tại biên giới phía Bắc, Trung Quốc tiếp tục gây ra cuộc chiến phá hoại đa diện (6) thường xuyên cho binh lính xâm nhập quấy rối biên giới, phá hoại đường xá, cầu cống, pháo kích các thị xã làng mạc, khiến Việt Nam phải duy trì khoảng 500 ngàn quân, thành lập một “thành lũy thép” dọc theo biên giới.(7)

Khi công nhiên dựa vào Nga Xô và trực tiếp thách đố Trung Quốc, Việt Nam đã không để ý đến những nhu cầu và dấu hiệu mà hai nước cộng sản đàn anh này cần phải hòa hoãn với nhau. Cả hai nước cộng sản đối nghịch nhau này đều muốn kết thân với Hoa Kỳ nhưng Trung Quốc sau một thời gian ngắn thân thiết với Hoa Kỳ, đã rất bất bình vì Hoa Kỳ vẫn muốn tiếp tục bán võ khí cho Đài Loan. Còn Nga Xô, một mặt không muốn vì Việt Nam mà lơ là với một khối kinh tế năng động đang phát triển mạnh mẽ là những nước ASEAN, mặt khác, Nga Xô đang gặp khó khăn khi phải chạy đua võ trang với Hoa Kỳ trong thời kỳ của tổng thống Reagan, cũng muốn trở lại kết thân với Trung Quốc. Vì thế, khi phó thủ tướng Lý Tiên Niệm của Trung Quốc tuyên bố vào cuối năm 1981 là Trung Quốc sẵn sàng trở lại đàm phán để có quan hệ bình thường với Nga Xô thì ngày 24-3-1982, Brezhnev cũng kêu gọi phải cải thiện ngoại giao giữa hai nước. Ông nhắc lại là Nga Xô chưa bao giờ chấp nhận có “hai nước Trung Quốc” (lục địa và Đài Loan) và cũng chưa bao giờ nói là “không có xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc”. Những giao dịch kinh tế, thương mại, văn hóa giữa hai nước đã bắt đầu ngày một cải thiện, dù Nga Xô chưa đáp ứng việc giải quyết ba trở ngại cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước do Trung Quốc nêu ra.

“Ba trở ngại” này gồm có:

1. Nga Xô phải rút quân ra khỏi Afghanistan

2. Chấm dứt khiêu khích ở biên giới Trung - Xô

3. Giải quyết dứt khoát vấn đề Campuchia.

Khi Brezhnev chết, Trung Quốc cũng cử ngoại trưởng Hoàng Hoa sang dự đám tang. Hai năm sau, sau nhiều năm không có những tiếp xúc chính thức, tháng 12 năm 1984, phó thủ tướng Nga Xô Ivan Arkhipov lần đầu sang thăm Bắc Kinh và mấy tháng sau, phó thủ tướng Trung Quốc Diêu Nghĩa Lâm (Yao Yilin) sang Mạc Tư Khoa đáp lễ. (8)

Để thiết lập một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, chính quyền CSVN dự tính thực hiện qua ba giai đoạn:

1. Giai đoạn thứ nhất, 1976-1980, hay kế hoạch ngũ niên lần thứ hai, để hòa hợp kinh tế miền Nam vào giống như hệ thống kinh tế miền Bắc.

2. Giai đoạn thứ hai, 1981-2005 gọi là “kỹ nghệ hóa xã hội chủ nghĩa” dự trù gồm có 2 đợt, đợt đầu từ 1981 đến 1990 và đợt hai từ 1991 đến 2005 để thực hiện nền móng vật chất cho xã hội chủ nghĩa.

3. Giai đoạn thứ ba, 2006-2010, dự trù là giai đoạn “hoàn chỉnh thời kỳ chuyển tiếp”.

Tuy nhiên, vì kế hoạch ngũ niên thứ hai từ 1976-1980 để cải tạo công thương nghiệp miền Nam đã làm cho kinh tế cả nước sa sút trầm trọng, đảng cộng sản đã phải sửa đổi lại kế hoạch ban đầu. Đại hội đảng lần thứ V đặt ra kế hoạch ngũ niên lần thứ ba (1981-1985) nhấn mạnh nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu, sau đó là sản xuất hàng tiêu dùng, và công nghiệp chủ yếu là để hỗ trợ cho hai mục tiêu kể trên.

Để khuyến khích sản xuất, từ 1981, nông dân được phép canh tác trên ruộng đất của tập thể, nhưng phải ký hợp đồng trả lại cho nhà nước một số lúa gạo qui định nào đó. Số lúa gạo thặng dư, nông dân có thể bán ra thị trường tự do hay bán lại cho nhà nước. Biện pháp “làm khóan” này từng được bí thư tỉnh Vĩnh Phú là Kim Ngọc áp dụng gần hai mươi năm trước, nhưng Kim Ngọc đã bị trung ương đảng khiển trách và trừng phạt vì biện pháp này bị coi như sai lầm về chính trị.

Các công ty công tư hợp doanh nhỏ cũng được cho phép hoạt động tại miền Nam để sản xuất hàng tiêu dùng và xuất cảng, nhưng những hãng xưởng qui mô lớn, những ngành kỹ nghệ quan trọng như sắt thép, dầu hỏa, xi măng, hóa chất v..v.. đều bị nhà nước quốc hữu hóa hay cưỡng ép trở nên những “công ty hợp doanh”.

Thêm vào đó, Việt Nam còn phải đối đầu với nhiều vấn đề: cô lập về ngoại giao, lệnh cấm vận của chính phủ Hoa Kỳ và nhất là cuộc chiến “trường kỳ và đa diện” của Trung Quốc cho nên tình hình kinh tế ngày càng suy sụp.

Trước tình trạng khó khăn đó, tại miền Nam, nhất là tại thành phố HCM, Võ Văn Kiệt rồi Nguyễn Văn Linh đã nhắm mắt để cho một số doanh thương “xé rào”, bất chấp cái cơ chế qui hoạch và tập trung mà chính quyền trung ương Hà Nội đề ra. Một số doanh thương được thành ủy TP/HCM cho phép cùng chính quyền địa phương lập ra những công ty hợp doanh để làm ăn theo lối kinh tế thị trường. Công ty đầu tiên do Phan Chánh Dưỡng, một nhà kinh doanh gốc Hoa được Võ Văn Kiệt cho phép thành lập là công ty Cholimex, mua nông phẩm của dân theo giá thị trường (chẳng hạn mua sắn của dân Pleiku với giá 4$50, thay vì 2$ như nhà nước qui định) đem sang Hồng Kông bán rồi mua bột ngọt, tơ sợi, máy móc về bán theo giá thị trường. Với cách làm ăn này, công ty Cholimex cũng như công ty dệt của Bùi Văn Long làm ăn rất phát đạt, giúp nông dân và công nhân tăng gia sản xuất, đồng thời cũng kiếm lời cho nhà nước hàng triệu mỹ kim.

Những công ty này hoạt động chưa được một năm thì bị nhóm lãnh đạo ở trung ương chỉ trích vì đường lối kinh doanh đã đi trật đường hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 14-9-82, bộ Chính Trị ra nghị quyết 01/NQ-TW phê bình đảng bộ TP/HCM “có phần buông lơi chuyên chính vô sản trên mặt trận phân phối lưu thông...”.

Bùi Văn Long về sau kể lại “ Tôi đã nhẩm tính cặn kẽ, không dưới 26 đoàn thanh tra, kiểm tra quần tới bến những đơn vị trong thành phố do tôi quản lý. Họ hoạnh họe, hạch sách chúng tôi đủ điều... Tất tần tật, chỉ thiếu mỗi một điều là chưa dùng tới còng số 8 để “nói chuyện” với cấp dưới của tôi...” Một giám đốc viết thư lên thành ủy: “Thú thật, chúng tôi không dám tìm tòi làm theo cách mới nữa. Trên bảo sao, làm vậy cho yên. Nếu làm khác, may thì bị thanh tra phê bình lập trường quan điểm. Nặng, có thể vào tù vì tội cố ý làm trái...”. Ngay cả Mai Chí Thọ, khi đó là chủ tịch ủy ban Nhân dân thành phố, vì ủng hộ cởi mở kinh tế đang bị bệnh cũng bị bộ Chính Trị bắt đi họp để hỏi tội.

Khoảng thời gian đó, trong khi tại những nước lân bang vùng Đông Nam Á, nền kinh tế tự do và năng động đã tạo nên những thành quả nhảy vọt thì chính sách kinh tế nhà nước chỉ huy của Việt Nam suốt hai kế hoạch ngũ niên vẫn tiếp tục đưa đến những kết quả thảm hại.

Năm 1985, phó thủ tướng đặc trách kinh tế Tố Hữu cho đổi tiền. Nhân dân biết là đồng tiền mất giá nên giá cả hàng hóa tăng vọt. Lạm phát năm 1986 lên tới 700%. Hậu quả tai hại của nhà thơ làm kinh tế này được ghi nhận trong bản báo cáo chính trị của đại hội VI: “Sai lầm về cuộc tổng điều chỉnh giá – lương tiền cuối năm 1985 đã làm cho nền kinh tế xã hội Việt Nam lún sâu vào khủng hoảng, phân phối càng thêm rối ren căng thẳng, vật giá tăng nhanh, ngân sách thâm hụt lớn, lạm phát phi mã, hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp…”.

Vì thế, tháng 6-1986, Việt Nam phải cải tổ chính phủ. Tố Hữu cùng các bộ trưởng liên quan đều bị mất chức, trong đó có bộ trưởng tài chánh Chu Tam Thức (Vũ Tuân thay thế), bộ trưởng nội thương Lê Đức Thịnh (Hoàng Minh Thắng thay thế), bộ trưởng ngoại thương Lê Khắc (Đoàn Duy Thành thay thế), tổng giám đốc ngân hàng Nguyễn Duy Giá (Lữ Minh Châu thay thế), bộ trưởng mỏ than Nguyễn Chân đều bị mất chức.(9)

Những thụt lùi về kinh tế của Việt Nam so với các nước lân bang như Thái Lan, Tân Gia Ba, Mã Lai…có lẽ sẽ còn kéo dài và CSVN sẽ vẫn tiếp tục chính sách kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa nếu không có những thay đổi chính trị ở Nga Xô, một nước mà những lãnh tụ CSVN luôn sùng bái và học tập theo khuôn mẫu.

Những năm đó, nền kinh tế thiếu sinh động của Nga Xô đã đến giai đoạn quá trì trệ và cái chết của Brezhnev năm 1982 đánh dấu một sự suy sụp toàn diện. Hai lãnh tụ kế tiếp là Andropov và Chernenko vì bệnh tật và tuổi tác chỉ cầm quyền một thời gian ngắn nên đã không đưa ra một biện pháp cải thiện nào cho đến khi Gorbachev lên cầm quyền vào tháng 3 năm 1985.

Trước những khó khăn về kinh tế và xã hội của Nga Xô, Gorbachev phải đưa ra những biện pháp cách mạng. Về đối nội, Gorbachev phát động chính sách “cởi mở” (glasnov) để bài trừ tham nhũng và “tái cấu trúc” (perestroika) để cải tổ lại kinh tế. Về đối ngoại, ông chủ trương hòa hoãn với Hoa Kỳ và Trung Quốc để dồn hết mọi nỗ lực vào việc phục hưng kinh tế. Những thay đổi này đã được thông báo cho Việt Nam nên đảng CSVN cũng phải từ từ chuyển hướng.

Nguyễn Văn Linh, bị loại khỏi bộ Chính Trị năm 1982 đến năm 1986 lại được gọi trở lại bộ Chính Trị và dựa theo tình trạng perestroika ở Nga Xô, dần dần thăng lên thứ bậc thứ hai trong đảng.

Tháng 7-1986, bộ Chính Trị đưa ra nghị quyết 32, không còn nhắc đến tình trạng “không thể đảo ngược” nữa mà bắt đầu ám chỉ đến một giải pháp chính trị cho Campuchia.

Tháng sau, ngày 13-8-1986 nhật báo Nhân Dân đăng bài ca ngợi sự hợp tác toàn diện Việt-Xô nhưng cũng nhấn mạnh Việt Nam và Nga Xô sẵn sàng bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Cuối tháng 8-1986, trong bản thông cáo chung của các bộ trưởng ngoại giao ba nước Đông Dương, Hà Nội tuyên bố sẽ rút hết quân đội Việt Nam ra khỏi Campuchia, và muốn khôi phục quan hệ bình thường với Trung Quốc và Thái Lan.

Ngày 30-9-1986, trong dịp quốc khánh Trung Quốc, sau nhiều năm đả kích lẫn nhau, Trường Chinh đã gửi điện văn chúc mừng cho Lý Tiên Niệm.

Tuy nhiên, suốt thời gian sau trận chiến 1979, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhiều hành động khiêu khích và lấn chiếm biên giới.

Ngày 28-4-1984, nói là quân Việt Nam khiêu khích ở biên giới, trung đoàn 14/SĐ-40/QĐ-14 của Trung Quốc đánh chiếm Núi Đất (Trung Quốc gọi là Lão Sơn) hay cứ điểm 1509 thuộc xã Thanh Thủy, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Theo nguồn tin Trung Quốc, năm 1981, họ cũng đã lấn chiếm núi Faka của Việt Nam.(10)

Trong thời gian mà Nga Xô đề ra chính sách cởi mở và tái cấu trúc, sự thay đổi về đường lối đối ngoại nhất là đối với Trung Quốc cũng trùng hợp với cái chết của tổng bí thư Lê Duẩn của Việt Nam.(11)

Lê Duẩn sinh năm 1908 tại quận Triệu Phong, Quảng Trị, xuất thân là một thư ký nhà ga, từng là bí thư thứ nhất và tổng bí thư hơn hai mươi năm. (12)

Được sự giúp đỡ của Lê Đức Thọ, Lê Duẩn gần như nắm toàn quyền lãnh đạo và quyết định đường lối hướng dẫn đảng CSVN trong nhiều năm. Đường lối này không dựa trên một chiều hướng ý thức hệ nào mà mang nặng tính thực dụng nhằm giữ vững quyền lực. Khi Khrushchev cầm quyền, chủ trương hòa hoãn với Tây phương và tố cáo tội ác của Stalin, Lê Duẩn nghiêng về phía Trung Quốc và thanh trừng những người bị nghi ngờ thân Nga Xô như Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Nguyễn Văn Vịnh…Võ Nguyên Giáp cũng bị gán cho tội “xét lại” trong thời gian này.

Đến thập niên 1970, khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, Lê Duẩn lại dựa hẳn vào Nga Xô và khai trừ Hoàng Văn Hoan, Chu Văn Tấn, Lý Ban…

Sau khi Lê Duẩn chết, dù thế lực của Lê Đức Thọ trong đảng rất mạnh, nhưng do nhu cầu cấp bách cần thân cận với Trung Quốc nên nhân vật số hai của bộ Chính Trị là Trường Chinh được cử lên tạm thay. Đồng thời, Nguyễn Văn Linh từng bị loại khỏi bộ Chính Trị năm 1982, sau khi được đưa vào ban bí thư, lại trở lại bộ Chính Trị và dần dần được nâng lên hàng thứ hai.

Trường Chinh, tên thật Đặng Xuân Khu, bí danh là Nhân hoặc là Thận, từng bị mất chức tổng bí thư năm 1956 sau Cải Cách Ruộng Đất, đã nhẫn nhịn suốt ba mươi năm dưới thế lực của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, được tạm thời đưa lên giữ chức tổng bí thư. Với bí danh Trường Chinh hàm ý tôn phục MaoTrạch Đông và từng dịch các tác phẩm Trì Cửu Chiến, Tân Dân Chủ Luận của Mao, Trường Chinh có nhiều điều kiện thuận lợi để CSVN dễ dàng cầu hòa trở lại với Trung Quốc.

Thật ra, chiều hướng Việt Nam hòa giải với Trung Quốc trong giai đoạn này vẫn chỉ là một bước trong chính sách đối ngoại của Nga Xô và nhằm phục vụ cho quyền lợi của Nga Xô nhiều hơn. Trong đám tang Lê Duẩn, Trường Chinh được gặp Tikhonov, ủy viên bộ Chính Trị Nga Xô và được khuyến cáo về sự cần thiết phải thay đổi chính sách, đối nội cũng như đối ngoại.

Theo thông lệ và nghi thức của một nước cộng sản nhỏ đối với một nước cộng sản đàn anh, Trường Chinh mới nhận chức ngày 14-7-1986 thì ngày 26-7-1986 đã bay qua Nga Xô để thỉnh thị ý kiến của Gorbachev. Nhưng Gorbachev không tiếp Trường Chinh ngay mà lại bay sang Vladivostok để thông báo cho thế giới, quan trọng nhất là nhắm vào Trung Quốc, về chính sách ngoại giao mới của Nga Xô trong vùng Thái Bình Dương, rồi chờ đến ngày 12-8-1986 tức cả nửa tháng sau mới tiếp Trường Chinh.
Từ Nga Xô trở về, Trường Chinh họp bộ Chính Trị và những thay đổi đường lối của đảng CSVN bắt đầu từ đó. Lý thuyết gia từng được coi là bảo thủ và giáo điều nhất — theo Trần Quỳnh, thật ra là người ba phải và đón gió nhất — của đảng CSVN đã quay sang “đổi mới” và đưa ra khẩu hiệu “đổi mới hay là chết”.

Trường Chinh triệu tập những cán bộ cao cấp và ra chỉ thị sửa đổi lại các văn kiện sẽ được trình bày ở đại hội VI sắp tới. Cuộc họp diễn ra ở Đồ Sơn được Hà Đăng, tổng biên tập báo Nhân Dân, gọi là “hội nghị ba quan điểm” (13) gồm có:

- Về kinh tế, hội nghị công nhận lỗi lầm đã coi trọng công nghiệp nặng, khiến vốn liếng nhà nước đổ hầu hết vào một số công ty quốc doanh lớn như công ty cơ khí Hà Nội, công ty than Cẩm Phả, công ty xi măng,.. nhưng những công ty này luôn luôn kinh doanh lỗ lã. Hội nghị đề nghị thay đổi bằng cách thay vì ra sức phát triển kỹ nghệ thì nên tập trung phát triển lương thực và hàng tiêu dùng.

- Về việc cải tạo xã hội chủ nghĩa (do Đỗ Mười phụ trách), hội nghị thấy đã bị thi hành một cách quá triệt để và toàn diện, xóa bỏ hết tư hữu khiến mọi ham muốn làm ăn, buôn bán bị triệt tiêu.

- Về cơ chế quản lý tập trung, quá quan liêu, bao cấp, mọi kế hoạch đều dựa vào ý muốn chủ quan, duy ý chí chứ không dựa vào thị trường.

Từ hội nghị này, nền móng của đổi mới kinh tế được thiết lập, nhưng từ ngữ “kinh tế thị trường” vẫn chưa được dùng. Văn kiện chỉ nói đường lối đó là “hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa”.

Trong thời gian này, đảng cộng sản đang chuẩn bị tổ chức đại hội lần thứ VI, dự định vào cuối tháng 12-1986, nhiều vận động về nhân sự đã xảy ra.

Lê Đức Thọ, người có nhiều thế lực và vây cánh nhất trong đảng cộng sản và bộ Chính Trị không chịu ngồi yên. Khi Lê Duẩn bị bệnh nặng, ông ta đòi Lê Duẩn viết chúc thư truyền chức tổng bí thư cho mình nhưng Lê Duẩn không chịu.(14)

Sau khi Lê Duẩn chết, thời gian mà Trường Chinh tạm thời lên thay để chờ đại hội đảng lần thứ VI bầu tổng bí thư mới, Lê Đức Thọ đã đi khắp nơi để vận động.

Trong bộ Chính Trị, Lê Đức Thọ trông cậy nhiều vào Nguyễn Đức Tâm, Tố Hữu, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh, Chu Huy Mân, Đỗ Mười và Phạm Hùng. Tuy nhiên, trong số những người Lê Đức Thọ trông cậy thì Tố Hữu đã bị loại vì phạm lỗi lầm khi làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế, Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân không được quân đội bầu làm đại biểu tham dự đại hội đảng vì tham nhũng, Phạm Hùng ủng hộ Nguyễn Văn Linh vì được hứa sẽ làm thủ tướng, Đỗ Mười và Lê Đức Anh cũng theo thời thế mà chuyển sang phe đổi mới để được tiến thân.

Trước viễn tượng bị thua phiếu Trường Chinh khi tranh chức tổng bí thư và còn được Lê Đức Anh cho biết là trong quân đội, đang có dư luận vận động để Võ Nguyên Giáp được cử làm thủ tướng, Trường Chinh tổng bí thư, Phạm Văn Đồng chủ tịch nhà nước, nên Lê Đức Thọ cảm thấy bất an.

Tuy Trường Chinh nhờ là người miền Bắc và luôn luôn thuận theo ý kiến Lê Duẩn nên đã được giữ lại ở bộ Chính Trị, nhưng dù ở vị trí số hai, suốt ba mươi năm Trường Chinh đã bị Lê Duẩn và Lê Đức Thọ gạt ra ngoài như một kẻ đứng bên lề, không có một chút thực quyền. Trong khi đó, Võ Nguyên Giáp còn bị đối xử tàn tệ hơn, năm 1982 đã bị Lê Đức Thọ hoàn toàn loại trừ nên chắc chắn sẽ không để Lê Đức Thọ yên nếu được phục hồi quyền chức.

Thấy không thể tranh với Trường Chinh và không thể để Võ Nguyên Giáp nhờ Trường Chinh mà có cơ hội trở lại, Lê Đức Thọ một mặt tìm cách bảo vệ và nâng đỡ những người thân cận như Nguyễn Đức Tâm, Lê Đức Anh, sắp xếp để cho em ruột của mình là Mai Chí Thọ, đang là bí thư thành ủy thành phố HCM, và cháu rể là Nguyễn Thanh Bình, vào bộ Chính Trị.

Mặt khác, Lê Đức Thọ viết thư cho Trường Chinh và Phạm Văn Đồng, đề nghị cả ba Chinh, Đồng, Thọ vì tuổi già nên từ chức nhường chỗ cho thế hệ sau. Lá thư này do Nguyễn Khánh, chánh văn phòng ban bí thư, đích thân đưa cho hai người. Lê Đức Thọ cũng dọa sẽ làm rối loạn đại hội đảng nếu hai người này không chịu.

Trước hoàn cảnh đó, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng sợ mang tiếng tham quyền cố vị nên đành chịu rút lui và Võ Nguyên Giáp cũng mất luôn cơ hội được trở lại quyền vị. Nguyễn Văn Linh, người có thành tích cởi mở nhất, gần gũi với đường lối mới của Nga Xô nhất, được Lê Đức Thọ ủng hộ lên chức tổng bí thư.

Theo một tài liệu, chính Lê Đức Thọ đã gọi Nguyễn Văn Linh đến và bảo: “Kỳ đại hội này sẽ sắp xếp để cho đồng chí làm tổng bí thư”. Vì đã nắm quyền ở ban tổ chức trên 20 năm, nên dù từ chức, Lê Đức Thọ vẫn còn có ảnh hưởng lâu dài trong trung ương đảng cho đến lúc chết.

Ngoài Nguyễn Văn Linh, năm 1986 cũng là một năm may mắn cho Lê Đức Anh. Được Lê Đức Thọ nâng đỡ, trong năm 1982 Lê Đức Anh đã được vào bộ Chính Trị trong khi thượng cấp của Lê Đức Anh là Lê Trọng Tấn, tổng tham mưu trưởng quân đội vẫn không được vào. Khi Văn Tiến Dũng sắp bị mất chức bộ trưởng quốc phòng, hai người được chỉ định thay là Hoàng Văn Thái rồi Lê Trọng Tấn lần lượt đột ngột qua đời. Cái chết bất ngờ của hai người cùng với việc tướng Phan Bình, từng đặc trách tình báo quân đội (Cục C2), tự tử trong thời gian các phe phái đang tranh giành quyền lực đã nêu lên nhiều nghi vấn, vì vợ của Phan Bình vẫn cho là Phan Bình bị bắn chết và vài ngày sau, con trai lớn của Phan Bình cũng bị hạ sát (15).

Người ta ngờ cái chết của Phan Bình có liên quan đến cục C2, và những người thay Phan Bình làm cục trưởng C2 là Như Văn sau đó là Đặng Vũ Chính đều là người từng làm việc với Lê Đức Thọ và Lê Đức Anh ở Campuchia. Trong khi đó, Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn là người thân cận với Võ Nguyên Giáp.

Sau cái chết của hai viên tướng này, đại diện quân đội tại bộ Chính Trị không còn là những tướng lãnh kỳ cựu ở bộ tổng tham mưu hay bộ quốc phòng được đôn lên mà lấy từ những quân khu miền Nam (như Lê Đức Anh) hay miền Trung (như Đoàn Khuê).

Nếu mấy năm trước, nhờ lầm lỗi của Trần Văn Trà mà Lê Đức Anh được chỉ huy mặt trận Campuchia thì năm 1986, nhờ cái chết bất ngờ của Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn mà Lê Đức Anh được lên làm tổng tham mưu trưởng và mấy tháng sau, nắm bộ quốc phòng rồi sau đó làm chủ tịch nhà nước. Dù cho có những lời tố cáo về việc khai gian lý lịch và những hành động sai trái trong quá khứ, Lê Đức Anh vẫn có thể tiến thân nhờ được Lê Đức Thọ che chở và từ đó cho tới nhiều năm sau, Lê Đức Anh trở nên một người có nhiều quyền lực và phe cánh của ông ta cũng được cất nhắc.

Bốn năm trước, đại hội đảng lần thứ V của đảng CSVN được họp trong khí thế đang lên của phong trào cộng sản toàn cầu. Vì thế, những lãnh tụ của đảng này đã nhận lãnh vai trò làm người lính tiền phong cho đế quốc Nga Xô tại vùng Nam Thái Bình Dương và quyết tâm xã hội chủ nghĩa hóa Việt Nam một cách triệt để. Rủi thay, sự bành trướng của phong trào cộng sản đó chỉ như một ngọn lửa cháy bùng trước khi tàn rụi.

Bốn năm sau, sự suy sụp của đế quốc Nga Xô đã đưa Việt Nam vào hoàn cảnh ý thức hệ bị lung lay, ngọai giao bị cô lập, quân sự bị sa lầy. Đồng thời, những biện pháp cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa đã khiến kinh tế Việt Nam sa sút trầm trọng, gần như khánh tận. Trong hòan cảnh khó khăn đó, đảng CSVN chuẩn bị họp đại hội lần thứ VI để họp bàn những biện pháp thay đổi để sống còn. Nhưng những biện pháp “đổi mới hay là chết” này thật ra chỉ nhằm để cứu sống giai cấp thống trị mà thôi.

CHÚ THÍCH CHƯƠNG II

___________________________________

(1)— Tố Hữu, bí danh Lành, thường chỉ phụ trách tuyên huấn, vì ở cùng quê, nên rất thân thiết với Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quỳnh... Được Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cất nhắc chuẩn bị thay Phạm Văn Đồng. Với bài thơ ca tụng Staline, Tố Hữu dĩ nhiên được Nga Xô tin tưởng, nâng đỡ khi Việt Nam chủ trương kết thân với Nga Xô. Vì ở cùng phe với Lê Duẩn, Tố Hữu đã không ưa Võ Nguyên Giáp. Theo ông Hoàng Tiến, trong bài Sự Thật Ở Đâu, khi Tố Hữu làm phó thủ tướng đi nước ngoài về, có nhiều người ra phi trường đón trong số có Võ Nguyên Giáp, lúc đó chỉ là chủ nhiệm một ủy ban (khoa học hay ngừa thai). Tố Hữu đã bắt tay từng người. Khi đến lượt Võ Nguyên Giáp, ông ta quay ngoắt đi chỗ khác. Hình ảnh này được chiếu trên truyền hình.
(2)— Việc Võ Nguyên Giáp bị ép rút lui: thư của Võ Nguyên Giáp gửi cho trung ương đảng năm 1991
(3)— Tượng của Lê Nin được người dân Hà Nội gọi là tượng “chống kẻ cắp”, vì một tay ông để trong túi (giữ chặt ví tiền), tay kia chỉ về phía trước (hướng tên ăn cắp chạy). (Shadows and Wind — Robert Templer).
(4)— Về những chi tiết của cuộc chiến ở Campuchia trong thời gian này, xin xem phần Phụ Lục.
(5)— K. có lẽ là viết tắt chữ Khóa, 5 là vùng chiến trường thứ 5 trong quan niệm chiến thuật của Việt Nam lúc đó, chia Đông Dương ra làm 5 vùng chiến trường: Bắc (1), Trung (2), Nam Việt Nam (3), Lào (4) và Căm Pu Chia (5). Khóa K5 lập nên nhằm ngăn chận sự xâm nhập của những lực lượng chống đối từ biên giới Thái Lan tràn qua là một hành lang mìn, chông, những trạm gác…
(6)— Ngoài các vụ pháo kích, bắn quấy rối, Trung Quốc còn có những võ tiểu xảo như :“thả nhiều quả mìn nhỏ, bọc nhựa màu xanh, một số lớn mang ký hiệu 652A trên các dòng sông bắt nguồn từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam, gây ra nhiều vụ nổ…” (Tài liệu từ Việt Nam, Năm Thứ 12 của Chánh Đạo)
(7)— “Thành lũy thép” (Vietnam People Army, Douglas Pike)
(8)— Tài liệu trong Brother Enemy, Nayan Chanda.
(9)— Về hậu quả chính sách kinh tế của Tố Hữu, trích Giáo trình Lịch Sử Đảng CSVN, nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia.
(10)— Trận chiến Việt Hoa năm 1981 và 1984 ở Faka và Núi Đất: bài của Bách Việt Nhân trong Vietnamexodus, lấy tài liệu và hình ảnh từ quân đội Trung Quốc.
(11)— Năm 1986, ngoài cái chết của Lê Duẩn, còn có nhiều cán bộ kỳ cựu khác cũng chết như Lê Thiết Hùng, cựu tư lệnh liên khu Tư và chỉ huy trưởng Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Hoàn, tên thật Nguyễn Trọng Cảnh, từng là bộ trưởng bộ Công An, Hoàng Văn Thái, thứ trưởng Quốc Phòng, Lê Trọng Tấn, tổng tham mưu trưởng quân đội, Tạ Quang Bửu, cũng một thời là thứ trưởng Quốc Phòng…
(12)— Theo Hứa Hoành, thuở sinh thời, Lê Duẩn có ba vợ, bà vợ chính tên Cao Thị Khê ở Quảng Trị cưới khi Duẩn 20 tuổi, có em là Cao Xuân Diệm, sau này trở nên trung tướng công an Dương Thông phụ trách đàn áp văn nghệ sĩ. Bà thứ hai là Đỗ Thị Sảnh. Năm 1942, khi hoạt động trong Nam, Lê Duẩn dùng thủ đoạn cưới thêm bà Thụy Nga cháu gọi ông Đỗ Hữu Vị (đại úy phi công Việt Nam đầu tiên trong quân đội Pháp) bằng chú. Sau 1954, vì bị bà Khê đánh ghen, Lê Duẩn phải gửi bà Nga sang Thiên Tân lánh nạn một thời gian. Ngoài ba bà vợ, Lê Duẩn cũng đã lăng nhăng với nhiều người khác. Theo nhà văn Xuân Vũ, bà Thụy Nga đã có người yêu nhưng bị Lê Đức Thọ dàn xếp lừa bà vào một căn lều vắng để Lê Duẩn đến cưỡng hiếp khiến bà phải chịu làm vợ ba. Trong bài báo Người Vợ Miền Nam (để phân biệt với hai bà miền Trung) trên báo Tiền Phong ngày 25/6/06, câu chuyện được tình tiết hóa là vì người yêu của bà Thụy Nga họat động tình báo nội thành nên đảng không cho phép cưới. Ngay sau hôm đảng cho bà biết quyết định này, Lê Duẩn “tình cờ” đi ngang gặp bà và ngay buổi chiều, đã nói với Lê Đức Thọ dàn xếp cưới bà Thụy Nga làm vợ ba và bà này cũng bằng lòng ngay ngày hôm sau. Câu chuyện của báo Tiền Phong kể lại tuy phi lý là bà Nga đã thay lòng đổi dạ chỉ trong vòng một đêm, nhưng có lẽ đúng sự thật, chỉ trừ bài báo đã không dám đăng chuyện “cái đêm hôm ấy đêm gì” như nhà văn Xuân Vũ kể lại. Trong Lớn Lên Với Đất Nước, tác giả Vy Thanh, một cựu đảng viên kể lại là Lê Đức Thọ cũng đã nhiều lần dùng thủ đọan “ván đã đóng thuyền” này.
(13)— Cuộc họp “ba quan điểm” của trung ương đảng do Trường Chinh triệu tập ở Đồ Sơn để sửa soạn đổi mới, trích từ bài “Đêm Trước Đổi Mới” đăng trong website Thanh Niên.
(14)— Việc Lê Đức Thọ xin Lê Duẩn giúp để làm tổng bí thư: theo cuốn Làm Người Khó, Làm Người Xã Hội Chủ Nghĩa Còn Khó Hơn của Đoàn Duy Thành. Trong cuốn sách, Đoàn Duy Thành kể lại là sau khi Lê Duẩn chết, các con của Lê Duẩn rất lo sợ là cả gia đình sẽ bị Lê Đức Thọ thanh toán. Do vây cánh Lê Đức Thọ còn mạnh, con cái Lê Duẩn mấy năm sau đó đã không được nâng đỡ về chính trị. Nhờ có tiền của cha me và quan hệ, một người con là Lê Kiên Thành mở công ty Thiên Minh, kinh doanh rất phát đạt. Sau khi có tiền, năm 2007 tự ra ứng cử quốc hội.Không ở trong danh sách được đảng chọn lựa, dĩ nhiên Thành thất cử
(15)— Vợ Phan Bình kể lại, khi đưa xác Phan Bình về nhà ở Hà Nội làm tang lễ, người con lớn kêu khóc “Bố bị người ta bắn chết”. Anh ta bị công an đem vào bệnh viện tâm thần rồi mấy ngày sau chết ở đó.



CHƯƠNG III

SAU ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ VI (1986-1991)

Năm 1986, sự suy kiệt về kinh tế, sự cô lập về ngoại giao, đe dọa và gây hấn thường xuyên của Trung Quốc cùng biến chuyển tình hình thế giới, nhất là của Nga Xô đã đẩy CSVN vào một bước ngoặt quan trọng trên đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. Những thay đổi về đối nội, đối ngoại của Nga Xô đã tạo một cơn khủng hoảng ý thức hệ cho đảng CSVN và gây hoang mang giao động cho giới lãnh đạo. Đang lệ thuộc Nga Xô về tất cả mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao.., nên khi Nga Xô đã đề ra glasnov (cởi mở) và perestroika (tái cấu trúc), CSVN không còn cách lựa chọn nào khác cũng phải đưa ra chính sách “đổi mới”.

Những nguyên nhân của “đổi mới tư duy” về đối nội cũng như đối ngoại của CSVN coi như chính thức bắt đầu sau bài diễn văn của Gorbachev tại Vladivostok (Hải Sâm Uy) ngày 28-7-1986, trong đó Nga Xô công bố chính sách Á Châu và Thái Bình Dương mới mà mục tiêu chủ yếu là tái lập quan hệ ngoại giao bình thường với Trung Quốc. Để đạt mục đích, Gorbachev tuyên bố sẽ giải quyết cả “ba trở ngại” mà Trung Quốc đòi hỏi. Gorbachev còn nói thêm “vấn đề Campuchia phải được giải quyết giữa Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa”.

Chính sách thay đổi của Nga Xô đặt Việt Nam vào thế bất ngờ và nguy hiểm. Nga Xô là cường quốc, có thể công khai nhượng bộ Trung Quốc và Hoa Kỳ mà không mất uy thế.. Hơn nữa, làm thế, họ còn được cảm tình của Hoa Kỳ và Tây Âu, sẵn sàng được giúp đỡ để giải quyết những khó khăn kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam là nước nhỏ, lại là gánh nặng bòn rút tài nguyên đang kiệt quệ của Nga Xô nên Nga Xô có thể hy sinh Việt Nam để cầu thân với Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á. Trước viễn ảnh bị Nga Xô bỏ rơi để kết thân với kẻ thù của mình là Trung Quốc, Việt Nam buộc phải thay đổi toàn diện chính sách đối nội đối ngoại. Vì thế, đại hội đảng lần VI cuối năm 1986 đã tạo một khúc quanh quan trọng trong lịch sử đảng CSVN.

Sau mấy tháng chuẩn bị, đại hội VI được triệu tập từ 15 đến 18-12-1986 gồm có 1129 đại biểu tham dự.

Khách tới dự đại hội này có Ligachev, nhân vật số 2 của đảng cộng sản Nga Xô, Kaysone Phomvihane của Ai Lao, Heng Samrin của Campuchia cùng vài đại diện các đảng cộng sản Đông Đức, Cuba… Đại hội đảng kỳ này biểu quyết chấp thuận 124 ủy viên trung ương đảng cùng 49 ủy viên dự khuyết mà đại hội trung ương đảng trước đó đưa ra. Sau đó họ bầu ủy viên bộ Chính Trị là những người có quyền lực nhất của đảng và chính phủ.

Tại đại hội đảng, trước ngày bầu ra những ủy viên bộ Chính Trị, Phạm Hùng tuyên đọc bức thư xin rút lui của bộ ba Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ. Cả ba người sau đó được cử làm “cố vấn tối cao”.

Bộ Chính Trị mới được bầu năm 1986 gồm có:

1. Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư, tên thật Nguyễn Văn Cúc, bí danh Mười Cúc, sinh tại miền Bắc nhưng phần lớn cuộc đời hoạt động tại miền Nam. Từ 1940, đã nhiều lần làm bí thư thành ủy Sài Gòn. Trong chiến tranh Đông Dương II, từng là phó bí thư trung ương Cục miền Nam, phụ tá cho Phạm Hùng. Được vào trung ương đảng năm 1960 và bộ Chính Trị năm 1976. Năm 1982, khi Brezhnev còn cầm quyền tại Nga Xô, tập đoàn lãnh đạo cứng rắn của Hà Nội loại bỏ Nguyễn Văn Linh. Sau khi Gorbachev lên, Linh lại được gọi trở về, và nương theo đà đổi mới bên Nga Xô, Nguyễn Văn Linh dần dần thăng chức.

2. Phạm Hùng, thay Phạm Văn Đồng làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng vào tháng 6 năm 1987 nhưng được mấy tháng thì bị bệnh chết vào tháng 3 năm 1988. Phạm Hùng sinh năm 1912 tại miền Nam và là ủy viên bộ Chính Trị duy nhất hoạt động tại miền Nam trong chiến tranh Đông Dương II (sau khi Nguyễn Chí Thanh chết)..

3. Võ Chí Công, tên thật Võ Toàn, sau khi Trường Chinh từ chức, lên thay chức chủ tịch nhà nước tháng 6-1987. Trước từng hoạt động trong trung ương cục miền Nam rồi làm chính ủy quân khu V.

4. Đỗ Mười, sinh năm 1917, thay Phạm Hùng làm thủ tướng từ tháng 6-1988. Đỗ Mười sau năm 1954 là bí thư thành ủy Hải Phòng, rồi tham gia cải tạo công thương nghiệp miền Bắc. Năm 1976 là bộ trưởng bộ Xây dựng, năm sau được cử vào Nam, phụ trách “cải tạo công thương nghiệp” thay Nguyễn Văn Linh để tập thể hóa kinh tế miền Nam một cách triệt để hơn.

5. Võ Văn Kiệt, phó thủ tướng kiêm chủ nhiệm ủy ban Kế Hoạch Nhà Nước. Võ Văn Kiệt, sinh năm 1922, sinh trưởng và hoạt động ở miền Nam, được cử làm ủy viên trung ương cùng với Nguyễn Văn Linh năm 1960. Năm 1976, Kiệt được thăng ủy viên dự khuyết bộ Chính Trị trung ương đảng và thay Nguyễn Văn Linh làm bí thư thành ủy Sài Gòn. Võ Văn Kiệt được coi như người cởi mở, thực dụng, cổ võ cho đổi mới kinh tế, và tản quyền quản lý cho các địa phương. Sau khi Phạm Hùng mất, Võ Văn Kiệt được cử lên thay nhưng vài tháng sau thì bị đảng gạt ra để cho Đỗ Mười làm thủ tướng.

6.Lê Đức Anh, từ thứ 12 lên thứ 6. Thay Lê Trọng Tấn làm tổng tham mưu trưởng năm 1986, rồi thay Văn Tiến Dũng làm bộ trưởng quốc phòng năm 1987. Từng là cai phu đồn điền cao su. Trong chiến tranh Đông Dương II, hoạt động ở vùng đồng bằng Cửu Long. Sau 1975 làm tư lệnh quân khu IX. Khi Trần Văn Trà bị mất chức trước năm 1979, Lê Đức Anh lên thay làm tư lệnh quân khu VII, một quân khu quan trọng hơn, để từ đó chỉ huy công cuộc đánh chiếm Campuchia. Nhờ thân cận với Lê Đức Thọ ở Campuchia, Lê Đức Anh được cất nhắc vào bộ Chính Trị năm 1982.

7. Nguyễn Đức Tâm, thay Lê Đức Thọ làm trưởng ban tổ chức T.Ư Đảng. Từng là bí thư tỉnh Quảng Ninh, rồi phó ban tổ chức cho Lê Đức Thọ trong nhiều năm.

8. Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng Ngoại Giao, tên thật là Phạm Văn Thương, sinh quán Nam Định, ủy viên dự khuyết bộ Chính Trị từ năm 1982.

9. Đồng Sĩ Nguyên, tên thật Nguyễn Sĩ Đồng, trong chiến tranh Đông Dương II phụ trách bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh sau đó làm bộ trưởng bộ Giao Thông Vận Tải.

10. Trần Xuân Bách, kiêm nhiệm trưởng ban đối ngoại trung ương

11. Nguyễn Thanh Bình, là cục trưởng Cục Hậu Cần sau đó làm bộ trưởng Nội Thương rồi bí thư thành ủy Hà Nội, được nâng đỡ vì là cháu rể của Lê Đức Thọ.

12. Đoàn Khuê, cựu tư lệnh Quân khu V, năm 1987, được cử thay Lê Đức Anh làm tổng tham mưu trưởng quân đội, được thăng đại tướng năm 1990. Tới 1991 thay Lê Đức Anh làm bộ trưởng Quốc phòng.

13. Mai Chí Thọ, em của Lê Đức Thọ. Từng hoạt động ở miền Nam. Sau 1975, có lúc làm chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố HCM, kiêm nhiệm luôn vấn đề an ninh toàn miền Nam. Trước khi vào bộ Chính Trị, là chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố HCM. Sau đó, năm 1987 được cử làm bộ trưởng bộ Nội Vụ. (1)

Một ủy viên dự khuyết là Đào Duy Tùng. Trước đó, năm 1977, Tùng là tổng biên tập Tạp Chí Cộng Sản tới năm 1982, chuyển qua làm giám đốc Việt Tấn Xã, sau đó được cử làm trưởng ban tuyên huấn đảng. Năm 1988, Đào Duy Tùng được thăng ủy viên thực thụ bộ Chính Trị. Là một người tham vọng, mấy năm sau Tùng mưu toan tranh chức tổng bí thư nhưng thất bại.

Trong thành phần bộ Chính Trị, Trần Xuân Bách có tư tưởng cấp tiến, chấp nhận đa đảng. Tên thật Vũ Thiện Tuấn, sinh tại Nam Định năm 1924, từng làm bí thư tỉnh ủy tại nhiều tỉnh miền Bắc. Năm 1981, khi Lê Đức Thọ về nước sửa soạn đại hội đảng, Trần Xuân Bách được cử lên thay làm trưởng đoàn B.68 phụ trách cai trị Campuchia. Năm 1985, ông về nước, làm chánh văn phòng ban bí thư trung ương đảng trước khi được cử làm ủy viên bộ Chính Trị. Theo ông, “đổi mới kinh tế phải đi đôi với đổi mới chính trị. Phải đi bằng hai chân, không thể đi khập khiễng bằng một chân”.( 2)

Ngoài Trần Xuân Bách, ba ủy viên Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt và Nguyễn Cơ Thạch tương đối cởi mở, số còn lại phần lớn là cơ hội. Đã được khuyến dụ và rèn luyện để trở thành đảng viên cộng sản, họ không thể một sớm một chiều chấp nhận những sai lầm hay yếu kém của chủ nghĩa đó. Vả lại, khi trở thành đảng viên, họ và gia đình đã bước vào một giai cấp mới, được hưởng đặc quyền đặc lợi không chỉ mãn đời mà còn đến đời con, đời cháu. Cho nên nếu có sự sửa đổi, sự sửa đổi này cũng chỉ miễn cưỡng và nửa vời. Hơn thế nữa, với ảnh hưởng của Lê Đức Thọ, một số người cộng sản thủ cựu vẫn được cử vào bộ Chính Trị như Nguyễn Đức Tâm, Mai Chí Thọ, Đào Duy Tùng, Lê Đức Anh...

Giữa hai ủy viên cởi mở từ miền Nam là Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt cũng có bất hòa. Nguyễn Văn Linh thường hay tố cáo Phan Thanh Nam, tổng giám đốc công ty quốc doanh Tradico tham nhũng và là con rơi của Võ Văn Kiệt.(3) Vì thế, sự đổi mới của CSVN đã không được thực hiện triệt để. Hai năm sau, với sự tan vỡ của khối cộng sản Đông Âu và vụ sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn, đa số đảng viên từ cấp nhỏ đến cấp lãnh đạo, kể cả Nguyễn Văn Linh, cảm thấy nguy cơ đảng bị tan rã, đảng viên mất hết ưu quyền nên đã tái áp dụng chính sách cứng rắn và đàn áp về chính trị, dù vẫn phải duy trì cởi mở về kinh tế, vì đây là cách duy nhất để đời sống của nhân dân, nhất là của chính họ khá hơn. Họ gọi chính sách này là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính sách này không học tập từ Nga Xô nữa mà rập khuôn theo đường lối của “kẻ thù lâu đời và nguy hiểm” cũ là Trung Quốc. Kể từ 1986, CSVN đã cố gắng bằng mọi cách, kể cả nhường đất đai, để cầu thân với Trung Quốc.

Người may mắn nhất trong đại hội đảng lần này là Lê Đức Anh. Bất ngờ lên chức bộ trưởng quốc phòng sau khi Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn chết một cách đột ngột, Lê Đức Anh đã làm lại lý lịch. Trong lý lịch cũ, năm 1976, Lê Đức Anh khai thành phần bản thân là viên chức, vào đảng từ tháng 7-1945, nhưng khi lên bộ trưởng quốc phòng, Lê Đức Anh khai bản thân là công nhân và vào đảng từ năm 1938.

Những đảng viên CS lâu năm như Phạm Văn Xô (từng là xứ ủy Nam Bộ), Đồng Văn Cống, Năm Thi (chủ nhiệm hậu cần Cục R) đều biết rõ lý lịch Lê Đức Anh và đã báo cáo với Nguyễn Đức Tâm, vụ trưởng vụ tổ chức. Hơn mười năm sau, sau khi đã mất chức và được hỏi về việc này, Nguyễn Đức Tâm trả lời là năm 1986, có báo cáo với Lê Đức Thọ, nhưng Lê Đức Thọ nói xếp lại. Sau đó, Nguyễn Văn Linh cũng được báo cáo, nhưng “không có ý kiến”. Đến thời Đỗ Mười thì Lê Đức Anh đã được làm chủ tịch nước nên bỏ qua luôn. Mấy năm sau, trong những đại hội đảng lần thứ VIII, IX và X, đều có thư tố cáo Lê Đức Anh khai man lý lịch nhưng những lúc sau này, thế lực Lê Đức Anh đã rất mạnh nên nội vụ luôn luôn được xử chìm xuồng.(4)




Ngoài những ủy viên bộ Chính Trị phụ trách quyết định đường lối chính sách của quốc gia, những ủy viên trung ương đảng còn bầu ra một ban bí thư để phụ trách điều hành nội bộ đảng. Ban bí thư này ngoài bốn ủy viên bộ Chính Trị là Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Tâm, Trần Xuân Bách, Đào Duy Tùng còn có:

- Trần Kiên, tên thật Nguyễn Tuấn Tài từng là bí thư tỉnh Hải Phòng, Gia Lai, Đắc Lắc và Nghĩa Bình. Từ 1979 đến 1981 là bộ trưởng bộ Lâm Nghiệp. Tới 1982, được đề cử vào ban bí thư và chủ nhiệm Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng.

- Lê Phước Thọ, trưởng ban Nông Nghiệp Đảng.

- Nguyễn Quyết, trung tướng, từng là tư lệnh đặc khu thủ đô và quân khu III. Năm 1986 là tổng cục phó Tổng Cục Chính Trị. Mấy tháng sau, thay Chu Huy Mân làm tổng cục trưởng.

- Đàm Quang Trung, gốc người Tầy, năm 1979 là thiếu tướng tư lệnh quân khu I thay Chu Văn Tấn sau khi Chu Văn Tấn bị thanh trừng, năm 1982 được thăng trung tướng rồi phó chủ tịch quốc hội.

- Vũ Oanh, trước 1975, hoạt động tuyên vận ở miền Nam, từng phụ tá cho Lê Đức Thọ và Trần Xuân Bách trong đoàn B.68 ở Campuchia. Năm 1991 được đề cử vào bộ Chính Trị

- Nguyễn Khánh, chánh văn phòng T.Ư đảng thay Trần Xuân Bách. Nguyễn Khánh là người phụ trách đưa thư khuyến dụ từ chức của Lê Đức Thọ cho Trường Chinh và Phạm Văn Đồng. Năm 1987, ra làm phó thủ tướng kiêm tổng thư ký hội đồng bộ trưởng.

- Trần Quyết, trung tướng công an, từng là thứ trưởng Nội Vụ

- Trần Quốc Hương, năm 1982 trong ban thường vụ đảng ủy thành phố HCM. Năm 1983, phó bí thư thành ủy Hà Nội. 1986 làm tổng cục trưởng tổng cục du lịch. Cùng với Mai Chí Thọ, Trần Quốc Hương là người ra lệnh phá bỏ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ở Sài Gòn.

- Phạm Thế Duyệt, người Thái Bình, từng là phó rồi chủ tịch công đoàn, sau cũng được vào bộ Chính Trị.

Sau khi Nguyễn Văn Linh lên làm tổng bí thư, Trần Độ được tái bổ nhiệm trưởng ban Văn Nghệ Trung Ương Đảng, nhưng khi làn sóng đổi mới văn hóa bắt đầu nổi lên, ảnh hưởng đến uy quyền tuỵệt đối của đảng thì những đảng viên cao cấp bị giao động, bộ Chính Trị sát nhập ban này vào Ban Tư Tưởng Văn Hóa do Trần Trọng Tân làm trưởng ban.

Tới 1988, Nguyễn Văn Linh thay đổi đường lối, Trần Độ lại bị mất chức và sau đó, bị khai trừ khỏi đảng cùng lúc với nhà văn Nguyên Ngọc, bí thư đảng đoàn của hội nhà văn cũng bị mất chức vì trong bản “Đề Dẫn” đọc ở hội nhà văn đã viết câu “người viết vẫn cứ viết mà không thật tin ở những điều mình viết ra”.

Việc “đổi mới tư duy” đầu tiên của đại hội lần VI là quyết định bỏ câu “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất” trong lời mở đầu Điều Lệ Đảng, đánh dấu thay đổi quan trọng về đường lối đối ngoại.

Vài ngày sau đại hội đảng, vào tháng 1-1987, ban chấp hành trung ương đảng lại họp hội nghị và đề cử nhân viên chính phủ. Lần này, Võ Chí Công được cử làm chủ tịch nhà nước, Phạm Hùng được cử làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng thay Phạm Văn Đồng.

Nội các Phạm Hùng gồm có 32 bộ trưởng, trong đó những bộ trưởng chính gồm có:

- Phó CT kiêm tổng thư ký HĐBT: Nguyễn Khánh

- Phó CT.HĐBT kiêm bộ trưởng Ngoại Thương: Đoàn Duy Thành. Trước là tỉnh ủy Hải Phòng, sau làm chủ tịch phòng Thương Mại. Năm 2006 viết cuốn hồi ký “Làm Người Là Khó, Làm Người Xã Hội Chủ Nghĩa Càng Khó Hơn” mà mục đích chính là chỉ trích Đỗ Mười, người đã chèn ép ông. Trong cuốn sách, Đoàn Duy Thành kể lại ông ta là người được Lê Duẩn cứu xét để cho làm tổng bí thư. Cuốn sách bị những người trong phe bảo thủ chỉ trích và giám đốc nhà xuất bản bị bộ Thông Tin Văn Hóa khiển trách.

- Bộ trưởng Quốc Phòng: Lê Đức Anh.

- Bộ trưởng Ngoại Giao: Nguyễn Cơ Thạch.

- Bộ trưởng Nội Vụ: Mai Chí Thọ.

- Chủ nhiệm UB Kế Hoạch Nhà Nước: Võ Văn Kiệt, phụ tá là Đậu Ngọc Xuân.

- Chủ nhiệm UB Hợp Tác Kinh Tế Văn Hóa với Ai Lao và Campuchia: Đặng Thí.(5)

- Chủ nhiệm UB Vật Giá: Phạm Văn Tiệm.

- Bộ trưởng Tài Chánh: Hoàng Quy.

-Tổng giám đốc Ngân Hàng NN: Lữ Minh Châu

- Bộ trưởng Vật Tư: Hoàng Đức Nghi.

- Bộ trưởng Xây Dựng: Phan ngọc Tường.

- Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải: Bùi Danh Lưu.

- Bộ trưởng Công Nghiệp Nhẹ: Vũ Tuấn.

- Bộ trưởng Văn Hóa: Trần Văn Phác.

- Bộ trưởng Thông Tin: Trần Hoàn (từng là trưởng ty văn hóa Huế sau 1975, tác giả bài Sơn Nữ Ca).

- Bộ trưởng Tư Pháp: Phan Hiền, từng là thứ trưởng ngoại giao.

- Bộ trưởng Y Tế: Đặng Hồi Xuân (vài năm sau, Đặng Hồi Xuân tử nạn máy bay khi sang Vọng Các họp một hội nghị về y tế).

- Đoàn Khuê được cử thay Lê Đức Anh làm tổng tham mưu trưởng.

- Nguyễn Quyết thay Chu Huy Mân làm chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội.

Tháng tư 1987, Việt Nam cho bầu cử quốc hội khóa 8 và sau khi Trần Độ từ chối, Nguyễn Đức Tâm, trưởng ban tổ chức đảng xếp đặt cho Lê Quang Đạo làm chủ tịch. Kỳ bầu cử này, ngoài cán bộ được chỉ định, đảng cộng sản cho vào quốc hội một số nhỏ những nhân vật cơ hội không phải đảng viên như Phan Khắc Từ, Thích Minh Châu, Lý Chánh Trung, bà Ngô Bá Thành, Nguyễn Xuân Oánh…

Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa được mời ứng cử nhưng từ chối. Sau 1975, dù được cử làm thứ trưởng y tế, bà đã nhiều lần, kể cả khi gặp Phạm Văn Đồng, xin ra khỏi đảng nhưng năm 1979 mới được chấp thuận với điều kiện bà chỉ được tiết lộ việc ra đảng vào 10 năm sau. Sau này, khi được hỏi về biến cố lịch sử nào trọng đại nhất trong 50 năm qua, bà trả lời là sự sụp đổ của bức tường Bá Linh, vì biến cố đó đã chấm dứt một “đại ảo tưởng” (chồng bà Hoa là Huỳnh Văn Nghi, đảng viên Cộng Sản Pháp nhưng không gia nhập đảng CSVN).

Ngoài bà Dương Quỳnh Hoa, những người thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũ như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Định... được sắp xếp cho làm phó chủ tịch nhà nước. Chức vụ này chỉ có hư danh, dành cho những người sắp bị loại. Bà Hoa đã từng nói thẳng với Nguyễn Hữu Thọ rằng họ chỉ là “hình nộm, mặt nạ hay vài món trang sức rẻ tiền” của chế độ.

Trong thời gian đầu đổi mới, CSVN chỉ có một chỗ dựa duy nhất là Nga Xô. Khi sắp xếp xong nội các, ngày 17-5-1987, Nguyễn Văn Linh bay sang Nga Xô để gặp Gorbachev. Gorbachev vạch rõ những kinh nghiệp về sự trì trệ của kinh tế xã hội chủ nghĩa, sự cần thiết phải giao thương với các nước tư bản và khuyến cáo Việt Nam nên giải quyết sớm vấn đề Campuchia ngõ hầu hòa hoãn được với Trung Quốc. Vì thế, từ Nga Xô trở về, ngày 23-5-1987, Nguyễn Văn Linh đã viết ngay loạt bài “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân Dân hô hào “đổi mới tư duy”. Ngày 26-5-1987, Linh họp Bộ Chính Trị thông báo về những khuyến cáo của Nga Xô.(6) Thời gian đó, trong bước đầu lấy lòng Trung Quốc, bộ ngoại giao đã làm tờ trình lên bộ Chính Trị xin bỏ câu nói “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất” trong lời mở đầu của hiến pháp.

Sau phái đoàn của đảng do Nguyễn Văn Linh cầm đầu sang gặp Gorbachev, các phái đoàn chính phủ và quân đội lần lượt bay sang Nga Xô để học kinh nghiệm và xin ý kiến. Phái đoàn chính phủ do Phạm Hùng hướng dẫn sang Mạc Tư Khoa ngày 12-6-1987 và phái đoàn quân đội do Nguyễn Quyết, chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội, sang ngày 19-6-1987. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau đại hội VI, Việt Nam lại học tập khuôn mẫu của Nga Xô để thực hiện sự thay đổi.

Từ Nga Xô về, Nguyễn Văn Linh bắt đầu thi hành hàng loạt những biện pháp “đổi mới”. Trước hết về kinh tế, được thấy rõ bản chất thiếu năng động và sự trì trệ của nền kinh tế Nga Xô, được thông báo về kết quả thảm hại của nó sau hơn sáu chục năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, và được chứng kiến sự phát triển kinh tế nhảy vọt của những nước lân bang, CSVN đành chấp nhận sự thất bại của hệ thống kinh tế tập trung và bắt đầu đưa ra những phương cách sửa đổi lại.

Dù cho những biện pháp tư nhân hóa và tản quyền kinh tế như vậy đi ngược lại với giáo điều Mác xít, họ vẫn muốn giữ ưu quyền độc tôn của đảng để gọi chính sách kinh tế của họ là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tuy Nguyễn Văn Linh được coi như người đã khai sinh ra đổi mới, nhưng người tương đối dám thi hành những biện pháp cải cách táo bạo là Võ Văn Kiệt. Ông ta đã làm “ô dù” và chịu khó nghe theo ý kiến của những chuyên gia kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa trước kia còn ở lại như Nguyễn Xuân Oánh (7), Nguyễn Văn Hảo (8), Lâm Võ Hoàng, Phan Tường Vân... Loạt bài “Đêm Trước Đổi Mới” trên báo Thanh Niên đã viết về một số chuyên gia này như sau: “Ở TP.HCM cũng có một nhóm chuyên gia kinh tế như vậy thường được nhắc đến với cái tên nhóm “Thứ Sáu”... thành phần chủ yếu là các chuyên gia có hạng của miền Nam trước 1975. Người từ trại cải tạo về, người không thuộc diện cải tạo thì sống cảnh nửa thất nghiệp bên lề xã hội. Thế mà họ... đã được bí thư thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí lúc ấy trọng dụng như những “quân sư kinh tế”. (9)

Dù mấy năm trước, Trường Chinh đã cho thành lập ở Hà Nội một nhóm tư vấn gồm những học giả Mác xít như Lê Xuân Tùng, Đào Xuân Sâm, Võ Đại Lược, Lê Văn Viện... để nghiên cứu đường lối cải cách kinh tế, nhưng khi tình trạng lạm phát 700% năm 1985 gây ra bởi tài năng kinh tế của Tố Hữu, Võ Văn Kiệt, khi đó là chủ nhiệm ủy ban Kế họach, đã phải triệu đám chuyên gia kinh tế miền Nam ra hỏi ý kiến. Chính báo Tuổi Trẻ cũng phải công nhận sự phá sản của lý thuyết kinh tế Mác xít : “Khi nền kinh tế và đời sống nhân dân đi đến chỗ cùng cực thì những quan điểm giáo điều, tả khuynh mới bộc lộ tính bất lực của nó”. Trong loạt bài Đêm Trước Đổi Mới, tác giả kể lại là khi được hỏi ý kiến, nhóm chuyên gia này thẳng thắn phê bình chính sách kinh tế tập trung “chính sách tiền tệ của các nước kế họach hóa tập trung, trong đó có Việt Nam, là chống lạm phát bằng cách hạn chế đưa tiền ra lưu thông và chỉ tạo ra suy thoái kinh tế, làm kiệt quệ các lực lượng sản xuất. Thời ấy mà nói thế là to gan lắm nếu không có những cái “ô” trên đầu”... Nhóm chuyên gia đã đề nghị chính phủ tức khắc bãi bỏ các trạm kiểm soát kinh tế trên các trục lộ giao thông, thay vì ép hạ giá hàng hóa bán ra theo nhà nước qui định thì cho tăng giá hàng để khuyến khích sản xuất, cải tổ lại hệ thống ngân hàng và điều quan trọng là công bố cho dân biết chính phủ không bao giờ đổi tiền nữa. Do những khuyến cáo này, nhiều biện pháp cởi mở kinh tế được chính thức đưa ra, gồm có:

- Giải trừ tập thể hóa nông nghiệp

- Để cho các công ty quốc doanh được độc lập hơn

- Bãi bỏ các trạm thuế quan từ địa phương này sang địa phương khác

- Hoàn chỉnh luật đầu tư để các công ty ngoại quốc dễ dàng đem vốn vào Việt Nam đầu tư.

- Bãi bỏ độc quyền của nhà nước trong việc buôn bán với nước ngoài.

- Cho phép các công ty tư nhân thuê dùng mười nhân công trở xuống.

- Giải thể bớt những cơ quan và bộ máy hành chánh hoạch định kế hoạch kinh tế trung ương.

- Bớt đi 15 % nhân viên nhà nước.

- Trả lại một số những xí nghiệp ở miền Nam đã bị nhà nước tịch thu sau 1975 .

- Bỏ chế độ “bao cấp”, theo đó công nhân viên ngoài lương bổng, tùy chức vụ được lãnh một số nhất định nhu yếu phẩm như gạo, đường, thịt, thuốc lá…

Nhờ có những biện pháp cởi mở, tình trạng lạm phát phi mã chấm dứt. Từ đó, nhiều người trong nhóm đã được mời vào tổ tư vấn cải cách kinh tế của Võ Văn Kiệt. (10) Ngoài ra, nhóm chuyên gia này cũng giúp ý kiến về cải tổ ngân hàng, thành lập những khu chế xuất, cải cách giá cả, lương tiền... Nhờ đó, trong những năm sau, công tác đổi mới kinh tế ở Việt Nam đã đạt được một số thành quả nhất định. Nhưng những góp ý đổi mới này không phải không gặp khó khăn với nhiều lãnh tụ trung ương khác ở Ngoài Hà Nội. Chẳng hạn khi họ đề nghị cải tổ ngân hàng và đặt ra chức thống đốc ngân hàng cho giống những nước khác thì cái tên đó bị chê là phong kiến. Một người trong nhóm “Thứ Sáu”, Huỳnh Bửu Sơn kể lại với Henry Kamm trong cuốn Dragon Ascending về những cán bộ lãnh đạo Cộng sản “Họ bắt đầu từ một thế giới khác, khép kín. Con người chỉ được giáo dục theo một đường lối. Họ nói cùng ngôn ngữ, chia xẻ cùng lối suy nghĩ, và không biết được ở bên Ngoài, thế giới sinh họat ra sao. Họ nhìn thế giới đó với đôi mắt nghi ngờ và không có đủ kiến thức để phân tích nó một cách đúng đắn”.

Sau khi đổi mới kinh tế, trong vòng 2, 3 năm sau, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục và phát triển. Nông dân không còn bị bó buộc lao động trong tập thể và phải bán gạo cho nhà nước với giá rẻ mạt nên đã gia tăng sản xuất. Vì thế, chỉ mấy năm sau, Việt Nam đã bắt đầu xuất cảng lúa gạo. Những cơ xưởng kỹ nghệ nhẹ sản xuất hàng tiêu dùng cũng bộc phát. Nhờ vị trí thiên nhiên thuận lợi, dân trí cao, nhân công được tiếng là cần cù siêng năng nên dù có phần nào bị gò bó do cấm vận, những nhà đầu tư ngoại quốc bắt đầu đổ tiền vào đầu tư. Ngoài ra, những giếng dầu hỏa ngoài khơi đã khai thác được đồng thời với nhu cầu về dầu hỏa trên thế giới tăng lên nhanh chóng. Thêm vào đó, tiền bạc của người Việt hải ngoại gửi về mỗi năm hàng tỷ mỹ kim đã giúp cho kinh tế Việt Nam kể từ 1991 đã phát triển đều đặn từ 6 đến 8% mỗi năm trong liên tiếp 6, 7 năm.

Nhiều đảng viên cũng nhảy ra kinh doanh để làm giàu như Dương Văn Đầy, cựu sinh viên y khoa Sàigòn đang làm bí thư quận ủy quận I ra mở công ty du lịch, đầu tư trong những dịch vụ khách sạn, quán ăn, phòng trà, Nguyễn Hữu Định phó chủ tịch quận Phú Nhuận mở công ty nữ trang… Những cán bộ cao cấp hơn thì cho người nhà kinh doanh để mình đứng sau làm ô dù.

Tuy nông nghiệp và những xí nghiệp tư doanh đã đóng góp lớn lao cho việc hồi phục kinh tế, chính quyền cộng sản lúc nào cũng nhắm ưu tiên cho việc phát triển những công ty quốc doanh, dù đa số trong khoảng 6000 công ty quốc doanh này bị lỗ vốn.

Do việc phát triển nền kinh tế thị trường, một số luật lệ kinh doanh cần đặt ra. Đại hội VI của đảng cộng sản bắt đầu nhấn mạnh đến quan niệm “nhà nước pháp quyền” để điều hành kinh tế theo luật pháp, nhưng đại hội cũng vẫn xác nhận lại cái “pháp chế xã hội chủ nghĩa” có nghĩa là “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” nhằm bảo vệ quyền lợi của Đảng.

Trước năm 1986, trong 8914 văn kiện luật pháp, chỉ có 62 đạo luật do quốc hội biểu quyết, số còn lại hoặc là chỉ thị, hoặc thông tư, hoặc nghị quyết do đảng hay chính phủ đưa ra. Họ giải thích luật pháp của họ như sau:“Luật pháp của chúng ta khác với luật pháp tư sản. Luật của chúng ta nhằm phát triển đất nước chúng ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi luật của các quốc gia tư sản là nhằm bảo vệ cho bọn tư bản”.

Do sự mơ hồ của luật lệ, nếu có tranh chấp giữa xí nghiệp tư nhân và nhà nước, chắc chắn phía nhà nước sẽ thắng. Ngoài ra, nếu một xí nghiệp tư nhân làm mất lòng hay dám cạnh tranh với một công ty nhà nước, họ không những có thể bị truy tố về những vi phạm kinh tế mà còn có thể bị suy diễn sang thành tội chính trị, phá hoại quốc gia. Để chắc ăn, những công ty tư nhân thường phải dựa dẫm vào một vài cán bộ cao cấp nào đó làm “ô dù”. Từ đó tham nhũng nảy sinh. Hệ thống cho vay tiền ngân hàng cũng thế. Một thư giới thiệu của cán bộ hay ủy viên cao cấp sẽ giúp cho việc vay tiền được dễ dàng.

Điển hình của việc đầu tư làm ăn ở Việt Nam là Nguyễn Trung Trực, một Việt kiều ở Úc về thành lập công ty Peregrine. Công ty này bắt đầu kinh doanh nhập cảng thuốc tây từ năm 1990. Vì có một công ty của nhà nước không chịu trả tiền, ông ta nhờ người quen bên vợ là bộ trưởng bộ công an Bùi Thiện Ngộ và vợ của phó thủ tướng Trần Đức Lương làm “ô dù” để can thiệp. Từ đó, trong thời gian Bùi Thiện Ngộ làm bộ trưởng, công ty của Nguyễn Trung Trực làm ăn rất phát đạt, được báo chí Nhà nước ca tụng là “một tư nhân nước Ngoài đầu tư thành công”, nhưng đến năm 1996, khi Bùi Thiện Ngộ (phe của đảng) bị lọai ra khỏi bộ Chính Trị, thì Nguyễn Trung Trực bị “phe chính phủ” (của Võ Văn Kiệt ) đưa ra tòa về tội trốn thuế, mục đích chính là để Trần Đức Lương cũng bị mang tiếng (thật ra tất cả đều lả đảng viên, nhưng gọi là phe của đảng là những phần tử bảo thủ thường nắm các bộ Công an, Thông tin Văn hóa và Quốc phòng trong chính phủ).

Về phương diện văn hóa tư tưởng, mấy tháng sau ngày đại hội đảng, không khí đổi mới còn tưng bừng nhộn nhịp, trong hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987, trưởng ban văn hóa Trần Độ đã tổ chức để cho Nguyễn Văn Linh gặp gỡ khoảng gần 100 văn nghệ sĩ gồm có Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Nguyễn Khắc Viện… Trong buổi họp mặt, những văn nghệ sĩ đã phát biểu trung thực cảm nghĩ của họ và Nguyễn Văn Linh cũng tuyên bố “cởi trói” cho văn nghệ, đồng thời cũng nhắc nhở văn nghệ sĩ “đừng bao giờ uốn cong ngòi bút”. Nghị quyết số 5 của bộ Chính Trị tháng 12 năm 1988 cũng đề ra những mục tiêu cởi mở tích cực: “Văn học, nghệ thuật góp phần tích cực cho cuộc đấu tranh để mở rộng và làm sâu sắc thêm qúa trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống đất nước, cổ vũ nhiệt tình cho công cuộc đổi mới, tích cực tham gia giải quyết việc giải phóng những tiềm năng của đất nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội do Nghị quyết của đại hội VI của Đảng đề ra”. Dù giới văn nghệ nhân dịp này đã đưa ra những lời phê bình hay chỉ trích, Nguyễn Văn Linh vẫn vui vẻ bắt tay Nguyễn Khắc Viện, đón nhận bài tham luận của Dương Thu Hương.

Được nới lỏng sự kiểm soát, văn nghệ sĩ bắt đầu viết về những tệ nạn của xã hội và ngay cả của đảng, của chính quyền một cách táo bạo hơn.

Điển hình nhất là tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ. Tháng 9 năm 1988, dưới bút hiệu Hà Sĩ Phu, đưa ra bài tham luận “Dắt Tay Nhau Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ”, nêu lên những sai lầm của chủ nghĩa cộng sản. Ông Nguyễn Xuân Tụ có bằng tiến sĩ sinh học, từng du học ở Tiệp Khắc và làm viện phó học viện khoa học Đà Lạt. Vì không chịu vào đảng, ông bị ép phải về hưu sớm. Trong bài tham luận, ông viết: “Ngày bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước thì cứu nước mưu hạnh phúc cho dân là mục đích chính, chủ nghĩa Mác Lê chỉ là phương tiện. Nhưng rồi dần dần lại phát sinh cái tín ngưỡng “dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa”. Lạ như vậy đấy, chủ nghĩa với tư cách là con đường, là phương tiện thì nó là cái để ta dùng chứ sao lại là cái để ta thờ”.

Từ đó, Hà Sĩ Phu liên tiếp bị bắt giữ, tra xét nhà cửa, tịch thu máy vi tính hay tài liệu.(11) Ngoài Hà Sĩ Phu có những đảng viên khác như Bùi Minh Quốc, từng là tổng biên tập báo Lang Bian cũng bất mãn. Năm 1988, ông đi một vòng khắp nước kêu gọi văn nghệ sĩ và trí thức đòi hỏi đảng cộng sản mở rộng tự do dân chủ và báo chí.(12) Trở về, ông bị mất chức và bị trục xuất khỏi đảng, sau đó liên tiếp bị bắt giữ. Một nhà văn khác là Vũ Huy Cương, từng bị ở tù nhiều năm, sau khi ra tù viết thư ủng hộ Trần Độ cũng bị công an bắt giữ.(13)

Cũng thời gian đó, một số cán bộ miền Nam bất mãn trước những biện pháp đàn áp nhân dân của chế độ nên đã cùng Nguyễn Hộ lập ra Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ. Sở dĩ gọi là Câu Lạc Bộ vì cộng sản không cho lập đảng hay hội đoàn không thuộc nhà nước.(14) Đảng Dân Chủ được đảng Cộng sản cử ông Hoàng Minh Chính đứng ra thành lập ngày 30-6-1944 để làm bù nhìn, dù đã an phận chịu sự kiểm soát của Mặt Trận Tổ Quốc cũng bị giải tán năm 1988, tổng thư ký của đảng này là Nghiêm Xuân Yêm tuyên bố là “đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử”.

Nguyễn Hộ từng là đảng viên cộng sản từ 1937, phụ trách công tác địch vận từ năm 1964 đến 1975. Sau 1975 đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong vùng Sài Gòn. Tuy mới đầu, những đảng viên cựu cán bộ này chỉ muốn cải thiện đường lối cai trị của đảng cùng phẩm chất cán bộ, nhưng vì không một chính quyền cộng sản nào muốn có một đảng hay hiệp hội nào dù non yếu tồn tại song song với mình, nhất là trước cái gương của Công Đoàn Đoàn Kết bên Ba Lan, đã từng phát triển và rồi lấn át được đảng cộng sản, cho nên Câu Lạc Bộ của Nguyễn Hộ mới đầu còn bị cảnh cáo, sau đó bị gán cho là phản động, nhận tiền đế quốc. Tờ nội san Truyền Thống Kháng Chiến sau ba số thì bị đóng cửa.

Đồng thời đảng cho thành lập một hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam để cạnh tranh và phân hóa Câu Lạc Bộ. Những cán bộ tên tuổi của Câu Lạc Bộ bị mua chuộc, lôi kéo, trong đó, có Trần Văn Giàu, một trong những sáng lập viên của Câu Lạc Bộ, sau khi bỏ sang hội Cựu Chiến Sĩ được cho sang Pháp rong chơi nhiều tháng. Trần Văn Trà thì được thông gia là Võ Chí Công dụ sang cho làm phó chủ tịch của hội, còn Trần Bạch Đằng hy vọng sẽ được Nguyễn Văn Linh nâng đỡ cho làm chánh văn phòng nên cũng trở mặt. Cũng như các hội đoàn khác của nhà nước, hội cựu chiến sĩ này được đặt dưới quyền giám sát của Mặt Trận Tổ Quốc.

Những người đứng đầu Câu Lạc Bộ không chịu khuất phục như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu bị bắt giữ. Tạ Bá Tòng trước phụ trách trí vận dưới quyền Nguyễn Hộ, từng khuyến dụ thú y sĩ Phạm Văn Huyến và con gái của ông là Phạm Thị Thanh Vân (tức bà Ngô Bá Thành) vào MTGPMN... Thất vọng với chủ nghĩa cộng sản, Nguyễn Hộ đã viết “Tôi phải thú nhận là chúng tôi đã chọn lầm lý tưởng chủ nghĩa Cộng Sản. Bởi vì, trong suốt 60 năm cách mạng cộng sản, nhân dân VN đã phải gánh chịu biết bao hy sinh để chẳng được cái gì: đất nước vẫn nghèo, nhân dân vẫn không đủ ăn đủ mặc, không có tự do, không có dân chủ”.

Tương tự như thế, chính quyền Việt Nam cũng lập ra một giáo hội Phật Giáo Việt Nam thuộc nhà nước, cạnh tranh với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đồng thời tìm cớ bắt giam hai vị cao tăng của giáo hội này là hai hòa thượng Huyền Quang và Quảng Độ. Để bịt miệng hòa thượng Quảng Độ, đã có lần Mai Chí Thọ dụ dỗ hòa thượng về trụ trì chùa Quán Sứ ở Hà Nội nhưng hòa thượng từ chối. Ngoài ra, họ cũng bắt luôn hai nhà Phật học thông thái là thượng tọa Trí Siêu và thượng tọa Tuệ Sĩ ở chùa Già Lam, rồi lên án tử hình ngày 30-9-1988 về tội “âm mưu lật đổ chính phủ”. Trước sự phản đối của quốc tế, án tử hình sau đó giảm xuống còn 20 năm tù. Nhiều đại diện tôn gíáo khác như linh mục Nguyễn Văn Lý, ông Lê Quang Liêm (Hòa Hảo), Phạm Công Trí (Cao Đài) cũng bị bắt giữ.

Với Công Giáo, sự kiểm soát cũng rất ngặt nghèo. Các tu sĩ cao cấp khi họp Hội Đồng Giám Mục đều phải xin phép và báo cáo trước về nội dung buổi họp, ngoài ra còn phải đến chào các giới chức địa phương. Tại Sài Gòn, tổng giám mục Nguyễn Văn Bình bị những linh mục nằm vùng như Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh... bao vây chặt chẽ nên đã im lặng nhẫn nhịn nhiều năm. Thái độ thụ động này khác hẳn với tổng giám mục địa phận Huế là Nguyễn Kim Điền. Khi chính quyền bắt giữ các hòa thượng Quảng Độ, Huyền Quang.., tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Vì thế, khi ông bị bệnh qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy, thi hài được chuyển qua tòa tổng giám mục Sài Gòn để chờ an táng thì người đến viếng đều đau lòng khi thấy thi hài ông chỉ được nằm trên một cái cáng đặt dưới đất (15)

Ngoài những đàn áp tôn giáo, bác sĩ Nguyễn Đan Quế (16), từng bị bắt năm 1978 và bị tù 10 năm, lại bị bắt lại vì thành lập Cao Trào Nhân Bản. Bị đưa ra tòa ngày 29-4-1991, ông điềm tĩnh nói với chánh án là họ không có tư cách để xét xử ông. Khi công tố viên đọc bằng chứng là Tuyên Ngôn của Cao Trào, nhiều đoạn chỉ trích chính quyền bị sửa đổi, bác sĩ Quế đã liên tiếp chỉnh lại “Anh phải đọc cho đúng những gì tôi viết”. Ông bị tòa nhanh chóng tuyên án 20 năm tù.

Hòa thượng Quảng Độ, bị đày ra ngoài Bắc từ 1982, mười năm sau, ông tự ý trở về Sài Gòn và liên tiếp bị xách nhiễu hoặc quản thúc tại gia.

Mấy năm sau, hòa thượng Thích Đôn Hậu, người được quân Bắc Việt đem ra Bắc năm 1968 làm dụng cụ tuyên truyền, viên tịch. Trước khi chết, hoà thượng Đôn Hậu gửi thư thông báo là đã công nhận hoà thượng Huyền Quang lên thay làm tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và không công nhận hội Phật Giáo nhà nước. Chính quyền tịch thu bức thư, nói đó là giả, không cho hòa thượng Huyền Quang dự đám tang. Thượng tọa Thích Trí Tựu, trụ trì ở chùa Linh Mụ, xác nhận thư đó là thật cũng bị chính quyền bắt và cùng các hòa thượng Hải Thanh, Hải Chánh ở tù tại Phủ Lý.

Có lẽ để gây khó khăn cho phe đổi mới, trong dịp này, công an bắt giữ thương gia Mỹ Michael Morrow, gán cho tội gián điệp rồi hai tháng sau trục xuất.

Về thông tin báo chí, sau một thời gian “cởi trói” ngắn ngủi, trước những biến cố bất lợi xảy ra ở Nga Xô và Đông Âu, đồng thời ở trong nước, có những dấu hiệu phản kháng và xúc phạm vào quyền uy tối thượng của đảng và các đảng viên cao cấp, Chẳng hạn bài phóng sự “Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì” của ký giả Phùng gia Lộc, viết về những hành động tàn ác thiếu tình người của những cán bộ tỉnh Thanh Hóa khi đi thu thuế dân nghèo. Bài báo đăng trên báo Văn Nghệ, đã được quần chúng hưởng ứng đến nỗi bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa là Hà Trường Hoa bị mất chức năm 1988. Vì thế, các nhà lãnh đạo, kể cả người hô hào cởi trói là Nguyễn Văn Linh, lại bắt đầu tìm cách trở lại chính sách “trói buộc”.

Hơn nữa, một tháng sau khi Nguyễn Văn Linh đi Đông Âu gặp chủ tịch Lỗ Ma Ni Ceaucescu và tổng bí thư Đông Đức Honecker, vào khoảng cuối 1989, hai người này một người bị xử tử, một người bị bắt ngồi tù. Vì thế, đa số đảng viên cộng sản cao cấp, từ những ủy viên bộ Chính Trị đến những ủy viên trung ương đảng, sợ bị mất quyền lực và có thể bị truy tố nên tìm cách quay về con đường chuyên chính cũ, phục hồi những biện pháp đàn áp. Ngay cả Nguyễn Văn Linh, mới hai năm trước, còn niềm nở bắt tay Nguyễn Khắc Viện, nhận tham luận của Dương Thu Hương thì giờ đây, ông ta nói về Nguyễn Khắc Viện một cách khinh miệt “Con nhà địa chủ dám lên mặt dậy đời” hay về Dương Thu Hương “Con mẹ ranh muốn làm tổng thống”.(17)

Trong một buổi họp của trung ương đảng, những biện pháp đổi mới bị phê bình là hữu khuynh. Thủ tướng lúc đó là Võ Văn Kiệt vừa mới tạm thời thay Phạm Hùng được vài tháng thì bị Nguyễn Văn Linh cùng trung ương đảng cộng sản buộc phải nhường chức cho một nhân vật bảo thủ hơn là Đỗ Mười.

Theo bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), một đại biểu quốc hội của thành phố Hồ Chí Minh, khi quốc hội bầu lại thủ tướng, chủ tọa đoàn của quốc hội đã ép các đảng viên phải bầu Đỗ Mười lên thay Phạm Hùng nhưng một phần ba đảng viên cãi lệnh mà bầu cho Võ Văn Kiệt. Bà Thi từng là giám đốc công ty Lương Thực TP.HCM. Trong những năm 1979, 1980, thành phố bị thiếu lương thực vì nông dân không chịu bán gạo với giá thu mua rẻ mạt của nhà nước, chính bà Thi đã dám “xé rào”, cãi lệnh trung ương, xuống những tỉnh miền Tây mua gạo rồi về bán lại theo giá thị trường.

Trong nội bộ đảng, Trần Trọng Tân, một người từng theo Lê Đức Thọ phụ trách về tuyên huấn ở Campuchia được cử lên làm trưởng ban văn hóa tư tưởng của đảng để giám sát Trần Độ. Tại ủy ban trung ương đảng, Trần Độ là một trong số người hiếm hoi dám đưa ra những biện pháp cải cách. Cuối năm 1989, trong bản “Phác thảo cương lĩnh văn hóa Việt Nam những năm 1990”, Trần Độ đưa ra những điểm rất tiến bộ như: “Văn hóa phải dựa trên cơ sở quan niệm đúng đắn về bản chất và chức năng thực sự của nghệ thuật như một tiếng nói bồi đắp lương tri và đạo đức cho xã hội. Thực hiện đầy đủ chính sách tự do sáng tạo, tự do phê bình”.

Thấy được những quan điểm này “chệch đường lối”, một số phần tử bảo thủ và cơ hội như Hà Xuân Trường báo cáo ngay lên cho Lê Đức Thọ. Trần Độ sau đó bị phê bình, mất chức. Hà Xuân Trường, người tố cáo, được cử lên thay.

Cũng trong tháng 12 năm 1989, đại hội các nhà văn được tổ chức tại Hà Nội. Tuy là đại hội của các nhà văn, nhưng đại hội lại được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Trần Trọng Tân, Nguyễn Đức Tâm và Đào Duy Tùng. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của Đỗ Mười, Lê Đức Thọ (lúc đó là cố vấn bộ Chính Trị) và trung tướng công an Dương Thông. Dương Thông đến để tố cáo có một số nhà văn nhận tiền để làm tay sai cho nước ngoài nhưng đã không nói rõ được là ai khi bị chất vấn. Tuy trong 330 nhà văn đảng viên, có 180 người (đa số là những nhà văn miền Nam, trừ những người như Trần Bạch Đằng), bỏ phiếu để bầu trực tiếp Nguyễn Quang Sáng làm chủ tịch Hội Nhà Văn, nhưng cũng có đến 150 người theo lệnh đảng mà muốn ban quản trị bầu một người mà đảng đã chọn lựa là Anh Đức. Tỷ số này cho thấy ngay trong giới cầm bút, một giới tương đối đầu óc phóng khóang, cũng có một số không ít những phần tử thủ cựu và sợ oai của đảng.

Nguyễn Quang Sáng đắc cử chủ tịch, nhưng ban quản trị Hội Nhà Văn vẫn gồm đa số là những người có trong danh sách đảng chỉ định. Đó có lẽ cũng là một thắng lợi chót của Hội Nhà Văn.

Những năm sau, chính quyền lại siết chặt quyền kiểm soát thông tin và văn nghệ. Các nhà văn như Dương Thu Hương, Bùi Minh Quốc…bị kiểm soát chặt chẽ hay bị bỏ tù. Dương Thu Hương là người đã viết về những nhũng lạm của chính quyền cộng sản một cách trực tiếp và can đảm nhất. Cuốn tiểu thuyết Những Thiên Đường Mù xuất bản năm 1988 mô tả một giai cấp mới, nhờ ưu quyền mà làm giàu qua tham nhũng hay biển thủ của công.(18)

Song song với những biện pháp cải tổ hệ thống kinh tế, sau đại hội VI, CSVN cũng phải bắt buộc thay đổi đường lối ngoại giao. Tháng 7-1987, hội nghị trung ương đảng họp và ra nghị quyết số 2 về ngoại giao gồm những điểm chính:

- tránh đụng chạm với quân đội Trung Quốc ở vùng biên giới và ở ngoài biển Đông.

- đặt kế hoạch rút quân ra khỏi Campuchia. Việt Nam đã thực hiện việc rút quân từ năm 1986, và cuộc rút quân dự trù hoàn tất vào cuối năm 1989. Song song với việc Việt Nam rút quân, Campuchia cũng chuyển hướng, đổi tên nước, sửa hiến pháp, tuyên bố là một nước trung lập và Phật giáo là quốc giáo. Đồng thời, Việt Nam chấm dứt việc gọi quan hệ ngoại giao với Ai Lao và Campuchia là những “quan hệ đặc biệt “…

- giảm bớt quân số để tiết kiệm ngân sách.

- bớt ngân sách quốc phòng.

Nghị quyết này dù đã từng bước thực hiện nhưng được giữ kín cho tới ngày 28-1-1990 thì báo Nhân Dân mới tiết lộ. Thi hành tinh thần của nghị quyết, bộ ngoại giao dưới quyền điều khiển của Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ, Phan Doãn Nam…đã hoàn thành một dự thảo về chính sách ngoại giao mới, được trình bày trong buổi họp bộ Chính Trị tháng 5-1988. Trong những bộ phận chính phủ, ngành ngoại giao là một ngành gồm những người có học, tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài nên đầu óc cấp tiến hơn. Trước kia, chiều hướng ngoại giao của CSVN là chỉ thân thiện với những nước cộng sản và thế giới theo quan niệm chật hẹp của họ cũng chỉ có hai phe, Cộng Sản hay Tư Bản theo mô hình “hai phe, bốn mâu thuẫn”. Cộng sản là bạn, tư bản là địch. Bộ ngoại giao, dưới sự hướng dẫn của bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đổi mới “tư duy đối ngoại” bằng chủ trương “đa phương hóa và đa dạng hóa” đường lối ngoại giao để “phá thế bao vây” trong tình trạng cô lập do sự chiếm đóng Campuchia.

Khác với những ủy viên bộ Chính Trị khác, trong tập san “Quan Hệ Ngoại Giao” năm 1990, Nguyễn Cơ Thạch thẳng thắn công nhận đóng góp quan trọng của chủ nghĩa tư bản trong hai thế kỷ qua, xác nhận sự cần thiết phải hội nhập vào thị trường kinh tế thế giới và nhất là, công nhận sự sụp đổ của những nước xã hội chủ nghĩa khởi từ những nguyên nhân nội tại chứ không phải do âm mưu phá hoại của đế quốc.(19)

Vì bản dự thảo mà Nguyễn Cơ Thạch trình bày trong cuộc thảo luận của bộ Chính Trị tháng 5-1988 có nhiều điểm mới lạ nên đã gặp nhiều chống đối. Cuối cùng, sau những thảo luận gay gắt, bản dự thảo được thông qua ngày 20-5-1988, trở thành nghị quyết 13 của bộ Chính Trị về ngoại giao, trong đó đề ra chính sách đối với những đối tượng khác nhau:

- Nhanh chóng giải quyết vấn đề Campuchia.

- Phấn đấu sớm bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

- Bình thường hóa và cải thiện quan hệ với các nước ASEAN.

- Khôi phục quan hệ với các nước phương Tây.

- Tranh thủ Mỹ đi vào bình thường hóa quan hệ.

- Củng cố, tăng cường quan hệ đồng minh, bạn bè.

Theo tinh thần nghị quyết do Nguyễn Cơ Thạch đưa ra, Việt Nam sẽ giải quyết dứt vấn đề Campuchia và hòa giải với Trung Quốc, nhưng đồng thời, phải có một quan hệ ngoại giao quân bình với các nước Asean, Hoa Kỳ và Tây Âu để không bị Trung Quốc chèn ép.

Trong chiều hướng này, song song với việc “cởi trói” văn nghệ, đổi mới kinh tế, và để lấy lòng Hoa Kỳ và các nước Tây phương, năm 1988, chính quyền Việt Nam công bố trả tự do cho 2474 tù nhân chính trị, giảm án hai tu sĩ Tuệ Sĩ và Trí Siêu từ tử hình xuống 20 năm tù. Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận cũng được trả tự do sau 13 năm tù đầy (tổng giám mục Thuận sau đó qua La Mã và được thăng chức Hồng Y). Hai năm 1987 và 1988 cũng là năm mà tổng thống Reagan của Hoa Kỳ lần đầu tiên gửi một sứ giả đặc biệt là tướng Versey sang Việt Nam hai lần để bàn thảo sơ bộ về những vấn đề giúp đỡ nhân đạo.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên do, sự thiết lập bang giao với Hoa Kỳ của Việt Nam đã bị chậm trễ thêm mấy năm. Dù nguyên nhân chính khiến ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch bị loại là vì áp lực của Trung Quốc, nhưng những phần tử bảo thủ trong bộ Chính Trị cũng qui lỗi cho Nguyễn Cơ Thạch là đã thất bại không thuyết phục được Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận dù cho Việt Nam đã rút hết quân đội ra khỏi Campuchia.

Hai năm đầu sau đại hội đảng lần thứ VI, khi sự đổi mới kinh tế còn đang được từ từ phát động, hậu quả của những biện pháp kinh tế cũ vẫn tồn tại nên nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, trong khi tiền viện trợ của Nga Xô và Đông Âu bị cắt giảm, mức sản xuất lương thực trì trệ, nạn thất nghiệp gia tăng, một phần do biện pháp cắt giảm quân số. Kinh tế càng khó khăn, tham nhũng càng phát triển, cùng lúc với sự lung lay của hệ thống xã hội chủ nghĩa toàn thế giới khiến những phần tử bảo thủ áp lực để sau khi Phạm Hùng chết năm 1988, Võ Văn Kiệt chỉ tạm thời nắm quyền thủ tướng được có mấy tháng thì trung ương đảng đã đề cử Đỗ Mười lên thay.

Trong giai đoạn khốn khó đó, Trung Quốc lại tăng thêm áp lực, khiêu khích ở vùng biển tranh chấp Trường Sa (ngày 14 và 16-3-1988), chiếm nhóm đảo Fiery Cross (Đá Chữ Thập) ở Trường Sa, đánh chìm hai tàu tuần của Việt Nam, 77 thủy thủ bị tử trận. Không một phản ứng quốc tế nào, (kể cả của Nga Xô, một nước từng ký hiệp ước liên minh quân sự với Việt Nam) ủng hộ Việt Nam trước biến cố đó và điều này càng cho thấy sự cô lập của Việt Nam.

Sau hai năm từng bước dò dẫm phát triển đổi mới trên mọi địa hạt, tình hình thế giới đã xảy ra nhiều biến cố khiến cho tiến trình đổi mới chính trị và xã hội tại Việt Nam bị ngưng trệ và đôi khi thoái bộ.

Trước hết, phong trào “đổi mới” Nga Xô không thuận lợi. Trong những phụ tá của Gorbachev, ngoại trừ ngoại trưởng Shevadnardze, những người khác không nhiệt tình lắm để cải tổ toàn diện kinh tế Nga Xô. Trong khi Ryzhkov được giao trọng trách cải tổ nông nghiệp còn làm được một số cải cách nhỏ thì đến phiên Ligachev, ông ta giữ nguyên tình trạng của những nông trường quốc doanh và mưu định hợp tác với phe bảo thủ để giành chức tổng bí thư với Gorbachev. Muốn loại trừ ảnh hưởng của Ligachev, Gorbachev chấn chỉnh và thu hẹp bớt trung ương đảng, đặt Medvedev thay Ligachev đặc trách ban tư tưởng đảng và nâng cao tầm quan trọng của quốc hội. Do đó, uy thế của đảng cộng sản yếu dần. Đồng thời, trong nội bộ đảng, một nhân vật cải cách triệt để hơn là Yeltsin, đang là bí thư thành ủy Moscow, xuất hiện khiến cho nội bộ đảng cộng sản Nga Xô càng thêm phân hóa. Cuộc bầu cử quốc hội tương đối tự do đầu tiên của Nga Xô được tổ chức vào tháng 3-1989 đưa đến kết quả thảm hại cho đảng cộng sản. Có đến 38 bí thư tỉnh ủy, trong đó có một ủy viên bộ Chính Trị không được bầu vào quốc hội là một đòn nặng cho đảng cộng sản Nga Xô và cũng là lý do chính cho những đảng viên CSVN, khiến họ sợ chế độ đa đảng và e ngại những phương cách bầu cử dân chủ.

Sự thoái bộ của đế quốc cộng sản Nga Xô không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng ở Đông Âu, Afghanistan, Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, chẳng hạn như ở Angola, Phi Châu. Trong cuộc nội chiến Angola, tuy Nga Xô không trực tiếp can thiệp, nhưng đã để cho Cuba, một nước cộng sản cực đoan khiến cho kinh tế gần như số không đang phải sống nhờ vào viện trợ dồi dào của Nga Xô, gửi quân sang giúp đỡ quân chính phủ. Đầu năm 1989, sau khi Gorbachev cắt giảm viện trợ cho Cuba, nước này phải rút quân về nước và hiện tại, thỉnh thoảng vẫn được Việt Nam gửi gạo sang cho.

Mấy tháng sau, tại Trung Quốc, ngày 3 và 4-6-1989, sinh viên nổi lên biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn, Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc đàn áp biểu tình một cách thô bạo, gây nhiều người chết, tạo nên căng thẳng ngoại giao với Hoa Kỳ và các nước Tây Âu. Sự tham gia đông đảo của mấy trăm ngàn sinh viên cùng sự ủng hộ của dân chúng đã khiến đảng CSVN lo sợ nên thấy phải ngưng chính sách “cởi trói” và thiết lập lại những biện pháp đàn áp chính trị. Tuy nhiên cũng nhờ sự lẻ loi của Trung Quốc sau biến cố Thiên An Môn mà Trung Quốc đã bớt khó khăn với Việt Nam và để cho CSVN cơ hội cầu hòa.

Những tháng cuối năm 1989 là những tháng ngày đánh dấu sự tan rã hoàn toàn của đế quốc cộng sản Nga Xô tại Đông Âu. Cùng ngày với biến cố Thiên An Môn ở Trung Quốc, tại Ba Lan, Công Đoàn Đoàn Kết do Lech Walesa lãnh đạo thắng cử vẻ vang. Lần đầu tiên sau 44 năm, một chính phủ Ba Lan không cộng sản được bầu lên cầm quyền một cách dân chủ. Theo một cựu viên chức bộ ngoại giao Hà Nội, ngày Lech Walesa tiếp nhận chính quyền vào tháng 9-1989 “ta định tổ chức các đoàn đại biểu nhân dân tới sứ quán Ba Lan ở Hà Nội để biểu thị đòi Ba Lan giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa. Khi bộ ngoại giao kiến nghị không nên thì có sự chỉ đạo để báo Nhân Dân có bài bình luận với đầu đề “Một Cuộc Đảo Chính Phản Cách Mạng”. Bài báo này do Trần Trọng Tân, trưởng ban thông tin văn hóa đảng, viết. Tòa đại sứ Ba Lan cực lực phản đối chuyện này vì đã xâm phạm vào nội bộ nước họ. Sau đó Nguyễn Văn Linh phải xin lỗi với lý do “vì không nắm được tình hình Ba Lan”.

Dù đã loan tin thất thiệt và làm trò cười cho dư luận thế giới, Trần Trọng Tân đã không bị sự trừng phạt hay khiển trách nào. Một chuyện tương tự lại tái diễn ba năm sau, vào ngày 19-8-1991, khi phe bảo thủ ở Nga Xô mưu toan đảo chánh, Thái Ninh, phó ban tư tưởng và văn hóa trung ương đảng vội vã loan báo với báo chí cho đó là một tin mừng cho phong trào cộng sản toàn thế giới. Chỉ ba ngày sau, cuộc đảo chánh thất bại. Cũng trong năm 1989, đảng cộng sản Hung đổi tên, Hung Gia Lợi không còn là quốc gia xã hội chủ nghĩa thuộc khối Đông Âu nữa mà trở nên một nước dân chủ, gia nhập khối Thị Trường Chung Âu Châu. Ngày 9-11-1989, bức tường Bá Linh bị sập đổ, nước Đức thống nhất, lãnh tụ Honecker bị bắt. Những chính phủ Husack của Tiệp Khắc, Ceauscescu của Lỗ Ma Ni sau đó cũng tiêu tan.

Những biến cố kể trên đã gây chấn động cho đảng CSVN. Nhất là sự kiện Honecker bị bắt, Ceauscescu bị xử tử khiến các lãnh tụ CSVN càng lo sợ và gây ra những tranh cãi gay gắt trong bộ Chính Trị. Một bên cho đó là do những mưu toan của chủ nghĩa đế quốc. Bên kia, do Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch chủ xướng, cho rằng nguyên nhân sự sụp đổ của khối cộng Đông Âu là do quản lý yếu kém và tư tưởng giáo điều gắn liền với một mô hình chủ nghĩa xã hội sai lầm. Người đứng đầu phe bảo thủ, trở lại quan niệm “hai phe, bốn mâu thuẫn” lại chính là Nguyễn Văn Linh.

Trong bản báo cáo đọc trước hội nghị trung ương đảng lần thứ 7 (khóa VI) vào tháng 8-1989, Nguyễn Văn Linh đã bắt đầu tìm cách trở lại uy quyền của chuyên chính vô sản: “Chừng nào chủ nghĩa đê quốc còn tồn tại, chừng nào chủ nghĩa xã hội chưa thắng lợi trên phạm vi trên toàn thế giới, thì chừng đó học thuyết của chủ nghĩa Lê nin vẫn giữ nguyên giá trị của nó”.

Do sự chống đối của Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch, nghị quyết của hội nghị trên một mặt công nhận sự sụp đổ của khối cộng là do sai lầm chủ quan, duy ý chí của những nhà lãnh đạo, mặt khác vẫn đổ thừa cho sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc.

Tuy nhiên, phe cấp tiến để cải cách về ngoại giao và chính trị trong bộ Chính Trị chỉ có Trần Xuân Bách và Nguyễn Cơ Thạch, còn Võ Văn Kiệt chỉ hướng về đổi mới kinh tế. Do nguy cơ đảng có thể bị tan rã, đảng viên bị mất đi quyền lực, các đảng viên cao cấp có thể bị truy tố, đa số đảng viên đều nghiêng về khuynh hướng bảo thủ, nhất là những ủy viên bộ Chính Trị.

Từ đầu năm 1990, họ lại bắt đầu bắt giữ những phần tử khả nghi chống đối. Những người bị bắt ngoài nhóm thuộc Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu còn có bác sĩ Nguyễn Đan Quế và nhà văn Dương Thu Hương vì tội “chuyển tài liệu chống phá nhà nước Việt Nam và những tin tức thuộc bí mật quốc gia ra nước ngoài” (20). Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, sau khi đã ở tù 12 năm, thành lập Diễn Đàn Tự Do vào tháng 6-1989 cũng bị bắt và bị kết án cùng với những nhà thơ Vương Đức Lệ, Mai Trung Tĩnh (21), nhà báo Châu Sơn...Cùng bị bắt và kết án về những tội tương tự, còn có những ông Phạm Đức Khâm, Đoàn Thanh Liêm… Riêng bác sĩ Trần Thanh Thức bị kết tội gián điệp. Một nhà báo Campuchia tên Ly Thara viết báo ở Nam Vang chỉ trích chính quyền Hà Nội bị Campuchia bắt rồi giao cho Việt Nam để bị bỏ tù. Nhà văn Dương Thu Hương năm 1991 cũng bị ở tù 7 tháng.

Ngoài việc đàn áp các phong trào nhân dân, đảng cộng sản cũng thanh lọc những phần tử tiến bộ trong hàng ngũ lãnh đạo. Trong nội bộ đảng, những ủy viên bảo thủ như Đào Duy Tùng, Nguyễn Hà Phan với sự đồng tình của Đỗ Mười, Lê Đức Anh, đã cực lực lên án và cuối cùng loại Trần Xuân Bách ra khỏi bộ Chính Trị.

Trước đó, trong các ủy viên bộ Chính Trị, ngoại trừ Nguyễn Cơ Thạch, Trần Xuân Bách đã là người thấy cần phải đẩy mạnh đổi mới, cải cách triệt để hơn về chính trị. Sau khi bị khai trừ khỏi bộ Chính Trị và trung ương đảng, Trần Xuân Bách được Nguyễn Cơ Thạch kéo về làm cố vấn một thời gian ngắn cho đến khi Nguyễn Cơ Thạch cũng bị loại.

Từ 1990, trước nguy cơ bị sụp đổ sau những biến chuyển chính trị quan trọng tại Đông Âu, Trung Quốc và Nga Xô, bộ Chính Trị Cộng đảng Việt Nam họp ngày 10-4-1990 để thảo luận về tình hình thế giới và tìm đường lối đối phó.

Trong buổi họp, chỉ Nguyễn Cơ Thạch thấy sự sụp đổ của các chính phủ Đông Âu là do nguyên nhân tự phát, còn các ủy viên khác như Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên … đều cho đó là do “âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ” bằng những thủ đoạn “diễn biến hòa bình” (học tập từ từ ngữ he ping yan bian mà Trung Hoa dùng sau vụ Thiên An Môn) và nhấn mạnh về nhu cầu cấp bách liên kết với Trung Quốc bằng mọi giá để bảo vệ chủ nghĩa xã hội.

Tuy Võ Chí Công đã khuyến cáo trong buổi họp bộ Chính Trị ngày 19-6-1990 là “Trung Quốc lấy lợi ích dân tộc của họ là chính, không phải theo lợi ích của chủ nghĩa xã hội. Họ khác ta. Dù ta có muốn hợp tác họ cũng không chịu đâu. Không nên ảo tưởng” và theo báo cáo của bộ ngoại giao ngày 30-1-1991 thì “việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trong mấy năm qua mang lại ít kết quả vì việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam nằm trong những tính toán chiến lược của Trung Quốc trong quan hệ của Trung Quốc với Mỹ, phương Tây, với ASEAN và trong việc giải quyết vấn đề Campuchia”, nhưng theo Nguyễn Văn Linh, Trung Quốc dù “bành trướng” hay “bá quyền”, vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa, và Việt Nam cần tìm cách hàn gắn lại tình đoàn kết thắm thiết với Trung Quốc nhằm hy vọng có ngày sẽ khôi phục lại phong trào cộng sản thế giới.

Quan điểm này được đa số ủy viên bộ Chính Trị như Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Phạm Hùng, Đồng Sĩ Nguyên, Đoàn Khuê, Nguyễn Đức Bình đồng tình.

Dù đã phải đối đầu trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và sau đó ở Trường Sa năm 1988, quân đội CSVN dưới quyền Lê Đức Anh đã là một khối bảo thủ mong muốn kết thân với Trung Quốc nhất và tuy chưa chính thức tái lập ngoại giao, quân đội đã vội vã xuất bản ngay cuốn tự điển Việt Hoa.

Trong tập san Quốc Phòng Toàn Dân, tướng Nguyễn Huy Hiệu, tư lệnh binh đoàn Quyết Thắng, nhấn mạnh việc quân đội hướng về một kẻ thù mới: “Bản chất của đế quốc không bao giờ thay đổi.…Chúng âm mưu sử dụng “diễn biến hòa bình” trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, trong khi vẫn duy trì sức mạnh quân sự để đe dọa…”.

Trong thời gian tranh cãi về quan niệm ngoại giao giữa hai phe trước đại hội VII, Việt Nam đã rút hết quân đội khỏi Campuchia, thực hiện bước đầu tiên trong tiến trình cầu hòa với Trung Quốc và tỏ thiện chí với cộng đồng thế giới.

Nghĩ rằng với tình trạng cô lập của Trung Quốc sau biến cố Thiên An Môn, Trung Quốc sẽ vì ý thức hệ mà đoàn kết với những quốc gia và thành phần cộng sản lẻ loi còn lại trên thế giới, trong đó dĩ nhiên có Việt Nam. Nhất là sau khi chính quyền cộng sản Nga Xô sụp đổ, Trung Quốc sẽ mặc nhiên được tiếp nhận vai trò đàn anh và lãnh đạo phong trào cộng sản để giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa.

Ngày 20-5-1990, trong cuộc họp của tổng bí thư ba nước CSVN, Ai Lao, Campuchia, Nguyễn Văn Linh tiết lộ một “kế hoạch đỏ” để làm căn bản cho giải pháp chính trị ở Campuchia. Kế hoạch này nhằm thành lập một chính phủ Campuchia chỉ gồm hai thành phần cộng sản, một là của Hun Sen do Việt Nam ủng hộ, thứ hai là của Khmer đỏ do Trung Quốc đỡ đầu, gạt ra ngoài hai thành phần không cộng sản — Sihanouk và Son Sann. Việt Nam tin rằng Trung Quốc trên căn bản “vô sản quốc tế đoàn kết” sẽ rất bằng lòng với kế hoạch này.

Trước đó, khi thứ trưởng ngoại giao Đinh Nho Liêm của Việt Nam sang Bắc Kinh tham dự một cuộc “trao đổi ý kiến không chính thức” với Trung Quốc, ngoại trưởng Tiền Kỳ Sâm của Trung Quốc cho biết sẽ cử trợ lý của ông ta là Từ Đôn Tín sang Việt Nam vào đầu tháng 6.

Các lãnh tụ đảng CSVN rất phấn khởi về tin này vì đây là lần đầu tiên mà Trung Quốc tỏ ý muốn hội đàm một cách chính thức và nghiêm chỉnh. Đa số ủy viên bộ Chính Trị đều hy vọng Trung Quốc sẽ thay Nga Xô đứng đầu phong trào cộng sản thế giới và đỡ đầu cho họ để bảo vệ những chế độ độc đảng. Vì thế, trước khi Từ Đôn Tín sang, Nguyễn Văn Linh đã gặp và nói chuyện với Trương Đức Duy, đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Ngày hôm sau, Lê Đức Anh, bộ trưởng quốc phòng, lại mời Trương Đức Duy ăn cơm. Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh, đều mong mỏi có sự hợp tác với Trung Quốc để “bảo vệ xã hội chủ nghĩa” và cũng nêu ra đề nghị “giải pháp đỏ” cho Campuchia. Đồng thời, tướng Vũ Xuân Vinh, cục trưởng cục đối ngoại của bộ quốc phòng Việt Nam cũng nói với Triệu Quốc Nhuệ, tùy viên quân sự của tòa đại sứ Trung Quốc là Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh sẽ tiếp Từ Đôn Tín. (22)

Dù Từ Đôn Tín chỉ là một viên chức ngoại giao hạng trung, nhưng được cả chủ tịch đảng lẫn chủ tịch nước tiếp đón là một sự kiện vượt quá nghi thức ngoại giao bình thường. Ngoài ra, sự tiếp đón này không thông qua bộ ngoại giao đã khiến cho Trung Quốc thấy ngay sự khép nép cầu cạnh của nhóm lãnh đạo CSVN và sự bất đồng ý kiến giữa bộ Chính Trị của đảng và bộ ngoại giao của chính phủ. Vì thế, trong buổi gặp mặt chính thức với bộ ngoại giao ngày 13-6-1990, Từ Đôn Tín đã cư xử như một sứ giả thiên triều, mở đầu buổi hội đàm bằng câu:“Lần này tôi sang Hà Nội chủ yếu là gặp các đồng chí Việt Nam về vấn đề Campuchia, đồng thời cũng xem xét nguyện vọng của những đồng chí…”.

Thái độ dựa vào bộ Chính Trị của Việt Nam để át giọng bộ ngoại giao đã khiến Nguyễn Cơ Thạch nổi giận, to tiếng với Từ Đôn Tín, đưa đến kết quả là mấy tháng sau, Nguyễn Cơ Thạch bị mất chức. (23)

Trước hai phản ứng trái ngược, một là nhượng bộ vừa phải (của bộ Ngoại Giao Việt Nam) và hai là nhượng bộ tối đa đến như cầu cạnh (của bộ Chính Trị cộng đảng), Trung Quốc mấy tháng về sau chỉ nói chuyện thẳng với bộ Chính Trị, bỏ lơ bộ Ngoại giao và không đếm xỉa gì đến đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh. Vì những phần tử bảo thủ trong đảng CSVN như Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đỗ Mười… thấy cần đến sự hỗ trợ của cộng sản Trung Quốc một cách gần như tuyệt vọng, họ đã thông báo cho Trung Quốc là nên nói chuyện thẳng với ban đối ngoại trung ương đảng do Hồng Hà (khác với Lê Hồng Hà của bộ công an, đã về hưu), cùng phe với Lê Đức Anh phụ trách, mà không cần thông qua bộ Ngoại giao.

Năm sau, 1991, trong đại hội đảng lần VII, do áp lực của Trung Quốc, Nguyễn Cơ Thạch bị loại khỏi bộ Chính Trị và mất luôn chức bộ trưởng bộ Ngoại Giao.

Do sự đối kháng của bộ Ngoại Giao, cuộc gặp gỡ sơ khởi với Từ Đôn Tín đã không đem lại kết quả nào. Để tạo thêm áp lực, Trung Quốc còn công khai hóa đề nghị “hợp tác để bảo vệ chủ nghĩa xã hội” và “giải pháp đỏ” loại bỏ Sihanouk và Son Sann, của Việt Nam để làm lợi thế ngoại giao, khiến Tây phương, Hoa Kỳ và các nước ASEAN không còn tin vào thiện chí của Việt Nam trong chính sách “đổi mới” hay trong vấn đề Campuchia.

Tuy nhiên, thời gian đó, Trung Quốc cũng gặp khó khăn. Sau vụ Thiên An Môn, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Tây Âu đã thi hành biện pháp cấm vận kinh tế với Trung Quốc, gây trở ngại cho “bốn hiện đại” của họ, đồng thời chuyến đi thăm các nước ASEAN của Lý Bằng cũng không thuận lợi. Những nước này vẫn kiêng dè sức mạnh và tham vọng của Trung Quốc và họ muốn lôi kéo Việt Nam vào khối của họ để quân bình. Ở Campuchia, Hoa Kỳ đã không còn cùng Trung Quốc ủng hộ liên minh của Pol Pot, Son Sann và Sihanouk để chống Việt Nam nữa. Ngoài ra, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga Xô mỗi ngày một thân thiết hơn cho nên Trung Quốc thấy cần dễ dãi hơn với CSVN.

Ngày 29-8-1990, họ khảo nghiệm tầm mức qui phục của nhóm lãnh đạo CSVN bằng cách mời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cùng thủ tướng Đỗ Mười sang Thành Đô bí mật gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng ngày 3-9-1990. Sự kiện Trung Quốc chỉ mời những lãnh tụ của một nước trước có mấy ngày, bắt tổng bí thư đảng và thủ tướng chính phủ đi ngay trong ngày Quốc Khánh 2-9 của Việt Nam và cho gặp một cách lén lút tại thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên mà không phải thủ đô, đồng thời cũng không cho ngoại trưởng đi theo cho thấy thái độ trịch thượng của Trung Quốc, chèn ép Việt Nam trong tất cả ba phạm vi thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Chưa thỏa mãn, họ cho mời luôn “cố vấn tối cao” của chính phủ là Phạm Văn Đồng. Phạm Văn Đồng cũng đi theo phái đoàn, hy vọng là đúng theo nghi thức ngoại giao, Phạm Văn Đồng sẽ được gặp một nhân vật tương đương của Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình (Đặng Tiểu Bình đã chính thức rời mọi chức vụ năm 1989 sau vụ Thiên An Môn và cũng đang là cố vấn chính phủ). Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình đã không đến, không gọi điện thoại nói chuyện, cũng không thèm đá động gì đến chuyến đi của phái đoàn Việt Nam.

Ngay sau khi được Trung Quốc mời, bộ Chính Trị đảng CSVN họp để chuẩn bị. Các ủy viên cao cấp như Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh... rất phấn khởi vì đều mong muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc để bảo vệ xã hội chủ nghĩa và tất cả đều chủ trương nên hòa giải với Trung Quốc để giải quyết cho xong vấn đề Campuchia. Chỉ có Nguyễn Cơ Thạch khuyến cáo là nên đề phòng thái độ của Trung Quốc vì Trung Quốc sẽ đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của xã hội chủ nghĩa.

Dù Nguyễn Cơ Thạch đã khuyến cáo, nhưng khi tới Thành Đô, Nguyễn Văn Linh vẫn đưa ra vấn đề hợp tác của các nước xã hội chủ nghĩa và bị Giang Trạch Dân trả lời thẳng thừng:“Các đồng chí đến đây, cho đến nay các nước không ai biết, cũng không cho các bên Campuchia biết. Chúng tôi cảnh giác vấn đề này. Họ cho rằng Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc xã hội chủ nghĩa đều do đảng cộng sản lãnh đạo, họp với nhau bàn cái gì đây? Vì vậy, chúng tôi giữ kín chuyện này. Tình hình quốc tế hiện nay nếu để hai đảng cộng sản bắt tay nhau là sách lược không lợi cho chúng ta”.

Trung Quốc đã không thể vì sự đoàn kết xã hội chủ nghĩa mà làm sứt mẻ mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ và các nước ASEAN.

Khi bàn về vấn đề Campuchia và sau khi đề nghị “giải pháp đỏ” bị Trung Quốc bác bỏ, Việt Nam dễ dàng chấp nhận hết những đề nghị của Trung Quốc để thành lập Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao Campuchia.

Đề nghị của Trung Quốc là công thức 6+2+2+2+1 có nghĩa hội đồng này gồm 13 người trong đó 6 người thuộc phe Hunsen, 2 người thuộc phe Ranaridhh (con của Sihanouk), 2 người thuộc phe Son Sann, 2 người thuộc phe Pol Pot, 1 là Sihanouk sẽ làm quốc trưởng.

Trước đó, Việt Nam đã đồng ý với phe Hun Sen về công thức 6+2+2+2, có nghĩa hội đồng chỉ gồm 12 người và Sihanouk sẽ là một người của phe Ranaridhh.

Giờ đây, vì quyền lợi sống còn của mình để kết thân với Trung Quốc, CSVN đành bỏ rơi quyền lợi của đồng minh Campuchia. Trong hội đàm Thành Đô, Trung Quốc không đả động đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao, và dù đòi hỏi Việt Nam phải giữ bí mật về cuộc hội đàm, một lần nữa, họ lại công khai hóa những điểm mà Việt Nam đã đưa ra ở Thành Đô cho các nước ASEAN, Tây phương và Hoa Kỳ thấy chủ ý chính của Việt Nam vẫn là mưu định bành trướng chủ nghĩa cộng sản.

Người bị mất mặt nhất trong cuộc hội đàm này là Phạm Văn Đồng. Đặng Tiểu Bình đã không đến gặp ông ta, cũng không thèm gửi lời giải thích hay chào mừng. Khi tham dự cuộc hội đàm, Phạm Văn Đồng cũng đồng tình với sự nhượng bộ của Nguyễn Văn Linh. Sau khi họp hội nghị trở về, trong buổi họp bộ Chính Trị để báo cáo và đánh giá về cuộc gặp mặt ở Thành Đô, Phạm Văn Đồng và Nguyễn Văn Linh đổ lỗi cho nhau. Sau đó, Phạm Văn Đồng nói là bị Trung Quốc đánh lừa và than thở là đã “hớ và dại”.

Tuy than như vậy, chính ông vào năm 1958 đã là người ký văn kiện chấp nhận biên giới lãnh hải của Trung Quốc bao gồm cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Năm 1977, khi bị chất vấn về chuyện này, ông không nhận lỗi mà còn bào chữa:”Lúc đó trong thời chiến tranh nên tôi phải nói thế”.

Phạm Văn Đồng cũng từng than không có quyền hành nhưng vẫn ở lì chức vụ thủ tướng mấy chục năm. Chuyện “ngậm miệng ăn tiền” của Phạm Văn Đồng không chỉ có thế. Trong cuốn Nhật Ký Trần Quỳnh, cựu trợ lý của Lê Duẩn kể lại là năm 1974, sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Phạm Văn Đồng dẫn đầu một phái đoàn sang Trung Quốc gồm có Nguyễn Duy Trinh và Trần Quỳnh xin viện trợ. Phái đoàn phải đi nhờ một máy bay của Trung Quốc. Trung Quốc đã dàn xếp để tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc ngày hôm đó đăng bài ca tụng chiến thắng Hoàng Sa của họ và cố ý để tờ báo này trên máy bay cho phái đoàn Việt Nam đọc. Hôm sau, gần đến giờ hai bên gặp nhau, Chu Ân Lai thông báo cho Việt Nam biết là ông ta hoãn cuộc tiếp kiến một giờ đồng hồ và khuyến cáo phái đoàn Việt Nam trong khi chờ đợi nên xem truyền hình.

Trong một giờ hoãn lại để phái đoàn Việt Nam ngồi chờ đó, truyền hình Trung Quốc chiếu cảnh một cô gái Trung Quốc ngâm thơ ca tụng chiến thắng Hoàng Sa của Trung Quốc. Chương trình đặc biệt này được thực hiện không phải để cho gần một tỷ khán giả Trung Quốc mà chỉ để dành riêng cho gần chục người của phái đoàn Bắc Việt, nhất là Phạm Văn Đồng, coi. Dù vậy, trong buổi họp chính thức với Trung Quốc chiều hôm đó, phái đoàn Phạm Văn Đồng đã không dám đá động gì đến vấn đề này. Thái độ này khác hẳn với lập trường của Tưởng Kinh Quốc ở Đài Loan, đã đặt quyền lợi quốc gia lên trên, nói là Trung Quốc (lục địa) hay Đài Loan chiếm Hoàng Sa thì vẫn là đất của Trung Quốc.

Một chuyện khác, người trợ lý nhiều năm của Phạm Văn Đồng là nhà thơ Việt Phương, sau khi theo Lê Thanh Nghị sang Âu Châu năm 1972, trở về làm tập thơ Cửa Mở và gọi xã hội ông đang sống là một “địa ngục khổng lồ không cửa sổ”. Dù chỉ tự đánh máy tập thơ sao ra mấy chục bản gửi cho những người thân, Việt Phương vẫn bị một “bạn thân” tố cáo và bị bắt vào tù. Phạm Văn Đồng sợ liên lụy đã không dám can thiệp(24).

Mấy tháng sau cuộc gặp mặt ở Thành Đô, Việt Nam được Trung Quốc mời tham dự Á Vận Hội Bắc Kinh vào tháng 9-1990. Vì lúc đó Trung Quốc đang bị chỉ trích sau vụ đàn áp Thiên An Môn nên đã muốn tổ chức Á Vận Hội cho thật rầm rộ. Tòa đại sứ Trung Quốc cho người đề nghị với cục thể thao là sắp xếp để phái đoàn Việt Nam đi thật đông và Trung Quốc sẽ giúp phương tiện bằng cách thu xếp cho phái đoàn di chuyển bằng xe lửa. Do biết thái độ thân Trung Quốc của Lê Đức Anh nên Dương Nghiệp Chi, cục trưởng cục thể thao, không chuyển đề nghị này lên chính phủ cứu xét mà qua tay Nguyễn Chí Vịnh, đưa thẳng lên cho Lê Đức Anh để được hoan hỉ chấp thuận. Trên đường đi, Trung Quốc đã cho người ăn cắp tài liệu về an ninh của phái đoàn, nhưng phái đoàn không dám có lời phản kháng.(25) Người phụ trách an ninh cho phái đoàn là Khổng Minh Du, sau này trở nên cục trưởng cục A25 của bộ công an phụ trách kiểm soát báo chí.(26) Nguyễn Chí Vịnh nhờ thế lực Lê Đức Anh sau này cũng thăng chức, trở nên tổng cục trưởng tổng cục 2 tình báo.

Dịp tổ chức Á Vận Hội lại là một dịp mất mặt nữa cho Võ Nguyên Giáp. Đồng thời với phái đoàn thể thao, Trung Quốc mời một phái đoàn chính phủ sang tham quan. Lúc đó giữa hai nước chưa có quan hệ chính thức, thái độ thù hận vẫn chưa nguôi, cho nên người được Lê Đức Thọ cử đi Bắc Kinh trong công tác khó khăn này là Võ Nguyên Giáp. Khi tới Bắc Kinh, ông ta ngỏ ý muốn được gặp Dương Đắc Chí, người chỉ huy quân Trung Quốc trong trận chiến biên giới Việt - Hoa năm 1979 như một thiện chí hòa giải. Dương Đắc Chí đã từ chối một cách khinh miệt, công khai nói là mồ của binh sĩ Trung Quốc chết ở biên giới Việt - Hoa vẫn chưa xanh cỏ, ông ta không thể nào gặp những người lật lọng.

Theo tác giả Trần Nhu, Võ Nguyên Giáp bắt buộc phải nhận công tác mất mặt này vì bị Lê Đức Thọ dọa sẽ gây khó dễ hay nguy hiểm cho 3 người con đang du học ở nước ngoài (Võ Điện Biên ở Đông Đức, Võ Thị Hòa Bình ở Ba Lan, Võ Thị Hồng Anh ở Nga Xô).(27)

Sau khi từ Trung Quốc trở về, trong thời gian đảng Cộng sản chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ VII, Võ Nguyên Giáp lại bị một phe cánh của Lê Đức Thọ là Lê Đức Anh dùng cục 2 tình báo quân đội gài đặt trong vụ án được gọi là “vụ Sáu Sứ” khiến ảnh hưởng của Võ Nguyên Giáp trong quân đội kể từ lúc đó tiêu tan. Ông bị loại khỏi trung ương đảng và tham vọng muốn trở lại nắm quyền bị hoàn toàn dẹp bỏ.

Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ sáu năm 1986 được coi như đánh dấu một sự “đổi mới”. Nếu phong trào cộng sản của Việt Nam bắt nguồn từ buổi “bình minh của nhân lọai”, lúc Lê Nin lên cầm quyền ở Nga Xô năm 1917 thì gần 70 năm sau, buổi “hoàng hôn” của phong trào đó cũng bắt đầu xảy ra từ Nga Xô với Gorbachev. Nhờ có Gorbachev, Việt Nam mới phải “đổi mới hay là chết”. Nhờ có Gorbachev, Nguyễn Văn Linh mới được làm tổng bí thư. Đổi mới chỉ là góp nhặt từ cởi mở và tái cấu trúc, còn đa phương và đa dạng hóa ngoại giao chỉ là hậu quả tất yếu của chính sách ngoại giao Thái Bình Dương mới của Nga Xô.

Nhờ giải trừ bớt những biện pháp cứng nhắc của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu khá hơn. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Nga Xô và Đông Âu đã khiến Nguyễn Văn Linh cùng đa số đảng viên cầm quyền Việt Nam lo sợ, chùn bước.

Hình như những nhà lãnh đạo CSVN lúc nào cũng cần có một hậu thuẫn ngoại bang nào đó để học tập nếu không muốn nói là sùng bái. Mất đi cái nôi của cách mạng tháng mười, họ quay về Đông phương hồng vì Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa, đúng ra là độc đảng. Kể từ 1989, về đối ngoại, họ muốn được kết thân với Trung Quốc bằng mọi giá để làm một chỗ dựa thay Nga Xô. Về đối nội, họ cóp nhặt mô hình cai trị của đảng cộng sản Trung Quốc, đàn áp dân chủ nhưng mở cửa kinh tế. Kết thúc khóa VI, đảng CSVN họp đại hội đảng lần thứ VII và sẽ loại bỏ Nguyễn Cơ Thạch, bầu lên Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt để thực hiện những điều này.


CHÚ THÍCH CHƯƠNG III

____________________________________

(1)— Mai Chí Thọ, tên thật Phan Đình Đồng, bí danh Năm Xuân, là em ruột của Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải) và Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh). Vấn đề giữ gìn dòng họ tổ tiên của cán bộ cộng sản Việt Nam hình như không được coi trọng, vì thế con của Lê Đức Thọ vẫn có tên là Lê Nam Tiến (sau này làm thứ trưởng bộ Bưu Điện).
(2)— Tài liệu về Trần Xuân Bách và B.68 là do ông Dương Văn Thương, một cán bộ từng phục vụ ở Campuchia cùng với Trần Xuân Bách. Ông Thương sau này tỵ nạn ở Đức.
(3)— Nguyễn Văn Linh thường nói muốn diệt tham nhũng “phải bắt hai vợ chồng nhà đó trước” (Võ Văn Kiệt và vợ là Phan Lương Cẩm). Một trong những vụ tham nhũng mà Võ Văn Kiệt bị tố cáo là đã thông đồng với bộ trưởng năng lượng Vũ Ngọc Hải trong công tác xây dựng đường cao tốc Bắc Nam. Vũ Ngọc Hải bị kết án 3 năm tù. Nhờ nhận hết tội trạng và không khai đồng bọn, khi Vũ Ngọc Hải ở trong tù, mỗi khi tết đến Võ Văn Kiệt đều vào thăm.
(4)— Vụ khai gian lý lịch của Lê Đức Anh: theo thư của Phạm Văn Xô gửi trung ương đảng. Lê Đức Anh khai gian để tăng tuổi đảng, vào đảng trước 1945 sẽ trở thành “lão thành cách mạng” và tự đặt mình vào giai cấp “công nhân”, tiên tiến hơn là làm cai phu. Ngoài ra, Lê Đức Anh cũng bị tố lấy cớ vợ mình là con địa chủ nên bỏ để đi lấy con gái của chính ủy quân khu V dễ tiến thân hơn.
(5)— Đặng Thí, sau 1954, làm việc ở quân khu IV. Trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, theo chỉ thị của phái đoàn cố vấn Trung Quốc, cứ một tỉnh phải đạt chỉ tiêu là xử tử hai địa chủ. Nhưng tỉnh mà Đặng Thí phụ trách nghèo qúa, không có địa chủ, cấp dưới phải đôn 2 trung nông lên thành địa chủ trình cho Đặng Thí. Đặng Thí lúc đó đang đi ngoài đường, không cần cứu xét, ký giấy chấp thuận khai tử 2 người này ngay trên ghi đông xe đạp (tài liệu của cựu đại tá Bùi Tín).
(6)— Trong một bài Những việc cần làm ngay, Nguyễn Văn Linh có lần công kích những tòa đại sứ Việt Nam đã không chịu mua xe Nga Xô mà lại mua nhiều xe Toyota, Honda của Nhật khiến Nguyễn Cơ Thạch phải giải thích là ở các nước khác, việc bảo trì xe Nga Xô rất tốn kém và nhiều khi không có cơ phận thay thế. Nguyễn Văn Linh ký tắt là NVL (Nói và Làm) bắt chước Hồ Chí Minh ngày xưa ký XYZ.
(7)— Nguyễn Xuân Oánh, hồi nhỏ được phong trào Đông Du đưa qua Nhật, sau sang Hoa Kỳ, tốt nghiệp đại học Harvard. Về nước trước 1975, làm phó thủ tướng, rồi quyền thủ tướng một thời gian ngắn, quay sang làm ngân hàng. Sau 1975, ông ở tù khoảng 8 tháng. Nhà văn Uyên Thao, ở tù cùng nơi với ông, cho biết ông là người tù duy nhất có vợ là Thẩm Thúy Hằng được vào thăm. Có lẽ Thẩm Thúy Hằng có họ hàng với Võ Văn Kiệt nên Nguyễn Xuân Oánh được lãnh ra và làm tư vấn kinh tế cho Võ Văn Kiệt. Sau này, trước khi chết, ông mở một công ty tư vấn cho những công ty ngoại quốc muốn kinh doanh tại Việt Nam (N.X.Oanh Associates). Người hùn hạp với ông là Colby, cựu giám đốc CIA (tài liệu trong cuốn Dragon Ascending). Là cố vấn cho Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt, Nguyễn Xuân Oánh đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc “đổi mới”, nhưng dĩ nhiên, vai trò của ông không được đem ra tuyên dương.
(8)— Nguyễn Văn Hảo, cựu phó thủ tướng đặc trách kinh tế trước 1975. Sau 1975, ông ở lại. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, người giữ chìa khóa ngân hàng Việt Nam trước 1975 viết trên báo Thanh Niên, khi quân cộng sản chiếm dinh Độc Lập, bắt tất cả mọi người tập trung ở đó. Lúc Trần Văn Trà cho gọi Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đi “làm việc” thì Nguyễn Văn Hảo năn nỉ xin đi theo, khoe là có công giữ được 16 tấn vàng. Có lẽ nhờ vậy Nguyễn Văn Hảo đã được dùng một thời gian. Tuy nhiên, thấy không được trọng dụng, ông ta xin xuất ngoại sang Thụy Sĩ. Với thái độ như thế, mấy năm đầu, Nguyễn Văn Hảo đã gặp khó khăn với chính phủ Mỹ khi muốn xin đoàn tụ với gia đình đang sống ở Texas. Những lãnh tụ cao cấp đảng CSVN đã làm gì với 16 tấn vàng kể trên không được ai biết đến.
(8)— Nhóm “Thứ Sáu”, vì thường gặp mặt nhau vào ngày thứ sáu, gồm những người như Lâm Võ Hoàng (nguyên tổng giám đốc ngân hàng Việt Nam Thương Tín), Phan Tường Vân (tốt nghiệp kinh tế ở Thụy Sĩ), Huỳnh Bửu Sơn (người giữ chìa khóa kho vàng ngân hàng quốc gia trước 1975), Phan Chánh Dưỡng... Phan Tường Vân về sau bị tố cáo tham nhũng nhưng được Phan Văn Khải che chở (theo David Lan Pham) còn Phan Chánh Dưỡng cùng Đậu Ngọc Xuân thành lập công ty xây dựng Tân Thuận làm giàu. Huỳnh Bửu Sơn được cử làm phó giám đốc ngân hàng Kỹ Thương rồi quay sang làm cho hãng Pepsi Cola. Võ Trần Chí, thay Nguyễn Văn Linh làm bí thư thành ủy năm 1986, tuy không tự mình kiếm tiền nhưng giúp người anh ruột làm giám đốc công ty đông lạnh Hùng Vương.
(10)— Đậu Ngọc Xuân, sau này rời chức vụ, với thế lực và quan hệ khi làm chủ nhiệm ủy ban đầu tư ngoại quốc, làm tổng giám đốc công ty xây dựng Tân Thuận, hợp tác với nhà tỷ phú Đài Loan Lawrence Ting trong những dự án lớn hàng tỷ mỹ kim như mở khu chế xuất Tân Thuận, xây khu đô thị Phú Mỹ Hưng và dĩ nhiên, kiếm được rất nhiều tiền. Lawrence Ting rất được nhà cầm quyển Việt Nam coi trọng, nhưng sau này ông ta đã nhảy lầu tự tử ở Đài Loan vì bị tố cao gian lận thuế. Sau khi ông chết, ở Việt Nam lập qũi học bổng Lawrence Ting.
(11)— Ngoài tài viết khảo luận chính trị, Hà Sĩ Phu cũng làm thơ:

Nhân danh
An ninh khu vực
Yêu cầu các tâm hồn
Hãy mở cửa ra
Cho kiểm tra
Hành chính
Còn tim đen người kiểm tra thì được quyền đóng kín
Tối như bưng chẳng khai báo bao giờ.

(12)— Bùi Minh Quốc, một thi sĩ, từng là tổng biên tập tạp chí Lang Biang, sau đó bị khai trừ ra khỏi đảng và mất chức tổng biên tập. Sau khi mất chức, ông đi xe gắn máy khắp nước Việt Nam, nhất là đi kiểm tra việc Việt Nam nhường đất vùng biên giới. Trên đường đi, ông làm những câu thơ:

Một xe “81” với yên cương
Một áo blouson đẫm bụi đường
Rong ruổi với trời thu Việt Bắc
Bồi hồi mỗi dặm mỗi yêu thương.

(13)— Nhà làm phim Vũ Huy Cương, bạn của Vũ Thư Hiên, đã bị tù vì vụ án “xét lại”. Xem Đêm Giữa Ban Ngày. Năm 1996, ông bị bắt lần nữa vì tội “photocopy” bức thư của Võ Văn Kiệt gửi trung ương đảng.
(14)— Ngay cả hai mươi năm sau, năm 2004, trước khi diễn đàn nhân dân Á Âu (Asia Europe People’s Forum) họp tại Hà Nội, theo thông lệ, phái đoàn của các đoàn thể phi chính quyền (NGO) đến họp trước. Họ ngạc nhiên không thấy có một đoàn thể phi chính quyền nào ở Việt Nam. Những hội đoàn vô tội như hội Hướng Đạo (mà các cựu đoàn viên đều là đảng viên cao cấp như Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu), không được tái thành lập. Do tình trạng giáo dục tồi tệ ở Việt Nam, Hội Khuyến Học được dự định thành lập nhưng chi nhánh ở TP.HCM do ngay cả cựu đại tướng công an Mai Chí Thọ đứng đầu xin phép mấy năm vẫn chưa được cấp giấy phép.
(15)— Trích thư của linh mục Nguyễn Văn Lý.
(16)— Nguyễn Đan Quế là một bác sĩ từng du học ở Bỉ về chuyên khoa bệnh nội tiết, làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 1975, ông thành lập Cao Trào Nhân Bản, bị tù nhiều năm và khi được thả, luôn luôn bị làm khó dễ đủ chuyện nhưng ông vẫn bền gan tranh đấu. Nhà cầm quyền khuyến khích ông ra nước ngoài nhưng ông từ chối.
(17)— Trích Đổi Mới, Niềm Vui Chưa Trọn của Trần Độ.
(18)— Dương Thu Hương, tác giả những cuốn Những Thiên Đường Mù, Bên Kia Bờ Ảo Vọng …, từng theo bộ đội vào Nam chiến đấu trước 1975. Bà là người bị cả một hệ thống thông tin văn hóa kết hợp với công an bỏ tù, làm khó dễ, bôi đen, lăng mạ, kể cả người phê bình văn học của nhà nước là Phan Cự Đệ. Tuy nhiên, bà vẫn giữ thái độ kiên cường, bất khuất. Sau này, bà sang định cư ở Pháp.
(19)— Trích Vietnam after 7th Party Congress của Tadashi Mio, phân khoa Quan Hệ Quốc Tế đại học Daito Bumka, Nhật.
(20)— Dương Thu Hương bị tố đưa“tài liệu”, có lẽ là tác phẩm bị cấm in, cho bác sĩ Bùi Duy Tâm đem về Mỹ xuất bản. Bác sĩ Tâm bị bắt giữ rồi bị trục xuất về Mỹ. Bà Dương Thu Hương kể lại bác sĩ Tâm đã chi rất nhiều tiền cho Dương Thông.
(21)— Nhà thơ Vương Đức Lệ, kể lại ông bị bắt chỉ vì vô tình gặp ông Hoạt và ông Hoạt đưa cho ông một số tài liệu thì ông đọc, nhưng “vậy mà chúng nó nói tôi không phải tù chính trị. Vậy chúng nó bắt tôi vì tội gì?”.Ông cũng nói nhà thơ Mai Trung Tĩnh, hoàn toàn không biết gì về việc của ông Đoàn Viết Hoạt hay tài liệu mà ông Vương Đức Lệ đọc, cũng bị bắt ở tù thêm mấy năm vì một tội khác, cái tội “là bạn thân” của Vương Đức Lệ, nhà nước bắt cho chắc ăn.
(22)— Hầu hết tài liệu về việc tái lập bang giao Việt - Hoa đều lấy trong cuốn Hồi Ức của cựu thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ. Để kiểm soát lẫn nhau, cán bộ cộng sản nào tiếp xúc với người nước ngoài cũng đều phải có một người khác bên cạnh (tốt hơn hết là công an) để có gì còn báo cáo.
Việc Lê Đức Anh gặp riêng Trương Đức Duy là trái với thông lệ (không có thông ngôn vì Trương Đức Duy nói rành tiếng Việt). Dù về sau có người phê bình nhưng đảng cộng sản cũng làm lơ.
(23)— Thái độ coi thường Việt Nam của Trung Quốc không phải ít xảy ra. Trong Đêm Giữa Ban Ngày, nhà văn Vũ Thư Hiên kể lại là khi Trần Huy Liệu sang thăm Trung Quốc và được gặp Mao Trạch Đông, báo Trung Quốc đã đăng hình Trần Huy Liệu với ghi chú “Chủ tịch Mao trạch Đông cho Trần Huy Liệu được bắt tay”. Ngoài ra, trong thời kỳ tranh chấp Nga - Hoa, khi Hồ Chí Minh trên đường đi Nga, ghé qua Bắc Kinh, Mao Trạch Đông cũng để Hồ Chí Minh chờ vài tiếng đồng hồ mới tíếp.
(24)— Nhà thơ Việt Phương từng là vụ trưởng vụ tổng hợp phủ thủ tướng, rất thân cận với Phạm Văn Đồng. Đầu thập niên 1970, ông theo Lê Thanh Nghị sang Âu Châu, về nhà làm tập thơ Mở Cửa, trong đó có những câu:

Ta nhất quyết đồng hồ Nga Xô tốt hơn đồng hồ của Mỹ
Hình như đây là ý chí, niềm tin và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc đẹp hơn trăng nước Mỹ
Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời nhưng ngờ nghệch làm sao
Năm xưa ta vô tình tô thắm cuộc đời để mà tin
Nay đã tin mà không cần tô thắm gì nữa cả
Quen thuộc rồi mối bất ngờ kỳ lạ
Ta đã trả giá rất đau và đã học nhìn.

Thật ra không riêng Phạm Văn Đồng ngậm miệng thủ thân. Trước thế lực của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp cũng ngậm miệng khi làm bộ trưởng quốc phòng mà các thuộc cấp (như cục trưởng tác chiến, quân báo…) bị bắt oan. Ngay cả Hồ Chí Minh, khi bí thư cũ của ông là Vũ Đình Huỳnh bị bỏ tù oan ức trong vụ án xét lại, ông ta vẫn làm lơ, không can thiệp
(25)— Trích trong hồi ký của Dương Nghiệp Chi đăng trên báo Khánh Hòa (www.timtatca.com, key word: Nguyen Chi Vinh)
(26)— Khổng Minh Du, sau lên thiếu tướng, cục trưởng cục cảnh sát A25 phụ trách kiểm soát báo chí, cũng đã in thơ. Cuốn thơ được giải nhất văn nghệ của…Bộ Công An, trong đó có những câu: “Có một thời như thế. Xếp hàng mua bia hơi. Đổ vào chai ngâm bể. Chờ đón bạn xa về”.
(27)— Con gái Lê Duẩn là Lê Vũ Anh du học Nga, cãi lời cha ở lại lấy ông thày người Nga tên Marlov, sau đó bị tai nạn xe cộ. Người ta đồn cái chết này do Lê Đức Thọ ra lệnh để giữ uy tín cho lãnh tụ, giống như Lê Đức Thọ đã cho giết Nông Thị Xuân
.

SAU BỨC MÀN ĐỎ 4-Lược Sử CSVN- Hoàng Dung-


SAU BỨC MÀN ĐỎ 5-Lược Sử CSVN- Hoàng Dung-


SAU BỨC MÀN ĐỎ 6-Lược Sử CSVN- Hoàng Dung-


SAU BỨC MÀN ĐỎ 7-Lược Sử CSVN- Hoàng Dung-



* *
*

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...