. .

Sunday, May 3, 2009

Cuốn "Phật Quang Đại Từ Điển" của Hòa Thượng Quảng Độ

Ỷ Lan, thông tín viên RFA

==> Cuốn "Phật Quang Đại Từ Điển"

RFA 2008-11-26

==> Thực hư bức thư Hòa thượng Quảng Độ gửi công an thành phố HCM?

RFA 2008-11-25

Phái đoàn Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đến tiếp xúc và chụp ảnh chung với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện.

Cuốn "Phật Quang Đại Từ Điển" do Hoà Thượng Thích Quảng Độ phiên dịch vừa được in xong và phát hành tại hải ngọai. Đây là một tài liệu tra cứu quý giá cho những ai quan tâm về Phật Giáo, từ các tông phái đến các thuật ngữ và tư tưởng.
Hoà Thượng Quảng Độ, hiện là Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và Xử Lý Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã bắt đầu công trình phiên dịch từ đầu những Năm 1980 trong những điểu kiện và hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, và công trình cũng bị gián đọan nhiều lần.
Thông tín viên Ỷ Lan của Ban Việt Ngữ (Đài Á Châu Tự Do) có cuộc phỏng vấn với Hoà Thượng về những bước gian truân ấy. Mời quý thính giả theo dõi.


Ỷ Lan : Kính bạch Hoà Thượng Thích Quảng Độ, bộ "Phật Quang Đại Từ Điển" gồm 6 tập, gần 8.000 trang, ấn loát đẹp, trên bìa da mạ vàng và giấy quý, lại có minh hoạ cho các thuật ngữ, tông phái, tư tưởng Phật Giáo, và được phát hành tại hải ngoại. Kính xin Hoà Thượng cho biết là Hoà Thượng bắt đầu công trình này từ lúc nào?
Hoà Thượng Thích Quảng Độ : Bộ "Phật Quang Đại Từ Điển" tôi bắt đầu phiên dịch khi còn đang bị quản thúc, lưu đày ở Vũ Đoài vào Năm 1990. Lúc đó mới làm được một ít, mà ngoài đó thiếu phương tiện, nên tôi quyết định phải đi về trong Miền Nam mới có phương tiện để làm.

Tôi về Miền Nam vào Năm 1992. Tôi tiếp tục làm bộ từ điển đó và đến 1994 thì tôi có gửi cho ông Đỗ Mười một tập nhận định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với dân tộc và Phật Giáo Việt Nam.

Sau đó tôi ra tôi đi cứu trợ. Năm ấy ở Miền Nam, vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long có lụt lớn. Cứu trợ được một vài chuyến thì Ngày 4-1-1995 họ bắt, tới 15 Tháng Tám họ mới đưa ra toà xét xử thì tôi với Hoà Thượng Không Tánh bị mỗi người 5 năm tù giam, 5 năm quản chế.

Cuốn từ điển làm trong tù

Ỷ Lan : Như vậy là công trình làm từ điển chưa xong theo ý định mà còn tiếp tục sau ngày bị bắt vào Năm 1995. Xin Hoà Thượng hoan hỉ kể cho thính giả biết rõ hơn hoàn cảnh trong tù khi Hoà Thượng dịch tiếp bộ "Phật Quang Đại Từ Điển" như một kỳ công hy hữu mà hiện nay người học Phật phải tri ân.

Hoà Thượng Thích Quảng Độ : Trước khi vào tù, tôi đã nói khó với họ là để xin đưa theo bộ từ điển Phật Quang mà tôi đang làm dở đó là rất đặc biệt lắm, mà tôi hối họ bao nhiêu lần vẫn khó khăn. Tôi nói rằng công việc này ông cứ xem đi, nó có 7 tập, mỗi tập một nghìn trang bằng chữ Hán, ông cứ xem.

Ông cứ về Thanh Minh Thiền Viện, thầy Thanh Minh sẽ đưa cho ông xem, ông đưa về nhà ông xem, xem từng trang một, xem rằng có giấu giếm cái gì đó không. Ông thấy rằng không có hại gì và không có chứa đựng gì trong đó thì cho đưa vào tù để tôi làm. Tôi ngồi trong tù có việc cho tôi làm, đồng thời để giúp cho các thế hệ tương lai họ có tài liệu để tham khảo và tra cứu mà học tập.

Tôi có nói rõ như thế. Thế mà mãi mấy lần người ta mới xét; họ bàn nhau xem sao rồi họ mới đồng ý cho. Cho đưa vào thì đến lúc mà tôi không kháng án thì họ quyết định đưa ra ngoài Ba Sao. Ngày hôm sau tôi đi thì ngày hôm trước thầy Thanh Minh đưa bộ từ điển ấy vào cho tôi để đưa ra Miền Bắc để mà làm việc. Thế nhưng mà họ không cho tôi cầm theo mà chính công an cầm theo.
Ra đến trại Ba Sao thì mấy hôm sau họ mới đưa vào cho, thì không phải chỉ có 7 tập đại từ điển không mà còn một trăm tập vở nữa, một trăm tập vở học trò loại lớn, dài như trang giấy dùng bây giờ đây này, khổ cũng rộng, có kẽ dòng thôi chứ không có đánh số trang. Thì vào đấy một tuần sau thì tôi mới hỏi họ rằng bây giờ ông cho đưa bộ từ điển vào đây để tôi bắt đầu làm việc thì họ đưa có một tập thôi.

Tôi bảo một tập không đủ, đưa cả 7 tập bởi vì một tập một mà nó có nhiều cái từ liên quan đến tập 2, tập 3, tập 4 thì phải trông vào đó mới làm được. Và vở và bút nữa: bút cũng sắm đủ một trăm cây bút nguyên tử, bút máy đó, và một trăm tập giấy như vậy, thì thầy Thanh Minh xách vào. Đưa vào thì họ giữ hết, trừ có 7 tập từ điển là họ đưa cho tôi một lúc để mà tham khảo, còn một trăm tập giấy là họ giữ, bút họ giữ.

Giấy mỗi lần họ phát cho mình một tập, họ đánh số vào đó mỗi một tập 80 trang. Thế rồi họ phát cho một cây bút. Thế rồi họ đề ngoài cái trang bìa ngoài cùng là ông cán bộ nào mà trực nhật ngày đó có trách nhiệm trông coi tù nhân ngày đó thì ông phải viết trong đó là cán bộ tên gì, chức vụ gì, rồi giao ngày nào, tháng nào, tập có 80 trang, ghi rõ như thế. Rồi họ mới giao cho mình cái tập đó.

Thế hết tập đó thì mình mới trả để họ giao tập mới, Bút cũng thế, viết hết mực thì phải trả quản bút hết mực cho họ, họ mới cho bút mới. Đấy, họ kiểm soát như thế đấy.Kiểm soát thế cũng tốt bởi vì tôi có công việc làm.

Cán bộ giữ cuốn từ điển thì làm lại cuốn khác

Tôi làm hết ở trong tù tất cả đến ngày đặc xá 2-9-1998, nhưng khi về thì họ lại không trả, mấy chục tập, gần một trăm tập mà tôi đã dịch rồi, có chữ hết rồi. Họ bắt phải làm đơn xin, làm đơn cho cái ông trưởng trại ấy để mà xin đưa cái tập đó về.

Tôi nói thật bất hợp lý bởi vì cái này tôi xin ông cho đưa vào, nhưng tôi làm ở đây thì đến lúc tôi về thì ông phải trả vì dây coi như một cái của mà tôi gửi ông thôi. Mà tôi cũng không gửi, ông giữ chứ tôi có gửi ông đâu?

Cũng như các tư trang khác là quần áo, tiền nong ở ngoài người ta tiếp tế cho tôi, bây giờ còn thừa chưa tiêu hết thì ông trả lại chứ tôi có phải làm đơn xin đâu, tại sao cái tập này phải làm đơn xin? Cho nên, nếu như thế thì tôi không xin đâu. Các ông để lại mà dùng, tôi về tôi làm lại.

Thế là tôi về tôi phải làm lại mất 2 năm trời. Những công việc mà tôi đã làm trong nhà tù họ bắt phải làm đơn xin, tôi không xin. Vô lý! Việc gì phải xin. Họ giữ của mình, khi vào tù họ giữ tất cả. Tiền nong của ai đưa vào đấy họ cũng thu giữ hết. Họ giữ hết rồi họ lấy cái vốn đó mà mượn đầu heo nấu cháo.

Họ mượn tất cả tiền của tù nhân trong trại tù đó để họ mở căng-tin rồi bán hàng cho mình. Họ đi mua hàng ở ngoài về, quả chuối ở ngoài giá giả dụ một đồng bạc thì họ về họ bán cho người tù 5 đồng bạc. Đấy, họ ăn như thế đấy! Nhưng cái giấy này thì họ giữ vì nhai giấy không được, nhưng họ gây phiền hà để ra cái chuyện họ có quyền bắt mình làm cái gì thì mình phải làm, nên bắt tôi xin thì tôi không xin.

Tôi về tôi bỏ ra 2 năm trời tôi làm lại, tôi không xin ai hết. Xin nó phải hợp lý cơ. Như mình đói mình đi xin ăn, người ta cho, mình cảm ơn. Còn ở đây là của mình mà họ giữ chứ mình có gửi đâu!



Thực hư bức thư Hòa thượng Quảng Độ gửi công an thành phố HCM?

Ỷ Lan, thông tín viên RFA 2008-11-25

Bức thư lưu hành trên internet, nói là của Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi công an thành phố HCM, nhưng chính Hòa thượng Quảng Độ xác nhận là giả qua cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do.

Bức thư lưu hành trên internet, nói là của Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi công an thành phố HCM, nhưng chính Hòa thượng Quảng Độ xác nhận là giả qua cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do.

Có một bức thư viết ngày 9 tháng 2 năm 1995, với thủ bút và chữ ký của Hòa thượng Thích Quảng Độ, thế danh Đặng Phúc Tuệ gửi cơ quan công an thành phố Hồ Chí Minh.
Bức thư được phổ biến trên mạng Internet, “cam kết sẽ vĩnh viễn chấm dứt mọi liên hệ và những hành động có thể dẫn đến vi phạm pháp luật của nhà nứơc.”

Thông tín viên Ỷ Lan của ban Việt ngữ vừa có cơ hội phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ, viện trưởng viện hóa đạo kiêm xử lý viện tăng thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất về bức thư này. mời quý thính giả theo dõi.

Ỷ Lan: Kính bạch Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ, mấy ngày vừa qua trên mạng Internet tung ra hai tài liệu, trong đó có bức thư thủ bút "Lời Cam Kết" của Hoà Thượng gửi cho cơ quan Công An TP.HCM với nội dung là Hoà Thượng ngỏ lời cam kết chấm dứt mọi liên hệ và những hành động dẫn đến vi phạm luật pháp của nhà nước, và Hoà Thượng hứa sẽ tìm một nơi yên tịnh xa thành phố để tiếp tục phiên dịch và hoàn thành bộ Phật Quang Đại Từ Diển xem như nguyện vọng tha thiết nhất trong cuối cuộc đời tu hành của Hoà Thượng. Xin Hoà Thượng cho biết thủ bút "Lời Cam Kết" này có do Hoà Thượng viết hay không?

HT Quảng Độ: Vấn đề này hiện quan trọng đây. Trước hết là tôi trả lời rằng cái bản đấy hoàn toàn là tôi bây giờ cũng mới được đọc.
Lý do mà người ta viết trong bản này, lý do chính đó là vì tôi muốn tìm cái nơi an tĩnh để mà hoàn thành cái bộ Phật Quang Đại Từ Điển.
Về Bộ này đây thì tôi bắt đầu phiên dịch khi còn đang bị quản thúc, lưu đày ở ngoài Vũ Đoài vào Năm 1990. Lúc đó mới làm được một ít, ngoài đó thiếu phương tiện. Tôi quyết định phải đi về trong Miền Nam mới có phương tiện để làm, thì tôi có viết thư cho ông Mai Chí Thọ.

Lúc đó tôi yêu cầu, đòi hỏi họ là đưa tôi ra đây quản chế như thế này đã 10 năm rồi, từ 1982 đến 1992, là 10 năm rồi mà không giải quyết như thế nào cả, thì bây giờ tôi yêu cầu ông giải quyết cho dứt khoát, tôi có tội thì đưa ra toà đàng hoàng, mà không có tội thì phải giải chế cho tôi để tôi trở về Miền Nam. Tôi hẹn trong một tháng mà các ông không trả lời là tôi tự ra về. Thì lúc đó tôi chờ đúng một tháng mà không ai trả lời cả, thì là tôi quyết định ra về.

11 giờ sáng mai là sang bên Nam Định lên tàu đi về. Thế nhưng 4 giờ chiều hôm trước đó có hai người công an ở Hà Nội về nói rằng là ông không được về, thì tôi cứ về đấy thôi. Và họ để cho về nhưng họ theo dõi từ đấy vào đến Sài Gòn.

Còn cái lý do trong cái thư gọi là "Thư Cam Kết" có nói lý do yên tĩnh ở xa thành phố, thì yên tĩnh ở đâu bằng yên tĩnh trong nhà tù. Tôi thấy trong nhà tù yên tĩnh nhất, không còn phải đi tìm đâu nữa. Bất cứ nhà tù nào! Tôi đã trải qua nhiều nhà tù. Ở Miền Nam như ở Phan Đăng Lưu thì một mình trong cái xà lim rất nhỏ, rất hẹp mà một mình suốt trong gần 2 năm trời, không được tiếp xúc với ai thì cái đó là rất yên tĩnh. Rồi đến lúc ra ngoài Vũ Đoài (Bắc Việt) thì cũng một mình một cái chùa hẻo lánh ngay giữa cánh đồng, chả ai lai vãng, thì như vậy quá yên tĩnh rồi chứ việc gì phải đi tìm sự yên tĩnh? Như vậy cái lý do họ đưa ra là trái rồi.

Tôi về Miền Nam vào năm 1992, tôi tiếp tục làm bộ từ điển đó và đến 1994 thì tôi có gửi cho ông Đỗ Mười một tập nhận định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với dân tộc và Phật Giáo Việt Nam.

Sau đó tôi ra tôi đi cứu trợ. Mùng 4 Tháng Giêng 1995 họ bắt giam ở trại giam trên đường Nguyễn Văn Cừ ở giữa Sài Gòn này. Tôi với Hoà Thượng Không Tánh là mỗi người 5 năm tù giam, 5 năm quản chế. Theo luật thì 2 tuần lễ sau là người bị xử có quyền kháng án. Công an vào họ bảo không nên kháng án, thì tôi đã nói từ trước rồi là tôi không có kháng. Tôi ở tù thì cũng nhàn lắm chứ có sao, việc gì đâu phải kháng. Ở đâu thì cũng ăn cũng làm việc thôi. Ở đây thì tôi có việc làm rồi. Trước khi vào tù thì tôi đã vận động, nói khó với họ là để xin đưa theo bộ từ điển Phật Quang mà tôi đang làm dở dang đó để ở trong tù có việc tôi làm, đồng thời để giúp cho các thế hệ tương lai họ tài liệu tra cứu, tham khảo, để học tập.

Tôi có nói rõ như thế. Đến lúc mà tôi không kháng án thì họ quyết định đưa tôi ra ngoài Ba Sao, thì thầy Thanh Minh đưa bộ từ điển ra Miền Bắc để tôi làm việc. Khi ra đến trại Ba Sao thì mấy hôm sau họ mới đưa bộ từ điển vào cho, thì không phải chỉ có 7 tập từ điển không mà còn 100 tập vở nữa. Tôi làm hết ở trong tù cho đến lúc được đặc xá 2-9-1998 thì về nhưng họ lại không trả gần một trăm tập mà tôi đã dịch rồi, có chữ hết cả rồi. Họ bắt phải làm đơn xin.
Vô lý! Việc gì phải xin. Nếu như thế thì tôi không xin đâu, các ông để lại mà dùng, tôi về tôi làm lại. Thế là tôi về tôi phải làm lại mất 2 năm trời. Làm lại, tôi không xin ai hết.
Xin phải hợp lý cơ. Như mình đói mình đi xin ăn, người ta cho thì mình cảm ơn. Còn cái này của mình mà họ giữ chứ mình đâu có gửi.
Thì bây giờ tôi nói thế có nghĩa là có liên hệ tới cái gọi là cam kết này. Có thể là họ đã nghiên cứu, họ xem nét chữ của tôi trong gần một trăm tập giấy tôi đã viết từ điển, viết cách như thế nào, mà họ giữ lại mười mấy năm nay.
Còn cái nội dung này thì cũng không dễ gì. Họ cũng nói đến thế hệ tương lai như tôi đã nói với họ khi xin đưa bộ từ điển vào tù mà làm. Đây là văn hoá chung, không những của Phật Giáo mà còn là văn hoá dân tộc mà những thế hệ sau họ rất cần. Khi học hỏi, tra cứu, nghiên cứu là rất cần.
Như vậy là cái cam kết này hoàn toàn không có sự thật. Tôi xác định như vậy để cho các vị biết.


Trên đây là cuộc phỏng vấn của thông tín viên Ỷ Lan với Hòa thượng Thích Quảng Độ, viện trưởng viện hóa đạo kiêm xử lý viện tăng thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất về bức thư đề ngày 9 tháng 2 năm 1995 gửi công an thành phố Hồ Chí Minh, với thủ bút và chữ ký của ngài. Hòa thượng đã xác nhận bức thư ấy là giả.


.

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...