Thư viết cho ông Đỗ-Mười, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt-Nam
Sài Gòn, ngày 19 tháng 8 năm 1994Kính gởi ông Đỗ-Mười
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt-Nam tại Hà-Nội
Thưa ông Tổng Bí Thư,
Tôi kí tên dưới đây là Thích Quảng Độ, tăng sĩ Phật giáo, xin trình bày với ông mấy việc như sau:
Cũng ngày hôm nay, cách đây 49 năm, sư phụ tôi là Hòa thượng Thích Đức Hải, trụ trì chùa Linh-Quang, xã Thanh-Sam, phủ Ứng-Hòa, tỉnh Hà-Đông, đã bị cộng sản giết chết vào hồi 10 giờ sáng ngày 19.8.1945 (tức ngày 12 tháng 7 năm Ất Dậu), ngày cách mạng thành công, trên bãi cỏ trước đình làng Bặt thuộc phủ Ứng-Hòa tỉnh Hà-Đông, cách chùa sư phụ tôi hai cây số, vì bị gán cho tôi ‘Việt gian bán nước’.
Sư bá tôi (tức là anh trong đạo của sư phụ tôi) là Hòa thượng Thích Đại Hải, trụ trì chùa Pháp-Vân (chùa Dâu) thuộc tỉnh Bắc-Ninh, cũng đã bị cộng sản bắt vào năm 1946 và sau đó đã chết vì tội là đảng viên Việt-Nam Quốc Dân Đảng.
Sư tổ tôi (tức ông nội trong đạo) pháp húy Thích Thanh Quyết, trụ trì chùa Trà-Lũ-Trung, phủ Xuân-Trường tỉnh Nam-Định, năm 1954, cộng sản vào chùa bảo tổ tôi là dùng thuốc phiện tôn giáo ru ngủ nhân dân, sẽ bị qui định thành phần và đưa ra đấu tố. Tổ tôi sợ quá phải tự thắt cổ chết trước để khỏi bị đấu tố sẽ đau đớn.
Nay đến lượt tôi đã bị cộng sản bỏ tù tại nhà tù Phan-Đăng-Lưu ở Bà-Chiểu, Gia-Định từ ngày 6.4.1977 đến ngày 12.12.1978, và bị đưa ra lưu đày tại xã Vũ-Đoài huyện Vũ-Thư tỉnh Thái-Bình từ ngày 25.2.1982 vì tội ‘làm việc tôn giáo cũng là làm chính trị’.
Đến ngày 10.2.1982 thì mẹ tôi cũng bị cộng sản bắt đưa ra xã Vũ-Đoài để đày cùng với tôi không biết vì tội gì, và mẹ tôi đã chết một cách thê thảm vào ngày 14 tháng 12 năm Ất-Sửu (tháng 1 năm 1985) vì quá thiếu thốn và rét mướt.
Còn lại một mình tôi, tôi thấy không thể để cho mình cứ tiếp tục bị đày ải một cách vô tội, vô thời hạn, vô lương tâm, nên ngày 22.3.1992 (tức đã bị đày 10 năm 27 ngày), sau khi báo cho bộ Công an ở Hà Nội biết, tôi đã trở về Sài Gòn và đến nơi vào ngày 25.3.1992.
Đến ngày 20.4.1992, tôi lại nhận được lệnh của sở Công an thành phố trục xuất tôi về miền Bắc, người tu hành ở đâu cũng được, không sợ khổ cực nhưng phải làm cho đúng luật pháp. Bởi vì tôi là người vô tội, có đầu đủ mọi quyền công dân, không ai có quyền ưa thì cho ở ghét thì đuổi đi một cách tùy hứng như năm 1982 được. Nếu tôi có tội thì cứ chiếu theo luật pháp hiện hành, truy tố ra tòa xét xử phân minh, tôi sẽ tuân hành phán quyết của tòa án. Tôi là một công dân có ý thức, chỉ mong được sống đúng theo luật pháp và cũng được cai trị đúng theo luật pháp, thế thôi, chứ tôi không mong gì hơn cả, vì được như thế cũng đã làm may mắn lắm rồi.
Thưa ông Tổng Bí Thư, sở dĩ tôi kể lại những cái chết đau thương thê thảm của những bậc thân quí nhất trong đời tôi trên đây, và sự giam cầm đày đọa đối với bản thân tôi suốt mười mấy năm, là để chứng tỏ rằng tôi có đủ tư cách nhân danh những nạn nhân của cộng sản để gởi đến ông bản Nhận định đính kèm, trong đó, tôi đã minh oan cho sư phụ tôi và nói lên những sai lầm to lớn của Đảng cộng sản Việt-Nam đối với dân tộc nói chung và đối với Phật giáo nói riêng. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những điều tôi nói và sẵn sàng nhận lãnh mọi hậu quả mà có thể dẫn đến cái chết thê thảm như sư tổ tôi, sư bá tôi, sư phụ tôi, như mẹ tôi và như Quan-Kì-Tư chết về tay Trịnh-Vương là cùng.
Nhưng dù có bị giết chăng nữa thì tôi cũng cứ nói lên niềm tin vững chắc của tôi là chủ nghĩa cộng sản sẽ không tồn tại lâu dài. Không phải bây giờ tôi mới có niềm tin ấy, mà nó đã nảy sinh trong tôi ngay từ lúc 10 giờ sáng ngày 19.8.1945 (hồi đó tôi 18 tuổi) khi tôi nhìn sư phụ tôi, hai tay bị trói bằng giây kẽm quặt về phía sau, cổ đeo hai tấm biển viết mấy chữ ‘Việt gian bán nước’, một tấm trước ngực một tấm sau lưng đứng giữa sân đình làng Bặt, hai bên một đoàn người tay cầm gậy gộc giáo mác, cu liêm bồ cào đứng canh gác. Một nhóm người mệnh danh là quan tòa của Tòa án nhân dân đứng trên thềm đình để xử án. Họ bắt sư phụ tôi quì xuống sân đình và cúi đầu nghe tòa luận tội. Nhưng sư phụ tôi đã không chịu làm thế. Một người từ trên thềm đình bước xuống đứng trước mặt sư phụ tôi, nói: “Mày là thằng Việt gian bán nước mà còn ngoan cố à?” Nói xong, họ đấm vào quai hàm thầy tôi mấy cái, một dòng máu từ trong miệng sư phụ tôi ứa ra, chảy theo cằm nhỏ xuống thấm đỏ tấm biển ‘Việt gian bán nước’ ở trước ngực. Lập tức họ tuyên án tử hình rồi đưa sư phụ tôi ra bãi cỏ trước đình, máu từ miệng sư phụ tôi tiếp tục chảy ra, thấm vạt áo dài, nhỏ xuống sân đình. Khi đến bãi cỏ, họ vật sư phụ tôi nằm nghiêng xuống rồi một người bắn vào màng tai sư phụ tôi ba phát súng lục, lại một dòng máu đỏ tươi phun lên thẳng tắp và sư phụ tôi chết liền tại chỗ. Dòng máu ấy với hình ảnh sư phụ tôi hai tay bị trói nằm chết trên bãi cỏ máu me đầu mặt, hai tấm biển ‘Việt gian bán nước’ thấm máu, vạt áo thấm máu, hai bàn chân thấm máu, máu vương trên bãi cỏ, chỗ nào cũng thấy máu. Tất cả những hình ảnh ấy đến nay đã 49 năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ như in và tưởng như mới hôm nào đó thôi. Thật là một cơn ác mộng.
Trong cơn đau đớn tột cùng và hai hàng nước mắt tuôn chảy, ngay từ giờ phút ấy, ngồi trên bãi cỏ nhìn xác sư phụ tôi, tôi đã nghĩ cộng sản sẽ không tồn tại lâu dài, lý do: cộng sản chủ trương căm thù đấu tranh giai cấp, đánh và giết người như thế là ác quá, mà cái ác thì thường không bền, lịch sử đã chứng minh điều đó.
Bởi lẽ, tâm lí người ta nói chung, tuyệt đại đa số đều yêu cái thiện ghét cái ác, mà cái người ta đã ghét thì khó tồn tại lâu được. 74 năm tồn tại (1917-1991) của chế độ cộng sản Liên-sô không phải là một thời gian lâu dài nếu so với 215 năm tồn tại của triều đại nhà Lí tại Việt-Nam mà, theo giáo sư Hoàng-Xuân-Hãn, là một triều đại thuần từ nhất trong lịch sử Việt-Nam.
Thế rồi từ năm 1975, tôi lại nhận ra thêm một điều nữa, đó là: theo luật tự nhiên đào thải, bất cứ cái gì, hễ đáp ứng được nhu cầu của con người thì dù có chôn nó đi người ta cũng đào nó lên; trái lại, cái gì không đáp ứng được nhu cầu của con người thì sẽ tự hủy diệt. Sau khi thực sự sống dưới chế độ cộng sản, tôi nhận thấy chủ nghĩa cộng sản không đáp ứng được nhu cầu của con người: về tinh thần thì bị kìm kẹp, đàn áp, về vật chất thì nghèo khó, đói khổ, đến nỗi bây giờ phải đi học tư bản và theo kinh tế thị trường, thì cộng sản còn thực chất gì nữa, chỉ còn cái tên suông đó thôi.
Sở dĩ cộng sản Đông Âu và Liên-sô cũ đã tự tiêu diệt là vì nó đã không đáp ứng được nhu cầu của con người. Không ai đánh phá tiêu diệt cộng sản, nhất là Phật giáo chẳng bao giờ đánh phá ai, mà trái lại đã phải luôn chống đỡ sự đánh phá và đàn áp của cộng sản nhằm tiêu diệt Phật giáo.
Nhưng, như tôi vừa nói ở trên, theo luật tự nhiên đào thải, về một phương diện nào đó, đạo Phật vẫn còn đáp ứng được nhu cầu của con người, cho nên khó tiêu diệt lắm. Bằng cớ là tại miền Bắc hiện nay, những ngôi chùa trước kia đã bị cộng sản phá hủy, trừ những ngôi đã bị san bằng làm ruộng cấy lúa thì thôi, những ngôi nào còn nền cũ trên đất cao, thì nhân dân đã dựng lên mấy gian nhà tranh, xã nào khá hơn thì làm vài ba gian nhà gạch lợp ngói tây (vì ngói của tổ tiên bị đập phá hết rồi) để có chỗ thờ Phật. Những kinh sách in bằng tiếng Việt trước kia đã bị đốt hết, vì cộng sản cho là ‘văn hóa đồi trụy’, nay nhân dân vào miền Nam mua kinh đưa ra rồi chép tay truyền cho nhau đọc tụng.
Như vậy chứng tỏ nhân dân vẫn còn cần đến Phật giáo, trong khi đó, theo chỗ tôi biết, từ sau năm 1954, tại miền Bắc, nhà nào cũng phải treo chân dung của các lãnh tụ cộng sản quốc tế ‘vĩ đại’, như Karl Marx, Lénine, Stalin, Malenkow, Mao-Trạch-Đông, Kim-Nhật-Thành v.v…, nhưng năm 1982 tôi bị đưa ra ở xã Vũ-Đoài, tôi không thấy nhà nào treo nữa, kể cả các nhà đảng viên!
Riêng ông Kim-Nhật-Thành của Bắc Triều-Tiên thì mới chết gần đây và đảng Cộng sản Việt-Nam đã dành trọn ngày 17.7.1994 để ‘quốc tang’ cho ông ấy. Tôi thiết nghĩ nếu ông Kim-Nhật-Thành đã giúp đỡ gì cho Đảng Cộng sản Việt-Nam, hoặc vì tình ‘anh em như môi với răng’ giữa những người cộng sản quốc tế với nhau, thì chỉ Đảng và một triệu tám trăm nghìn đảng viên để tang cho ông ấy thôi, chứ ông Kim-Nhật-Thành đã làm gì cho đất nước Việt-Nam và bảy mươi triệu nhân dân Việt-Nam có là đảng viên Đảng Cộng sản cả đâu mà bắt toàn dân phải để tang ấy, dù chỉ là một ngày!
Thế sao Đảng Cộng sản Việt-Nam không làm một ngôi đền thật lớn ở ngay Hà Nội để thờ Tổ Hùng Vương và tuyên bố lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch – ngày giổ Tổ - làm ngày Quốc lễ, nghỉ trọn ngày để cho toàn dân có dịp tưởng nhớ đến công ơn của Đức Quốc Tổ và các bậc tiền bối đã có công mở nước và dựng nước, nhờ thế ngày nay mới có Đảng Cộng sản Việt-Nam? Mồ cha mình sao mình không khóc! Ông Kim-Nhật-Thành là người ngoại chủng thì Đảng Cộng sản Việt-Nam đối đãi như thế, còn đối với những người đồng bào đồng chủng với nhau thì cộng sản Việt-Nam lại bắn giết. Cứ mỗi khi tôi nhớ đến hình ảnh sư phụ tôi bị đánh, bị bắn trước đình làng Bặt là lòng quặn đau, xót xa và tủi hổ cho nòi giống Lạc Hồng bốn nghìn năm văn hiến.
Hơn nữa, hàng trăm nghìn người Việt-Nam đã bị giết hại trong cuộc đấu tranh giai cấp, cải cách tố khổ 1956 tại miền Bắc, mặc dầu sau đó Đảng Cộng sản đã sửa sai, xin lỗi (tức đã giết lầm), nhưng Đảng đã làm ‘Quốc tang’ cho họ chưa?
Rồi còn không biết bao nhiêu người Việt-Nam tị nạn đã chết đuối ngoài biển khơi từ ngày 30.4.1975 thì sao? Ai để tang họ? Nếu toàn dân Việt-Nam phải để tang, thì để tang những người ấy, chứ không để tang ông Kim-Nhật-Thành của Bắc Triều-Tiên!
Trân trọng kính chào ông Tổng Bí Thư.
Nay kính,
(ký tên)
Thích Quảng Độ
Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo
Giáo Hội Phật Giáo Việt-Nam Thống Nhất
Bản sao kính gửi:
-HT Thích Huyền Quang, Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN
-GHPGVNTN các cấp trong nước và ngoài nước
-Quí vị lãnh đạo các tôn giáo bạn ‘để kính tường’
.
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...