. .

Wednesday, March 25, 2009

TRẠI ĐẦM ĐÙN - Trần Văn Thái

TRẦN VĂN THÁI
TRẠI ĐẦM ĐÙN
Nxb Nguyễn Trãi, 1969, Sài-gòn, Việt-nam
$pageIn
(Typing based on Voice files of Mr Thanh Toàn)

đọc Trại Đầm Đùn .... để thấy hết những
đau khổ, bi thương mà người Quốc Gia đã
phải chịu đựng trong những trại tù cộng
sản, điển hình nhất là TRẠI TÙ ĐẦM ĐÙN

Nghe chuyện kể về trại Đầm Đùn mới hiểu
được, mới thấm được, mới nhận thấy được
những đau thương, những hy sinh, những
chịu đựng mà cha anh chúng ta đã phải trải qua ...

Họ phải trả giá bằng cả cuộc đời của họ.
Và ước mong, nghe chuyện kể về trại
Đầm Đùn đề cho những kẻ đón gió trở cờ
mong rằng CS sẽ thay đổi sau bao nhiêu năm.

Đó chỉ là chuyện không tưởng ...

Update: Có Flipbook và Mediafire Downloadable link ở "Phần 2" (dưới chân bài này)

Tất nhiên trên thế giới ngày nay, trại giam nào cũng đáng sợ nhưng Trại giam Đầm Đùn lại đáng sợ gấp bội về mọi phương diện. Bị bắt vào đó, không ai còn dám hi vọng có ngày trở về. Dưới chế độ cộng sản, trại giam là một thứ khủng khiếp mà trại giam Đầm Đùn lại còn hơn cả thần sầu khủng khiếp.

Phải công nhận người cộng sản có một kỹ thuật tàn ác phi thường về phương thức trừng phạt những kẻ bị chúng kết tội, bị coi là phản động. Kỹ thuật đó đã được nghiên cứu do những người có kinh nghiệm tù, lại được áp dụng bởi những kẻ không có tình cảm còn mang căm thù âm u ở trong đầu vì đấu tranh giai cấp, vì thế, trại giam Đầm Đùn đã phá kỷ lục về số tội nhân thương vong hằng ngày, vì xung phong bắt buộc thi đua tăng năng xuất, bị bóc lột quá sức lao động, vì đòn trừng phạt, bịnh, khủng bố tinh thần, mà nhứt là đói, triền miên đói.

Tác giả không biết đích xác Việt cộng lập ra trại giam Đầm Đùn từ bao giờ nhưng có những người bị Việt cộng kết tội hay quy vào một tội tưởng tượng nào đó, đâu đó 1952 đã bị đưa đến trại giam Đầm Đùn rồi.

Trại tọa lạc trên một khu đất trống, gần rừng thuộc làng Vọng huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa. Rộng chừng 5, 6 mẫu tây, chung quanh có 2 lớp rào nứa bao bọc. Nứa rừng cây cứng như tre, cắm sâu xuống đất khít với nhau, chéo qua chéo lại buộc bằng dây kẽm, con gà chui không lọt.
Trại chia làm 2 khu riêng biệt, ngăn bằng hàng rào nứa, một khu nhốt tội nhân Pháp, một khu nhốt tội nhân Việt.
Trong khu nhốt tù Việt, nhiều dãy nhà căn lớn căn nhỏ lợp lá, vách phên tre hay vách đất dùng làm nhà giam từng loại tù : tù thường, tù cùm, tù xiềng, tù lãnh án tử hình đợi ra “bay” v.v…
Cách các vách nhà giam khá xa, một dãy nhà rộng rại lợp lá trống rỗng không vách mang tên “nhà Tiểu công nghệ” là nơi đan lát, giã gạo, sàng, sảy gạo v.v… Ngoài ra nhà này còn dùng làm nơi ăn cơm của gần 1000 tù mỗi bữa.
Gần đấy là nhà bếp. Xa xa hơn nữa ở gần cuối là một căn nhà nhỏ dùng làm lò rèn, rèn những đồ dùng bằng sắt, khoen sắt để xiềng chân tù và là nơi chế tạo những vật dụng bằng sắt của trại tù như xẻng, cuốc, mai, thuổng, dao, rìu v.v… dùng riêng cho các việc canh tác, đốn cây chặt củi trong rừng.
Các căn nhà của nhân viên Ban quản trị trại “sản xuất và tiết kiệm Đầm Đùn” tập trung vào một khu ở đàng trước để tiện việc kiểm soát.
Bên ngoài cổng lớn vào trại, có chòi canh cảnh vệ gác thường xuyên, đã thế, bên trong hàng rào cũng có chòi canh cảnh vệ gác. Trong trại có một cái ao khá rộng, sâu ngập đầu người, rau muống thả kín một góc, nước ao quanh năm suốt tháng đục lờ mờ dùng để tưới vườn, tưới rau, tưới cây và tưới …người. Mỗi buổi sáng hàng trăm tù nhân xếp hàng ra ao một lượt rửa mặt súc miệng, rửa các mụt lở loét trên người do thiếu vệ sinh cá nhân, rửa vết thương do đòn, hoặc do tai nạn. Làm công việc vệ sinh buổi sáng xong, tù nhân quay vào “nhà Tiểu công nghệ”, ăn bữa sáng rồi đi lao tác theo việc được chỉ định trong ngày.
Riêng ngày chủ nhật, trước khi ăn cơm, tù nhân phải tụ tập nơi khoảng sân rộng trước trại để làm một việc quan trọng : chào cờ.

Sau đó họ làm công tác vệ sinh chung quanh trại quét sân, dọn dẹp phòng giam gọn gàng sạch sẽ. Xong, có thể làm những công việc vặt cho riêng họ như vá quần áo, săn sóc các vết thương, bắt chấy rận rệp v.v…Những tù bị xiềng, lấy giấy vở hay lấy giẻ rách cuốn quanh khoen sắt ở 2 cổ chân cho cạnh sắt khỏi cứa chân chảy máu. Giẻ rách rất khó kiếm vì …không ai có thừa!

Đứng bên ngoài trại “sản xuất và tiết kiệm Đầm Đùn” trông vào, trại có một bộ mặt hiền lành, không có vẻ chi giam giữ, trừng phạt một số người đang đi đến đoạn chót của cuộc sống trên dương thế. Khi thấy những người bên trong đi lại dáng điệu thểu não, thân hình tiều tụy gầy còm, quần áo rách rưới hay vá chằng vá đụp, có người vừa đi, vừa té, nằm cả phút mới lóp ngóp đứng lên loạng choạng bước, khách bàng quang có thể nghĩ đó là trại Tế bần hay trại bịnh nào đó của Nhà Thương. Vì đứng bên ngoài mà quan sát, Trại Đầm Đùn không có chi khủng khiếp, kinh hồn.

Nhưng . . . .


Lúc bây giờ, vào khoảng sáu giờ chiều, một chiều cuối thu, gió núi từ tứ phía thổi lại, tạt qua Trại Giam Đầm Đùn, liên tiếp đem tới những cơn rùng mình cho các tù nhâ trong trại. Và đem những nỗi nhớ quê nhà, nhớ vợ, nhớ con, cho những người tù còn những kẻ thân yêu mà nhớ.
Dưới chế độ cộng sản, những người thân yêu còn lại thất là hiếm hoi. Khi người ta ít có thì giờ nghĩ đến chính mình thì còn hơi sức đâu nghĩ đến kẻ khác, để “tạo” nên những kẻ thân yêu??? Nhứt là tù nhân trong trại giam Đầm Đùn lại càng có ít thì giờ hơn nữa.
Một bọn tù 10 người do trưởng Toán dẫn về trại, sau khi rửa mặt mũi chân tay tại cái ao đục ngầu ở cuối vườn. Họ đi không có thứ tự gì cho lắm, vì sau công tác này họ được nghỉ xả hơi 5, 10 phút đợi giờ ăn cơm. Có 3 người trong toán đi chậm hơn cả, lui mãi về phía cuối, người như tìm vật chi là người thanh niên đi chậm như chừng bị đau nên đi khập khiễng, dáng điệu vụng về, chậm chạp, nét mặt nhăn nhó ủ dột.
Người thanh niên tò mò ngó cảnh tượng chung trong trại, mấy người đàn bà gánh nước tưới rau trong vườn đang cất thùng vào kho, và bà già quét lá ngoài sân đã cất chổi đi rửa mặt rửa tay để về trại phụ nữ ăn cơm.
Người thanh niên dáo dác tiến đến trưởng toán, và khi nhận ra người này đứng ở mé đầu đằng kia, anh ta lật đật bước thật dài tới gần. Trưởng Toán đếm đầu người của Toán mình rồi khẽ gọi giọng hơi gắt :
- Hai bảy một
Hai bảy một là số tù của người thanh niên nọ. Trong trại người ta thường gọi tù bằng con số, bạn thân với nhau mới gọi tên mà thôi.
271 lừ lừ tiến đến bên một mâm cơm ngồi xổm xuống như các bạn tù, trưởng toán cũng ngồi xuống với bốn người kia thành năm người một mâm. Những tiếng rì rào nói chuyện nổi lên, từ đầu hồi đằng này cho đến đầu hồi đằng kia. Tuy nhiên chưa ai cầm đũa vì còn đợi hiệu lịnh. 271 ngó xuống mâm cơm mà thấy chán ngấy tới cổ họng, anh đã biết trước không thể nuốt nổi nửa chén cơm. Trái lại những tù nhân khác lại luôn luôn chờ được ăn vì họ có vẻ đói quá sức. Mâm cơm là một cái mẹt đan bằng những thanh tre dày dặn. Trên mâm có một dĩa rau muống, một tô nước rau trong vắt như nước mưa, một ít muối đựng trong một chén và một dĩa muối mè, vì ướt nên mè trở nên sẫm màu. Giữa 2 mâm có đặt một nồi cơm gạo hẩm đầy, vài người lộ vẻ nóng ruột ngoái cổ lại phía sau như để nhìn vật gì mà 271 nhất thời không đoán ra. Bỗng 3 tiếng kẻng vang lên. Tiếng đũa chén mo cau chạm vào nhau cùng với tiếng nói thì thào tuy nhỏ nhưng với số người đông bảy tám trăm nên cũng thàn ồn ào như phiên chợ nhỏ. Hồi kẻng là lịnh cho khởi sự ăn cơm. Trưởng toán lần lượt sới cơm vào các chén, y sới cơm như máy, vục chén vào nồi xúc mạnh một cái, cầm ngay ngắn chén cơm, rồi bằng động tác nhanh nhẹn, xoay chiếc đũa, y nhằm ngay miệng chén gạt ngang một lượt. Thế là đã sới xong. Coi kỹ lại, không chén nào nhiều hơn chén nào một miếng, tưởng chừng có lấy cân mà cân cũng chỉ đến mức như thế là cùng. Đó là một nghệ thuật và đó cũng là một việc thận trọng để tránh những sự phiền phức đôi khi mang hậu quả tai hại. Tù nhân có thể giết nhau vì chén cơm nặng nhẹ không đồng, hơn kém nhau có một miếng, như có nhiếu lần đã xảy ra tại trại giam nầy.
Chén cơm liền được phân chia cho mỗi người. Khi nhận, người nào cũng liếc nhìn chén cơm của người bên cạnh để so sánh với chén cơm của mình. Cử chỉ đó đã trở thành cái tật chung của những người quanh năm thiếu đói.
- Anh Toàn, ăn đi chứ, ngồi nhìn à? Cư ăn đi rồi cũng thấy ngon miệng mà!
Tù nhân 271 tên là Toàn, và người gọi anh ta là Mạnh. Buổi trưa trong mấy mươi phút nghỉ ngơi, Toàn làm quen với người bạn tù cùng giường. Tù nhân nằm 2 người một giường, có khi 3, vì số tù quá nhiều mà giường ít. Toàn được biết Mạnh bị giam ở trại Đầm Đùn được 2 tháng. Theo Mạnh nói thì anh ta đã phạm tội “với nhân dân” vì đã tiếp xúc với viên chỉ huy đội quân Pháp khi đội quân này vào khám xét làng để bắt Việt Minh và buộc làng anh vào cày. Nghe Mạnh khuyên, Toàn mỉm cười rồi đáp :
- Tôi mời các anh xơi cơm đi, tôi không đói nên không muốn ăn.
Những người cùng mâm nhìn Toàn với vẻ mặt khó hiểu và có nghĩa là họ muốn gì, có ý định gì? Toàn có ngở đâu là các bạn tù mong ước được Toàn chia phần cơm còn lại của anh cho họ để ăn thêm vài miếng đỡ đói, đỡ thèm.
Tại Trại Giam Đầm Đùn, tù nhân luôn luôn ăn đói. Từ ngày bị giam, bất cứ lúc nào họ cũng như những kẻ chết đói, luôn luôn thèm cơm hay bất kể thức ăn gì khác nếu có thể bỏ được vào miệng, nuốt xuống bao tử cho bớt trống rỗng là tốt rồi.
Trong chế độ trại giam, khẩu phần được chia ra nhiều hạng khác nhau, a/, b/, c/, d/ v.v…Tùy theo sự xếp hạng, căn cứ vào thành phần và tội nặng nhẹ, tù nhân được ăn theo khẩu phần đã xếp hạng :
- Hạng a/ được 4 miệng chén cơm/ bữa
- b/ 3
- c/ 2
- Hạng d/ ăn đói khổ nhất, 1 chén, tức là 1 nắm cơm/ bữa với muối, không có thức ăn.

Nếu phạm lỗi nặng trong trại giam, phạm nhân lập tức bị cùm cả 2 chân, mỗi bữa 1 nắm cơm ăn với muối và không được uống nước cho đến khi gần chết khát. Có người khát quá, cơ thể khô hết nước, tiểu tiện vào tay rồi … uống !!! Nhưng ác thay, đã khát thì tiểu tiện chỉ đước mấy giọt mà thôi, tù nhân đành phải liếm láp …bàn tay cho đỡ khát vậy !

Với Toàn, bữa cơm này là bữa cơm thứ hai theo khẩu phần hạng c/ được 2 miệng chén/ bữa. Còn cầm chén cơm ngần ngừ chưa ăn miếng nào, anh ta đã thấy mấy người cùng mâm nhất loạt cho tay vào cạp quần móc ra mỗi người 2, 3 trái ớt rừng đó chót. Sau này Toàn mới biết tù nhân nào cũng ăn rất là nhiều ớt mỗi bữa cơm. Thứ nhứt là vì ớt có nhiều sinh tố, bù cho cơ thể được chút nào hay chút ấy, thứ hai, vì tù nhân tin tưởng ăn được nhiều ớt có thể ngăn chận phần nào bịnh sốt rét. Tù đi đẵn củi ở trong rừng thường có dịp kiếm được ớt.
Chỉ thoáng cái, sau hai, ba lần lùa cơm vào miệng, chén của mỗi người đã sạch trơn, họ không dám nhai, để chậm tiêu hóa, lâu đói. Dường như đối với tù nhân của trại, hạt cơm ấy ngon ngọt quá nên họ ăn ít, rau lẫn với cơm, mà nhai rau riêng, cơm riêng. Ăn hết nửa bữa, một miệng chén cơm trên mâm chỉ còn có chén muối mè, không ai bảo ai mà họ ngầm đồng ý dành dĩa muối mè cho chén cơm thứ hai mà cũng là chén chót.
Trưởng toán lại sới lượt thứ hai cho năm chén mâm này và năm chén mâm kia. Bữa nay đặc biệt làm sao còn có một lượt mỏng cơm cháy. Trưởng toán bèn vét hết cơm trên mặt cháy chia đều cho mười chén, mỗi chén may mắn được thêm một miếng lớn bằng miếng cơm của đứa bé mới tập ăn … cơm hột. Rồi lột miếng cháy ra khỏi đáy nồi, xé ra những miếng nhỏ bằng nhau, đặt lên mỗi chén một miếng. Có tiếng người suýt soa khen, vì trước khi ăn bằng miệng thì họ đã cân nhắc ăn bằng mắt :
- Ồ, ngon thiệt
- Cơm cháy thơm quá
- Trưởng toán xé khéo quá, miếng nào cũng bằng nhau, không ai hơn, không ai kém ….
- Ối dào ơi, tôi chẳng phải cường hào ác bá sao mà được những phần lớn hơn những người khác cơ chứ !!!
- Kìa, nói khe khẽ thôi …

thế mà rồi họ cũng nhồm nhoàm ăn luôn, bỏ dở câu chuyện.
Mỗi người sớt vào chén một ít muối mè để ăn với cháy, giờ thì có người đã có thể nhìn ra ngoài chứ không chăm chú nhìn vào mâm và dòm chừng như lúc nãy nữa, chỉ vì riêng một lẽ rất là giản dị là mâm cũng đã sạch nhẵn và nồi cũng sạch nhẵn không còn gì có thể gây ra tranh chấp nữa.
Cố ăn hết chén cơm thứ nhứt Toàn không nuốt thêm được nữa, anh thoáng nhớ những bữa cơm ở nhà và những bữa tiệc linh đình ở Quận, nơi anh giúp việc ông Quận Trưởng với tư cách là Thư Ký hành chánh. Một người cùng mâm nhìn anh hỏi :
- Ủa, không ăn nữa à? Ăn mau kẻo hết giờ rồi !
- Ừ, tôi no rồi
- A này này, để chia cho chúng tôi ăn đi kẻo phí, no rồi ăn làm gì nữa, đưa, đưa đây …
Hai ba tiếng cùng cất lên. Toàn vừa gật đầu đồng ý, một người đã chia chén cơm thừa, xẻ cho mỗi người một phần.
Ăn cùng mâm, có một người gầy gò ốm yếu chừng như mới trở bịnh, ăn trả bữa, sắc mặt còn xanh mét như tàu lá, anh ta chỉ lùa hai miếng là bát sạch trơn, vừa nhai, anh ta vừa lết lại gần, lặt lấy những hạt cơm còn dính lại quanh sườn nồi mà bỏ vào miệng rất ngon lành. Sau cùng anh ta đưa hai đầu đũa vào miệng định gặm sạch chút cơm còn dính vào, thì có tiếng người nói:
- Coi chừng, phạm “quan điểm” của nhân dân nghe không
khiến anh ta sợ hãi lật đật bỏ đũa đứng lên.
Nhờ có người nhà mới tiếp tế, trưởng toán rút trong cạp quần ra một món ăn rất là quý : một quả chuối. Anh ta nhai chuối nhóp nhép khiến mấy người kia thèm nhỏ rãi
- Chao ôi, ăn cơm xong mà có một trái chuối tráng miệng thì còn hạnh phúc nào bằng !
Toàn thấy anh ta liệng vỏ chuối trên mâm, vừa nhìn chỗ khác thì quay lại, Toàn không thấy cái vỏ chuối đâu nữa. Ngẫm nghĩ vài giây, anh ta phát giác một sự thật : không có chuối, tù dành nhau ăn vỏ chuối, cũng được no bụng thêm một chút.

Sự sống trong trại Đầm Đùn thật là gay go, phải dành lấy từng chút một khiến người tù bước dần tới cấp độ loài vật mà họ không hề bận tâm. Toàn cố nén một tiếng thở dài, thế một ngày kia nếu cần, anh cũng sẽ ăn vỏ chuối thản nhiên như mọi người đồng cảnh trong trại. Trong một giây, anh bỗng nhận thấy rằng tranh đấu chống cộng sản đã ghê gớm, nhưng tranh đấu, vật lộn để dành lại sự sống còn giữa một trại giam cộng sản còn ghê gớm, khó nhọc, tủi cực gấp bao nhiêu lần. Sự thật đã hiển nhiên trước mắt.
Ý nghĩ trên làm lóe trong óc anh một chân lý, đồng thời gác bỏ hết những quan niệm, những tư tưởng của anh trước đó về sự sống, về cuộc đời, sao cho chịu nổi những ngày bị giam cầm để mà sống sót trở về. Bất giác, anh thấy tiếc chén cơm vừa bỏ, tiếc vô cùng, ngu quá! Trong tù, hạt cơm là hạt ngọc, hạt ngọc ăn đoược nuôi sống con người chứ không vô dụng như hạt ngọc trang sức, vậy mà anh đã bỏ một bát đầy ngọc thực.

Bài học đầu tiên trong tù có một tác động mạnh trong đầu óc Toàn đến nỗi khi mọi người đứng lên, bưng mâm chén đi rửa, anh vẫn còn bần thần suy nghĩ.

- Cám ơn anh, thêm được miếng cơm anh nhường cho tôi, tôi thấy khỏe thêm nhiều lắm. Cần khỏe hơn chớ, mai mới xay lúa được.
Toàn vừa nhìn người mới vừa thốt ra với anh mấy lời cám ơn, đó là một con người gầy ốm, mặt sáng sủa, có vẻ học thức. Anh ta mỉm cười :
- Ờ, anh em bớt cho nhau miếng cơm có gì đáng kể, vả lại tôi cũng không đói.
Toàn liếc nhìn con số782 trên ngực anh bạn ốm yếu nọ rồi hỏi :
- Này, anh vào đây bao lâu rồi?
- Năm tháng, tôi tên Tuyên, người Nam Định, ngày mai tôi khỏi bịnh chắc sẽ được xay lúa với anh em. À mà anh mới vào hả ? Ở đâu đưa đến vậy ?
- Vào chiều hôm qua, tôi bị bắt ở Hải Dương

Mấy người trong toán dọn dẹp rửa chén xong, quay về ngồi tụm năm tụm ba nói chuyện. Toàn mới vào còn bỡ ngỡ nên được anh em cho quy chế đặc biệt miễn rửa chén.
Toán của toàn ngồi quây lại một góc nói chuyện phiếm chờ đến giờ … học tập.
Có toán ra ngoài sân, có toán ngồi mãi gần góc vườn, không có lịnh bắt buộc ngồi trong nhà nên họ có thể ngồi tản mát nhiều chỗ trong trại.
Mạnh cũng lại ngồi bên Toàn và tuyên nói chuyện phiếm rồi rút ra gói lá chuối trong có một miếng thuốc lào. Anh ta lấy trong túi một ống tre khô dài một gang tay, lớn bằng cây bút chì, đặt một mẩu thuốc lào nhỏ vào nỏ, bật quẹt châm vào đóm rồi trịnh trọng kéo một hơi dài. Lim dim cặp mắt thả khói lên không, lúc đó Mạnh có vẻ mơ màng quên hết cuộc đời tù ngục nhưng không quên cất ngay gói thuốc lào vào trong người.
Toàn thèm quá nhưng không còn điếu thuốc nào nên anh xin Mạnh một điếu, kéo một hơi dài rất đã. Mới vào tù được hai mươi bốn tiếng đồng hồ, Toàn đã bắt đầu biết lấy vật dụng một cách rất đặc biệt, kể từ điếu thuốc lào.
Hỏi anh em thì Toàn được biết, mỗi chiều ăn cơm xong thì mọi người phải học tập một giờ về một vấn đề chính trị hay một vấn đề nào đó có liên quan đến sinh hoạt của tù nhân trong cộng đồng trại giam. Nhưng có một điều, cán bộ học tập không nói ra, đó là trại bắt học tập để biết rõ lập trường và tư tưởng của tù nhân. Căn cứ vào đó, người có trách nhiệm quản trị trại sẽ áp dụng những biện pháp thích nghi, trừng phạt, khoan hồng hay “cho ra bay”
Họ biết rõ điều đó lắm nhưng lại chưa biết được hết, trong mỗi toán, có tù nhân xin được báo cáo với Ban quản trị những điều mà ban quản trị cần biết về tư tưởng, thành phần cũng như hành động và lý lịch của mỗi tù nhân. Tù nhân đã làm công việc của mật vụ.

Học tập xong thì mọi người được giải trí một giờ trước khi ngủ. Nhưng dù mệt nhọc vì công việc lao tác ban ngày đến thế nào chăng nữa, dễ gì vào giường tù nhân ngủ ngay được. Đó là lúc họ kiểm lại công việc tong ngày, coi có gì sơ suất không về phương diện lao tác cũng như phát biểu tu tưởng, trình bày ý nghĩ với trưởng toán, với nhân viên ban quản trị là hạng người có toàn quyền bắt họ chết hay ban sự sống cho họ, rồi nghĩ tới gia đình, vợ con, tương lai v.v…
Có người, có nhiều người chảy nước mắt trong bóng tối. Họ khóc mà tuyệt nhiên không có tiếng thút thít vì họ phải nuốt những tiếng thút thít đó vào trong ruột trong gan họ.
Trong trại, thường mỗi giường-một cái chõng tre thì đúng hơn- có ba tù nhân nằm. Giường chót mới chỉ có hai người nằm là Toàn và Mạnh vì người tù thứ ba chưa tới. Mỗi tù nhân được một manh chiếu mỏng để đắp, mùa nóng cũng như mùa rét, một gối đầu bằng mấy thanh tre đóng trên mẩu gỗ vuông, hình dáng như viên gạch thẻ.
Sáng ra, tù nhân có bổn phận gấp chiếu đúng chỗ mình nằm cho gọn ghẽ. Tất cả tài sản của tù gói trong manh chiếu này.
Trại thường phạm chia làm nhiều căn, có vách tre ngăn, mỗi căn chừng ba mươi giường, nghĩa là trên nguyên tắc có 90 tù nhân một căn, mỗi căn và mỗi ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, các tù nhân được luân phiên cử ra là nhân viên trực để trông coi bạn tù. Ngoài ra ban quản trị còn chính thức cử một giám thị, người của ban quản trị coi tù nhân ban đêm, có tù nhân trực phụ tá.
Luật lệ trại giam là phải lục soát lại tù nhân trước khi cho ngủ. Người nào người nấy được nằm ngửa trên giường chờ làm xong thủ tục. Hai ngọn đèn dầu nhỏ đặt trên kệ đóng sát đất chiếu sáng xuống một dãy giường. Mỗi giường có ba người nằm, ngoại trừ hai, ba giường xếp một hoặc hai ba người, đó là những tù nhân vắng mặt tạm thời, hay vĩnh viễn vì chưa có người thay thế, hoặc ngắn hạn như bịnh sẽ được nằm ngay trong bịnh xá để điều trị hoặc phạm tội nặng bị nhốt trong xà lim tối, nằm trên sàn xi măng. Còn vắng mặt vĩnh viễn là những người đã bỏ trại Đầm Đùn đi chuyến tàu suốt sang bên kia thế giới. Thường họ được giải thích bằng hai cách : mang bịnh mà chết hay bị “ra bai”. “Ra bai” đây là tiếng lóng trong trại giam : ra bãi để nhận viên đạn tử hình. Việt cộng không cần một tiểu đội hành quyết mà chỉ cần một người với một viên đạn là đủ. Nhưng trường hợp giản dị, chỉ cần một cây búa. Với xác chết đem “ra bai” có nghĩa là ra bãi, lấp đất. Cách thứ ba ít khi xảy ra, đó là vượt ngục. Trên thực tế, ít có tù nhân vượt được trại giam này mà thoát. Có nhiều tù nhân thắt cổ tự tử trong rừng để khỏi bị đưa ra hành quyết khi biết chắc không thể nào thoát khỏi mạng lưới “nhân dân”. Dưới chế độ cộng sản, nhân dân bắt nuộc phải làm tai mắt cho chính quyền.
Trong cái im lặng nặng nề của trại giam, viên giám thị leo lên đứng sừng sững trên ghế, ngó vào đám tù nhân nằm rồi quát : Kiểm Điểm. Ngưng một giây để mọi người có thì giờ chuẩn bị, y lại quát : Bắt đầu. Tức thì từ số 1 đến số sau chót, mỗi tù nhân hô con số thứ tự của mình. Người đầu tiên hô lớn : Một, người kế tiếp hô : Hai, cứ thế lần lượt cho đến số chót. Người nào hô nhầm số thì sẽ bị phạt rút bữa cơm ngày hôm sau, nặng hơn nữa là bị buộc năm hay mười dây mây rừng cho đau quắn thịt. Hoàn toàn tùy quyết định của giám thị. Những người hô chậm do luống cuống cũng bị coi như có ý bất lương, trốn hay che chở cho người khác. Miệng giám thị có gan có thép, họ buộc tội thế nào là đúng y như thế, không chối cãi vào đâu được. Bữa nay không có ai hô lầm hay hô chậm số thứ tự của mình, cứ hô đều đặn nhảy từng bước, từ miệng của tù nhân này đến miệng tù nhân kia cho đến số tám mươi lăm là hết. Tuy háo hức chờ đến lượt mình mà khi Mạnh hô 84 Toàn cũng phải nán một giây mới hô được 85. Nhưng giám thị không lưu ý sự luống cuống của anh tù mới. Giám thị lại gần đèn sáng ghi sổ rồi ra lịnh cho tù nhân trực tắt đèn dầu lửa thay bằng hai dĩa đèn dầu chai đốt bằng sợi bấc.
Thấm thoát, Toàn đã chính thức mặc áo trại giam Đầm Đùn được mười ngày, trong thời gian này anh chỉ nghe gọi tên cúng cơm của anh ba lần cả thảy. Một lần anh được gọi lên văn phòng ban quản trị. Nhân viên của trại mặc thường phục nhưng lại đeo súng sáu trễ xuống trước bụng, mang kính đen lừ lừ tiến lại trước mặt anh khiến anh giật mình toát mồ hôi.
Không khí trong trại Đầm Đùn thật là đáng sợ, các việc làm nặng nhọc kiệt sức trong và ngoài trại, tình trạng đói ăn liên miên, làm hao mòn sức sống của tù nhân. Hình dáng người tù gầy ốm như que củi, quần áo rách tả tơi, ở nơi khác coi là phạm tội công xúc tu sĩ mà ở trại Đầm Đùn thì lại coi là thường. Những vết thương lở loét kinh tởm, những chiếc khoen sắt đeo ở cổ chân như những sợi lòi tói sắt kéo lê trên mặt đất, những cây roi song rừng tàn nhẫn tác dụng như roi cá đuối, những giọt nước mắt, những khuôn mặt méo mó lệch lạc, những tiếng quát tháo, những khẩu súng đen sì có gắn lưỡi lê sẵn sàng xuyên thủng vào bụng những người bị chế độ giết bỏ, thù hận. Tất cả những thứ ghê sợ đó đã làm thành không khí khủng khiếp hãi hùng bao trùm trại giam.
Rồi còn bốn phía quanh trại giam là núi là rừng, là “nhân dân”, tay chân của chính quyền, tất cả đều thù ghét những kẻ bị kết tội nên nhân dân luôn luôn rình rập họ để trả thù, để trừng trị những kẻ đã chống lại hoặc làm hư hỏng chế độ. Tất cả, người cũng như thiên nhiên và sự việc liên kết phối hợp với nhau để đánh mạnh vào kẻ có tội khiến họ luôn luôn khiếp đảm, kinh hoàng đến nỗi cứ mỗi lần nhân viên ban quản trị gọi đến danh số là tù cứ hết hồn, toát mồ hôi lạnh vì tin lành thì ít mà dữ thì nhiều.
Phước thay. Toàn chỉ bị gọi lên văn phòng chỉ để xác nhận lại đồ đạc riêng của anh còn mang trên mình khi bị dẫn vào trại giam, một đồng hồ, một nhẫn cưới bằng vàng, một kính trắng cùng với tờ hộ tịch và ít giấy bạc đông dương. Nhân viên có phận sự ghi sổ trừng trừng nhìn vào mặt Toàn khiến anh sợ hãi bất giác cúi gầm mặt xuống, dáng điệu của kẻ phạm tội, rồi mới lạnh lùng cất tiếng :
- Bao giờ anh được nhân dân tha tội thì sẽ được trả lại mấy thứ này, còn giấy bạc của giặc thì phải hủy bỏ theo luật lệ, hiểu không ?
- Dạ hiểu
- Thôi, về trại đi !
Toàn cúi đầu tỏ vẻ kính cẩn rồi lủi thủi xuống trại, có một nhân viên công an đi kèm phía sau. Anh cắm đầu nhìn xuống đất, chỉ dám ngẩng mặt nhìn những lúc cần nhìn lối đi, để tránh những thành kiến không hay đối với anh. Về tới căn trại nơi phạm nhân đang lao tác tùy phần việc được giao phó, anh quay lại chào thì không thấy nhân viên công an đâu nữa, thì ra hắn đã bỏ anh từ lúc nào mà anh không biết vì không dám quay lại nhìn sợ phạm luật lệ nhà giam. Tuy nhiên anh cũng thoáng thấy từ cây cột ở đằng xa hắn đang nhìn theo dõi anh. Toàn làm như không biết, bắt tay ngay vào công việc.
Công tác của anh hôm nay là xay lúa cùng với năm phạm nhân khác. Trong số những người này, có một ông già tóc đã nhuốm bạc tuổi chừng sáu mươi, vừa xay lúa vừa thở hổn hển như bị bịnh. Hay cánh tay ông già khẳng khiu, tím bầm, gân xanh nổi lên chằng chịt. Dường như ông vừa làm vừa khóc vì Toàn nhác thấy hai giòng nước mắt lăn trên khuôn mặt đẫm bụi cám, nhưng lát sau, anh thấy ông vã mồ hôi đầy mặt nên cho là mình trông lầm. Toàn luôn tay xay, không dám dừng lại phút nào vì hai nỗi lo ngại, thứ nhứt, anh biết là ở đâu đó, lúc nào cũng có người theo dõi từng cử chỉ của anh, thứ hai, anh sợ không hoàn tất đúng giờ. Theo luật lệ nhà giam, phạm nhân phải xay hết bất cứ bằng cách nào 10 thúng thóc một ngaỳ, nghĩa là năm thúng buổi sáng, năm thúng buổi chiều. Mỗi cối xay nửa thúng, khi tiếng kẻng báo giờ nổi lên, tội nhân phải có đủ năm thúng gạo vào kho. Xay lúa là công việc nhẹ nhất mà tù nhân phải làm nên thường dành cho tội nhân mới lành bịnh, tù nhân nhẹ tội hoặc mới vào trại. Tuy làm việc nhẹ, tù nhân phải làm đều tay, trong cối không mấy khi ngừng trừ khi đổ thêm thóc vào cối. Làm được một hai tiếng đồng hồ người nào cũng đổ mồ hôi hột dù trời rét. Thỉnh thoảng họ dùng tay vuốt một hai cái trên trán gạt mồ hôi cho khỏi chảy vào mắt. Làm lâu quen việc, cứ đến giờ nghỉ trưa thì tù nhân đã xay xong trên năm thúng, và khoảng xế chiều là họ xay những thúng cuối cùng. Họ trông bóng nắng để canh giờ làm cho kịp. Làm việc được chừng hai tiếng đồng hồ sau giấc nghỉ buổi trưa, người nào cũng lộ vẻ mệt mỏi, tay cầm cối không được đều như trước và thường hay nghỉ vặt, và họ cảm thấy đói bụng, đói lắm. Toàn thấy bụng sôi òng ọc như có giun quấy phá. Cái cảm giác đói mỗi lúc càng thêm rõ rệt, rã rời chân tay, mắt anh có lúc hoa lên nhìn không rõ. Toàn ao ước có được một miếng cơm cháy bỏ vào miệng nhai thì dễ chịu, khỏe sức biết chừng nào. Anh không dám uống thêm nước vì có ít nhiều kinh nghiệm sau mười ngày trong trại giam, lúc đói mà uống nhiều nước sẽ bị nôn thốc nôn tháo ngay. Mà nôn thì mệt, mất sức, không thể tiếp tục công việc một cách bình thường. Cách anh độ mười thước, một tù nhân già vẫn đều tay xay nhưng coi bộ hết sức, lết không muốn nổi nữa. Toàn suýt bật cười vì thấy ông ta không xay lúa bằng hai cánh tay mà dùng sức nặng của cả thân hình đẩy càng cối, để nghiêng hai cánh tay xuống. Cạnh cối của ông già có ba thúng lúa đầy chưa rờ tới trong khi Toàn chỉ còn mỗi một thúng. Toàn thấy thương hại ông già quá định cố gắng xay cho mau hết phần của mình rồi xay giúp ông một thúng, chắc chắn là ông già xay không kịp, mà xay không kịp thì đương nhiên là bị trừng phạt, nhẹ thì bị giảm phần cơm, nặng thì bị giam vào hầm tối, thêm năm mười roi xe da rách thịt. Nghĩ tới giảm phần cơm làm cho Toan tỉnh hẳn người, như là đang mê chợt tỉnh, hai cánh tay của anh như có thêm sức mạnh bên ngoài phụ lực, tiếng cối rít vào nhau như tiếng mưa rơi rào rào trên mái lá. Hình như ông già khẳng khiu kia nghe thấy tiếng cối xay kêu rất lạ nên quay lại nhìn Toàn rồi nhìn xuống mấy thúng thóc của mình chưa làm đó. Ngay lúc đó, ông già như được thêm ý chí, xay đều tay hơn. Hai tay đẩy càng cối đều như máy, Toàn ngước mắt nhìn trại bên kia ngăn cách với trại bên này bằng một hàng rào nứa rừng dựng xeo xéo, đó là trại giam chừng hơn hai trăm tù nhân Pháp.
Theo như anh em trong trại cho biết lúc này có ba, bốn tội nhân Pháp đang xay lúa dưới hiên. Mới đầu Toàn thấy lạ mắt trước cảnh tượng tù Pháp xay lúa theo lối cổ lỗ của dân quê Việt Nam, bị bịnh và cái đói kinh niên hành hạ, anh nào cũng khẳng khiu như cây sào. Mặc dù vậy, Toàn nghe nói họ xay lúa rất khỏe, hơm nào cũng xong việc trước giờ cả tiếng đồng hồ. Trong chế độ trại giam, tù Pháp được hưởng khẩu phần đồng đều loại a/, nghĩa là họ được bốn chén cơm một bữa ăn nhưng họ cũng đói như tù Việt, nhưng vốn quen ăn nhiều thịt, nên khi chỉ được ăn cơm với chút xíu thịt bạc nhạc, họ luôn luôn đói và thèm ăn bất kể thứ gì có thể ăn được. Khi đói người ta giống nhau bởi sự thèm muốn, ý thức và hành động, và khi đói, người ta trở nên gần gũi với loài vật hơn, nghĩa là làm theo bản năng hơn lí trí. Nhận xét này được chứng minh rõ rệt ở trong tù. Bất cứ người nào cũng sợ đói như nhau, và vì đói, cơm ăn trở thành ngọc thật, một miếng cơm hơn kém có thể gây loạn đả, gây ra những án mạng chết người.
Một câu chuyện xảy ra trong trại giam tù nhân Pháp vẫn thường được nhắc lại trong trại tù Việt :
Một lần kia, sáu tù nhân Pháp được cắt đi vác tre từ bến sông về trại xa một cây số, mỗi người có phần vác 10 cây tre. Vậy cả đi lẫn về đường dài tổng cộng là 20 cây số, mười cấy số đi tay không và mười cấy số vác tre khoảng chừng hơn chục kí lô một cây. Trong sáu tù nhân Pháp được giao phó công tác nặng nề, có một người mới khỏi bịnh nên vác đến chuyến tre thứ tám thì kiệt sức, ngã lên ngã xuống đến bốn lần trên đường từ bờ sông về trại. Lần cuối cùng ngã xuống, chẳng may anh ta bị cây tre rớt theo đà đập vào đầu rồi bất tỉnh luôn. Không biết mất bao lâu, đến lúc tỉnh dậy, anh trông trước trông sau, cả trưởng toán lẫn người cảnh vệ cũng không thấy, đường rừng vắng vẻ, trời đã về chiều, bóng dương sắp tắt, một ý tưởng thoáng trong trí : trốn ! Anh ta vừa lau vết máu trên mặt vừa suy nghĩ rất nhanh nhưng khi nhìn lại chiếc áo tù với con số trên ngực với hai chữ SN thì anh ta trở lại sáng suốt đặt tre lên vai lừng lững về trại. Đi được mấy bước, nghe có tiếng chân phía sau, ngoái trông lại, anh đã thấy viên cảnh vệ lăm lăm khẩu súng trường có cắm lưỡi lê vẫn theo sau từ bao giờ. Anh ta không ngờ người lính đó đã nhảy xuống một cái hồ liền khi anh ngã và sẵn sàng nổ súng nếu anh rời xa con lộ nhỏ được chỉ định quá mười thước. Về đến trại, anh điều đình với người bạn cùng toán vác thay cho anh mấy cây tre trước, trả công một chén cơm vào buổi chiều. Hai bên thỏa thuận. Đến bữa cơm chiều, trái với lời hứa vì quá đói, ăn hết ba chén cơm vẫn chưa thấm gì, anh bèn đổi giọng với bạn để đến chiều hôm sau sẽ trả chén cơm đã hứa. Và thế là cuộc xung đột xảy ra, dữ dội như cuộc xung đột giữa hai kẻ thù không đội trời chung khiến anh ta bị gãy 2 răng cửa, té bất tỉnh vì một cú đấm thẳng vào giữa mặt. Kết quả là cả hai bị nhốt trong hầm tối hai ngày, truất nửa khẩu phần, ăn cơm với muối trắng.
Về vụ tranh ăn trong trại giam có nhiều chuyện tức cười không nói hết, người tù nào đã trông hay nghe kể lại đều không thể nào quên được.
Một lần nọ, nhòm tù Pháp và nhóm tù Việt được cử đi làm chung, làm cỏ một sườn đồi để canh tác hoa màu và lúa thêm cho trại giam. Hai bên chia nhau mỗi bên làm phân nửa diện tích, phải nhặt cỏ, chặt cây. Đến giờ nghỉ thì một tù nhân Pháp mừng quýnh, cặp mắt long lanh vì thèm, trong khi cuốc đất làm cỏ, anh ta bắt được một con cóc lớn từ trong hốc đá nhảy ra. Sau khi đập chết con cóc, anh ta dùng dao rừng rạch một đường ở sống lưng cậu ông trời, bóc làn da xú xì phát tởm liệng đi, mổ bụng moi hết ruột gan, chặt đầu cóc, bứt lá vò ra để chùi máu cho sạch rồi lăng xăng xin người lính gác mồi lửa, châm vào lá khô. Có lửa rồi, anh bỏ mấy cành cây khô đốt lấy than đặng nướng thịt cóc cho chín vàng. Mỡ cóc cháy xèo xèo thơm phức khiến nhiều anh tù nhỏ rãi. Nhón một phát, thì nóng ruột quá, tù nhân vừa mới nắm vớ được món bở, cầm cả con cóc lên táp một miếng cắn nuốt gọn hai cái đùi chín vàng ăn trước. Trong khi nhuồm nhoàm nhai, anh ta tiếp tục nướng cóc một tay, còn tay kia moi ở túi quần ra mấy trái ớt bỏ vào miệng nhai rất ngon lành. Mấy khán giả đứng gần không biết có thèm không nhưng nhún vai rồi họ cười gượng một cách khó hiểu. Và cũng buổi chiều hôm đó, trước khi ra về thì lính cảnh vệ đặc biệt cho phép tù nhân tắm trên một con suối chảy ngang trên đồi. Một tù nhân đang tắm bỗng dưng đứng chết lặng nhìn chòng chòng vào hòn đá cách anh ta mấy bước rồi anh ta chạy vụt lên bờ, chạy vội lại xuống chỗ vừa quan sát như khám phá ra vật gì đặc biệt. Cả bọn tò mò nhìn theo, anh chàng kia lên bờ dơ cao một vật tròn tròn đen thui bóng loáng ở tay. Đó là một con ốc nhồi. Cả bọn tù đều ồ lên một tiếng vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, không cần suy nghĩ, anh chàng mũi lõ cầm ngay lấy con ốc rồi mài xoèn xoẹt con ốc trên đá, con ốc bị bỏng nên thò đầu ra khỏi vỏ. Chỉ đợi có thế, anh tù dùng răng cửa cắn chặt lấy ốc, quyết định không cho ốc rút mình lại trong vỏ, rồi giựt mạnh, cả mình con ốc rút ra ngoài, anh ta bóp mạnh bụng ốc để loại bỏ những gì không ăn được, rồi ngắm ngía qua loa trước khi bỏ tọt con ốc sống vào miệng trệu trạo nhai thành từng tiếng sựt sựt. Thịt ốc vốn dai nên mãi mới thấy anh ta vươn cổ ra nuốt, yết hầu chỉ nhấp nhô chuyển động có hai cái là xong. Chừng như anh vừa mới thấy tanh tưởi nên cúi xuống vốc bụm nước suối súc miệng hai ba lần. Lúc lên đường về trại, không biết nghĩ sao, anh ta còn lấy ớt ra nhai một nửa trái.
Có một lần, một bọn tù nhân Việt đi cày ruộng, đêm hôm trước mưa lớn nên ruộng cày lỏm bỏm những nước, người cày bỗng dừng trâu đứng lại -trâu đây là người tù bỏ dây đeo vai thay trâu kéo cày- người cầm cày báo động cho trâu biết trong ruộng có nhiều cá, mưa xuống nên cá ở suối rạch lên ruộng, thế là cả một bọn tiếp tục cày cho đến hết giờ. Không biết làm cách nào mà cho đến giờ nghỉ, họ bắt được bảy con cá rô lớn bằng 3 ngón tay, rồi lấy một cọng cỏ cứng xâu qua hai bên mang thành một xâu cá. Về đến trại, họ cử người vận động với nhà bếp nấu cho một bát canh cá với sấu rừng ngon tuyệt trần đời, ăn quên chết như họ nói, bữa cơm mỗi người húp một vài miếng tấm tắc khen ngon thật không kém gì ăn một bát yến, cuối cùng thì bảy con cá rô hoàn toàn không để lại dấu tích gì trên mâm.
Bữa tiệc cá rô này thỉnh thoảng cũng được tù nhân nhắc lại với những lời lẽ nồng nhiệt để làm tăng thêm khẩu vị cho những bữa cơm thường lệ.
Nhớ tới bữa cơm, Toàn mới thấy khẩu phần ít quá, mỗi bữa phải thêm hai chén nữa mới tạm lưng lửng bụng, không như mấy bữa đầu tiên không nuốt được. Toàn đã ăn với vẻ ngon lành háo hức như mọi người, anh thiết tha mong chóng được lên hạng b/ nghĩa là 3 chén một bữa cho đỡ đói….

Nhưng bỗng dưng từ ngoài sân,người cảnh vệ bước vào súng ống hẳn hoi, trông thế rất “xung kích”, ai nấy lật đật xích lại gần cối của mình, chờ nhân viên ban quản trị kiểm soát trước khi mang gạo vào, và nhận thấy chiều nay, nhân viên ban quản trị nghiêm nghị khác thường, họ chia nhau đi tản mát ra khắp trại chứ không đi từng bọn như mọi lần.
Toàn đưa mắt nhìn Mạnh có ý hỏi, Mạnh cũng có vẻ không hiểu, còn ông già tóc bạc thì không để ý đến sự khác lạ, miễn sao xong việc, hết giờ là mừng quá rồi. Nghe tiếng ồn ào ngoài sân, Toàn và Mạnh vội nhìn ra, bọn tù đi gáng than từ hôm trước về, hôm nay người nào mặt mũi, quần áo cũng nhem nhuốc đầy những bụi than. Sau khi sắp hàng nghiêm chỉnh trình diện giám thị để kiểm điểm lại, tù nhân làm than vào trong sân ngồi nghỉ rồi ra tắm rửa ngoài ao.
Trong khi đó, trưởng toán đi theo giám thị lên văn phòng, như có việc quan trọng cần báo cáo gấp. Tiếng xì xào lại bắt đầu, tuy là luật lệ trại giam nghiêm ngặt như thế mà hình như có thêm một vụ tù trốn khi làm củi trong rừng. Tuy thầm nuôi một ngày trốn, vượt qua những trở ngại dọc đường, nhưng Toàn chưa dám nghĩ tới việc trốn về vùng quốc gia.
Lần này quan trọng hơn, người tù trốn là một trưởng ngành trong tổ sản xuất tiết kiệm, nghĩa là một tù nhân được ban quản trị tương đối tín nhiệm. Tuy mới được cắt lên chức trưởng ngành củi nhờ sự học tập hăng hái tiến bộ, nhờ có “tư tưởng giác ngộ” may ra chuyển biến chuộc lại “lỗi với nhân dân”.
Bữa cơm hôm đó, tù nhân ít chuyện trò, anh nào cũng muốn chóng xong bữa cho khỏi bị tay bay vạ gởi do mấy câu lỡ lời hay những chuyện không đâu.
Đến sáng hôm sau, tất cả tù nhân trại Đầm Đùn đều hay là tay trưởng toán 15 chứ không phải là trưởng ngành sản xuất như là tin đầu tiên đã trốn trong lúc làm củi trong rừng. Những người mang áo tù từ lâu và đã từng đi làm chung với trưởng toán 15 đều ngạc nhiên không ngờ anh nọ lại có gan đến vậy. Cho hay không phải trông mặt mà bắt hình dong nhất là qua tướng mạo của người đang là tù. Tù nhân cùng toán hoặc là bạn cùng giường tương đối thân với nhau mới dám thì thào về những huyền thoại hay thành tích của người vừa trốn. Trong trại người ta gọi tù bằng số, và nhắc đến thành tích của mỗi người, đại khái như, thằng cha ăn cóc, hay vỏ chuối v.v… Tuy vậy không phải bất cứ lúc nào cũng có thể xì xào bàn tán mà chết uổng mạng, sau khi nhìn trước nhìn sau không thấy giám thị, không thấy cảnh vệ, không thấy những tù nhân khác trại thì mới dám bắt vài lời, nói ba câu. Từ những người khôn ngoan có kinh nghiệm, có thủ đoạn, có óc tự chủ . . . cho đến đa số, cứlạnh lùng nín như thóc, việc của ai người nấy làm, cứ như vậy coi như không biết việc tù trốn, việc ấy ở đâu đâu chứ không có ở trong trại giam này.
Nhưng vì lí do gì trưởng toán 15 đang đi làm củi trong rừng, chỉ huy mấy chục tù nhân lại bỏ trốn ? trong toán đi làm củi có tay chân, có đồng chí của ông ta có giúp một cách gián tiếp hay trực tiếp không ? Dù sao, phải quá một tuần lễ mà không bị bắt trở lại thì tù nhân mới có phần nào hy vọng thoát. Cứ lệ thường chỉ hai ba ngày, tù nhân trốn lại quay đầu về trại giam vì lí do này hay lí do khác.
Vượt trại Đầm Đùn, người tù đã đem tính mạng ra đánh một chén bạc. Thua canh bạc đó, coi như kết liễu luôn đời mình. Mà thua là cái chắc vì cái may chỉ bằng một phần mười cái rủi, chín cửa tử, một cửa sinh. Họ đã biết như vậy khi tính toán vượt ngục.
Tin tù đã trốn khi làm củi trong rừng đã lan đến trại tù nhân Pháp. Mấy anh chàng tù mũi lõ nhìn sang trại tù Việt mà cười để tỏ sự thích thú cảm phục và đồng lõa trên nguyên tắc, vì từ khi có trại Đầm Đùn đến giờ, chưa có tù nhân Pháp nào dám vượt ngục.
Hôm nay Toàn được may mắn làm việc trong trại, buổi sáng tưới cây, bón ruộng rau muống, buổi chiều xếp gọn gọn ghẽ vựa ăn, vựa củi, nghĩa là công việc tương đối nhẹ so với chuyện đi cày, cuốc đất, vào rừng làm củi hay vất vả hơn nữa, vào rừng làm than. Tuyên, Mạnh và ông già tóc bạc xay lúa chiều hôm qua thì không được may mắn như Toàn, họ đi làm củi rồi. Công việc làm củi rất là nặng nề, nhất là với những người bịnh hoạn yếu đuối như ông già nọ. Vậy mà sau bữa cơm sáng của tù nhân, nhân viên ban quản trị xuống trại tập trung tù nhân lại thành hàng rồi hỏi :
- Này, thế tổ sản xuất trước kia có danh sách mười người làm củi ngày hôm nay, trại viên nào xin xung phong ?
Hôm nay Toàn được may mắn làm việc trong trại, buổi sáng tưới cây, bón ruộng rau muống, buổi chiều xếp gọn gọn ghẽ vựa ăn, vựa củi, nghĩa là công việc tương đối nhẹ so với chuyện đi cày, cuốc đất, vào rừng làm củi hay vất vả hơn nữa, vào rừng làm than. Tuyên, Mạnh và ông già tóc bạc xay lúa chiều hôm qua thì không được may mắn như Toàn, họ đi làm củi rồi. Công việc làm củi rất là nặng nề, nhất là với những người bịnh hoạn yếu đuối như ông già nọ. Vậy mà sau bữa cơm sáng của tù nhân, nhân viên ban quản trị xuống trại tập trung tù nhân lại thành hàng rồi hỏi :
- Này, thế tổ sản xuất trước kia có danh sách mười người làm củi ngày hôm nay, trại viên nào xin xung phong ?
Những cánh tay dơ cao, nhân viên ban quản trị nhìn tổng quát một lượt, đứng tránh sang một bên, cánh tay chỉ lên trời luôn luôn về phía trước chừng chín, mười người nhanh nhẹn tách khỏi hàng ngũ, xếp thành một hàng trước viên giám thị. Kiểm điểm lại có Tuyên, Mạnh và ngay cả ông già ốm yếu tóc bạc, cùng với mấy tù nhân khác. Trong trại giam chỉ thiếu người, chứ không thiếu công việc.
Một bọn hơn bốn chục người trong toán làm củi được dẫn vào rừng, mỗi người có một con dao rừng, và hai người chung nhau một chiếc rìu, loại rìu đốn cây rừng do thợ của trại giam chế tạo. Tù sẽ phải đổ mồ hôi trong rừng, đến xế chiều mới trở về trại với kết quả cụ thể họ sẽ gánh trên vai. Củi mang về trại được xếp thứ tự vào một khu, một phần dùng vào việc đun nấu cho trại giam, còn phần khác, tổ sản xuất tiết kiệm sẽ trao cho các hợp tác xã phi mậu dịch để bán lại cho dân chúng hay chuyển nhượng cho các cơ quan quân sự, dân sự. Công việc đẵn củi sẽ làm từ sáng cho tới chiều, được nghỉ giải lao khoảng hai tiếng đồng hồ vào buổi trưa. Giờ nghỉ, tù nhân có thể ngủ, tắm rửa ở suối hoặc kiếm những trái cây ăn được như sim, ổi , chuối, ổi v.v…ăn lén cho đỡ đói. Họăc có điều kiện, họ sẽ tìm thịt thú rừng làm thịt đánh chén, chuột rừng, sóc, rắn v.v…Nhưng phải coi chừng giám thị. Vì thế tù nhân lao tác ngoài trại được tự do hơn, vừa làm vừa nghỉ tùy ý, miễn là lúc kiểm điểm công tác trước khi về trại, tù nhân đã làm đầy đủ phần việc tiêu chuần do ban quản trị ấn định, như, những người làm củi sẽ gánh một lượng tối thiểu là 50 kg trong quãng đường dài 12 km, ngoài ra, còn phải làm sẵn một gánh củi lưu lại ở trong rừng. Vào đến rừng thì tù nhân quanh quẩn đốn củi trong một khu dưới sự trông coi của một giám thị hay cảnh vệ có súng trường với lưỡi lê võ trang. Có hai lí do buộc tù nhân phải làm việc gần nhau để tiện việc kiểm soát cho giám thị và đề phòng hổ, báo, trăn v.v… có thể xuất hiện bất chợt bắt người ăn thịt mà không kể con mồi gầy ốm hay béo tốt.
Từ trại đến khu rừng làm củi đi mất hai tiếng rưỡi nên khi tù bắt tay vào việc, mặt trời đã lên cao, phải làm gấp mới kịp. Tù nhân có thể lựa cây đốn ngã rồi chặt ra từng khúc chừng một thước, chẻ nhỏ rồi cột lại làm hai bó bằng mây rừng hay tre non. Đường kính tối thiểu mỗi bó là 40 cm. Họ thường lựa những cây bằng cổ tay, chặt dài một thước, rồi kiếm một nhánh cây vừa vặn làm đòn gánh, vót nhọn hai đầu đòn, cắm ngập vào hai bó củi gánh về, còn gánh củi làm sẵn sẽ có người tới gánh sau. Nhưng tù cũng có thể liên kết với nhau, hai ba hoặc bốn người một bọn để chung sức hạ một cây lớn có khi vừa ôm, rồi chia ra từng phần, ai nấy làm phần của mình, miễn sao cho đủ số lượng hai gánh bắt buộc là được.
Một trong những tốp đẵn củi hôm nay gồm bốn người, Mạnh, Tuyên, ông già tóc bạc ốm yếu và người thứ tư là Thanh, tuổi gần bốn mươi, trông vạm vỡ và có vẻ giang hồ từng trải nhất. Tuy không thân với Thanh nhưng cả ba người kia đều có cảm tình vì Thanh tính tình vui vẻ, chuyện trò cởi mở, cười nói có chừng mực, ít khi to tiếng với anh em. Thanh vào trại Đầm Đùn đã hơn năm nay, anh kể với anh em nghe trong một bữa đi rừng rằng, khi còn ở ngoài đời anh làm thợ máy xe lửa. Trong bốn người cùng bọn, thì anh là người sức lực và nhanh nhẹn nhất hơn Mạnh và Tuyên nhiều, cái đó cũng dễ hiểu khi ta biết Mạnh là con của một tiểu điền, là một giai cấp “tiểu tư sản thôn quê” quanh năm chỉ biết ăn chơi, chỉ tay năm ngón, sai người làm chứ trên thực tế có bắt tay vào việc cày sâu cuốc bẫm bao giờ. Còn Tuyên vốn là một công tử phong lưu trước kia, nhờ có tiền bạc mà chẳng khi nào cần đến sức mạnh của bắp thịt.
Cả bốn người lựa cây rồi đồng ý hạ một cây xoan mọc lẻ loi gần chân núi cách xa chỗ làm của mọi người đến trăm thước. Nhưng trong cảnh thoáng rộng khi tù làm việc, sự canh phòng và quan sát của cảnh vệ không bị cản trở. Mạnh bàn với mấy người cùng tốp hạ cây xoan với một giọng thành thực :
- Chúng ta làm riệng ra một chỗ như thế này càng dễ nói chuyện và “bù khú” với nhau các anh há ?
Thanh nhìn Mạnh trong giây lát thoáng vẻ nghi ngờ, rồi nói một cách tự nhiên :
- Phải rồi làm riêng không bị dòm ngó, miễn sao làm xong việc khi hết giờ là được rồi !
Rồi anh ta lại cười như dò xét ý của Tuyên và Mạnh :
- Nhưng chúng ta có điều gì bí mật không ?
Thật ra thì Thanh là một trong số tù nhân bị ban quản trị trại theo dõi nhiều nhất. Ăn cơm tù thiếu thốn, việc làm khổ cực như vậy mà Thanh vẫn cứ mạnh khỏe như thường, và lại không mấy khi tỏ vẻ rầu rĩ nhớ nhà, nhớ vợ con, nhứt là cuộc đời tự do bên ngoài.

Thanh là phần tử bất cần hay y đang có nhiệm vụ gì trong trại giam nên không rầu rĩ ? Mạnh cười xòa nhắc lại một câu thường nói trong các buổi học tập như một con vẹt :
- Ha ha, chúng ta đã vào đây thì còn gì là bí mật nữa, chỉ sớm gíac ngộ, tiến bộ, tẩy não cho sạch những tư tưởng phản cách mạng để sớm được nhân dân tha thứ chứ ?
- Thôi, ối giời ơi, anh em chúng ta gắng sức làm việc đi, nắng sắp đứng bóng rồi kìa !
Mọi người bớt nói và lăng xăng bắt tay vào việc. Cây xoan khá lớn, đường kính ở gốc có tới 40 cm. Bước đầu Mạnh với Tuyên leo lên cao chặt bớt những cành lớn, chạc ba, trong khi Thanh chặt búa vào gốc. Ngồi trên cành cao, Mạnh nắm chặt dao chặt nhánh cây, rồi thỉnh thoảng đưa mắt lơ đãng nhìn bốn phía, càng vào sâu trong núi, rừng càng rậm rạp vắng hoe không một bóng người, phía dưới thung lũng, con đường ngoằn ngoèo khi ẩn khi hiện lẫn những tảng đá bụi cây dẫn đến những nhà sàn rải rác của dân sơn cước. Vài con trâu đang lầm lũi gặm cỏ ở thung lũng. Trong làn không khí u tịch như vậy, chỉ nghe những tiếng rìu, tiếng dao chặt cây chan chát, lúc khoan lúc nhặt lẫn những tiếng quát báo hiệu đề phòng rồi tiếng những nhành cây gãy rơi trên đất rào rào. Lát sau là tiếng hò reo mừng rỡ, tiếng gọi nhau oang oang dội vào tận vách núi. Tiếng rìu chặt đốp đốp không ngừng nghỉ, ai nấy đều hối hả làm việc, chặt cành cây . . .
Tuyên và Mạnh tụt xuống đất để giúp thanh hạ mau cây xoan. Ông già tóc bạc ra suối mài lưỡi rìu xong đem vào đưa cho Thanh. Thanh bết mồ hôi đầm đìa trên mặt, chậm rãi bảo ông già :
- Ông ra suối mài lưỡi dao, lát nữa tiếp tục chặt cây cho mau đứt !
Ông già tóc bạc xách dao ra bờ suối kiếm một tảng đá nhấp nhô trên mặt nước ngồi xuống lừng lững mài. Thỉnh thoảng ông cầm lưỡi dao lên, lấy đầu ngón tay đưa ngang qua lưỡi để thử đã sắc chưa. Đầu óc ông lởn vởn những chuyện đau buồn xảy ra cho ông mấy lúc gần đây.
Máu chảy rơm rớm từ mắt cá cổ chân từ lúc nào mà ông không biết. Mấy ngày trước thì còn phải đeo xiềng cả hai chân, cạnh khoen cắt cọ vào làm sây sát da rồi lở, nhức ! Vì không có điều kiện giữ vệ sinh nay gặp tiết trời vào lúc lạnh đông, gió hanh thổi, da dẻ khô nẻ, nên bật máu ra rát quá. Ông già vừa đau cổ chân vừa bực mình, lại cám cảnh cho thân phận, tiện tay tạt nước ở suối lên cho trôi những vệt máu chẳng cần biết là nước suối độc có thể gây tai hại ghê gớm cho vết thương. Rồi ông tập tễnh xách dao mới mài đi vào đưa cho Thanh đổi lấy chiếc rìu, rồi thuận tay rìu bổ vào gốc cây như điên như khùng, bao nỗi buốn phiền tức giận trong lòng ông bỗng nhiên thoát ra khiến cho những nhát rìu bật chan chát vào gốc cây, những mảnh gỗ vụn văng bốn phía. Một lúc, ông già đã chặt được hơn quá nửa gang tay. Hình như ông đã thấm mệt nên rìu chặt vào gốc cây không còn được chắc tay nữa, nhưng vẫn vừa thở hổn hển, vừa vung rìu chặt lấy chặt để. Hình như là ông muốn hoạt động miên man cho đầu óc khỏi có thì giờ nghĩ tới bất cứ chuyện gì khác. Thanh, Tuyên và Mạnh đều nhận thấy có gì bất thường trong hành động và cử chỉ của ông già, tò mò đưa mắt nhìn nhau, thấy tay rìu của ông không còn vung bật vững vàng, sợ rìu vụt khỏi tay có thể gây tai nạn, cả Thanh lẫn mạnh đều ngỏ lời can ngăn ông già :
-Thôi ông vào nghỉ một lát đi chúng tôi tiếp tay cho !
Ông già tóc bạc như chợt tỉnh, nghiêng mình tỏ vẻ cám ơn rồi lững thững đến ngồi dựa lưng vào một gốc cây gần đó thở hổn hển, hai đầu xương bả vai nhô lên thụp xuống theo nhịp thở.
Ông già vừa mệt mỏi chán nản, vừa lo cho những ngày sắp tới. Chế độ giam cầm trong trại giam cộng sản cay nghiệt như vậy chắc chắn là ông không còn sống được bao lâu nữa. Ông biết, làm củi ở rừng là công việc nặng nhọc nhưng làm việc khác trong trại thì cũng chẳng nhẹ hơn gì mà không chịu làm hăng hái như mọi người hoặc lẩn tránh công việc thì sẽ bị trừng phạt xiềng cả hai chân nằm trên giường, bị giám thị mắng chửi một cách mát mẻ trước khi bắt chịu một hình phạt “thật nhẹ” mà giết người một cách chắc chắn :
- Không chịu làm việc phải không ? Muốn làm vua hả ? vậy thì cho anh được làm vua, không phải mó tay vào việc gì ngoài việc ngồi ăn và ngồi chơi.
Đúng, viên giám thị nói đúng, tù nhân không chịu thi đua một tháng hay tối thiểu chỉ mười lần thì sẽ bị ngồi chơi hoàn toàn : bị xiềng và cùm luôn. Mỗi bữa được ăn lưng chém cơm với muối không được uống nước cho tới khi gần chết khát. Như thế thì chẳng bao lâu anh tù làm biếng phù lên mà chết. Ngược lại có người không chịu làm việc bị phạt cuốc hai sào đất ngoài nắng suốt mười hai tiếng đồng hồ một ngày. Một người cầm roi song rừng đứng bên cạnh cứ thấy anh tù ngừng cuốc là vụt túi bụi không tiếc tay. Phải công nhận cách chữa trị “bịnh” lười của trại Đầm Đùn thật là hiệu nghiệm. Người lì lợm đến đâu cũng khỏi “bịnh” trừ khi nhất định tìm cái chết để giải thoát mọi sự. Ông già tóc bạc không muốn làm vua nên khi tổ sản xuất tiết kiệm cần người làm củi, ông xung phong liền. Nhưng ông còn một mục đích thực hiện, một quyết định tối hậu.
Trong khi một người chặt cành, hai người chặt gốc, chỉ còn một thân cây trụi cả cành lá. Ông già đã bớt mệt chạy lại tiếp tay. Thanh lẳng lặng leo lên ngồi trên một hòn đá cao, phanh ngực áo cho mát, Mạnh đang chặt gốc bỗng chống rìu xuống đất xòe đôi bàn tay ửng đó nhìn, nhổ nước miếng vào rồi xoa xoa hai lòng bàn tay vào nhau, rồi cầm rìu tiếp tục chặt chan chát. Hay bàn tay của Mạnh rát như bị phỏng. Tuyên sắp sửa vào đốn tiếp gốc cây bỗng có một người la lớn :
- Coi chừng cây đổ !
Tuyên vừa chạy ra khỏi tầm thì cái cây đổ sầm. Bốn cái miệng cùng reo mừng nhưng không ai để ý đến sự vắng mặt của Thanh.
Bây giờ là lúc chia thân cây ra thành từng khúc rồi chẻ nhỏ ra bằng cánh tay. Đến lúc nghỉ giải lao, mỗi người chẻ chừng được một bó. Người nào từng làm củi mà có sức làm được một bó rưỡi, thì đến giờ phút này ai nấy đều mệt mỏi rã rời và đói, nhứt là khát. Người mang theo ống nứa đựng nước thì có nước để giải khát, có người phải tiến đến nhà của dân gần đấy xin nước. Người lười và liều ra suối kiếm chỗ nước sâu bụm tay lại vốc lên uống đỡ trước khi rửa mặt mũi, chân tay hay tắm. Mọi người đói bụng như cào nhưng không ai dám lên tiếng phàn nàn, đành kiếm chỗ rải lá cây nằm nghỉ lưng chốc lát, nếu có thể, thiếp đi một lúc để …thay ăn. Trong nhiều trường hợp, ngủ, cũng bồi bổ sức lực như ăn vậy. Thanh đã trở về nhập bọn từ nãy sau khi vắng mặt một lát, không ai hỏi nhưng anh ta cũng nói là anh ta kiếm chỗ “tống những chất thừa trong bụng” ra ngoài. Nhiều người nằm ngổn ngang trên thân cây bị đốn, lấy nón hoặc lá cây úp lên mặt cho đỡ chói mắt. Họ cố chợp mắt một lát để lại sức. Mạnh gối đầu lên một cành nhẵn nhụi cố chợp mắt mà không được vì …đói. Anh chỉ nhấc cao mép nón nhìn trộm Tuyên nằm bên cạnh. Tuyên đang ngủ, hơi thở đều, Mạnh ngửa người lên nhìn, thấy người lính cảnh vệ đang ngồi trên một tảng đá, tay với cây súng dựng đứng trước mặt, vẻ mệt mỏi, đờ đẫn như người đang ngủ gật. Một người ăn vận lành lặn ngồi gần đó dựa lưng vào vách đá, đó là trưởng ngành củi trong tổ sản xuất tiết kiệm trại Đầm Đùn. Mạnh nhẹ nhàng đứng lên, dáng điệu rất tự nhiên nhưng có ý bước thật nhẹ cho khỏi gây tiếng động, len lén ra đằng sau một cây gần đó ngồi xổm xuống. Qua kẽ lá, anh nhìn kỹ một lượt nữa, khong có gì đáng ngại. Mạnh cúi rạp xuống chạy thật mau về phía trước rồi quẹo trái, nơi này có con suối róc rách chảy, nhưng mục tiêu anh tới đây không phải là con suối mà là một ruộng mía tươi tốt. Lúc sáng khi leo lên cây xoan chặt cành, anh đã thấy một cây mía màu nâu tím giữa đám là xanh, thế là nước miếng cứ nhễu ra vì thèm chất ngọt quá, được ăn một tấm mía thiệt đã biết chừng nào ! Anh bèn nảy sinh một ý định, biết là nguy hiểm nhưng vì sự thèm khát thúc đẩy, anh nhất định liều. Luật lệ trại giam thật nghiêm khắc nhất là với những vụ ăn trộm ăn cắp trong và ngoài trại, người phạm tội bị cùm. Xâm phạm tài sản của người khác là phạm “quan điểm” của nhân dân, nhưng trường hợp ban quản trị xâm phạm tiền bạc vật dụng của người bị bắt giam thì lại là chuyện khác, có lẽ là dưới nhãn quan của họ thỉ người tù không còn tư cách pháp nhân của con người nữa.
Mạnh ngồi thụp xuống một bên khóm mía. Nhìn khắp chung quanh thật kỹ, rồi với ánh mắt thèm muốn và hung tợn tột độ bất cứ người nào nom thấy cũng phải rùng mình khiếp hãi, bàn tay anh vươn ra nắm lấy thân cây mía, bẻ gập xuống thật mạnh, một tiếng “rắc”, cây mía gãy rời. Mạnh bẻ một khúc bằng cánh tay, phần còn lại anh cắm xuống đất, cây mía mới trồng tuy có ngắn hơn nhưng không mất vẻ tự nhiên dễ gì ai nhận ra ngay. Mạnh chạy vào trong vách đá xa, nấp sau một bụi cây rậm rạp, rồi lật đật đưa tấm mía lên miệng tướt vỏ thật nhanh, vừa tướt vừa gom vỏ lại thành đống dưới đất dùng bàn chân ngoáy đất thành một cái lỗ khá sâu, gạt vỏ mía xuống, lấp đất lại rồi dẫm chân lên, xóa hết dấu vết lọn mía, có nghĩa là xóa hết dấu vết tội lỗi. Những mảnh mía đầu tiên Mạnh vừa nhai dập vừa nuốt nước quá vội suýt hóc mấy lần. Mước mía thật ngọt, Mạnh tỉnh người như vừa tiêm một thứ thuốc thần diệu, nuốt không kịp, nước mía ngọt chảy lòng thòng xuống cằm, Mạnh đưa tay gạt ngang vụng về như một đứa bé. Thoáng trong ít phút, Mạnh đã nhai hết đẵn mía, lần thứ hai anh cẩn thận gom bã, lấy cây đào lỗ gạt đất lấp kín, dấu vết ăn trộm hủy hết. Mạnh trở lại là một người lương thiện, anh thở dài lặng lẽ : thoát. Thản nhiên như không, anh thong thả bước ra khỏi lùm, bỗng Mạnh giật mình suýt chút nữa anh bật tiếng kêu kinh hãi vì trước mặt anh, một người đứng sừng sững từ lúc nào. Vừa rồi trong khi trộm mía, mạnh vẫn lắng tai nghe động tĩnh nhưng hai giác quan anh vẫn không nhận ra là có người đang rình mình nhưng cũng còn may vì người ấy là Tuyên. Tuyên đứng sau tảng đá lớn nhìn anh mà cười gượng, nụ cười của Tuyên thật khó hiểu, Tuyên muốn gì đây ? Chẳng lẽ Tuyên lại định hại mình đi báo với trưởng ngành hay người lính có súng ? Nếu bị tố cáo, Mạnh chỉ còn một cách, thớ thịt trên mặt anh đột nhiên đanh lại như thép, Mạnh không khỏe gì nhưng đủ sức đối trị loại người thuộc vào cỡ Tuyên. Tuyên vẫn giữ nụ cười trên môi rất buồn, sau sợ Mạnh hiểu lầm, Tuyên chậm rãi nói :
- Tôi định rủ anh ra đây trước rồi, vậy bây giờ anh coi chừng giùm tôi, cũng thèm chất ngọt quá nên thôi cũng đành liều
Nét mặt Mạnh dịu hẳn xuống như bạn thân gặp nhau. Mạnh đứng vào giữa, hai chân xoay lại trông chừng phía trước trong khi Tuyên xông và giữa ruộng mía nhổ một cây như Mạnh làm hồi nãy rồi đưa lên đầu gối bẻ một khúc, cắm phần cây mía còn lại vào đất xong, chúi vào trong một bụi rậm mà tướt vỏ và nhai mía rau ráu như heo rừng. Tuyên mới nhai được hai lọn mía thì Mạnh đã sốt ruột quay lại dục :
- Mau lên mau lên đi kẻo đi lâu quá rồi đó
Tuyên cố nhai thêm miếng nữa rồi đành khúc mía đang ăn dở xuống đất, lấp đất kín, chùi kỹ mồm mép hai ba lần rồi thong thả bước ra ngoài theo Mạnh trở về. Trong la lòng hãy còn tiếc rẻ và hồi hộp. Những người tù vẫn nằm la liệt như lúc nãy, Mạnh yên trí liếc mắt nhìn quanh, thoáng mỉm cười, nằm xuống bên cạnh ông già tóc bạc, ông khẽ hỏi tiếng thì thào như người ốm nặng sắp chết :
- Hừ hừ, chú đi đâu về ?
Mạnh giật mình, thì ra ông già tóc bạc vẫn thức nhưng nằm im nên Mạnh tưởng ông ta ngủ, anh chưa biết trả lời thế nào khiến ông quay sang hỏi tiếp :
- Đói quá, trong rừng có kiếm được hoa quả gì ăn cho đỡ đói không ?
- Không biết, nhưng chắc là không có
- Có ruộng khoai ruộng sắn nào hay không vậy anh ?
- Không biết, nhưng có cũng không dám lấy trộm, nguy hiểm lắm
- À à như thế này may ra…trước sau gì cũng chết tại trại này, tôi nghĩ mãi rồi chú ạ, không trước thì sau cũng một lần, vả lại tôi đã hơn sáu mươi, già rồi, sống làm gì nữa …
Mạnh nhìn ông già, thấy hai dòng nước mắt trên khuôn mặt xương xẩu gầy nhom, mới hồi sáng tới giờ mà nom ông gầy tọp hẳn đi một cách rõ rệt. Mạnh thấy làm lạ về sự biến đổi đó nhưng sau cho rằng vì ông ta nằm nên anh trông ra như vậy.
Ông già hắng giọng nói một hơi dài :
- Àh, tôi có việc muốn nhờ chú Tuyên này, tôi thấy yếu quá không biết chết lúc nào nhưng chắc chẳng còn bao lâu nữa. Tôi có hai đứa con tên là Trai và Đông, Lê văn Trai và Lê văn Đông, người da ngăm ngăm, nếu có ngày nào chúng trở về gia đình, xin chú cho hai cháu biết tôi chết oan ức như thế nào. Chúng còn sống ngày nào thì phải trả thù cho bằng được cái quân tàn ác giết người không gớm tay này, đã giết cha chúng, một người vô tội…
Rồi kể tóm tắt những việc xảy ra đã đưa ông tới trại Đầm Đùn. Ông là một nông dân có ít nhiều điền sản ở làng Văn Lân trước khi phong trào đấu tố trong cải cách Ruộng Đất của VC được phát động. Thì ông đã hiến điền cho nhà nước cộng sản, vậy mà bọn chúng vẫn không tha, vẫn tìm cách hại ông cho tuyệt giống điền chủ, ông tức quá không dằn lòng được nữa mới chửi bới om sòm nên cán bộ VC bắt đem giam ở đây. Hai con trai ông đã lớn đang đêm trốn thoát, một đứa đăng vào quân đội viễn chinh Pháp, một đứa đi lính quân đội quốc gia, sẽ tìm cách chờ dịp đặng trả thù cho Cha. Ông già kể xong gạt nước mắt ngồi nhỏm lên, mặt ông bừng bừng như người uống rượu, những đường gân xanh nổi lên chằng chịt trên trán trên cổ, trên tay ông cầm một bó dây nâu cuộn tròn, trong rừng dây nâu rất dễ kiếm, chỗ nào cũng có, tù dùng dây này để buộc củi hay để kéo cây cho đổ khi đã đốn gần đứt gốc.
Vừa lúc đó người cảnh vệ bỗng đứng lên thổi một tiếng còi dài, những tù nhân đang còn nằm nhỏm đứng phắt dậy như có lò xo ở chân, tiếng gọi nhau, tiếng nói tiếng rìu chan chát lại nổi lên phá tan cái im lặng của khoảnh rừng dưới chân núi. Mọi người hăng hái tiếp tục làm mau tay để về trại cho kịp giờ. Một lúc lâu công việc đã gần xong vẫn không thấy ông già tóc bạc, Mạnh bèn nói với Tuyên :
- Anh Tuyên, tôi e rằng ông già có thể làm liều vì không thể chịu đựng nổi nữa.
Làm liều như Mạnh nói có nghĩa là thắt cổ tự vận. Đối với ban quản trị trại, những trường hợp tự tử như thế không có gì là quan trọng. Người lính có nhiệm vụ đi canh tù vào rừng làm củi, khi có người tự tử, lại tận nơi chứng kiến rồi làm báo cáo lên ban quản trị. Ban quản trị làm một thủ tục xóa đi một con số, một khẩu phần, thông báo xuống nhà bếp giảm đi một suất gạo, một suất thức ăn, thế là xong.
Tuyên dừng tay rìu lặng thinh suy nghĩ, ông già tự xử với những ngày tàn của ông như vậy là phải, nếu có khi cần can đảm để sống thì nhiều khi cần rất nhiều can đảm để chết, còn ý nghĩa giải thoát khi sống trong trại Đầm Đùn thì lòng hy vọng có ngày trở về với cuộc đời bình thường nhứt là đối với tù nhân già cả, chỉ một chút bịnh bất ngờ, một hai lần đại tiện tiểu tiện ra máu, một hai cơn sốt rét miên man, là đi đứt luôn.
Chờ đến phút về, Mạnh, Thanh và Tuyên đã buộc xong mỗi người hai bó củi, vẫn không thấy ông già tóc bạc, bèn bàn nhau báo cáo cho người lính hay. Lập tức người lính xách súng đi kiếm. Vòng ra sau một quãng đã thấy xác ông già treo tòn ten ở đầu sợi dây nâu, lưỡi lè dài ra, mặt xanh, phù tím như quả mù u. Theo lịnh của cảnh vệ, một người tù leo lên tháo sợi dây, xác ông già rớt đánh bịch xuống, đổ chỏng kềnh. Thanh vội tháo thòng lọng ở cổ xác chết, sau khi khám qua loa cho phải phép. Người lính làm tờ báo cáo lên ban quản trị, có trưởng ngành và hai người tù ký tên với tư cách người làm chứng. Mấy người tù xuýt xoa tiếc rẻ khi thấy bộ quần áo người chết hãy còn lành lặn sạch sẽ chưa có miếng vá nào. Nếu không có đông người chứng kiến, chưa chắc ông già khỏi bị lột trần truồng trước khi bị vùi dưới đất, đành phải chôn với quần áo, mấy người tù rách rưới không ngớt chép miệng tiếc bộ quần áo, tuyệt nhiên không có ai tiếc mạng ông già. Người lính cảnh vệ vào trong nhà dân địa phương mượn xẻng cuốc cho tù đào lỗ. Mấy người tù đào huyệt sơ sài, bỏ xác ông già xuống, lấp đất rồi nửa đùa nửa thật, nhưng chưa nói hết câu thì miệng của họ đã méo xệch :
- Hà, thấy sao hả, thôi ông già nằm nghỉ cho khỏe đi, yên giấc ngàn thu nghe, về phù hộ tụi tui nghe mạnh tay mạnh chân trả nợ nhân dân
- Hà, uổng bộ đồ quá, bộ đồ tốt quá
Không biết kia là những lời nói đùa hay thất nhưng ai nghe cũng thấy thấm thía cho riêng mình.
Mạnh, Thanh, Tuyên, mỗi người nhặt một hòn đất liệng xuống hố.
Đoàn người tù lên đường về trại, mỗi người một gánh củi trên vai. Đường còn dài nhưng chẳng ai muốn nói chuyện, hơn nữa lại phải gánh củi đi quanh triền núi, đất đỏ trơn như mỡ trong mưa phùn thật là khó nhọc, có người gánh đi băng băng, có người cừa gánh vừa đi lấy bẩy xiêu vẹo như chực té. Nhưng rồi thì họ cũng về đến trại đủ hết, chỉ thiếu ông già tóc bạc nằm lại cô độc trong rừng sau khi đã tìm cách trút bỏ hết mọi nỗi đoạn trường. Chuyện còn được nhắc lại một hai lần trong bữa cơm của tù nhân, sau đó hình ảnh một ông già tóc bạc gầy yếu, xiêu vẹo mới dần dần mất hẳn trong đầu óc mọi người.
Đầu tháng Chạp năm ấy, nhiều chuyện xảy ra trong trại giam Đầm Đùn khiến tù nhân bị khủng hoảng tinh thần không ít. Mỗi ngày, người tù càng có thêm bằng chứng để hiểu rằng, đối với chính thể, nhưng người bị giam giữ ở đây không những đã vô ích mà còn có hại cho nên bớt đi tên tù nào, chính thể trở nên lành mạnh sạch sẽ thêm bấy nhiêu. Trời năm đó rất lạ lùng, ngày nào cũng có tù nhân chết rét, chết bịnh. Nói cho ngay, những tù nhân này bị sốt rét rừng, lại phải lao tác quá sức khi vừa mới xong bịnh nên không còn đủ sức chịu nổi cái lạnh căm căm từ trong núi rừng lùa ra. Ăn thiếu, không có chất bổ, mặc không đủ ấm, bịnh hoạn mà không có thuốc, các tù nhân cơ thể suy nhược, các bịnh khác phát ra cùng một lúc hành hạ thể xác, tinh thần người tù trước khi cướp đi đời sống của họ.
Đêm đêm, Toàn nằm trên chõng tre lạnh lẽo, cuốn tròn manh chiếu như tổ sâu, lòi lỗ trước, hụt lỗ sau, có đêm trằn trọc mãi không dỗ được giấc ngủ mặc dù ban ngày làm việc quần quật, anh không thể hiểu nhờ đâu anh có sức làm nổi phần việc của mình hằng ngày như xay lúa, cuốt đất, gánh nước, chặt củi ở rừng v.v… Anh chưa gánh nước hồi nào từ nhỏ, chưa cuốc đất chặt củi ở rừng bao giờ vậy mà lúc lao tác vẫn làm xong kịp giờ. Thật là lạ lùng, thì ra ở đời bắt buộc gặp hoàn cảnh phải làm, không làm nổi thì bị ăn đòn nên phải cố làm được như mọi người, hai chữ “không thể” không có trong một trại giam cộng sản.
Cách đây vài ngày, Toàn được chứng kiến một sự việc khiến anh tỉnh ngộ và thấy nhận định của mình là đúng. Bữa đó có bốn người tù được giao khiêng về trại một thân cây lớn bằng hai bắp đùi dài chừng sáu thước, từ một nơi cách trại 5 km. Trời mưa, đường trơn như mỡ, gió lạnh từ rừng thổi từng cơn như cắt da cắt thịt khiến chân tay tê cóng. Bốn người tù da dẻ tím bầm vì lạnh co ro bên cây gỗ, hè nhau dốc sức đưa cây lên vai hai ba lần không xong, có khi cây đã đưa lên gần tới vai thì lại lúng túng để tụt lại xuống đất. Bốn người tù chia nhau hai người đứng một đầu, phía bên này đưa lên vai thì bên kia nặng hơn lại tụt xuống, khiến hai người tù khiệng phía kia phải liệng nhanh nếu không thì cây gỗ rớt xuống sẽ gây tai nạn. Sau cùng, ráng sức đặt được cây gỗ lên vai nhưng đi được dăm bước thì cả bọn lại loạng choạng để rớt cây gỗ xuống đất. Giám thị trại giam đứng đốc thúc tù làm việc đanh mặt lại không nói, thốt nhiên y rút phắt cây roi song rừng vụt túi bụi bất kể vào mặt vào mũi bốn người tù. Vừa đánh vừa mắng là đồ tiểu tư sản chỉ ăn hại của nhân dân, rút ruột xương máu của đồng bào mà không bao giờ mó tay làm được việc gì hết ! Mắng xong, y chọn trong bốn người một người yếu nhất ra đứng ngoài để ba người còn lại ráng khiêng súc cây về trại. Chao ôi, bốn người khiêng còn không nổi thì ba người làm sao nổi ? Tuy vậy, trước ngọn roi song rừng và khuôn mặt lầm lầm lì lì sắt máu của viên giám thị, họ phải tận lực cố đưa kỳ được cây gỗ lên vai cái đã, rồi muốn ra sao thì ra. Nhưng mới đi được một quãng ngắn, vì đường trơn, một người lẩy bẩy để cây gỗ rơi lại xuống đất suýt chút nữa một người bị cây đè gãy chân. Tên giám thị cười nhạt một tiếng rợn người cầm roi chỉ vào một người tù ra lịnh :
- Thằng kia, ra đứng ngoài ! Còn hai thằng này, mỗi thằng khiêng một đầu, khiêng thẳng một mạch về trại ! không cần biết, tao coi tụi mày khiêng có nổi không, mà nếu tụi mày khiêng không nổi thì bắt đầu từ chiều nay, truất phần cơm, nhốt vào xà lim
Hai người tù còn lại không biết phân trần biện bạch gì hết, lạy van tên giám thị cho hai người kia phụ họ nhấc cây gỗ lên vai cho họ khiêng đi. Tên giám thị lạnh lùng gật đầu cho phép, thế là hai người tù kia loạng choạng bước tiếp trong mưa gió khiêng cây gỗ về đến trại, thế mà không rớt lần nào.
Nghĩ đến đấy thì Toàn kết luận, trong trại giam, tù nhân không có quyền nói “không thể làm nổi”.
Toàn đã quen dần với công việc nhưng vẫn chưa quen với khẩu phần hạng c/, anh luôn luôn đói, lúc nào cũng đói, ngày đêm chỉ mong được “cải” lên hạng b/, nghĩa là được 3 chén cơm một bữa, cả tuần nay, anh chờ cái tin cải hạng mà vẫn chưa thấy gì hết. Cứ mỗi lần xung phong lấy điểm, thì anh lại hi vọng. Sáng nay anh phải khiêng đi chôn một tù nhân chết queo vì sốt rét rừng nằm co quắp trên giường trong khi mọi người ăn sáng. Tối hôm trước, lúc đếm sĩ số thì anh tù nọ cất lên được một tiếng “tám chục”. Sau đó thì Toàn nghe anh ta rên ư ử như là mèo rên rung cả chõng, còn tiếng nói thì như là anh ta đang khóc :
- Xin làm phúc đè lên mình tôi không tôi chết mất, rét quá.
Ai nấy đều biết là anh nọ bị cơn sốt rét rừng hành hạ. Rồi Toàn ngủ thiếp đi, không ngờ rằng cách hai giường, có một người đang chết.
Sáng tinh sương, sau tiếng kẻng, tù nhân trong trại lật đật xếp chiếu ra tập hợp trước sân để trưởng toán dẫn đi rửa mặt, rửa các vết thương lở loét bằng nước của cái ao độc nhất trong trại như ta đã biết. Trước khi ra sân, một “đồng cảnh” tiện tay sờ trán người bệnh thấy còn hâm hấp sốt thì nghĩ rằng hãy còn nóng, chưa chết, rồi thì anh lật đật theo mọi người ra ngoài. Đến lúc ăn cơm trong nhà tiể công nghệ, trưởng toán sực nhớ đến người tù bịnh, bèn sớt cho một lưng cơm đem lại , một người tù cùng toán có miếng thịt heo rang mặn để ăn dần bỗng chạnh lòng thương chia cho một miếng thịt mỡ để giúp người bịnh dễ nuốt miếng cơm, một người tù khác thì sớt cho ít muối mè, vài dợi rau muống với tép cũng được sớt vào chén cơm của người bịnh cho thêm ngon lành. Người bạn tù đặt chén cơm trên chõng, vừa lay, vừa gọi người bịnh tỉnh dậy ăn cơm rồi đi ra. Dường như nghỉ được một lúc, sức khỏe hồi lại, người bịnh ngồi lên dụi mắt cho tỉnh hẳn rồi rưng rưng cầm chén cơm bốc từng miếng bỏ vào miệng trêu trạo nhai như người mất hồn. Anh ta nhai mà như không biết mình đang làm gì. Bỗng trước mặt, mọi hình ảnh trở nên mờ ảo, cả bàn tay cầm nắm cơm cũng buông thỏng ra, anh ta bàng hoàng như người sắp chết, vì một cơn gió độc, anh ta sợ hãi chớp mắt lia lịa, đến lúc chăm chú nhìn lại thì những hình ảnh lờ mờ đã không còn gì nữa, chỉ còn một khối sâu tối om quanh chỗ anh ngồi. Người tù cố bám lấy những hình ảnh thân yêu để tự đánh thức thần trí mình tỉnh lại nhưng không nổi. Mọi hình ảnh, mọi ý nghĩ tản mát không tập trung được nữa trong đấu óc, người tù định nói lớn để nhắc trí nhớ của mình nhưng cổ họng như tắc lại khiến anh nghẹt thở rồi ngã vất xuống, sau rốt, anh ta còn dãy dụa mấy cái làm xô lệch cả manh chiếu, làm rớt xuống đất chiếc “gối” (đẽo bằng mấy miếng tre quấn với lá chuối khô gối cho đỡ đau đầu. 10 phút sau đó một anh bạn tù vào thu chén đũa ra rửa thì sững sờ khi thấy người bịnh nằm co quắp bên chén cơm đổ tung tóe trên giường. Có lẽ người bịnh đã chết. Theo phản ứng tự nhiên anh định kêu lên cho mọi người biết nhưng ngậm miệng lại kịp. Còn lưng cơm trong chén, và bàn tay người chết vẫn giữ miếng thịt ngon lành không chịu bỏ. Hình ảnh chết chóc đáng sợ biến hết, anh tù đưa mắt ra sân đảo hết một vòng, mọi người còn ngồi. Rồi rất là điềm tĩnh không coi cái thây ma vào đâu, anh ta thản nhiên đè ngửa ra những ngón tay của xác chết nhặt miếng thịt lên ngắm nghía sơ qua rồi bỏ tọt vào miệng nhai ngấu nghiến, anh ta bốc thêm một nắm cơm trong chén đưa vào miệng nhai ngon lành rồi tiện thể nhai luôn miếng cơm nữa trong chén. Xong đâu đấy thấy không còn gì có thể ăn được nữa, anh ta mới lấy giọng hốt hoảng gọi “đồng cảnh” vào cấp cứu cho một cái xác chết không hồn. Rồi thì cả đến sự quan trọng nhất đối với con người là cái chết cũng không có ý nghĩa gì với cái trại giam Đầm Đùn này.$pageOut$pageInSau một thời gian dài dang dở vì việc đánh máy lại toàn cuốn Trại Đầm Đùn thành Text rất tốn thì giờ, cho nên nay LTC xin post nguyên cuốn Trại Đầm Đùn dưới dạng scan image để bạn đọc theo dõi trung thực nguyên bản sách in thuở đầu 1969





==> Download PDF book
[Mediafire, good quality, 108 MB]


$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut$pageIn
$pageOut


Xin đọc các Phần tiếp theo ==>

.







No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...