. .

Friday, June 17, 2011

Trung Quốc : Chính sách duy trì ổn định bằng vũ lực bị phá sản - Lê Phước RFI

Trung Quốc : Chính sách duy trì ổn định bằng vũ lực bị phá sản
Một tòa nhà chính phủ tại Tăng Thành, Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông bị hư hại trong cuộc đụng độ giữa người dân với công an. Ảnh chụp ngày 14/6/11.
Một tòa nhà chính phủ tại Tăng Thành, Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông bị hư hại trong cuộc đụng độ giữa người dân với công an. Ảnh chụp ngày 14/6/11.
REUTERS/Staff

Lê Phước
Báo giới mấy ngày qua liên tiếp thông tin về thực trạng đáng lo đối với chính phủ Trung Quốc, đó là ngày càng có nhiều vụ người dân tấn công trụ sở chính quyền. Các tờ báo đều cảnh báo nước này đang đối mặt với nguy cơ bạo động xã hội cao. Le Monde hôm nay đặc biệt đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng này với bài xã luận trên trang nhất : « Mô hình Trung Quốc đang mâu thuẫn với chính mình ».

Thời gian gần đây, xã hội Trung Quốc ngày càng sôi sục với hàng loạt các vụ nổi dậy của người dân. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên trong một xã hội gần một tỷ rưỡi người, trước sự biến đổi nhanh chóng của xã hội nước này từ 30 năm nay. Trong xã hội đó, người dân không thể hoàn toàn thu động. Và tại Trung Quốc, người dân không còn cách nào để biểu thị ý chí ngoài phương cách sử dụng sức mạnh tập thể.
Hiện tượng trên cho thấy những hạn chế của mô hình duy trì ổn định mà Bắc Kinh theo đuổi từ bấy lâu nay. Tác giả đưa ra các yếu tố tạo nên sự căng thẳng trong xã hội hiện tại.

Thứ nhất là sự vỡ mộng thành đô của các lao động nhập cư từ tỉnh lẻ. Cuộc sống quá khắc khổ và bất công buộc họ phải nổi dậy. Kế đến là sự lớn mạnh của giới trung lưu trẻ ở thành phố. Họ được học hành tới nơi tới chốn, được tiếp cận thông tin Internet. Họ ngày càng bất bình trước bất công xã hội, hiện tượng tham nhũng, sự lộng hành của các lực lượng an ninh. Họ lo ngại về chất lượng cuộc sống, về môi trường, về sở hữu tư nhân. Kế đến là mặt trái của nền kinh tế tăng trưởng như vũ bão của Trung Quốc. Đó là lạm phát kỷ lục, giá cả leo thang, đời sống đắt đỏ.

Bên cạnh những nguyên nhân kinh tế-xã hội nói trên, còn có hai nguyên nhân chính trị quan trọng. Thứ nhất, đó là việc vào năm 2012 sẽ có thay đổi hơn phân nửa bộ máy lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kể cả ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo. Thứ hai là ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Hoa Nhài.
Trong bối cảnh hiện tại, phe bảo thủ nước này đang chiếm ưu thế với việc bắt bớ nhiều người có tư tưởng đối lập, và tiến hành đàn áp dữ dội. Thế nhưng, theo tình hình thực tế, biện pháp bắt bớ dường như đã không giải quyết được điều gì.
Về phần mình, phe canh tân cũng đang ngẩng cao đầu. Tiếp bước các luật sư tự do đã bị « vô hiệu hóa », các nhà báo trẻ tham gia tranh cử vào các hội đồng địa phương, với quyết tâm cải cách mô hình Trung Quốc từ trong hệ thống. Họ có dũng khí và có cả một đồng minh đủ mạnh, đó là trang Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc.


Mô hình kiểm soát xã hội của Trung Quốc bị khủng hoảng 

Le Monde còn đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng trên đây với bài viết « Mô hình kiểm soát xã hội của Trung Quốc bị khủng hoảng ».
Mở đầu bài báo, tác giả nhận định, lâu nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tự hào về mô hình quản lý hiệu quả của mình thông qua việc ưu tiên duy trì sự ổn định bằng mọi giá, và cũng chính sự ổn định đã giúp cho kinh tế nước này cất cánh. Thế nhưng, hiện tại, mô hình này dường như tỏ ra bất cập trong một xã hội ngày càng được tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, trưởng thành hơn và có nhiều điều kiện cho các cuộc tranh luận hơn.
Bởi thế, dấu hiệu bào mòn của mô hình quản lý trên ngày càng rõ. Gần đây, dân biểu tình ngày càng nhiều, màu sắc bạo lực ngày càng đậm với nhiều cuộc tấn công của người dân vào cơ quan nhà nước, tấn công cảnh sát…
Hiện nay, một bộ phận xã hội, ngay cả trong Đảng cầm quyền cũng đang đấu tranh ủng hộ một cách tiếp cận mới về mô hình « duy trì ổn định » và việc cần thiết phải chấm dứt biện pháp trấn áp. Hồi đầu năm nay, một nhà chính trị học đã thẳng thắn bày tỏ trên một tạp chí chính thống rằng : « Ở những nước khác, việc người dân xuống đường như thế được xem là bình thường bởi nó thuộc quyền tự do của người dân ».

Theo tạp chí Tài Kinh, cơ chế duy trì ổn định tại Trung Quốc được kiểm soát bởi bộ máy chóp bu của Đảng. Các cơ quan địa phương quyết định bản án trong các phiên xử ở tòa án, theo đường lối của đảng. Hệ thống này được củng cố vào năm 1991. Một nhóm được thành lập, với quyền quyết định tối cao về những vấn đề có liên quan đến sự ổn định. Thành phần của tổ chức này luôn được giữ bí mật.

Với đà phát triển của công nghệ, hệ thống này càng ngày càng hiện đại, có đủ phương tiện để đánh giá được các nguy cơ. Một mạng lưới cơ chế thưởng tiền và văn phòng đảm bảo ổn định được thành lập ở tất cả các cấp hành chính. Chẳng hạn như có chính sách thưởng mỗi năm cho việc không để xảy ra bạo động trong dân. Rồi có những công ty ký hợp đồng với chính quyền địa phương về việc chịu trách nhiệm dùng mọi biện pháp đưa người khiếu kiện về nhà, khi những người này đi đến Bắc Kinh kêu oan.

Như vậy, Le Monde nhận định, chính sách duy trì ổn định đã đẩy lùi quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, dù rằng việc xây dựng này nằm trong kế hoạch mở cửa kinh tế. Liên quan đến vấn đề này, Le Monde dẫn lại lời của một giáo sư luật thuộc đại học Bắc Kinh, nhận định, « Trước những năm 2003-2004, đã có những cải cách được đưa ra để củng cố vai trò của các thẩm phán, theo khuynh hướng tăng cường sự độc lập của ngành tư pháp và chuyên nghiệp hóa lĩnh vực này. Thế nhưng, Đảng muốn tái khẳng định quyền kiểm soát đối với ngành tư pháp. Đây là một bước lùi đối với những người theo tư tưởng tự do ».

 -------------------------------------------------------
 Các Tin Khác:

Vụ động đất 11/3 nằm ngoài dự đoán của giới khoa học

Liên quan đến trận động đất ngày 11/3 tại Nhật Bản, Le Figaro mang đến một thông tin khoa học quan trọng với bài thông tin : « Chưa có mô hình nào dự báo được trận động đất 11/3 ».

Trận động đất ngày 11/3, kéo theo sóng thần và thảm họa hạt nhân Fukushima là một trường hợp hết sức đặc biệt. Theo giới khoa học, ở miền đông bắc Nhật Bản vốn đã xảy ra nhiều vụ động đất, nhưng chỉ ở 7 độ Richter. Thậm chí từ năm 1923, chưa có vụ nào đến 7,5 độ Richter. Từ thế kỷ 17, không có một bằng chứng nào cho thấy vùng này có động đất hơn 8,5 độ Richter. Như vậy, không hề có bằng chứng hay dấu hiệu nào cho phép dự báo được một trận động đất đến 9 độ Richter như vừa rồi.

Hệ thống thông tin định vị toàn cầu Nhật Bản (GPS) đã được thành lập hồi năm 1994. Theo hệ thống này, thì Nhật Bản mỗi năm di chuyển 10 cm dưới sức đẩy của mảng Thái Bình Dương. Thế nhưng trong vùng Tohoku, nơi xảy ra sóng thần vừa rồi, không hề có hiện tượng trên, quá trình mảng Thái Bình Dương trượt xuống mảng Á-Âu đã bị hãm lại tại khu vực này. Từ đó, qua thời gian, sức nén tích tụ và cuối cùng đã tung ra như một lò xo. Quá trình này đã không được chú ý.

Khi xảy ra động đất, ở một vài nơi tại Tohoku, đã ghi nhận được sự trượt ngang chồng chéo lên nhau đến hàng chục mét giữa hai mảng địa chất. Trận động đất 11/3 đã giải phóng lực bị dồn nén tích tụ hàng ngàn năm ở Tohoku. Toàn bộ đảo Nhật Bản sẽ dần lùi ra xa bờ biển Trung Quốc, dưới sức đẩy của mảng Thái Bình Dương.

Thế nhưng, còn một vấn đề mà các nhà khoa học chưa giải thích được, đó là nguyên nhân vì sao một vùng hãm lại được hình thành ngoài khơi Tohoku. Vấn đề này cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bởi hiện tại, người ta đã biết được rằng, một vùng hãm nhỏ có thể gây thảm họa nghiêm trọng.


Châu Âu vẫn chưa đồng thuận về Hy Lạp

Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro cho biết « Châu Âu bất lực trong việc ngăn chặn cơn khủng hoảng Hy Lạp ». Cuộc chạy đua với thời gian để cứu Hy Lạp thoát cảnh phá sản đang vào giai đoạn chạy nước rút. Cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế khối đồng tiền chung euro tại Bruxelles hôm qua đã thất bại, tại Athens lại có tổng đình công … hàng loạt tín hiệu tối tăm đã khiến cho chỉ số CAC giảm 1,49% vào hôm qua, đồng euro thì rớt xuống dưới ngưỡng 1,42 đô la.

Ngoài căng thẳng chính trị đang ngự trị tại Hy Lạp, châu Âu đang bế tắc về biện pháp tái tài trợ cho Athens. Đến hiện tại, mọi trông chờ hướng về một thỏa thuận trong cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 23 và 24/6 tới. Thế nhưng, bất đồng có vẻ rất lớn, và khó mà có được thỏa thuận trước ngày 11/7.

Để tránh kịch bản bi quan đó, từ đây đến ngày 23 /6, châu Âu bắt đầu một loạt các cuộc họp quan trọng. Bước đi đầu tiên sẽ diễn ra ở Berlin : chiều nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ gặp ứng cử viên của chức Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, và ngày mai bà sẽ hội kiến với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Hai cuộc gặp này, theo Le Figaro, có tính chất quyết định trong việc « hạ nhiệt » lập trường của Đức. Bước đi kế tiếp sẽ diễn ra từ Chủ nhật.Các bộ trưởng tài chính châu Âu sẽ nhóm họp ở Luxembourg. Cuộc họp đã được dời lên sớm một ngày để nhằm tìm được đồng thuận càng sớm càng tốt.

Le Figaro kết luận : tình hình hiện tại cho thấy, sắp tới sẽ còn nhiều cuộc thương lượng dai dẳng và khó khăn, trong khi đó, mỗi ngày qua đi, Hy Lạp lại chìm càng sâu trong sự rối rắm.


Ngành nông nghiệp Hoa Kỳ vẫn đứng đầu thế giới

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Le Fiagaro cũng mang đến một thông tin thú vị : « Hoa Kỳ luôn thống trị ngành nông nghiệp thế giới ». Nước số 1 thế giới về xuất khẩu đậu nành và bắp, số 1 về sản xuất sữa và thịt bò, thứ 3 về sản xuất lúa mì… với những thành tích đó, Mỹ vẫn luôn là một cường quốc nông nghiệp hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, tỷ trọng ngành nông nghiệp ở các nước phát triển không ngừng sụt giảm. Tại Hoa Kỳ, nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% GDP, trong khi đó năm 1995 con số này là 1,6%. Tại châu Âu, sự sụt giảm còn lớn hơn nhiều. Tỷ lệ nông dân trong đội ngũ lao động xã hội cũng giảm đáng kể. Lượng hàng nông nghiệp trong tổng lượng hàng xuất khẩu cũng ngày càng giảm mạnh.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, điều đó không có nghĩa là ngành nông nghiệp ở các nước nói trên tuột dốc, bởi nhờ vào sự phát triển công nghệ và sự gia tăng qui mô sản xuất, lợi ích nông dân kiếm được ngày càng nhiều. Như ở Mỹ chẳng hạn, trong vòng 15 năm, lượng nông trại có doanh thu trên 500.000 đô la đã tăng hàng chục phần trăm.

Trong tương lai, trên thị trường nông nghiệp thế giới, Le Figaro nhấn mạnh đến vai trò đang lên của các nước mới phát triển, như Câu lạc bộ BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc). Đối với mía đường, ba nước đi đầu là Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ cùng vớiTrung Quốc dẫn đầu về sản xuất lúa nước và lúa mì, còn Brazil và Achentina cạnh tranh với Mỹ trong sản xuất đậu nành.

Đặc biệt, tờ báo nhấn mạnh tiềm năng nông nghiệp trong tương lai của châu Phi. Một chuyên gia nhận định : « Châu Á đã hết đất, châu Âu và Mỹ thì đã sản xuất đã đụng trần. Còn ở châu Mỹ La Tinh, nếu tiếp tục phá rừng để lấy đất canh tác thì sẽ gặp thảm họa sinh thái ». Như vậy chỉ còn có châu Phi, với trữ lượng đất và nước dồi dào, châu lục này có tiềm năng trở thành kho lương thực mới, với khả năng vừa đáp ứng được nhu cầu của mình vừa đảm bảo xuất khẩu.

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...