. .

Monday, March 14, 2011

Một Vì Sao Lạc: PHẠM CÔNG THIỆN

Một Vì Sao Lạc: PHẠM CÔNG THIỆN

Từ trái sang phải: Triết gia Phạm Công Thiện, nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Thầy Nguyên Siêu

Lại một vì sao sáng của nền Văn Học Miền Nam Quốc Gia vừa ra đi: Ông Phạm Công Thiện, hay Đại Đức Thích Nguyên Tánh, được biết đến như một học giả lỗi lạc, nhà nghiên cứu triết học đông tây, một thi sĩ, một giáo sư (Viện Đại Học Vạn Hạnh, số 222, Trương minh Giảng street, Saigon), đã qua đời lúc 6 giờ 30 chiều thứ Ba, 8/3/2011 tại tư gia, Texas, Hoa Kỳ.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ có tổ chức buổi Lễ Tưởng Nhớ trọng thể theo Thư Mời dưới đây



Tại Saigon, Việt Nam, Tu Viện Quảng Hương Già Lam (Nhà Linh ở phía sau Tu Viện) cũng có buổi Lễ Trí Linh cho Học Giả Phạm Công Thiện vào ngày Chủ Nhật, 13/3/2011. Lễ viếng đã và đang diễn ra tại Nhà Linh, Già Lam từ 13/3 đến nay.

 Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Saigon

Nhà Linh (phía sau Tu Viện Già Lam, nơi vừa thiết trí Bài Vị và Di Ảnh Học giả Phạm Công Thiện
Photos by Le Tung Chau

----------------------------

một vài trước tác của GS Phạm Công Thiện, xuất bản ở Saigon thời quốc gia miền Nam 1955 - 1975
-------------

Vài tài liệu về Viện Đại Học Vạn Hạnh
by Lê Tùng Châu


Kỷ yếu Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn
--------------------



  ---------------------


 

 
-------------------
 




---------------------

Danh Mục tác phẩm (chưa đủ)

Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền tông (1964)
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1965)
Trời tháng Tư (1966)
Ngày sanh của rắn (1967)
Im lặng hố thẳm (1967)
Hố thẳm của tư tưởng (1967)
Mặt trời không bao giờ có thực (1967)
Chỉ còn tiếng thơ trên mặt đất - Trở về Rainer Maria Rilke (1969)
Henry Miller (1969)
Bay đi những cơn mưa phùn (1970)
Ý thức bùng vỡ (1970)
Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988)
Sự chuyển động toàn diện của tâm thức trong tư tưởng Phật giáo (1994)
Triết lý Việt Nam về sự vượt biên (1995)
Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc (1996)
Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney (1996)
Làm thế nào để trở thành một bậc bồ tát sáng rực khắp bốn phương trời (1998)
Tinh túy trong sáng của đạo lý Phật giáo (1998)
Trên tất cả đỉnh cao là im lặng (2000)
Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử (2000)
Khai ngôn cho một câu hỏi dễ hiểu: Triết Học Là Gì? (2000)
Đối mặt với 1000 năm cô đơn của Nietzsche (2000)

Dịch phẩm đã xuất bản (chưa đầy đủ):

Jiddu Krishnamurti, Tự do đầu tiên và cuối cùng (1968)
Martin Heidegger, Về thể tính của chân lý (1968)
Martin Heidegger, Triết lý là gì? (1969)
Friedrich Nietzsche, Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (1969)
Nikos Kazantzakis, Rèn luyện tâm thuật huyền linh (1991)
-------------------

GS Phạm Công Thiện: Ra đi An Lạc Trong Thiền Định
(03/11/2011)
(http://www.vietbao.com/D_1-2_2-282_4-171623/)
Lễ Cầu Siêu Tại Chùa Viên Thông, Bellflower, Vào Chủ Nhật, 13-3
Nhà Thơ, Giáo  Sư Phạm Công Thiện tại Tòa Soạn Việt Báo. 
(Hình Việt Báo, chụp vào tháng 11 năm 2009.)

WESTMINSTER (VB) -- Theo Cáo  Bạch của GHPGVNTNHK ngày 9 tháng 3 và Khấp Báo của gia đình ngày 10 tháng 3, Thi Sĩ, Giáo Sư Phạm Công Thiện, Pháp Danh Nguyên Tánh, đã mãn phần vào lúc 6 giờ 30 phút chiều ngày 8 tháng 3 năm 2011 tại tư gia, Thành Phố Houston, Texas, hưởng thọ 71 tuổi.

Theo Wikipedia bản tiếng Việt, và một số tài liệu từ các bài viết về ông trên sách báo và trang mạng, Giáo Sư Phạm Công Thiện sinh ngày 1 tháng 6 năm 1941 tại Mỹ Tho. Ông là một thiên tài về ngôn ngữ học. Ông thông thạo nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, Đức, Phạn, Latinh, Tây Tạng, v.v... Năm 16 tuổi ông đã xuất bản cuốn Tự Điển Anh Ngữ Tinh Âm, và dạy Anh ngữ tại nhiều trường ở Sài Gòn.
Ông sinh ra trong một gia đình Thiên Chúa Giáo rất thuần thành. Nhưng, sau khi theo đạo Phật ông đã chuyển hóa nhiều thân nhân trong gia đình quy y theo Phật. Ông có người em trai cũng quy y với Hòa Thượng Thích Trí Thủ với Pháp Danh là Thích Nguyên Văn, hiện sống tại Úc. Các người con của ông đều quy kính và tin Tam Bảo.
Năm 1963, sau “một cuộc khủng hoảng tinh thần,” theo ông kể, ông đã ra Phật Học Viện Hải Đức tại Nha  Trang xin xuất gia với Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Giám Viện PHV Hải Đức lúc bấy giờ. Ông được Hòa Thượng Thích Trí Thủ ban cho Pháp Danh là Nguyên Tánh. Cũng trong thời gian này ông chuyên tâm nghiên cứu về Phật Học và viết cuốn sách về Phật đầu tiên là “Tiểu Luận Về Bồ Đề Đạt Ma,” năm 22 tuổi.

Năm 1966, Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn, mời ông về dạy và giúp phát triển hệ thống giáo dục cao cấp đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam. Về Vạn Hạnh, ông đảm nhiệm chức vụ Giám Đốc Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy cho tất cả các  Phân Khoa của Vạn Hạnh, từ năm 1966 tới năm 1970. Và cũng thời gian này ông đảm nhận chức vụ Khoa Trưởng Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn của Vạn Hạnh. Ông cũng là một trong những vị sáng lập và chủ trương Tạp Chí Tư Tưởng của  Đại Học Vạn Hạnh, tờ báo đã trở thành biểu tượng tri thức sáng chói một thời của Miền Nam trước năm 1975.

Năm 1970, ông rời Việt Nam và sống tại các nước Israel, Đức rồi Pháp. Thời gian này ông tốt nghiệp Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Sorbonne ở Pháp. Sau đó làm giảng sư thực thụ về Triết Học Tây Phượng tại Đại Học Toulouse ở Pháp. Và cũng trong thời gian này ông lập gia đình.

Năm 1983, Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Trú Trì Chùa Việt Nam, Los Angeles, bảo lãnh ông sang Mỹ. Tại đây ông giảng dạy Phật Học tại Trường Đại Học Đông Phương và nhiều Học Viện Phật Giáo khác tại California, Hoa Kỳ.

Năm 1996, ông được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Văn Phòng II  Viện Hóa Đạo, thỉnh cử vào chức vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa.

Từ năm 2005 đến nay, ông dời về sống tại Thành Phố Houston, Texas. Thỉnh thoảng ông sang Nam California để nhập thất tại  Chùa Viên Thông, Thành Phố Bellflower.
Những năm sau này ông chuyên viết về Phật Học.

Ông tham gia vào sinh hoạt văn học rất sớm. Trước khi rời Việt Nam sang Tây, ông đã cộng tác với các báo Bông Lúa, Phổ Thông, Bách Khoa, Văn,  Giữ Thơm Quê Mẹ, v.v...
Tại hải ngoại ông đã cộng tác và có bài đăng trên nhiều báo chí như Người Việt, Việt Báo, Thế Kỷ 21, v.v...

Theo lời kể của nhà thơ Lê Giang Trần, người ở kề cận  khi ông qua đời, rằng ông đã biết trước giờ ra đi, nên đã dặn dò mọi việc, rồi sau đó vào thiền định, trì chú và xả bỏ báo thân vào lúc 6 giờ 30 phút chiều ngày 8 tháng 3 năm 2011.

Những tác phẩm của ông gồm có:

* Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền tông (1964),
* Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1965),
* Ngày sinh của rắn (1967),
* Trời tháng Tư (1966),
* Im lặng hố thẳm (1967),
* Hố thẳm của tư tưởng (1967),
* Mặt Trời không bao giờ có thực (1967),
* Bay đi những cơn Mưa Phùn (1970),
* Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988),
* Sự chuyển động toàn diện của tâm thức trong tư tưởng Phật Giáo (1994),
* Triết lý Việt Nam về sự vượt biên (1995),
* Làm thế nào để trở thành một bậc Bồ Tát,
* Sáng rực khắp bốn phương Trời (1998),
* Tinh tuý trong sáng của đạo lý Phật Giáo (1998),
* Trên tất cả đỉnh cao là Im Lặng,
* Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử,
* Khai ngôn cho một câu hỏi dễ hiểu: Triết học là gì?,
* Đối mặt với 1000 năm cô đơn của Nietzche.

Ông cũng đã dịch một số tác phẩm như:

* Jiddu Krishnamurti, Tự do đầu tiên và cuối cùng (1968),
* Martin Heidegger, Về thể tính của chân lý (1968),
* Martin Heidegger, Triết lý là gì? (1969),
* Friedrich Nietzsche, Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (1969),
* Nikos Kazantzakis, Rèn luyện tâm thuật huyền linh (1991), v.v...

Theo Khấp Báo của gia đình, Tang Lễ của Giáo Sư Phạm Công Thiện diễn ra như sau:
Tang Lễ sẽ được thực hiện tại nhà quàn Thiện Tâm
Garden Oaks Funeral Home
13430 Bellaire Blvd,
Houston, Texas 77083 (713) 679 – 0111
- Lễ Nhập Liệm lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy ngày 12/3/2011
- Lễ Hoả táng lúc 1:30 chiều Chủ Nhật ngày 13/3/2011.
Thay mặt Tang quyến thành kính khấp báo
Phạm Phong Sương
Điện thoại liên lạc: (281) 292 - 7489 hay (714) 757 - 6434.

Tại Nam Cali, một buổi lễ cầu siêu cho Giáo Sư Phạm Công Thiện sẽ được tổ chức vào lúc 11 sáng Chủ Nhật, ngày 13 tháng 3 năm 2011, tại Chùa Viên Thông, 15933 Clark Avenue, Bellflower, CA 90706. Tel. (562) 867-8929.
-------

Từ Biệt Một Nhà Thơ
(03/13/2011)
Trần Khải

Thế gian hằng như mộng... Đời người chỉ trong vòng một thế kỷ rồi biến dạng hẳn, như tia chớp tới rồi đi, như bọt nước hiện ra rồi tan vỡ, như hơi thở không biết từ đâu tới và cũng không biết sẽ tan biến về đâu.

Trong cõi mỏng manh như thế, thi sĩ là người thâm cảm được những cơn lạnh hư vô từ xương tủy, và rồi chữ viết ghi lại sẽ làm buốt giá những trang giấy cho đời sau. Nhà thơ Phạm Công Thiện là một người như thế -- sau những thời tuổi trẻ sôi nổi trong Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học, rồi một thời trung niên đi giữa những quán xá và các sân chùa hải ngoại, và rồi tới một thời lặng lẽ của những tháng, những năm nhập thất tại Chùa Viên Thông ở Long Beach, qua đó để lại những trang giấy thi ca lặng lẽ trước khi từ biệt vào cõi vô cùng.

Nhà thơ Phạm Công Thiện đã từ trần ngày 8-3-2011 tại Houston, Texas, thọ 71 tuổi. Theo lời kể qua điện thoại của nhà thơ Lê Giang Trần, GS Phạm Công Thiện đã dặn dò một số việc trước, rồi trì một khóa thần chú, nhập định và ra đi nhẹ nhàng.

Mọi chuyện có lẽ không chỉ là dặn dò mới vài ngày trước, như Lê Giang Trần kể lại. Nhà thơ Phạm Công Thiện như dường đã dặn dò từ nhiều năm trước, qua tập thơ nhan đề “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im.” Nơi đó, những dòng thơ hiu hắt như những làn gió chiều của hư vô.

Trong bản in năm 2000, do nhà xuất bản Viên Thông ở California, trong Lời Mở Đầu, nhà thơ Phạm Công Thiện v iết, “Tôi đã bỏ quên đâu mất rất nhiều bài thơ của mình trên 35 năm lang thang lưu lạc khắp thế giới; tập thơ này chỉ còn lại những gì vẫn còn lại với sự Lặng Im hiu hắt nào đó trên cao...” (trang 6).
Đó cũng là số phận chung của đời người, của nhân loại: lang thang, lưu lạc, chỉ còn lại sự Lặng Im hiu hắt...

Như bài thơ “Cuốc”:

Cuốc kêu đầu xương rồng
Dương xỉ rụng trăng rằm
Vỗ mạnh vào thạch động
Rồi lui mất biệt tăm. (trang 8)

Đó là định mệnh người thi sĩ, mở miệng kêu, trăng rằm rụng, và rồi chàng lui mất biệt tăm...
Nhưng đâu có phải là biệt tăm hẳn. Lời đã kêu lên, chữ đã viết xuống... Khi “ông già cô độc ngồi đọc Kim Cương” sẽ tất nhiên có lúc thấy được “Nhật nguyệt lang thang thiên di ngàỳ tháng.” (trang 70)
Do vậy, như dường nhà thơ Phạm Công Thiện đã tiên tri tới những ngày khi cõi đất tàn phai, như bài “Ứng hiện”:

Thất bại giữa đời này
Chết sáng ngời trên cao
Bông tàn phai cõi đất
Mọc lại giữa trăng sao.(trang 71)

Thi sĩ cũng như Thiền sư, đều phảỉ qua những cơn chết lớn, như bông tàn phai cõi đất mới thực sự thấy mình ứng hiện trên cao.
Sau này, nghe nói trong lần tái bản tập thơ “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im” tại Sài Gòn, có thêm phần Lời Dẫn của nhà sư thi sĩ Tuệ Sỹ.

Theo trang nhà Phật Giáo Hoavouu.com, Thầy Tuệ Sỹ viết Lời Dẫn trích như sau:
“Anh đã ra đi từ đó, từ thời buổi hỗn mang. Trong từng khoảnh khắc sát na, từng quãng liên tục vi tế của hạt bụi, anh từ chối chính mình. Khi mọi người ca tụng anh như một thiên tài, anh vất bỏ thần tượng để đi như một tên lãng tử vô lại. Khi người đời khinh miệt, khi những người thân yêu thù ghét, căm hận, anh đốt lửa soi đường độc hành bằng ánh sao Mai lẻ loi...
...Có gì trong những bước đi, và còn gì trong những bước đi? Chỉ một khoảng ngắn cần vượt qua, khoảng ngắn được đo bằng chính tự ngã của ta. Anh nhảy qua hố thẳm. Hố thẳm như là, vì chính là, ý hướng tính của ta phóng xuất ra đó; bóng tối của thời gian tích tụ ảo ảnh ngông cuồng của tuổi trẻ. Anh nhảy qua hố thẳm, nhảy qua cái bóng của chính mình. Những bước nhảy vẽ thành chuỗi thất bại liên tục trong đời, trong dòng tương tục vô hạn của thời gian, lan tràn qua biên độ vô biên của thế giới:

Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều

Cái đã đi, một cái gì đó vô nhân, vô ngã, đã đi qua trong tôi, trong người, trong đâu đó, hữu biên và vô biên, hữu hạn và vô hạn; cái đã đi ấy chưa hề được thực hiện, chưa hề được đi. Khoảnh khắc đột nhiên ngừng lại. Quá khứ biến mất. Cái đã đi, cái tôi nào đó đã đi, con đường nào đó đã được đi, ngày tháng nào đó đã trải đi; thời gian và thế gian ngưng tụ, ngưng đọng. Không quá khứ; phóng ảnh vị lai chợt dừng lại, như bị đẩy lùi lại sau, đẩy lui vào quá khứ, rồi biến mất...
...Hết thảy hiện tượng thảy đều thanh tịnh, tự tánh xuất hiện trong hư không pháp tánh...
...Như huyễn tượng, như chiêm bao, như thành phố giữa hư không, cũng vậy, những gì xuất hiện, tồn tại, rồi hủy hoại.

Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời.”(hết trích)

Như thế, có phải nhà thơ Phạm Công Thiện đã hóa thân trở thành giải lụa trắng đong đưa giữa trời? Nhưng, có phải giảỉ lụa trắng cũng vẫn như huyễn tượng, như chiêm bao?
Không, đây không phải là hư vô. Tuy là huyễn tượng, tuy là chiêm bao, tuy là một bước nhảy vọt để rồi biến mất... vẫn không phải là hư vô.
Chính nơi đây, Kinh Lăng Già mới viết rằng khi thâý thế gian này như huyễn, bấy giờ dấy lên lòng thương xót cho mọi người, bấy giờ tâm đạị bi mới sinh khởi, Tâm Bồ Đề mới khởi dậy.

Nhà thơ Phạm Công Thiện trong một bài rất dài, nhan đề “Lên Đường” nơi trang 104-108, đã viết, trích:

Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy cúng dường
Lôi bồ đề tâm dậy
Chấn động khắp mười phương...
*
Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy đaị dương
Lôi bồ đề tâm dậy
Sấm sét nổ mười phương...

Trong một bài viết năm 1988, nhan đề “Một Buổi Sáng Đọc Thơ Tuệ Sỹ,” nhà thơ Phạm Công Thiện đã viết về thiền sư Tuệ Sỹ, nhưng cũng như dường viết cho chính bản thân mình:
“...thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim đi từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của Tính Mệnh Quê Hương.”

Và để trân trọng gửi lời từ biệt nhà thơ Phạm Công Thiện, bài viết này xin khép lại bằng cách chép lại bốn dòng (đọc nghe như lờì dặn dò của nhà thơ họ Phạm từ những thập niên trước) nơi trang 152 của tập “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im”:

Nhảy thẳng vào sự việc
Chẳng có gì đáng tiếc
Sự việc lớn lao nhất
Là hiện tiền tịch diệt.

-----------------------------------
Hành Trạng:

[Theo lời một thành viên gia đình, ông Phạm Công Thiện dường như biết trước thời điểm “sẽ đi,” và trong ngày cuối cùng của cuộc đời, ông dặn gia đình “không làm tang lễ rườm rà, chỉ hỏa thiêu.”

Chiều cùng ngày, vẫn theo lời gia đình, ông thấy “mệt dần, bắt đầu nhập định, và ra đi nhẹ nhàng.”]

Ông tên thật là Phạm Công Thiện, thời trẻ còn có bút hiệu Hoàng Thu Uyên cho các tác phẩm dịch, sinh ngày 1 tháng 6 năm 1941 tại Mỹ Tho trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Từ tuổi thiếu niên ông đã nổi tiếng thần đồng về ngôn ngữ, năm 15 tuổi đã đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tiếng Sancrit và tiếng La Tinh.

Năm 1957, 16 tuổi, ông xuất bản cuốn tự điển Anh Ngữ Tinh Âm, nhưng từ vài năm trước đó cho đến khi rời Việt Nam vào năm 1970, ông đã cộng tác với các báo Bông Lúa, Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ. Từ những năm cuối thập niên 1950 ông đi dạy Anh ngữ tại một số trường tại Sài Gòn.

Ðầu năm 1964, ông chuyển ra Nha Trang sống để an dưỡng sau một cuộc “khủng hoảng tinh thần.” Tại đây ông quy y ở chùa Hải Ðức, lấy pháp danh Nguyên Tánh. Một thời gian sau ông lại về Sài Gòn.

Từ năm 1966-1968, ông là giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa viện Ðại Học Vạn Hạnh. Từ năm 1968-1970, giữ chức trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.

Ông rời Việt Nam từ năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Ðức, rồi sống lâu dài tại Pháp. Tại đây ông trút áo cà sa để lấy vợ và sau đó làm giáo sư Triết học Tây phương của viện Ðại Học Toulouse.

Năm 1983, ông sang Hoa Kỳ, định cư ở Los Angeles, giữ chức giáo sư viện Phật Giáo College of Buddhist Studies. Từ khoảng năm 2005, ông sang cư ngụ tại Houston, tiểu bang Texas cho đến ngày ông qua đời.

Giữa thập niên 1960, Giáo Sư Phạm Công Thiện bắt đầu nổi tiếng với các tác phẩm xuất bản tại Sài Gòn, mà cuốn đầu tiên gây chú ý nhiều cho giới văn nghệ và thanh niên sinh viên là Ý Thức Mới Trong Văn nghệ và Triết Học (1965), rồi đến Im Lặng Hố Thẳm (1967), Hố Thẳm Của Tư Tưởng (1967), Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực (1967). Về tôn giáo có “Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma, Tổ sư Thiền Tông” (1964), thơ thì có “Ngày sinh của rắn” (1967), các tác phẩm văn học thiên về tư tưởng: “Trời tháng Tư” (1966), “Bay đi những cơn mưa phùn” (1970). Tất cả các tác phẩm này đều do hai nhà An Tiêm và Lá Bối tại Sài Gòn ấn hành.
Tại hải ngoại ông đã xuất bản khoảng mười tác phẩm, hầu hết trong thập niên 1990, như Ði Cho Hết Một Ðêm Hoang Vu Trên Mặt Ðất (1988), Sự Chuyển Ðộng Toàn Diện Của Tâm Thức Trong Tư Tưởng Phật Giáo (1994), Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên (1995), Tinh Túy Trong Sáng Của Ðạo Lý Phật Giáo (1998), v.v... Ông cũng đóng góp nhiều cho báo chí, chẳng hạn viết cho tạp chí Thế Kỷ 21, nhật báo Người Việt. Có thể nói, tác phẩm cuối cùng của ông là bài viết cho Giai Phẩm Xuân Người Việt Tân Mão 2011.

Thượng Tọa Thích Viên Lý, viện chủ Chùa Ðiều Ngự, California, người từng nhiều năm cư ngụ cùng Phạm Công Thiện tại chùa Diệu Pháp, nói rằng cư sĩ Phạm Công Thiện đã “đóng góp rất lớn về mặt văn hóa đối với Việt Nam,” và luôn “mong Phật Giáo Việt Nam được xiển dương một cách đúng mức.”

Từ khi còn rất trẻ cho đến cuối đời, Phạm Công Thiện đã đóng góp rất nhiều cho văn hóa Việt Nam về các phương diện ngôn ngữ, thơ, văn và đặc biệt về tư tưởng triết học. Ðối với Phật Giáo ông cũng là người có công lớn với các công trình nghiên cứu Phật học, và đặc biệt, đã góp nhiều công sức xây dựng viện Ðại Học Phật Giáo Việt Nam đầu tiên Vạn Hạnh tại Sài Gòn từ năm 1966, trong đó có tập san Tư Tưởng là cơ quan ngôn luận phát huy tư tưởng Phật Giáo quan trọng vào bậc nhất của Việt Nam thời cận đại. 
-----------------------------------------------------

Giã từ nhà thơ triết học Phạm Công Thiện
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2011-03-12

Chương trình VHNT hôm nay Mặc Lâm xin chuyển một tin buồn đến với quý vị đó là nhà thơ, nhà nghiên cứu triết học và là một giảng sư về Thiền tông Phạm Công Thiện vừa qua đời hôm 8/3/2011 tại Thành Phố Houston, Texas, hưởng thọ 71 tuổi.

Nói đến Phạm Công Thiện độc giả trẻ trong nước có lẽ nhiều người không biết về ông, nhưng thế hệ lớn lên vào thập niên 60 nhất là các sinh viên đại học hình như không ai là không biết tên ông qua những tài năng mà ông thể hiện trong các tác phẩm được xem là khai mở một vùng đất hoang sơ chưa ai khai phá trong hoàn cảnh chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ. Mời quý vị theo dõi sau đây.

Thần đồng ngôn ngữ, triết học

pham-cong-thien-200.jpg
Nhà thơ Phạm Công Thiện. Photo courtesy of wikivietlit. 
Phạm Công Thiện sinh năm 1941 tại Mỹ Tho. Học vấn của ông là cả một bí ẩn. Tuy chưa bao giờ có một mảnh bằng tú tài trong tay nhưng ông đã được nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới mời giảng dạy trong đó có trường đại học Yale của Mỹ và Sorbonne của Pháp.


Ở lứa tuổi chưa tới 16, ông đã trở thành cộng tác viên trẻ nhất của tạp chí Bách Khoa. Năm 15 tuổi, ông đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tiếng Phạn và tiếng La Tinh. Tất cả những điều này đều được chứng nhận qua các vị học giả và các chuyên gia ngôn ngữ học của nhiều trường đại học.
Ngoại ngữ là một chìa khóa giúp ông mở nhiều cánh cửa triết học Tây phương để ông thai nghén và cho ra đời tác phẩm “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” được ông viết khi chưa tới 19 tuổi. Tác phẩm này đã đưa tên tuổi ông trở thành một hiện tượng mà thời gian ấy người ta gọi là thần đồng triết học của Việt Nam.

Nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Khởi Hành, người theo sát với Phạm Công Thiện từ những năm đầu tiên khi ông xuất hiện cho biết những năm đầu khi ông nổi tiếng tại Việt Nam:

“Thật ra Phạm Công Thiện nổi tiếng trước khi đi ngoại quốc. Theo như tôi nhớ Phạm Công Thiện được Hòa thượng Thích Minh Châu cử đi du học vào năm 1969 vì Phạm Công Thiện đã nổi tiếng từ năm 1965! Phạm Công Thiện nổi tiếng từ cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”, cuốn này in năm 1965 tức là 4 năm trước khi ông ra nước ngoài.
Tôi còn nhớ khi ra cuốn sách thì tôi đã có dịp làm việc với Phạm Công Thiện vài tháng vào năm 1964 khi nhà thơ Nguyễn Vỹ xuất bản nhật báo Dân Ta. Trước đó nhà thơ Nguyễn Vỹ xuất bản tạp chí Phổ Thông thì Thiện đã viết trên Phổ Thông rồi. Khi tờ Dân Ta ra đời thì Nguyễn Vỹ nhờ Phạm Công Thiện về cộng tác lúc đó thì chúng tôi gặp nhau.”

Một kỳ tích thứ hai của ông là năm 18 tuổi, Phạm Công Thiện được mời giữ chức giảng viên môn Triết học của Viện Đại học Vạn Hạnh. Sau đó không lâu ông phụ trách soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa viện Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1968 - 1970, giữ chức trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.

Khai phá Thiền Tông Phật giáo

Thật ra tác phẩm quan trọng nhất của ông là tập tiểu luận mang tên “Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền tông”. Tác phẩm này thật sự mở một cánh cửa cho Phật giáo Việt Nam khai phá mảnh đất Thiền Tông lúc bấy giờ còn quá mới mẻ đối với người Việt, với hơn 80% theo Phật Giáo.

Nhà văn Viên Linh nói về tác động của tác phẩm này đối với Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ:

“Một trong những tác phẩm song song với “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” là cuốn “Bồ Đề Lạt Ma, tổ sư của Thiền Tông” in năm 1964. Phật giáo sau khi thay đổi chế độ thì phong trào Thiền Tông lan tràn khắp nơi từ người lớn cho tới người trẻ. Phạm Công Thiện tôi gọi là nhóm Vạn Hạnh, hay là những trí thức trẻ xuất gia, mà lớp đi tu trẻ lúc ấy thì gồm có Phạm Công Thiện, Tuệ Sĩ, Chơn Phát, Nguyễn Hữu Hiệu, Chơn Hạnh, Trần Vân Tiên, Ni cô Trí Hải và Bùi Giáng. Bùi Giáng thì nhiều tuổi hơn cả.
Nhóm này xông vào các tờ báo như tạp chí Tư Tưởng, hay là Giữ Thơm Quê Mẹ của ông Nhất Hạnh, cũng như những nhà xuất bản, dịch thuật nhiều tác phẩm Phật giáo như Hessman Hess hay Suzuki. Trong lớp đó thì Phạm Công Thiện và Tuệ Sĩ là hai người có thể nói là dẫn đầu. tất cả những người này đều rất trẻ lúc ấy chỉ khoảng 24 -25 tuổi đã đóng góp rất nhiều cho văn hóa Phật Giáo Việt Nam thời kỳ đó.


Sau khi cuốn sách đó ra thì nổi lên một phong trào sinh viên đi tìm hiểu những khai phá mới sau một thời gian dài 9 năm dưới chế độ cũ. Khi thay đổi một chế độ thì chế độ kế tiếp người ta đi tìm cái gì phản nghịch lại quá khứ hay mở mang những chân trời mới.


Thiện chỉ là một thành phần trẻ xung kích lúc ấy chứ đầu não của sự thay đổi văn hóa lúc ấy là những bậc thầy ở Đại học Vạn Hạnh. Lúc đầu thì có Thượng tọa Nhất Hạnh, giáo sư Nguyễn Đăng Thục là những người ảnh hưởng nhiều nhất vì trước khi có đại học Vạn Hạnh thì những tờ báo Phật Giáo lúc ấy từ trường Cao đẳng Phật học ra gồm ông Nhất Hạnh, Hòa thượng Thanh Từ, Thanh Kiểm là những bậc thầy của Phật giáo lúc ấy.”

Nhà thơ

Bên cạnh những tác phẩm nặng về tư tưởng Phạm Công Thiện còn làm thơ và tác phẩm nổi tiếng khác của ông là “Ngày Sanh Của Rắn” đã được nhà xuất bản An Tiêm ấn hành lần đầu năm 1966 tại Sài Gòn, tác giả đã từ chối không cho tái bản trong suốt hơn 20 năm sau đó mà không cho biết lý do.

Tập thơ chia làm 12 khúc và khúc thứ 8 có lẽ hay và dễ cảm thụ nhất. Bài này đã được phổ thành ca khúc“Tôi đứng trên đồi mây trổ bông”


Khúc thứ 8

mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông

Nhà thơ Viên Linh thì lại tâm đắc với một bài thơ mới sáng tác sau này của Phạm Công Thiện, tựa bài thơ mang một từ vỏn vẹn là “Đi” mà ông đọc sau đây:

Đã đi rồi đã đi chưa?
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hà phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuẩn hình thiên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn
Đại huyền biến ngưỡng phiêu tôn
Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao
Áng nga nga nặng bạch hào
Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim.

Đây là bài thơ nói về sự ra đi của chính mình của Phạm Công Thiện. Bài thơ này mới in vào năm 2009 trong tập thơ mới nhất của anh tên “Trên đỉnh cao tất cả là im lặng.”

Nhận xét về cá tính của Phạm Công Thiện nhà thơ Viên Linh nói:


“Phạm Công Thiện là người Mỹ Tho trong nhóm bạn trẻ đó đều là người Bắc và Trung nhưng anh có tài và là người đa năng nên được rất nhiều người yêu mến. Phạm Công Thiện là người mang lại sự phát triển cho Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn sau năm 1963.”

Chúng tôi xin mượn lời của nhà thơ nói về mình như một lời từ giã ông, một nhân tài ngôn ngữ, tư tưởng và thi ca Việt Nam:

“Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.” và:

“Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề. Tôi thích đọc những quyển tiểu thuyết khô khan lượm thượm dài dòng, tôi ưa những cánh cửa đóng kín, những hàng rào cao.”

---------------------------------------

bài nên đọc: Nghĩ về nhà thơ Phạm Công Thiện- Phan Tấn Hải

No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...