Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn miền Nam
bài của Viên Linh
NV, Wednesday, June 01, 2011 2:00:33 PM
Tuyệt thực chết trong tù Cộng Sản
I. Trong những nhà văn Việt Nam trưởng thành vào thời kháng Pháp, Nguyễn Mạnh Côn là người từng thực sự cầm súng. Anh ở trong tiểu đoàn đánh trận sông Lô năm 1947.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn (1920-1979). (Ảnh riêng của Viên Linh)
“Bốn ngày ba đêm không nghỉ, không chợp mắt. Nước khe, nước lạnh, hay nước vũng trâu đầm. Cơm, vài dúm gạo rang nhai cho thật kỹ với chút muối trắng (ai vớ được vài nhánh tỏi là người ấy có bữa thịnh soạn!) Bốn ngày ba đêm, chống lại tất cả mọi định luật về sinh lý, chúng tôi vượt 320 cây số, cộng thêm chín trận phục kích. Chúng tôi không đi bằng chân mà đi bằng óc. Chúng tôi mụ người trong sự cố gắng kinh khủng. Cố gắng vì yêu nước, vì thù giặc.” (1)
Trận sông Lô xẩy ra vào tháng 10, 1947, lúc ấy anh 27 tuổi, 6 tháng. Như thế, không biết anh đã nằm xuống bên một bàn đèn thuốc phiện từ lúc nào? Xem lại tiểu sử thấy anh sang Hương Cảng từ lúc 20 tuổi. Như sự mô tả của họa sĩ Tạ Tỵ khi gặp anh vào khoảng 1955-56, thì anh có vẻ đã là người dính líu với Phù Dung từ rất nhiều năm rồi. Trong tám năm, từ một chiến sĩ cầm súng bắn vào pháo đỉnh L.S.T. của Pháp trên dòng sông Lô khoảng 10 cây số dưới bến Ðoan Hùng, tới nhà văn mân mê dọc tẩu trên căn gác gỗ Phú Nhuận, Nguyễn Mạnh Côn đã sống cuộc thăng trầm không những của chia cắt đất nước 1954, về phía người chiến bại, mà còn nổi trôi trong một thời thế mà bạn hóa thù vì chính kiến, những tâm huyết lăn vào việc cứu nước nhưng bị đánh bật khỏi hướng đi hoài vọng vì khác biệt đảng phái. “Lòng hỏi lòng, tôi thấy mình như con ngựa mệt mỏi theo lối mòn kháng chiến quanh co...” (in trên bìa ÐTTVLS.) Có lẽ anh đã cầm lấy dọc tẩu vào cái lúc thấy mình là “con ngựa mệt mỏi” và thấy “lối mòn kháng chiến quanh co,” cái lúc ấy hẳn là lúc Việt Minh truy kích đảng viên các đảng phái quốc gia, nhất là Quốc Dân đảng, vào năm 1947 đánh bạt họ qua Tầu.
Dù thế nào, Nguyễn Mạnh Côn vẫn theo sát các biến động của thời thế, sau khi về thành và sau khi vào Nam. Việt Cộng là kẻ thù của anh, anh theo dõi họ không ngừng. Con người, cuộc sống, sự suy nghĩ của anh không bao giờ xa chính trị.
Lý luận của anh sắc bén, văn chương của anh là vũ khí, cộng sản không thể dùng lý luận với anh, họ dùng gông cùm. Mai Thảo viết: “...những tác phẩm của Nguyễn Mạnh Côn, từ Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử tới Hòa Bình Nghĩ Gì Làm Gì? đã là những lưỡi mác xung kích cực kỳ sắc nhọn phóng vào thành trì ý thức hệ cộng sản suốt hai mươi năm đấu tranh văn học giữa hai miền và là những tác phẩm chủ yếu của Văn Học Quốc Gia Việt Nam từ chia cắt Nam Bắc 1954 tới sụp đổ miền Nam 1975. Kích thước mỗi tác phẩm Nguyễn Mạnh Côn lớn lao ở đó. Mỗi tác phẩm anh là một trận đánh lớn, từ trận tuyến văn học chúng ta đánh tới kẻ thù. Trên cái nghĩa toàn phần của danh từ, anh là một danh tướng, một chiến sĩ cầm bút lẫy lừng của trận tuyến văn học miền Nam, niềm vinh dự chung của Miền Nam Văn Học. (2)
II. Cầm bản thảo của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn trên tay, người đọc biết ngay tác giả những dòng chữ trước mắt là một người vô cùng thận trọng với chữ nghĩa. Anh viết ngay hàng, thẳng lối, rõ từng con chữ một, trang nào như trang nấy. Anh viết trên thếp giấy có kẻ dòng. Không cần đếm, người ta có thể áng chừng không sai bao nhiêu, nếu trang trước anh viết được một nghìn chữ, thì trang sau cũng lối một nghìn chữ. Anh là người có thể biết rõ bài anh viết, khi in ra, nếu là cho một cuốn sách, sẽ in được bao nhiêu trang. Cũng bài ấy nếu đọc trên đài phát thanh, sẽ đọc được bao nhiêu phút. Những nét chữ gẫy gọn, những dòng chữ đều đặn, và chỗ nào chấm, chỗ nào chấm phẩy, chỗ nào chấm xuống dòng, vô cùng rõ rệt và chuẩn xác, về phương diện chính tả, văn phạm.
Ðọc văn anh, có thể mường tượng ra cách anh nói chuyện. Nguyễn Mạnh Côn là người khúc chiết, rành mạch, không ai có thể hiểu lầm câu văn anh, vì anh không viết ra những gì còn mơ hồ. Anh là nhà văn không thể nào làm thơ. Anh là nhà văn của luận thuyết và lý thuyết. Lý thuyết chứ không phải triết lý. Nếu anh có viết truyện tình, mà anh lại hay viết truyện tình, thì đó nhất định không phải là một truyện tình thơ mộng kiểu Nhất Linh hay Khái Hưng. Phong thái nhà văn Nguyễn Mạnh Côn là phong thái một nhà văn lập thuyết để cải tạo xã hội, và luôn luôn nhìn nhận sự yếu đuối, lầm lạc của mình. Anh muốn đem bản thân mình ra làm bài học cho lớp đi sau. Anh không phải là người có thể nói “hãy theo gương tôi.” Anh là người vẫn nói: “Hãy tránh những lỗi lầm của tôi.”
Anh viết lời mở đầu cho một truyện của anh: “...tôi vẫn theo đuổi một ước vọng, là làm thế nào cho các bạn thanh niên hiện đại tin chắc rằng tuổi trẻ của chúng tôi chẳng có gì hơn tuổi trẻ của các bạn.”
Không sống với cộng sản, chỉ qua thăm Nga trở về, văn hào André Gide người Pháp, Nobel văn chương 1947, với ý thức của một trí thức, viết những lời cảnh tỉnh trong cuốn Retour De L'U.R.S.S (1936) và Retouches À Mon Retour De L'U.R.S.S (Trở Về Từ Liên Bang Xô Viết, Nhuận Sắc Trở Về Từ Liên Bang Xô Viết Của Tôi.) Nguyễn Mạnh Côn sống với Việt Minh, rồi từ bỏ Việt Cộng, anh đã làm như nhà văn Nam Tư Milovan Djilas, tác giả The New Class (Giai Cấp Mới, 1957), cực lực phê bình cơ cấu và chủ thuyết cộng sản. Trong thời gian làm chủ bút tờ Chỉ Ðạo, anh đã trích dịch và thêm lời dẫn cuốn Giờ Thứ Hai Mươi Lăm của một tác giả Lỗ Ma Ni: .V. Gheorgiu. Những tác phẩm trên của anh làm người ta nghĩ đến những cuốn sách tương tự, của các nhà văn thế giới khác, chỉ xuất bản trước đó trong vòng nhiều lắm là mười năm, đều phơi bày những kiếp nhân sinh vắng bộ mặt người trong các xã hội Cộng Sản. Darkness At Noon (Bóng Tối Giữa Trưa) của nhà văn Hung Gia Lợi Athur Koestler, xuất bản lần đầu năm 1941, (bản Việt ngữ in khoảng 1950); Animal Farm (Trại Súc Vật) và “1984” của nhà văn Anh theo và sau đó chống Xã Hội Chủ Nghĩa George Orwell, xuất bản lần đầu năm 1946 (Ðỗ Khánh Hoan đã dịch ra Việt Ngữ) và cuốn sau năm 1949; Doctor Jhivago của Boris Pasternak (Bác Sĩ Jhivago, Vĩnh Biệt Tình Em, bản Việt văn Nguyễn Hữu Hiệu), xuất bản lần đầu (Anh dịch) năm 1958; hay của một nhà văn Nga khác, Alexander Solzhenitsyn, cuốn One Day In The Life Of Ivan Denisovich, xuất bản lần đầu năm 1963.
Nguyễn Mạnh Côn thuộc dòng văn chương đó, trên mặt ý thức. Hẳn nhiên anh khác họ nơi văn phong. Nguyễn Mạnh Côn không có cái lãng đãng mơ mộng của André Gide hay Boris Pasternak, không có cái khôi hài của George Orwell, không có sự điềm tĩnh tượng đá của Athur Koestler, không có sự can đảm của Alexander Solzhenitsyn (anh tự nhận, xem phần dưới), anh gần với Milovan Djilas. Anh giảng giải viện dẫn nhiều. Sự giảng giải viện dẫn hẳn anh tin là vô cùng cần thiết. Nguyễn Mạnh Côn có mục đích rõ rệt khi cầm lấy cây bút, ngồi trước thếp giấy có kẻ dòng. Tôi còn nhớ anh viết trên thếp giấy màu vàng, đúng như thếp giấy gọi là legal size paper hiện nay ở Mỹ.
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Mạnh Côn có nhiều mặt. Sau thời gian viết lại những kinh nghiệm thanh niên trong chiến dịch Sông Lô và giai đoạn liên hiệp với cộng sản, sau 1959, năm chính phủ Ngô Ðình Diệm đặt các đảng phái Quốc Gia ra ngoài vòng pháp luật (dự luật 10/59) Nguyễn Mạnh Côn viết Kỳ Hoa Tử (1960), truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn (1960). Anh chuyển qua lãnh vực khoa học giả tưởng, là lãnh vực cho tới giờ trong văn chương Việt Nam anh vẫn là người đầu tiên và duy nhất.
Mấy năm sau, anh viết Tình Cao Thượng (1968) nói về dục tình một cách trực tiếp, hơn nữa lại dùng ngôi thứ nhất là nhân vật đàn bà qua hình thức một tập thư Ngọc viết cho Cường: “Vì, như em đã nói với anh, Tư Giỏn làm cho em hoàn toàn thỏa mãn. Cũng in hệt như đối với anh, lúc rung động của y lên đến tột độ thì rung động của em cũng lên đến tột độ...” (Tình Cao Thượng, trang 88) “...trong mọi cuộc giao hoan, chính người đàn ông mới là phương tiện!” (TCT, 104). Anh viết vẫn để giảng giải, không phải để giải trí, dù là viết về một vấn đề dễ sa vào chỗ tầm thường.
III. Tấm hình căn cước của Nguyễn Mạnh Côn tôi có trong tay, phía sau chính anh nắn nót viết kiểu chữ in tên họ của mình. Tôi nghĩ hình chụp vào năm 1956, hay 57, trong quân phục, cổ áo có dấu chiếc lon đã được bóc ra, có lẽ là lon thiếu úy, hay trung úy. Anh là sĩ quan đồng hóa. Phía sau tấm hình viết: 15.3.1920. Hải Dương, Bắc Việt. (Hình như nhằm ngày 7 tháng 4 năm Canh Thân. Sinh quán làng Ðông Hy, phủ Ninh Giang). Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1957. Năm 1975, anh được mới vào Hội Ðồng Giám Khảo Văn Chương Toàn Quốc.
Thuở ấu thơ anh theo mẹ và cha, cách anh viết, “mẹ và cha,” không phải cha mẹ, đi khắp nơi trên đất Bắc. Từ năm 13 tuổi, anh học ở trường tư thục Thăng Long, Hà Nội. Năm 1940, anh vượt biên, tới mãi Hương Cảng. Không ai rõ lý do, song theo một bài anh viết mà tôi được đọc, thì anh Côn hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Ðảng.
Theo một tài liệu khác, năm 19 tuổi anh có cộng tác với báo Ðông Pháp, năm 25 tuổi anh viết báo Thống Nhất, xuất bản ở Hà Nội.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tháng 12, 1945, anh rút lên chiến khu Việt Bắc. Từ đây, cuốn Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử viết dưới bút hiệu Nguyễn Kiên Trung, có thể kể là một giai đoạn hoạt động thực sự ngoài đời của anh, nếu không hoàn toàn giống, thì cũng rất gần với thực tế. Năm 1952, Nguyễn Mạnh Côn trở về Hà Nội, năm sau ra Hải Phòng, dạy học tại thành phố biển này cho đến năm 1955 thì vào Nam. Tại Sài Gòn, trong khi viết văn, có lúc anh xuất bản một tờ tạp chí, lấy tên là Chính Văn, nhưng mệnh yểu. Miền Nam mất ngày 30 tháng 4, 1975, anh bị Hà Nội bắt vào đêm 2 tháng 4, 1976. Tên Nguyễn Mạnh Côn đứng đầu danh sách 44 người sẽ bị bắt sau đó.
Ðúng ba năm trong tù, anh công khai đòi trả tự do, lý luận với quản giáo trại tù Xuyên Mộc, rừng Sa Ác, tỉnh Bà Rịa: “Chính phủ nói là bắt tôi đi học tập ba năm, hôm nay đúng hạn ba năm, tôi yêu cầu chính phủ trả tự do cho tôi.” Anh bị nhốt riêng từ đó.
Sau đó, Nguyễn Mạnh Côn tuyệt thực. Theo tin tức tôi được nghe, anh Nguyễn Mạnh Côn không định tuyệt thực để chết, anh tuyệt thực như một cách tranh đấu bất bạo động. Một nhóm anh em nhà văn trẻ, trong có người tự nhận là đàn em thân tín nhất của anh, nguyện với nhau sẽ sát cánh với anh trong cuộc tranh đấu này. Anh sẽ nhịn ăn, song không ai có thể nhịn uống, dù chỉ trong 24 giờ. Người anh em trẻ đó đã đi báo quản giáo chương trình tranh đấu của Nguyễn Mạnh Côn, và các nhân sự huynh đệ của anh trong cuộc tranh đấu. Tất cả bị cô lập. Nguyễn Mạnh Côn trút hơi thở cuối cùng tại trại tù này, vào ngày 1 tháng 6 năm 1979. Anh sống 59 năm 2 tháng 15 ngày.
-----
Chú thích:
1. Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử, trang 96-97, Nguyễn Ðình Vượng xuất bản, 1958.
2. Mai Thảo, Vĩnh Biệt anh Nguyễn Mạnh Côn, Thời Tập, Washington, D.C., số 4, tháng 12.1979, trang 18.
-
bài của Viên Linh
NV, Wednesday, June 01, 2011 2:00:33 PM
Tuyệt thực chết trong tù Cộng Sản
I. Trong những nhà văn Việt Nam trưởng thành vào thời kháng Pháp, Nguyễn Mạnh Côn là người từng thực sự cầm súng. Anh ở trong tiểu đoàn đánh trận sông Lô năm 1947.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn (1920-1979). (Ảnh riêng của Viên Linh)
“Bốn ngày ba đêm không nghỉ, không chợp mắt. Nước khe, nước lạnh, hay nước vũng trâu đầm. Cơm, vài dúm gạo rang nhai cho thật kỹ với chút muối trắng (ai vớ được vài nhánh tỏi là người ấy có bữa thịnh soạn!) Bốn ngày ba đêm, chống lại tất cả mọi định luật về sinh lý, chúng tôi vượt 320 cây số, cộng thêm chín trận phục kích. Chúng tôi không đi bằng chân mà đi bằng óc. Chúng tôi mụ người trong sự cố gắng kinh khủng. Cố gắng vì yêu nước, vì thù giặc.” (1)
Trận sông Lô xẩy ra vào tháng 10, 1947, lúc ấy anh 27 tuổi, 6 tháng. Như thế, không biết anh đã nằm xuống bên một bàn đèn thuốc phiện từ lúc nào? Xem lại tiểu sử thấy anh sang Hương Cảng từ lúc 20 tuổi. Như sự mô tả của họa sĩ Tạ Tỵ khi gặp anh vào khoảng 1955-56, thì anh có vẻ đã là người dính líu với Phù Dung từ rất nhiều năm rồi. Trong tám năm, từ một chiến sĩ cầm súng bắn vào pháo đỉnh L.S.T. của Pháp trên dòng sông Lô khoảng 10 cây số dưới bến Ðoan Hùng, tới nhà văn mân mê dọc tẩu trên căn gác gỗ Phú Nhuận, Nguyễn Mạnh Côn đã sống cuộc thăng trầm không những của chia cắt đất nước 1954, về phía người chiến bại, mà còn nổi trôi trong một thời thế mà bạn hóa thù vì chính kiến, những tâm huyết lăn vào việc cứu nước nhưng bị đánh bật khỏi hướng đi hoài vọng vì khác biệt đảng phái. “Lòng hỏi lòng, tôi thấy mình như con ngựa mệt mỏi theo lối mòn kháng chiến quanh co...” (in trên bìa ÐTTVLS.) Có lẽ anh đã cầm lấy dọc tẩu vào cái lúc thấy mình là “con ngựa mệt mỏi” và thấy “lối mòn kháng chiến quanh co,” cái lúc ấy hẳn là lúc Việt Minh truy kích đảng viên các đảng phái quốc gia, nhất là Quốc Dân đảng, vào năm 1947 đánh bạt họ qua Tầu.
Dù thế nào, Nguyễn Mạnh Côn vẫn theo sát các biến động của thời thế, sau khi về thành và sau khi vào Nam. Việt Cộng là kẻ thù của anh, anh theo dõi họ không ngừng. Con người, cuộc sống, sự suy nghĩ của anh không bao giờ xa chính trị.
Lý luận của anh sắc bén, văn chương của anh là vũ khí, cộng sản không thể dùng lý luận với anh, họ dùng gông cùm. Mai Thảo viết: “...những tác phẩm của Nguyễn Mạnh Côn, từ Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử tới Hòa Bình Nghĩ Gì Làm Gì? đã là những lưỡi mác xung kích cực kỳ sắc nhọn phóng vào thành trì ý thức hệ cộng sản suốt hai mươi năm đấu tranh văn học giữa hai miền và là những tác phẩm chủ yếu của Văn Học Quốc Gia Việt Nam từ chia cắt Nam Bắc 1954 tới sụp đổ miền Nam 1975. Kích thước mỗi tác phẩm Nguyễn Mạnh Côn lớn lao ở đó. Mỗi tác phẩm anh là một trận đánh lớn, từ trận tuyến văn học chúng ta đánh tới kẻ thù. Trên cái nghĩa toàn phần của danh từ, anh là một danh tướng, một chiến sĩ cầm bút lẫy lừng của trận tuyến văn học miền Nam, niềm vinh dự chung của Miền Nam Văn Học. (2)
II. Cầm bản thảo của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn trên tay, người đọc biết ngay tác giả những dòng chữ trước mắt là một người vô cùng thận trọng với chữ nghĩa. Anh viết ngay hàng, thẳng lối, rõ từng con chữ một, trang nào như trang nấy. Anh viết trên thếp giấy có kẻ dòng. Không cần đếm, người ta có thể áng chừng không sai bao nhiêu, nếu trang trước anh viết được một nghìn chữ, thì trang sau cũng lối một nghìn chữ. Anh là người có thể biết rõ bài anh viết, khi in ra, nếu là cho một cuốn sách, sẽ in được bao nhiêu trang. Cũng bài ấy nếu đọc trên đài phát thanh, sẽ đọc được bao nhiêu phút. Những nét chữ gẫy gọn, những dòng chữ đều đặn, và chỗ nào chấm, chỗ nào chấm phẩy, chỗ nào chấm xuống dòng, vô cùng rõ rệt và chuẩn xác, về phương diện chính tả, văn phạm.
Ðọc văn anh, có thể mường tượng ra cách anh nói chuyện. Nguyễn Mạnh Côn là người khúc chiết, rành mạch, không ai có thể hiểu lầm câu văn anh, vì anh không viết ra những gì còn mơ hồ. Anh là nhà văn không thể nào làm thơ. Anh là nhà văn của luận thuyết và lý thuyết. Lý thuyết chứ không phải triết lý. Nếu anh có viết truyện tình, mà anh lại hay viết truyện tình, thì đó nhất định không phải là một truyện tình thơ mộng kiểu Nhất Linh hay Khái Hưng. Phong thái nhà văn Nguyễn Mạnh Côn là phong thái một nhà văn lập thuyết để cải tạo xã hội, và luôn luôn nhìn nhận sự yếu đuối, lầm lạc của mình. Anh muốn đem bản thân mình ra làm bài học cho lớp đi sau. Anh không phải là người có thể nói “hãy theo gương tôi.” Anh là người vẫn nói: “Hãy tránh những lỗi lầm của tôi.”
Anh viết lời mở đầu cho một truyện của anh: “...tôi vẫn theo đuổi một ước vọng, là làm thế nào cho các bạn thanh niên hiện đại tin chắc rằng tuổi trẻ của chúng tôi chẳng có gì hơn tuổi trẻ của các bạn.”
Không sống với cộng sản, chỉ qua thăm Nga trở về, văn hào André Gide người Pháp, Nobel văn chương 1947, với ý thức của một trí thức, viết những lời cảnh tỉnh trong cuốn Retour De L'U.R.S.S (1936) và Retouches À Mon Retour De L'U.R.S.S (Trở Về Từ Liên Bang Xô Viết, Nhuận Sắc Trở Về Từ Liên Bang Xô Viết Của Tôi.) Nguyễn Mạnh Côn sống với Việt Minh, rồi từ bỏ Việt Cộng, anh đã làm như nhà văn Nam Tư Milovan Djilas, tác giả The New Class (Giai Cấp Mới, 1957), cực lực phê bình cơ cấu và chủ thuyết cộng sản. Trong thời gian làm chủ bút tờ Chỉ Ðạo, anh đã trích dịch và thêm lời dẫn cuốn Giờ Thứ Hai Mươi Lăm của một tác giả Lỗ Ma Ni: .V. Gheorgiu. Những tác phẩm trên của anh làm người ta nghĩ đến những cuốn sách tương tự, của các nhà văn thế giới khác, chỉ xuất bản trước đó trong vòng nhiều lắm là mười năm, đều phơi bày những kiếp nhân sinh vắng bộ mặt người trong các xã hội Cộng Sản. Darkness At Noon (Bóng Tối Giữa Trưa) của nhà văn Hung Gia Lợi Athur Koestler, xuất bản lần đầu năm 1941, (bản Việt ngữ in khoảng 1950); Animal Farm (Trại Súc Vật) và “1984” của nhà văn Anh theo và sau đó chống Xã Hội Chủ Nghĩa George Orwell, xuất bản lần đầu năm 1946 (Ðỗ Khánh Hoan đã dịch ra Việt Ngữ) và cuốn sau năm 1949; Doctor Jhivago của Boris Pasternak (Bác Sĩ Jhivago, Vĩnh Biệt Tình Em, bản Việt văn Nguyễn Hữu Hiệu), xuất bản lần đầu (Anh dịch) năm 1958; hay của một nhà văn Nga khác, Alexander Solzhenitsyn, cuốn One Day In The Life Of Ivan Denisovich, xuất bản lần đầu năm 1963.
Nguyễn Mạnh Côn thuộc dòng văn chương đó, trên mặt ý thức. Hẳn nhiên anh khác họ nơi văn phong. Nguyễn Mạnh Côn không có cái lãng đãng mơ mộng của André Gide hay Boris Pasternak, không có cái khôi hài của George Orwell, không có sự điềm tĩnh tượng đá của Athur Koestler, không có sự can đảm của Alexander Solzhenitsyn (anh tự nhận, xem phần dưới), anh gần với Milovan Djilas. Anh giảng giải viện dẫn nhiều. Sự giảng giải viện dẫn hẳn anh tin là vô cùng cần thiết. Nguyễn Mạnh Côn có mục đích rõ rệt khi cầm lấy cây bút, ngồi trước thếp giấy có kẻ dòng. Tôi còn nhớ anh viết trên thếp giấy màu vàng, đúng như thếp giấy gọi là legal size paper hiện nay ở Mỹ.
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Mạnh Côn có nhiều mặt. Sau thời gian viết lại những kinh nghiệm thanh niên trong chiến dịch Sông Lô và giai đoạn liên hiệp với cộng sản, sau 1959, năm chính phủ Ngô Ðình Diệm đặt các đảng phái Quốc Gia ra ngoài vòng pháp luật (dự luật 10/59) Nguyễn Mạnh Côn viết Kỳ Hoa Tử (1960), truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn (1960). Anh chuyển qua lãnh vực khoa học giả tưởng, là lãnh vực cho tới giờ trong văn chương Việt Nam anh vẫn là người đầu tiên và duy nhất.
Mấy năm sau, anh viết Tình Cao Thượng (1968) nói về dục tình một cách trực tiếp, hơn nữa lại dùng ngôi thứ nhất là nhân vật đàn bà qua hình thức một tập thư Ngọc viết cho Cường: “Vì, như em đã nói với anh, Tư Giỏn làm cho em hoàn toàn thỏa mãn. Cũng in hệt như đối với anh, lúc rung động của y lên đến tột độ thì rung động của em cũng lên đến tột độ...” (Tình Cao Thượng, trang 88) “...trong mọi cuộc giao hoan, chính người đàn ông mới là phương tiện!” (TCT, 104). Anh viết vẫn để giảng giải, không phải để giải trí, dù là viết về một vấn đề dễ sa vào chỗ tầm thường.
III. Tấm hình căn cước của Nguyễn Mạnh Côn tôi có trong tay, phía sau chính anh nắn nót viết kiểu chữ in tên họ của mình. Tôi nghĩ hình chụp vào năm 1956, hay 57, trong quân phục, cổ áo có dấu chiếc lon đã được bóc ra, có lẽ là lon thiếu úy, hay trung úy. Anh là sĩ quan đồng hóa. Phía sau tấm hình viết: 15.3.1920. Hải Dương, Bắc Việt. (Hình như nhằm ngày 7 tháng 4 năm Canh Thân. Sinh quán làng Ðông Hy, phủ Ninh Giang). Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1957. Năm 1975, anh được mới vào Hội Ðồng Giám Khảo Văn Chương Toàn Quốc.
Thuở ấu thơ anh theo mẹ và cha, cách anh viết, “mẹ và cha,” không phải cha mẹ, đi khắp nơi trên đất Bắc. Từ năm 13 tuổi, anh học ở trường tư thục Thăng Long, Hà Nội. Năm 1940, anh vượt biên, tới mãi Hương Cảng. Không ai rõ lý do, song theo một bài anh viết mà tôi được đọc, thì anh Côn hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Ðảng.
Theo một tài liệu khác, năm 19 tuổi anh có cộng tác với báo Ðông Pháp, năm 25 tuổi anh viết báo Thống Nhất, xuất bản ở Hà Nội.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tháng 12, 1945, anh rút lên chiến khu Việt Bắc. Từ đây, cuốn Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử viết dưới bút hiệu Nguyễn Kiên Trung, có thể kể là một giai đoạn hoạt động thực sự ngoài đời của anh, nếu không hoàn toàn giống, thì cũng rất gần với thực tế. Năm 1952, Nguyễn Mạnh Côn trở về Hà Nội, năm sau ra Hải Phòng, dạy học tại thành phố biển này cho đến năm 1955 thì vào Nam. Tại Sài Gòn, trong khi viết văn, có lúc anh xuất bản một tờ tạp chí, lấy tên là Chính Văn, nhưng mệnh yểu. Miền Nam mất ngày 30 tháng 4, 1975, anh bị Hà Nội bắt vào đêm 2 tháng 4, 1976. Tên Nguyễn Mạnh Côn đứng đầu danh sách 44 người sẽ bị bắt sau đó.
Ðúng ba năm trong tù, anh công khai đòi trả tự do, lý luận với quản giáo trại tù Xuyên Mộc, rừng Sa Ác, tỉnh Bà Rịa: “Chính phủ nói là bắt tôi đi học tập ba năm, hôm nay đúng hạn ba năm, tôi yêu cầu chính phủ trả tự do cho tôi.” Anh bị nhốt riêng từ đó.
Sau đó, Nguyễn Mạnh Côn tuyệt thực. Theo tin tức tôi được nghe, anh Nguyễn Mạnh Côn không định tuyệt thực để chết, anh tuyệt thực như một cách tranh đấu bất bạo động. Một nhóm anh em nhà văn trẻ, trong có người tự nhận là đàn em thân tín nhất của anh, nguyện với nhau sẽ sát cánh với anh trong cuộc tranh đấu này. Anh sẽ nhịn ăn, song không ai có thể nhịn uống, dù chỉ trong 24 giờ. Người anh em trẻ đó đã đi báo quản giáo chương trình tranh đấu của Nguyễn Mạnh Côn, và các nhân sự huynh đệ của anh trong cuộc tranh đấu. Tất cả bị cô lập. Nguyễn Mạnh Côn trút hơi thở cuối cùng tại trại tù này, vào ngày 1 tháng 6 năm 1979. Anh sống 59 năm 2 tháng 15 ngày.
-----
Chú thích:
1. Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử, trang 96-97, Nguyễn Ðình Vượng xuất bản, 1958.
2. Mai Thảo, Vĩnh Biệt anh Nguyễn Mạnh Côn, Thời Tập, Washington, D.C., số 4, tháng 12.1979, trang 18.
-
No comments:
Post a Comment
Enter you comment ...