. .

Tuesday, March 15, 2011

Nhà máy Fukushima với tương lai của điện nguyên tử-Tin Người Việt, Hà Tường Cát (tổng hợp)

Nhà máy Fukushima với tương lai của điện nguyên tử
Hà Tường Cát (tổng hợp), Người Việt, Monday, March 14, 2011 8:03:37 PM

Thêm nhà máy thứ 3 phát nổ


FUKUSHIMA (TH) - Thiên tai sóng thần có thể còn tạo ra thêm một thảm họa khác là tai nạn nguyên tử ở nhà máy điện Fukushima I hay không. Ðó là điều lo sợ mà cho đến nay chưa ai có thể có câu trả lời chắc chắn.
Thiên tai động đất-sóng thần Nhật Bản tác động đến các nhà máy điện nguyên tử Fukushima I và Fukushima II. (Hình: Yamaguchi/AP)



Bị tổn hại vì sóng thần, 11 đơn vị thuộc hai nhà máy Fukushima I và Fukushima II đã phải ngừng hoạt động.
Hôm Thứ Bảy đã xảy ra một vụ nổ ở lò số 1 và ngày Thứ Hai thêm một vụ nổ ở lò số 3. Theo giải thích của các chuyên viên thì đây không phải là nổ trong ruột lò phản ứng kiểu như nổ nguyên tử mà chỉ do hơi và khí hydrogen phát sinh từ hệ thống làm nguội không vận hành điều hòa. Lò số 2 không nổ nhưng tình hình được coi là còn nặng nề hơn.


Vì sao có nóng chảy (meltdown)?
Bên trong mỗi lò phản ứng là những thanh nhiên liệu hạt nhân, có độ phóng xạ cao và nguy hiểm cho con người. Ðể tránh phóng xạ, những thanh này được bọc bên ngoài bằng một hợp kim đặc biệt.
Khi có tai nạn khiến lớp vỏ bị chảy, phóng xạ bên trong bắn ra ngoài, đó là tình trạng “meltdown”.
Các lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima Daiichi thuộc loại “nước sôi” (Boiling Water Reactor) dùng nước tạo thành hơi đồng thời để điều hòa nhiệt độ trong ruột lò. Nhiệt lượng do phản ứng hạt nhân trong lò làm cho nước sôi tạo thành hơi quay turbine của máy phát điện và hơi này được làm nguội thành nước và quay trở lại ruột lò.
Tình trạng gọi là “meltdown” xảy ra khi nước ngập xung quanh lõi của lò phản ứng bị sôi và bốc hơi mà không được nước nguội tiếp tục bơm vào thay thế. Lúc đó các thanh nhiên liệu bị hở và nhiệt độ có thể tăng lên tới 5,000 độ F, vỏ bọc nhiên liệu chảy ra. Nếu vỏ lò bằng thép dày bên ngoài vẫn còn có thể chịu đựng được như trường hợp lò số 1 đã bị nổ mà vỏ lò còn nguyên vẹn thì chất phóng xạ vẫn chưa lọt ra đến mức nguy hại.
Trong lúc này, nếu hệ thống làm nguội không thể sửa chữa được thì phương cách cấp cứu phải dùng là bơm nước biển vào làm ngập hoàn toàn lò phản ứng và sẽ làm cho nhà máy không còn sử dụng được nữa. Nhưng vẫn chưa thể rõ là bằng cách này có ngăn chặn được tình trạng “meltdown” hoàn toàn hay một phần ở lõi lò phản ứng hay không.
Nhà máy Fukushima I (cũng gọi là Fukushima Daiichi), nằm cách Tokyo 150 dặm về hướng Bắc, có 6 đơn vị sản xuất, là một trong những nhà máy điện lớn nhất thế giới với công suất tổng cộng 4.7 tỷ gigawatts. Cách khoảng 8 dặm về phía Nam là Fukushima II.
Khoảng 200,000 dân chúng trong khu vực từ 5 đến 10 dặm xung quanh nhà máy điện Fukushima I đã được di tản. Chính phủ Nhật Bản hôm Thứ Hai đã chính thức yêu cầu sự trợ giúp kỹ thuật của Hoa Kỳ để đối phó với cuộc khủng hoảng ở lò nguyên tử.
Các nhà máy phát điện nguyên tử là đề tài tranh cãi mạnh mẽ trên thế giới. Trên mặt tích cực, loại năng lượng này không bị đe dọa tới một lúc khánh tận như dầu khí, đồng thời không gây ô nhiễm không khí bởi khí carbon. Nhưng mặt khác, tai nạn đã xảy ra ở Chernobyl, Ukraine, hay nhẹ hơn ở Three Mile Island, Pennsylvania, khiến người ta lo sợ về tầm mức nguy hiểm quá rộng lớn của phóng xạ.
Ðiện nguyên tử là một hình thức của nhiệt điện, thay vì đốt than đá, dầu lửa, hay khí đốt để tạo ra hơi thì phản ứng phá vỡ nhân nguyên tử cung cấp năng lượng đó. Nhiên liệu dùng cho các lò phản ứng hạt nhân thông dụng nhất là uranium và để so sánh: 1 kg uranium tinh chế cung cấp nhiệt lượng tương đương 10,000 tấn than đá.
Hiện nay 430 nhà máy nguyên tử cung ứng khoảng 16% nhu cầu điện trên thế giới. Tại Hoa Kỳ, 20% điện do nhà máy nguyên tử nhưng từ 30 năm nay không có thêm nhà máy nào được phép xây dựng và nếu không có gì thay đổi - đặc biệt là nếu vụ khủng hoảng điện nguyên tử ở Nhật cuối cùng không đi đến tai họa - thì chính quyền Obama có thể cho phép phát triển nhà máy điện nguyên tử trở lại.
Pháp là quốc gia có nhiều nhà máy điện nguyên tử nhất thế giới, cung ứng 75% điện lượng dùng trong nước và còn bán cho các nước lân bang mỗi năm khoảng US$20 tỷ. Thụy Sĩ và nhiều nước Ðông Âu cũng dùng nhiều điện sản xuất từ các nhà máy nguyên tử.
Nhật Bản cần tới nhà máy phát điện nguyên tử vì quốc gia này thiếu các nguồn năng lượng từ dầu mỏ đến thủy điện. Một lý do khác là điện nguyên tử giúp giảm tới 75% khí thải carbon dioxide từ nay tới năm 2020 đáp ứng quy định quốc tế.
Khoảng 30% điện năng sử dụng ở Nhật Bản được sản xuất từ 17 nhà máy điện nguyên tử gồm tổng cộng 55 đơn vị, mỗi đơn vị có một lò phản ứng hạt nhân.
Theo tin tức mới nhất, cập nhật tối 14 tháng 3 (giờ California), một vụ nổ thứ ba đã xảy ra tại đơn vị số 2 của nhà máy Fukushima I. Bộ trưởng phủ thủ tướng Yukio Edano nhìn nhận rằng các thanh nhiên liệu nguyên tử (fuel rods) ở 3 lò có vẻ đang bắt đầu chảy (meltdown) trong lúc các nhân viên nỗ lực tìm cách làm nguội chúng.
Vụ nổ tại đơn vị 2 cũng do khí hydrogen trong lúc người ta đang cố gắng bơm nước biển vào để giảm nhiệt lò phản ứng, đồng thời cũng là một giải pháp để giảm thiểu phóng xạ thoát ra tới mức nguy hiểm.

----------------
Tin mới cập nhật:


Khủng hoảng điện nguyên tử Nhật Bản

TOKYO - Thêm một vụ cháy xảy ra hôm Thứ Tư (giờ Nhật Bản nghĩa là chiều Thứ Ba ở California) tại đơn vị số 4 của nhà máy điện nguyên tử Fukushima I. Ngày hôm trước nhà máy này đã một lần cháy có lẽ vì khí hydrogen sinh ra do phản ứng ở vỏ lò bị nóng và bắt lửa từ một nhà máy dầu đang cháy gần đó.
Một nhân viên của Tokyo Electric Power Co (TEPCO) giải thích về vụ cháy lò số 1 của nhà máy điện nguyên tử Fukushima (hình: JIJI PRESS/AFP/Getty Images)



Thủ Tướng Naoto Kan yêu cầu 140,000 dân chúng sống trong khu vực 30 km (18 dặm) cách xa nhà máy điện nguyên tử Fukushima I nên ở trong nhà và đóng các cửa, đừng đi ra ngoài để tránh nguy cơ nhiễm phóng xạ.
Phóng xạ sau hai vụ nổ và cháy ở lò số 2 và 4 có lúc đã tới 800 lần cao hơn mức bình thường, và gió có thể đưa các hơi toát ra ngoài không khí đi xa. Tại Tokyo, mức phóng xạ đo được cao 20 lần hơn bình thường, nhưng chưa phải là nguy hiểm. Tuy nhiên tình trạng này cũng làm dân chúng lo sợ. Một số nhân viên ngoại giao đoàn được di chuyển đi xa hơn về phía Nam thành phố để đề phóng, cũng như các đoàn du lịch được khuyên không nên đến Nhật trong lúc này. Người ta đổ xô đi kiếm mua Iodine, loại thuốc được coi là có khả năng làm giảm tác dụng của phóng xạ.
Máy bay và trực thăng cũng được yêu cầu tránh xa vùng tỉnh Fukushima và các chiến hạm Hoa Kỳ đến trợ giúp công tác cứu trợ nạn nhân sóng thần được chuyển sang bờ biển phía Tây đảo Honshu.
Vụ khủng hoảng nguyên tử đã trở nên trầm trọng hơn từ sáng Thứ Ba khi nhân viên điều hành nhà máy cho biết vụ cháy nổ tại đơn vị 4 làm hổng một khoảng của căn nhà chứa lò phản ứng và hư hại một bộ phận có tên là suppression pool (bể thu hồi), nơi làm hạ nhiệt độ và giữ lại hầu hết cesium, iodine và strontium - các chất có phóng xạ - trong nước nguội. Vụ nổ ở bên trong tòa nhà đặt lò phản ứng số 2 trước đó cũng đã gây hậu quả tương tự.
Nhà máy điện nguyên tử Fukushima I, cũng gọi là Fukushima Dai Ichi, cách Tokyo 150 dặm về phía Bắc, có 6 đơn vị phát điện (6 lò phản ứng hạt nhân). Một loạt những rắc rối kỹ thuật đã xảy ra sau thiên tai sóng thần với nguyên nhân chính ở các hệ thống làm nguội và nhiệt độ trong lò lên quá cao có thể làm các thanh nhiên liệu nguyên tử nóng chảy vì thiếu nước bao quanh. Thêm vào đó là một loạt những vụ nổ và cháy, bắt đầu từ đơn vị 1 rồi tới 3, 2 và 4. Hai đơn vị 5 và 6 cũng đang trong tình hình khó khăn.
Những vụ nổ đã làm hư hại tới vòng ngoài là căn nhà đặt các lò nguyên tử. Vòng bảo vệ chính bằng thép dầy và bê-tông bao bọc các lò chưa bị hư hại dù có trường hợp xảy ra nổ phía bên trong. Vỏ của các lò cũng vẫn còn bền vững, do đó những chuyên viên tin tưởng là có thể tiếp tục bơm nước lạnh vào lõi lò để làm giảm nhiệt độ quá cao.
Nhưng nếu cuối cùng đi tới trường hợp tệ hại nhất là không thể hạ được nhiệt độ bên trong ruột lò thì các thanh nhiên liệu sẽ bị phơi trần ra khỏi lớp nước bao quanh và đi đến, tình trạng gọi là “melting down.” Lớp vỏ bọc của các thanh nhiên liệu làm bằng kim loại zirconium sẽ nóng chảy rồi cháy - zirconium fire - và mức phóng xạ sẽ lên cao gấp hàng ngàn lần gây nên một thảm họa nguyên tử khủng khiếp.
Các giới chức của TEPCO, công ty điện lực sở hữu các nhà máy điện nguyên tử Fukushima nói rằng sẽ sử dụng trực thăng để tưới nước lạnh xuống qua lỗ hổng rộng 26 feet ở tòa nhà đặt lò phản ứng số 4. Bể thu hồi, nằm phía bên ngoài vỏ lò, chứa những thanh nhiên liệu đã dùng hết nhưng vẫn còn khả năng phóng xạ và khi bị nóng sẽ tạo phản ứng phát sinh hydrogen gây ra nổ. Việc này sẽ chỉ có thể làm trong một vài ngày tới khi mức phóng xạ đã giảm không gây nguy hiểm cho phi hành đoàn trực thăng. Trong khi đó việc bơm nước biển vẫn được tiếp tục trong nỗ lực làm nguội lò phản ứng.
Biến cố nguyên tử đang xảy ra ở Nhật Bản cho đến nay chưa tới mức độ nguy hiểm nhưng đã làm toàn thế giới quan tâm, nhất là ở những nước đã có hay sẽ xây dựng các nhà máy điện nguyên tử.
Các nước Âu Châu trong số có Pháp là quốc gia mà 75% điện lượng sản xuất từ những nhà máy nguyên tử đang theo dõi sát tình hình để tìm phương cách hành động thích ứng. Thụy Sĩ tạm cho ngưng kế hoạch xây nhà máy điện nguyên tử mới. Thủ tướng Ðức, bà Angela Merkel cho lệnh tạm ngưng hoạt động 7 nhà máy đã xây dựng từ trước năm 1980 để kiểm tra lại tình trạng an ninh.
Trung Quốc hiện có 13 nhà máy điện nguyên tử và đang tiến hành dự án xây dựng thêm 25 nhà máy khác từ nay đến năm 2020, nói rằng sẽ tiếp tục như kế hoạch và rút kinh nghiệm Nhật Bản để thực hiện những biện pháp an toàn chặt chẽ.
Kế hoạch $150 tỷ phát triển điện nguyên tử của Ấn Ðộ lâm vào tình thế khó có thể thực hiện đầy đủ với những sự chống đối từ trước và được tăng cường do vụ khủng hoảng ở Nhật. Các quan sát viên cho rằng chương trình này sẽ phải chậm lại ít nhất là 10 năm. Hôm Thứ Ba, dân chúng Ấn Ðộ biểu tình phản đối một nhà máy điện nguyên tử đang được xây dựng ở Jaitapur.
Hoa Kỳ có 104 nhà máy phát điện nguyên tử. Riêng California là tiểu bang nhiều động đất nên có những dư luận lo ngại về nhà máy San Onofre. Tuy nhiên những giới chuyên môn giải thích rằng hiểm họa động đất - sóng thần tại California khác hẳn với Nhật Bản. Hơn nữa nhà máy San Onofre đã có đủ biện pháp đề phòng như thiết kế chịu đựng được động đất mạnh 7.0 độ và một bức tường cao ngăn sóng thần,
Bộ Trưởng Năng Lượng Steven Chu nói với các phóng viên là chương trình điện nguyên tử của Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục xúc tiến với tất cả các sự cân nhắc thận trọng cũng như sử dụng kỹ thuật tân tiến và rút kinh nghiệm từ bài học Nhật Bản. Lò phản ứng nguyên tử của nhà máy Fukushima I do công ty General Electric chế tạo cách đây gần nửa thế kỷ và bây giờ được coi như đã lỗi thời. (HC)
-----------


Thiên tai ở Nhật và nguy cơ phát tán phóng xạ của các nhà máy điện hạt nhân
2011-03-14

Thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản từ hồi thứ sáu tuần qua cũng dẫn đến sự cố tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima của Nhật.

Những quan ngại về một thảm hoạ rò rĩ phóng xạ cho Xứ Phù Tang, nơi từng phải gánh chịu hai quả bom nguyên tử hồi năm 1945, dấy lên một làn sóng chỉ trích từ phiá chống xây dựng những nhà máy điện hạt nhân.
Nhân các diễn biến vừa nói, trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này, Gia Minh hỏi chuyện một chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực nguyên tử và môi trường tại Hoa Kỳ, ông Phùng Liên Đoàn, về tình hình liên quan. Trước hết ông cho biết:


Biện pháp phòng ngừa thảm họa phát tán phóng xạ

Ông Phùng Liên Đoàn: Trước hết tôi muốn nói nhà máy Fukushima đã cũ rồi, và ở đó chỉ có một nhà máy với bốn lò phản ứng hạt nhân. Hiện có hai lò phản ứng có vấn đề, và thông tin tôi nghe được nói đã cho sơ tán người dân sống quanh đó.
Trận động đất, và sóng thần sau đó khiến cho hệ thống an toàn của nhà máy bị hư hại, không thể bơm nước vào tâm lò.
Hình chụp nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima

Hình chụp nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima bị hư hại vì trận động đất hôm 12/03/2011. AFP

Nhà máy sẽ tự động ngưng hoạt động khi có động đất. Tuy vậy khi lò ngưng hoạt động, nhưng tại tâm lò nơi nguyên tử hoạt động vẫn còn rất nóng, những thanh nhiên liệu vẫn còn nóng, có thể nóng hơn 6% so với bình thường. Vì thế cần có nước luôn chảy trong tâm lò, thì những thanh nhiên liệu đó mới có thể nguội đi được. Khi xảy ra động đất làm cho những máy ‘cấp cứu’ bơm nước vào tâm lò bị hư haị, trong lò chỉ còn nước ở các bình sôi trong đó mà thôi.
Như vậy có thể mất nước đi, và một vài thanh nhiên liệu bị thiếu nước. Những chỗ thiếu nước như thế có thể bị nóng chảy ra, và hiện tượng nhiều chất phóng xạ có thể thoát ra ngoài.
Gia Minh: Khi xây dựng một nhà máy điện nguyên tử, người ta có thể hình dung ra trước những khả năng đó?
Ông Phùng Liên Đoàn: Chắc chắn như thế rồi, khi xây dựng nhà máy điện nguyên tử đều có tiến đoán trước hết những tình huống như thế. Bởi vậy có nhiều thiết bị an toàn…có những bình điện sẵn để các máy cấp cứu bơm nước. Thế nhưng khi đường dây bơm nước hay máy cấp cứu bị hư hại bởi một trận động đất ghê gớm như thể, có thể có trường hợp không thể bơm nước vào tâm lò được.

Tuy nhiên, đối với nhà máy Fukushima, người ta đã thiết kế xây dựng có thể chống chọi được với động đất đến 9 độ Richter.  Do đó, chúng tôi không lo ngại có những tai nạn xảy ra nhiều hơn.
Gia Minh: Như ông nói có dự kiến, nhưng này sự việc xảy ra dường như vượt khỏi khả năng kiểm soát?
Ông Phùng Liên Đoàn: Không vượt khả năng kiểm soát đâu. Vì khi dự đoán, ngươì ta đã có những bộ phận an toàn, và sự chống chọi của con ngươì nữa. Tôi còn nghe nói người ta bơm nước biển vào trong một lò. Hoa Kỳ cũng mang thêm nước đặc biệt đến những lò còn lại. Theo tôi, tất cả đều trong dự đóan chứ không phải ngoài dự đoán.
Gia Minh: Mức phóng xạ thoát ra ngoài được nói cao gấp nhiều lần mức cho phép; theo thì vấn đề ra sao và tác hại sau này thế nào?
Ông Phùng Liên Đoàn: Thực sự phóng xạ thoát ra cao hơn mức bình thường; tuy nhiên so sánh với những thiệt hại do
AFP
Bản đồ khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất ở Nhật hôm 11-3-2011. AFP
động đất và sóng thần vừa qua có thể ví như con kiến với cái nhà vậy. Cần hiểu rằng nguy hiểm do phóng xạ thoát ra hiện nay tại đó là rất nhỏ, vô cùng nhỏ.
Vấn đề còn có xảy ra nữa hay không? Đó là điều người ta đang lo. Nếu tâm lò không được nước làm nguội đi, dần dần sẽ nóng chảy. Khi nóng chảy tất cả sẽ phát ra phóng xạ rất lớn. Vì thế, công việc quan trọng nhất bây giờ là phải tiếp tục cho nước vào tâm lò.
Việc đưa nước biển vào tâm lò là biện pháp cuối cùng, vì khi cho nước biển vào tâm lò như thế, lò đó phải bỏ đi không sử dụng được nữa. Lò đáng giá 1 tỷ đô la hoàn toàn bỏ đi. Khi cho nước biển vào, tất cả những chất sắt làm bao cho nhiên liệu, bình chứa tâm lò bị hỏng không dùng được nữa. Tại lò này tôi bảo đảm không lo gì nữa về phóng xạ.
Quan ngại là những lò đang được đưa nước lọc tinh khiết 100% vào tâm lò.  Sử dụng loại nước này để làm nguội các thanh nhiên liệu, sau một hai tháng, hay một hai năm lò có thể sử dụng lại được.


Lợi và hại của các nhà máy điện nguyên tử

Gia Minh: Đánh giá giữa lợi hại ra sao?
Ông Phùng Liên Đoàn: Nếu nhà máy Fukushima là nhà máy mới trị giá 4-5 tỷ đô la, đó là một thiệt hại ghê gớm; tuy nhiên đây là một nhà máy cũ hoạt động 40 năm rồi. Khi xây dựng nhà máy như thế, ngươì ta tính sau 30 năm có thể hoàn toàn thu lại vốn.

Suốt những năm qua nhà máy đã mang lại lợi ích cho các công ty và dân Nhật rồi. Nếu không có động đất chỉ vài năm nữa, nhà máy đó phải thay đổi, sẽ có những nhà máy mới khác ra đời hoạt động. Ví dụ như cái nhà đã xây 40 năm rồi, do bão gây thiệt haị thì không bằng một nhà máy mới.
Gia Minh: Qua sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima, người ta liên hệ đến những nhà máy điện nguyên tử của các nước khác đang tiến hành xây dựng, nhất là nhà máy nằm trong khu vực nguy cơ động đất ảnh hưởng, như ở Việt Nam; ông thấy Việt Nam cần làm gì về mặt an toàn cho nhà máy?
Ông Phùng Liên Đoàn: Những nhà máy nguyên tử hiện đại luôn có an toàn ngày càng tốt hơn. Nhà máy Fukushima xây dựng cách đây 40 năm, dù đang có những cảnh báo về an toàn, nhưng so với những mối nguy khác thì nguy cơ của nhà máy này vẫn quá nhỏ. Ví dụ, một con người ở đó có bị phóng xạ, so với những ngươì bị trôi, bị cháy thì vẫn nhỏ bé thôi.
Những đám cháy đang lan rộng ở thành phố Natori
Những đám cháy đang lan rộng ở thành phố Natori, tỉnh Miyagi . AFP
Khi xây nhà máy mới, ngươì ta có những biện pháp an toàn, biện pháp cuối cùng để không thể xảy ra những tai nạn như Chernobyl tại Nga hồi năm 1986.

Gia Minh: Vậy đề nghị của ông đối với Việt Nam thế nào?
Ông Phùng Liên Đoàn: Cần phải có đội ngũ chuyên gia đuợc huấn luyện thật tốt. Việt Nam cần phải mua nhà máy của nước ngoài.
Đối với Việt Nam, vấn đề luôn là con người. Vì Việt Nam chưa có truyền thống có thể ‘bảo trì’ công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, Việt Nam cần có con ngươì được huấn luyện. Mà không riêng ngành điện nguyên tử, mà trong các ngành khác nữa như xe hơi, đường sắt…
Họ cũng phải được rèn luyện tư cách, và suy nghĩ cách làm việc sao cho an toàn. Đó là điều quan trọng nhất.
Gia Minh: Cám ơn Ông.
Nhật đối diện thảm họa rò rỉ phóng xạ
2011-03-15

Sau động đất và sóng thần người dân Nhật Bản đang đối diện với một thảm họa mới có thể xảy ra đó là rò rỉ phóng xạ từ các vụ nổ nhà máy điện hạt nhân.

Mặc Lâm phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Đình Đăng, đang làm việc tại viện RIKEN, Viện nghiên cứu Lý-Hóa hàng đầu thế giới tại Nhật Bản để biết thêm chi tiết.

Mặc Lâm: Thưa TS, là người đang sống và làm việc tại Nhật ông có thể kể lại những gì ông chứng kiến trong vài ngày qua, trong thảm họa động đất và sóng thần tại đây hay không?

Nguyễn Đình Đăng: Ở Tokyo tôi thấy một tòa nhà lớn cạnh đài truyền hình nằm bên bờ vịnh Tokyo bốc cháy và ngay trên TV nó lan ra nhanh như thế nào và khói đen nó che cả bầu trời. Tại Iwate là nơi gần trung tâm động đất, cách Tokyo khoảng hơn 240 cây số sóng thần dâng lên cao tới 10 mét trông như một trận đại hồng thủy rất khủng khiếp, hơn tất cả những gì tôi thấy trong phim Holywood.

Mặc Lâm: Là một chuyên gia về vật lý ông nhận xét thế nào về vụ nổ tại tỉnh Fukushima? Theo ông thì Nhật sẽ phải đối phó với những gì tiếp theo sau đó?

Nguyễn Đình Đăng: Trước hết tôi xin phép được cải chính ngay là hai vụ nổ tại Fukushima cách Tokyo 240 Km không phải là nổ nhà máy điện hạt nhân. Ở trong nước tôi thấy báo chí chạy cái tít là nổ nhà máy điện hạt nhân thì nghe kinh khủng quá! Thực chất là nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima nó có hai tổ hợp mỗi tổ hợp có ba lò phản ứng. Vụ nổ thứ nhất xảy ra váo chiều thứ Bảy 12 tháng 3 tại tòa nhà bao bọc lò phản ứng số 1 còn vụ nổ thứ hai thì xảy ra vào sáng nay, Thứ Hai ngày 14 tháng 3 tại lò phản ứng số 3.

Cả hai vụ nổ này xảy ra do khí Hydro thoát ra từ lò do vỏ bọc các thanh nhiên liệu trong lò bị hỏng vì nhiệt độ quá cao gây phản ứng thoát ra khí Hydrogen. Khi Hydrogen kết hợp với Oxygen trong khí quyển thì nó tạo ra phản ứng cháy và vì thế làm nổ tung bức tường và mái của tòa nhà này. Tòa nhà này chỉ có tác dụng che mưa nắng cho lò phản ứng khỏi mưa gió mà thôi chứ còn không có cái lò phản ứng nào bị nổ cả.

Ngay sau hai vụ nổ người ta thấy các nguyên tố phóng xạ lại giảm đi so với trước. Mật độ phóng xạ không tăng lên. Vào sáng Chủ Nhật phóng xạ bên ngoài nhà máy hơn 1.000 microsieverts, tức là hơn gấp đôi mức bình thường cho phép trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên một giờ sau thì con số giảm xuống còn 70 microsieverts thôi. Có 200 ngàn người dân đã được sơ tán ra khỏi khu vực cách xa từ 20 Km.

Hiện nay việc khó nhất của chính quyền và người trách nhiệm thì họ phải làm cách nào đó làm lạnh các lò phản ứng. Người ta đã bơm nước làm nguội lò số 1 và số 3. Đây là biện pháp cuối cùng vì khi làm việc này thì kể như những lò phản ứng này sẽ vĩnh viễn đóng cửa. Nước Nhật đã ban bố tình trạng hạt nhân khẩn cấp và ngày hôm nay họ đã ban bố lịch cắt diện luân phiên trên toàn vùng Kanto.


Tâm lý người dân

Mặc Lâm: Tinh thần dân chúng đối phó với thảm họa này ra sao?

Nguyễn Đình Đăng: Theo quan sát của tôi thì tôi thấy là tin tức họ cập nhật từng phút trên tất cả các kênh TV liên tục từ thứ Sáu đến giờ. Họ cung cấp cho người dân rất đầy đủ tin tức về động đất. Người Nhật họ rất bình tĩnh, trong lúc khó khăn có thể nói giống như ngày tận thế thì người Nhật bình tĩnh đối mặt với thảm họa và rất lịch sự. Ngay cả trong lúc khó khăn họ vẫn giữ phẩm chất và giữ trật tự, rất tử tế với nhau.

Ở trên TV tôi thấy những người mất nhà mất cửa, có những cảnh rất cảm động ví dụ như những người phụ nữ họ nhận những gói cơm nắm của người cứu hộ đưa cho thì trong bóng tối tôi thấy họ vẫn cúi rạp người xuống cám ơn, mặc dù trong bóng tối không ai thấy hành động này cả.

Mặc Lâm: Còn về phía chính phủ thì sao thưa TS?

Nguyễn Đình Đăng: Từ hôm thứ Sáu đến giờ coi như họ làm việc 24/24. Toàn bộ từ Thủ Tướng đến Bộ trưởng, họ ăn mặc những bộ quần áo bảo hộ lao động, trả lời họp báo. Cứ bật TV lên là thấy họ xuất hiện trả lời các câu hỏi của truyền thông, đưa ra những chỉ thị...nói chung họ làm việc rất tận tụy.

Mặc Lâm: Người Việt tại Nhật đã phản ứng ra sao sau khi động đất xảy ra?

Nguyễn Đình Đăng: Tôi cũng không được biết nhiều vì ở trong vùng Tokyo và ngay chỗ làm việc của tôi thì có ít người Việt nhưng theo tôi biết thì rất nhiều người Việt đã mua vé máy bay để về Việt Nam tạm thời lánh nạn dịp này, vì vậy vé máy bay từ Nhật về Việt Nam đã bán hết và mua rất khó. Tôi cũng biết có một số người Việt Nam ở tỉnh Fukushima gần nhà máy điện hạt nhân đã di tản an toàn về Tokyo.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

------------------

Công nhân nước ngoài được lệnh rời xa khu vực nhà máy điện Fukushima

Chính phủ Pháp cho rằng Nhật đang mất khả năng kiểm soát tình hình nhà máy điện hạt nhân Fukushima và hối thúc công dân của mình đang sống tại Nhật nên rời khỏi nước này hoặc chuyển về vùng phía Nam.
Tuy nhiên nước Pháp chưa có lệnh sơ tán chính thức.
Máy bay của Chính phủ đã quay trở về Pháp ngày hôm nay, chở theo 300 công dân nước mình, chủ yếu là những trường hợp ưu tiên như trẻ em và phụ nữ mang thai. Đồng thời các tuyến hàng không Paris – Tokyo cũng tăng cường số ghế cho hành khách.
Trong khi đó, Úc đề nghị các công dân nước mình đang sống tại Nhật nếu không giữ những chức vụ quan trọng nên rời khỏi Tokyo.
Còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo công dân nước mình đến Nhật Bản. Anh cũng yêu cầu các công dân nước mình không nên đến Nhật nếu không có những việc thật sự cần thiết. Canada cảnh báo dân nước mình tránh xa 20 km khỏi khu vực nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Các nước khác như Croatia, New Zealand, Phillipnes, Slovakia, Hàn Quốc cũng đều khuyến cáo công dân nước mình nên rời khỏi vùng nhiễm xạ, đến khu vực miền Nam hoặc không nên đến Nhật Bản tại thời điểm này.

--------------------------

Tin liên quan:


No comments:

Post a Comment

Enter you comment ...